Tản mạn chuyện vùng cao

Leave a Comment

 Tản mạn chuyện vùng cao

Tuần áp tết tôi trọ ở một ngôi nhà sàn của người Thái dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn. Trời rét đậm. Đêm càng rét. Gần sáng thức giấc, không thể nào ngủ được tiếp. Bỗng thèm một bếp lửa như năm nào, nhưng ngôi nhà sàn này là homestay. Chắc chắn người ta không đốt củi sưởi.
Nhớ tới ngôi nhà sàn đầu tiên được tá túc trong thời gian huấn luyện đi B (đi Nam chiến đấu trong thời kỳ chống Mỹ). Năm ấy trời cũng rất rét. Mấy anh em đồng đội đắp chung chăn nhưng vẫn giá lạnh không sao ngủ được. Sàn ngôi nhà sàn rải bằng những mảnh vầu chẻ nhỏ trống huếch. Gió bấc thổi thốc từ dưới lên, nằm ngửa, nằm nghiêng đều buốt như có kim châm vào da thịt. Tôi phải ngồi dậy, định tìm kiếm thứ gì đó quấn quanh người.
Anh Luồn, chủ nhà đang ngồi trầm ngâm bên bếp lửa. Tôi đứng dậy, rón rén đến bên cạnh. Anh thầm thì: “Chú không ngủ được à”. Tôi trả lời: “Vâng, rét quá anh”.
Anh chất thêm một khúc củi to vào bếp, bỏ mấy củ sắn lên đống than hồng, giọng nhỏ nhẹ “Ăn cho ấm bụng. Uống chén trà. Chú cứ nằm cạnh bếp lửa may ra ngủ được. Mai còn ra thao trường”.
Từ hôm được phân đến ở nhà anh Luồn, tôi thấy ngày đêm bếp lửa không bao giờ tắt. Nếu không đun nấu, vợ chồng anh thường ủ than dưới lớp tro. Lửa than âm ỉ, chỉ cần thổi nhẹ là lửa bùng lên. Phía trên bếp có một giá gác để lương thực, thực phẩm như ngô, sắn, lúa, thịt, ếch…
Hôm đầu đón nhận bộ đội, anh chị thân tình tiếp khách ở gian bếp, thết đãi xôi nếp cẩm cùng thịt gà nướng cũng ở bên bếp. Có lẽ phong tục của người Mường là như vậy. Ngày lễ tết, anh em họ hàng cùng gia đình quây quần quanh bếp lửa ấm áp ăn uống, chuyện trò… Phong tục này thể hiện truyền thống tương thân tương ái, đoàn kết thân thiện và hiếu khách của người Mường.
Đêm đó, tôi nghe anh kể rất nhiều chuyện về người Mường. Chuyện ngày xửa ngày xưa đến chuyện hiện tại, kể cả chuyện ma xó, chuyện mo chài. Tôi lắng nghe và cứ nhìn lửa cháy bập bùng tới gần sáng.
Hơi lửa ấm nồng nàn. Mùi sắn nướng thơm lừng. Lần đầu tiên trong đời tôi được ăn sắn nướng, cũng giống như lần đầu tiên được ăn xôi nếp cẩm, thịt gà nướng. Thơm ngon, bùi ngậy, lại vừa beo béo vừa pha chút khen khét rất đặc trưng. Những món ăn này như được kết tinh từ sản vật của rừng núi cùng với cái gì đó huyền bí ở trong gian bếp lửa của ngôi nhà sàn. Người ta chỉ có thể cảm nhận, thẩm thấu bằng xúc giác, mùi vị, từ miệng đến cổ, bụng ở cái tuổi đôi mươi, khó mà diễn tả thành lời. Thật tuyệt diệu! Từ nhỏ đến tới gian đó, thậm chí cho đến tận bây giờ, chưa bao giờ tôi có cảm giác ngon miệng đến như vậy.
So với cuộc sống lam lũ, đói nghèo ở quê tôi trong những năm tháng Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại: làng mạc, đồng ruộng bị bom đạn cày xới, mất mùa liên miên; người Mường ở nơi đây có cuộc sống bình yên và sung túc hơn ở quê tôi nhiều.
Chủ nhật nào chúng tôi cũng theo anh chị Luồn lên nương. Anh chị có 3 nương rẫy riêng trồng sắn (những ngày trong tuần anh chị vẫn đi làm ở hợp tác xã). Có nương sắn 3 năm chưa dỡ, anh chị dỡ đem về chỉ để cho lợn, gà ăn. Chúng tôi thường nhổ những khóm sắn khoảng một năm tuổi, chỉ cần nhấc gốc khỏi lớp đất đồi tơi xốp là có hàng chục củ to lông lốc đem về ăn cả tuần. Ngày lễ lạt, chị gọi đàn gà hàng trăm con về ăn thêm ngô, sắn. Anh lấy chiếc nỏ ở góc nhà, đưa cho chúng tôi: “Các chú thích ăn con nào thì bắn con ấy”...
40 năm sau tôi mới có dịp trở về thăm bản Mường. Ngôi nhà sàn của anh chị vẫn như ngày nào, nhưng người xưa thì đã lọm khọm, già nua. Chúng tôi ôm nhau vui mừng khôn xiết. Điều tôi bất ngờ nhất là anh chị có tới 10 người con, 9 trai, một gái.
Cuộc sống của vợ chồng và các con anh gặp nhiều khó khăn. Chín người con trai đã lập gia đình (cháu gái lấy chồng ở thôn bên cạnh) cùng vợ chồng anh chị vẫn chỉ có 3 nương rẫy như hồi chúng tôi ở, cộng thêm dăm sào ruộng trồng lúa nước và một vạt rừng trồng cây công nghiệp. Mang tiếng nơi rừng núi nhưng nhà cửa chia nhau ở san sát như nông thôn dưới xuôi. Không còn những mảnh vườn thoáng đãng cây cối sum suê cùng với đàn đàn gà hàng trăm con lớn nhỏ như thuở nào. Không còn những chuồng lợn chần chẫn hàng chục con như thuở nào. Những khu rừng tre nứa, lim táu ẩm ướt bạt ngàn thuở nào giờ chỉ trồng rặt một loại keo. Dễ dàng nhận thấy cái đại gia đình lớn của anh chị bấy giờ nghèo và phúc tạp hơn thuở trước rất nhiều.
Anh buồn rầu nói với tôi: “Chung quy cũng chỉ vì quá đông con. Trình độ văn hóa không có”. Anh em bộ đội xưa đóng quân tại nhà anh trước và sau lứa chúng tôi về thăm gia đình đã xin cho mấy cháu đi làm bảo vệ, làm phu hồ và việc vặt ở dưới xuôi, nhưng vẫn còn 2 cháu chưa có công ăn việc làm. Các cháu nói với tôi: “Chúng cháu có thể đi làm, làm bất cứ việc gì ở dưới xuôi cũng được”...
Không hiểu sao một tuần lễ ở Mù Cang Chải thỉnh thoảng tôi lại nhớ đến anh chị Luồn; nhớ đến những đêm bên bếp lửa; nhớ đến xôi nếp cẩm, thịt gà nướng; nhớ đến những ngày đi dỡ sắn; nhớ đến cả những chiều trên sườn non đỉnh núi, nước mắt lưng tròng vì nhớ nhà, anh chị thường tâm sự, an ủi, chuyện trò để tôi khuây khỏa. Bây giờ thì anh chị đã đi đến một nơi rất xa rồi.
Các cụ thường nói “Một đêm nằm, một năm ở”. Tôi vẫn cảm thấy mình có lỗi với anh chị vì không giúp được gì cho các cháu. Tôi nhớ mình đã viết mấy dòng thơ tâm sự sau lần đi chơi hồ núi Cốc, Thái Nguyên: “Lên rừng chợt nhớ anh/ Để thẹn lòng nghe chuyện tình núi Cốc/ Mây trắng lững lờ bay núi non đơn độc/ Soi xuống dòng Công nước mắt vẹn thủy chung/ Hồ biếc mênh mông tắm ánh nắng hồng/ Mặt nước dưới cầu xôn xao gọi sóng/ Sương giăng tím đồi sim còn đọng/ Một lá thuyền trôi dòng nước về xuôi/ Bản vắng xa xôi nằm bến chân đồi/ Ngọn khói lam chiều lơ thơ xóm vắng/ Chuyện ngày xưa nghe thanh âm im lặng/ Lời hứa nào theo ngày tháng dần phai/ Chỉ dòng Công trong vẫn tìm bến miệt mài/ Để mãi ngàn năm dệt nên huyền thoại/ Khuất phương trời quê anh xa ngái/ Một chút muộn mằn day dứt với tình ai!”
Tất cả những người con của anh Luồn đã bỏ quê xuống miền xuôi làm thuê. Tôi được biết hầu hết thanh niên, trai tráng ở bản Mường nơi chúng tôi đóng quân đã không thể sống được trên vùng đất mà tổ tiên họ đã bao đời gây dựng. Họ để lại vợ con làm lụng nương rẫy, ly hương đi làm thuê cho người Kinh, những người anh em cùng một cội nguồn. Cuộc sống mà một thời tôi đã từng mơ ước giờ đây đã trở thành chuyện dĩ vãng. Phải chăng đây là quy luật nhất thể hóa nền kinh tế. Quốc gia hóa, toàn cầu hóa thì ra là như vậy?
Mặc dầu trời vẫn còn sớm, tôi mặc áo ấm, xỏ giày đi dạo quanh bản người Thái. Mấy chục nóc nhà sàn xinh xắn nằm thoai thoải, nép mình dưới chân núi bên cạnh con suối, trông xuống một thung lũng, một cánh đồng khá rộng. Những ngôi nhà sàn ở bản này đều từa tựa như những ngôi nhà sàn của người Mường, chỉ khác nó là một homestay. Sàn nhà sàn lát bằng gỗ, tiện nghi sang trọng. Nhà nào nhà nấy đèn hoa nhấp nháy suốt đêm. Thậm chí nhiều nhà có cả vườn tiểu cảnh, ô tô và những chậu lan hàng chục triệu đồng.
Thị trấn Mù Cang Chải và bản Thái này đang thay da đổi thịt nhờ chương trình đầu tư du lịch của Trung ương và tỉnh Yên Bái. Theo quy hoạch đã được các cấp phê duyệt, Mù Cang Chải trong tương lai sẽ trở thành một Sa Pa mới của núi rừng Tây Bắc, một khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, khu du lịch mạo hiểm, khu du lịch trải nghiệm dù lượn, máy bay trực thăng kết nối nhiều khu vực của Tây Bắc. Khu du lịch nguyên sơ này cùng với những con đèo và ruộng bậc thang đẹp nhất Việt Nam, được CNN travel năm 2020 bình chọn là một trong 10 điểm đến hấp dẫn nhất hành tinh.
Tôi tin vào tương lai khu thương mại dịch vụ du lịch, khu nông lâm nghiệp công nghệ cao Mù Cang Chải. Thực tế Mù Cang Chải đã và đang hiện thực một phần giấc mơ cất cánh. Thị trấn và bản người Thái tôi ở sầm uất chẳng kém gì ở các trung tâm thương mại dưới xuôi. Nhưng liệu rằng 91% người dân tộc Mông nghèo khó nơi đây có được hưởng lợi từ chương trình này hay chỉ dành cho người Kinh, người Thái hoặc những người ở những nơi khác đổ về đây giống như ở một số trung tâm du lịch trên đất nước hình chữ S này?
Ra khỏi làng, dọc theo con đường nhựa xuyên qua cánh đồng, hai bên lề đường người ta trồng hàng hoa “ngũ sắc” nở như đơm hoa. Thỉnh thoảng một khóm đào bích, đào phai hoa nở ửng hồng trong sương sớm. Từng đàn cò trắng chấp chới bay về, sà xuống ruộng nước kiếm ăn. Trên không từng đàn chim nhạn xập xòe chao liệng như thoi bay giao hòa giữa trời đất. Tất cả như báo hiệu mùa xuân đã về với vùng sơn cước.
Tôi bắt gặp từng tốp phụ nữ người Mông từ trên núi xuống. Họ tập trung thành từng nhóm nhỏ, già có, trẻ có tản mát khắp cánh đồng. Buổi sớm trời giá buốt nhưng đa số vẫn ăn mặc trang phục áo váy truyền thống dân tộc sặc sỡ, rất đặc trưng bởi những đường nét hoa văn và chất liệu mềm mại bằng vải lanh. Tôi hỏi các bà, các chị sao đi làm sớm vậy. Nhiều người không biết nói tiếng Kinh, chỉ lắc đầu. Tôi hỏi người ít tuổi hơn và được biết mọi người thường đi làm ruộng vào giờ này, dù trời rét hay không. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Thế người Mông có ruộng ở cánh đồng này à”. Họ lắc đầu: “Đi làm thuê cho người Thái”.
Tôi chợt hiểu. Người Thái ở bản này nhà nào cũng có thu nhập từ du lịch. Họ không còn làm ruộng mà thuê người Mông làm, cũng giống như người Mường anh em bộ đội chúng tôi giới thiệu đi làm thuê cho người Kinh ở dưới xuôi. Nói đã diễn ra một quá trình phân tầng dân tộc thì không đúng, vì Đảng và Nhà nước cực kỳ quan tâm tới chính sách dân tộc, sự bình đẳng dân tộc. Nhưng có một thực tế là thanh niên ở cả bản mường chúng tôi ở năm nào phần lớn đều bỏ quê đi làm thuê; gần 4,5% người Kinh ở thị trấn Mù Cang Chải mở cửa hàng, xây khách sạn và gần 5% người Thái ở chân núi xung quanh thị trấn “làm homestay” giàu có, trở thành những ông chủ thuê người Mông làm đủ mọi công việc là một thực tế mà ai cũng nhìn thấy.
Tôi nghĩ chương trình xây dựng Mù Cang Chải trở thành Khu Thương mại dịch vụ Du lịch là công việc các cấp cần phải nhanh chóng hoàn thành. Nhưng nó chẳng có nghĩa gì khi 91% người Mông cùng 13 dân tộc thiểu số khác, chủ nhân của vùng đất này, vùng đất mà tổ tiên họ đã để lại từ bao đời nay lại trở thành nguồn lao động đơn giản, những người đi làm thuê cho những tộc người khác. Phải giải bài toán này như thế nào? Phía trước là cả một chặng đường đầy gian nan và thách thức!
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.