Thấy gì từ quan hệ Việt Nam và Trung Quốc

Leave a Comment

 Thấy gì từ quan hệ Việt Nam và Trung quốc sau chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình tới Việt Nam

Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình tới Việt Nam ngày 12 đến ngày 13/12/2023 là một sự kiện quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với quan hệ hai nước. Chuyến thăm đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thể hiện sự coi trọng cao độ của Đảng, Nhà nước Trung Quốc đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Qua báo chí Việt Nam, Trung Quốc và các hãng tin lớn như CNN, Bloomberg, The New York Times,... tôi thấy tất cả đều nhận định chuyến thăm này đã góp phần tăng cường quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam, một quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới và một quốc gia đang trỗi dậy có vị trí chiến lược quan trọng ở Đông Nam Á. Chuyến đi cũng thể hiện Trung Quốc muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam để duy trì ảnh hưởng của mình trong khu vực.
Về mặt chính trị, chuyến thăm đã khẳng định mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường tin cậy chính trị, tăng cường giao lưu và hợp tác trên các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Về mặt kinh tế, chuyến thăm đã thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước, nhất là trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, năng lượng, công nghệ, du lịch. Hai bên đã ký kết 36 văn bản hợp tác, trong đó có 13 văn bản hợp tác kinh tế.
Về mặt ngoại giao, chuyến thăm đã góp phần nâng cao vai trò của Việt Nam và Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới. Hai bên đã nhất trí phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề khu vực và quốc tế, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.
Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình tới Việt Nam đã mở ra một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ giữa hai nước. Lần đầu tiên, hai bên đã thống nhất xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại.
Theo các hãng thông tấn phương Tây đánh giá, trong tuyên bố chung, có một số điểm dáng chú ý như hai nước thúc đẩy tăng cường hợp tác an ninh, quốc phòng, chống khủng bố,... Điều này cho thấy sự tin cậy lẫn nhau trong quan giữa hệ hai nước. Hai nước cũng thẳng thắn trao đổi xử lý các vấn đề tranh chấp, nhất trí duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông, đồng thời tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các vấn đề tranh chấp.
Đặc biệt là về vấn đề kinh tế, Trung Quốc muốn có một bước tiến thực chất so với các đối tác kinh tế của Việt Nam như Mỹ và phương Tây đã hành động trong thời gian gần đây, bằng việc liên kết tiềm năng kinh tế giữa hai nước. Trước mắt, Sáng kiến “Hai hành lang, một vành đai” được ông Tập đưa ra từ năm 2004, năm 2017 gồm hai hành lang kinh tế “Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng”, hành lang “Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng” và “Vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ” được hiện thực hóa, nhằm thúc đẩy hợp tác hai bên trên nhiều lĩnh vực.
Cần phải thấy Trung quốc bây giờ mới chạm tới mục tiêu đề ra gần 20 năm trước. Và Việt Nam thời điểm này mới vượt qua được chính mình, không còn lo ngại về ‘bẫy nợ” và lo ngại về an ninh, bởi vì con đường tơ lụa trên biển nằm trong Sáng kiến của Trung Quốc đi qua Biển Đông, một vùng biển quan trọng, ảnh hưởng đến an ninh và phát triển của Việt Nam, cũng như hoà bình, ổn định ở khu vực. Vì vậy Việt Nam trong những năm qua không mặn mà với đề xuất của Trung Quốc.
Trong chuyến thăm này hai bên đã thống nhất triển khai viện trợ không hoàn lại của Trung Quốc cho tuyến đường sắt tiêu chuẩn quốc tế Lạng Sơn, Hà Nội, Hải Phòng. Hai bên cũng thống nhất nâng cấp đường sắt tiêu chuẩn Lào Cai, Hà Nội, Hải phòng. “Hai hành lang” này tương lai gần sẽ được kết nối với đường sắt cao tốc Trung Quốc, hướng tới việc phát triển mạng lưới trên đất liền và biển nối với khu vực Đông Nam Á, Trung Đông và châu Âu.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội trên, quan hệ Việt Nam và Trung Quốc cũng phải đối mặt với một số thách thức, cụ thể: (i) Vấn đề Biển Đông vẫn là một thách thức lớn đối với quan hệ hai nước. (ii) Sự thâm hụt thương mại ngày càng lớn giữa hai nước, thâm hụt 30 đến 40 tỷ USD thậm chí nhiều hơn nữa trong những năm tới, có nguy cơ Việt Nam bị phụ thuộc nhiều vào kinh tế Trung Quốc. (iii) Sự khác biệt về lịch sử, văn hóa và lối sống cũng có thể là những thách thức đối với quan hệ hai nước.
Trong những thách thức trên, thách thức lớn nhất là vấn đề Biển Đông. Tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc đã diễn ra từ nhiều năm nay. Đây là một vấn đề phức tạp và nhạy cảm, có thể dẫn đến xung đột bất cứ lúc nào, giống như năm 1974 Trung Quốc đánh chiếm đảo Phú Lâm từ chính quyền Sài Gòn, giống như năm 1988 Trung Quốc đánh chiếm 5 đảo từ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Liệu hai bên có thể tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề tranh chấp? Theo tôi các kịch bản xung đột có thể diễn ra như sau:
Kịch bản 1: Xung đột cục bộ
Kịch bản này xảy ra khi hai bên có hành động khiêu khích, gây hấn lẫn nhau ở khu vực tranh chấp giống như trong thời gian vừa qua. Ví dụ, Trung Quốc có thể tiếp tục đưa giàn khoan đến vùng biển gần các đảo của Việt Nam, hoặc Việt Nam có thể tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát ở các vùng biển gần các đảo của Trung Quốc đã chiếm đóng. Trong trường hợp này, xung đột có thể xảy ra ở quy mô nhỏ, với các hành động như va chạm tàu thuyền, nổ súng cảnh cáo, hoặc thậm chí là giao tranh quân sự. Xung đột cục bộ có thể gây ra thiệt hại về người và của cho cả hai bên, nhưng khó có khả năng leo thang thành chiến tranh toàn diện.
Kịch bản 2: Xung đột lan rộng
Kịch bản này xảy ra khi xung đột cục bộ không được kiểm soát, hoặc khi một bên có hành động gây hấn nghiêm trọng đến lợi ích của bên kia. Ví dụ, Trung Quốc có thể sử dụng vũ lực để ngăn chặn tàu của Việt Nam tiếp cận các đảo của mình, hoặc Việt Nam có thể tấn công các giàn khoan của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp. Trong trường hợp này, xung đột có thể lan rộng sang các khu vực khác, thậm chí là đất liền. Xung đột lan rộng có khả năng gây ra thiệt hại nặng nề về người và của, và có thể dẫn đến chiến tranh giữa hai bên.
Kịch bản 3: Chiến tranh toàn diện
Kịch bản này xảy ra khi hai bên sử dụng vũ lực quy mô lớn để giải quyết tranh chấp. Chiến tranh toàn diện có thể gây ra thiệt hại và thương vong khủng khiếp, và có thể ảnh hưởng đến an ninh và ổn định của khu vực và thế giới. Khả năng xảy ra chiến tranh toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc là rất thấp, nhưng không thể loại trừ hoàn toàn. Kịch bản này có thể xảy ra nếu hai bên mất kiểm soát, hoặc nếu một bên tin rằng chiến tranh là cách duy nhất để đạt được mục tiêu chiến lược của mình, nhất là với Trung Quốc, muốn biến Biển Đông thành ao nhà mình, lật đổ vị thế của Mỹ để vươn lên thành siêu cường số 1 thế giới.
Cả Việt Nam và Trung Quốc đều có lợi ích kinh tế từ việc hợp tác với nhau. Kim ngạch thương mại hai bên lên năm nay đến gần 200 tỷ USD. Tiềm năng đầu tư thương mại giữa hai nước còn rất lớn. Nếu hai bên nhận thức được tầm quan trọng của hợp tác, thì khả năng xảy ra xung đột sẽ thấp.
Để giảm thiểu khả năng xảy ra xung đột, Việt Nam và Trung Quốc cần nỗ lực giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Hai bên cần tăng cường trao đổi, hợp tác, và tôn trọng lẫn nhau. Ngoài ra, các nước khác trong khu vực và thế giới cũng cần đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy giải quyết hòa bình tranh chấp. Để vượt qua những thách thức này, hai bên cần tiếp tục tăng cường sự tin cậy chính trị, tăng cường giao lưu và hợp tác trên các lĩnh vực, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích chính đáng của nhau. Nhìn chung, chuyến thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đi vào chiều sâu, không né tránh thách thức, góp phần tăng cường quan hệ song phương giữa hai nước trong thời gian tới.
Read More

Đằng sau vẻ đẹp sắc trắng của núi rừng Tây Bắc

Leave a Comment

 Mộc Châu, Sơn La, đằng sau vẻ đẹp sắc trắng của núi rừng Tây Bắc

Đoàn chúng tôi dừng chân ở Mộc Châu đúng vào dịp Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, Sơn La được thế giới vinh danh là điểm đến thiên nhiên hàng đầu của khu vực châu Á Thái Bình Dương. Đây là địa điểm quen thuộc, yêu thích khi chúng tôi chia tay sau 9 ngày rong ruổi trên đất nước Lào.
Cánh lính yêu thơ làm nhiệm vụ quốc tế ở thượng Lào, đến địa phận này vẫn đọc lại những câu thơ quen thuộc: Người đi Châu Mộc chiều sương ấy/Có thấy hồn lau nẻo bến bờ/Có nhớ dáng người trên độc mộc/Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.
Thủa mười tám đôi mươi chúng tôi chưa biết đến Đà Lạt nên không gọi Mộc Châu là Đà Lạt của Tây Bắc như giới truyền thông vẫn thường cổ súy. Chỉ biết nơi đây được ôm ấp bởi hai dòng sông, sông Đà và sông Mã, khí hậu mát mẻ quanh năm. Nơi đây có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, mỗi mùa đều mang một vẻ đẹp riêng đầy mới lạ. Nơi đây khi mới nhập ngũ anh em chúng tôi được bà con hồ hởi chào đón, được đưa về ở trong những ngôi nhà sàn của người Mường, người Thái trong thời kỳ huấn luyện trước khi đị B (đi Nam), đi C (đi Lào)
Mộc Châu ngày ấy rất hoang vu. Chúng tôi đi bộ hàng giờ, thậm chí nhiều giờ không thấy một nóc nhà. Quá vắng vẻ! Nó gợi cho bao chàng trai sống trong môi trường mới đôi khi cảm thấy buồn, xa vắng, heo hút đến đơn côi…
Nhưng bù lại, cảnh quan, thiên nhiên Mộc Châu rất đẹp. Xuân về, nơi đây như khoác lên mình chiếc áo xanh non mơn mởn của những đồi chè xanh mướt hút tầm mắt. Những đồi vườn hoa mận, hoa mơ nhuộm trắng đất trời, phủ trắng ngần hai bên đường vào các bản làng. Cùng với màu trắng hoa mận, hoa mơ là màu phấn hồng mỏng manh dịu dàng, của hoa đào rừng, hoa đào mèo, loài hoa mang vẻ đẹp hoang dã đặc trưng của vùng cao trải dài các thung lũng, các triền đồi núi. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất vẫn là hoa ban. Khi mới nở, hoa có màu tím sau đó dần chuyển sang hồng nhạt và cuối cùng là màu trắng. Vẻ đẹp của hoa ban trong làn sương mờ gợi cho người ta liên tưởng đến vẻ đẹp của người con gái vùng cao, giản dị và thuần khiết.
Tôi cảm nhận một trong những nét đẹp đặc trưng của Mộc Châu là nét đẹp của các sắc độ mầu trắng. Cái màu trắng mênh mông của hoa, của sương mù đất trời thể hiện rõ nhất khi vào mùa đông, khi những đợt gió lạnh đầu mùa ùa đến, những bông hoa cải đầu tiên hé nở, rồi cả một vùng mênh mông bát ngát hoa cải trắng ngà nở rộ. Ở một số nơi, hoa cải chìm ngập trong những thung mây. Và rồi đông chí đến, những ngọn núi cao được bao phủ bởi một màu trắng tinh khôi của tuyết. Những ngọn núi trập trùng, những bản làng vùng cao tuyết trắng xóa sau một đêm như trong cõi mơ, một cảnh tượng kỳ thú với cánh lính miền xuôi…
Đến ngày hôm nay Mộc châu đã thay đổi nhiều quá. Chúng tôi biết đến một Mộc Châu mới với rất nhiều những danh lam thắng cảnh như: Thác Dải Yếm, Ngũ Động Bản Ôn, Rừng thông Bản Áng, Đồi chè, Đỉnh Pha Luông, Cầu kính Bạch Long, cùng với nhiều địa danh khác mang trong mình những vẻ đẹp thiên tạo, nhân tạo riêng, góp phần tô điểm thêm cho bức tranh thiên nhiên tươi đẹp của của vùng sơn cước.
Trong chuyến đi lần trước, chúng tôi đã có dịp lên Đỉnh Pha Luông. Mặc dù không cao hay hùng vĩ như những ngọn núi vùng cao Tây Bắc khác, nhưng đỉnh Pha Luông cao hơn 2000m được ví như “nóc nhà của Mộc Châu”. Gặp lúc trời mưa lại nhớ đến câu thơ “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. Câu thơ càng ngẫm càng thấy hay. Tôi thấy đâu đó xa xa trong làn mưa, những ngôi nhà thấp thoáng ở lưng chừng núi tạo nên cái ấm áp và sức sống trên con đường hành quân hẻo lánh của những người lính năm xưa. Có cái gì đó rất gắn bó thân thương với chúng tôi. Đỉnh Pha Luông được xem là ranh giới tự nhiên giữa hai nước Việt Nam và Lào. Trên đỉnh núi này chúng tôi có thể quan sát toàn cảnh núi rừng hùng vĩ, những bản làng và thảm thực vật của hai quốc gia Việt Nam, Lào…
Chúng tôi đến thăm lại những Đồi chè, Đồi chè Trái Tim thị trấn Nông Trường Mộc Châu, đồi chè nổi bật với tạo hình biểu tượng trái tim tình yêu độc đáo. Riêng tôi một tháng trước cùng cánh lính ở quê về thăm lại nơi đóng quân, thăm Rừng thông Bản Áng xã Đông Sang. Rừng thông Bản Áng không còn nét hoang sơ như trước đây nhưng vẫn đẹp và thơ mộng. Đặc biệt là những ngôi nhà sàn xinh xắn, nằm dưới cánh rừng thông bạt ngàn, bên cạnh hồ Bản Áng trong vắt, phẳng như gương. Tôi cũng thăm lại Thác Tạt Nàng, dòng thác đổ nước xuống tựa như một dải yếm nằm ẩn mình sau những thửa ruộng bậc thang xanh rì.
Mới lạ nhất với tôi là Cầu kính Bạch Long, cầu kính được giới thiệu là cầu kính dài nhất thế giới, sử dụng những tấm kính trong suốt làm chất liệu. Khi bước chân lên cầu, tôi có cảm giác bất ngờ giống như mình đang treo lơ lửng giữa không trung. Trên cầu mọi người vừa có thể ngắm nhìn toàn bộ khung cảnh núi non hùng vĩ nghìn thước lên cao với bầu trời trong xanh vừa ngắm nhìn bên dưới sâu thẳm thẳm nghìn thước xuống.
Tôi gợi ý với anh em trong đoàn nên đến thăm Khu Di tích lịch sử Trung đoàn 52 Tây Tiến tại đồi Nà Bó, nơi lưu giữ nhiều kỷ vật quý giá về đoàn binh Tây Tiến trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Anh Nguyễn Quốc Chinh, người lính cao tuổi nhất trong đoàn cho tôi biết Khu di tích lịch sử Tây Tiến được xây dựng năm 2016 bằng tất cả sự kính trọng, lòng biết ơn vô hạn của đồng bào các dân tộc huyện Mộc Châu, của những cựu chiến binh Trung đoàn Tây tiến đối với những người lính nguyện hy sinh tuổi xuân vì độc lập tự do của hai dân tộc Việt Lào. Rất tiếc không còn thời gian nên đoàn phải tạm hoãn lại.
Có thể nói khu di tích này là một công trình kỳ vĩ, độc đáo. Phia trước Đài tưởng niệm là không gian của Khu hoài niệm, đài vọng tưởng được thiết kế bằng kính trong suốt, mở ra một không gian thoáng đãng. Có thể ngắm nhìn toàn cảnh thị trấn, ngắm nhìn núi rừng Tây Bắc. Nếu là người lính chắc sẽ bồi hồi, xúc động ngược dòng thời gian trở về với năm tháng hào hùng, trở về với Trung đoàn Tây tiến, trở về với những chàng trai Hà thành hào hoa, lãng mạn và vô cùng dũng cảm. Đến thăm khu di tích này mọi người sẽ được nghe những vần thơ của Quang Dũng. Giọng đọc thơ của cô thuyết minh người dân tộc vang vọng truyền cảm như khắc tạc vào thời gian, không gian đất trời Tây Bắc: Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/ Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành…
Đêm chia tay nhau ở Châu Mộc, chúng tôi trằn trọc không ngủ được. Mỗi người một tâm trạng riêng. Tôi nhớ lại những câu chuyện Tướng Chu Phương Đới kể khi ông được Quân ủy Trung ương, được Bác Hồ, bác Giáp trực tiếp giao nhiệm vụ huấn luyện Sư đoàn 316 và bảo vệ biên cương (năm 1958 Thượng tá Chu Phương Đới là Sư đoàn phó, tham mưu trưởng sư đoàn 316 tại Mộc Châu, Sơn La. Sau này ông là Phó Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Lào. Vào những năm 1950 ông là một trong những trung đoàn trưởng đầu tiên dẫn quân sang giúp bạn ở Bắc Lào). Tôi nhớ đến những câu chuyện về các cán bộ chiến sĩ, những người còn sống và những người đã mất mà đồng đội nhắc đến trong chuyến đi. Tôi được anh Nguyễn Quôc Chinh cho biết, năm tới quân đội 2 nước tổ chức lễ truy tặng danh hiệu anh hùng cho các đơn vị và cá nhân… Tất cả đều có liên quan một phần đến Châu Mộc, Sơn La. Châu mộc với chúng tôi không chỉ là một địa danh, quê hương của điệu xòe Thái, quê hương của lễ hội cầu mùa, lễ hội cơm mới từng bao bọc chúng tôi trong thời kỳ huấn luyện, Châu Mộc còn là một phần cuộc đời của những người lính chúng tôi.
Read More

Thăm cố đô Luông Phabang

Leave a Comment

 Thăm Cố đô Luông Phabang

Tôi từng nghe một nhà nghiên cứu văn hóa Lào nói "Đến Lào phải đến Luông Phabang, đến Lào mà chưa đến Luông Phabang thì coi như chưa đến Lào”. Lần trước theo đoàn cựu chiến binh 324 đến Lào nhưng không có điều kiện đến Luông Phabang nên tôi có cảm nhận đúng như vậy.
Cố đô Luông Phabang, còn được gọi là Luang Prabang, là một thành phố lịch sử và văn hóa, một thành phố du lịch nổi tiếng của Lào.
Nằm ở khu vực miền bắc đất nước, Luông Phabang đã từng là kinh đô của Vương quốc Lào từ năm 1353 đến năm 1975. Thành phố này được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 1995, nhờ sự kết hợp tuyệt vời giữa các yếu tố văn hóa, lịch sử và kiến trúc độc đáo, nhờ ở vẻ đẹp rất độc đáo, thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa Lào.
Về mặt lịch sử, Luông Phabang đã chứng kiến nhiều thăng trầm và biến động trong suốt chiều dài lịch sử. Từ khi thành lập Luông Phabang đã là trung tâm chính trị, văn hóa và tôn giáo của Vương quốc Lào, kinh đô vương quốc Lan Xang, tồn tại từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XIX. Đây là thời kỳ hoàng kim của Lào, khi đất nước bước vào giai đoạn phát triển rực rỡ về kinh tế, văn hóa và chính trị.
Các di tích lịch sử và kiến trúc độc đáo, nổi tiếng nhất là Hoàng cung Luông Phabang: Nơi ở của các đời vua Lào, được xây dựng từ thế kỷ XIV. Hoàng cung cũng là Bảo tàng Quốc gia, được xây dựng năm 1904, có nhiều hiện vật quý giá có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, tôn giáo; đặc biệt có một viên "thiên thạch" từ mặt trăng cũng được trưng bày trong bảo tàng này.
Giá trị văn hóa của Luông Phabang thể hiện ở việc bảo tồn truyền thống, tôn giáo và phong tục tập quán của người Lào. Thành phố được coi là một trung tâm Phật giáo tiểu thừa (Nam tông) quan trọng và có nhiều ngôi chùa và đền tháp rất đẹp. Những ngôi chùa đẹp khiến chúng ta phải mê mẩn đến ngỡ ngàng bởi nghệ thuật kiến trúc, bởi những bức tượng phật sống động, bởi lối trang trí tỉ mỉ vừa tinh tế vừa tinh xảo. Đó là chùa Phật Ngọc: Ngôi chùa nổi tiếng nhất của Luông Phabang, lưu giữ bức tượng Phật bằng đồng mạ vàng quý giá; chùa Xieng Thong: Ngôi chùa được xây dựng từ thế kỷ XVI, nổi tiếng với kiến trúc độc đáo và bức tường vàng rực rỡ; chùa Vat Visoun: Ngôi chùa được xây dựng từ thế kỷ XVI, lưu giữ nhiều tượng Phật quý…
Luông Phabang cũng là nơi diễn ra nhiều lễ hội và nghi lễ truyền thống, chẳng hạn như Lễ hội Boun Ok Phansa, lễ hội khi đến Lào vào đúng dịp lễ, chúng ta không thể bỏ qua (Lễ hội mãn chay, được tổ chức vào ngày 15/11 Phật lịch. Đây là lễ hội quan trọng của người Lào, đánh dấu sự kết thúc ba tháng mùa chay, thời gian các nhà sư tu tập, không được phép ra khỏi chùa) và Lễ hội Pi Mai nổi tiếng (Lễ hội Té nước vào khoảng trung tuần tháng 4, lễ hội phồn thực năm mới cầu mong nước về, thể hiện ước vọng cuộc sống sinh sôi, đâm chồi, nảy lộc (có nét tương đồng với lễ hội cầu mưa, lễ hội rước nước của Việt Nam). Lễ hội Pi Mai là lễ hội được tổ chức trên toàn quốc trong ba ngày. Du khách hồ hởi chuẩn bị tâm thế ướt sũng khi mọi người dội nước thơm trên đường phố). Hai lễ hội này cùng với một số lễ hội khác được tổ chức mỗi năm, thu hút nhiều khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới.
Luông Phabang thuộc đô thị loại nhỏ, nhưng bình yên đến đáng yêu và kiều diễm đến nên thơ. Có khoảng 410.000 người, thành phố nằm bên bờ sông Mê Kông trù phú và được bao quanh bới những dãy núi xanh thẫm. Nơi đây có khí hậu mát mẻ, cảnh quan tươi đẹp, hòa hợp với những nếp nhà rất đặc trưng của các dân tộc Lào. Những nếp nhà một tầng, hai tầng hòa quyện với thiên nhiên, rợp trong bóng cây cổ thụ, xen kẽ với những ngôi chùa cổ kính. Người ta cũng có thể tham quan Luông Phabang bằng thuyền, để tận hưởng vẻ đẹp của thành phố từ dòng sông Mê Kông.
Đến với Luông Phabang còn là đến với thành phố du lịch. Về đêm, chúng ta được trải nghiệm một thành phố lung linh sắc màu với đèn lồng, thổ cẩm, những con phố dài, uốn lượn bên dòng Nậm Kha hiền hòa. Thành phố chỉ có khoảng 5 con phố chính nên vào buổi tối những con phố này đều tấp nập du khách. Nhất là những con phố liền kề dòng Nậm Khan. Người ta thường tụ tập thưởng thức cà phê, nghe nhạc, uống bia Lào, nhâm nhi chén rượu cùng hương vị món cá lăng Mê kông trứ danh và tận hưởng bầu không khí nên thơ, trong lành.
Đến với Luông Phabang chúng ta không thể không đi chợ đêm để nhìn, ngắm dòng người: Gìa trẻ, nam thanh nữ tú, đặc biệt là các giai nhân trong những bộ đồ lộng lẫy e ấp, tự tin hoặc kiêu hãnh tươi cười đi mua sắm. Chợ dài hàng cây số. Người ta có thể ăn uống vui chới suốt đêm, có thể mua sắm đồ lưu niệm, quần áo, đồ thủ công mỹ nghệ, đồ trang sức bạc vàng... Tuy nhiên, mặt hàng ấn tượng nhất với tôi là thổ cẩm rực rỡ của gần 50 dân tộc Lào. Thổ cẩm Lào thật vô cùng đặc sắc. Tôi có dịp được suy ngẫm và so sánh đường nét, họa tiết, hoa văn Lào với những đường nét họa tiết, hoa văn của các dân tộc tây bắc, các dân tộc phia tây Trường Sơn và Tây Nguyên của Việt Nam. Thật kỳ thú! Có nét văn hóa chung tương đồng, có nét riêng thật kỳ diệu…
Đến với Luông Phabang mà không được trải nghiệm hoạt động “bình minh khất thực” ở thành phố cổ kính này thì thật nuối tiếc. Tôi cố gắng cùng anh em đồng đội dậy sớm để chứng kiến cảnh những nhà sư từ chùa ra đường khất thực. Tôi có cảm giác như được quay trở về quá khứ xa xăm khi Đức Thích Ca Mâu Ni mấy nghìn năm trước dẫn 1250 đệ tử đi khất thực ở kinh thành vua cha. Từng đoàn sư vận áo cà sa vàng, nối tiếp nhau đi thong dong trong màn sương sớm. Những người phụ nữ trong trang phục truyền thống quỳ gối dưới theo hàng để làm lễ khất thực. Tôi thấy cả những người châu Âu da trắng cũng làm lễ khất thực như người dân địa phương (khất thực là một phương thức tu hành có từ thời Thích Ca, để nuôi sống bản thân và mang ý nghĩa di dưỡng tinh thần theo giáo lý phật giáo và phát triển phật giáo. Khất thực cũng là một cách để cưu mang những người kém may mắn trong xã hội ở chùa).
Đến với Luông Phabang còn có nhiều điểm đến thú vị khác. Người ta có thể đến núi Phuo Si, ngọn núi cao nhất có thể ngắm toàn bộ thành phố xinh đẹp. Đến thăm thác Kwang si hùng vĩ, dòng thác đẹp nhất nơi đây…
Tôi khuyên mọi người hãy đến với Luông Phabang! Nơi đây không chỉ thu hút người ta ở nét cổ kính rêu phong, bình yên đến kỳ lạ. Nơi đây còn thu hút hấp dẫn bởi người Lào thân thiện, nói năng nhỏ nhẹ, luôn nở nụ cười trên môi, những con người mang nét văn hóa, triết lý nhân sinh sâu sắc của dòng Phật giáo tiểu thừa.
Đến với Luông Phabang, cuối cùng Tôi phải cảm ơn anh bạn Bùi Minh Sơn, người đã quyết định dành thời gian hướng dẫn để đoàn được trải nghiệm thành phố kỳ diệu này. Có thể nói anh là một cuốn từ điển sống về đất nước Lào. Anh đã chia sẻ với chúng tôi bao điều sâu sắc về cố đô Luông Phabang, thành phố mang trong mình bao giá trị văn hóa và lịch sử đáng kinh ngạc, cùng với vẻ đẹp thiên nhiên và kiến trúc độc đáo.
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.