Thủ trưởng Mai Hiền

Leave a Comment

 Thủ trưởng Mai Hiền

Vào một buổi sáng cách đây khoảng hai chục năm, tôi và cậu tôi có việc đi qua nhà ông Triệu Đình Trụ. Trông thấy ông chủ nhà và một người vận quân phục cũ đang ngồi câu cá, cậu kéo tôi dừng lại: “Huệ này, trông giống Thủ trưởng Mai Hiền lắm. Không biết có phải không. Để cậu thử xem”. Cậu tôi đọc hai câu thơ mà nhiều người lính thuộc Trung đoàn 3 Sư đoàn 324 trong những năm 70 ở Chiến trường Trị Thiên đều biết đến: “Mai Hiền đại tá chưa phong, Cốc Bai chưa rút đừng hòng mà ra”. Đại tá Mai Hiền ngẩng đầu nhìn chúng tôi, nét mặt rạng rỡ: “Các cậu ở Sư 324. Đơn vị nào thế”.
Hôm ấy Đại tá Mai Hiền đến thăm người bạn vào sinh ra tử và cũng là người đã từng cứu ông thoát khỏi lưỡi hái tử thần khi ông bị trọng thương trong Chiến dịch Biên giới năm 1950. Chúng tôi quá bất ngờ. Cùng làng nên biết ông Triệu Trụ từng đi Pháp và có thời gian tham gia kháng chiến. Nhưng điều chúng tôi không ngờ người bạn “phó thường dân” của Thủ trưởng Mai Hiền năm 1939 sang Pháp học Y sỹ. Học xong ông tham gia đoàn quân chiến sỹ quốc tế, theo quân Đồng minh tiến công Phát xít Ý rồi tiến vào Beclin. Kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ 2, ông tham gia hội Việt kiều kín, kéo cờ tại một cơ sở ở Pari nhân Cách mạng tháng Tám thành công. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tạm ước 14/9/1946 nhằm bảo vệ Hiệp định sơ bộ 6/3/1946, cứu vãn Hội nghị Fontainebleau và kéo dài thêm một khoảng thời gian hòa bình quý giá để chuẩn bị kháng chiến, Bác cùng một số trí thức, trong đó có Triệu Trụ trở về nước trên cùng một chuyến tàu…
Ngày 20/10/1946 ông Triệu Trụ gia nhập Vệ quốc đoàn. Sau những ngày chiến đấu ở ô Cầu Dền, Nhà thương Vọng, Việt Nam học xá, Vĩnh Tuy, Yên Phụ trong những ngày toàn quốc kháng chiến tại mặt trận Hà Nội, ông cùng đoàn quân rút lên chiến khu Việt Bắc. Ông được Cục trưởng Cục Quân y Vũ Văn Cẩn phân công nhiệm vụ xây dựng mạng lưới quân y ở Thái Nguyên. Nhưng ông Triệu Trụ thích trở thành một người lính hơn là người phục vụ chiến đấu. Năm 1947, 1948 ông tham gia nhiều trận đánh với đội quân Lê dương của Pháp ở tình Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Mai Hiền và Triệu Trụ đã trở thành những người bạn từ đó.
Tháng 7/1950 họ tham gia Chiến dịch Biên giới, trực tiếp tấn công cụm cứ điểm Đông Khê, một hệ thống phòng thủ của Pháp ở phòng tuyến Cao-Bắc-Lạng. Đông Xuân 1950-1951 tham gia Chiến dịch Trung du. Tháng12/1951- 2/1952 tham gia Chiến dịch Hòa Bình đột phá khu phòng ngự sông Đà, đánh tiêu diệt cụm cứ điểm Tu Vũ. Trong Chiến cục Đông Xuân năm 1953-1954 hai ông đã tham gia hàng chục trận đánh với cương vị chỉ huy trung đội, đại đội, và tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử với cương vị cán bộ chỉ huy tiểu đoàn. Năm 1955 vì lý do gia đình, Triệu Trụ xin phục viên về quê, còn Mai Hiền tiếp tục trong quân ngũ, theo học ở các trường quân sự cấp cao trong, ngoài nước.
Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ khi Thủ trưởng Mai Hiền cho biết ông Triệu Trụ được tặng nhiều giấy khen, bằng khen, 4 huân chương chiến công trong 9 năm kháng chiến cống pháp. Không ai ở làng biết chuyện này. Mọi người chỉ biết ông là một y sỹ giỏi, tận tình chữa trị bệnh cho dân làng từ trẻ đến già trong nhiều năm phụ trách trạm y tế của xã. Ông chỉ chuyên tâm công tác chuyên môn, không tham gia bất kỳ một công tác xã hội nào.
Vì mắc công việc riêng, chuyện xã giao một lúc chúng tôi xin phép hai ông ra về. Thủ trưởng Mai Hiền mời ông Trụ và chúng tôi đến nhà ông chơi vào mấy ngày sau đó. Có lẽ không ở trong quân ngũ những năm chống Mỹ thì chúng tôi không thể lý giải được tình bạn giữa hai người. Hai hoàn cảnh, hai địa vị xã hội, trải qua bao năm tháng thăng trầm nhưng họ vẫn đến với nhau, một vị đại tá, một phó thường dân “khác người, kín tiếng”.
Trong cái cơ chế thị trường đầy biến động này, đồng tiền, địa vị, danh lợi và bao nhiêu mặt trái đáng buồn nổi lên như sóng cồn. Nhưng những con người như họ không bị hoàn cảnh tác động. Tôi được biết khi có công việc to nhỏ, những khi trống vắng họ lại đến với nhau. Khi tôi quay trở về nhà hôm đó vẫn thấy họ ngồi lặng lẽ bên nhau. Trên chiếc bàn nhỏ có hai cốc rượu, một đĩa lạc luộc, một ấm nước vối. Tôi chợt nhớ đến Bài thơ Đồng chí của Chính ủy, Nhà thơ Chính Hữu. Hai, ba cuộc chiến tranh mấy chục năm đã trôi qua, nhưng những người “đồng chí” năm xưa họ vẫn tiếp tục là những người "đồng chí" trong chặng đường cuối của cuộc đời. Tôi ngắm nhìn hai mái đầu bạc trắng muốt, hai khuôn mặt dãi dầu thấp thoáng ánh nắng…
Vào cuối năm 1964, tình hình chính trị ở Lào khá căng thẳng. Theo thỏa thuận của hai đảng, một số lực lượng quân tình nguyện Việt Nam được điều sang giúp bạn. Trung đoàn 9 do Mai Hiền chỉ huy sau một thời gian huấn luyện ở hậu phương được điều đi làm nhiệm vụ quốc tế. Trung đoàn của ông vào chiến trường với khí thế tưng bừng. Mọi người, mọi cấp đều muốn lập công. Chỉ trong hai tháng phối hợp với Quân đội Pathet, đơn vị đã tổ chức nhiều trận phục kích, tập kích, lực lượng phản động tan rã từng mảng. Trên đà thắng lợi, đơn vị quyết định đánh vào Căn cứ Đồng Hến.
Ký ức về trận Đồng Hến cho đến cuối đời Thủ trưởng Mai Hiền vẫn chưa hết nguôi ngoai. Trong trận đánh đó, ông chỉ sử dụng tiểu đoàn 3 cùng 2 khẩu cối 120mm với hơn 300 viên đạn. Qua báo cáo trinh sát, ông và ban chỉ huy trung đoàn cho rằng hỏa lực như thế là quá ổn. Mặc dù Tiểu đoàn 3 là tiểu đoàn mới thành lập nhưng quân số, trang bị khá đầy đủ. Cán bộ chỉ huy lại là những người có kinh nghiệm trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Điều ông không lường hết khi phân đội trinh sát đi thực địa, chuẩn bị cho trận đánh, kẻ địch đã phát hiện được nên tăng cường một chi đội 4 chiếc xe bọc thép và gần một tiểu đoàn bộ binh (điều này sau trận đánh ông mới biết); hai trận địa pháo 105 ở Pha Lan, Sê Nô sẵn sàng chi viện cho căn cứ. Cảm thấy tình hình có chiều hướng bất lợi, ông đã yêu cầu ban chỉ huy tiểu đoàn cân nhắc có nên đánh Đồng Hến ngay hay không. Ông vẫn còn băn khoăn vì địch ở trong lô cốt, có công sự khá vững chắc. Hội nghị Đảng ủy tiểu đoàn 3 mở rộng được triệu tập, bàn bạc xem xét ý kiến của ông, nhưng mọi người vẫn xác định quyết tâm chiến đấu. Hội nghị kết thúc với đa số tán thành. Chỉ huy đơn vị còn chủ quan nhận định: "Địch càng tăng viện, chúng càng bị ta tiêu diệt thêm!". Có lẽ những trận thắng dễ dàng trước đó đã khiến ông xuôi chiều.
Đêm 7/3/1965, tiểu đoàn chiếm lĩnh trận địa theo đúng kế hoạch. Khi triển khai vị trí chiến đấu, mũi 2 tiến công hướng chủ yếu đi lạc đường nhập vào mũi 1, bộ đội dồn lại trên bãi đất trống. Giờ "G" đã đến, hai khẩu cối 120mm bắn cấp tập vào mục tiêu khoảng 40 phút. Đội mở cửa dùng hết bộc phá mà hàng rào kẽm gai vẫn còn (kẻ địch mới bổ sung thêm hàng rào kẽm gai và cự mã sau trinh sát). Mũi xung kích vướng rào không vào được. Hỏa lực của địch trong đồn bắn ra quyết liệt. Pháo của địch ở hai trận địa Pha Lan và Sê Nô bắn dồn dập vào đội hình.
Bộ đội tắc ở địa hình trống trải, không chuẩn bị giao thông hào và công sự, thương vong tăng lên từng giờ. Ban chỉ huy tiểu đoàn lúng túng, tiến không được mà lui thì chưa có lệnh. Cho đến sáng, tiểu đoàn trưởng Hoàng Thăng mới xốc lại đội hình, tổ chức bộ đội phá rào và cự mã để phát triển chiến đấu, nhưng ông bị trúng đạn hy sinh. Tiểu đoàn phó lên thay cũng bị trúng đạn phải đưa về tuyến sau. Trận đánh kết thúc, tiểu đoàn bị thương vong nặng nề.
Trận đánh thất bại bắt nguồn từ sai lầm chủ quan khinh địch. Do nhận định sai, trung đoàn đã không thực hiện đúng phương châm chỉ đạo của Bộ chỉ nên đánh địch ngoài công sự. Nếu đánh địch trong lô cốt và công sự thì phải thật chắc thắng mới đánh. Việc chủ quan, đánh giá thấp địch đã dẫn đến việc giao nhiệm vụ tác chiến cho tiểu đoàn 3, một đơn vị tuy sung sức, đủ quân số, trang bị nhưng chưa kinh qua chiến đấu và chưa được thực hành đánh công kiên.
Đây là trận đánh cấp tiểu đoàn đầu tiên ông không cùng đi trinh sát thực địa do bị ốm. Đơn vị trinh sát sơ hở để lộ ý đồ chiến thuật. Đó là một sơ hở chết người mà dù xảy ra ở đâu, khi nào, cũng đều phải trả giá đắt. Chính sơ hở này dẫn đến việc địch bí mật bố trí thêm cự mã, tăng cường lực lượng. Chúng bố trí thêm 3 hàng kẽm gai và cự mã, dẫn đến việc chuẩn bị bộc phá không đủ. Chúng còn chôn 2 xe M113 chìm dưới đất làm hỏa điểm ngầm mà ta không phát hiện được.
Chỉ huy trận đánh này bị động, lúng túng và xử lý tình huống thiếu quyết đoán. Khi triển khai lực lượng, một mũi trên hướng chủ yếu đi nhầm đường nhập thành một, cán bộ chỉ huy không có biện pháp giải quyết; khi hết bộc phá, hàng rào còn, bộ đội bị ùn tắc trước cửa mở cũng không có biện pháp xử trí kịp thời. Và khi tiểu đoàn đã không còn khả năng phát triển chiến đấu, Tiểu đoàn trưởng lại không ra lệnh kết thúc trận đánh.
Thất bại ở trận Đồng Hến đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 9 cũng như uy tín chính trị của đơn vị. Cộng thêm những khó khăn gian khổ mùa mưa mà đơn vị phải trải qua trên đất bạn. Mưa như trút nước. Mưa tầm tã ngày đêm. Đường vận chuyển ùn ứ. Địa hình lạ lẫm. Công tác hậu cần gặp rất nhiều khó khăn. Gạo thiếu, muối hết, thuốc men không đủ. Chiến sỹ đói lay lắt. Đã vậy, sốt rét lại bùng phát. Có đại đội bị sốt rét đến 40 người. Người ngã bệnh đau đầu, đau lưng nhức nhối đến xương tủy. Da người nào người nấy vàng như nghệ. Tóc rụng hàng mảng. Sốt rét ác tính ở Lào chỉ một trận là quỵ. Hàng trăm chiến sỹ hy sinh…
Thủ trưởng Mai Hiền ứa nước mắt kiểm điểm trước đảng ủy trung đoàn. Trong hàng chục năm cầm quân chưa bao giờ ông thấy tổn thất xương máu nhiều đến mức như vậy. Khi đơn vị qua phà Địa Lợi về đến Quảng Bình, được nhân dân cơm cháo đùm bọc, yêu thương hết lòng, ông càng cảm thất đau xót. Nỗi đau đeo đẳng theo ông cho đến tận cuối đời.
Cấp trên đã có ý định giải thể Trung đoàn 9, ông Lê Khả Phiêu và ông đã trực tiếp gặp Quân ủy Trung ương xin giữ lại trung đoàn. Chỉ trong một thời gian ngắn chỉnh huấn, chỉnh quân, Trung đoàn 9 đã trở thành một trong những trung đoàn đứng đầu toàn quân. Cuối năm 1965 Trung đoàn được điều vào chiến trường Trị Thiên. Trung đoàn đã liên tục giành được những thắng lợi quan trọng ở La Vang, Mỹ Thủy… Đặc biệt trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân 1968, Trung đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cùng với Sư đoàn 324, quân và dân Thừa Thiên- Huế giải phóng và giữ vững thành phố Huế trong 25 ngày. Tiếp theo đó trung đoàn đã đương đầu với Sư đoàn Thủy quân lục chiến, Sư đoàn Kỵ binh bay số 1, Sư đoàn Dù 101 Mỹ, kiên cường giữ vững địa bàn trong suốt năm 1968, năm 1969. Đặc biệt là trận đánh ở Động A Tây, một tiểu đoàn của trung đoàn đã loại khỏi vòng chiến đấu một tiều đoàn Dù Mỹ. Trong cuốn Đồi Thịt băm, tác giả Zaffiri gọi A Tây ở huyện A Lưới là sườn núi suối máu, là chương bi thảm nhất trong lịch sử chiến tranh của Sư đoàn Dù 101.
Thủ trưởng Mai Hiền đã chỉ huy nhiều trận đánh lớn ở Mặt trận Trị Thiên. Cuối năm 1969 ông được điều về làm Tư lệnh phó Sư đoàn 324. Theo kế hoạch của Quân khu Trị Thiên, ông tổ chức nhiều đợt tập huấn cho các cán bộ cấp đại đội, tiểu đoàn của Sư 324 để nâng cao trình độ chính trị cũng như chuyên môn nghiệp vụ. Trong các lớp học này, cán bộ chỉ huy các cấp còn được học về nguyên tắc chiến thuật tiến công, phòng ngự, chiến thuật chốt kết hợp vận động tấn công…
Sau này Thiếu tướng Tăng Văn Miêu , Thiếu tướng Lê Huy Mai, Đại tá Hồ Hữu Lan, Đại tá Phan Đân và nhiều cán bộ trẻ của Sư đoàn thời kỳ đó kể lại, Thủ trưởng Mai Hiền đã giúp các ông “trưởng thành hơn, kinh nghiệm hơn, vững vàng tự tin hơn để bước vào cuộc chiến”. Thủ trưởng giảng bài vừa mang tính lý luận vừa mang tính thực tiễn, hoàn toàn thuyết phục. Ông “phân tích rất kỹ những thủ đoạn của địch, những mặt mạnh mặt yếu của ta trong từng trận đánh”. Ông trực tiếp làm mẫu các động tác cá nhân tại công sự, chiến hào trong chiến đấu. Điều đặc biệt là Thủ trưởng luôn nhắc lại trận Đồng Hến, ông ân hận trách mình và chia sẻ với mọi người về bài học xương máu. Trong Hồi ký Trung đoàn một thời chiến trận, Đại tá Hồ Hữu lạn, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3 Sư 324 đã dành nhiều tình cảm, sự kính trọng và lòng biết ơn của ông với Thủ trường Mai Hiền. Bài học xương máu của Thủ trưởng Mai Hiền là không bao giờ được chủ quan khinh địch. Trong chiến đấu “phải nắm chắc địch, phải đến tận mục tiêu chiến đấu nắm địch, không đơn thuần chỉ nghe báo cáo của trinh sát” (Hồ Hữu Lạn, Trung đoàn một thời chiến trận).
Với tinh thần đó Tư lệnh phó Sư đoàn Mai Hiền đã trực tiếp cùng cán bộ, chiến sỹ đi trinh sát Cốc Bai trong chiến dịch 935-Cốc Bai (Chiến dịch có tầm quan trọng đặc biệt trong việc xóa bỏ hệ thống phòng thủ cuối cùng của Mỹ ngụy ở Mặt trận Trị Thiên. Với vị trí chiến lược, Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu đã bay đến Căn cứ Cốc Bai kêu gọi binh lính tử thủ). Thủ trưởng gần gũi cấp dưới và chiến sỹ, cùng ăn cháo, ăn rau môn thục, rau tàu bay thay cơm suốt mấy tháng chiến dịch. Ông bám sát chỉ đạo từng trận đánh của các phân đội, cả hỏa lực và bộ binh. Thiếu tướng Lê Huy Mai, nguyên Trưởng ban Trinh- sát Đặc công Sư 324 thời kỳ đó đánh giá về ông trong cuốn Hồi ký Từ Châu thổ Sông Hồng đến Sông Hương xứ Huế: “Gần ba tháng ròng rã Trung đoàn 3 bao vây Cứ điểm Cốc Bai. Phó Tư lệnh Sư đoàn Mai Hiền bám sát đơn vị, đồng cam cộng khổ. Ông sâu sát chỉ đạo từng trận đánh. Nhờ kinh nghiệm quý báu trong bao vây, đánh lấn cứ điểm địch từ thời Pháp để lại, ông đã giúp các đơn vị của trung đoàn đánh thắng nhiều trận trong suốt quá trình bao vây, tiến công Cứ điểm Cốc Bai”.
Tư lệnh Chu Phương Đới, Phó Tư lênh Mai Hiền đã chỉ đạo Trung đoàn 1, Trung đoàn 3 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và “mở ra một cục diện mới ở Mặt trận Trị Thiên” như Thư biểu dương của Quân ủy Trung ương sau chiến thắng 935- Cốc Bai năm 1970. Thủ trưởng Mai Hiền chỉ tiếc là đơn vị không bắn chết được Nguyễn Văn Thiệu vì phân đội vận tải quá đói, kiệt sức không mang được đạn cối lên trận địa (Anh Phạm huỳnh Công, anh Bài, anh Bát, 3 cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 3 nằm trong hàng rào kẽm gai, nhìn thấy máy bay trong tầm bắn nhưng không biết đó là máy bay của tổng thống ngụy).
Cuộc đời binh nghiệp của Thủ trưởng Mai Hiền còn có rất nhiều điều để nói. Tôi chi tóm tắt vài nét về ông trong cuộc Chiến tranh Biên giới phía Bắc. Cuối năm 1978 Đại tá Mai Hiền được điều về làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 338. Sư đoàn của ông được giao nhiệm vụ hoạt động, chiến đấu chống quân bành trướng Trung Quốc tại hai huyện Lộc Bình và Đình Lập tỉnh Lạng Sơn; bảo vệ an toàn mỏ than Na Dương và các công trình kinh tế, an ninh quốc phòng tại biên giới Lạng Sơn. Từ đầu tháng 2/1979 đến khi Trung Quốc buộc phải rút quân trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn, ông và tập thể cán bộ sư đoàn đã tổ chức 28 trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt hơn 7500 tên địch, làm thiệt hại 2 trung đoàn pháo binh, bộ binh cùng nhiều phương tiện chiến tranh.
Đại tá Mai Hiền và cán bộ chiến sỹ sư đoàn đã tổ chức chốt phòng thủ kết hợp tấn công, bao vây đánh lấn điểm cao, thậm chí tiến công sâu vào hậu phương kẻ địch đầy hiệu quả với thương vong ít đến mức khó tin. Lấy một ví dụ, chỉ với một chốt ba người của một tiểu đội thuộc Đại đội 10, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 460, tổ tam tam đã đẩy lùi 7 cuộc tấn công và tiêu diệt một đại đội quân xâm lược bành trướng trong một ngày mà không có ai hy sinh.
Với bề dầy kinh nghiệm hơn 30 năm cầm quân trong hai cuộc chiến ở ba chiến trường, ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Quân ủy Trung ương giao cho. Sư đoàn của ông đã được Quốc hội và Chính phủ tặng thưởng 4 huân chương quân công, bốn huân chương chiến công hạng nhất, 10 huân chương chiến công hạng nhì, 102 huân chương chiến công hạng 3.
Điều ấn tượng nhất và xúc động nhất với tôi là khi ông Triệu Trụ, một “phó thường dân” mất, Thủ trưởng Mai Hiền và một số tướng tá đã đến dự lễ tang (khi ông Triệu Trụ tổ chức Thượng thọ 80 tuổi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có đến thăm và chúc mừng). Tôi còn nhớ lúc hạ huyệt tại nghĩa trang làng Triều Khúc, Thủ trưởng Mai Hiền tay run run xúc xẻng cát, tôi nghe rõ lời ông nói: “Anh đi nhé! Ở nơi đó người thân và đồng đội đang chờ anh”.
Tháng trước tôi nhận được tin cựu chiến binh Trung tá Đặng Văn Việt, hùm xám đường số 4, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174, một trong 3 trung đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, người đã chỉ huy 120 trận đánh lớn nhỏ, “một sáng tạo về quân sự” (lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp), người đã góp phần không nhỏ trong chiến thắng ở Cụm cứ điểm Đông Khê năm 1950, ông đã đi hết quãng đường cuối trên cõi dương thế. Có lẽ ông Đặng Văn Việt là người bạn ra đi cuối cùng trong đám tang của ông Triệu Trụ.
Vì Covid đến hôm nay tôi mới đến gặp con ông Triệu Trụ là Triệu Chiến, trung tá quân đội đã nghỉ hưu để tìm hiểu thêm về tình bạn của những con người đáng kính trọng. Tôi được biết thêm một chi tiết, ông Triệu Trụ còn là thủ trưởng của Đại tá Mai Hiền. Anh Triệu Chiến cho tôi biết, “có lần Đại tá Mai Hiền nói với bố tôi: Anh mãi là tướng của bọn em”!
Đúng là trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc đầy dẫy những điều bất ngờ. Có biết bao người không được ghi tên vào quốc sử, nhưng hậu thế sẽ còn mãi mãi nhớ đến họ. Ông Đặng Văn Việt, ông Triệu Trụ và Đại tá Mai Hiền là những người trong số đó. Mặc dù Thủ trưởng Mai Hiền mất đã lâu, hôm nay tôi mới hiểu thêm đôi nét về ông. Nhân ngày thành lập quân đội, chúng tôi những cựu chiến binh Sư đoàn 324 xin được gửi lời tri ân tới Thủ trưởng. Chúng tôi tin rằng nếu có “nơi đó” như lời Thủ trưởng vĩnh biệt người bạn, người đồng chí, người anh, người chỉ huy thì “Ở nơi đó” chắc sẽ có rất nhiều đồng đội tổ chức lễ tri ân ông vào ngày kỷ niệm trọng đại và vinh quang của dân tộc, ngày 22/12!
Read More

Thăm Trường Đại học Stephens College

Leave a Comment

 Thăm Trường Đại học Stephens College

Trường Đại học Stephens College thành lập năm 1833, nằm gần khu Downtown của Thành phố Columbia, rộng khoảng 35 ha. Thủa ban đầu trường là cơ sở giáo dục dành cho nữ sinh trong vùng, chỉ có một tòa nhà và 25 nữ sinh theo học. Cũng như các trường học khác trong cùng thời kỳ đó, nữ sinh được học một số môn như tiếng Anh, triết học, đạo đức, đại số, địa lí. Hơn một thập kỉ sau đó, James L. Stephens hiến tặng cho nhà trường 20.000 USD, trường mới được xây dựng thêm một vài dãy và được đổi tên thành Stephens College. Hiện nay Stephens College đã được mở rộng, bao gồm 34 tòa nhà rải rác trong khuôn viên.
Trong gần 190 năm qua, Stephens College đã phát triển theo xu hướng chung của giáo dục đại học Mỹ. Bắt đầu từ sau năm 1920, nhà trường đã trở thành một trong những trường có uy tín không chỉ ở Mỹ mà ở cả châu Âu về các chương trình giáo dục xã hội, thông tin liên lạc, sức khỏe cộng đồng. Năm 1975 nhà trường triển khai chương trình nghiên cứu về phụ nữ, xem xét kinh nghiệm khác biệt, sự tác động của phụ nữ đối với cá nhân và xã hội. Và bắt đầu từ năm 1975 nhà trường triển khai thực hiện chương trình học tập dựa trên mạng trực tuyến online.
Việc học tập dựa trên mạng trực tuyến cho phép những phụ nữ trưởng thành, bận bịu việc gia đình có điều kiện học đại học. Nhìn chung dư luận xã hội đánh giá cao việc làm này. Trên cơ sở thành công đó, nhà trường áp dụng chương trình học trực tuyến kết hợp với việc học buổi tối cho các học viên theo học chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh, thạc sĩ lãnh đạo chiến lược, thạc sĩ tư vấn giáo dục, thạc sĩ chương trình và phương pháp giảng dạy.
Trường Đại học Stephens có bề dày truyền thống và cơ sở vật chất hiện đại. Điều kiện ăn ở học tập lý tưởng. Chất lượng đào tạo đẳng cấp. Stephens College được xếp thứ tư trong số các trường đại học khoa học xã hội và nhân văn trên toàn quốc. Trường nằm trong top 361 trường đại học tốt nhất quốc gia và là một trong số 158 trường đại học tốt nhất miền Trung Mỹ.
Là trường đại học tư thục dành cho phụ nữ, học viên phải đóng 40 ngàn đô một năm học (trường không nhận nam sinh viên). Stephens College nằm cạnh hai trường đại học lớn khác, nhưng nhà trường vẫn tồn tại và ngày một phát triển với những nét đặc thù riêng, với các chuyên ngành thích hợp và với các phương pháp, tổ chức phù hợp tâm sinh lý riêng của phụ nữ.
Stephens College cam kết và đảm bảo sự thành công trong công tác giáo dục đào tạo dựa trên những giá trị cốt lõi: Tôn trọng nhân phẩm bản thân và mọi người; can đảm, kiên trì; độc lập, tự chủ; tích cực giúp đỡ người khác và có tinh thần phê bình, tự phê bình;biết yêu thương và biết tiếp nhận tình yêu; nhạy cảm trong thế giới mà bản thân là một phần của nó; có trách nhiệm về sự lựa chọn của mình; có niềm tin vào tương lai; biết tạo ra cái đẹp theo thẩm mỹ của xã hội; có trí tuệ và khoan dung; biết dẫn dắt lãnh đạo và trao quyền cho người khác.
Chuyến đi tham quan trường của tôi bắt đầu từ tòa nhà Lela Raney wood Hall, nằm ở góc phía đông bắc trên đường Broadway. Đây là tòa nhà bốn tầng xây dựng năm 1938 bằng gạch đỏ, không trát vữa theo truyền thống xây dựng đặc trưng của vùng đất này. Tòa nhà Lela wood Hall có phòng khiêu vũ tập thể nổi tiếng, có phòng thư viện dành riêng cho công tác nghiên cứu, có các phòng trưng bày y phục theo thời gian và theo khu vực, có bảo tàng lịch sử trang phục với trên 15.000 bộ y phục mẫu được trưng bày bằng giá treo hoặc lồng vào mẫu người bằng gỗ. Tất cả đều sống động theo góc nhìn không gian bốn chiều. Nếu dừng lại một phút để ngắm nhìn, tìm hiểu mỗi một bộ y phục và mỗi ngày làm việc tám tiếng thì người ta phải mất một tháng mới xem xong bộ sưu tập thiết kế thời trang từ năm 1700 đến nay.
Cũng như các vị khách khác, sau khi nghe hướng dẫn viên giới thiệu, minh họa bằng hình ảnh về lịch sử, về truyền thống cũng như sơ đồ trực quan khuôn viên của nhà trường, tôi được đưa tới phòng tuyển sinh và phòng tư vấn tuyển sinh. Tại đây nhân viên phòng tuyển sinh giới thiệu một cách ngắn gọn và chuyên nghiệp. Thủ tục xin vào trường rất đơn giản. Sinh viên chỉ cần nộp đơn xin học, giấy chứng nhận tốt nghiệp phổ thông trung học, điểm thi SAT hoặc TOEFL. Sinh viên có thể trực tiếp nộp hồ sơ tại phòng tuyển sinh bất cứ thời gian nào trong năm. Nếu không có thời gian, sinh viên có thể đăng ký trực tuyến qua mạng. Nếu là học sinh Mỹ thì chỉ cần ba đến năm phút trước bàn phím và một cái kích chuột là biết được bạn có phải là sinh viên của trường đại học này hay chưa.
Vì là người nước ngoài nên tôi được giới thiệu sang phòng sinh viên quốc tế. Tại phòng này, tôi được giới thiệu tỉ mỉ hơn. Chẳng hạn như thủ tục nhập học của sinh viên quốc tế bao gồm: Đơn xin nhập học cho sinh viên quốc tế có mẫu kèm theo, lệ phí 25 đô không hoàn lại, chứng minh tài chính kèm theo mẫu, bản sao học bạ trung học phổ thông, giấy chứng nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, điểm thi TOEFL (550 điểm trên giấy, 79 điểm trên máy). Các văn bản bằng tiếng nước ngoài đều phải dịch công chứng sang tiếng Anh. Nếu sinh viên học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai mà không đủ điểm TOEFL nhà trường vẫn cho nhập học nhưng phải theo học một khóa tiếng Anh tùy theo trình độ tại trường.
Nhân viên Phòng tư vấn có thể tư vấn trực tiếp tại văn phòng, có thể đến tất cả các trường trung học phổ thông trong, ngoài bang; thậm chí có thể tư vấn ở nhiều cơ sở nước ngoài như ở châu Âu, Hàn Quốc, Nhật bản. Họ có riêng một trang web với những địa chỉ email, số điện thoại của từng cá nhân trong phòng. Nhân viên tư vấn còn giúp sinh viên kết nối những sở thích, những điều quan tâm vào một ngành học. Chẳng hạn nếu sinh viên muốn sau này làm việc trong lĩnh vực y tế thì nên chọn môn sinh học trước. Hoặc nếu sinh viên yêu thích và muốn làm việc trong môi trường với trẻ em thì nên chọn những ngành trong lĩnh vực giáo dục. Cuối cùng họ đưa ra một số lựa chọn bằng cách giới thiệu những ngành, những khoa thích hợp qua những cuốn sách mỏng hoăc trên trang web để sinh viên tự khám phá và quyết định làm thế nào để Stephens College có thể giúp họ đạt được giấc mơ của mình.
Chương trình giáo dục của Stephens College là sự tổng hợp những tri thức cơ bản, nền tảng và sự tập hợp các kỹ năng cho sinh viên về khoa học, khoa học xã hội và nhân văn. Nhà trường đào tạo và cung cấp trên 50 chuyên ngành trong chương trình đại học dành riêng cho phụ nữ ở nhiều lĩnh vực như luật, dược, sinh học, y tế cộng đồng, quảng cáo, truyền thông, sáng tác, múa, hát, thiết kế, phim kỹ thuật số, phim marketing, thông tin đại chúng số, giáo dục, phát triển con người và giáo dục, phát triển con người và tâm lý học, tiếng Anh, quản trị kinh doanh, kế toán tài chính, quản lý công, quan hệ công chúng, tổ chức sự kiện, truyền thông thời trang, thiết kế thời trang và phát triển sản phẩm, thiết kế đồ họa, thiết kế nội thất, marketing thời trang và quản lí, nhà hát nghệ thuật, quản lý nhà hát, sân khấu, trang phục sân khấu, thiết kế sân khấu…
Nhân viên phòng tư vấn và tuyển sinh không chỉ giới thiệu quảng bá về các ngành học, chương trình học, thời gian học mà còn đưa khách tham quan đến tận lớp học, cơ sở thực hành của sinh viên. Chẳng hạn giới thiệu về Khoa Nghệ thuật biểu diễn và Khoa Sân khấu, người nghe biết Stephens College được xếp hạng trong top 10 trường có nhà hát và sân khấu, thính phòng trong số các trường đại học tốt nhất. Trường có ba nhà hát, sân khấu, thính phòng, đặc biệt trong đó có một nhà hát cổ xây dựng năm 1899. Nhà hát Mecklenburg Playhouse có 400 chỗ ngồi với hệ thống âm thanh và ánh sáng tự động hóa. Sân khấu của nhà hát là sân khấu tách rời, được điều khiển bởi những kỹ sư sân khấu chuyên nghiệp. Khoang thang máy dùng cho dàn nhạc hoạt động bằng hệ thống thủy lực.
Khi tôi đến các cơ sở thực tập, thấy các sinh viên trực tiếp làm việc với các nghệ sĩ, diễn viên, kỹ thuật viên đang tập dượt lần cuối để ra mắt công chúng thành phố buổi tối hôm sau. Tôi được một nữ sinh cho biết cô phải tìm hiểu, học tập, phụ giúp các nghệ sĩ không dưới 10 tác phẩm nghệ thuật một năm. Bên cạnh nhà hát Mecklenburg Playhouse là sân khấu Warehouse Theatre. Sân khấu này là sân khấu biểu diễn ca, múa, nhạc, kịch, phim ảnh quanh năm của sinh viên. Từ những buổi biểu diễn thường nhật của sinh viên trường tới biểu diễn báo cáo tốt nghiệp, từ những tác phẩm học tập nghiên cứu đến những sự kiện phim ảnh lớn mang tầm quốc gia diễn ra trong phạm vi trường đều được trình diễn tại đây. Có một ban điều hành trong đó có đại diện của sinh viên từ năm thứ nhất tới năm thứ tư tham gia.
Cơ sở tiếp theo là thính phòng Stephens Auditorium. Nó được xây dựng năm 1948 với 2300 chỗ ngồi. Đây là nơi biểu diễn liên hoan ca múa nhạc truyền thống của cả thành phố, nơi tổ chức lễ hội, lễ phát bằng và những sự kiện lớn mang tính cộng đồng xã hội hoặc mang tính liên trường. Như vậy, sinh viên theo ngành nghệ thuật không những nhận được sự đào tạo chuyên sâu liên quan đến nghệ thuật biểu diễn trong những lĩnh vực múa, hát, diễn xuất, âm nhạc, sân khấu, chỉ đạo sân khấu, trang phục, mà còn học được công việc quản lý nhà hát, công việc thiết kế chiếu sáng, công tác văn phòng nhà hát, về vấn đề công chúng và quan hệ công chúng. Sinh viên có thể học trên lớp học, có thể học tập và thực hành trong môi trường thực tế ở các cơ sở ngay tại trường để tìm hiểu, khám phá, sáng tạo và để có cơ hội thành công hơn trong ngành kinh doanh giải trí rất phát triển ở Mỹ.
Tôi đến thăm một văn phòng đặc biệt của Stephens College mà ở các trường đại học của Việt Nam chưa có và không biết đến bao giờ mới có. Đó là phòng phát triển nghề nghiệp. Giám đốc phòng phát triển nghề nghiệp là bà Amanda M. Robert. Bà cho tôi biết, ngay từ khi sinh viên bước chân vào trường, văn phòng đã có giấy mời tham dự hội thảo. Văn phòng sẽ cung cấp cho nữ sinh những cơ hội tự khám phá những mục tiêu, phát triển các kỹ năng và tìm cơ hội việc làm trong tương lai từ những bước đi chập chững đầu tiên của họ khi mới bươc vào trường.
Dù chỉ có mình tôi trong một căn phòng rộng lớn, Amanda vẫn thuyết trình trên powerpoint về công việc và các dịch vụ mà phòng phát triển nghề nghiệp sẽ cung cấp cho nữ sinh. Bà nói: “Chúng tôi giúp sinh viên tự đánh giá về bàn thân, tìm kiếm và thăm dò những ý tưởng, khả năng, sở thích để giúp họ xác định chuyên ngành cũng như nghề nghiệp thích hợp nhất. Chúng tôi cũng không loại trừ việc xác định với sinh viên về việc phải thay đổi nghề nghiệp trong thế giới đầy biến động này.”
Tôi hỏi: Thế công việc của phòng bà khác gì phòng tư vấn?
- Khác chứ, bà say sưa trình bày, nhiều sinh viên đến đây đã quyết định đổi ngành học và quyết tâm theo học thêm những chương trình mà họ cần trong thời gian học ở trường. Phòng tư vấn mới chỉ giúp sinh viên đi vào đâu. Còn chúng tôi giúp sinh viên đi theo những con đường nào. Và quan trọng hơn là đi như thế nào. Chúng tôi hỗ trợ sinh viên thiết lập mục tiêu, kế hoạch và các chiến lược thành công để thực hiện mục tiêu, kế hoạch. Chúng tôi cũng điều phối các chương trình nghiên cứu và hỗ trợ việc làm cho sinh viên trong và ngoài nhà trường. Chúng tôi cũng tổ chức các khóa giảng dạy, thuyết trình các chiến lược tìm kiếm việc làm. Chúng tôi trang bị cho sinh viên kỹ năng xin việc bao gồm: viết sơ yếu lý lịch, thư giới thiệu, các hình thức kết nối mạng với các phiên giao dịch của các trung tâm môi giới việc làm, giúp sinh viên làm quen với văn hóa kinh doanh, trả lời phỏng vấn. Chúng tôi còn điều phối các chương trình thực tập và tín dụng cho các chương trình thực tập. Chúng tôi cũng liên hệ với tất cả các công trường, nhà máy xí nghiệp, bệnh viện, trường học, các cơ quan đoàn thể xã hội và nghề nghiệp trong ngoài thành phố Columbia để tìm kiếm việc làm, thực tập cho sinh viên.
Amanda đưa tôi đến trước tấm bảng công tác cụ thể trong một tháng của phòng phát triển nghề nghiệp. Tôi thấy có sáu mục, ghi rành mạch nội dung công việc, thời gian thực hiện, địa điểm tiến hành, ai là người phụ trách. Đó là những cuộc hội thảo chuyên đề về sự nghiệp văn phòng và nhu cầu nhân lực văn phòng của xã hội, hội thảo chuyên đề về cuộc sống của sinh viên sau khi tốt nghiệp, chuyên đề cơ hội nghề nghiệp trong giáo dục, chuyên đề cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực y tế cộng đồng… Ngoài ra còn một thông báo cho sinh viên thực tập với những nội dung: Tìm việc thực tập, thiết lập kế hoạch thực tập, hợp đồng thực tập, chính sách thực tập. Tất cả nội dung chi tiết sinh viên có thể xem trong mạng của văn phòng phát triển nghề nghiệp.
Ngành học tôi quan tâm nhất ở Stephens College là ngành giáo dục. Cũng chính vì vậy, phòng tư vấn, phòng tuyển sinh và bộ phận hướng dẫn tham quan nhà trường không đi theo lịch trình đã định thông thường. Họ tập trung giới thiệu, giải thích và trả lời về những vấn đề tôi muốn đi sâu tìm hiểu. Khoa Giáo dục của Stephens College đã được Bộ Giáo dục Mỹ kiểm định và xác nhận chương trình đạt chuẩn tiên tiến. Một nhân viên đưa tôi đi thăm Trung tâm nghiên cứu trẻ em Webb Center bằng xe ô tô điện. Tại trung tâm có những lớp học dành cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học. Stephens College là một trong những trường đại học ở Mỹ có khoa giáo dục mà học sinh ở lứa tuổi mầm non và tiểu học được tổ chức thành những lớp học ngay trong trường đại học để phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy, kiến tập và thực tập giảng dạy.
Tôi được biết Trung tâm nghiên cứu trẻ em Webb Center ban đầu có chức năng là một trường thực nghiệm. Vào năm 1970, Khoa giáo dục trẻ ban đầu mới đổi tên là Trung tâm nghiên cứu trẻ em như ngày nay. Trung tâm có thêm chức năng nghiên cứu khoa học về sự phát triển con người trong giai đoạn đầu, cùng với chức năng nghiên cứu khoa học sư phạm. Các nhà nghiên cứu, các giáo sinh, phụ huynh và khách tham quan có thể theo dõi, quan sát học sinh trong lớp học, ngoài lớp học ở những phòng chuyên biệt không ảnh hưởng đến việc dạy và học của thầy và trò. Giáo sinh cũng được tham gia trực tiếp với học sinh trong những hoạt động giảng dạy, vui chơi trên lớp với sự giám sát của các giáo sư, các giảng viên và giáo viên chủ nhiệm lớp.
Ở Trung tâm Webb học sinh được đặt vào vị trí trung tâm. Lớp học của trẻ mang dáng dấp của một phòng chơi, rất ít bàn ghế. Mỗi lớp chỉ có ba hay bốn chiếc bàn tròn kèm theo mấy chiếc ghế xếp xung quanh. Trên tường là giá sách, đồ chơi, đồ dùng dạy học và các loại tranh ảnh. Chỉ có vách ngăn các lớp là bằng gạch, còn lại là cửa kính để đón ánh sáng tự nhiên. Mặc dầu vậy trên trần phòng học vẫn có một hệ thống đèn chiếu sáng dày đặc. Phòng học và hành lang từ lúc các em bước vào đến lúc các em ra về đều được điều hòa ở một nhiệt độ nhất định.
Dù rất ít thời gian nhưng tôi vẫn tranh thủ xem lướt qua những cuốn sách giáo khoa của các em lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4, lớp 5 trên bàn học và trên giá sách. Sách giáo khoa đều được đóng bằng bìa cứng. Từ bìa cho đến nội dung các trang đều in chữ khổ lớn, thậm chí rất lớn. Vậy mà nội dung bài học cũng không quá một trang với lớp 1, lớp 2 và không quá hai trang với lớp 4, lớp 5. Trong một, hai trang đó tôi ước chừng đến 60 - 70% là kênh hình. Ở lớp 1, lớp 2 có trang chỉ có mấy dòng. Tất cả đều được in màu. Cả đến cuốn sách cho trẻ tập viết và làm bài tập cũng in chữ khổ lớn và in màu.
Tôi thầm nghĩ không biết chất lượng trường học ở đây như thế nào nhưng qua quan sát và tiếp xúc tôi có thể chắc chắn một điều, học sinh ở đây thật hạnh phúc. Khuôn mặt các em luôn rạng rỡ, luôn vui cười. Các em thật hoạt bát, tự nhiên và tự tin; không một chút e dè. Một em học sinh lớp 5 đưa tôi đi tham quan, giới thiệu với tôi về các lớp học, về các giờ học, đưa tôi đi thăm thư viện, giới thiệu các loại sách trong thư viện, rồi đưa tôi đến gặp thầy giáo đang hướng dẫn học sinh tập thể dục thể thao…
Tôi bị thuyết phục hoàn toàn về khả năng giao tiếp, ứng xử của các em. Các em nói chuyện và giới thiệu một ngày học tập ở trường không khác gì hướng dẫn viên và các giáo viên. Về mặt này, học sinh Việt Nam, kể cả học sinh THPT cũng không thể bằng các em tiểu học ở đây. Tôi tin chắc rằng mỗi ngày các em đến trường thật sự là một ngày vui, một ngày có ý nghĩa, dẫu không có lấy một dòng khẩu hiệu, một panô, một áp phích tuyên truyền như trong các nhà trường ở Việt Nam.
Có hai trình độ đào tạo tại Khoa Giáo dục của trường: Cử nhân và thạc sĩ. Chương trình thạc sĩ thường từ một năm đến hai năm nếu sinh viên theo học đã có bằng đại học và có thời gian công tác thực tiễn. Chương trình học cử nhân thường kéo dài từ ba đến bốn năm tùy theo người học. Nếu sinh viên muốn trở thành giáo viên từ mầm non đến tiểu học thì phải theo học những tín chỉ bắt buộc và tự chọn, bao gồm những môn chung và những môn chuyên ngành theo quy định chung.
Khoa Giáo dục của Stephens College đã tạo điều kiện cho sinh viên chuẩn bị công việc giảng dạy, cung cấp thời gian quan sát, tìm hiểu, học tập với trẻ em từ mầm non đến tiểu học tại trung tâm nghiên cứu trẻ em tại trường và ở ngoài nhà trường. Sau này, nếu sinh viên muốn làm việc với trẻ em và gia đình của họ ngoài nhà trường thì có thể tham gia chương trình phát triển con người. Ngoài những tín chỉ theo quy định sinh viên được kết hợp nghiên cứu về sư phạm, tâm lý phát triển trẻ em. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ làm công việc dịch vụ phục vụ con người trong các lĩnh vực như quản lý, chăm sóc trẻ em, giảng dạy, dịch vụ xã hội, tư vấn tại gia hay các tổ chức xã hội.
Ba tiếng tham quan Stephens College với tôi thật quá ngắn ngủi. Tôi nghĩ chắc chắn mình sẽ còn trở lại đây. Ngôi trường đại học tư thục dành cho nữ sinh này có gì đó thật cuốn hút. Nhà trường thật sự đã tạo ra một cộng đồng lý tưởng để sinh viên sống, làm việc và học tập. Sinh viên nhập học được sống trong khuôn viên của trường cho đến khi tốt nghiệp ra trường. Một môi trường mà sinh viên bước ra khỏi nhà là cùng với bạn bè tới lớp, đến phòng thí nghiệm, đến nơi thực hành. Từ sáng đến tối, việc ăn uống, sinh hoạt, học tập đều nằm trong khuôn viên nhà trường, một khuôn viên yên bình, thoải mái và an toàn giữa những vườn hoa, công viên và như trong một khu rừng đầy cây cối. Giữa thầy và trò, giữa trò và trò thật gần gũi ấm cúng. Đó là môi trường tối đa hóa thời gian, làm sâu sắc hơn những trải nghiệm đời sinh viên. Nhưng quan trọng hơn cả, môi trường thân thiện trong khuôn viên trường tạo không khí cho sinh viên tập trung vào những điều quan trọng nhất: Học tập, trau dồi nghề nghiệp, vui chơi giải trí và hứa hẹn một tương lai vững chắc cho người học.
Tien Nguyen, Nguyễn Lê Duyên và 49 người khác
24 bình luận
Thích
Bình luận
Chia sẻ
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.