Thăm nghĩa trang liệt sỹ Việt Lào Anh Sơn

Leave a Comment

 Thăm nghĩa trang liệt sỹ Việt Lào Anh Sơn

Trước khi qua cửa khẩu quốc tế, đoàn chúng tôi đến viếng thăm nghĩa trang Liệt Sỹ Việt- Lào Anh Sơn. Đây là địa chỉ quen thuộc với các cựu chiến binh mà trên 50, 60 mươi năm trước họ là những chiến sỹ tuổi 20 “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Chúng tôi biết nhiều cựu chiến binh không có điều kiện thăm lại chiến trường Lào, họ đã trở lại thị trấn Con Cuông, Nghệ An, nơi quy tập 11.000 chiến sỹ hy sinh trên đất bạn để thắp hương cho đồng đội. Với chúng tôi chuyến đi này, nghĩa trang là một địa chỉ mang đầy ý nghĩa và gợi lên nhiều cảm xúc.
Nhiều người trong đoàn đã đến đây một hai lần, cá biệt có người đến ba bốn lần nhưng tất cả đều bồi hồi. Mỗi người một tâm trạng riêng. Có người dự cảm tuổi cao sức yếu, có thể đây là lần cuối cùng được về thắp hương cho đồng đội. Đến thăm nghĩa trang lần này cũng là một dịp để tưởng nhớ và tri ân đồng đội, những người bạn đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến. Nói chung, những người lính tình nguyện và chuyên gia tham gia chiến đấu tại “đất nước triệu voi”, họ đều vì nghĩa vụ, đều vì tình yêu quê hương và lòng trung thành với nền độc lập, tự do của cả hai dân tộc, nhưng không phải ai cũng may mắn sống sót cho đến ngày hôm nay…
Đây là nghĩa trang lớn nhất trong số các nghĩa trang quy tập liệt sỹ nằm dọc phía tây dãy Trường Sơn, từ thượng Lào đến nam Lào. Trong số 11000 liệt sỹ, có tới gần 7000 liệt sỹ không tên. 9 khu mộ liệt sỹ trải dài gần chục ha của 47 tỉnh thành trên cả nước từ đầu những năm 1950 đến giữa những năm 1980. Tôi bỗng nhớ đến những câu thơ trong bài Tây tiến: “Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/ Áo bào thay chiếu, anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành”…
Cắm nén hương trên những ngội mộ không tên, có người không cầm được nước mắt. Họ nhớ đến đồng đội, trước lúc hy sinh còn trăng trối: “Hãy nhớ lấy nơi này để sau này đưa mình về nước”. Người chiến sỹ ngã xuống trong kháng chiến chống Pháp thường khâm liệm bằng manh chiếu, còn những người chiến sỹ trong kháng chiến chống Mỹ ngã xuống thường khâm liệm bằng mảnh tăng (nylon). Không biết bây giờ các anh nằm ở đâu? Nghĩa trang này hay nghĩa trang nào. Thật buồn! Đến bao giờ mới trả được lại tên cho các anh, những người đã ra đi không hề nuối tiếc tuổi xuân; khi nằm xuống chỉ có một tâm nguyện được về với đất mẹ!
Nghĩa trang liệt sỹ Việt-Lào Anh Sơn cũng là biểu tượng cho tình đoàn kết và tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam và Lào. Cuộc chiến tại Lào không chỉ là cuộc chiến của nhân dân các bộ tộc Lào mà còn là cuộc chiến của người Việt để bảo vệ chính mình, bảo vệ biên cương phía tây thấm đẫm xương máu của bao thế hệ. Nghĩa trang liệt sỹ này là biểu tượng, là một minh chứng nghĩa tình, thủy chung và sự hiểu biết, đặt nền tảng cho sự đoàn kết bền vững giữa hai dân tộc. Chúng tôi hy vọng các thế hệ sau này sẽ mãi trân trọng gìn giữ và xây dựng mối quan hệ đặc biệt này.
Cuối cùng, đến viếng viếng thăm nghĩa trang, chúng tôi còn cầu mong các anh phù hộ cho hai đất nước quốc thái dân an, cầu mong các anh phù hộ cho chúng tôi bình an, để chúng tôi trở lại chiến trường xưa nhớ lại một thời, nhớ về những khó khăn, gian khổ, cùng nhau kể lại những câu chuyện về những ngày khói lửa và những đồng đội đã hy sinh nằm xuống mảnh đất này. Đây cũng là một cơ hội để chúng tôi tự nhìn lại quá khứ, tìm sự cảm thông và tiếp tục theo đuổi những gì mà các anh đã đánh đổi cuộc sống của mình. Chúng tôi tin rằng sự hy sinh của các anh sẽ không bao giờ bị lãng quên trong ký ức người thân, trong ký ức của đồng đội và trong ký ức của dân tộc.
Read More

Hoa dã quỳ

Leave a Comment

 Hoa dã quỳ

Cánh lính chúng tôi ngày còn tại ngũ, cứ nhìn thấy hoa dã quỳ nở là bảo nhau mùa đông đã đến. Dã quỳ là loài hoa dại có một sức sống mãnh liệt. Thân cây nép mình ngủ dưới lòng đất nhiều tháng và bung nở rực rỡ trong khoảng hơn 1 tháng vào đầu mùa Đông. Loại nhoa này mọc ở nhiều nơi, đặc biệt là ở khu vực rừng núi.
Trên đường đi hôm nay, chúng tôi bất ngờ bắt gặp đồi núi trải dài hàng chục km bạt ngàn cúc quỳ. Đẹp quá! Mặc dầu vội, mọi người vẫn bảo nhau dừng xe lại để ngắm, để hoài niệm tuổi xuân một thời, để đoàn và mỗi người chụp một tấm hình kỷ niệm chuyến đi.
Hoa dã quỳ thuộc họ cúc, còn được gọi là hoa cúc quỳ, cánh lính chúng tôi ngày trước thường gọi là hướng dương dại, cái tên gọi đã hàm nghĩa dã quỳ không phải một loài hoa đẹp lắm. Có 3 loại cúc quỳ: Hoa vàng, hoa đỏ và hoa trắng. Hoa đỏ và hoa trắng rất hiếm, phổ biến là hoa vàng.
Có một câu chuyện cổ tích kể về nguồn gốc loại hoa này. Chuyện kể rằng ngày xưa, ở một buôn làng nọ, có chàng K’lang con của núi rừng yêu tha thiết nàng H’limh, con của dòng suối. Ngày ngày chàng vào rừng săn bắt thú rừng như bao trai làng; còn nàng thì dệt chăn giống như bao thiếu nữ tự tay dệt tấm chăn đẹp để mang về nhà chồng. Tối tối họ thường đốt lửa, quây quần múa hát cùng dân làng. Cuộc sống vui vẻ hạnh phúc cứ trôi đi êm đềm. Cho đến một ngày, khi H’limh chờ hoài mà vẫn không thấy K’lang đi săn về, nàng lo lắng đi tìm. Nàng cứ đi, đi mãi, đi hết mười mấy con suối, mười mấy ngọn núi mà không thấy người yêu. Mệt quá nàng ngủ thiếp đi. Trong giấc mơ, nàng thấy K’lang gọi và bảo nàng đi thêm nữa. H’ Limh giật mình tỉnh dậy, đi tiếp đến cuối nguồn thì nhìn thấy K’lang đang bị những kẻ ác của bộ tộc Lasiêng trói chặt vào một thân cây. Nàng chạy lại ôm lấy chàng, mặc cho những mũi tên, những ngọn giáo đâm vào da thịt. Nàng gục xuống khi bị trúng mũi tên độc của con trai tộc trưởng Lasiêng, người quá hờn ghen với tình yêu của H’limh dành cho k’lang. Từ đó cứ mỗi độ tháng mười, nơi nàng H’limh chết nở ra một loài hoa màu vàng rực. Người ta thường gọi là hoa Dã Quỳ. Cây hoa dần dần mọc lan rộng khắp núi rừng, tương trưng cho tình yêu chung thủy của đôi trai gái người dân tộc.
Hoa dã quỳ ở đây cao hai đến ba mét. Hoa bạt ngàn, nở chồng xếp lên nhau. Những bông hoa vàng nghệ nổi bật với cánh hoa rực rỡ. Những cánh hoa được bố trí cân đối, tạo nên một hình tròn hoàn hảo, một đường viền mỏng manh với lớp cánh hoa hình cầu. Nhìn ra xa, thảm hoa dã quỳ trông giống như một kiệt tác thiên nhiên mênh mông vàng miền sơn dã.
Vậy mà ngày trước cánh lính trẻ chúng tôi chỉ xem hoa dã quỳ là một loại hoa miền sơn cước, hoa hướng dương dại, một loại hoa bình thường như bao loại hoa rừng không tên, gắn liền với một câu chuyện tình của một tộc người nào đó. Có thể nó khiến chúng tôi trong một lúc nào đó nhớ về một giai nhân, nhưng với một cảm giác mơ hồ, một tâm trạng như câu thơ trong bài Lương Châu từ “cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi (Xưa nay chinh chiến mấy ai về).
Dã quỳ không để lại nhiều ấn tượng, không đọng lại trong tâm trí. Bởi cái chúng tôi quan tâm là cái đói, cái rét, sự sống cái chết. Nếu có đề cập đến hoa, cánh lính miền xuôi chúng tôi thường nói đến hoa hồng, cúc đại đóa, violet, thược dược, lay ơn... Chỉ cho đến những năm gần đây, khoảng mươi mười lăm năm trở lại đây, khi trở lại nơi đóng quân, khi đi du lịch, khi về chiến trường xưa, anh em chúng tôi mới cảm nhận thấy hoa dã quỳ thực sự đẹp.
Nói đến hoa dã quỳ, giờ đây chúng tôi còn biết thêm có nơi người ta chế biến hoa như một loại trà đạo, có thể thanh nhiệt, giải độc. Hoa dã quỳ còn được dùng trong công nghiệp mỹ phẩm và dược liệu. Trong văn hóa một số nước, dã quỳ còn biểu tượng cho vẻ đẹp dân dã và sự tự do, phóng khoáng. Trong Phật giáo, hoa dã quỳ còn là vẻ đẹp của tâm linh…
Thì ra cái có những cái đẹp phải trải qua một hành trình trong cuộc đời người ta mới cảm nhận thấy. Dã quỳ là một trong số đó. Từ vẻ đẹp ngoại hình cho đến ý nghĩa văn hóa, tâm linh và ứng dụng thực tế trong cuộc sống, và cũng một phần theo trào lưu, giờ đây phần lớn anh em chúng tôi đều xem hoa dã quỳ là loài hoa đẹp, xứng đáng được tôn quý.
Điểm đặc biệt của loài hoa này là loài hoa luôn sống hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên rừng núi. Hoa rủ vàng hai bên đường như hàng rào chào đón. Hoa lúp xúp bên những loại cây cỏ tranh, lau. Hoa xen kẽ với rừng đào bắt đầu chớm nở. Hoa chen trong bụi chuối đến tận bờ tre. Hoa trải dài đến rừng thông xanh um tùm… Hoa nhuộm vàng rừng núi trùng trùng điệp điệp. Hoa phủ vàng sườn non xuống thung sâu thẳm mờ sương. Vẻ đẹp của hoa dã quỳ là vẻ đẹp của số nhiều, của sự cộng hưởng, không phải vẻ đẹp của một bông hoa mà là vẻ đẹp của những đồi hoa, những rừng hoa tít tắp đến không cùng. Đúng là loại hoa tượng trưng cho sự kiên nhẫn và sức sống vượt qua khó khăn. Ít có loại hoa nào có khả năng tồn tại và nở rộ, nhuộm vàng những vùng đất hoang vu, cằn cỗi và khắc nghiệt như dã quỳ…
Bỗng câu ca xưa trong ký ức tôi vọng về: Em như cây quế giữa rừng/ Thơm tho ai biết, ngát lừng ai hay.
Read More

Đại tá Hồ Hữu Lạn và chiến dịch Đắc Pét

Leave a Comment

 Đại tá Hồ Hữu Lạn và Chiến dịch Đăk Pét

Tuần trước tôi nhận được điện của Đại tá Hồ Hữu Lạn, ông thông báo cho tôi biết Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã quyết định tổ chức hội thảo, đề nghị Nhà nước công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia Đăk Pét. Đây là tin vui cho cán bộ Trung đoàn 3 Sư 324, trung đoàn đã tham gia trận đánh lịch sử Đăk Pet tại chiến trường Tây Nguyên tháng 5, năm 1974.
Tôi có may mắn cùng với Đại tá Hồ Hữu Lạn và Hội cựu chiến binh Trung đoàn 3 đến Đăk Pét 3 lần trong những năm gần đây để thắp hương cho đồng đội tại nghĩa trang Đăk Glei. 49 năm đã trôi qua, chúng tôi vẫn nhớ như in trận đánh lúc 8 giờ ngày 16/5/1974 của quân chủ lực Mặt trận Tây Nguyên, mà trực tiếp là Trung đoàn 66 thuộc Sư đoàn 10 và Trung đoàn 3 Sư đoàn 324 phối hợp với lực lượng vũ trang, dân quân địa phương tiến công giải phóng cứ điểm Đăk Pék, Kon Tum.
Vào đầu những năm 1970 chúng ta đã tổ chức một số trận đánh vào chi khu quân sự Đăk Pét nhưng đều không thành công. Kẻ địch đã tiến hành tổ chức một hệ thống phòng ngự chiều sâu với nhiều cứ điểm chốt liên hoàn cùng với hệ thống hầm hào kiên cố sau thất thủ mùa hè năm 1972 ở Đăk Tô - Tân Cảnh. Phạm vi của cụm cứ điểm nằm trên những ngọn đồi trong thung lũng, có chiều dài gần 10km, chiều rộng khoảng 2km. Hai mươi hai cứ điểm thuộc chi khu quân sự Đắk Pét gần như được nối liền với nhau bằng hệ thống hầm hào xây bằng gạch và bê tông. Các cứ điểm chính có hai tầng. Tầng trên là công sự chiến đấu, phía trên xếp các bao cát dày hàng mét. Tầng dưới là nơi nghỉ ngơi của sỹ quan và binh lính ngụy. Đặc biệt từng chốt ở các cụm cứ điểm đều có hàng rào dây thép gai nhiều lớp với công sự và đường ngầm liên lạc kiên cố, có thể chi viện cho nhau khi một trong các cứ điểm bất kỳ nào bị ta tiến công.
Đầu năm 1974, trước tình hình mới, Bộ Tư lệnh Mặt trân Tây Nguyên quyết định phải xóa sổ chi khu quân sự Đăk pét. Trong cuốn Lịch sử Bộ Tổng tham mưu (tập 5) có ghi: “Trên hướng Gia Lai, ngày 26/3/1974 Bộ TTM điện (số 100/BTk) đồng ý với phương án đánh địch ở Đăk Pét của Mặt trận Tây Nguyên. Cuối tháng 4/1974 Bộ TTM quyết định Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 từ Trị Thiên vào tham gia đánh địch ở Đăk Pét. Nhiệm vụ của Trung đoàn 66 Sư đoàn 10 và Trung đoàn 3 Sư 324 cùng với quân và dân địa phương là phải tiêu diệt toàn bộ chi khu quân sự Đắk Pét; tiêu diệt và làm tan rã hệ thống ngụy quân ngụy quyền; giải phóng hơn ba ngàn dân; khai thông tuyến đường 14 để chuẩn bị cho những chiến dịch lớn sắp tới.
Từ huyện A Lưới, Thừa Thiên, 160 chiếc xe đưa toàn bộ cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 3 theo con đường Hồ Chí Minh tới Kon Tum. Con đường đi dọc theo thung lũng A Lưới, người Mỹ những năm 60, 70 của thế kỷ trước gọi là Thung lũng A Sầu. Hai bên đường mây phủ trắng núi rừng trùng trùng điệp điệp. Ai nấy đều bồi hồi xúc động vào chiến trường theo mệnh lệnh của Bộ. Thời điểm đó, anh em chiến sỹ chỉ được biết mình hành quân vào chiến trường B3, chưa được biết tham gia chiến dịch đánh Đắk Pét…
Đúng 8 giờ sáng 16/5/1974, lệnh tiến công căn cứ Đăk Pék phát ra từ Sở chỉ huy. Ngay lập tức, các khẩu pháo, pháo bắn thẳng 160mm, 120mm, 105 mm, 85 mm và ĐKZ 75mm… đồng loạt khai hỏa, phá vỡ những lô cốt vòng ngoài, vòng trong. Từng mảng công sự địch lần lượt bị phá tan nhờ pháo, cối bắn ở tầm gần, trực xạ rất hiệu quả. Tiếp theo bộ binh mở toang cửa mở, các mũi ào ạt xông lên chiếm lĩnh các trận địa. Chỉ sau 4 tiếng đồng hồ chiến đấu kiên cường, anh dũng của quân ta, toàn bộ quân địch ở căn cứ Đăk Pék và quận lỵ Đăk Pék bị tiêu diệt, bị bắt làm tù binh. Kết quả, ta đã bắt sống 403 tên, thu 110 súng các loại, phá hủy 14 đại bác và cối hạng nặng, bắn rơi 3 máy bay địch, xóa sổ hoàn toàn sở chỉ huy biệt kích, án ngữ trục đường 14 Đăk Pék.
Trận đánh tiêu diệt cụm cứ điểm Đăk Pék là một chiến thắng toàn diện, trọn vẹn, không chỉ tiêu diệt sinh lực địch giải phóng nhân dân mà còn khai thông hành lang vận chuyển trên tuyến đường Hồ Chí Minh, tạo điều kiện cho chiến trường Tây Nguyên, chiến trường miền Nam. Chiến thắng Đăk Pét một lần nữa khẳng định truyền thống đánh giặc anh hùng của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, của dân quân du kích và của đồng bào các dân tộc dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Trận đánh đã đi vào lịch sử của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc như một biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng và nghệ thuật chiến tranh nhân dân tài tình, sáng tạo của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Riêng với Trung đoàn 3, Chiến dịch Đăk Pét cũng đã tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Đoàn Thuận Hóa. Thứ nhất vì trong lịch sử chống Mỹ của quân đội ta, đây là lần đầu tiên trong chiến trường, cán bộ chiến sỹ trung đoàn hành quân bằng xe cơ giới, một cuộc hành quân quy mô cấp trung đoàn rầm rầm đi vào mặt trận. Một trăm sáu mươi chiến xe Zil ba cầu chở toàn bộ Trung đoàn với đầy dủ vũ khí đạn dược đi trên đường 14, qua đèo Bò Lạch sang đất Quảng Nam, theo đường Khâm Đức đến Đắk Glei, Tây Nguyên. Đây là chiến trường mới, địa hình mới và là thử thách mới với các cán bộ và chiến sỹ Trung đoàn 3, trung đoàn quen tác chiến ở chiến trường Trị Thiên.
Ngồi trên xe vào chiến dịch Đăk Pét , anh em cán bộ chiến sỹ cảm thấy hừng hực khí thế. Tình hình chiến sự đang diễn ra một điều gì đó khác trước rất nhiều. Thậm chí còn dự cảm bước đột phá mới trên chiến trường. Những năm trước đó, người lính đeo ba lô súng đạn hành quân bằng đôi chân, đi hàng nghìn km theo các trạm giao liên bí mật, luồn rừng, lội suối, trèo đèo với phương châm đi không dấu, nấu không khói để tránh máy bay, phi pháo, thám báo địch... Ngồi trên xe cơ giới chạy giữa ban ngày, ai nấy đều nhận thấy thế và lực của chúng ta đã rất lớn mạnh. Đúng như Tướng Lê Trọng Tấn, Tổng Tham mưu phó quân đội đã nhận xét, đó là một cuộc hành quân cơ giới đầu tiên, là sự tập dượt, thí điểm để đưa các binh đoàn chủ lực cơ động của ta vào chiến trường sau này.
Thứ hai là mặc dù thời gian chuẩn bị cho chiến dịch chưa đầy ba tuần nhưng đó là thời gian chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ, kỹ lưỡng nhất mà anh em cán bộ chiến sĩ được biết. Trung đoàn trưởng Hồ Hữu Lan yêu cầu đắp sa bàn cụm căn cứ, giao nhiệm vụ cụ thể cho các tiểu đoàn 7,8,9 trên sa bàn, thông qua quyết tâm thư, nghị quyết chiến đấu... Các tiểu đoàn giao nhiệm vụ cho các đại đội, trung đội cũng trên sa bàn. Cán bộ, chiến sỹ được bàn bạc góp ý về cách tiếp cận mục tiêu, cách mang vác gỗ, bao cát, cách đào hầm áp sát trận địa địch, được bàn bạc cách đánh vào các mục tiêu rất cụ thể… Chính điều này góp phần không nhỏ vào thành công của chiến dịch.
Thứ ba, chiến dịch Đắk Pét là một chiến dịch hợp đồng binh chủng hết sức nhịp nhàng, ăn ý. Pháo phòng không 57 mm, 37mm, 23mm của ta án ngữ trên những ngọn đồi bắn chặn không cho máy bay trực thăng, A-37, C-130 của kẻ địch đến ném bom bắn phá các mục tiêu. Hỏa lực pháo 122mm, 105mm, 85mm, hỏa lực cối 160mm, 120mm, 81mm, 60mm, hỏa lực ĐKZ, 12,7mm của chiến dịch, của cấp trung đoàn, cấp tiểu đoàn phối hợp nhịp nhàng, cấp tập bắn nát các lô cốt, hầm ngầm; cày xới phá hủy hầm hào công sự buộc quân địch phải chúi xuống hầm ngầm, tạo điều kiện cho các mũi công binh mở cửa bằng mìn ba giá, đánh bay hệ thống hàng rào kẽm gai có chiều sâu đến 70 mét. Và sau hai giờ giội bão lửa, xe tăng và bộ binh các hướng chủ yếu, thứ yếu đồng loạt tấn công chiếm lĩnh trận địa. Kẻ địch gần như bị áp đảo, không thể ứng cứu cho nhau.
Thứ tư là trận đánh diễn ra trong một thời gian ngắn kỷ lục, từ 6h đến 10 giờ ngày 16/5/1974. Hơn 400 tên địch đã bị tiêu diệt và bị bắt sống. Một số lớn vũ khí đạn dược của Mỹ ngụy bị ta thu giữ.
Thứ năm là tổn thất của trung đoàn trong một trận đánh lớn ở mức thấp nhất. Chỉ có hai mươi mốt cán bộ chiến sỹ hy sinh trước và trong trận đánh.
Cuối cùng là ngay sau trận đánh, tất cả cán bộ chiến sỹ phải làm nhà cửa ổn định và chăm lo cuộc sống cho hàng trăm gia đình, phần lớn là người dân tộc, thậm chí quân y còn đỡ đẻ cho đồng bào các dân tộc, một nhiệm vụ mà cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 3 chưa bao giờ phải làm…
Tôi còn nhớ cách đây 2 năm, Đại tá Hồ Hữu Lạn, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3 trong trận đánh Đăk Pét đã dẫn đầu đoàn chúng tôi đến huyện lỵ Đắk Glei. Thật ngỡ ngàng sau gần nhiều năm quay trở lại. Thị trấn nay đã vươn mình thức dậy, mang dáng dấp của một vùng độ thị hóa. Chưa có nhiều nhà cao tầng nhưng cơ sở hạ tầng đường xá, trường trạm không thua kém các thị trấn miền xuôi. Xe chúng tôi đi chầm chậm qua một cây cầu bắc qua con sông Đắk Mek. Vẻ đẹp hiện đại và sự duyên dáng của nó trong ánh đèn hoa rực rỡ chẳng kém gì những cây cầu nổi tiếng trên khắp đất nước. Bóng cả phố núi lung linh lấp lóa trên dòng sông…
Sau một đêm ngủ đặc trưng trong không gian rừng núi tĩnh mịch, đoàn chúng tôi được các anh em trong ủy ban và huyện đội đưa đến nghĩa trang liệt sỹ huyện Đắk Glei. Nghĩa trang liệt sỹ nằm trên đỉnh đồi khá cao, bên cạnh chi khu quân sự Đắk Pét ngày trước. Chúng tôi leo 171 bậc lên khu đất bằng trải dài những ngôi mộ ốp đá, nơi nằm yên nghỉ của các liệt sỹ bao gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích đã hy sinh tại huyện trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Cũng giống như các nghĩa trang khác, rất nhiều ngôi mộ không tên. Hai mươi mốt đồng đội của trung đoàn chúng tôi được quy tập về đây cũng không biết nằm ở chỗ nào. Đại tá Hồ Hữu Lạn và đoàn đã làm việc với Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân huyện Đăk Glei và gửi lại danh sách 21 liệt sỹ với đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, chức vụ, cấp bậc, và tên của Trung đoàn 3 với mật danh đoàn Bạch Đằng khi vào chiến trường Tây Nguyên…
Khi viết bài viết này, tôi bỗng nhớ tới anh Lê Xuân Huynh, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8 của chúng tôi cùng phân đội trinh sát đi trinh sát lần cuối căn cứ đồi H. Trên đưởng trở về, một chiến sỹ vướng mìn ở suối Đăk Pét. Pháo, cối địch theo tọa độ bắn dữ dội chặn đường. Đồng thời kẻ địch cho một trung đội địch càn quét dọc theo con suối. Anh Huynh cùng sáu trinh sát bị thương không thể rút ra khỏi đó. Các anh đã chiến đấu hy sinh anh dũng trước khi trận đánh bắt đầu… Năm 2015, Đại tá Hồ Hữu Lạn cùng anh em cựu chiến binh Trung đoàn 3 đến thăm gia đình anh Huynh. Người mẹ 93 tuổi của anh, đôi mắt mù lòa vì khóc thương nhớ con. Mẹ cầm tay từng người. Nước mắt chan chứa gọi “Huynh ơi, Đồng đội con lại về”!
Ngày 16 này, Tôi được Đại tá Hồ Hữu Lạn giao nhiệm vụ viết bài về Chiến dịch Đăk Pét và cùng với một số đại biểu Hội cựu chiến binh Trung đoàn 3 về dự hội nghị. Tôi hy vọng sau hội nghị này, nhân dịp 50 kỷ niệm chiến thắng Đăk Pét, các cơ quan chức năng của tỉnh Kon Tum sẽ hoàn thành các thủ tục để nhà nước sẽ công nhận Đăk Pét là di tích lịch sử cấp quốc gia. Trung đoàn 3 Sư 324 cùng với 21 liệt sỹ cũng được các cơ quan chức năng của tỉnh, của huyện Đăk Glei trả lại tên trong nghĩa trang liệt sỹ Đăk Glei.
Riêng với Đại tá Hồ Hữu Lạn, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3 đầu những năm 1970, người chỉ huy nhiều chiến dịch lớn, người đã góp phần làm nên các chiến thắng ở các nơi được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia (A Bia, Thượng Đức) sắp tới là Đăk Pét, 935-Cốc Bai. Tôi hy vọng kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đăk Pét, ông có đủ sức khỏe để cùng anh em cựu chiến binh Trung đoàn 3 trở lại Kon Tum, Tây Nguyên.
Read More

Kỷ niệm 9 năm trang Blog Chia sẻ

Leave a Comment

 Kỷ niệm 9 năm trang Blog Chia sẻ

Tới đầu tháng 11/2023 trang blog cá nhân Chia sẻ (địa chỉ truy cập cụ thể: blogchiasett.blogspot.com) của tôi đã tròn 9 năm trên chặng đường phục vụ bạn đọc. Đến nay trang blog bao gồm 207 bài viết, thu hút hơn 50.000 lượt người truy cập. Nếu in thành sách, tôi nhẩm tính khoảng 5 cuốn, mỗi cuốn khoảng trên dưới 500 trang. Đây là số lượng bài viết rất khiêm tốn so với một số bloger bạn bè hiện thời. Nhân sự kiện này xin được bộc bạch với độc giả một số cảm nghĩ, một số trải nghiệm.
Tôi thường đề cập đến 4 đề tài trong các bài viết: Đề tài về quân đội, giáo dục (Việt Nam và Hoa Kỳ), quan hệ quốc tế và văn hóa lễ hội. Những lĩnh vực này trong quá khứ và hiện tại tôi ít nhiều được trải nghiệm trong quá trình công tác thực tế và học tập. Nhớ lại những ngày đầu, hàng tuần chỉ mới có một vài người lèo tèo truy cập. Đến nay ngày nào cũng có người truy cập, có ngày lên tới vài chục lượt, cá biệt có ngày lên tới hàng trăm. Tôi rất vui, về hưu rồi nhưng mình vẫn còn tồn tại.
Trước tiên xin được gửi lời cảm ơn và cảm kích tới độc giả! Số lượng người truy cập vượt quá mong đợi, và điều này khiến tôi cảm thấy rất vui. Có ít nhất hơn 50.000 lượt người đã dành thời gian và quan tâm đến những gì tôi chia sẻ trên blog. Điều này là một thành tựu với tôi khi tuổi tác “bóng chiều đã ngả về tây”.
Những năm gần đây, tôi thường lược bớt nội dung bài viết hoặc vội đưa cả nội dung bài viết trong trang Blog lên trang Facebook (nhiều bài viết quá dài, không phù hợp với trang mạng xã hội này). Tuy bất cập nhưng vẫn được nhiều anh em, đồng đội, đồng nghiệp, bè bạn, người thân động viên và phản hồi tích cực. Số lượng người theo dõi blog Chia sẻ từ cộng đồng ngày một tăng. Đặc biệt là khi một số ấn phẩm của Hội sinh viên người Việt ở Mỹ đăng tải và giới thiệu về trang blog này. Những lời nhận xét, ý kiến và chia sẻ của độc giả đã giúp tôi thấy mình cần phải cố gắng hơn. Với tôi điều đó là nguồn động viên và khích lệ trong công việc viết blog.
Dù số lượng người truy cập còn khiêm tốn, nhưng tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm lớn hơn trong việc chia sẻ thông tin chính xác, hữu ích và giá trị. Tôi sẽ cố gắng cập nhật kiến thức và nghiên cứu kỹ các nguồn tài liệu để mang đến cho độc giả những bài viết tốt nhất trong khả năng có thể.
Nhìn lại thời gian 9 năm, tôi nhận thấy 207 bài viết trên blog của mình ít nhiều đã có ảnh hưởng nhất định tới một số độc giả. Những câu chuyện và vấn đề mà tôi trải nghiệm đã giúp độc giả chia sẻ, nhìn nhận cuộc sống và quan điểm của cá nhân tôi trong một thế giới đa chiều. Ít nhiều tôi hy vọng mình góp phần nhỏ bé phát triển văn hóa đọc và truyền cảm hứng cho người khác. Và tôi thực sự coi đó là niềm vui để mình tiếp tục cầm bút.
Việc viết blog trong 9 năm qua đã giúp tôi phát triển không chỉ về kỹ năng viết mà còn giúp tôi tích lũy thêm kiến thức và sự tự tin; giúp tôi hạn chế sự trì trệ, lão hóa do tuổi tác. Tôi đã học thêm được cách tương tác với độc giả, học được cách quản lý thời gian và xây dựng mối quan hệ với cộng đồng trực tuyến. Điều này giúp tôi tiếp tục phát triển bản thân trên hành trình học tập suốt đời.
Trên tất cả, việc trang blog cá nhân thu hút hơn 50.000 lượt người truy cập trong 9 năm là một cột mốc đáng nhớ. Đây là niềm vui, là phần thưởng và tôi rất biết ơn những gì mà độc giả và cuộc sống đã ban tặng cho mình. Cảm ơn thế giới số đã tạo ra một cộng đồng trực tuyến, tạo ra sự ảnh hưởng tích cực và mang lại những trải nghiệm quý giá cho con người. Hy vọng rằng tôi vẫn có thể tiếp tục viết, chia sẻ cảm xúc và kiến thức với độc giả qua trang blob này trong tương lai.
Read More

Ngày chuyển đổi số quốc gia

Leave a Comment

 Nhân Ngày chuyển đổi số quốc gia sử dụng Googlebard viết bài

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Ngày chuyển đổi số quốc gia Việt Nam được tổ chức vào ngày 10 tháng 10 hằng năm. Đây là ngày nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng về vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chuyển đổi số là quá trình thay đổi toàn diện hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dựa trên nền tảng công nghệ số. Chuyển đổi số có ý nghĩa và tầm quan trọng to lớn đối với sự phát triển của đất nước, thể hiện ở các khía cạnh sau:
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động: Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp ứng dụng công nghệ để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, từ đó nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí, tăng lợi nhuận.
Tạo ra các mô hình kinh doanh mới, tăng cường năng lực cạnh tranh: Chuyển đổi số tạo ra những mô hình kinh doanh mới, giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng một cách nhanh chóng, hiệu quả hơn, từ đó tăng cường năng lực cạnh tranh.
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng cuộc sống: Chuyển đổi số giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Thu hẹp khoảng cách số, nâng cao chất lượng giáo dục: Chuyển đổi số giúp thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng miền, địa phương, giúp người dân tiếp cận với giáo dục một cách bình đẳng.
Theo cá nhân tôi, muốn nhanh chóng xây dựng một xã hội số, trước tiên phải xây dựng trường học số. Chuyển đổi số trong giáo dục có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt. Về cơ bản chuyển đổi số trong giáo dục là việc ứng dụng công nghệ số vào quá trình quản lý, quá trình dạy và học, kiểm tra và đánh giá nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
Chuyển đổi số trong giáo dục sẽ tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục: Chuyển đổi số giúp người học có thể học tập mọi lúc, mọi nơi, không bị giới hạn về thời gian và địa điểm. Chuyển đổi số trong giáo dục sẽ nâng cao chất lượng dạy và học: Chuyển đổi số giúp giáo viên có thêm nhiều nguồn lực tài nguyên giáo dục mở của nhân loại, của cộng đồng để đổi mới phương pháp giảng dạy; sử dụng các công cụ, ứng dụng công nghệ để tạo ra những bài giảng sinh động, hấp dẫn, kích thích sự sáng tạo của học sinh. Chuyển đổi số trong giáo dục còn thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong giáo dục: Chuyển đổi số tạo ra những mô hình giáo dục mới, giúp học sinh phát triển toàn diện, mở ra triển vọng hội nhập với thế giới. Chuyển đổi số trong giáo dục là một xu thế tất yếu của thời đại, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Để thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục thành công, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, nhà trường, giáo viên và học sinh.
Theo cá nhân tôi, trước mắt các cấp quản lý phải thực hiện một số giải pháp cần và đủ để thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục: (i) tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để ứng dụng công nghệ số trong giáo dục, đáp ứng nhu cầu quản lý, dạy và học; (ii) Nâng cao năng lực của giáo viên bằng việc nhanh chóng đào tạo, bồi dưỡng để họ có thể sử dụng công nghệ số một cách hiệu quả trong giảng dạy; (iii) Tạo môi trường học tập thân thiện, tích cực để yêu cầu và khuyến khích học sinh sử dụng công nghệ số trong học tập và nghiên cứu.
Với những ý nghĩa và tầm quan trọng to lớn như trên, hy vọng ngày chuyển đổi số sẽ có tác động tới tất cả các cấp, các ngành và cộng đồng nhận thức đầy đủ. Quân trọng là phải chuyển từ nhận thức sang hành động. Đặc biệt là chuyển đổi số trong giáo dục cần được quan tâm và triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả. Đây là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu về nhân lực chất lượng cao của thời đại.
Read More

Bàn về vấn đề dạy thêm và học thêm

Leave a Comment

 Bàn về vấn đề dạy thêm và học thêm

Dạy thêm, học thêm là một vấn đề nóng bỏng ở Việt Nam từ nhiều năm nay. Những ngày gần đây, bắt đầu từ Báo Lao động, sau đến nhiều tờ báo khác liên tục đề cập về vấn đề “quốc nạn” đang gây xôn xao dư luận. Là một nhà quản lý giáo dục đã nghỉ hưu nhiều năm, tôi xin bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này.
Thứ nhất, dạy thêm, học thêm là một nhu cầu khách quan của xã hội.
Chương trình giáo dục phổ thông hiện nay, dù sắp hoàn thành Chương trình cải cách giáo dục mới nhưng vẫn còn bất cập, chưa đáp ứng hết nhu cầu học tập của học sinh. Bên cạnh đó, áp lực thi cử và cạnh tranh trong xã hội ngày càng cao vào trường công lập (ngay ở thủ đô Hà Nội cũng chưa đáp ứng được 70 % học trung THCS vào THPT), vào trường đại học (vào đại học năm học 2022 mới chỉ đạt 48%) khiến nhiều học sinh có nhu cầu học thêm nâng cao kiến thức, kỹ năng để đạt được nguyện vọng của bản thân và gia đình.
Thứ hai, dạy thêm, học thêm có thể mang lại một số lợi ích nhất định.
Việc học thêm có thể giúp học sinh củng cố kiến thức, kỹ năng, bổ sung kiến thức mới, rèn luyện kỹ năng giải bài tập, nâng cao khả năng tư duy, có khả năng vượt qua các kỳ thi để tiến xa hơn trên bước đường học tập. Ngoài ra, học thêm cũng có thể giúp học sinh phát huy năng khiếu, sở trường của bản thân.
Thứ ba, dạy thêm, học thêm có thể gây ra một số tác hại.
Việc học thêm quá nhiều có thể khiến học sinh bị căng thẳng, mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý. Học sinh không có thời gian để tự học và sáng tạo, có thể trở thành một người “thừa hành” trong cuộc sống sau này. Bên cạnh đó, dạy thêm cũng có thể gây ra tình trạng cạnh tranh không công bằng giữa các trung tâm và ngoại vi, giữa các vùng miền, ganh đua tiêu cực giữa học sinh, dẫn đến những hành vi ảnh hưởng đến nhân cách của cả thầy và trò.
Dựa trên Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT về việc dạy thêm học thêm, Quyết định 2080/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh, bổ sung đề án dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2017-2025 và phản ứng của phụ huynh, báo chí về việc dạy thêm, dạy liên kết trong nhà trường, tôi cho rằng cần phải có những giải pháp để quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm một cách hiệu quả, đảm bảo lợi ích của cả học sinh, giáo viên và xã hội.
Thông tư 17 ra đời từ năm 2012 để chỉ đạo việc dạy thêm và học thêm khi chưa cải cách giáo dục. Tới nay thông tư này không còn phù hợp nữa. Cần phải sửa đổi, bổ sung đảm bảo tính khả thi và phù hợp với thực tế, đảm bảo với định hướng giáo dục theo năng lực học sinh; không thể dạy thêm học thêm đại trà, tràn lan như hiện tại.
Cần phải tăng cường công tác quản lý của các cơ quan chức năng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm ép buộc học sinh học thêm dưới mọi hình thức.
Tăng cường tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của phụ huynh, học sinh về tác hại của dạy thêm, học thêm quá nhiều (nhiều trường hợp dạy thêm, học thêm bắt nguồn từ chính tham vọng của phụ huynh học sinh).
Đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học, đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong giáo dục, nâng cao ý thức tự học, nâng cao chất lượng dạy học chính khóa, chấm dứt bệnh thành tích, đáp ứng nhu cầu học tập và nguyện vọng của học sinh.
Để giải quyết vấn đề dạy thêm, học thêm ở Việt Nam, cần có sự chung tay của các cơ quan chức năng, nhà trường, gia đình và toàn xã hội. Hy vọng rằng, với những giải pháp trên, hoạt động dạy thêm, học thêm sẽ được quản lý một cách hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển toàn diện cho học sinh.
Riêng về việc dạy thêm học thêm ngoại ngữ:
Dạy thêm học thêm ngoại ngữ là một nhu cầu chính đáng của học sinh trong thời đại hội nhập, thời đại công nghệ số. Trình độ ngoại ngữ, đặc biệt trình độ ngoại ngữ chuyên ngành toán, khoa học, công nghệ, kỹ thuật (nhóm ngành STEM) chính là chìa khóa để mở cánh cửa đi vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nếu không học thêm (hiện tại chương trình cải cách giáo dục chưa đáp ứng được) thì không thể đáp ứng được yêu cầu hoc sinh, sinh viên tiếp cận với các nguồn tài nguyên giáo dục mở của nhân loại. Cụ thể là việc tiếp cận, học trực tuyến ở các nguồn tài nguyên giáo dục mở, miễn phí đẳng cấp quốc tế. Tuy nhiên, cần có sự phân biệt rõ ràng giữa dạy thêm và học thêm tràn lan. Dạy thêm ngoại ngữ cần được tổ chức dưới hình thức cả ở trong trường học và ở ngoài trường học; có chương trình đạt chuẩn quốc tế, có giáo trình và giáo viên đạt chuẩn.
Về dạy thêm theo hình thức liên kết giữa nhà trường và các tổ chức, trung tâm bên ngoài nhà trường:
Dạy thêm theo hình thức liên kết là một hình thức mới xuất hiện trong thời gian gần chục năm trở lại đây. Hình thức này phát huy được mọi nguồn lực xã hội hóa trong giáo dục. Đây là hình thức kết hợp công - tư ở các nước có nền giáo dục tiên tiến vẫn áp dụng. Chỉ có điều là hình thức liên kết để học sinh học thêm này là do nhà nước, các tổ chức, các nhà hảo tâm trả tiển chứ không phải phụ huynh phải trả tiền. Ví dụ ở Hoa Kỳ Tập đoàn công nghệ IBM tài trợ dạy thêm trong thời gian hè đối với tất cả các học sinh nằm trong top10 của các nhà trường tiểu học Mỹ nếu có nguyện vọng học STEM. Các công ty công nghệ như Facebook, google, Microsoft... đầu tư hàng chục triệu USD cho các nguồn tài nguyên giáo dục mở cho việc dạy học của các nhà trường. Hình thức này ở Việt Nam có thể mang lại một số lợi ích nhất định cho học sinh. Tuy nhiên, cần có sự kiểm soát chặt chẽ về chất lượng giảng dạy, tránh tình trạng dạy thêm mang tính thương mại, lợi dụng học sinh trục lợi.
Về phản ứng của báo chí và phụ huynh học sinh:
Phản ứng của phụ huynh và báo chí về việc dạy thêm, học thêm là phản ứng tự nhiên của xã hội trước một vấn đề đã, đang và sẽ còn gây bức xúc trong xã hội. Điều này cho thấy, xã hội đang quan tâm và mong muốn giải quyết vấn đề dạy thêm, học thêm một cách hiệu quả. Theo cá nhân tôi, nhà trường cần phải bảo đảm thực hiện hết định mức giờ dạy của giáo viên hiện có để tổ chức dạy học các môn học, các hoạt động giáo dục bắt buộc, các hoạt động tăng cường, củng cố để giúp học sinh nắm vững kiến thức theo quy định của ngành giáo dục.
Khi đã thực hiện đủ, nhà trường có thể căn cứ vào nhu cầu của học sinh và cha mẹ học sinh trên tinh thần tự nguyện (theo đúng nghĩa của từ này) để tổ chức các hoạt động giáo dục đáp ứng nhu cầu người học theo các quy định về hoạt động dạy thêm, học thêm của các cấp có thẩm quyền như học tiếng Anh qua bộ môn toán, khoa học, học tiếng Anh với người nước ngoài, hoạt động trải nghiệm STEM... Khi nhà trường tiến hành liên kết, nhà trường và bên liên kết phải đảm bảo thời khóa biểu cho các hoạt động này được sắp xếp một cách khoa học, phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng học sinh, hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học.
Hy vọng trong thời gian tới, đất nước ta có điều kiện đáp ứng 100% học sinh có nguyện vọng vào trường công lập, hoặc tư thục; đáp ứng 100% học sinh vào học cao đẳng và đại học giống như Mỹ và phương Tây thì việc dạy thêm học thêm như ở Việt Nam hiện nay tự nhiên sẽ triệt tiêu, chỉ còn là chuyện của quá khứ một thời. Vấn đề hiện tại là quản lý việc dạy thêm học thêm như thế nào, học những môn gì, học như thế nào để đảm bảo nhân cách của thầy và của trò nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu về đào tạo nhân lực trong thời đại công nghiệp 4.0.
Read More

Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam

Leave a Comment

 Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam

Trước chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nhân kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam Hoa Kỳ, đã có nhiều đồn đoán về việc nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước. Điều này xuất phát từ quan hệ thực tế 10 năm qua, theo tôi thì việc nâng cấp là điều tất yếu. Nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường. Quan hệ cạnh tranh nước lớn Mỹ-Trung, Mỹ-Nga ngày càng gay gắt. Cuộc chiến Nga-Ucraine diễn ra đã gần 2 năm vẫn chưa có hồi kết. Thời gian gần đây Trung Quốc liên tục có những hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại bãi Tư Chính, gây cản trở ngư dân đánh cá, phun vòi rồng vào tàu Phillipines, phát hành bản đồ đường lưỡi bò mới phi pháp…
Tôi cho rằng thời điểm này đã chín mùi để Việt Nam nâng cấp quan hệ chiến lược. Kéo dài thêm thời gian, quan hệ Trung-Mỹ căng thẳng, vấn đề rất nhạy cảm với Việt Nam, Việt Nam sẽ để lỡ mất thời cơ nâng cấp quan hệ với Mỹ. Nếu Biển Đông diễn biến phức tạp hơn, Việt Nam càng bất lợi, không chỉ về vấn đề anh ninh mà còn là vấn đề phát triển kinh tế (trước những năm 1979, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc gần như tương đương với Việt Nam, nhưng sau khi xâm lược Việt Nam và chống lại Liên Xô, Trung Quốc dựa vào Mỹ và phương Tây vươn lên trở thành siêu cường thứ 2 như ngày nay. Điều này cũng diễn ra giống với Đức, Nhật. Hàn, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông…). Nếu chúng ta không nhanh chóng tiếp cận, tranh thủ nguồn vốn, khoa học công nghệ, trình độ quản lý của Mỹ và phương Tây, chúng ta khó có thể vươn lên trở thành một cường quốc, một quốc gia có thu nhập cao trong thời gian tới.
Khi theo dõi thời sự tối ngày 10/9, tôi không ngờ quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ không phải là cấp Đối tác Chiến lược mà vượt cấp lên Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Thật bất ngờ! Theo tôi, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam từ ngày 10-11/2023 đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, chưa từng có trong mối quan hệ giữa hai nước, khi hai bên chính thức nâng cấp mối quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Đây là một sự kiện lịch sử, đánh dấu một giai đoạn mới trong quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, trong bối cảnh hai nước đều có chung lợi ích và mong muốn hợp tác sâu rộng trong nhiều lĩnh vực, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Chuyến thăm của Tổng thống Biden đã diễn ra thành công tốt đẹp, với nhiều nội dung quan trọng đã được hai bên xác nhận. Về chính trị, hai bên đã khẳng định cam kết tăng cường tin cậy chính trị, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Hai bên cũng đã thảo luận về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông, và nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ để duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Về kinh tế, trước đó hai bên đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác quan trọng, trong đó có Bản ghi nhớ về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, Bản ghi nhớ về hợp tác năng lượng, Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực y tế, Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục,... Những thỏa thuận này sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước, góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác trong các lĩnh vực này.
Về văn hóa, giáo dục, hai bên đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác quan trọng, trong đó có Bản ghi nhớ về hợp tác văn hóa, Bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục,... Những thỏa thuận này sẽ góp phần tăng cường giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục giữa hai nước, góp phần thúc đẩy hiểu biết và gắn kết giữa nhân dân hai nước.
Chuyến thăm của Tổng thống Biden đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của Mỹ đối với mối quan hệ với Việt Nam. Đây là một tín hiệu tích cực cho sự phát triển của mối quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới. Một số nhà nghiên cứu trong ngoài nước đã đánh giá về ý nghĩa của chuyến thăm của Tổng thống Biden đối với mối quan hệ Việt Mỹ:
- Đây là chuyến thăm cấp cao nhất của một nhà lãnh đạo Mỹ đến Việt Nam kể từ khi Tổng thống Barack Obama thăm Việt Nam năm 2016. Chuyến thăm thể hiện sự coi trọng của Mỹ đối với Việt Nam, coi trọng thể chế chính trị của Việt Nam, đồng thời khẳng định, coi trọng mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
- Chuyến thăm đã góp phần tăng cường tin cậy chính trị, hiểu biết và gắn kết giữa hai nước. Hai bên đã thảo luận sâu rộng về nhiều vấn đề, trong đó có các vấn đề quan trọng như an ninh Biển Đông, an ninh hàng hải, an ninh khu vực…
- Chuyến thăm đã tạo cơ sở cho việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục,... giữa hai nước. Những thỏa thuận hợp tác được ký kết trước và những cam kết trong chuyến thăm sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác trong các lĩnh vực này. Đặc biệt là việc Hoa Kỳ thúc đẩy hỗ trợ Việt Nam trong hợp tác số, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu.
Nhìn chung, chuyến thăm của Tổng thống Biden đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong mối quan hệ Việt Mỹ, mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ giữa hai nước, với nhiều triển vọng hợp tác tốt đẹp trong thời gian tới. Kết của việc nâng cấp quan hệ ngoại giao đặc biệt này được thể hiện trong Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ Việt Nam - Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử quan hệ hai nước. Đây là sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực của hai bên trong việc thúc đẩy hợp tác và phát triển quan hệ song phương trong những năm qua.
Tuyên bố chung khẳng định quan hệ Việt Nam - Mỹ "là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững". Đây là một bước nâng cao đáng kể so với quan hệ đối tác toàn diện được thiết lập vào năm 2013. Tuyên bố chung cũng nêu bật những lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa hai nước, bao gồm: Chính trị, ngoại giao; Quốc phòng, an ninh; Kinh tế, thương mại, đầu tư; Giáo dục, đào tạo; Khoa học, công nghệ…
Tuyên bố chung ghi nhận những thành tựu trong thời gian qua, đồng thời thể hiện cam kết của hai bên trong việc tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện có ý nghĩa quan trọng đối với cả hai nước. Đối với Việt Nam, đây là cơ hội để tiếp tục mở rộng hợp tác với một cường quốc hàng đầu thế giới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đối với Mỹ, việc nâng cấp quan hệ với Việt Nam giúp củng cố vị trí của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực.
Tuy nhiên, để quan hệ Việt Nam - Mỹ phát triển bền vững, hai bên cần tiếp tục nỗ lực khắc phục những thách thức và khó khăn. Một thách thức lớn là sự khác biệt về quan điểm và lợi ích giữa hai nước trong một số vấn đề khu vực và quốc tế, đặc biệt là vấn đề về nhân quyền. Bên cạnh đó, hai bên cũng cần giải quyết các vấn đề tồn tại trong quá khứ, như vấn đề bồi thường cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Dù vậy, với quyết tâm của hai bên, tôi tin rằng quan hệ Việt Nam - Mỹ sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và sâu sắc hơn trong thời gian tới.
Read More

Cảm nghĩ ngày khai giảng năm học mới

Leave a Comment

 Cảm nghĩ ngày khai giảng năm học mới

Hôm nay ngày 5 tháng 9, một hiệu trưởng đã về hưu hơn chục năm vẫn được nhà trường trân trọng gửi giấy mời dự lễ khai giảng (hôm trước nhà trường còn gọi điện mời lại). Tôi vô cùng xúc động khi nhớ lại những kỷ niệm đáng nhớ trong gần 40 năm là giáo viên và quản lý trường THCS Tân Triều.
Trải qua bao nhiêu năm tháng, hình ảnh về các thầy cô, anh chị, các bạn, các em trong hội đồng nhà trường, hình ảnh về bao lớp học sinh vui mừng, háo hức trở lại trường học lại tràn ngập trong tâm trí tôi. Tiếng trống trường rộn rã báo hiệu một năm học mới cùng với những khuôn mặt rạng rỡ, những ánh mắt nụ cười, những tiếng cười trong trẻo ở ngôi trường đã trở thành nguồn động lực cho tôi trong cuộc sống nghề nghiệp. Tôi rất vui vì mình là một thành viên, được đóng góp một phần nhỏ bé vào việc xây dựng nền nếp dạy và học. Đến ngày hôm nay tôi vẫn được coi và cảm thấy mình là một thành viên của nhà trường. Cảm giác này thật viên mãn. Với tôi ngày này vẫn là một cột mốc đặc biệt trong hành trình giáo dục và tự giáo dục của mình.
Giống như nhiều giáo viên, cán bộ quản lý đã về nghỉ chế độ, tôi thấy mình đã trải qua nhiều niềm vui xen lẫn nỗi buồn với bao thăng trầm và thách thức của nghề nghiệp. Nhưng thời gian trôi đi chỉ để lại tất cả những điều đẹp đẽ nhất, trân quý nhất khi nhìn thấy sự phát triển của nhà trường, sự trưởng thành của bao lớp người trên con đường học tập và thành công.
Lớp học trò đầu tiên của tôi đã về hưu, tóc cũng đã bạc trắng. Hôm nay họ đưa cháu đến trường. Họ vẫn gọi tôi bằng thầy. Các cháu theo các bậc phụ huynh đến trường dù lúng túng không biết gọi tôi là gì, rồi cũng chào bằng thầy. Các thầy cô trong trường cũng gọi tôi bằng thầy. Cả những bạn bè cùng trang lứa hôm nay gặp tôi cũng chào “chào thầy giáo”. Ngẫm kỹ thật vui! Càng ngày tôi càng nhận thấy việc giáo dục không chỉ là việc truyền đạt kiến thức mà còn là việc khơi gợi, phát triển tư duy và nuôi dưỡng những giá trị văn hóa, đạo đức.
Trong gần 40 năm làm việc tại trường học, tôi đã gặp gỡ và làm việc cùng với rất nhiều giáo viên, nhân viên và phụ huynh. Tôi nghĩ chính tình yêu nghề nghiệp, sự thông cảm, tôn trọng và sự đoàn kết của cả cộng đồng giáo dục là những yếu tố quan trọng để mang lại một môi trường học tập tốt đẹp cho học sinh. Tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành đến tất cả những người đã đồng hành trong suốt thời gian công tác mà vì lý do nào đó tôi chưa kịp chia sẻ.
Dù đã về hưu, nhưng tình cảm của tôi vẫn gắn bó với mái trường này. Tôi tin tưởng những người tiếp quản vai trò của thế hệ chúng tôi và các em học sinh sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển trường học thành một môi trường giáo dục đáp ứng yêu cầu mới của thời đại, một môi trường giáo dục không chỉ giúp thầy trò đạt được điểm cao trong các kỳ thi mà còn giúp thầy trò phát triển bản thân, thành công trong cuộc sống và đóng góp cho xã hội, một môi trường học tập tích cực, khuyến khích lòng đam mê, kiên nhẫn và sẵn sàng đối mặt với những thử thách mới để xây dựng một tương lai tươi sáng.
Xin chúc mừng ngày khai giảng, chúc mừng năm học mới thành công với thầy trò trường THCS Tân Triều!
Read More

Biển khép lại một mùa hè

Leave a Comment

 Biển khép lại một mùa hè

Mùa hè năm nay nóng chưa từng thấy. Nóng oi ả nhiều ngày lên đến hơn 40 độ. Nhưng mùa hè năm nay lại đem lại cho tôi nhiều niềm vui. Chỉ trong ba tháng tôi được mời đi nghỉ dưỡng đến 5 lần (2 chuyến đi theo tiêu chuẩn của Bộ Lao động, Thương binh Xã hội và cơ quan nơi công tác; 3 chuyến đi đóng góp của Câu lạc bộ quản lý giáo dục Thanh Trì, Ban liên lạc Hội cựu chiến binh, gia đình và bạn bè). Chưa bao giờ tôi có thời gian đi như vậy. Cả 5 lần nghỉ dưỡng đều ở biển. Cho đến tận ngày hôm nay tôi mới tự hỏi mình vì sao người ta thường chọn đi nghỉ ở biển? Biển có vai trò gì trong cuộc sống?
Với tôi, biển là nơi gợi cho người ta vẻ đẹp kỳ vĩ nhất. Ngắm nhìn biển rộng lớn, mênh mông dường như vô tận gợi cho người ta nhiều cảm nghĩ về quá khứ, hiện tại. Biển là nơi tiếp giáp giữa trời và đất, có màu xanh da trời xanh ngắt, có màu xanh nước biển trong vắt, có những bãi cát trắng, bãi cát vàng mịn và có những rạn san hô rực rỡ…
Tôi thích nhất vẻ đẹp đặc trưng màu xanh nước biển trong vắt. Từ bắc vào nam hình như màu xanh nước biển cứ sẫm dần. Màu xanh được tạo nên bởi ánh sáng mặt trời khi phản chiếu trên mặt nước biển. Ánh sáng mặt trời tán xạ bởi các phân tử nước, khiến nước biển có màu xanh lam. Màu xanh đặc trưng này có thể thay đổi tùy thuộc vào thời gian trong ngày, tùy thuộc vào thời tiết. Thật kỳ diệu!
Bên cạnh màu xanh trong vắt, biển còn có những bãi cát trắng, bãi cát vàng mịn màng. Bãi cát được tạo nên bởi tự nhiên, bởi sự bào mòn của sóng biển và gió. Có người thích bãi cát trắng vì nó gợi vẻ đẹp tinh khiết. Có người thích bãi cát vàng bởi nó gợi vẻ đẹp sang trọng, hấp dẫn. Biển và bãi biển quả là nơi lý tưởng để du khách tắm biển, thư giãn và vui chơi.
Trong những chuyến đi nghỉ, lần đầu tiên trong đời tôi lặn biển. Lúc đầu cảm thấy rờn rợn. Hướng dẫn viên phải động viên, đi kèm, tôi mới vượt qua được bản năng sợ sệt cố hữu để được ngắm những rặng san hô có nhiều màu sắc kỳ ảo. Tôi mải mê thưởng thức bao dáng vẻ, hình dạng mà tạo hóa đã ban tặng. Thỉnh thoảng được bắt gặp một đàn cá nhiều sắc màu như một bức tranh tuyệt mỹ dưới lòng biển. Rất thú vị!
Biển không chỉ đẹp mà nó mang lại rất nhiều lợi ích. Biển cung cấp nguồn thực phẩm phong phú như cá, tôm, cua, mực... Biển chứa một nguồn tài nguyên năng lượng gần như vô tận, cung cấp dầu mỏ, khí đốt, điện gió và nhiều khoáng sản quý giá. Biển tạo ra những tuyến đường giao thông quan trọng. Cảng biển còn tạo ra những trung tâm thương mại, giúp kết nối với các quốc gia khác trên thế giới.
Biển còn cung cấp môi trường sống cho rất nhiều loài sinh vật, cung cấp một chu trình sinh thái của trái đất. Biển giúp kiểm soát khí hậu và hấp thụ CO2 từ khí quyển. Biển và đảo còn đóng vai trò quan trọng trong an ninh và quốc phòng, cung cấp đường biên giới tự nhiên và là khu vực trọng yếu cho các hoạt động quân sự của đất nước.
Ngoài ra biển còn đóng vai trò nhất định trong nền công nghiệp giải trí, nghỉ dưỡng; cung cấp các hoạt động giải trí như lặn biển, câu cá, lướt sóng và du thuyền. Nó cũng là điểm đến du lịch hấp dẫn với các bãi biển đẹp và các khu nghỉ dưỡng ven biển…
Tóm lại, biển đóng vai trò quan trọng đối với con người từ nhiều khía cạnh khác nhau, đóng góp cho sự phát triển và sự sống của con người. Trong lịch sử quan hệ quốc tế, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng các nước vươn lên trở thành cường quốc khu vực và siêu cường toàn cầu đều nhờ vào biển. Các cường quốc thường có vị trí địa lý giáp biển. Điều này giúp họ dễ dàng tiếp cận với các nguồn tài nguyên và các tuyến đường giao thông. Ví dụ Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Đức, Ý, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ đều là những cường quốc có vị trí giáp biển. Các cường quốc trên đã và đang đầu tư rất nhiều nguồn lực để phát triển hải quân và các lực lượng bảo vệ bờ biển, biến biển trở thành một không gian chiến lược quan trọng. Họ đã và đang sử dụng đại dương để duy trì và mở rộng quyền lực chính trị, quân sự; kiểm soát lưu thông hàng hải, và tăng cường bảo vệ lợi ích, thậm chí họ còn xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của các nước xung quanh vì mục tiêu chiến lược lâu dài.
Tôi không nhớ chính xác mình đã đi biển bao nhiêu lần, khoảng hơn hai chục lần. Nhưng chưa lần nào tôi được trải nghiệm đón bình minh và ngắm hoàng hôn trên biển. Trong những chuyến đi này, lần đầu tôi đã chủ động cùng mọi người đi để biết. Có lẽ con người ta càng nhiều tuổi thì càng có xu hướng trở về với thiên nhiên…
Khoảng 4h30 sáng, nhiều vị khách còn đang say giấc nồng, tôi rủ anh bạn cùng phòng đi bộ ra biển Hải Tiến. Những tia sáng mới ban đầu ló lên cuối trời xua tan màn đêm. Bình minh bắt đầu hé rạng, mặt biển bừng lên ánh nắng vàng tươi lấp lánh ánh bạc. Không gian dường như khoác một bộ áo mới, tinh khôi. Những con sóng vừa và nhỏ bắt đầu lăn tăn vỗ nhẹ vào bờ cát, tạo nên một âm thanh êm dịu đầy sức sống. Cùng với ánh nắng lan tỏa trên bề mặt biển, làn sương mỏng manh vội vàng tan biến vào hư không. Khi mặt trời nhô lên khỏi đường chân trời, những đám mây chuyển sang màu cam, đỏ rực rỡ. Ta cảm thấy vừa mát mẻ vừa ấm áp.
Vào lúc ánh nắng bắt đầu lan toả khắp mặt biển bao la, chiếu sáng lên bờ. Những vệt sáng rực rỡ phản chiếu trên cát, tạo nên một bức tranh màu nhạt, tươi mới. Phía xa, những đám mây trên bầu trời bắt đầu tản ra. Lác đác những đoàn thuyền của ngư dân căng buồm trở về sau một đêm xa khơi bám biển. Đất trời mở ra một không gian mênh mông đến vô tận, vĩnh hằng!
Điều đặc biệt khi ngắm bình minh trên biển là sự yên tĩnh. Chỉ có tiếng sóng vỗ như tiếng thở của gió biển. Bầu không khí tươi mát, trong lành và mặn mòi của biển đem đến cảm giác nhẹ nhàng, thư thái và hy vọng. Tận hưởng bình minh tại biển là một trải nghiệm tuyệt vời. Đúng là một khoảnh khắc đẹp đến ngỡ ngàng, một trải nghiệm không thể quên. Vậy mà đến bây giờ tôi mới biết đến…
Khi chiều tà về trên bãi biển Mỹ Khê, tôi lặng ngắm ráng chiều đỏ rực một góc trời. Hoàng hôn trên biển buông rơi những tia nắng le lói cuối ngày. Mặt trời bắt đầu lặn xuống đằng sau đường chân trời, khoảng không dần chuyển sang màu cam, tạo nên một khung cảnh kỳ ảo. Những đám mây màu cam bỗng chốc vàng nhạt hoang hoải. Mặt biển phản chiếu lung linh như đi vào cảnh tượng thần tiên.
Biển trở nên yên ắng hơn bởi phần lớn người tắm biển đã trở về nhà nghỉ. Chỉ còn lại vài cặp tình nhân nán lại ôm hôn nhau. Chỉ còn lại một vài du khách lững thững tản bộ trên bờ cát mờ nhạt. Chỉ còn lại những con sóng ầm ì như tiếng thở cuối ngày. Màn đêm dần buông. Bầu trời tối dần. Sương bắt đầu rơi trên dãy đèn bừng sáng dọc bờ biển. Không gian đem đến cho ta cái cảm giác như đắm mình trong một thế giới khác. Một bầu không khí lãng mạn, mê hoặc pha chút huyền bí của biển đêm mở ra…
Khép lại mùa hè nóng bỏng năm nay, khép lại những chuyến đi nghỉ ở biển mùa hè này tôi đã thu hoạch được nhiều điều. Một trong những trải nghiệm thú vị nhất, cũng là lần đầu tôi cùng một chiến hữu điên rồ như tôi, hai người đi tắm biển vào thời điểm trăng lên. Chính vì sự điên rồ này mà tôi được ngắm nhìn cảnh tượng đầy kỳ bí và lãng mạn. Cảm giác được đắm mình trong dải trăng sáng, cảm nhận sự yên tĩnh của đêm biển là một trải nghiệm khó quên. Trong ánh trăng sáng, mặt biển dường như sinh động hơn. Những loài sinh vật biển như cá, tôm, cua, sứa cũng trở nên sống động hơn. Chúng tôi thấy chúng như đang nhảy múa dưới ánh trăng. Xa xa, ánh sáng mờ ảo của dải ngân hà trên trời lấp lánh trên mặt biển. Tận hưởng trăng trên biển, tắm biển đêm khiến người ta thấy yên tĩnh và thư giãn đến kỳ lạ.
Phá tan cái không khí tĩnh mịch, anh bạn bỗng hỏi tôi: Ông có nói về các cường quốc hiện đại trên thế giới thường bắt đầu vươn lên từ biển, một yếu tố địa chính trị để trở thành cường quốc. Việt Nam mình cũng là một quốc gia biển, với rất nhiều cảng biển có giá trị, cửa ngõ để đi vào châu Á. Theo ông thì đến bao giờ đất nước mình mới trở thành cường quốc? Tôi rất bất ngờ về câu hỏi này. Suy nghĩ hồi lâu về định hướng chiến lược của Đảng rồi thận trọng dự đoán: Theo tôi, có thể từ sau những năm 50 của thế kỷ này, Việt Nam có khả năng trở thành cường quốc trong khu vực Đông Nam Á.
Thì ra nghỉ dưỡng ở biển không bao giờ là chuyện cũ với bạn bè và người thân.
Read More

Lão tướng Võ Chót

Leave a Comment

 Lão tướng Võ Văn Chót

Chục năm trở lại đây, mỗi lần Hội cựu chiến binh Sư đoàn 324 gặp mặt kỷ niệm ngày thành lập sư đoàn, tôi chưa thấy lần nào Thiếu tướng Võ Chót vắng mặt (trừ hai năm Covid không tổ chức). Khi vào chương trình nghị sự giới thiệu đại biểu và phát biểu tôi nhận thấy các tướng lĩnh, kể cả Thượng tướng, Trung tướng, Thiếu tướng thường dùng cụm từ “ Kính thưa lão tướng Võ Chót”. Có hai lý do nhiều người gọi như vậy. Thứ nhất ông là người cao tuổi nhất trong số các tướng lĩnh xuất thân từ sư đoàn. Thứ hai ông là người có thời gian gắn bó lâu dài nhất với Sư đoàn 324, từ trước ngày thành lập, từ vị trí nuôi quân đến sư đoàn trưởng.
Tôi được biết qua nhiều nguồn, Thiếu tướng Võ Văn Chót sinh ra và lớn lên ở làng Hồ Mạ, xã Vạn Phước, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Năm 1946 khi quân Pháp tiến hành càn quét ở quê hương, kẻ địch bắt và xử bắn anh trai ông ngay tại làng. Mới 14 tuổi Võ Văn Chót đã tham gia cách mạng. Anh làm liên lạc cho Đại đội 252 ở thành phố Nha Trang. Năm 17 tuổi anh chính thức tham gia quân đội.
Cuối tháng 7/1955, Võ Văn Chót cùng đoàn quân miền Nam tập kết ra Bắc trong đội hình Sư đoàn 324. Được tổ chức phân công trọ tại một gia đình ở xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Với dáng người cao ráo, cách sống giản dị, khéo dân vận, hay lam hay làm, chàng thanh niên Võ Chót được cả gia đình, đặc biệt là cô bé Phan Thị Nguyên mới học lớp 7 rất quý mến.
Ban đầu Võ Văn Chót là chiến sĩ nuôi quân. Hàng ngày anh đạp xe đi các chợ mua thực phẩm về cho đơn vị. Vào một buổi sáng mùa đông, Võ Chót đang chia cơm cho bộ đội thì có cô bé Nguyên 13 tuổi cõng em trai đi qua. Anh lấy một tảng cháy, kẹp một miếng thịt lợn đưa cho cô và nói: Em cầm lấy, ăn mau lớn. Sau này lấy anh làm vợ. Không ngờ câu nói đùa vu vơ đó lại được cô bé Nguyên để bụng…
Năm 1962, Võ Văn Chót tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân. Chàng Thiếu úy Võ Chót trở về thăm gia đình mình từng ở trọ. Lúc đó, cô Phan Thị Nguyên đã là sinh viên Trường Cao đẳng Công nghiệp Nam Định xinh đẹp, thông minh, lém lỉnh khiến trái tim chàng sĩ quan trẻ xao động. Hai người “tình trong” như đã thầm trao gửi lời ước hẹn. Và rồi tình yêu ngày một thắm thiết. Cuối tháng 12/1965, anh chị chính thức tổ chức đám cưới. Một ngày sau hôn lễ, anh Võ Chót trở về Trường Quân sự Quân khu 4, hoàn thành công việc để chuẩn bị hành quân vào Nam chiến đấu.
Năm 1966 là năm bắt đầu những thử thách ác liệt trên chiến trường, nơi đối đầu một mất một còn giữa “2 phe”. Võ Chót được giao nhiệm vụ chỉ huy những đơn vị cấp phân đội, trung đội, đại đội thực hiện nhiều nhiệm vụ bí mật ở miền tây Quảng trị. Anh có khả năng nhanh chóng nắm bắt địa hình vùng rừng núi, luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Vì vậy chỉ sau gần hai năm ở chiến trường, đến cuối tháng 10/1967 anh đã được cấp trên điều làm Tham mưu phó Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 1.
Mới chân ướt chân ráo về tiểu đoàn, anh Võ Chót đã xung phong chỉ huy một Phân đội Trinh sát, bí mật cắt và luồn qua hàng chục lớp rào kẽm gai, gỡ hàng trăm quả mìn vào trong cứ điểm Cồn Tiên. Anh cùng Phân đội Trinh sát thực hiện nhiệm vụ đột kích vào hang ổ bắt tù binh Mỹ để khai thác tài liệu phục vụ cho chiến dịch. Vào lúc chiều tối hôm đó, kẻ địch phát hiện được những dấu hiệu khác thường. Chúng co cụm lực lượng trong các căn cứ nửa chìm nửa nổi, dùng pháo binh bắn phá dữ dội. Anh Chót nhanh chóng chỉ huy bộ đội linh hoạt rút ra ngoài theo phương án “bị lộ”. Tuy không bắt được tù binh, nhưng cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 1 đánh giá cao năng lực của một cán bộ chỉ huy gan dạ, xông xáo, biết trước biết sau.
Sau hơn một năm thực chiến tại Mặt trận Đường 9- Bắc Quảng trị, anh Chót đã thể hiện được tố chất của một cán bộ chỉ huy. Anh được cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn 2 tin yêu. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu thân năm 1968, Trung đoàn 1 làm nhiệm vụ thọc sâu từ Vĩnh Linh, dọc theo vùng đồng bằng ven biển đến bờ bắc sông Hương để thu hút địch, chia lửa với các đơn vị bạn đánh vào nội thành Huế và chặn đường tiếp tế bằng đường sông của chúng cho mặt trận Huế. Đó là một nhiệm vụ táo bạo, vừa tiến quân vừa đánh địch. Có nhiều trận đánh rất ác liệt.
Sau Tết Mậu Thân, trên cương vị chỉ huy Tiểu đoàn 1, anh Võ chót đã chỉ huy hàng chục trận đánh quyết liệt ở vùng đồng bằng Thừa Thiên. Hơn hai tháng tiểu đoàn của anh cùng trung đoàn ban ngày thì chống càn quét, ban đêm thì hành quân di chuyển địa điểm và tập kích kẻ địch ở các địa điểm thuộc các huyện huyện Phong Điền, Quảng Điền. Đói ăn, đói ngủ, lực lượng thương vong hao hụt dần, nhưng tiểu đoàn của anh vẫn hoàn thành nhiệm vụ, làm thất bại âm mưu “Tìm diệt”, “Bủa lưới phóng lao” của Mỹ ngụy.
Có lẽ trận đánh gay go quyết liệt nhất là trận anh chỉ huy Tiểu đoàn 1 và một số đơn vị Tiểu đoàn 3 phản công giải vây cho Tiểu đoàn 8 Trung đoàn 90. Kẻ địch có tới 7 tiểu đoàn đã bao vây chặt Tiểu đoàn 8. Ngày đêm chúng dội bão lửa bom đạn vào vị trí của tiểu đoàn. Thương xót anh em vô cùng. Anh chọn một đơn vị cảm tử, tranh thủ màn đêm đột phá đánh chiếm được một đoạn bờ bắc sông Bồ, nhưng không thể bắt liên lạc được với cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 8 trong vòng vây. Anh dẫn đơn vị rút ra trước khi trời sáng. Cả ngày hôm sau không thể chợp mắt, anh suy nghĩ các phương án để đến đêm lại cùng đơn vị vượt sông. Với sự yểm trợ của trung đoàn, lực lượng bộ địa phương và du kích, đêm hôm sau đơn vị anh đã giúp Tiểu đoàn 8 mở đường máu rút ra ngoài, đón được 56 cán bộ chiến sĩ còn lại của tiểu đoàn 8 (hơn 400 cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 8 đã hy sinh ở Phước Yên, Quảng Thọ, Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế)...
Cuối năm 1968 anh Võ Chót được cấp trên bổ nhiệm làm Tham mưu trưởng Trung đoàn 1. Tháng 7/1970 anh cùng Trung đoàn 1 vây lấn đánh bại lữ đoàn dù số 3. Lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, một lữ đoàn Mỹ phải tháo chạy khỏi điểm cao 935 để khỏi bị tiêu diệt hoàn toàn. Tháng 3/1971, anh vừa là Tham mưu trưởng Trung đoàn 1 vửa trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 2 đánh vào hướng nam cứ điểm 550. Được xe tăng yểm trợ, anh chỉ huy Tiểu đoàn 2 đánh chiếm được mục tiêu theo kế hoạch. Không dừng lại, anh quyết định cho tiểu đoàn phát triển, tấn công lên phía bắc để ngày 23/3/1971 cùng với trung đoàn1 và Trung đoàn 3 hoàn toàn làm chủ trận địa, xóa sổ Lữ đoàn dù 147 ngụy.
Ngày 24/5/1972 anh Võ Chót được cấp trên bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3 trực tiếp tham gia Chiến dịch Động Tranh- Đường 12. Anh là một trong những người hùng ở Động Tranh và Đường 12. Từ đó tên tuổi của anh không chỉ gắn liền với một trung đoàn cụ thể nào mà gắn liền với cả Sư đoàn 324. Tháng 8/1973 anh được đề bạt là Tham mưu trưởng Sư đoàn 324…
Kể về cuộc đời chiến trận của Thiếu tướng Võ Chót thì phải dành cả một cuốn sách. Rất tiếc ông không viết hồi ký, mặc dù nhiều anh em đồng đội đã động viên. Anh em nói nhiều, có lần ông trả lời: “Đến viết thư cho vợ tôi cũng còn ngại. Bởi có viết thì điều kiện chiến tranh cũng ít có khả năng nhận được. Thương nhớ tôi để ở trong lòng. Chiến trận cũng như vậy, biết viết thế nào”.
Tôi may mắn bốn lần ở cùng khách sạn với ông khi Đảng ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân huyện A Lưới mời dự hội thảo, mời dự chuẩn bị và dự kỷ niệm 50 năm chiến thắng A Bia và đón nhận di tích lịch sử cấp quốc gia A Bia. Nhiều tối anh em chúng tôi ngồi uống nước ôn lại những kỷ niệm xưa, chuyện trò về đồng đội, chuyện trò về chiến trường đến khuya mới về phòng ngủ. Có lần tôi hỏi ông: “Trong suốt cuộc đời binh nghiệp, trận đánh nào, chiến dịch nào để lại cho Thủ trưởng nhiều ấn tượng nhất”. Ông trả lời ngay “Tết Mậu Thân 1968 ở Thừa Thiên- Huế”.
Theo ông có hai lý do. Thứ nhất đó là chiến dịch gay go quyết liệt nhất, kéo dài nhất, tổn thất hy sinh nhiều nhất trong cuộc đời cầm quân của ông. Cho đến bây giờ hình ảnh các cán bộ chiến sĩ năm xưa vẫn thỉnh thoảng lại hiện về trong giấc ngủ. Đặc biệt là trận đánh giải vây ở Phước Yên, Quảng Thọ. Ông vẫn ân hận, “giá như ngày đó mình chỉ huy tốt hơn, giá như có thể chọc thủng vòng vây sớm một hai hôm thì có thể không chỉ đón được 56 cán bộ chiến sĩ. Giá như…” Lý do thứ hai, sau Tết kẻ địch liên tục càn quét, phong tỏa mọi đường tiếp tế lương thực, thực phẩm, cán bộ chiến hy sinh hàng ngày hàng giờ. Đã thế còn phải ăn cháo rau, rau rừng, ăn măng, sắn ròng rã bao ngày. Có thể nói trong năm 1969 chúng ta thiếu thốn đến tột cùng. Nhưng thiếu thốn khủng khiếp nhất là muối, rất nhiều chiến sĩ của ta đã bị phù thũng do thiếu muối. Ông bồi hồi nhớ lại: “Một hôm tôi lên Sở chỉ huy Quân khu họp tác chiến. Tan họp, anh Lê Khả Phiêu gọi tôi vào lán, mở hòm đưa cho tôi một nửa lon sữa bò muối. Nhìn thấy nửa lon muối, tôi như bắt được vàng. Anh Phiêu căn dặn: Chú nhớ mang về chia cho bộ đội, mỗi người một vài hạt, bỏ vào lòng bàn tay liếm cho đỡ thèm”.
Anh Phiêu còn mách, ông tâm sự với tôi, ở rừng chỗ chúng tôi đóng quân có nhiều bứa. Cho bộ đội đi hái quả bứa còn xanh về thái mỏng phơi khô dùng thay muối. Chất chua trong quả bứa có thể thay thế vị mặn của muối. Bộ bộ đội ăn được cơm sẽ khỏe hơn. “Tôi về cho bộ đội dùng bứa xanh nấu canh, đúng là có hiệu quả, những cơn khát muối không còn hành hạ nữa”. Cho đến bây giờ, Thiếu tướng Võ Chót vẫn chưa quên được nửa lon sữa bò muối. Đó là kỷ niệm ông ít khi chia sẻ với người khác.
Nói về sự gian khổ, ác liệt và sự hy sinh của bộ đội trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở Thừa Thiên- Huế nói riêng và ở mặt trận Trị Thiên nói chung, theo Thiếu tướng Võ Chót thì không thể kể hết được. Ông luôn nhắc nhở các đơn vị quy tập liệt sĩ của Quân khu 4 phải tích cực, trách nhiệm nhiều hơn nữa trong việc tìm kiếm các liệt sĩ ở rừng về. Ông cũng nhắc nhở anh em cựu chiến binh chúng tôi, có điều kiện thì hãy về chiến trường xưa tìm anh em đồng đội. Đêm hôm đó ông còn hỏi tôi: “Chú từng học lịch sử. Chú có cho rằng chúng ta nên xây dựng một tượng đài về 25 ngày đêm ở Huế”. Tôi quá bất ngờ về câu hỏi này. Ông còn đưa cho tôi xem bản vẽ tượng đài A Bia và mô hình tượng đài chiến thắng A Bia. Ông nói với tôi: “Tôi đã gửi cho quân khu 4 hai phương án mấy năm trước. Ngày mai tôi cũng sẽ gửi cho Ủy ban Nhân dân huyện A Lưới hai phương án. Sắp tới họ làm được như ý anh em chúng ta thì tốt. Chưa làm được thì để sau. Tôi còn sống ngày nào thì còn có trách nhiệm với người đã mất”.
Thì ra bao năm nay Thiếu tướng Võ Chót vẫn đau đáu với anh em đồng đội, đồng chí đã nằm xuống mảnh đất này. Mong muốn anh em được trở về nghĩa trang hay về với quê hương. Là người trong cuộc, ông biết công việc này là cực kỳ khó khăn, nhưng với ông khó khăn đến mấy cũng phải làm. Hơn nữa, ông vẫn theo đuổi việc xây dựng tượng đài, trong đó có tượng đài về A Bia để tôn vinh những người đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc. Đến hôm nay tôi mới hiểu thêm về con người ông, và hiểu rõ hơn vì sao các tướng lĩnh lại gọi ông là “lão tướng”.
Read More

Cuộc chiến tranh Nga-Ucraine

Leave a Comment

 Cuộc chiến tranh Nga-Ukraine

Tôi đã định viết về đề tài này từ khi Nga bắt đầu tiến hành “Chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm “phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine”. Mỹ và phương Tây gọi đây là cuộc chiến tranh xâm lược. Nhưng tôi cứ lần chần mãi cho tới ngày hôm nay mới viết bởi cuộc chiến Nga-Ukraine thật sự đã chia rẽ các tầng lớp trong xã hội Việt. Để giữ hòa khí, trong các cuộc họp của các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, thậm chí trong các cuộc họp lớp hay việc vui buồn ở các gia đình, mọi người đã thống nhất không tranh luận về cuộc chiến Nga-Ukraine.
Nói như vậy để thấy được tính chất phức tạp của cuộc chiến này. Có nhiều người Việt cho rằng chính nghĩa thuộc về Nga, vì Nga đang ngăn chặn người hàng xóm đưa NATO đến trước cửa ngõ nhà họ. Bên cạnh đó cũng có nhiều người Việt cho rằng chính nghĩa thuộc về Ukraine, bởi vì Ukraine là nạn nhân của cuộc xâm lược. Cũng có người cho rằng “tại anh tại ả, tại cả đôi bên”.
Theo chiến lược gia địa chính trị nối tiếng Mỹ Brzezinski, cố vấn an ninh quốc gia cho hai đời tổng thống Mỹ, trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Time vào tháng Ba năm 2014 ông nói: “giải pháp tốt nhất cho Ukraine là trở thành một nước Phần Lan như đã từng đối với Nga” (nước trung lập). Cựu Ngoại trưởng Mỹ kiêm cố vấn an ninh quốc gia Kissinger thì cho rằng Ukraine nên là chiếc cầu nối giữa Đông và Tây. Việc Mỹ muốn Ukraine trở thành thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là một sai lầm nghiêm trọng và dẫn đến cuộc xung đột Nga-Ukraine. Và không phải không có lý khi cựu Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố “Nếu tôi là tổng thống thì sẽ không xảy ra cuộc chiến này”...
Lãnh đạo Ukraine đã đi theo con đường riêng, bất chấp sự quan ngại của Nga, bất chấp lời khuyên của các chính trị gia, chiến lược gia bậc thầy quốc tế. Và cái logic vận động của lịch sử như đã từng xảy ra với Ukraine một lần nữa lại tái hiện. Ngày 24 tháng 2 năm 2022, Nga tiến hành Chiến dịch quân sự đặc biệt/xâm lược Ukraine. Chiến dịch này bắt đầu sau một thời gian tập trung lực lượng cùng sự công nhận độc lập của Nga đối với hai vùng ly khai là Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk.
Vì sao Nga tiến hành Chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine?
Thực ra chiến dịch quân sự của Nga đã bắt đầu sau cuộc Cách mạng Euromaidan vào ngày 18 tháng Hai năm 2014, sau khi các lực lượng thân phương Tây ở Ukraine lật đổ chính phủ cánh tả và bước vào một giai đoạn chính trị không ổn định. Nga cho rằng việc thay đổi chính phủ ở Ukraine là một cuộc đảo chính do phương Tây hậu thuẫn, và Nga lo ngại Ukraine sẽ trở thành một nơi trú ẩn cho các nhóm ly khai. Đồng thời Nga cũng muốn giữ, mở rộng tầm ảnh hưởng của mình trong khu vực và đối phó với sự mở rộng của NATO, nhất là sau khi Ukraine bày tỏ mong muốn gia nhập NATO.
Ngoài ra Nga còn có các lợi ích kinh tế và chiến lược trong khu vực. Nhất là với vùng Donbass của Ukraine, nơi có số đông người Nga, được Nga tài trợ, giúp đỡ các nhóm ly khai tách khỏi Ukraine, khu vực có nền công nghiệp khai thác tài nguyên mỏ quan trọng và là địa điểm trung tâm của nền công nghiệp sản xuất của Ukraine.
Nói một cách khái quát, việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine có nhiều nguyên nhân phức tạp, bao gồm các lợi ích kinh tế và chiến lược, các mối quan tâm về an ninh, trong đó có an ninh của người Nga ở khu vực phía đông Ukraine và các yếu tố chính trị. Đặc biệt sau khi đắc cử tổng thống, Zelensky đã đưa mục tiêu ra nhập NATO vào trong hiến pháp; công khai phá vỡ thỏa thuận Minsk (thỏa thuận được ký kết vào năm 2014 và năm 2015 do Pháp và Đức làm trung gian nhằm kết thúc cuộc chiến tranh giữa lực lượng thuộc Chính quyền Kiev và lực lượng ly khai vùng Donbass).
Nga đã đạt được những mục tiêu gì và mất gì sau hơn một năm?
Tính đến thời điểm hiện tại, Nga đã giành được kiểm soát trên một phần lãnh thổ của Ukraine, đặc biệt là sáp nhập bán đảo Crimea và phần lớn khu vực Donbass vào lãnh thổ Nga. Việc chiếm đóng vùng Crimea từ năm 2014 đã giúp Nga tăng cường sự hiện diện của mình trên Biển Đen và mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực này. Việc chiếm các khu vực ở Donbass năm 2021, những vùng có nhiều khu công nghiệp quan trọng và đông người Nga sinh sống cũng tạo ra một số lợi thế nhất định cho Nga.
Tuy nhiên, việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine đối diện với rất nhiều khó khăn, mất mát. Phương Tây cho rằng mục tiêu của Nga là đánh chiếm Ukraine, lật đổ chính quyền, chấm dứt vĩnh viễn mong muốn gia nhập liên minh quân sự phương Tây NATO. Trước tiên, Nga đánh mất uy tín trên trường quốc tế, gặp phải áp lực từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các quốc gia phương Tây, vì việc vi phạm chủ quyền của Ukraine và vi phạm luật pháp quốc tế. Sau đó là phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt kinh tế hà khắc.
Sự ủng hộ về tinh thần và vật chất, thông tin tình báo, viện trợ vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại của Mỹ và Phương Tây cho Ukraine đã gây ra những tổn thất kinh tế và giới hạn khả năng thực hiện mục tiêu cũng như việc tìm kiếm nguồn tài trợ cho cuộc chiến tranh của Nga. Ngoài ra Nga cũng đối mặt với sự kháng cự ngày một gia tăng của lực lượng quân đội Ukraine và các nhóm tình nguyện quân quốc tế, khiến cho chiến dịch của Nga bị chững lại, không phải lúc nào cũng thuận lợi. Theo báo chí của phương Tây, Nga có thể đang bị sa lầy ở cuộc chiến này. Ngoài ra, việc tiếp tục duy trì chiến dịch quân sự cũng đòi hỏi Nga phải bỏ ra nhiều nguồn lực, gây ra những tác động tiêu cực đến kinh tế và xã hội. Những thành tựu về kinh tế trong mấy chục năm qua của Nga đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng.
Ukraine đạt được gì, mất gì sau hơn một năm?
Sau hơn một năm chiến tranh, Ukraine đã đạt được một số thứ:
(1), Sự hỗ trợ của quốc tế: Ukraine đã nhận được sự hỗ trợ quốc tế rộng rãi, bao gồm viện trợ quân sự, hỗ trợ tài chính và viện trợ nhân đạo. Sự hỗ trợ này đã giúp duy trì hoạt động của chính phủ Ukraine và xây dựng lại một số cơ sở hạ tầng đã bị chiến tranh tàn phá.
(2), Lợi ích quân sự: Các lực lượng Ukraine đã đạt được một số thành tựu trong những tháng gần đây, chiếm lại một vài khu vực lãnh thổ trước đây do lực lượng Nga chiếm giữ, phần nào đem lại niềm tin cho binh lính và người dân của họ.
(3), Trở thành ứng cử viên của Liên minh châu Âu : Ukraine đã được cấp tư cách ứng cử viên để gia nhập Liên minh châu Âu vào tháng 6 năm 2022. Đây là một bước tiến quan trọng đối với Ukraine, vì nó sẽ đưa Ukraine đến gần hơn với phương Tây và các giá trị dân chủ phương Tây.
(4) Tư cách thành viên NATO: được hứa hẹn gia nhập NATO, điều này sẽ giúp Ukraine tránh được một cuộc xâm lược của Nga trong tương lai.
Tất nhiên, Ukraine cũng đã phải chịu những mất mát, những tổn thất đáng kể do chiến tranh. Tổn thất lớn nhất là Ukraina mất đi một vùng lãnh thổ khá rộng. Hố ngăn cách chia rẽ dân tộc, chia rẽ người dân miền Đông thân Nga và miền Tây thân phương Tây ngày một sâu rộng. Ngoài ra cơ sở hạ tầng quân sự, công nghiệp của Ukraine trong thời gian qua bị tàn phá rất nặng nề. Hàng chục ngàn sinh mạng binh lính bị mất, hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa di dời sang các nước khác, gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo cùng với nhiều hệ lụy khác khó có thể thống kê hết…
Chiến tranh không chỉ tác động đến Nga và Ukraine mà còn tác động đến toàn bộ châu Âu và thế giới. Chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Giá dầu và lương thực tăng phi mã. Lạm phát và khủng hoảng cục bộ đã xảy ra. Hơn một năm qua, phương Tây tiếp tục áp đặt hàng trăm biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất đối với Nga. Họ cũng gia tăng viện trợ, trong đó có cả việc cung cấp các loại đạn, tên lửa, pháo phản lực, xe tăng, máy bay và sắp tới là cả bom chùm… Tuy nhiên hiện tại cuộc chiến của Nga vẫn cứ tiếp tục. Nguy cơ xung đột mở rộng ngày càng hiện hữu.
Gần đây Ukraine đã phát động các cuộc phản công ở phía nam và phía đông. Ngay sau đó, Nga tuyên bố sáp nhập bốn khu vực chiếm đóng qua cuộc trưng cầu dân ý. Tháng 11/2022, Ukraine chiếm lại Kherson Oblast. Tháng 2/2023, Nga huy động gần 200.000 binh sĩ cho chiến dịch tấn công mới ở Donbass. Trong tháng 6 năm 2023, Ukraine mở một cuộc phản công khác ở phía đông nam. Cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn quyết liệt, chưa có dấu hiệu cho thấy Ukraine chiếm lại được các vùng lãnh thổ của mình. Và không rõ cuộc chiến đến khi nào mới kết thúc. Tuy nhiên, rõ ràng là cuộc xung đột đã có tác động tàn phá nặng nề đối với Ukraine.
Những kịch bản nào sẽ xảy ra trong thời gian tới?
Kịch bản thứ nhất là chiến thắng thuộc về Nga. Kịch bản chiến thắng áp đảo ít có khả năng xảy ra, nhưng nó vẫn có thể xảy ra. Nếu Nga đạt được các mục tiêu quân sự của mình ở Ukraine, họ có thể buộc chính phủ Ukraine phải nhượng bộ. Đây sẽ là một chiến thắng lớn đối với Tổng thống Putin và sẽ giúp ông tăng đáng kể mức độ ủng hộ của người dân trong nước. Tuy nhiên, đó cũng sẽ là một trở ngại lớn đối với Mỹ và phương Tây, vốn sẽ phải chấp nhận Nga là một cường quốc hùng mạnh và không thể bỏ qua Nga trong tất cả những vấn đề quốc tế, nhất là họ sẽ gặp khó khăn trong việc mở rộng NATO trong tương lai. Và có thể sự kiện này sẽ là một dấu mốc xác lập chính thức trật tự thế giới đa cực bắt đầu.
Kịch bản thứ 2 chiến thắng thuộc về Ukraine. Đây là kịch bản không có nhiều hy vọng. Tuy nhiên với sự hỗ trợ to lớn của Mỹ và phương Tây, chiến thắng cũng có khả năng xảy ra. Nếu Ukraine có thể đẩy lùi đà tiến quân và buộc Nga phải rút quân thì đó sẽ là một chiến thắng không chỉ cho Ukraine mà còn cho cả Mỹ và nền dân chủ tự do phương Tây. Nó sẽ là một đòn giáng mạnh vào Tổng thống Nga Putin và cho thấy rằng phương Tây thống nhất vẫn có thể chi phối được trật tự của thế giới. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là Ukraine hiện đang phải đối mặt với một tình huống rất khó khăn và không rõ liệu họ có đủ nguồn lực để đánh bại Nga hay không.
Kịch bản thứ 3 là cuộc chiến đi vào thế bế tắc cho cả hai bên. Đây là kịch bản có khả năng xảy ra nhất. Hai bên gần như giữ nguyên hiện trạng, không bên nào có thể đạt được một chiến thắng quyết định, cuộc chiến có thể kéo dài trong nhiều năm. Đây sẽ là một cuộc xung đột tốn kém và đẫm máu, có tác động tàn phá với cả Nga và Ukraine. Nó cũng sẽ gây ra bất ổn cho toàn bộ khu vực và có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn.
Kịch bản thứ 4, hai bên thỏa thuận giải quyết hòa bình trên bàn đàm phán. Đây cũng là một khả năng, nhưng không rõ liệu hai bên có sẵn sàng thỏa hiệp hay không. Cho đến nay, Nga đã từ chối rút quân khỏi các khu vực đã chiếm đóng và Ukraine cũng không sẵn sàng từ bỏ chủ quyền đã mất của mình. Tuy nhiên, nếu cả hai bên sẵn sàng đưa ra một số nhượng bộ, có thể họ sẽ đạt được một giải pháp thương lượng trên bàn đàm phán.
Bốn kịch bản nêu trên chỉ là một số tình huống có thể xảy ra. Kết quả thực sự của cuộc chiến vẫn chưa chắc chắn. Các kịch bản sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm sự hỗ trợ liên tục, hiệu quả của phương Tây đối với Ukraine; sự sẵn sàng thỏa hiệp của Nga và diễn biến thực tế ở trên chiến trường. Cho dù kịch bản nào xảy ra thì nó vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào sức mạnh của các bên ở trên chiến trường.
Tóm lại, tình hình giữa Nga và Ukraine vẫn rất phức tạp và không thể dự đoán chính xác. Theo cá nhân tôi, hai bên cần phải tập trung vào tìm kiếm những giải pháp hòa bình để giải quyết tình trạng xung đột hiện tại và hạn chế nguy cơ leo thang xung đột.
Theo quan điểm của Mỹ và phương Tây, cộng đồng thế giới cần phải làm những việc sau để đi đến chấm dứt chiến tranh:
(1), Duy trì các biện pháp trừng phạt đối với Nga: Các biện pháp trừng phạt mà Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và các nước khác áp đặt lên Nga để tác động đến nền kinh tế Nga. Các biện pháp trừng phạt này nên được duy trì cho đến khi Nga đồng ý ngừng bắn và rút quân khỏi Ukraine.
(2), Cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine: Hoa Kỳ và các quốc gia khác đã hỗ trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm vũ khí, phương tiện chiến tranh, đạn dược và đào tạo. Sự trợ giúp này đã giúp Ukraine tự vệ trước sự xâm lược của Nga. Cộng đồng quốc tế nên tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine cho đến khi nước này có thể đạt được một chiến thắng quân sự hoặc đạt được một giải pháp thương lượng với Nga.
(3), Tham gia ngoại giao tích cực: Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và các quốc gia khác tiếp tục tham gia ngoại giao với Nga và Ukraine trong nỗ lực đạt được một giải pháp thương lượng. Ngoại giao này nên dựa trên các nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
(4), Gây áp lực buộc Nga chấm dứt chiến tranh: Cộng đồng quốc tế nên tiếp tục gây áp lực buộc Nga chấm dứt chiến tranh. Áp lực này có thể được áp dụng thông qua các biện pháp trừng phạt, cô lập ngoại giao và các biện pháp khác. Cộng đồng quốc tế nên nói rõ với Nga rằng cuộc chiến sẽ không có lợi và sẽ có những hậu quả nặng nề nếu Nga tiếp tục.
Điều cần lưu ý thực tế là không có gì đảm bảo rằng các biện pháp của Mỹ và phương Tây sẽ thành công trong việc buộc Nga phải dừng cuộc chiến hay thúc đẩy Nga và Ukraine đàm phán hòa bình. Ấn Độ, Brazil, Nam Phi, Trung Quốc, Indonesia và nhiều nước khác trong đó có Việt Nam không lên án Nga và cũng không tham gia các lệnh trừng phạt kinh tế. Có nghĩa là không dưới một nửa dân số thế giới không tuân theo lệnh trừng phạt của thế giới đơn cực và đi theo thế giới đơn cực do Mỹ và phương Tây dẫn dắt. Nền kinh tế Nga vẫn tăng trưởng. Và nước Nga vẫn đứng vững.
Không chỉ có người Việt mới có sự chia rẽ về cuộc chiến Nga-Ukraine mà thế giới này cũng chia rẽ về cuộc chiến này. Đây không chỉ là cuộc chiến giữa hai nước láng giềng thời hậu Xô Viết mà còn là cuộc chiến của một trật tự thế giới mới. Dù thắng lợi thuộc về bên nào thì trật tự thế giới cũng sẽ thay đổi không còn là thế giới một cực như trước nữa. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chia rẽ không thể ra được nghị quyết lên án Nga. Các nước trong nhóm BRICS và một loạt các nước sắp tới tham gia nhóm BRICS cùng với một số nước trong nhóm G20, các nước giàu có dầu mỏ trong vùng vịnh không đi theo con đường của Mỹ và phương Tây. Họ đã quyết định từ nay không giao dịch dầu mỏ bằng đồng USD nữa.
Tôi nghĩ dù các nước có quan điểm khác nhau về cuộc chiến Nga-Ukraine nhưng các nước đều có những lựa chọn tốt nhất cùng với cộng đồng quốc tế tại thời điểm này giúp cho người dân Ukraine:
(1), Cung cấp hỗ trợ nhân đạo: Hàng triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa vì chiến tranh ở Ukraine. Cộng đồng quốc tế nên cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho những người này, bao gồm thực phẩm, nước, nơi trú ẩn và chăm sóc y tế.
(2), Hỗ trợ nền kinh tế Ukraine: Nền kinh tế Ukraine đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh. Cộng đồng quốc tế nên hỗ trợ nền kinh tế Ukraine bằng cách cung cấp các khoản vay, trợ cấp và các hình thức hỗ trợ khác.
Cuộc chiến ở Ukraine là một bi kịch vào đầu thập kỷ thứ hai của thiên kỷ mới. Thiên kỷ toàn cầu hóa, nhất thể hóa nền kinh tế thế giới, thiên kỷ bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CM4,0), các quốc gia sẽ tùy thuộc vào nhau. Người ta đã hy vọng vào một thế giới văn minh, hòa bình, tốt đẹp hơn thiên kỷ cũ. Nhưng xem ra hy vọng đó chỉ là ảo tưởng. Những gì đã diễn ra ngay từ những năm đầu của thiên kỷ trên biển, trên đất liền cho đến ngày hôm nay không khác gì những đám mây đen u ám phủ bóng lên nhân loại. Chiến tranh, bạo lực, khủng bố diễn ra triền miên khắp các châu lục. Và bi kịch của Ukraine là phải nằm ở giữa hai thế lực địa chính trị, tàn dư của thời hậu Xô Viết để lại.
Đa số người dân Ukraine đã lựa chọn ra bộ máy lãnh đạo của mình. Lãnh đạo Ukraine đã đứng về phía Mỹ và phương Tây, biến mình trở thành người lính trên tuyến đầu của cuộc chiến địa chính trị, biến đất nước Ukraine trở thành một bãi chiến trường. Lãnh đạo Ukraine không thể trách một nửa dân số thế giới không lên án Nga, không ủng hộ họ. Tuy nhiên toàn thể cộng đồng quốc tế cần phải làm mọi thứ có thể để giúp người dân Ukraine và nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến này.
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.