Thăm phòng lưu niệm kỷ vật chiến tranh của Đại tá Hồ Hữu Lạn

Leave a Comment

 Thăm Phòng lưu niệm kỷ vật chiến tranh của Đại tá Hồ Hữu Lạn

Tôi đến nhà Đại tá Hồ Hữu Lạn trước vài ngày Đảng bộ, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Đăk Glei tổ chức kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đăk Pek (16/5/1974 - 16/5/2024) và đón nhận di tích lịch sử cấp quốc gia Đăk Pek. Đại tá là một trong số hai trung đoàn trưởng trực tiếp chỉ huy đánh trận Đăk Pek nổi tiếng, khai thông tuyến đường Trường Sơn tại cực bắc Tây Nguyên, và ngay sau đó là Chiến dịch Thượng Đức, tạo điều kiện tiền để để Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở Chiến dịch Tây Nguyên tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam năm 1975.
Tôi đến chúc mừng Đại tá Hồ Hữu Lan tại thành phố Vinh, người đã 3 lần trực tiếp chiến đấu, chỉ huy chiến đấu trong 3 chiến dịch và sau đó góp phần vào việc đề xuất, chuẩn bị hồ sơ để nhà nước công nhận 3 địa điểm, cụm địa điểm là di tích lịch sử xếp hạng cấp quốc gia (còn một địa điểm 935-Cốc Bai đang được nhà nước xét duyệt). Nếu được xét duyệt tiếp thì Trung đoàn 3 Sư 324 đã đóng góp tới 4 di tích lịch sử cấp quốc gia. Nếu tôi không nhầm thì trong lịch sử các trung đoàn của quân đội nhân dân Việt Nam, chưa có trung đoàn nào vượt qua được thành tích và vinh dự trên. Thành tích và vinh dự này thuộc về quân và dân các địa phương, trong đó có vai trò của Trung đoàn 3 Sư 324 và cá nhân đại tá Hồ Hữu Lạn.
Đại tá Hồ Hữu Lạn là một cán bộ huy bản lĩnh, có năng lực, mưu trí và sáng tạo, từng tham gia chiến đấu trong nhiều chiến dịch ác liệt của Sư đoàn 324 anh hùng. Với hơn 40 năm gắn bó với các đơn vị từ chiến sỹ đến sư đoàn trưởng, tham mưu phó Quân khu 4, ông đã có cơ hội chứng kiến và trải nghiệm trực tiếp sự anh dũng, kiên cường của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 324 và một số dơn vị khác. Sau chiến tranh, và đặc biệt trong những năm gần đây, ông dành nhiều tâm huyết cho việc sưu tầm, lưu giữ những kỷ vật chiến tranh của đồng đội, đồng chí, của Trung đoàn 3 và Sư 324.
Thăm phòng lưu niệm của Đại tá Hồ Hữu Lạn tôi vô cùng xúc động. Ông dành một căn phòng để trưng bày những kỷ vật. Bước vào phòng lưu niệm, ngay trước mắt tôi là bàn thờ Tổ quốc và hình ảnh Bác Hồ kính yêu, vị Tổng tư lệnh, người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp.
Bên trái phòng lưu niệm là hình ảnh các cán bộ sư đoàn 324, hình ảnh các trung đoàn trưởng. hình ảnh các cán bộ chỉ huy trung đoàn. Bên phải là hình ảnh có liên quan đến cá nhân ông cùng với những bản đồ tác chiến các trận đánh của Trung đoàn 3. Ở chính giữa căn phòng là hàng trăm tập ảnh, hình ảnh, tư liệu, hiện vât, đặc biệt là có một số tác phẩm, tài liệu, sách báo chuyên luận về các chiến dịch, các trận đánh của chính phía kẻ thù. Trong số đó có tấm ảnh của Thiếu tướng, Tiến sỹ khoa học Benjamin L. Harrison, nguyên chỉ huy Lữ đoàn Dù 3, Sư Dù 101, Sư đoàn tinh nhuệ bậc nhất của Quân đội viễn chinh Mỹ hai lần đối đầu trực tiếp với Sư đoàn 324. Ông ta đã đề tặng tấm ảnh cho Thiếu tướng Chu Phương Đới, Tư lệnh Sư đoàn 324 với dòng chữ: Kính tặng Ngài Chu Phương Đới, một chiến binh lỗi lạc trong hai trận đánh A Bia và 935- Cốc Bai với tất cả lòng chiêm ngưỡng, kính trọng. Kẻ thù ca ngợi Tướng Chu Phương Đới hết mức, vậy mà đến giờ ông vẫn chưa được phong tặng danh hiệu anh hùng! Thật khó hiểu!
Bộ sưu tập kỷ vật của Đại tá Hồ Hữu Lạn vô cùng phong phú và đa dạng, bao gồm tư liệu về các chiến dịch, các trận đánh; hình ảnh vũ khí, trang bị: súng, bom, đạn, dao găm, ba lô, mũ, bình nước,... chụp ở chiến trường, hình ảnh chỉ huy các cấp, ảnh đồng đội, đồng chí, danh sách hơn 300 cán bộ chiến sỹ hy sinh trong hai chiến dịch Đăk Pek và Thượng Đức,... Tài liệu nhật ký chiến tranh, thư từ, bản đồ, báo cáo,... Vật dụng cá nhân: sổ tay, bút viết,...
Mỗi kỷ vật của ông đều mang đến cho đồng đội và cá nhân tôi một câu chuyện lịch sử riêng, gắn liền với những chiến công oanh liệt và sự hy sinh to lớn của tập thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 3 nói riêng và Sư đoàn 324 nói chung.
Đại tá Hồ Hữu Lạn đã tâm sự với anh em đồng đội, với cá nhân tôi, thông qua những kỷ vật này, ông muốn trân trọng, gìn giữ ký ức về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà ông và đồng đội đã tham gia từ giữa những năm 1960 đến 30/5/1975. Chiến tranh đã đi qua, nhưng những ký ức về chiến tranh, về lịch sử trung đoàn, sư đoàn và về những đồng đội hy sinh sẽ mãi mãi được ghi nhớ trong lòng vị Trung đoàn trường và những người lính. Bộ sưu tập kỷ vật còn là minh chứng cụ thể, sinh động cho những chiến công oanh liệt của Trung đoàn 3 Sư đoàn 324 và là lời nhắc nhở thế hệ trẻ về truyền thống "Đoàn kết, kỷ luật, dũng cảm, sáng tạo" của quân đội ta.
Bộ sưu tập kỷ vật của Đạ tá Hồ Hữu Lạn và của các cán bộ chiến sỹ thuộc Sư 324 còn là một tư liệu để chỉnh lý lại Lịch sử Trung đoàn 3, Lịch sử Sư đoàn 324. Vì những cuốn lịch sử viết trong giai đoạn trước chưa bao quát được đầy đủ những sự kiện, những con người đã từng làm nên lịch sử trung đoàn, sư đoàn. Việc bổ sung, chỉnh lý lịch sử là việc làm bình thường ngay cả đối với lịch sử của một dân tộc. Bộ sưu tập của ông cũng là nguồn tham khảo cho những nhà nghiên cứu lịch sử, nhà nghiên cứu, các học viện, trường sỹ quan và những người viết kịch bản, đạo diễn chiến tranh tham khảo…
Tôi đánh giá rất cao về ý nghĩa giáo dục của bộ sưu tập đối với con cháu và đối với thế hệ trẻ. Bộ sưu tập kỷ vật là nguồn tài liệu quý giá để giáo dục cho thế hệ trẻ về lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm, ý thức trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc. Qua đó, góp phần bồi dưỡng lòng tự hào dân tộc, ý thức xây dựng bảo vệ đất nước cho con cháu và thế hệ mai sau.
Bộ sưu tập cũng là nguồn gắn kết tình đồng đội, là sợi dây vô hình gắn kết tình cảm giữa các thế hệ cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đoàn 3, Sư đoàn 324. Nhờ vậy, họ có cơ hội gặp gỡ, ôn lại kỷ niệm và chia sẻ những câu chuyện về chiến tranh.
Bộ sưu tầm cá nhân của Đại tá Hồ Hữu Lạn còn là một phần quan trọng trong kho tàng lịch sử của Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 anh hùng. Đây là nguồn tài liệu quý giá không chỉ để nghiên cứu về chiến tranh và giáo dục mà còn thể hiện sự trân trọng, gìn giữ ký ức về chiến tranh và tình cảm gắn bó giữa các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 3 Sư đoàn 324.
Thăm phòng lưu niệm của Đại tá Hồ Hữu Lạn tôi đã đề cập đến vấn đề bảo quản bộ sưu tập một cách cẩn thận để lưu giữ cho thế hệ mai sau. Tôi cũng chia sẻ với ông nên tổ chức các buổi trưng bày, giới thiệu bộ sưu tập để giáo dục cho các trường học xung quanh khu phố và trong thành phố về lịch sử chiến tranh, về truyền thống anh hùng của quân đội. Nên khuyến khích các cựu chiến binh đóng góp thêm những hiện vật và chia sẻ những kỷ vật…
Tôi cho rằng bộ sưu tầm cá nhân của Đại tá Hồ Hữu Lạn và bộ sưu tập của nhiều cán bộ chiến sỹ trong quân đội là một phần trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của đất nước. Xin cảm ơn Đại tá Hồ Hữu Lạn đã cho tôi một buổi chiều ấn tương, đầy ý nghĩa để tôi và các đồng đội sống lại một thời oanh liệt.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.