Thăm Trường Đại học Chicago

Leave a Comment
Chúng tôi đến thăm Trường Đại học Chicago (The University of Chicago). Đây là trường đại học nghiên cứu tư thục, một trường phi lợi nhuận (phần lớn các trường tư thục của Mỹ là trường phi lợi nhuận, hội đồng quản trị trường không nhận lương). Trường được Hội Giáo dục Baptist Hoa Kỳ thành lập năm 1890 từ khoản tiền hiến tặng của tỷ phú dầu lửa John D. Rockefeller.
University of Chicago bao gồm Trường Đại học Chicago (College of Chicago) và 6 trường chuyên nghiệp (School) cùng với một trường giáo dục thường xuyên. Trường Đại học Chicago còn có 4 phân khoa sau đại học: Khoa Sinh học, Khoa Vật lý, Khoa Xã hội và Nhân văn. 6 trường chuyên nghiệp là Trường Y khoa (The Pritzker School of Medicine), Trường Kinh doanh (The Booth School of Business), Trường Thần học (The Divinity School), Trường Luật (The Law School), Trường Nghiên cứu Chính sách Công (The Harris School of public Policy Studies) và Trường Quản trị Dịch vụ Xã hội (The School of Social Service Administration). Ngoài ra nhà trường còn điều hành 12 viện nghiên cứu, 6 thư viện lớn, một Trung tâm Y khoa, 113 Trung tâm Nghiên cứu theo dự án và một hệ thống trường thực nghiệm từ mầm non tới THPT (University of Chicago Laboratory Schools).
Năm học 2018, theo thống kê trên trang web University of Chicago, nhà trường có 2.168 giảng viên, 5.134 sinh viên đại học, 9.820 học viên sau đại học. Học phí bình quân một năm trên 41.000 đô. Tiền tài trợ của trường hiện có khoảng 7 tỷ đô la. Nếu so sánh số tiền tài trợ của Đại học Chicago với số tiền tài trợ của Đại học Harvard 40 tỉ đô thì quả là khiêm tốn. Nhưng chỉ với 7 tỷ đô thì cũng đã đủ là niềm mơ ước của hầu hết số các trường tư nổi tiếng trên thế giới.
Với Trường Đại học Chicago, vấn đề quan trọng là phát triển các lĩnh vực học thuật khác nhau chứ không phải là vấn đề tiền. Tiêu chuẩn để được vào nghiên cứu, giảng dạy và học tập tại trường cực kì khắt khe. Chưa đến 10% các ứng viên sáng giá được nhận vào trường. Khẩu hiệu cho mỗi cán bộ giáo viên, nhân viên và sinh viên của Đại học Chicago là “Hãy làm giàu thêm kiến thức và nhờ đó làm phong phú thêm cuộc sống của nhân loại”. Với tinh thần đó, Đại học Chicago đã xây dựng được những thương hiệu nổi tiếng riêng biệt cho mình: Trường phái Kinh tế học Chicago, Trường phái Xã hội học Chicago, Trường phái Phê bình Văn học Chicago, Trường phái Nghiên cứu Tôn giáo Chicago, Trường phái Khoa học Chính trị cùng với Thuyết hành vi và Phong trào Luật, Kinh tế học Phân tích Pháp lý…
Đại học Chicago luôn được xếp là một trong những trường đại học hàng đầu của Mỹ. Năm 2017 trường được một số tổ chức đánh giá các trường đại học quốc tế có uy tín xếp đứng thứ 3 trong top 10. Ngôi trường này đã quy tụ và đào tạo được 89 người từng đạt giải thưởng Nobel (trong số này hiện có 10 giáo sư đang trực tiếp giảng dạy tại trường), 49 học giả Rhodes và 9 người nhận Huy chương Fields cùng hàng trăm những giải thưởng danh giá khác. Giáo sư Ngô Bảo Châu, nhà toán học nổi tiếng người Việt cũng giảng dạy ở trường này. 
Tôi băn khoăn tự hỏi, điều gì khiến nhân tài của cả thế giới đều đổ dồn về Mỹ. Có lẽ không phải là vấn đề tiền bạc. Trung Quốc có 8 bộ óc lỗi lạc nhất được giải thưởng Nobel trong các lĩnh vực khoa học, trước và sau khi nhận giải thưởng cao quý này, họ đều nhập quốc tịch Mỹ. Chắc chắn Trung quốc có thừa tiền để đảm bảo cuộc sống vật chất cho các nhà khoa học và gia đình của họ, nhưng vẫn không giữ chân được những con người xuất chúng ở lại quê hương.
Giáo sư Ngô Bảo Châu, người từng được một trường đại học hàng đầu của Trung Quốc mời về làm việc với mức lương cao hơn ở Mỹ nhưng ông đã khước từ lời mời. Tại sao vậy? Chẳng lẽ vấn đề mấu chốt là nước Mỹ đã tạo ra được một môi trường kinh tế, xã hội, chính trị và học thuật để kích thích các nhà khoa học nghiên cứu, sáng tạo và phát triển. Cũng chính vì thế Giáo sư Đàm Thanh Sơn, giáo sư vật lý nổi tiếng người Việt, người được Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ phong tặng danh hiệu Viện sĩ mới giã từ cương vị giáo sư giảng dạy ở Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva lừng danh mang tên ML. Lomonosov để đến trường đại học Mỹ làm việc.
Nhìn chung, khuôn viên Trường Đại học Chicago cũng giống như khuôn viên các trường đại học khác tôi đến thăm: Đều rất rộng, đều rợp bóng cây xanh, đều thênh thang những thảm cỏ, đều rực rỡ với những vườn hoa và hương thơm ngát, đều tràn ngập không khí thể thao, âm nhạc và học thuật. 
Ngắm nhìn kiến trúc gothic của những tòa nhà từ cuối thế kỉ 19 đầu thế kỷ 20, những tòa nhà hiện đại từ những năm 1930 đến những năm 1980, và những tòa nhà siêu hiện đại từ những năm 1990 trở lại đây, người ta vừa thấy được bề dày lịch sử cũng như vừa thấy được những nét kiến trúc độc đáo, hiện đại, đẹp nhất thuộc thành phố Chicago.
Con gái và bạn của con gái đưa tôi đến trước một tòa nhà, một tòa nhà đồ sộ, nằm trên trục chính của trường Đại học Chicago. Tòa nhà chia làm 3 khối liền nhau, hai khối 4 tầng nằm trải dài hai bên. Ở giữa là khối nhà 5 tầng và trên chính giữa của khối nhà 5 tầng sừng sững một đài tưởng niệm hình khối vươn lên trời cao. Đó là Thư viện Harper, thư viện mang tên người hiệu trưởng đầu tiên định hình con đường đi cho Đại học Chicago, một con người can đảm, đầy nhiệt huyết và có tầm nhìn xa trông rộng. 
Thư viện Harper lưu trữ gần 9 triệu đầu sách, là một trong những thư viện lớn nhất của Mỹ và cũng là một trong số 15 thư viện đẹp nhất thế giới. Thư viện Harper là thư viện trung tâm nằm trong hệ thống 6 thư viện trường trực thuộc và 11 thư viện khoa ở các cơ sở.
Được các kiến trúc sư nổi tiếng của Viện Nghệ thuật Chicago thiết kế, thư viện được lấy cảm hứng từ các thư viện nổi tiếng của châu Âu
và Mỹ theo phong cách gothic thanh lịch. Đặc biệt là những nét chạm khắc tinh xảo của Thư viện Oxford, Cambridge, Harvard, Yale… được các kiến trúc sư đưa vào thi công xây dựng tại thư viện này. 
Trong những năm gần đây có một số thay đổi. Hai triệu bản sách được chuyển tới các thư viện thành viên để lấy không gian cho các lớp học và cho các phòng ban của trường. Hiện tại tầng trên cùng của tòa nhà chuyển thành không gian mở dành cho các nhóm hợp tác và nghiên cứu 24 giờ với cái tên gọi mới là Harper Memorial Library Commons.
Không chỉ là thư viện có số lượng sách khổng lồ với những cuốn sách quý hiếm từ thời con người có chữ viết, từ thời Hy Lạp, La Mã cổ đại cho đến ngày nay mà thư viện còn có kiến trúc độc đáo bên trong khiến chúng tôi hoàn toàn bị mê hoặc. Từ lúc tôi bước vào tòa nhà đến khi lên tầng trên cùng, tất cả hành lang, trần nhà, cửa ra vào đều giống như những tác phẩm nghệ thuật. Vào phòng đọc chính, phòng rộng thênh thang nhưng không gợi cho người ta cái cảm giác chống chếnh vì những tấm thảm màu ghi ấm cúng trải kín khắp căn phòng. Toàn bộ vòm trần phòng đọc làm bằng thủy tinh mờ sáng dìu dịu. Áp sát mái vòm là một mạng lưới giá đỡ bạch kim như những ngôi sao gắn kết nhau. Bên dưới giá đỡ, những hàng đèn chùm màu sang trọng tỏa sáng kỳ ảo.
Dọc theo phòng đọc, hai dãy khung cửa sổ gỗ cuốn vòm màu cánh kiến. Bên trong khung cửa sổ trang trí những tấm kính màu in hình những bức tranh nghệ thuật tinh xảo. Trung tâm của căn phòng có đến hàng trăm bộ bàn ghế sang trọng bằng gỗ dành cho người đọc. Trên mỗi chiếc bàn đọc, người ta đặt một chiếc đèn chụp pha lê có núm điều chỉnh độ sáng.
Tôi thử ngồi lên một chiếc ghế. Thật thoải mái. Chỉ còn thiếu một cuốn sách là tôi trở thành một bộ phận trong số hàng trăm sinh viên đang ngồi trong căn phòng tráng lệ và sang trọng này. Tôi thầm hy vọng một trong những đứa cháu tôi sau này sẽ được nhận vào ngôi trường danh giá này.
Tôi và Vân đi vào tham quan hai khu giảng đường bên phải và bên trái tòa hành chính và thư viện. Qua các khung cửa sổ, tôi nhận thấy số sinh viên đại học, sau đại học rất ít. Sinh viên đại học chỉ khoảng 20 người, còn sinh viên sau đại học chỉ có khoảng 10 người.
Tôi đẩy cửa vào một giảng đường lớn còn trống. Đèn tự động bật sáng. Những bộ bàn ghế màu xếp theo hình cánh cung bóng sáng. Trên mặt bàn đều có ổ cắm điện cho sinh viên sử dụng máy tính. Tôi ngồi xuống nhìn lên phía trước. Chính giữa là chiếc bảng tương tác. Hai bên là hệ thống bảng đen. Gọi là hệ thống bảng đen vì mỗi hệ thống bảng có tới 5 bảng xếp bên trong. Vân đẩy kéo từng chiếc một cho tôi xem… Phải nói cơ sở vật chất, tiện nghi, tỷ lệ giảng viên trên số lượng sinh viên đều chất hơn so với những trường đại học công ở Mỹ tôi từng đến tham quan như Đại học Missouri, Đại học Colorado, Đại học Kansas, mặc dù các trường công trên đều có những giáo sư đoạt giải thưởng Nobel.
Cả ngày bạn Vân dẫn chúng tôi đi thăm các trường thành viên và các khoa trực thuộc. Bạn Vân có chồng đang học sau tiến sĩ khoa y sinh tại Đại học Chicago nên chị rất am hiểu về nhà trường. Chị giới thiệu cho tôi hoàn cảnh ra đời cũng như những nét kiến trúc độc đáo, hiện đại của từng building. Từ sáng đến tối chúng tôi cứ mải mê thăm thú từng ngôi trường thành viên.
Thấy tôi quan tâm đến hệ thống thư viện, chị “hướng dẫn viên” gợi ý nhỏ nhẹ: “Ông có muốn đến Thư viện Joseph Regenstein không? Đó mới là thư viện hiện đại nhất của Đại học Chicago. Ngày mai cháu bận. Ông và Vân cứ đi”. Không đến thăm Thư viện Regenstein thì thật uổng. Vả lại tôi cũng chưa hoàn thành công việc mà tổ truyền hình nhờ tìm một số cuốn sách có liên quan đến Thung lũng A Sầu. Vì vậy chúng tôi quyết tâm sáng hôm sau đến thư viện này. 
Một trường đại học mà có tới 17 thư viện lớn nhỏ. Chỉ điều đó thôi cũng đã thể hiện được lí tưởng cao đẹp của trường đại học danh tiếng này. Tôi còn được biết hệ thống thư viện không chỉ phục vụ cán bộ giáo viên, sinh viên của nhà trường mà còn phục vụ bất kì người dân nào trong thành phố. Ai cũng có quyền tới thư viện đọc và mượn sách. 
Tôi là người Việt. vậy mà ở Mỹ tôi có thể vào bất cứ thư viện công, tư nào nếu tôi muốn. Vào thư viện Trường Đại học Chicago, tôi chỉ cần đưa cuốn hộ chiếu tại phòng văn thư, chưa đầy một phút người ta cấp cho tôi một chiếc thẻ để ra vào tự do. 
Trong cái thư viện bảy tầng đồ sộ, có cả những trang sách cổ chưa giải mã được, sách tiếng La Tinh, sách ngôn ngữ châu u, tiếng Trung, chúng tôi hoàn toàn hoang mang không biết phải bắt đầu từ đâu. Vân đến bên chiếc bàn dành cho nhân viên văn phòng. Một nam nhân viên đã luống tuổi hướng dẫn cách tra cứu trên máy tính. Dường như sợ người đọc mới đến chưa quen nên ông ta tận tình ghi ra số hiệu giá sách có những cuốn sách chúng tôi cần. 
Không biết ngẫu nhiên hay có một quy ước thống nhất, cả ba thư viện trường đại học mà tôi đến thăm, giá sách đề tài viết về chiến tranh Việt Nam đều có ký hiệu DS. Hàng ngàn cuốn sách viết về chiến tranh Việt Nam. Tôi xin mượn lời của một giáo sư người Trung Quốc: “thứ gì không có ở Trung Quốc thì cứ đến Mỹ mà tìm”. Nếu thay từ Trung Quốc bằng từ Việt Nam có lẽ câu nói trên vẫn đúng với tôi. Theo thống kê trên máy tính, có khoảng 4.500 cuốn sách người Mỹ viết về chiến tranh Việt Nam. Một con số thật khó mà tin được.
Cả buổi sáng chúng tôi khám phá 7 tầng của tòa nhà thư viện. Nhiều kho sách đầy ắp những giá sách. Lần đầu tiên tôi nhận thấy hệ thống giá sách được thiết kế nằm trên đường ray. Người ta phải đẩy giá sách trượt trên dường ray để tạo khoảng trống tìm sách. Đặc biệt có một tòa nhà vòm kính đặc biệt ở tầng 2, tòa nhà này hoàn toàn lấy ánh sáng ngoài trời dành cho sinh viên đọc và giải trí. Thật ngỡ ngàng trước một kiến trúc độc đáo có một không hai...
Theo yêu cầu của chúng tôi, có một nhân viên hướng dẫn đưa đi thăm Hệ thống trường giáo dục thực nghiệm. Tôi không biết mục đích chiến lược của mô hình hệ thống trường thực nghiệm ở trường đại học Chicago là gì. Nó là hệ thống trường dành cho các nhà khoa học sư phạm, các giáo viên sư phạm của trường đại học nghiên cứu, thể nghiệm những ý tưởng liên quan đến quá trình phát triển nhận thức, phát triển tâm sinh lí trong khoa học giảng dạy và rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp cho giáo sinh hay là một trường thực nghiệm theo đuổi một triết lý giáo dục, một nguyên lí giáo dục, một phương thức giáo dục nào đó.
Trường thực nghiệm của Trường Đại học Chicago được John Dewey, một nhà triết học, một nhà tâm lý học, một nhà giáo dục và cải cách giáo dục thành lập năm 1896. Trải qua hơn một thế kỷ phát triển, hệ thống các trường trở thành một cơ sở giáo dục tốt nhất ở Chicago. Nhà trường đã cung cấp nhiều học sinh ưu tú theo học ở Trường Đại học Chicago và cung cấp nhiều học sinh ưu tú theo học ở các trường đại học hàng đầu của Mỹ cũng như hàng đầu của thế giới. Năm học 2015-2017 có 1850 học sinh, phần lớn là con em cán bộ giáo viên, nhân viên của trường Đại học Chicago. Ngoài ra nó còn thu hút một số học sinh xuất sắc từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới theo học tại đây.
Qua tìm hiểu tôi thấy mô hình hệ thống trường thực nghiệm của Đại học Chicago hoàn toàn không giống như tôi nghĩ. Nó cũng không giống với các mô hình trường quốc tế ở Việt Nam. Mục tiêu ban đầu của hệ thống trường thực nghiệm là xây dựng các nhà trường thành môi trường mà các giáo viên và học sinh cùng nhau học tập. Học sinh học tập và trải nghiệm thông qua việc vừa học vừa làm, vừa học vừa chơi. Nhà trường hoàn toàn tôn trọng tính độc lập và tinh thần dân chủ của cả thầy lẫn trò. Triết lý của nhà trường là tự do và dân chủ.
Theo thời gian những mục tiêu trên được bổ sung và phát triển thêm những nguyên lý như phát huy tính tích cực chủ động; phát triển tư duy tích cực. Ngày nay, ngoài những giá trị trên, các nhà trường trong hệ thống còn tiếp tục cam kết tăng cường Chương trình giáo dục tiên tiến (Chương trình giáo dục tiên tiến cho từng khối lớp được phát tới từng phụ huynh, được cụ thể hóa trong từng học kỳ, từng tháng và công khai đăng tải trên trang mạng của nhà trường) để giúp học sinh phát triển tư duy phản biện, phê phán và khả năng hợp tác, sáng tạo cũng như xây dựng ý thức học tập suốt đời. Mô hình này cũng na ná như mô hình các trường tư của Mỹ mà tôi đã đi thăm. 
Tôi có cảm nhận hình như trường tư Mỹ tiên tiến và có sức sống hơn các trường công. Ở Missouri, ở Colorado, ở Chicago và ở cả thủ đô Washington DC, tôi thấy nhiều người Mỹ phàn nàn về chất lượng của các trường công. Ngay cả trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhìn chung dư luận cho rằng các trường công của họ đang có vấn đề. Cho nên đa số tầng lớp trí thức và những gia đình trung lưu đều cho con đi học trường tư ngay từ mầm non. 
Cho dù trường công của Mỹ có trì trệ đi chăng nữa thì tôi vẫn thấy, những điều mà cải cách giáo dục Việt Nam sắp làm là chuyển từ nền giáo dục từ trang bị kiến thức cho học sinh để đi thi sang nền giáo dục phát triển năng lực, kỹ năng cần thiết cho học sinh, thì người Mỹ họ đã làm cách đây hàng thế kỉ rồi. Trong khi chúng ta vẫn đang loay hoay cấu trúc lại các cấp học, đang tranh luận chương trình và sách giáo khoa, tức là bàn cãi xem học cái gì và dạy cái gì, thì người Mỹ chỉ tranh luận với nhau học để làm gì và phải học như thế nào. Điều đó có nghĩa là chúng ta mới tư duy giáo dục ở thời kì Văn minh Nông nghiệp và tiền Công nghiệp (nền văn minh đẻ ra nền giáo dục sử dụng bút lông, bút máy/bút bi). Còn người Mỹ đang ở một nền giáo dục của nền văn minh tri thức, của nền văn minh 3.0 và 4.0 (nền văn minh đẻ ra nền giáo dục sử dụng máy tính, dựa trên cuộc cách mạng số, Internet vạn vật).
Hệ thống trường thực nghiệm Chicago bao gồm 5 trường: Trường mầm non, Trường tiểu học từ lớp 1 đến lớp 2, Trường tiểu học từ lớp 3 đến lớp 5, Trường THCS từ lớp 6 đến lớp 8, Trường THPT từ lớp 9 đến lớp 12. Trường có chương trình riêng cho từng cấp học và từng môn học; có sách giáo khoa của trường riêng cho từng cấp học và từng môn học; có mạng riêng cho từng cấp học và từng môn học. Học sinh của trường có ưu thế là được sử dụng tất cả các nguồn lực của trường Đại học Chicago từ thư viện, phòng thí nghiệm đến việc tiếp xúc, giao lưu, học tập, thậm chí được cùng làm việc với các sinh viên xuất sắc và các nhà khoa học hàng đầu thế giới.
Người giới thiệu dẫn tôi đến thăm tòa nhà Blaine Hall, tòa nhà dành cho các cháu học mầm non. Tòa nhà này xây năm 1903, mang phong cách kiến trúc cổ điển. Bên ngoài tòa nhà có rất nhiều bụi dây leo phủ kín từ chân tường lên đến tầng ba và lên đến tận mái nhà. Nó gợi cho người tham quan cái cảm giác rêu phong và trường tồn theo thời gian của ngôi trường.
Các phòng học đều trải thảm, đồ chơi xếp đầy trên các giá gỗ, có các góc học tập theo chủ đề. Mỗi lớp khoảng 15 đến 20 học sinh, một cô giáo chủ nhiệm và hai cô giáo phụ. Theo lời người giới thiệu và cô trợ lý giám đốc điều hành, các cháu mầm non của trường được học cách chơi với đồ chơi và chơi để tìm hiểu, khám phá. Các giáo viên tạo điều kiện cho các cháu chủ động làm quen với các bạn, phát triển ngôn ngữ, năng lực tư duy và phát triển nhận thức xã hội. Ngoài ra các cháu còn được học và thực hành cách chia sẻ những ý tưởng, biết lắng nghe người khác, biết làm thành viên của một nhóm. Giáo viên trú trọng đến các hoạt động hỗ trợ các cháu nhận biết toán học, nhận biết chữ viết và làm quen với môi trường xung quanh… 
Tiếp theo tôi đến tòa nhà Belfield Towers và tòa nhà Judd Hall. Hai tòa nhà này dành cho học sinh tiểu học. Kiến trúc của chúng cũng giống như tòa nhà Blaine Hall. Trong phòng học, các thiết bị dạy, học và bàn ghế cũng giống như các trường phổ thông khác của Mỹ mà tôi đã có dịp đến thăm. Mỗi lớp học cũng vẫn chỉ khoảng 20 học sinh, một giáo viên chủ nhiệm và một số giáo viên chuyên biệt. Cô giáo trợ lý giám đốc điều hành cho tôi biết, học sinh tiểu học được cung cấp kiến thức cốt lõi về nghệ thuật ngôn ngữ, toán học, khoa học tự nhiên và xã hội. Ngoài ra học sinh còn được học âm nhạc, nghệ thuật, thể dục, máy tính, ngoại ngữ theo phương châm nhà trường phải giúp đỡ học sinh khả năng sáng tạo, tinh thần hợp tác; giúp học sinh học cách suy nghĩ; khuyến khích trí tưởng tượng, sự tò mò khoa học và ý kiến cá nhân; tìm hiểu vấn đề qua hoạt động học và thực hành. 
Tòa nhà Trường THCS & Trường THPT cùng với các phòng chức năng được xây dựng từ cuối những thập kỉ trước, rất hiện đại nhưng vẫn hài hòa trong khung cảnh chung. Học sinh hai cấp này bắt buộc phải học các môn nghệ thuật ngôn ngữ, toán học, khoa học, khoa học xã hội và nhân văn, thể dục, âm nhạc, nghệ thuật và một số môn tự chọn giống như các trường công mà tôi đã được đến thăm. Chỉ có điểm khác là ở Trường THCS thực nghiệm, vì tính phức tạp tâm sinh lí độ tuổi, nhà trường quy định mỗi học sinh phải có một giáo viên phụ trách hay một cố vấn thường xuyên nói chuyện về tất cả các vấn đề mà không được phép phê phán học sinh. Có nghĩa là học sinh có quyền tự do trong tất cả các vấn đề trừ việc vi phạm những điều pháp luật Hoa Kỳ cấm.
Ở cấp THPT, chương trình có một số môn bắt buộc và tự chọn mang tính nâng cao, mang tính thử thách hơn khung chương trình chung quy định. Mục đích cũng chỉ để phát huy tính độc lập và sáng tạo của học sinh để học sinh biết trình bày, phân tích kiến thức trong sách vở và những vấn đề trong thực tế cuộc sống với tinh thần tự tin; đồng thời hoàn thiện một số kĩ năng để học sinh bước vào cuộc sống sinh viên.
Khi ra về, tôi được cô trợ lý giám đốc điều hành tặng một quyển sách giới thiệu tổng quan về hệ thống các trường thực nghiệm. Tôi nhận ra rằng có 4 cụm từ mà trường thực nghiệm Chicago thường xuyên nhắc đến. Bồn cụm từ đó là: Tính độc lập, tư duy phản biện, sự hợp tác và tinh thần sáng tạo. Họ ít nói về mục tiêu. Họ ít nói về nguyên tắc. Họ không nói về kế hoạch, về chỉ tiêu, về biện pháp, về việc phấn đấu, về việc thi cử. Họ rất ít đề cập đến thành tích của nhà trường. Có chăng nói đến thành tích thì đó là thành tích trong lĩnh vực thể thao và âm nhạc.
Không biết có nên kết luận giáo dục phổ thông Mỹ, giáo dục đại học Mỹ là nền giáo dục tiên tiến hàng đầu thế giới không, nhưng có điều chắc chắn rằng chính nền giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học đã góp phần không nhỏ để nước Mỹ trở thành một siêu cường trong gần 100 năm ở thế kỷ 20 và có lẽ nó còn góp phần không nhỏ để nước Mỹ có thể giữ được vị thế siêu cường số 1 trong suốt thế kỷ 21. Bởi một lẽ đơn giản, học sinh của họ là những con người có tính độc lập; có tư duy tích cực và phản biện; có tinh thần hợp tác; có sự sáng tạo. Đó là những phẩm chất đảm bảo cho đội ngũ nhân lực của họ đủ sức cạnh tranh và thành công trong nền kinh tế tri thức, nền kinh tế khởi nguồn từ chính nước Mỹ.
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.