Dạy học trực tuyến và kết hợp, kinh nghiệm từ Canada

Leave a Comment

 Dạy học trực tuyến và kết hợp, kinh nghiệm từ Canada

Vài nét tổng quan

 Ca-na-đa là quốc gia trên 35 triệu dân, diện tích lớn thứ hai trên thế giới, nằm ở cực bắc của Bắc Mỹ. Canada là nhà nước liên bang, bao gồm 10 tỉnh và 3 vùng lãnh thổ, trải dài từ Đại Tây Dương ở phía đông sang Thái Bình Dương ở phía tây. Phía bắc giáp Bắc Băng Dương, phía nam  giáp Hoa Kỳ.

 Về giáo dục, Canada không có chính sách quốc gia hoặc cơ quan quản lý có thẩm quyền trên toàn quốc. Theo quy định, các tỉnh và các vùng lãnh thổ của Canada hoàn toàn chịu trách nhiệm về giáo dục. Có thể nói mỗi một tỉnh và vùng lãnh thổ  đều có một “bộ giáo dục” chịu trách nhiệm về giáo dục phổ thông và giáo dục sau phổ thông. Độ tuổi bắt buộc đến trường từ 5 đến 18 tuổi. Tỷ lệ người trưởng thành biết chữ trên 99%. Tỷ lệ người hết phổ thông trung học, trình độ cao đẳng và đại học vào hàng cao nhất của thế giới.  Quốc gia này được xếp hạng là một trong số các quốc gia chi tiêu cho giáo dục lớn nhất trên thế giới.

 Mặc dầu vậy, vẫn có sự tương đồng trong chính sách và cấu trúc giáo dục giữa 13 tỉnh và vùng lamhx thổ. Kinh phí giáo dục được cung cấp thông qua nguồn thuế của các tỉnh. Mọi trường học trong tỉnh hoặc vùng lãnh thổ đều nhận được cùng một khoản tài trợ cơ bản gần như giống nhau cho mỗi học sinh khi đăng ký vào trường học, thông qua cơ quan giáo dục địa phương chẳng hạn như học khu hoặc nhà trường. Năm học ở Canada thường bắt đầu từ tháng Chín đến tháng Sáu.  Hầu hết các tỉnh đều có hệ thống từ mẫu giáo đến lớp 12. Ngoại trừ tỉnh Québec, có hệ thống giáo dục chính thức từ mẫu giáo đến lớp 11 với học sinh tùy chọn tiếp tục việc giáo dục của họ thông qua trường nghề, bao gồm thêm hai năm phổ thông hoặc ba năm giáo dục kỹ thuật trước khi vào cao đẳng hoặc đại học.

 Do vị trí địa lý rộng lớn và bối cảnh nhiều nơi xa trung tâm, Canada giống như các quốc gia có diện tích địa lý lớn nhưng dân số ít, quốc gia này đã có một lịch sử trên 100 năm trong lĩnh vực giáo dục từ xa qua thư từ và ba chục năm gần đây là hình thức học tập trực tuyến và hình thức học tập kết hợp từ mẫu giáo tới lớp 12 (K-12). Giáo dục từ xa và dạy học trục tuyến ban đầu hình thành ở Canada chủ yếu là để phục vụ cho học sinh ở các cộng đồng nông thôn và vùng sâu vùng xa. Nhìn chung các chương trình học tập trực tuyến và kết hợp K-12 đều bắt nguồn từ mô hình giáo dục từ xa truyền thống, phát triển từ giáo dục qua thư từ đến hình thức học tập trực tuyến hoặc thông qua mô hình kết hợp giữa hình thức trực tuyến và hình thức trực tiếp.

 Ở Canada thuật ngữ  học tập trực tuyến cũng như  học tập điện tử (Electronic Learning, E-Learning) được sử dụng để mô tả cả hình thức giáo dục từ xa cũng như hình thức học tập trực tuyến và kết hợp. Hội đồng Canada về Học tập đã định nghĩa học tập điện tử E-Learning là “việc ứng dụng công nghệ máy tính vào giáo dục. E-learning có thể có nhiều hình thức. Nó có thể sử dụng hình thức học trực tiếp trong lớp học, như một phần của các hoạt động bắt buộc hoặc hoạt động đột xuất (ví dụ: thảo luận trực tuyến), hoặc để cung cấp một khóa học trực tuyến hoàn toàn. E-learning còn có thể bao gồm cả giáo dục từ xa cũng như hình thức giáo dục truyền thống trên lớp.

 Hiện tại, mỗi tỉnh và vùng lãnh thổ của Canada đều có những trường học học theo hình thức hoàn toàn trực tuyến đáp ứng nhu cầu học sinh học trực tuyến trong tỉnh, do chính quyền tỉnh thành lập và cấp kinh phí (ở Hoa Kỳ là cấp bang và học khu). Điều cần lưu ý là động lực chính cho việc học tập trực tuyến K-12 ở Canada là ở chính quyền tỉnh, không phải do các tập đoàn độc lập cung cấp dịch vụ giáo dục cho các trường trực tuyến hay bán công trực tuyến như ở Hoa Kỳ. Các tập đoàn cung cấp dịch vụ giáo dục trực tuyến (nền tảng công nghệ, phần mềm quản lý học tập, quản lý nội dung bài dạy, các công cụ học tập và thiết kế bài dạy…) ở Canada chỉ là các nhà thầu cung cấp nội dung, công nghệ và các dịch vụ do chính quyền tỉnh quyết định.

 Vào năm 1919, một trường trung học tại tỉnh British Columbia thành lập theo hình thức dạy học từ xa với số lượng là 86 học sinh, sau tăng lên hơn 600 học sinh vào năm 1929. Gần sáu thập kỷ rưỡi sau, việc học tập từ xa được hỗ trợ bởi công nghệ cũng bắt đầu ở tỉnh British Columbia với sự ra đời của Trường Định hướng Mới trong Đào tạo Từ xa và Học viện EBUS. Cả hai cơ sở giáo dục trên đều được thành lập vào năm 1993. Mô hình học tập này nhanh chóng được mở rộng ra các tỉnh khác như Manitoba, Ontario, Alberta, Newfoundland và Labrador…

 Trường học trực tuyến/ảo đầu tiên được thành lập ở Canada là Trung tâm Giáo dục Từ xa Avon Maitland, được thành lập bởi Hội đồng Trường Quận Avon Maitland ở tỉnh Ontario vào năm học 1994-1995.  Sau đó một số trường ảo tiếp theo được thành lập bắt đầu cung cấp nhiều khóa học, chẳng hạn Mạng Giáo dục Điện tử Từ xa ở Ontario và một chương trình dựa trên trường học ảo do Trường Garden Valley Collegiate ở Manitoba tiến hành trong năm học 1995-1996. Tiếp theo có một số liên hiệp học khu cung cấp các chương trình học trực tuyến cho khối K-12 ở tỉnh Alberta, nơi từ năm 1995 đến 1999 có 23 chương trình học trực tuyến được triển khai. Trong thập kỷ tiếp theo, tỉnh Alberta tiếp tục phát triển các chương trình học trực tuyến ở các học khu và đa học khu. Sau đó các học khu ở Newfoundland và Labrador tiếp tục thành lập và mở rộng các trường học ảo như hiện nay…

 Canada là một trong số những quốc gia có tỷ lệ học sinh, sinh viên đăng ký tham gia các khóa học và chương trình trực tuyến cao nhất trên thế giới và là một trong những quốc gia đầu tiên sử dụng Internet để cung cấp các khóa học đào tạo từ xa cho sinh viên. Với 5,1 triệu học sinh theo học các chương trình giáo dục ở Canada trong năm học 2015-2016, ước tính số học sinh tham gia học trực tuyến K-12 trong năm học này là 293.401 học sinh, chiếm 5,7% tổng số học sinh K-12. Mức độ học tập trực tuyến cao nhất, dẫn đầu cả nước theo tỷ lệ học sinh tham gia là tỉnh British Columbia. Một số khu vực của tỉnh báo cáo trên 12% học sinh K-12 học trực tuyến. Cá biệt ở một vài khu vực có mức độ học sinh tham gia học trực tuyến lên tới trên 20%.

 Cũng theo thống kê của các tỉnh ở Cannada, ngoài học trực tuyến, năm học 2015-2016 có 405.319 học sinh, chiếm 7,9% học sinh K-12 tham gia vào hình thức học tập kết hợp, trong đó ít nhất có một phần hướng dẫn học trực tuyến diễn ra trong lớp học, một phần học trực tuyến không diễn ra trong lớp học, cả hai hình thức trên kết hợp với một số yếu tố lựa chọn trong việc học tập của học sinh. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích tổng hợp các nghiên cứu về hình thức học tập kết hợp (Blended Learning) và khẳng định rằng môi trường học tập kết hợp đang chứng tỏ mức độ hiệu quả cao hơn so với môi trường học tập trực tuyến hoàn toàn hoặc học tập trực tiếp hoàn toàn. Ngoài ra, họ phát hiện ra rằng khi các khóa học trực tuyến do giáo viên hướng dẫn hoặc có một số yếu tố hỗ trợ kết hợp, thì hiệu quả của hình thức/phương pháp này sẽ cao hơnHọc tập kết hợp, kết hợp các yếu tố tốt nhất của hình thức học trực tuyến và hình thức học trực tiếp có thể sẽ trở thành mô hình giảng dạy chủ đạo trong tương lai ở Canada.

 Về chính sách và quy định quản lý về học tập trực tuyến

Hiện tại, tất cả mười tỉnh và ba vùng lãnh thổ của Canada đều có các trường học trực tuyến ở cấp độ K-12. Có hai tỉnh sử dụng một chương trình giáo dục trực tuyến qua cổng giáo dục trực tuyến duy nhất trên toàn tỉnh. Bốn tỉnh chủ yếu dựa vào các chương trình trực tuyến ở cấp huyện. Bốn tỉnh khác có sự kết hợp một chương trình toàn tỉnh và một số chương trình cấp huyện. Ba vùng lãnh thổ và một tỉnh chủ yếu dựa vào các dịch vụ giáo dục trực tuyến do các tỉnh khác cung cấp. 

 Chế độ quản lý đối với giáo dục trực tuyến K-12 có nhiều hình thức khác nhau. Một vài  tỉnh có các điều khoản trong Đạo luật Giáo dục hoặc Đạo luật Trường học liên quan đến chính sách và việc quản lý giáo dục từ xa, giáo dục trực tuyến.  Tuy nhiên, hầu hết các tỉnh đều có một số quy định chính sách và quản lý riêng. Một số tỉnh điều hành, quản lý theo các Chỉ thị của người đứng đầu ngành giáo dục, các văn bản chính sách do ngành giáo dục tỉnh ban hành . Một số tỉnh điều hành, quản lý theo các thỏa thuận được ký kết giữa bộ giáo dục (cấp tỉnh) và các hội đồng trường, trong khi các thỏa thuận khác đưa các nội dung cụ thể vào thỏa ước thương lượng tập thể giữa chính quyền và công đoàn giáo viên…

 Phương thức tài trợ kinh phí cho các cơ sở giáo dục trực tuyến và các chương trình trực tuyến thuộc quy định của cấp tỉnh. Ví dụ các chương trình học tập điện tử ở các tỉnh thuộc khu vực Đại Tây Dương của Canada hoạt động theo quy định của các cơ quan giáo dục tỉnh và do đó, được tài trợ như một phần của hoạt động giáo dục chung. Québec là tỉnh duy nhất của Canada có chương trình học tập điện tử được tài trợ thông qua nhiều nguồn dự án riêng lẻ. Một số tỉnh còn lại, các chương trình trực tuyến chủ yếu do các học khu quản lý và được tài trợ trong nội bộ học khu. Một số tỉnh, cơ quan giáo dục cung cấp hỗ trợ cho các hoạt động học tập trực tuyến. Ví dụ ở tỉnh Ontario và Manitoba, cơ quan giáo dục tài trợ cho chương trình học tập trực tuyến cấp tỉnh, trong khi ở các tỉnh khác, cơ quan giáo dục không tài trợ cho các chương trình dựa trên học khu. Nhưng chung quy lại, các cơ sở giáo dục trực tuyến đều nhận được kinh phí tài trợ của chính quyền tỉnh. Nó chỉ khác nhau ở hình thức phân phối, điều hành.

 Mức độ và nguồn tài trợ cụ thể khác nhau giữa các tỉnh có tác động tới hiệu quả của các chương trình giáo dục trực tuyến; có khả năng ảnh hưởng khác nhau tới việc cung cấp các dịch vụ giáo dục, cho phép cung cấp cơ sở dữ liệu cấp tỉnh về các nguồn tài nguyên giáo dục có sẵn cho các nhà trường và học sinh trong quá trình học tập trực tuyến và kết hợp. Nói tóm lại, hầu hết các chương trình giáo dục trực tuyến trên đất nước Canada đều được cơ quan giáo dục cấp tỉnh tài trợ thông qua các cơ quan quản lý giáo dục địa phương hoặc các khu học chánh hoặc cơ sở tự vận hành chương trình học tập trực tuyến. Do đó, bản chất của các dịch vụ và chương trình là tập trung vào các nhu cầu cụ thể của huyện hoặc tỉnh, hoặc bị hạn chế do phân bổ kinh phí cho các chương trình và nhiệm vụ khác của huyện hoặc tỉnh.

 Cho tới thời điểm này ở Canada chưa có hình thức tiêu chuẩn nào được đưa ra như một phần của cơ chế quản lý về việc học trực tuyến. Ngoài ra, cũng không có bất kỳ tiêu chuẩn chất lượng  về học tập trực tuyến cụ thể nào. Khác với Hoa Kỳ, có quá nhiều tiêu chuẩn, từ cấp quốc gia đến cấp bang, từ cấp vùng đến cấp hiệp hội để đo lường chất lượng của nội dung khóa học trực tuyến và giảng dạy trực tuyến. Ví dụ Hiệp hội Quốc tế về Học tập Trực tuyến K-12 (iNACOL) của Mỹ, chỉ một hiệp hội thôi cũng đã ban hành  một bộ “tiêu chuẩn quốc gia” của riêng họ, tập trung vào việc thiết kế khóa học trực tuyến, giảng dạy trực tuyến, công nghệ và phương pháp sư phạm giảng dạy trực tuyến.

 Hỗ trợ học tập trực tuyến

 Các chương trình học tập trực tuyến thành công đòi hỏi phải có đầu tư ban đầu vào các nguồn  lực như tài nguyên kỹ thuật số, phần mềm quản lý học tập, quản lý nội dung bài giảng, khóa học,  hướng dẫn triển khai hiệu quả các tài nguyên cùng với cơ sở hạ tầng công nghệ để phân phối… Cuối cùng là đội ngũ giáo viên có kỹ năng sử dụng công nghệ và sư phạm trực tuyến để hướng dẫn học sinh tương tác với công nghệ học tập kỹ thuật số, tài nguyên và khóa học, đồng nghiệp và giáo viên. Hầu hết các cơ quan quản lý giáo dục Canada trong mấy chục năm qua đã phải vật lộn để cung cấp đầy đủ nguồn lực cho các chương trình học tập trực tuyến do tính phức tạp và chi phí cơ sở hạ tầng và chi phí cho nội dung và công nghệ. Do đó, nhiều tỉnh ở Canada đã phát triển nhiều hiệp hội khác nhau để giải quyết hỗ trợ việc học trực tuyến.

 Các hiệp hội liên kết với nhau dựa trên lợi ích chung và lợi ích riêng chẳng hạn như Hiệp hội vận động chính sách; Hiệp hội chia sẻ thông tin, mua chung, phát triển nội dung và phát triển nghề nghiệp.  Một số mô hình liên kết bao gồm liên kết tự nguyện của các tổ chức khác nhau để tạo thành một hiệp hội lớn dựa trên nhu cầu chung và mô hình chia sẻ nguồn lực, trong đó các tổ chức chia sẻ các nguồn lực bao gồm chuyên môn, tài nguyên học tập, công nghệ. Trên thực tế, phần lớn ở các tỉnh đã hình thành các mô hình liên kết sẻ tài nguyên giáo dục.

 Mặc dù một số bộ/sở giáo dục cấp tỉnh và vùng lãnh thổ hiện đang đầu tư vào hình thức học tập trực tiếp với các chương trình riêng hoặc thông qua các chiến lược tài nguyên và công nghệ tập trung để hỗ trợ học tập trực tuyến trong khu vực của họ, cấp cơ quan giáo dục địa phương vẫn có kế hoạch riêng chia sẻ những cái mới về công nghệ mạng, tài nguyên và đào tạo hỗ trợ giáo viên trong việc phát triển và triển khai các chiến lược học tập trực tuyến.  Do đó, một số liên minh đã xuất hiện trên khắp Canada để giải quyết các nhu cầu cụ thể về học tập trực tuyến trong phạm vi quyền hạn của tỉnh.

 Ví dụ tại British Columbia, một trong những liên minh học tập trực tuyến đầu tiên được thành lập là Hiệp hội Học tập Trực tuyến, hay Trường COOL School. Trường này ban đầu là một nhóm gồm bốn học khu bắt đầu bằng cách chia sẻ hệ thống quản lý học tập (LMS) thông qua trường cao đẳng cộng đồng trong khu vực. Sau đó, khi bộ giáo dục tỉnh thành lập tổ chức độc lập của riêng mình để triển khai các chương trình trực tuyến ở cấp tỉnh, các thành viên đã xây dựng tổ hợp COOL School ban đầu thành mạng lưới học tập trực tuyến BC Learning Network. Liên minh này đã mở rộng ra 51 khu học chánh của British Columbia.

 Các liên minh khác cũng xuất hiện ở Canada khi các chương trình học tập trực tuyến tiếp tục xuất hiện và mở rộng. Ví dụ tại tỉnh Alberta, hai nhóm liên minh đã xuất hiện trong lĩnh vực học tập trực tuyến: nhóm kết hợp Alberta và Alberta Moodle Hub. Liên minh này bắt đầu như một nhóm tình nguyện gồm các giáo viên và quản trị viên của Alberta tổ chức hội nghị chuyên đề hàng năm để thúc đẩy học tập trực tuyến và kết hợp thông qua đối thoại và chia sẻ. Nhóm này gần đây đã đăng ký và nhận được tư cách là một tổ chức phi lợi nhuận của tỉnh Alberta (Hiệp hội học tập kết hợp  Alberta) và nhận được tài trợ từ Bộ Giáo dục Alberta . Các thành viên chủ yếu đến từ Alberta, những người chia sẻ các khóa học được xây dựng trên nền tảng hệ thống quản lý học tập mã nguồn mở (LMS) và thường xuyên gặp gỡ nhau để chia sẻ các chiến lược liên quan đến việc triển khai các khóa học về hệ thống quản lý học tập.

 Do sự phát triển mạnh mẽ của hình thức học tập trực tuyến và kết hợp, Hiệp hội quốc gia Canada về học trực tuyến mới được thành lập vào tháng 7 năm 2013, CANeLearn, với sứ mệnh “cung cấp năng lực lãnh đạo, sự thành công của việc học tập bằng cách hỗ trợ các tổ chức và nhà giáo dục liên quan đến việc học trực tuyến và kết hợp thông qua mạng lưới, cộng đồng và các nghiên cứu cơ hội ” (Canada eLearning Network, 2016, trang 3). CANeLearn, được đăng ký dưới tên Corp Canada với tư cách là một tập đoàn phi lợi nhuận của Canada, là một mạng lưới các chương trình trực tuyến và kết hợp ở khắp Canada, với mục tiêu hỗ trợ, cộng tác và chia sẻ chương trình như một quá trình học tập chuyên nghiệp, nghiên cứu về học tập trực tuyến và kết hợp, chính sách và tiêu chuẩn nghề nghiệp. CANeLearn bắt đầu phát triển như một mạng lưới của quốc gia từ năm 2014 đến nay, và mở rộng trên toàn quốc khi các thành viên gặp nhau trong khu vực tại các sự kiện cấp tỉnh cũng như toàn quốc hàng năm vào mùa hè.

 Hai năm qua giáo dục Canada cũng như các nước đều bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Khối K-12 cũng nằm trong tình trạng chung. Đặc biệt khu vực học sinh và sinh viên quốc tế phải đối mặt với một tác động động tiêu cực về mặt kinh tế. Số lượng học sinh và sinh viên quốc tế giảm 17% so với trước đại dịch. Tuy nhiên, một trong những điểm sáng đáng chú ý là sự gia tăng mạnh mẽ của hình thức học trực tuyến. Đại dịch buộc các cơ sở giáo dục phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi học trực tuyến và kết hợp, để duy trì tính cạnh tranh và điều chỉnh các hạn chế đi lại và hoàn cảnh  rủi ro mà học sinh, sinh viên quốc tế của họ phải đối mặt. Với bề dày truyền thống trên 100 học tập từ xa và gần 30 năm kinh nghiệm phong phú về học tập trực tuyến và kết hợp, tổ chức quốc gia như CANeLearn nói riêng và hình thức học tập trực tuyến và kết hợp ở các tỉnh , vùng lãnh thổ của Cannada đã và đang có những bước phát triển ngoạn mục, có những đóng góp rất đáng trân trọng cho một hình thức học tập mới của nhân loại.

Đề xuất và kết luận

Từ kinh nghiệm của Canada và Mỹ (năm học 2021-2022 ở Mỹ có 40 bang /50 có trường học trực tuyến hoàn toàn; có trên 1000 trường học trực tuyến và kết hợp với 70.000 học sinh K-12 đăng ký đầu nămhọc), cùng với 60% các nước trên thế giới có trường học trực tuyến hoàn toàn (ở Đông Nam Á tiêu biểu là Singapore), chúng tôi cho rằng đã đến lúc Việt Nam thành lập một số học trực tuyến. Hoặc chí ít nên thành lập một trường học trực tuyến trực thuộc Bộ Giáo dục và một số trường học theo hình thức kết hợp ở một số tỉnh và thành lớn, với mục đích:

1, Tập trung nghiên cứu vế chương trình học tập trực tuyến và kết hợp, hướng tới sự đổi mới về hình thức dạy học/ phương pháp giảng dạy ở các trường công lập trong thời đại kỹ thuật số và trong môi trường dịch bệnh học sinh phải nghỉ học như trong đại dịch COVID-19.

2, Tạo nguồn tài nguyên giáo dục mở quốc gia theo tinh thần của Liên hợp quốc, bao gồm tài nguyên sách giáo khoa mở theo cải cách giáo dục, tài liệu giảng dạy và tham khảo, phần mềm quản lý học tập và quản lý nội dung bài giảng trực tuyến… làm cơ sở dữ liệu chung cho việc dạy học trực tuyến và kết hợp ở khối phổ thông.

3, Thành lập các tổ chức mới và hỗ trợ các tổ chức chịu trách nhiệm thực hiện, nghiên cứu các chương trình nghiên cứu dài hạn để đánh giá, rút kinh nghiệm từ các trường học trực tuyến và kết hợp, cũng như việc triển khai học tập trực tuyến và kết hợp ở các trường công lập.

4, Nghiên cứu, phát triển các quy trình, công thức phân bổ kinh phí mới dựa trên chi phí thực tế của việc vận hành các trường học trực tuyến và kết hợp.

5, Xây dựng, hướng dẫn cơ chế quản lý để đảm bảo các trường học trực tuyến và kết hợp là hình thức dạy học tiên tiến của kỷ nguyên kỹ thuật số, có kết quả cao theo dòng chảy chung của giáo dục trực tuyến và kết hợp của quốc tế.

6, Thực hiện chương trình giảng dạy trực tuyến và kết hợp có chất lượng cao, phù hợp với tiêu chuẩn của quốc tế; tiến tới sử dụng và hội nhập với nguồn tài nguyên giáo dục mở của nhân loại.

7, Xác định tiêu chuẩn, đào tạo, chứng nhận các yêu cầu có liên quan đến các vấn đề như chính sách, quản lý, giáo viên dạy học trực tuyến và kết hợp; yêu cầu các chuyên gia dựa trên nghiên cứu phát triển các tiêu chuẩn sư phạm,công nghệ, nội dung, phương pháp dạy học trực tuyến và kết hợp để thúc đẩy việc dạy học trực tuyến và kết hợp ở khối phổ thông.

 Hơn 2 năm đại dịch COVID-19 các trường học Việt Nam gần như đều tiến hành dạy học trực tuyến. Tất cả những khó khăn, thách thức cũng như những cơ hội ngành giáo dục đều cảm nhận được. Ở các nước tiên tiến, ngành giáo dục của họ cũng gặp phải khó khăn và thách thức như chúng ta. Nhưng từ ba thập kỷ trước họ đã phát triển hình thức học tập trực tuyến và kết hợp. Qua đợt dịch này có thể họ sẽ hoàn thiện hình thức học tập trực tuyến và kết hợp ở khối K-12. Hy vọng rằng Việt Nam chúng ta sẽ học hỏi được đôi điều về việc tổ chức, vận hành hình thức học tập trực tuyến và kết hợp của một cường quốc giáo dục hàng đầu thế giới như Canada.

 

Read More

Hội làng Triều Khúc

Leave a Comment

 Hội làng Triều Khúc

Triều Khúc là một trong 10 làng cổ nhất của Hà Nội, quê hương của Di chỉ Gò Cây Táo thuộc lớp Văn hóa Phùng Nguyên cách đây khoảng trên dưới 4000 năm. Nơi đây còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử, văn hóa vật thể, phi vật thể, nhiều nét văn hóa tâm linh và phong tục tập quán truyền thống đẹp đẽ. Thể hiện rõ nhất là ở “Nét cũ hội hè đình đám”.
Hội làng Triều Khúc xa gần nhiều người biết đến. Đầu Xuân năm 2020, chính quyền xã và người dân đã long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội truyền thống. Lễ hội làng Triều khúc diễn ra trong bốn ngày, từ ngày mồng 9 đến ngày 12 tháng Giêng Âm lịch, chính hội ngày mồng 10.
Cũng như bao lễ hội làng quê Việt Nam, lễ hội Triều Khúc gắn liền với tín ngưỡng thờ thành hoàng làng, một tín ngưỡng kết hợp thờ người anh hùng với thần linh. Thực tế trước Tết Lớn hàng năm, người dân làng Triều Khúc, Tân Triều, Thanh Trì đã chuẩn bị tổ chức lễ hội truyền thống tưởng nhớ đến vị anh hùng dân tộc Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, người đã nổi dậy chống lại ách đô hộ nhà Đường thời Bắc thuộc trong lịch sử Việt Nam. Và trong tâm thức của dân làng Triều Khúc, người anh hùng làng Đường Lâm chính là người đã mang lại cuộc sống ấm no, bình yên cho dân làng…
Bắt đầu lễ hội, ngày mồng 9 là những nghi lễ quan trọng không thể thiếu như như lễ dâng hương, lễ rước sắc, lễ nhập tịch… Nhiều hoạt động vui chơi trong những ngày lễ hội như đá cầu, cờ người, đánh vật, chọi gà, bịt mắt bắt dê, bịt mắt đánh trống, đập niêu và sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc như múa rồng, múa lân, múa sinh tiền, múa bồng, múa chạy cờ. Với tôi, những môn thể thao được đưa vào lễ hội như bóng đá, bóng bàn và hội sinh vật cảnh trưng bày cây cảnh, chim cảnh luôn luôn thu hút thời gian của tôi trong những ngày Tết. Cuối cùng là Lễ Tế giã ngày 12, tức là lễ tiễn biệt, rước Thánh hồi cung, kết thúc lễ hội. Để rồi người dân trong làng lại bắt đầu bận rộn một năm làm ăn mới.
Trong không gian lễ hội có rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc được bảo tồn. Tiêu biểu là nghi thức tế lễ cổ truyền (đội tế lễ của Triều khúc luôn đạt giải nhất trong các cuộc thi do ngành văn hóa thành phố tổ chức). Tiếp theo là điệu múa trống bồng, điệu múa cổ do trai làng đóng giả làm con gái, má phấn, môi son, đầu chít khăn mỏ quạ, váy nhiễu màu đen với những dải màu ngũ sắc, vừa múa nhún nhảy, vừa vỗ trống bồng đeo trước bụng một cách nhí nhảnh, ẻo lả,duyên dáng. Điệu múa Bồng diễn ra xuyên suốt những ngày lễ hội, từ đại đình, giữa các tuần tế, qua lễ rước cho tới tận đình thờ Sắc, rồi quay trở lại đại đình.
Điệu múa chỉ do những cặp nam thực hiện, đi trước đội múa sinh tiền của các thiếu nữ xinh đẹp. Các động tác múa đúng như tên gọi dân gian “con đĩ đánh bồng”, vừa khoáng đạt, uyển chuyển, vừa duyên dáng, ẻo lả, lẳng lơ. Có cái gì đó có vẻ như “đĩ thõa”, cuốn hút toát ra từ trong ánh mắt lúng liếng, vẻ mặt mời gọi. Người múa không phải đánh bồng mà mơn man bồng, hòa cùng thân hình uốn éo, nghiêng ngả. Đỉnh cao của động tác gợi dục là động tác áp lưng nhau, đôi cánh tay giang ra như ôm ấp. Từng cặp múa vận động suốt trong quá trình hành lễ, khi di chuyển thì ngược chiều kim đồng hồ, theo hai hình vuông và tròn, như nương tựa vào nhau, xoắn xuýt và hòa nhập với nhau theo nhịp chân nhún nhảy, đong đưa.
Đây là điệu múa dân gian phồn thực phổ biến trong các lễ hội Xuân xưa kia ở đồng bằng Bắc Bộ. Không biết nó có nguồn gốc từ đâu? Từ phương bắc đi xuống, từ phương nam đi lên hay nội sinh từ mong ước trai gái hòa hợp, vạn vật sinh sôi nảy nở, ước mong ngàn đời của cư dân nông nghiệp. Chính vì thế mà điệu múa này, cùng với điệu múa chạy cờ (điệu múa diễn tả việc thao diễn luyện tập binh mã, chuẩn bị đánh thành Tống Bình trước khi Đức Phùng Hưng lên ngôi vua) của làng Triều Khúc được biểu diễn trong dịp Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long của thành phố và được công nhận là một phần di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia cuối năm 2019.
Bên cạnh múa Trống Bồng còn có một điệu múa khác cũng rất nổi tiếng và thường xuyên được dùng trong lễ hội đó là múa Rồng. Múa Rồng không chỉ để cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an mà còn bao hàm cả nội dung giáo dục tinh thần thượng võ, cầu mong phồn vinh, thịnh vượng. Múa Rồng hoành tráng với nhiều động tác, tạo hình biến hóa sinh động như rồng chào, rồng phục, rồng chầu, rồng bay cao, hạ thấp, rồng cuộn, rồng lượn, rồng uốn khúc, rồng đuổi ngọc, ngậm ngọc... Cùng với âm thanh tưng bừng, tiết tấu nhịp nhàng của dàn bát âm; âm thanh vang dội của dàn trống cái, cồng; âm thanh lanh lảnh của thanh la, chũm chọe và âm thanh âm trầm của tù và, điệu múa rồng hấp dẫn đến say đắm, cuốn hút người xem đến kỳ lạ. Bao đời qua, múa Rồng không hề bị mai một cho dù thời gian vật đổi sao dời.
Một nét đặc sắc nữa trong lễ hội là hàng trăm người trong quá trình rước Thánh, người hành lễ đều đi ngang, mặt quay vào nhau để không quay lưng vào Thánh. Lúc múa thì các thành viên phải hành tiến giật lùi. Đi theo sau kiệu thánh là dân làng, bắt đầu là các cụ cửu, cụ bát vận quần áo màu đỏ, mũ ni che tai; rồi đến các cụ thất áo thụng xanh; sau mới đến trung niên, khách thập phương, nam thanh nữ tú áo quần truyền thống trong các sắc mầu… Đoàn rước kéo dài từ đại đình đến đình thờ sắc trong hương án cờ hoa rực rỡ, cùng với tàn vàng lọng tía tầng tầng lớp lớp bên trên rất đặc trưng của ngày hội. Nhưng đó mới chỉ là bề nổi trong những ngày lễ hội…
Ngay từ đêm 30 tết, nhà nào nhà nấy ở Triều Khúc thường làm lễ cúng Thành hoàng làng lúc giao thừa ở Đình Thờ Sắc và Đại Đình. Cũng có những gia đình làm lễ cúng ở chùa, ở đền Tam Thánh, đền thờ Tổ Nghề, lăng Thờ Mẫu (Lê triều Quận Chúa) hoặc ở nhà thờ dòng họ (13 dòng họ lớn ở Triều Khúc đều có nhà thờ tổ) tùy theo niềm tin vào tiền nhân hay các lực lượng siêu nhiên phù trợ sức khỏe, hạnh phúc, sự may mắn cho gia đình trong năm mới. Những tín ngưỡng như thờ Thành hoàng, thờ Tổ Nghề, thờ tổ họ, thờ Mẫu, thờ Đức Thánh Trần đan xen tạo nên đời sống tâm linh đa dạng, ảnh hưởng và chi phối phong tục, tập quán cũng như lối sống của người Triều Khúc. Việc lễ bái này chủ yếu hầu như diễn ra trong những ngày tết, sau Tết và gắn liền với lễ hội.
Ngay cả việc người ta lên bô (50 tuổi), lên thất (70 tuổi), lên bát (80 tuổi), lên cửu (90 tuổi) người Triều Khúc cũng làm lễ “trình giầu” trước cửa đình thờ Thánh Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng (cũng là Thành hoàng làng) trước Tết. Trong những ngày diễn ra lễ hội, vào ngày mồng 10, tất cả các cụ lên cửu, lên bát trong làng cùng con cháu tập trung sửa lễ Tam sinh đến đình làng để tạ ơn Thánh đã phù hộ cuộc sống trường thọ cho mình. Cũng như vậy vào ngày 11 là những người lên thất. Các cụ cùng con cháu náo nhiệt hàng trăm người lễ bái ở cửa Thánh xong lại đến lễ ở đền Tam Thánh, tổ nghề… Người lên cửu, lên bát, lên thất “được dư huệ lộc Thánh” sau đó mới cùng con cháu về nhà cùng thân thích nội ngoại, bạn bè linh đình liên hoan mừng thọ. Nhà giầu hay nhà nghèo cũng có vài ba, bốn chục mâm cỗ khao. Như vậy những sự kiện vui mừng, quan trọng trong đời người của người dân Triều Khúc đều gắn với việc thờ Thánh và lễ hội. Ngày hội của làng cũng là ngày hội của mỗi gia đình và dòng họ. Một không khí vui tươi, phấn khởi tràn ngập trong mỗi gia đình đến ngoài làng từ trước Tết cho đến hết rằm tháng Giêng. Cũng chính vì vậy, hội làng Triều Khúc không chỉ là hội làng có giá trị vật thể truyền thống mà còn mang đậm giá trị phi vật thể.
Ngày nay, hội làng Triều Khúc vẫn giữ được nét nguyên sơ, mang đậm cốt cách, nét đẹp tâm linh của lễ hội truyền thống giữa Thủ đô ngàn năm văn hiến. Dù đã đô thị hóa nhưng làng Triều Khúc vẫn có khung cảnh cổ kính đặc trưng của ngôi làng Bắc Bộ. Ở giữa làng là khu vực trung tâm với chùa Hương Vân, đền Tam Thánh, đền thờ Tổ Nghề (xin xem bài Tục thờ tổ làng nghề Triều Khúc và bài Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần trong trang Facebook này) và Đình thờ Sắc uy nghiêm, rêu phong, đặc trưng của đình chùa làng Việt. Tất cả còn giữ nguyên vẹn từ khi xây dựng. Ngay trước cổng chùa là một hồ nước rộng, trong xanh cùng nhà thủy tạ nổi khiến phong cảnh làng càng thêm hữu tình.
Một dặc trưng khác của làng là có hai ngôi đình cổ, với kiến trúc bề thế, trong đó Đình thờ Sắc, thờ các đạo sắc phong thời Lê Cảnh Hưng (1783) đến thời Khải Định (1924) ban phong mỹ tự cho vị thành Hoàng của làng và Đại đình thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. Người dân Triều Khúc rất tự hào, gìn giữ các ngôi đình vì tương truyền vị trí đại đình ngày nay vào năm 791 là nơi Phùng Hưng đã chọn làm đại bản doanh trên đường tiến công đánh thành Tống Bình chống lại quân đô hộ nhà Đường Cao Chính Bình.
Lễ hội làng Triều Khúc đậm chất văn hóa Việt, thu hút đông đảo du khách, các nhà nghiên cứu văn hóa, sử học, kể cả của nước ngoài. Có những cá nhân, nhóm nghiên cứu của một trường đại học Nhật Bản đã ăn ở ba năm liên tục tại làng Triều Khúc để tìm hiểu, nghiên cứu. Vị giáo sư người Nhật trong buổi tiệc mừng bố anh bạn tôi lên bát (ông giáo sư người Nhật tặng tôi một đĩa DVD ghi lại hình ảnh mấy năm liền dự hội, giỗ các dòng họ, đám ma, đám cưới của người dân trong làng) đã nói “một giá trị của lễ hội truyền thống của làng Triều Khúc là ở tính tự quản, tinh thần dân chủ trong sáng tạo và hưởng thụ văn hóa”. Tôi trao đổi thêm với ông, Lễ hội truyền thống của Triều Khúc, cũng như ở các địa phương khác ở Việt Nam là do dân và quay trở lại phục vụ nhu cầu đời sống văn hóa, tín ngưỡng của dân. Không có kinh phí của chính quyền, vậy mà nó vẫn tồn tại từ xưa đến nay. Lễ hội không chỉ là dịp bày tỏ đạo lý uống nước nhớ nguồn, nó còn là sợi dây cố kết tình cảm gia đình, dòng họ, làng xóm… Nhưng ba năm do COVID-19, theo quy định chung của chính quyền, làng không mở lễ hội. Trong những ngày đầu Xuân này, tôi cảm thấy thiếu đi một cái gì đó rất khó nói, mất đi một điều gì đó cũng rất khó nói. Và chợt nhận ra tại sao các làng xã Việt Nam xưa kia lại coi trọng lễ hội đến vậy.
Tien Nguyen, Mạnh Đẩu Nguyễn và 248 người khác
98 bình luận
20 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.