Tướng Nguyễn Minh Long

Leave a Comment

 Tướng Nguyễn Minh Long

Vào những ngày giãn cách COVID-19 tôi tranh thủ xem lại bản thảo, bản dịch cuốn “Địa ngục trên đỉnh đồi” (Hell on a hill top) của Thiếu tướng Mỹ Benjanim L. Harison . Cuốn sách này tôi đã dịch xong mấy tháng trước nhưng chưa đọc sửa lại. Tác giả cuốn sách nguyên là Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn Dù 101 trong cuộc bao vây phong tỏa và tháo chạy khỏi Căn cứ Hỏa lực Ripcord (phía Việt Nam gọi là Chiến dịch 935-Cốc Bai), một trong năm trận đánh kinh điển của Quân đội Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Cuốn “Địa ngục trên đỉnh đồi” đề cập đến những vấn đề xung quanh trận chiến lớn cuối cùng của Quân đội Mỹ tại Thung lũng A Sầu, A Lưới Thừa Thiên vào tháng 7 năm 1970. Mỗi lần dịch cuốn sách tôi lại nhớ đến Tướng Nguyễn Minh Long. Vào đầu những năm 2000, Tướng Minh Long nghe tin Thiếu tướng Mỹ Benjamin L. Harison lên Cao Bằng phỏng vấn Tướng Chu Phương Đới (nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 324 trong Chiến dịch A Bia năm 1969 và Chiến dịch 935-Cốc Bai năm 1970) và có tặng Tướng Đới cuốn “Đại bàng gào thét trong vòng vây” (Screaming Eagles under the siege) của tác giả Keith Noland. Tướng Minh Long lập tức lên Cao Bằng vừa thăm “Thủ trưởng Đới”, người bạn, người đồng chí vừa mượn cuốn sách để nhờ người dịch.
Lên Cao Bằng Tướng Minh Long được biết Tướng Đới đã đưa cuốn sách cho Tướng Võ Chót. Tướng Minh Long cùng với anh bạn tôi là Nguyễn Đình Tới, từ Hà Nội lặn lội vào Nghệ An và sang Lào gặp “anh Chót” (Tướng Võ Chót làm kinh tế bên Lào) để lấy lại cuốn sách. Đáng tiếc Tướng Võ Chót lại đưa cuốn sách cho một người khác nhờ dịch. Và cứ thế cuốn sách thất lạc mất tăm.
Lần nào gặp anh Tới Tướng Minh Long cũng ca cẩm về việc người ta đã đánh mất một cuốn sách quý. Tôi không biết lý do tại sao Tướng Minh Long lại sốt sắng quan tâm đến cuốn “Đại bàng gào thét trong vòng vây” và cuốn Đồi Thịt Băm” (Humburger Hill) như vậy. Tôi biết ông có trình độ lý luận quân sự, có nhiều kinh nghiệm chiến đấu thực tế ở các chiến trường, nên thời gian cuối cuộc đời binh nghiệp (từ tháng 6/1984 đến tháng 2/1996), ông được điều động về làm Phó cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu. Có lẽ “bệnh nghề nghiệp” khiến ông luôn có ý thức muốn biết rõ về kẻ địch về ta để còn có thể góp phần tham gia xây dựng kế hoạch cho cơ quan tác chiến chiến lược của quân đội. Ông thường hay đọc sách về quân sự, nhất là những cuốn sách của kẻ địch viết về chiến tranh Việt Nam.
Trong chiến trường, anh em chiến sỹ Trung đoàn 3 chúng tôi ít người biết về “Thủ trưởng Minh Long”. Mọi người thường gọi ông là Minh Long để phân biệt với Tướng Nguyễn Nam Long (Đoàn Văn Ưu), nguyên Tư lệnh phó Quân khu Trị Thiên, một trong 34 chiến sỹ trong Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân. Minh Long là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 2 vào những năm 1970, cùng trang lứa với hai trung đoàn Trưởng huyền thoại của Sư 324, Trung đoàn trường Trung đoàn 1 Vũ Thế Đào và Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3 Ma Vĩnh Lan. Ba trung đoàn này dưới quyền chỉ huy của Tư lệnh Chu Phương Đới, “một chiến binh vĩ đại, một chiến binh đáng được chiêm ngưỡng” trong hai trận đánh trên Đồi A Bia và điểm cao 935 theo như nhận xét của Thiếu tướng Mỹ Benjamin L. Harison.
Là người Hà Nội, ở Hà Nội (sau mới chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh), khi nghỉ hưu Tướng Minh Long thân thiết với nhiều anh em cựu chiến binh Trung đoàn 1, Trung đoàn 2 và Trung đoàn 3 tại Hà Nội như anh Phạm Công Thắng, anh Nguyễn Đình Tới, anh Nguyễn Xuân Lập… Ông gắn bó với các cựu chiến binh vì nhiều lý do, nhưng chủ yếu liên quan đến việc đi tìm mộ của hàng trăm anh em liệt sỹ. Cũng chính vì vậy mà anh em chúng tôi mới có điều kiện hiểu biết cuộc sống riêng tư của ông.
Nguyễn Minh Long sinh ra trong một gia đình tư sản ở Hà Nội. Mười lăm tuổi giác ngộ cách mạng gia nhập Đoàn Thanh niên Cứu quốc; gia nhập Đội Tự vệ chiến đấu Thủ đô vào tháng 5/1945 và tham gia cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám tại Hà Nội năm 1945.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp từ những ngày đầu , Nguyễn Minh Long được Đảng, Quân đội giáo dục, bồi dưỡng về chính trị và quân sự rất cơ bản. Ngoài việc được đào tạo tại Trường Sỹ quan Trần Quốc Tuấn (phía Nam), Nguyễn Minh Long còn là một trong những cán bộ được giới thiệu sang học tập ở Học viện Mác- Lênin Bắc Kinh, Trường Bộ binh Cao cấp Thạch Gia Trang Trung Quốc (năm 1949-1952). Hòa bình lập lại ông được cử sang học tại Học viện Quân sự Phrunde từ năm 1962 đến 1964. Và cuối cùng là Học viện Quân sự Vôrôxilốp ở Matxcơva (Liên Xô) năm 1980.
Với kiến thức lý luận chính trị, quân sự vững vàng, Nguyễn Minh Long còn kinh qua thực tế chiến đấu trên các chiến trường ba nước Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia). Ông đã trải qua các chiến dịch trong chiến cục Đông Xuân năm 1953-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ; trực tiếp tham gia các chiến dịch đánh Mỹ tại Mặt trận Đường 9- Bắc Quảng trị cho đến Chiến dịch Hồ Chí Minh… Từ một chiến sỹ, cán bộ chiến đấu ở đơn vị cơ sở trưởng thành đến chỉ huy cấp trung đoàn, sư đoàn, quân đoàn, Tướng Minh Long không quản ngại gian nan, nguy hiểm, luôn đi sâu đi sát đơn vị, chiến đấu dũng cảm, lập nhiều chiến công .
Anh em cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 3 vẫn còn nhớ như in thời gian khi trung đoàn 3 và Sư đoàn 304 cùng một số đơn vị được giao nhiệm vụ đánh chiếm và giữ “viên ngọc đầu rồng” Thượng Đức, mở cánh của thép của ngụy quân ngụy quyền Sài Gòn xuống thành phố Đà nẵng vào đầu tháng Sáu năm 1974. Tướng Minh Long lúc đó là Tư lệnh phó Sư đoàn, Tham mưu trưởng sư đoàn 324. Ông được các cấp tin tưởng giao nhiệm đi cùng Trung đoàn 3, và là thành viên của Bộ Tư lệnh Chiến dịch K711 giải phóng Chi khu Quân sự Thượng Đức.
Thời gian đoàn cán bộ Trung đoàn 3 đi trinh sát thực địa lập kế hoạch tác chiến, với cương vị của mình, ông chỉ cần giao nhiệm vụ, nhắc nhở nội dung cần chuẩn bị khi trinh sát như việc nắm chắc địa hình, đường xá, vị trí địch và dự định vị trí bàn đạp tấn công, cơ sở hậu cần của ta trên bản đồ. Không chỉ chỉ dẫn cán bộ chiến sỹ chi tiết, ông còn trực tiếp đi trinh sát thực địa cùng tập thể cán bộ trung đoàn, đứng đầu là Trung đoàn trưởng Hồ Hữu Lạn và đơn vị trinh sát.
Gần một tuần đi trinh sát địa hình chung và địa hình cụ thể, ông trực tiếp sử dụng ống nhòm quan sát trận địa của địch. Ông cùng cán bộ cấp trung đoàn bò, trườn, leo lên điểm cao 1062, bình độ 700, sân bay An Định… Cả tuần trời nắng như đổ lửa. Cái nắng như thiêu như đốt của miền Trung khiến mồ hôi mọi người đều bị vắt kiệt. Đặc biệt xuống khu vực giáp ranh đầy cỏ tranh sắc như dao cứa, không khí khô khốc như rang và khét lẹt mùi đạn bom mìn. Tình huống cực kỳ nguy hiểm. Chỉ sơ sẩy một chút thì lĩnh đủ bom đạn của địch. Hậu quả thật khôn lường.
Khoảng 12 giờ trưa, đoàn cán bộ chiến sỹ bỏ cơm vắt ra nhưng không ai động đến. Nước trong bình tông đã cạn. Cổ họng ai nấy đều khô đắng. Quá mệt mỏi. Tư lệnh phó Minh Long là người cao tuổi nhất đoàn. Nhiều cán bộ gọi ông là thủ trưởng, là anh, một số lính trẻ gọi bằng bác, bằng chú. Ông bảo vệ binh ra suối đem về một bình tông, rồi nghiêng bình đổ nước ra bát hòa cùng mắm kem (nước mắm cô đặc) và bẻ từng miếng cơm hòa nước ăn ngon lành. Tất cả mọi người học theo, đều ăn hết cơm rồi lại xuống bìa rừng tiếp tục công việc…
Với 68 năm phục vụ cách mạng, 66 năm tuổi Đảng, 51 năm phục vụ trong quân ngũ, Tướng Minh Long được Nhà nước và Quân đội giải quyết nghỉ hưu. Ông đã làm tròn trách nhiệm của một Đảng viên chân chính, làm tròn trách nhiệm vinh quang của một quân nhân trong ba cuộc kháng chiến, làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả với hai nước bạn Lào và Campuchia. Ông xứng đáng được nghỉ ngơi an dưỡng tuổi già. Nhưng ngay sau nghỉ hưu, ông xác định cho mình một hướng đi mới, một ngã rẽ trong cuộc đời để làm tròn trách nhiệm với anh em đồng đội. Nghỉ hưu ông gần như không có thời gian rảnh cho riêng mình. Hàng chục năm ròng rã tiếp theo cuộc đời binh nghiệp, ông cùng anh em cán bộ chiến sỹ đi tìm mộ phần của đồng đội, những người đã ngã xuống, đã ngủ yên trong lòng đất mẹ mà chưa trở về với gia đình.
Từ Điện Biên Phủ đến thành cổ Quảng Trị, từ Đường 9 Nam Lào đến dọc miền tây Quảng Trị, Thừa thiên trên đại ngàn Trường Sơn, từ Thượng Đức cho đến biên giới biên giới Tây Nam của Tổ quốc... dấu chân ông và đồng đội tiếp tục bước theo những dấu chân của thời trai trẻ. Có những đợt đi dài cả tháng vẫn không tìm thấy một phần mộ hay thông tin gì về những người đã ngã xuống. Ông không không nản chí. Trời nắng cũng như trời mưa, ngày hè cháy bỏng, oi nồng cũng như ngày đông giá rét, mưa phùn, khi có thông tin về phần mộ ở đâu ông lại cùng anh em lặn lội đi thu thập, xác minh.
Tôi còn nhớ vào những ngày hè đầu tháng Bẩy năm ông 73 tuổi, vào tháng có ngày kỷ niệm 27/7, Tướng Nguyễn Minh Long và đoàn cựu chiến binh trở lại chiến trường xưa, thăm điểm cao 544 ở miền tây Quảng Trị. Đầu đội mũ tai bèo, vai đeo balô, tay chống gậy, ở cái tuổi đó ông vẫn cùng mọi người băng rừng vượt suối, đến nơi trước đó 38 năm, nơi diễn ra trận đánh chiếm điểm cao gay go ác liệt với một đơn vị Thủy quân lục chiến Mỹ có máy bay phản lực, trực thăng vũ trang, phi pháo hỗ trợ. Nhiều đồng đội của ông đã vĩnh viễn nằm xuống. Trong số đó nhiều chiến sĩ vẫn chưa biết phần mộ đang ở đâu. Đôi mắt ông mờ nhòe điểm tên từng liệt sỹ. Ông nói với anh em như nói với chính mình: “Bây giờ, dưới màu xanh bạt ngàn này, không biết các anh nằm ở chỗ nào”...
Ông đã đề nghị đoàn dừng cuộc hành trình. Liên hệ với huyện đội Hướng Hóa tổ chức việc tìm kiếm theo trí nhớ của mình. Suốt mấy ngày sau đó, ông và đồng đội đã tìm thấy nhiều phần mộ. Đôi bàn tay ông run rẩy, nâng niu từng đốt xương, kính cẩn gói ghém đặt vào tiểu, tự tay phủ quốc kỳ Tổ quốc lên.
Cứ thế ròng rã hàng chục năm. Số phần mộ mà ông và đồng đội tìm thấy đã xấp xỉ con số 1.000. Trong đó có nhiều phần mộ có tên, có quê quán cụ thể. Ông tâm sự với anh em: “Mình sống trở về với gia đình vợ con. Đồng đội mình thì lạnh lẽo nằm lại các chiến trường, không một nén hương, thử hỏi làm sao yên lòng được. Có sống thêm bao nhiêu cuộc đời nữa cũng đâu đủ trả hết món nợ này”.
Tướng Minh Long luôn đau đáu cho rằng mình còn món nợ với nhiều bà mẹ, nhiều người vợ và những người con chưa tìm thấy phần mộ của người thân. Đó là nỗi niềm day dứt trong lòng. Ông giãi bày: “Khi nào còn đồng đội chưa trở về được quê mẹ thì hành trình của anh em mình vẫn còn tiếp tục nhé”.
Gần gũi với Tướng Minh Long mới thấy ông quen với lối sống kham khổ, rất giản dị, khiêm tốn, hòa đồng với mọi người. Lần cuối tôi gặp ông vào chiều muộn ngày 19/4/2007. Tôi biết từ ngày 20/ 3/2007 đến ngày 14/4/2007 ông lên Cao Bằng chăm sóc Tướng Chu Phương Đới bị bệnh nặng, giống như người em, giống như người bạn, người đồng chí sống chết có nhau, thời chiến cũng như thời bình. Thấy Tướng Chu Phương Đới có vẻ ổn, ông định về nhà khoảng một tuần để giải quyết việc riêng gia đình.
Ngày 19/4 Tướng Minh Long vừa mới về đến nhà ở thành phố Hồ Chí Minh thì nhận được tin Tướng Đới trở bệnh nặng, có lẽ không qua khỏi. Ông lập tức bay luôn ra Hà Nội. Anh em cựu chiến binh Trung đoàn 3 chúng tôi cũng nhận được tin, cấp tốc thuê xe lên Cao Bằng vào ngày 20/3, hy vọng cùng với Tướng Minh Long lên Cao Bằng kịp thăm Thủ trưởng Đới.
Không ngờ từ sân bay về Hà Nội, không nghỉ ngơi, Tướng Minh Long vội vã gặp một vài anh em trong ban liên lạc, thông báo ông phải đi trước. Ông sợ để đến hôm sau nhỡ Tướng Đới ra đi đột ngột thì ông sẽ “ân hận suốt quãng đời còn lại”. Không chỉ là tình nghĩa anh em như ruột thịt, tình bạn chí cốt, tình đồng chí suốt bao năm trời sống chết có nhau, Tướng Chu Phương Đới với ông còn là “Tướng của các vị Tướng”. Ông không thể vắng mặt vào phút Tướng Đới lâm chung.
Chúng tôi tiễn Tướng Minh Long ra bến xe đi Cao Bằng khi ông chưa ăn cơm chiều. Ai nấy đều áy náy, không thể níu kéo ông ở lại ăn vội một bát phở. Ông khoác chiếc ba lô dãi dầu, tay cầm chiếc túi mang theo hai chiếc bánh mỳ cùng một chai nước lọc, bước lên cửa xe khách, quay lại vẫy vẫy “mình đi trước nhé. Hẹn gặp lại các cậu sau”.
Ngày 21 chúng tôi đến xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, Cao Bằng. Không kịp tắm rửa, không kịp ăn uống. Mọi người chỉnh đốn lại quân phục, qua rặng tre, xoan, tường rào duối bước vào ngôi cấp 4 ba gian đơn sơ như bao ngôi nhà của người Tày. Tướng Minh Long ngồi trên chiếc giường ôm đỡ Tướng Đới ngồi dậy.
Kể từ hôm Thủ trưởng Đới nằm ở Viện 108, Viện Y học Dân tộc cổ truyền, hôm đó chúng tôi mới gặp lại. Ông gầy sọp. Trông ông yếu lắm rồi, không tự ngồi dậy được và cũng không nói được nữa. Tướng Minh Long thông báo: “Nghe tin đại diện anh em cựu chiến binh các trung đoàn ở Hà Nội lên thăm, Thủ trưởng vui lắm. Hôm qua Thủ trưởng còn nói với tôi “Chú phải đỡ tôi dậy để anh em bắt tay tôi. Có mấy tướng nào được như tôi, trước khi đi xa nhiều cán cán bộ, chiến sỹ năm xưa từ Hồ Chí Minh đến Hà Nội vẫn đến”…
Tướng Minh Long nghẹn ngào. Ông đã đúng khi vội vàng lên Cao Bằng. Ông ra hiệu cho chúng tôi lần lượt đi đến. Chúng tôi từng người nắm tay Thủ trưởng Đới. Đến lượt tôi, tôi chúc ông nhanh chóng khỏe mạnh, để lần sau chúng tôi còn lên thăm ông, cùng ông đi thăm lại hang Pác Pó, thác Bản Giốc như ông đã hứa. Bàn tay ông khẽ nắm tay tôi, dường như không muốn rời ra. Đôi mắt ông nhìn tôi rất lạ, giống như ánh mắt níu kéo của cụ tôi, bà tôi, mẹ tôi nhìn tôi trước lúc đi xa. Linh cảm mách tôi chuyện chẳng lành. Đúng như vậy, khoảng nửa đêm hôm đó ông mất.
Tướng Minh Long tuổi đã cao nhưng sức khỏe không suy giảm nhiều. Ông vẫn đi đến các địa điểm trong Nam ngoài Bắc, tặng quà, lấy tiền hưu của mình giúp các gia đình thương bệnh binh khó khăn; đồng thời thường xuyên đến thăm nom anh em bè bạn, đồng chí lúc trái nắng trở trời. Sau chuyến ra Hà Nội sửa sang phần mộ bố mẹ, ngày 3/6/2013 ông bị đột quỵ, không ốm đau, mất tại nhà.
Năm 2016 anh Phạm Công Thắng đến nhà lấy hai cuốn sách tôi tặng anh, hai cuốn sách tôi dịch xong từ năm trước, cuốn “Đồi Thịt Băm” và cuốn “Đại bàng gào thét trong vòng vây”. Hôm sau, Anh Thắng bay vào thành phố Hồ Chí Minh dự ngày kỵ nhật Tướng Minh Long và dâng hai cuốn sách lên bàn thờ ông. Tôi rất tiếc ông đã về với tổ tiên, với đồng đội, không kịp đọc hai cuốn sách mà ông rất thích.
Còn một cuốn sách Tướng Minh Long chưa biết đến. Đó là cuốn “Địa ngục trên đỉnh đồi” như tôi viết ở phần đầu. Cuốn sách này viết về những trận đánh, đặc biệt là những trận đánh trong chiến dịch 935-Cốc Bai mà ông đã trực tiếp, gián tiếp chỉ đạo. Tôi nghĩ ở dưới suối vàng, ông vẫn còn quan tâm đến những gì liên quan đến Sư đoàn 324 như lúc sinh thời. Tôi sẽ cố hoàn chỉnh cuốn sách trong thời gian dịch dã này để gửi anh em đồng đội, khi nào có dịp dâng lên bàn thờ ông như một nén tâm nhang với một vị tướng mà tôi vô cùng kính trọng!
Read More

Tản mạn xung quanh việc giới khảo cổ Trung Quốc tìm thấy mộ con trai Trọng Thủy

Leave a Comment

 Tản mạn xung quanh việc giới khảo cổ Trung Quốc tìm thấy lăng mộ con trai Trọng Thủy ở Quảng Châu

Tuần trước tôi đọc được một bài viết khá thú vị. Vào năm 1983, người Trung Quốc đã tình cờ tìm thấy lăng mộ Triệu Văn Vương ở chân núi Tương Cương, đường Giải phóng, quận Việt Tú, thành phố Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông. Bài viết khiến tôi phải tìm đọc lại phần Kỷ nhà Triệu trong cuốn Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sỹ Liên, đọc lại truyện Rùa vàng trong Lĩnh Nam trích quái tương truyền của Trần Thế Pháp, truyền thuyết Mỵ Châu Trọng Thủy trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi và một số tài liệu lịch sử có liên quan khác.
Lăng mộ Triệu Văn Vương nằm nằm sâu 17m dưới lòng đất. Khai quật cho thấy lăng mộ có tổng cộng 7 phòng. Trên tường có những bức bích họa vẽ thần Mặt Trời và Mặt Trăng. Trong lăng còn nguyên vẹn khoảng 10.000 di vật như bình đồng, đồ gốm, đồ sơn mài... Đặc biệt là thi thể vua Văn Vương nằm trong bộ áo ngọc dài 1,73 mét, được làm từ 2291 miếng ngọc bích cùng với 15 bộ xương người bị tuẫn táng theo.
Giới khảo cổ Trung Quốc còn tìm thấy chiếc ấn, xác định chủ nhân lăng mộ là vị vua thứ hai của nhà Triệu, Triệu Văn Vương. Tên húy là Hồ, cháu đích tôn của Triệu Đà, con trai của Triệu Trọng Thủy, lên ngôi năm 137 TCN. Theo Đại Việt Sử ký toàn thư của Ngô Sỹ Liên, và trước đó là Lê Văn Hưu, người viết bộ sử ký Đại Việt đầu tiên thời nhà Trần, Văn Vương ở ngôi 12 năm, thọ 52 tuổi (hai tác giả này đưa Kỷ nhà Triệu vào Lịch sử Việt Nam).
Tôi không đề cập đến nhà nước Nam Việt của Triệu Đà, một vấn đề lịch sử gây nhiều tranh cãi trong giới sử xưa và nay. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Triệu Trọng Thủy, con trai Triệu Đà, con rể An Dương Vương đã qua đời trước Triệu Đà (theo truyền thuyết Trọng Thủy chết ở giếng Cổ Loa) nên sau khi Triệu Đà chết, con của Trọng Thủy là Triệu Hồ/Mạt được chọn làm người kế vị vua Nam Việt.
Về người mẹ đã sinh ra Triệu Văn Vương, nhiều người đã đặt câu hỏi, liệu có phải Triệu Văn Vương là con của công chúa Mỵ Châu? Đó là câu hỏi chưa có lời giải đáp, vì hiện không có tài liệu nào cho biết mẹ của Triệu Văn Vương là ai. Sử Trung Quốc chỉ coi Triệu Đà là một viên tướng của Tần Thủy Hoàng, nhân lúc nhà Tần suy yếu, cát cứ vùng đất Quảng Đông và Quảng Tây ngày nay, lập ra nhà nước Nam Việt, nên không không đưa chi tiết về các vị vua thuộc nhà Triệu vào sử Trung Quốc.
Trong cuốn Thiên Nam ngữ lục, tác phẩm khuyết danh viết bằng chữ Nôm ra đời khoảng cuối thế kỷ XVII, có ghi lại Mỵ Châu có một người con trai. Cậu bé được ông ngoại là An Dương Vương rất yêu quý. Nhà vua còn dự tính sau này sẽ truyền ngôi vị cho cháu. Tuy nhiên, cậu bé đã được Trọng Thủy đưa về nước. Trọng Thủy lấy lý do đưa con về ra mắt thăm cha mẹ; đề phòng có người nối dõi dòng họ khi hai nước xảy ra chiến tranh (tôi không biết tác giả khuyết danh lấy tư liệu lịch sử này từ đâu hay là hư cấu).
Sở dĩ nêu chi tiết câu chuyện cách đây hơn 21 thế kỷ vì nó liên quan đến một kỷ niệm cá nhân của tôi thời sinh viên. Và cũng chẳng hiểu sao cái kỷ niệm đã chôn vùi gần 50 năm, nay bỗng ùa về.
Hồi đó trong phòng tôi có hai sinh viên đặc biệt. Một là thanh niên xung phong. Một là sỹ quan chuyển ngành. Còn tôi cũng mới chân ướt chân ráo từ quân đội chuyển về trường sư phạm. Ngay từ những ngày đầu tôi đã gần gũi với các anh. Cả hai đều là cán bộ đảng viên, một là bí thư liên chi đoàn khoa, một là phó bí thư đoàn trường.
Ban đầu họ có quan hệ hệ với nhau bình thường như với bao giáo sinh khác. Nhưng sự khác biệt về tính cách, sự cạnh tranh trong môi trường mới khiến họ bằng mặt không bằng lòng. Sau một số va vấp, họ trở nên mặt giăng mặt giời. Gần gũi với hai người, tôi ở giữa giống như người mắc kẹt. Người này chỉ trích nói xấu người kia, không chỉ bêu nhau về cuộc sống riêng tư mà còn xía vào cả việc sinh hoạt, học tập và công tác của nhau.
Tôi không thể nào dàn xếp, dung hòa. Họ như hai con hổ trong một khu rừng. Thậm chí một anh bạn còn nói với tôi “em không cần trung gian hòa giải. Anh đã rút gươm ra thì sẽ không bao giờ cho vào bao trước”. Tôi rất buồn. Vì ở chiến trường họ đều là những người đồng đội, đồng chí không sợ hy sinh, gian khổ, không hề tính toán thiệt hơn. Cả hai đều được thưởng huân, huy chương. Vậy mà họ đã tranh đấu với nhau một mất một còn.
Sự căng thẳng trong quan hệ giữa hai người bắt đầu từ việc tranh luận về câu chuyện Mỵ Châu-Trọng Thủy, một chuyên đề mà thầy Trần Ngọc phụ trách bộ môn văn học dân gian giao cho sinh viên các lớp. Bài học chủ quan mất cảnh giác dẫn đến thảm họa mất nước thì mọi người ai cũng thống nhất. Nhưng sự khác biệt trong cách đánh giá từng nhân vật trong truyền thuyết đã kéo theo sự chia rẽ của sinh viên trong các phòng nội trú thành nhiều phe.
Mâu thuẫn tích tụ lâu ngày giữa họ đã đẩy mỗi người trở thành thủ lĩnh đứng đầu hai phe chính. Một phe cho rằng Mỵ Châu-Trọng Thủy chỉ là nạn nhân của cuộc chiến tranh, nạn nhân của tham vọng bành trướng. Và Mỵ Châu là cô gái hoàn toàn trong trắng, ngây thơ vô tội. Một phe thì cho rằng Mỵ Châu- Trọng thủy là một trong những nhân tố dẫn đến nhà nước Âu Lạc diệt vong. Họ là hai kẻ tội đồ của dân tộc.
Tranh luận vượt ra khỏi phạm vi tác phẩm văn học dân gian. Mỗi bên đều viện dẫn đến lịch sử, những dị bản truyền thuyết Rùa vàng, những câu chuyện không chính thống lưu truyền trong dân gian. Có người còn đưa ra cả nội dung một số bức hoành phi câu đối của những bậc đại nho còn lưu lại trong đền thờ An Dương Vương và am Mỵ Châu ở Cổ Loa để bảo vệ quan điểm của mình.
Tôi lấy từ nhà ông chú khoảng hơn chục cuốn Tạp chí Nghiên cứu Văn học từ những năm 1960 đến đầu những năm 70, nhiều bài viết liên quan đến câu chuyện Mỵ Châu-Trọng Thủy. Các phe, nhất là hai anh bạn đều mượn của tôi sao chép, nghiền ngẫm. Quan điểm thống nhất thì họ bỏ qua, những khác biệt về quan điểm, về việc đánh giá các nhân vật trong truyền thuyết của những văn nghệ sỹ và nhà phê bình có tầm cỡ, có tên tuổi thì đều được họ trích dẫn để phản bác nhau, không bên nào chịu bên nào.
Thầy Trần Ngọc vừa là người bình giảng, phân tích tác phẩm vừa là trọng tài. Cuối cùng câu chuyện cũng ngã ngũ, người đúng người sai, người vừa đúng vừa sai, ai nấy đều tự nhận thức được nội dung ý nghĩa của truyền thuyết. Nhưng mâu thuẫn giữa hai anh bạn tôi không dừng lại ở lĩnh vực học thuật. Họ bắt đầu nâng quan điểm về ý thức hệ. Nào là không có lập trường tư tưởng. Nào là mơ hồ trong quan điểm. Nào là để tình cảm đánh mất lý trí. Nào là trình độ chỉ đến vậy…
Khoảng một tháng sau sự việc trên, tôi được một trong hai anh bạn mời đi cà phê tối tại một quán ở Cầu Giấy. Anh thông báo cho tôi biết sẽ chuyển đến Trường Đại học Bách khoa hoặc học dự bị tại Đại học Tổng hợp với tư cách Quân đội gửi đi học. Đáng lẽ ra anh ấy phải mừng vì đã có cơ hội học ở những ngôi trường nghiên cứu danh tiếng, nhưng anh lại buồn rầu nói với tôi: “Sai lầm về học thuật khiến mình thua cuộc. Nó đã thắng. Thú thực là mình phải ra đi”.
Đêm đó là đêm gần như chúng tôi tạm chia tay nhau. Anh nói với tôi suốt mấy tuần, anh đã đọc rất nhiều tài liệu ở Thư viện Quốc gia. Anh cho rằng để hiểu một tác phẩm còn phải cẩn nghiên cứu kỹ bối cảnh lịch sử đã sản sinh ra nó và không nên bị chi phối bởi người khác. Anh đề cập nhiều đến nhân vật Cao Lỗ/Nỗ. Qua đối chiếu các nguồn thư tịch, anh cho rằng Cao Lỗ mất năm 179 trước Công nguyên. Ông là danh Tướng của Thục Phán An Dương Vương, sinh ra tại xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh ngày nay (thời Hùng Vương là bộ Vũ Ninh).
Cao Lỗ là người đã sáng chế ra nỏ liên châu (bắn một lần phóng ra nhiều mũi tên), trong truyền thuyết gọi là nỏ thần. Chính Cao Lỗ đã khuyên An Dương Vương dời đô xuống đồng bằng (một số nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng kinh đô ban đầu của An Dương Vương ở Cao Bằng), và ông được An Dương Vương giao cho nhiệm vụ phụ trách xây dựng thành Cổ Loa.
Vì có công lớn nên Cao Lỗ được giữ chức vụ đứng đầu triều đình. Ông đem lòng yêu công chúa Mị Châu, con gái An Dương Vương, nhưng Mị Châu chỉ để ý đến Trọng Thủy, con trai Triệu Đà, người nhiều lần đi sứ cầu hòa An Dương Vương. Triệu Đà nhận thấy Âu Lạc hùng mạnh, không thể đánh bại bằng quân sự, nên dùng mưu kế cho con là Trọng Thủy ở rể lấy công chúa Mị Châu để do thám tình hình, tìm bí mật về tổ chức quân sự, trong đó có bí mật về nỏ liên châu. Cao Lỗ ra sức can ngăn An Dương Vương không cho Mị Châu lấy Trọng Thủy. An Dương Vương không nghe theo và bắt đầu nghi ngờ ông từ đó.
An Dương Vương quyết định kết thông gia với Triệu Đà. Ông tin rằng cuộc hôn nhân hòa hiếu này sẽ tránh được chiến tranh xâm lược với Nam Việt (cuốn sách đầu tiên ghi việc Trọng Thủy lừa dối Mị Châu là cuốn Giao châu ngoại vực ký quyển 14). Rõ ràng ông đã hoàn toàn sai lầm, không đánh giá đúng về kẻ thù. Sau khi hoàn thành công việc được giao, Trọng Thủy trở về Nam Việt trình lên vua Nam Việt Vương Triệu Đà tất cả nội tình và bí mật quốc phòng của Âu Lạc.
Quân Triệu Đà mở cuộc tấn công xâm lược, nhưng không giành ngay được thắng lợi. Nỏ liên châu của Âu Lạc không còn phát huy tác dụng như trước vì quân Triệu Đà đã có cách chống lại. An Dương Vương ngờ rằng Cao Lỗ đã để lộ bí mật quân sự, lại thêm một số quyền thần vốn ghen ghét sàm tấu khép ông tội chém. Khi luận tội, vì Cao Lỗ có công lớn nên triều đình chỉ bãi chức, đầy ông lên vùng biên ải Lạng Sơn.
Bị oan ức không thể giãi bầy, thêm tính cương trực không chịu khuất phục, khi đến nơi, Cao Lỗ đã nhảy xuống sông Kỳ Cùng tự vẫn. Sau khi ông chết, ngày 25/5 năm Nhâm Thân (năm 179 trước CN), triều đình chia rẽ, quân đội Âu Lạc không có Cao Lỗ thống lĩnh đã thất bại hoàn toàn trước sức tấn công của quân Nam Việt Triệu Đà vào năm Giáp Tý (năm 177 trước CN).
Theo Đại Việt sử Ký toàn thư và Giao Châu ngoại vực ký, An Dương Vương thua chạy đem theo con gái Mị Châu. Trên đường trốn chạy, như ước hẹn, Mị Châu đã rắc lông ngỗng để báo cho Trọng Thủy tìm theo. An Dương Vương chạy cùng đường, phía trước là biển không thuyền. Rùa vàng nổi lên mặt nước mắng: Kẻ ngồi sau lưng là giặc đấy. Trước khi theo Rùa vàng xuống biển, An Dương Vương đã chém Mị Châu. Đây chính là cái cốt cho truyền thuyết Mị Châu-Trọng Thủy nổi tiếng trong văn học dân gian Việt Nam còn lưu truyền đến ngày nay.
Cái đêm hôm chia tay anh bạn tôi kết luận: “Trọng Thủy là một tên gián điệp xảo quyệt. Không chỉ do thám nội tình, ăn cắp bí mật quân sự của Âu Lạc mà còn là kẻ ly gián triều đình, lừa dối Mỵ Châu để truy sát An Dương Vương. Mỵ Châu dù có vô ý, nhưng nàng đã lấy bí mật quốc gia trao cho Trọng Thủy, và dù có vô ý nàng rắc lông ngỗng đánh dấu đường cho chồng thì vẫn là kẻ nối giáo cho giặc giết hại cha. Họ không thể là nạn nhân của chiến tranh. Họ là tội phạm chiến tranh. Vậy mà chỉ vì mình ghét”nó”, lú lẫn cho rằng Mỵ Châu- Trọng Thủy là nạn nhân của chiến tranh”.
Chuyện về hai anh bạn tôi thì đã qua lâu rồi, nhưng chuyện về nhà nước Nam Việt của Triệu Đà và lăng mộ của Triệu Văn Vương thì vẫn còn mang tính thời sự. Đối với người Việt Nam thì Tần Thủy Hoàng, Triệu Đà, Hán Vũ Đế cho đến Đặng Tiểu Bình (kẻ phát động cuộc chiến tranh biên giới năm 1979) đều là những kẻ ngoại bang xâm lược. Chúng đều giống nhau về bản chất bành trướng, dã man, tàn bạo, thâm độc.
Sau khi phát hiện và khai quật mộ Triệu Văn Vương, Trung Quốc tiến hành dựng tượng và xây dựng bảo tàng Triệu Văn Đế ở Quảng Châu, trưng bày một kho báu khổng lồ các hiện vật lịch sử. Khách du lịch Việt đến thăm còn được nghe họ giới thiệu về câu chuyện Mỵ Châu-Trọng Thủy, “một thiên tình sử diễm lệ của hai nước Việt Trung”. Tên “nam nhân kế” lừa gạt, trộm báu vật, giết cha, cướp nước lại là một nhân vật được ngợi ca đã làm nên thiên tình sử. Có lẽ đó là cái gu thẩm mỹ của những kẻ bành trướng đại Hán. Họ còn thả thính cho rằng có khi thân mẫu của Triệu Văn Vương là công chúa Mỵ Châu. Sử sách Trung Quốc còn truyền bá quan điểm người Việt Nam thời cổ là người Lạc Việt, thuộc tộc Bách Việt trong cộng đồng Hán tộc.
Hiện tại Bắc Kinh đang dùng quan điểm này để phục vụ mục đích chính trị. Nhiều học giả Trung Quốc còn trách tổ tiên họ đã thống trị người Việt gần 1000 năm rồi mà còn để vuột mất Việt Nam. Nhân dân nhật báo Trung Quốc, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc có lần đăng bài “Trung Quốc khuyên Việt Nam lãng tử hồi đầu”, thâm ý muốn nói Việt Nam vốn là con em trong đại gia đình Bách Việt, nay nên “hồi đầu” đại gia đình xưa.
Chúng ta cần cảnh giác bác bỏ luận điệu thâm hiểm này và khẳng định một sự thực lịch sử: Người Việt bao gồm 54 dân tộc-Việt Nam không phải là hậu duệ của người Bách Việt Trung Quốc. Việt Nam là một quốc gia, cũng như Trung Quốc là một quốc gia. Mọi tham vọng bành trướng, mưu đồ thôn tính lãnh thổ đều bị chôn vùi giống như đã bị chôn vùi ở Như Nguyệt, Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa và gần đây nhất là ở biên giới phía bắc.
Nguyễn Thị Điệp, Hang Nguyen và 282 người khác
179 bình luận
79 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.