Đấu trường sinh tử

Leave a Comment
Thời gian ở nhà vì dịch Covid-19 tôi vẫn làm việc qua điện thoại, qua email, nhưng nhìn chung là rỗi rãi. Ngồi trước màn hình lướt qua hàng trăm kênh TV cũng chán. Tìm thấy trong giá sách “Tủ sách ông ngoại” của con gái thấy cuốn tiểu thuyết Đấu trường sinh tử của nữ biên kịch truyền hình kiêm tiểu thuyết gia Mỹ Suzanne Collins, Tôi đọc gần liên tục 400 trang trong trong thời gian hai ngày.
Cuốn Đấu trường sinh tử đươc Trần Quốc Tân dịch sang tiếng Việt. Nguyên bản tiếng Anh là “The Hunger Games”. Đây là cuốn tiểu thuyết giả tưởng, kể về một thế giới tàn bạo ở trong tương lai. Vào thời điểm Bắc Mỹ mất nhiều năm chìm trong cuộc nội chiến, sau khi nhà nước Panem trấn áp được cuộc nổi dậy của người dân 13 quận, những người đứng đầu bộ máy chính quyền đã đặt ra một hình phạt dã man cho 12 quận còn lại (Quận 13 bị hủy diệt hoàn toàn). Mỗi một năm, mỗi quận phải chọn ra ngẫu nhiên một nam và một nữ làm cống phẩm, hai “vật tế” phải tham gia vào một đấu trường. Trong đấu trường này hai mươi tư “vật tế” của 12 quận tìm cách sinh tồn và chiến đấu tiêu diệt lẫn nhau cho đến khi chỉ còn một người duy nhất sống sót.
Suzanne Collins có ý tưởng viết cuốn sách “Đấu trường sinh tử” từ cuộc chiến của Mỹ ở Iraq khi truyền thông công chiếu trên truyền hình. Bà đã xây dựng một cốt truyện hấp dẫn, phát triển tính cách nhân vật đầy cá tính và phong phú về nội tâm. Cuốn tiểu thuyết phảng phất những trận đấu sống còn của các đấu sĩ La Mã và có bóng dáng về sự hy sinh, về Bánh mì trong Kinh Thánh Kitô giáo kết hợp với thực tế về truyền hình hiện đại… Tất cả đầy bí ẩn, gai góc, hãi hùng nhưng mãnh liệt đầy cảm hứng lãng mạn. Người đọc bị cuốn hút tới từng chi tiết, từng hình ảnh trong câu chuyện.
Gần một triệu ấn phẩm bán hết trong mấy tháng đầu xuất bản đã khẳng định giá trị của tác phẩm. Với bộ ba tiểu thuyết Đấu trường sinh tử”, tác giả đã giành được nhiều giải thưởng, huân chương và được vinh danh là cuốn sách hay nhất trong năm 2008, một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất năm 2010, và lọt vào top 100 người có ảnh hưởng nhất trên thế giới. Tác phẩm đã được dịch ra 26 thứ tiếng, phát hành ở 38 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Câu được kể bằng giọng “tôi”. Nhân vật chính tên là Katniss, một cô gái 16 tuổi xin ban tổ chức được thay thế em gái 12 tuổi để làm “vật tế”. Cô và Peeta đại diện cho quận 12 cùng đồng hành trong cuộc phiêu lưu vào thế giới chết chóc. Ở đấu trường sinh tử tàn nhẫn, nơi đường vào có 24 lối dành cho 24 con người, nhưng đường ra chỉ có 1. Katniss phải làm gì với cái đói cái khát cùng với thời tiết vô cùng khắc nghiệt? Cô sẽ phải làm gì với các đối thủ “nhà nghề” và đặc biệt là với chàng trai cùng quận yêu cô, cùng với một cô gái 12 tuổi giống như người em gái mà cô hết mực yêu thương?
Katniss sinh ra trong một gia đình nghèo. Cha là công nhân mỏ đào than, không may bị chết trong một vụ nổ khi cô chưa đầy 12 tuổi. Mẹ cô vì thế mà bị bệnh trầm cảm. Em gái thì mới 7 tuổi. Cô phải thay cha gánh vác việc nuôi sống gia đình. Tác giả đã xây dựng thành công hình tượng một cô gái đầy nghị lực, đảm đang và sẵn sàng hy sinh bản thân mình vì gia đình.
Những tháng đầu khi cha mất, gia đình Katniss luôn trong tình trạng “chết đói”. Có khi đến đến ba ngày cả ba mẹ con chỉ có vài chiếc lá bạc hà và nước lã cầm hơi. Katniss đã ngã gục bên chuồng lợn của một chủ hiêu bánh vào một đêm mưa lạnh, khi lần mò bên các thùng rác hy vọng kiếm thức ăn thừa tại khu nhà của người giàu. Cô được cậu bé Peeta, con chủ tiệm bánh mì, tìm cách đánh lừa bà mẹ, cho hai ổ bánh mì…
Cho đến cái ngày Katniss tròn 12 tuổi, cô đến Tòa Tư pháp ký lấy Tessera, một loại tem phiếu đánh đổi rủi ro mạng sống để lấy một phần ngũ cốc và dầu ăn ít ỏi cho một người trong một năm. Bị đẩy vào cảnh bần cùng, trong bốn năm Katniss không đắn đo suy nghĩ cho riêng mình, chấp nhận mạo hiểm đăng ký đến 20 lần để có cái ăn qua ngày cho cả nhà. Hành động của Katniss đồng nghĩa với việc tăng khả năng bị bốc trúng xác suất làm “vật tế” theo luật lệ của nhà nước Panem lên đến 20 lần trong ngày “chiêu quân”, ngày chọn ra hai “vật tế” trong cái lồng thủy tinh như quay sổ số ngẫu nhiên của mỗi quận (nhà giàu người ta chỉ phải đăng ký một lần cho con họ, vì vậy xác suất phải làm “vật tế” thấp hơn).
Katniss đã từng theo cha vào rừng cấm săn bắn (nếu bị phát hiện sẽ bị xử tội chết) và hái lượm. Cô đã học được những kỹ năng săn bắn thỏ, chồn, nai và học được từ cha cách thu hái những loại rau, củ , quả trong rừng. Bất chấp cái chết nếu bị phát hiện, bất chấp bao hiểm nguy vì thú dữ, bốn năm dài cùng cộng tác với người bạn trai, cô trở thành một thợ săn cừ khôi có đầy đủ phẩm chất khéo léo, kiên trì, dũng cảm; biết sử dụng bẫy thú, cung tên, phóng lao như một chiến binh trận mạc.
Mỗi năm, vào cái ngày “chiêu quân”, người dân trong các quận cảm thấy vô cùng nặng nề, nhất là với các cô gái và các chàng trai từ 12 đến 18 tuổi. Vào cái ngày này, người ta biết con em hay bản thân mình trở thành “vật tế”, đồng nghĩa với việc phải nhận cái chết trong đấu trường ngoài trời rộng lớn, nơi tồn tại khắc nghiệt, từ xa mạc nóng bỏng đến rừng núi hoang vu lạnh giá, nơi chỉ có một người được phép sống sót.
Tất cả người dân trong các quận phải tham gia ngày “chiêu quân” như một ngày hội. Chính quyền không muốn họ lặp lại cái sai lầm “nổi loạn” như trong quá khứ. Ngày “chiêu quân” diễn ra từ trưa đến chiều. Vào cái ngày giấy báo tử có thể đến với bất cứ ai, buổi sáng Katniss vẫn phải vào rừng săn bắn. Cô hoàn toàn ý thức được việc làm của mình: “nếu chết đói thì thà chết vì một viên đạn vào đầu còn hơn”. Cô chấp nhận mạo hiểm mạng sống vì em gái hết mực yêu thương của mình. Nếu không vì em, cô đã trốn vào rừng cùng với người bạn trai của mình. Cô không mảy may nghĩ mình trở thành “vật tế” vào ngày “chiêu quân”. Cô lo ngại cho cô em gái, năm đầu tiên phải ghi danh vào danh sách lấy tessera và là năm đầu tiên đến tuổi nằm trong danh sách chọn “vất tế”.
Katniss biết cái cảnh chém giết tàn nhẫn ở đấu trường đã đi vào giấc mơ la hét, hãi hùng hàng đêm của cô em gái từ bao nhiêu ngày trước ngày “chiêu quân”. Cô cũng như người bạn của mình đều căm phẫn cái luật lệ man rợ và bất công, bắt 24 con người còn quá trẻ tàn sát lẫn nhau. Cô cho rằng “đó là cách chính quyền nhắc nhở chúng tôi rằng số phận của tất cả bị họ định đoạt như thế nào, và cơ hội sống sót của mọi người ít ỏi ra sao nếu họ dám nổi loạn một lần nữa”. Đó cũng là thông điệp họ muốn nói với cô và mọi người “ hãy nhìn xem chúng ta lấy đi những đứa trẻ rồi đem hiến tế trong khi các người bất lực đến mức nào”.
Katniss cũng lo cho người bạn trai Gale, người bạn đi săn hàng ngày trong rừng, người đã hoàn thiện cho cô kỹ năng đặt bẫy, câu cá và một số kỹ năng khác trong suốt mấy năm săn bắt trong rừng. Anh ấy (vì cứu gia đình khỏi chết đói) có đến 42 mảnh giấy trong chiếc bồn thủy tinh chọn xác suất... Để rồi bầu trời sụp đổ dưới chân cô khi người ta xướng tên cô em gái Primrose Everdeen vừa tròn 12 tuổi, người lần đầu tham dự chọn “vật tế” trong số hàng ngàn người. Mọi người trong quận bất bình phản ứng, nhưng điều đó không có tác dụng gì. Luật chọn ngẫu nhiên với chính quyền là công bằng.
Khi cô em gái Primrose mặt trắng bệch, lảo đảo bước lên bục sân khấu, Katniss gào lên nghẹn ngào, túm lấy em gái và đẩy ra sau lưng. Katniss hổn hển: “Cháu tình nguyện. Cháu muốn tình nguyện làm vật tế”! Katniss không đắn đo xin được thay thế em gái, điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử ngày “chiêu quân”. Tác giả đã xây dựng cái hoàn cảnh điển hình để bộc lộ tính cách của nhân vật. Hoàn cảnh nghiệt ngã đã biến cô gái giầu nghị lực, đảm đang, giàu tình cảm, mới 16 tuổi đã trở thành một nữ anh hùng trong mắt người dân quận 12. Nó cũng khiến cho người đọc có cảm giác không thể chịu đựng được cái xã hội chuyên chế đã tạo ra cái luật lệ vô cùng tàn bạo với con người. Trong quá khứ đã từng có “Đấu trường sinh tử” này. Hiện tại cũng có những dạng “Đấu trường sinh tử” này. Và tương lai cũng vẫn sẽ còn có những “Đấu trường sinh tử” này. Chỉ có điều một số chính quyền ngụy trang biến “Đấu trường sinh tử” ở dạng này hay dạng khác.
Katniss không thể ngờ “vật tế” nam đến từ quận 12 lại là Peeta Mellark, một người bạn học cũ, người đã từng cho cô hai ổ bánh mì khi gia đình cô đã phải nhịn đói 3 ngày. Điều đó có nghĩa là Peeta sẽ trở thành đối thủ của Katniss. Cô đau lòng khi nghĩ đến điều đó. Cô hy vọng hai người sẽ không phải đối mặt trong cuộc chiến một mất một còn tại đấu trường.
Trong những ngày trước khi vào đấu trường, Katniss và Peeta được cố vấn Haymitch dẫn dắt. Ông là người chiến thắng duy nhất của quận 12 qua được “Đấu trường sinh tử” trong quá khứ. Kinh nghiệm và chỉ dẫn của ông là điều cực kỳ cần thiết. Hai người cũng được các nhà tạo mẫu, các nhà đạo diễn tài năng đánh bóng hình ảnh trên truyền hình nhằm thu hút những nhà tài trợ tiềm năng, những người sẽ gửi những món quà có khả năng cứu sống họ trong đấu trường. Nhà tạo mẫu của Katniss là Cinna đã thiết kế bộ trang phục cho hai người đầy ấn tượng, khiến cặp đôi này trở thành biểu tượng rực rỡ nhất trong số các “vật tế”. Và Katniss nổi tiếng với cái tên “cô gái lửa” trên đất nước Panem.
Katniss và Peeta cùng với 22 vật tế phải trải qua những ngày huấn luyện đặc biệt, huấn luyện theo nhóm và huấn luyện với từng cá nhân. Họ được đào tạo kỹ năng sinh tồn trong những môi trường thời tiết khắc nghiệt, kỹ thuật ngụy trang, kỹ thuật sử dụng dao, kỹ thuật phóng lao, kỹ thuật bắn cung… Tất cả những kỹ năng tàn sát đối thủ. Người ta đã biến “vật tế”, trong đó có Katniss trở thành những sát thủ chuyên nghiệp, những sát thủ khát máu ngay trong những ngày tập luyện. Thật bất ngờ, kết thúc khóa huấn luyện, cô gái Katniss 16 tuổi nhận được số diểm cao nhất từ ban tổ chức.
Vào ngày trước khi bước đi vào đấu trường, trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Chàng trai Peeta bất ngờ tiết lộ tình yêu thầm kín, tình yêu không được đáp lại của anh dành cho Katniss. Ban đầu Katniss bị sốc bởi điều này. Bởi cái xã hội cô đang sống, hoàn cảnh sinh nhai mà cái chết luôn rình rập khiến cô luôn nghi ngờ mọi thứ. Cô sống một cuộc sống khép kín, hoài nghi và cảnh giác với tất cả mọi người. Cô thận trọng với mọi hành động, lời nói và luôn biểu hiện trên khuôn mặt thái độ vô cảm. Cô tin cố vấn và Peeta đang thực hiện chiến thuật nhằm lôi kéo các nhà tài trợ đa cảm. Peeta đang thực hiện một vai diễn mà Haymit ra sức quảng bá hình ảnh về một mối tình ngang trái khi cả hai bước vào đấu trường.
Ngay ngày đầu đấu trường khai mạc, mười một “vật tế” bị giết trong một cuộc tắm máu. Hai mươi tư chiến binh chiến đấu với nhau để giành giật vũ khí, lương thực thực phẩm, thuốc men, quấn áo và đá lửa trong cái vòng tròn vật tế có dạng chiếc sừng vàng khổng lồ. Katniss bất chấp lời khuyên trước đó của Haymith là phải chạy trốn vào rừng ngay lập tức. Cô lại phóng tới phía trước, muốn giành lấy bộ cung tên và suýt phải trả giá bằng cái chết.
Katniss nhặt được một tấm bạt và một ổ bánh mì cùng với một chiếc ba lô. Cô còn giật được chiếc túi khi một vật tế nam ộc máu chết vì một lưỡi dao cắm lút cán sau lưng. Cô chạy hết tốc lực vào rừng. Trong khi chạy, cô đưa chiếc túi ra sau đầu. Một con dao phi tới cắm ngập chiếc túi đó.
Những thứ giành được cùng với kỹ năng săn bắn trong rừng khiến Katniss ẩn náu an toàn mấy đêm trên những cành cây lớn, trong lúc các đối thủ của cô chém giết lẫn nhau. Nhưng ban tổ chức không để yên cho cô trong cái vỏ bọc kín đáo. Họ cố tình tạo ra một đám cháy nhân tạo cùng với những vụ nổ đá để đẩy Katniss về phía “vật tế” khác. Katniss bị bỏng, bị thương và vẫn phải trốn chạy. Các “vật tế nhà nghề” phát hiện săn đuổi. Cô chỉ còn cách leo lên một cây cao vài chục mét để ẩn mình. Rue, một cô gái 12 tuổi rất giống em gái katniss ở trên tầng cây cao hơn đã ngầm chỉ cho cô một tổ ong độc. Cô dùng dao cưa cành cây trong đêm để đến sáng cho tổ ong lao thẳng xuống đất. Bầy ong độc bay ra đốt chết một trong những “vật tế chuyên nghiệp” và đuổi những “vật tế” khác trong đó có Peeta. Tuy nhiên Katniss cũng bị ong đốt, mặt xưng ụ. Cô tụt xuống đất cố gắng lấy được bộ cung tên từ đối thủ bị ong đốt chết trong lúc bị ảo giác.
Peeta kịp quay trở lại, giục cô nhanh chóng chạy đi. Chính vì vậy anh bị tên trùm Cato, một ứng viên có khả năng chiến thắng nhất chém bị thương. Khi Katniss thoát khỏi nguy hiểm cô đã liên minh với Rue. Nói chính xác là cô không muốn bỏ rơi cô bé mà cô coi như em gái mình và cũng vì Rue đã có công cứu mạng cô khỏi các “vật tế chuyên nghiệp”. Katniss chia sẻ gà rừng nướng, thịt bò khô cho cô bé. Katniss trò chuyện tâm tình, thậm chí còn nhường chiếc túi ngủ giữ ấm quý giá cho Rue khi ra ngoài trong đêm rét buốt thấu xương. Cô bé Rue thông minh nhanh nhẹn, tin tưởng coi Katniss như người chị, chia sẻ hết những gì cô bé có với Katniss. Hai chị em đã trở thành cộng sự, tạo nên sức mạnh mới. Họ sẽ không còn đơn độc chống đối với kẻ thù hai chân và bốn chân trong đấu trường nữa.
Trong một lần Katniss và Rue đi phóng hỏa cơ sở hậu cần của các “vật tế chuyên nghiệp”, Rue bị mắc vào bẫy lưới của “vật tế” quận 1. Hắn đã dùng một ngọn giáo lao vào trong khi Rue gọi tên Katniss cầu cứu một cách tuyệt vọng. Theo phản xạ, Katniss bật cung bắn vào cổ họng đối thủ trước khi hắn kịp rút mũi lao khỏi người Rue. Phút lâm chung, Katniss đã làm theo tất cả những yêu cầu của Rue trước khi cô bé tắt thở.
Katniss giàn giụa nước mắt, những giọt nước mắt nhỏ xuống gương mặt Rue. Katniss ngả ngưởi hôn lên thái dương cô bé. Biết rằng nguy hiểm nhưng cô không thể rời khỏi khuôn mặt Rue. Trong lòng cô trào dâng nỗi căm ghét Capitol (tòa nhà nơi chính quyền làm việc), những kẻ chủ mưu đã gây ra chuyện này. Một con người khác từ trong sâu thẳm Katniss trỗi dậy. Từ một cô gái chỉ biết cam chịu, bị đẩy đưa theo hoàn cảnh theo số phận, cô bắt đầu phán xét việc làm của chính quyền. Cô đồng ý với những lời mạt sát Capitol của Gale. Với cô lúc đó những lời của anh không còn vô lý nữa. Cái chết của Rue đã buộc cô lần đầu tiên căm giận tội ác, bất công mà bộ máy chính quyền bắt cô phải chịu đựng. Cô suy nghĩ và tự đặt câu hỏi: “Tôi thấy mình bất lực. Không có cách nào trả thù Capitol. Liệu có cách nào không”? Và cũng chính lúc đó Katniss nhớ đến lời của Peeta vào đêm họ chuẩn bị vào đấu trường. Cậu ấy muốn nghĩ ra một cách nào đó để Capitol thấy được chính quyền không sở hữu được cậu ấy và cậu ấy không phải là quân cờ trong đấu trường của họ. Katniss bắt đầu hiểu về Peeta.
Capitol muốn các “vật tế” coi nhau như kẻ thù, tàn sát giết chóc lẫn nhau. Katniss muốn chứng minh mình không muốn trở thành những con người như vậy. Cô đi hái những bông hoa rực rỡ sắc tím, vàng, trắng trang điểm quanh thi thể Rue, trước khi từ biệt cô bé. Để tỏ lòng biết ơn, quận của Rue đã gửi cho Katniss một ổ bánh mì vô cùng quý giá.
Katniss tìm thấy Peeta, người bị thương nặng vì cứu cô. Peeta tiết lộ mình tham gia thành lập liên minh với những “vật tế chuyên nghiệp” được đào tạo bài bản để bảo vệ người yêu. Katniss đã vào vai một người tình đang yêu say đắm để tìm kiếm tài trợ khi mà cái chết đang kề cận với Peeta. Cô không quản ngày đêm nài nỉ, dụ dỗ, giận dỗi, cưỡng ép và thậm chí trao đổi từng nụ hôn để Peeta nuốt từng thìa súp. Nhưng vết thương của Peeta ngày một nặng thêm. Cô buộc phải mạo hiểm tính mạng để vào “hang cọp” lấy thuốc chữa trị cho người đã từng hai lần cứu sống mình. Cuối cùng hai người đã vượt qua mọi trở ngại để thành một đội, cùng nhau săn bắn và thu lượm thực phẩm, cùng tồn tại, cùng chiến đấu trong rừng. Họ bắt đầu hiểu nhau, sống như đôi tình nhân, hưởng những ngày đêm thi vị ngọt ngào. Ngủ chung trong một túi ngủ. Lấy hơi ấm của người này sưởi ấm cho người kia. Thỉnh thoảng họ ôm nhau, cảm nhận hơi thở của nhau…
Vượt qua bao hiểm nguy, thoát khỏi lũ sinh vật ăn thịt khủng khiếp do chính công nghệ ban tổ chức tạo ra, Katniss và Peeta trở thành hai người sống sót cuối cùng. Nhưng ban tổ chức đã thay đổi quy tắc cho phép hai người chiến thắng cùng sống sót trong một quận. Họ buộc người này phải giết người kia trong trận chung kết đầy kịch tính. Cả hai nhìn nhau. Peeta tiến về phía Katniss, rút con dao khỏi thắt lưng. Cậu vứt vũ khí xuống hồ. Katniss cũng hạ cung xuống. Peeta khập khiễng bước lại ấn cây cung vào tay Katniss nói: “bắn đi”. Katniss đáp lại: “Tớ không thể làm thế”. Cả hai đều muốn nhận lấy cái chết về phần mình. Peeta giật dải băng quanh vết thương cho máu chảy ra để được chết. Patniss vội vã băng bó lại. Cái đẹp, cái cao thượng trong con người họ đã chiến thắng bản năng sống riêng của mỗi người theo hai cách cách khác nhau. Peeta thì vì yêu Katniss hơn cả mạng sống của minh. Và cuộc đời không còn nghĩa lý gì khi cậu mất người yêu. Còn Katniss cứ văng vẳng trong tâm trí câu nói của Peeta: “Chúng ta đều biết là phải có một người chiến thắng”.
Theo luật, đúng là phải có một người chiến thắng. Nếu không có người chiến thắng, thất bại sẽ đổ đầu lên ban tổ chức. Họ có thể sẽ bị trừng trị. Katniss và Peeta đều căm ghét Capitol, không muốn trở thành công cụ của họ. Katniss mở cái túi, lấy ra một nắm dâu độc cho hai người cùng ăn.
Nhận ra hai “vât tế” có ý định cùng tự tử để không có người chiến thắng trong cuộc chơi này. Ban tổ chức vội vã tuyên bố cả hai đều là người chiến thắng. Họ được chào đón như những người anh hùng, một cặp đôi hoàn hảo. Tuy nhiên trên đường về Peeta rất đau lòng khi biết hành động của Katniss nằm trong mưu đồ tính toán. Còn Katniss thì rối bời về tình cảm với hai con người con trai và về một tương lai bất định của cô.
Cuốn tiểu thuyết khép lại trong tôi với bao cung bậc cảm xúc. Dù là một cuốn tiểu thuyết mang tính giả tưởng, nó vẫn là một tác phẩm văn học với những chức năng phản ánh hiện thực, chức năng thẩm mỹ và chức năng giải trí. Nó phản ánh vấn đề đói nghèo nghiêm trọng của người dân, sự áp bức bóc lột tàn nhẫn của tầng lớp thống trị và hậu quả đau đớn cả về thể xác lẫn tâm hồn của chiến tranh. Tôi liên tưởng đến cảnh đói nghèo của hàng triệu người ở châu Phi, khiến họ phải mạo hiểm tính mạng vượt biển di tản đến châu Âu. Tôi liên tưởng đến những người vô gia cư sống lắt lay ở Mỹ. Tôi cũng liên tưởng đến những cuộc chiến tranh thảm khốc đã đến cái chết của hàng triệu người ở Trung Đông… Có thể tác giả không có tham vọng nói về những vấn đề đó. Nhưng tư tưởng chủ đề của tác phẩm khiến người đọc có suy nghĩ như vậy.
Tôi cho rằng thành công lớn nhất của tác giả là đã xây dựng được những nhân vật với nỗ lực phi thường, đã vượt qua được mọi khó khăn trong cuộc sống, đã vượt qua được cuộc chiến sinh tử để khẳng định bản chất tốt đẹp của con người. Katniss là một nhân vật tiêu biểu. Cô không những khẳng định được bản thân mình với tư cách là con người mà còn là kết tinh của cái đẹp, cái cao thượng mà con người cần hướng tới.
Read More

Kỷ niệm về Thư

Leave a Comment
Kỷ niệm về Thư
Mấy hôm trước bạn Nguyễn Đắc Tính thông báo Hoàng Minh Thư mất vào lúc 4h45 ngày 6/4. Tôi không cảm thấy quá đột ngột. Mọi người trong lớp đều biết Thư bị ung thư, biết cái ngày này sớm muộn cũng sẽ tới. Nhưng tôi tin ai nấy cũng đều hụt hẫng khi nhận tin buồn này.
Ngày Chủ nhật 30/9 năm trước, nhóm bạn lớp sư phạm chúng tôi gặp nhau ở nhà bạn Nguyễn Thị Điệp. Chúng tôi còn trò chuyện suốt buổi sáng và quây quần bên mâm cơm đầm ấm đến quá trưa. Buổi tối về tôi còn ghi lại đôi điều về tâm trạng mình trên trang Facebook. Đúng là một ngày vui, đầy ý nghĩa. Bao nhiêu kỷ niệm cứ ùa về. Tuổi thanh xuân chúng tôi đã qua đi và tiếp tục sẽ qua đi những ngày tháng xế chiều, nhưng tình cảm giữa chúng tôi vẫn gắn bó cùng năm tháng.
Kể từ buổi tụ tập ở nhà Điệp, tôi không có dịp nào gặp Thư. Cách đây ít ngày, nói chuyện qua điện thoại với bạn Đinh Ngọc Lan, tôi được biết bệnh tình của Thư đang trở nên trầm trọng. Tôi hẹn sang thăm Thư vào một ngày gần đây nhất. Thế rồi dịch Covid-19 ập đến.
Thời gian trôi đi nhanh quá. Mới ngày nào, có lẽ vào khoảng những ngày này cách đây 45 năm, lớp chúng tôi đi thực tập giảng dạy tại trường THCS Trâu Quỳ và một số trường học xung quanh thuộc huyện Gia Lâm. Tôi còn nhớ vào một buổi sáng khi đang xem thầy Nguyễn Khang và bạn Trần Ngọc Cầu chơi bóng bàn ở sân trường thì thầy Phạm Bá Rô, thầy là trưởng đoàn hoặc phó đoàn thực tập đến vỗ vai tôi: “Thầy muốn về nhà cất vài món đồ”. Đó là hôm đầu tiên thầy đến ở cùng nhà. Tôi cảm thấy rất hãnh diện.
Về đến nhà bà Hoa thôn Cửu Việt, ngôi nhà ban tổ chức thực tập Trường Sư phạm liên hệ cho thầy trò chúng tôi ở trong thời gian hơn một tháng (hồi đó ở nhờ nhà dân không một ai lấy tiền như ở trọ bây giờ), thầy Rô đưa cho tôi mượn cuốn tiểu thuyết “Một anh hùng thời đại của nhà thơ, nhà văn Nga M. Lermontov. Tôi ngấu nghiến đọc tác phẩm trước đó thầy Khang đã giới thiệu và phân tích trong giờ văn học Nga. Buổi chiều cùng ngày hôm đó thì một bạn nào tôi không nhớ đến báo tin mẹ Thư mất. Thầy Rô nói với tôi: “Không biết lớp tổ chức những ai đến nhà Thư chia buồn?”
Tôi mượn chiếc xe đạp Thống nhất của bạn Huy, người cùng ở nhà bà Hoa để đi viếng cùng cán sự lớp Nguyễn Thị Lan. Tôi được phân công thay mặt cho các bạn nam đến nhà Thư. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi đi viếng, chia buồn với tư cách đại diện cho tập thể. Mẹ Thư cũng là bậc sinh thành đầu tiên mất trong số các bậc sinh thành bạn bè tôi. Ngoài ra tôi còn có nhiệm vụ lai bạn Đinh Ngọc Lan đi cùng (ngày đó xe đạp là phương tiện xa xỉ. Lớp tôi trừ bạn Huy, hình như chỉ có Nguyễn Lan là có xe).
Ba người chúng tôi tử Cửu Việt đi về thị trấn Gia Lâm thì trời mưa. Hình như chúng tôi có ghé qua nhà Nguyễn Lan lấy áo mưa thì phải. Tôi còn nhớ đó là một cơn mưa mau hạt, dai dẳng, mãi không dứt. Vì vậy chúng tôi buộc phải đi trong thời tiết bất lợi. Đến đoạn đường đê về Ngọc Thụy, mưa tạnh nhưng gió thổi mạnh. Mặc áo mưa, gió cản phần phật nên rất khó đi. Nhớ lại không hiểu tại sao lúc đó ngược gió, trên quãng đường trống, xung quanh là đồng không mông quạnh mà chúng tôi vẫn cứ đi được. Hình như có một sức mạnh vô hình nào đó. Tôi không nhớ chúng tôi đã nói với nhau những chuyện gì. Chỉ mang máng là mình đã kể về nhân vật Petsôrin, nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết tôi vừa đọc.
Có lẽ mải chuyện không nhìn đường, vả lại lai người đẹp khiến tôi có cảm giác lâng lâng nên đến đoạn đường dốc xuống bến đò Đông Trù không lường hết khó khăn. Bánh xe vượt qua một mô đất trơn trượt, tôi không làm chủ được tay lái. Ghi đông xe lảo đảo rồi nghiêng đổ xuống bên trái. Tôi vừa kịp chống tay, chiếc xe ụp xuống đôi chân. Quay lại thấy Ngọc Lan ngã xuống bên cạnh. Nguyễn Lan hốt hoảng: “Hai người có làm sao không?”
Hình như lúc đó tôi rất bối rối. Lai bạn nữ mà cũng không xong, để rơi vào cái tình cảnh ngượng đến mất mặt. Chưa kịp đứng lên thì Ngọc Lan đứng dậy, nhỏ nhẹ: “Không sao. có áo mưa nên mình không bị lấm.” Tôi lúng túng xin lỗi.
Chúng tôi dắt xe xuống bến đò Đông Trù. Con đường dốc thoai thoải. Tôi phải nhấn tay phanh và nhả dần để chiếc xe không kéo xuống theo quán tính. Mặt đường chai cứng, trơn như bôi mỡ. Không khác gì những ngày tôi cùng đồng đội hành quân xuống dốc núi trong ngày mưa rừng.
Chỉ khi đã yên vị trên con đò, nghe tiếng mái chèo khua của ông lão và cô gái lái đò cùng tiếng con nước xô mạn thuyền tôi mới cảm thấy nhẹ nhõm. Bởi vì khi bước lên cầu đò, hai tay xách theo chiếc xe, sơ suất một chút là ngã xuống dòng sông đang cuồn cuộn chảy.
Nguyễn Lan và Ngọc Lan chuyện trò như không hề có việc gì xảy ra. Còn tôi thì vẫn còn ấm ức với chính mình. Chắc hai người biết rất rõ con đường đất này. Tôi theo sau như thể đó là lần đầu tiên biết đến nó. Thực ra tôi biết con đường và bến đò từ khi sang thăm nhà bạn Đặng Đình Đắc ở gần đó. Tôi cũng mấy bận qua đò sang sông thăm nhà hai đồng đội: Anh Nguyễn Ngọc Tâm ở Tầm Xá, người bạn sư phạm nhập ngũ cùng ngày đã hy sinh trong một trận đánh ở Thanh Tân, Phong Điền, Thừa Thiên vào đầu tháng 3 năm 1973; và anh Nguyễn Tiến Vinh hy sinh trong trận đánh mở màn ở Đắc Pét vào một ngày cuối tháng 4 năm 1974. Những lần đó tôi cũng đi xe đạp lên xuống bến đò này nhưng vào những ngày nắng ráo… Kể từ ngày hôm đó bến đò Đông Trù đã trở thành bến đò kỷ niệm không phai mờ trong tâm trí tôi!
Lên đò, qua cây gạo là đến nhà Thư. Lúc đó chiều đã muộn. Qua cổng nhìn vào căn nhà tranh đơn sơ tôi thấy Thư gầy guộc trong bộ đồ tang cùng với người thân bên quan tài người quá cố. Sau khi làm lễ, Thư mời chúng tôi ngồi trên chiếc chõng tre. Nước mắt Thư giàn giụa kể về mẹ. Tôi thấy trong đôi mắt Nguyễn Lan và Ngọc Lan cũng ngân ngấn nước…
Chia tay, Thư đưa chân ra đến đầu ngõ và căn dặn: “Mọi người đi cẩn thận nhé. Nhất là bạn Huệ, bị thương ở tay đó!” Tôi thoáng nghĩ chẳng lẽ hai người đã kể chuyện xảy ra trên đường? Chắc các bạn trong lớp sẽ thỏa sức thêu dệt cái khoảnh khắc “vồ ếch” để mà đùa vui. Nhưng rồi tôi vội gạt ý nghĩ đó đi, tập trung nhìn phía trước vì trời rất tối.
Về đến nhà Nguyễn Lan ở Ái Mộ thì Thị trấn đã lên đèn từ lâu. Chúng tôi không trở lại thôn Cửu Việt. Nguyễn Lan mời chúng tôi qua đêm tại nhà. Đó là lần đầu tiên tôi ăn cơm ở nhà một bạn nữ (lần thứ hai là ở nhà Ngọc Lan). Đó cũng là đêm đầu tiên tôi ngủ ở nhà một bạn nữ. Tôi nhớ lúc đó vết thương ở tay tôi bắt đầu đau nhức vì chống ngã lúc chiều (mảnh đạn mắc trong ổ khớp cổ tay tôi không lấy được ra nên mỗi khi va chạm mạnh lại đau nhức). Tôi vô ý cứ xoa xoa tay theo bản năng khi nói chuyện. Đoán được hậu quả buổi chiều, Nguyễn Lan lấy hộp dầu trong tủ thuốc đưa cho Ngọc Lan mở nắp giúp tôi thoa dầu lên vết thương. Ngọc Lan nói như người có lỗi: “Bây giờ bọn mình mới biết bạn bị thương. Đau lắm không?” Đêm đó là một đêm trắng với bao cung bậc cảm xúc.
Hơn 25 năm sau chúng tôi mới tập trung được mọi người trong lớp học. Những năm tháng bao cấp nhọc nhằn bươn chải khiến cuộc sống cộng đồng trong mỗi người chúng tôi mờ đi. Mặc dầu vẫn gặp nhau theo từng nhóm, nhưng chỉ là từng nhóm riêng lẻ. Cho đến khi công cuộc đổi mới bung ra, khi cái cơ chế bao cấp bị mổ xẻ vứt bỏ, khi điện thoại bàn, điện thoại di động xuất hiện, và khi chúng tôi đến cái độ chín của tuổi trưởng thành thì mọi người mới có điều kiện, nhu cầu tìm đến nhau.
Lớp họp lần đầu ở nhà Minh Thư. Đành rằng đó là ý nguyện chung của cả lớp. Đành rằng ban cán sự lớp đã đứng ra tổ chức. Nhưng những hạt nhân tích cực như Thư đóng vai trò rất quan trọng. Từ khâu hẹn hò mọi người, rồi công tác chuẩn bị đến khâu cơm nước, tiếp đón, điều phối… vợ chồng Thư hoàn tất rất chu đáo. Tôi biết việc này không phải dễ dàng vì hàng năm tôi thường được đăng cai lớp học thời cấp 3 nên hiểu nét đặc thù riêng của nó.
Buổi tập trung đầu tiên tôi sang nhà Tính từ rất sớm để cùng đến nhà Thư. Nhân tiện thăm mẹ Tính. Từ hồi còn học sư phạm bà đã rất quý tôi. Thỉnh thoảng tôi vẫn sang nhà Tính mỗi khi có công việc riêng, mỗi khi rỗi rãi hoặc trống vắng . Đến nhà Tính thường gặp Thư bởi hai người vừa là bạn bè vừa là họ hàng.
Cuộc họp thành công ngoài sự mong đợi. Cánh con trai chúng tôi chỉ vắng bạn Trần Ngọc Cầu, Nguyễn Văn Tưng. Cánh con gái vắng một vài bạn. Từ đó bạn bè trong lớp chúng tôi gặp gỡ nhau thường xuyên hơn. Riêng với Thư khoảng cách chúng tôi gần gũi hơn, vì hoàn cảnh Thư cũng giống hoàn cảnh tôi. Con cái học ở nước ngoài. Cứ gặp nhau là lại nói về những uẩn khúc, mắc mớ riêng của gia đình có con xa xứ.
Sức khỏe Thư sa sút từ mấy năm nay. Tôi biết thư đã phải vật lộn với căn bệnh hiểm nghèo này để đứng vững, để chèo lái gia đình, để chồng con luôn yên tâm làm việc, vui sống. Và tôi cũng chưa từng thấy ai mắc căn bệnh này mà không lần nào vắng mặt các buổi họp lớp, trừ lần cuối cùng gần đây nhất Thư bất tỉnh. Đặc biệt là không thấy ai “mải vui du lịch” trong ngoài nước cùng người thân, cùng bạn bè trong lớp như Thư. Có lẽ các bạn thân của Thư như Điệp, Lan, Dung và một số bạn khác trong lớp rõ điều này hơn tôi…
Khoảng dăm bảy năm trở lại đây, thỉnh thoảng tôi viết bài đăng trên trang Facebook. Tôi thường viết về đề tài giáo dục Mỹ, đề tài quân đội, quan hệ quốc tế và thỉnh thoảng viết một số bài bình luận, phân tích tác phẩm của người thân. Tôi viết cho mình, cho đồng đội, anh em bạn bè, đồng nghiệp, cho con cháu. Tôi không nói với các bạn cùng lớp trong các buổi họp lớp trước đây. Không hiểu Thư đã đọc bài viết của tôi từ lúc nào.
Đến ngày hôm nay tôi mới lần lại theo dòng thời gian. Gần bốn năm Thư đọc đều đặn. Thậm chí là đọc lúc trên giường bệnh viện giữa những cơn đau khủng khiếp. Tôi xin trích một số lời nhận xét trong số mấy chục bình luận:
- Mình đã đọc mấy bài viết về giáo dục Mỹ. Nhìn chung các bài viết đều sống động, rất bổ ích. Giáo dục nước mình tụt hậu quá; thấy thương cho thầy trò mình. Cảm ơn bạn đã tâm huyết chia sẻ để mọi người cùng suy ngẫm.
- Đọc bài viết, mình thấy những người lính sống thật có tình, có nghĩa… Cầu mong cho linh hồn vị Tướng của bạn mãi mãi bình yên.
- Cụ đã khỏe chưa bạn? Câu chuyện bạn kể thật cảm động. Xin gửi lời tới bạn, tới bác Minh Duy lời chúc sức khỏe, bình an và hạnh phúc. Mình rất cảm phục, trân trọng biết ơn các anh bộ đội.
Cả buổi chiều tôi đọc đi đọc lại những bài viết có bình luận của Thư. Chỉ đến hôm nay tôi mới hiểu mình đã mất đi một người bạn, một tình bạn từ thời sinh viên đến gần lúc lâm chung về bên kia thế giới. Vậy mà tôi không kịp đến thăm Thư như đã hẹn với Ngọc Lan. Và hôm qua gia đình đưa bạn về cõi vĩnh hằng tôi cũng không đến vĩnh biệt bạn được. Buồn, thương! Tôi chỉ biết dán mắt vào trang viết, vào dòng chữ cuối cùng Thư viết: “Có lẽ mình không đọc được nữa. Bài viết của bạn thường dài, mình phải ngắt nhiều lần mới đọc xong. Mình lấy làm tiếc vì không được đọc những bài viết của bạn. Mình đau lắm!”.
Xin vĩnh biệt Thư, một cô giáo mẫu mực, một người vợ hiền tần tảo, một người mẹ hết mực thương yêu con, một người bạn tình nghĩa. Cầu cho linh hồn bạn mãi bình yên. Chúng tôi sẽ mãi nhớ đến bạn!
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.