Sangri-la 16

Leave a Comment
Shangri-la 16
Đối thoại Shangri-la 16 đã thu hút sự tham dự của gần 50 bộ trưởng và quan chức cao cấp quốc phòng, an ninh của các quốc gia trên thế giới. Đúng như dự đoán của nhiều nhà phân tích, đối thoại Shangri-la năm 2017 tập trung thảo luận các chủ đề: Mỹ và an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương; duy trì trật tự trong khu vực dựa trên các nguyên tắc; thách thức mới đối với quản lý khủng hoảng ở châu Á-Thái Bình Dương; thay đổi địa chính trị và chính sách quốc phòng; xây dựng nền tảng chung về an ninh khu vực cũng như các mối đe dọa toàn cầu.
Một trong những trọng tâm được đưa ra thảo luận là làm sao duy trì được trật tự dựa trên việc tuân thủ luật pháp quốc tế, trật tự phải bảo vệ có hiệu quả những lợi ích của tất cả các nước trong khu vực.
Tình hình khu vực
Nếu như Biển Đông và vụ Philippines kiện Trung Quốc đã chi phối Đối thoại Shangri-la năm 2016 thì lần này vấn đề Biển Đông vẫn tiếp tục là chủ đề cấp bách ngoài những vấn đề nằm trong chương trình nghị sự, cho dù những căng thẳng có phần lắng dịu. Việc các nước ASEAN và Trung Quốc gần đây đạt được sự nhất trí nội dung dự thảo Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) được xem là một tín hiệu tích cực, mở đầu cho quá trình đàm phán để xây dựng văn kiện COC thực chất, có tính ràng buộc nhằm ngăn chặn xung đột trong khu vực.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc tiến hành tôn tạo và xây dựng phi pháp các đảo nhân tạo trên các bãi đá và rạn san hô đã phủ bóng mây đen lên khu vực, khiến nhiều chuyên gia nghi ngờ về khả năng ASEAN và Trung Quốc sớm đạt được thỏa thuận mà hai bên có thể chấp nhận được. Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh đã kêu gọi Trung Quốc và ASEAN nhanh chóng bắt đầu thảo luận các yếu tố cụ thể của Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Dẫu sao thì quá trình đàm phán vẫn là bước hết sức cần thiết cho việc xây dựng lòng tin nhằm tránh những sự cố có thể dẫn đến sự xung đột trong tương lai.
Cùng với vấn đề Biển Đông, tình hình bán đảo Triều Tiên cũng thu hút sự quan tâm của Diễn đàn đối thoại. Bình Nhưỡng liên tiếp tiến hành thử tên lửa đạn đạo và có khả năng còn thử cả hạt nhân lần thứ 6 đang đặt ra những thách thức cho an ninh khu vực. Làm sao có thể giải quyết căng thẳng có thể dẫn tới chiến tranh trên bán đảo là một bài toán cực kỳ nan giải.
Một vấn đề gây căng thẳng ở khu vực Đông Bắc Á là việc Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) để phòng chống tên lửa của Bắc Triều Tiên. Phía Trung Quốc cho rằng hệ thống ra đa của THAAD không loại trừ hoạt động do thám, nhất là các hoạt động tên lửa của Trung Quốc. Bắc Kinh đã có động thái thử tên lửa đáp trả hành động của Mỹ, tạo thêm căng thẳng trong khu vực.
Cuối cùng là nguy cơ khủng bố đáng báo động tại khu vực Đông Nam Á. Một loạt vụ đánh bom liều chết ở Indonesia, vụ một thành phố miền Nam Philippines bị chiếm đánh có liên quan tới hoạt động tấn công của một nhóm phiến quân ủng hộ tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS đang làm giấy lên những nỗi lo ngại khu vực Đông Nam Á có thể trở thành một địa bàn của IS, gây bất ổn trong khu vực. Các nước trong khu vực sẽ phải phối hợp với nhau như thế nào trước một thách thức vừa cũ vừa mới này.
Tuyên bố của Bộ Trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis
Tại diễn đàn năm nay, mọi quan tâm đổ dồn vào tuyên bố thể hiện quan điểm, lập trường và chính sách của Mỹ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng, bởi đây là Đối thoại Shangri-la đầu tiên kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền.
Nhiều nhà quan sát quốc tế kỳ vọng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis sẽ tiếp tục chiến dịch tự do hàng hải trên Biển Đông và hối thúc Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế. Nhiều người cũng hy vọng Mỹ có những biện pháp cụ thể, tiếp tục tuần tra, tập trận trên vùng biển quốc tế tại Biển Đông như Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, người tiền nhiệm của ông Mattis đã từng làm.
Trong bài phát biểu với chủ đề “Mỹ và an ninh châu Á-Thái Bình Dương ngày 3 tháng 6 Bộ trưởng Mattis đã cảnh báo Trung Quốc không được quân sự hóa hoạt động trên các đảo tranh chấp tại Biển Đông: “Chúng tôi phản đối tất cả các nước quân sự hóa các đảo nhân tạo và yêu sách chủ quyền hàng hải quá đáng, không tuân thủ pháp luật quốc tế. Chúng tôi không thể và sẽ không chấp nhận bất cứ hành động đơn phương và cưỡng bức nhằm thay đổi hiện trạng trên Biển Đông”. Bộ trưởng Mattis cũng đã chỉ trích các hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, đồng thời nhấn mạnh: “Mỹ không thể và sẽ không chấp nhận những thay đổi mang tính đơn phương và ép buộc đối với nguyên trạng làm ảnh hưởng tới lợi ích của cộng đồng quốc tế cũng như phá vỡ trật tự dựa trên luật lệ”. Người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp tục bay, giong buồm và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”.
Với những phát biểu như vậy, giới phân tích cho rằng Chính quyền mới của Mỹ đã phát đi một thông điệp rất rõ với Trung Quốc và Mỹ vẫn tiếp tục theo đuổi các chính sách ở châu Á, khu vực mà Mỹ sẽ ưu tiên và nỗ lực trong chiến lược xây dựng quan hệ với các đồng minh. Mặc dù ông Mattis không đề cập đến việc xây dựng mạng lưới an ninh tập thể của người tiền nhiệm, nhưng trên thực tế, giới quân sự Mỹ vẫn đang củng cố, triển khai mạng lưới theo tinh thần đã định để đối phó với những hành động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc.
Tại Shangri-la 2016, để đối phó với căng thẳng tại Biển Đông, người tiền nhiệm của Mattis là Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter thời Tổng thống Obama đã đưa ra nhiều biện pháp để giải quyết những thách thức ở Biển Đông. Ông tuyên bố xây dựng mạng lưới an ninh tập thể mới (Collective security network) dựa trên các nguyên tắc cốt lõi mà Mỹ tin rằng có thể đoàn kết các nước trong khu vực. Các nguyên tắc đó là chủ quyền, quyền tự quyết, giải quyết hòa bình các tranh chấp, tự do hàng hải, hàng không (Xin xem bài Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á năm 2016 của tôi cũng trong blog này)…
Thực tế mạng lưới an ninh đã mở ra triển vọng các quốc gia phối hợp cùng nhau để đối phó với các thách thức truyền thống và phi truyền thống, trong đó có Sáng kiến An ninh Hàng hải Đông Nam Á. Ngày 2/10 tại Hội nghị không chính thức Mỹ -ASEAN, ông Carter cho biết sẽ tổ chức các sự kiện Mỹ-ASEAN trong khu vực, bao gồm cả đối thoại hàng hải và tập trận nâng cao nhận thức hàng hải. Mỹ sẽ duy trì mạng lưới an ninh qua việc giữ gìn môi trường ổn định ở châu Á-Thái Bình Dương bằng sức mạnh vượt trội và thông qua hợp tác với các đồng minh truyền thống, thông qua các đối tác trong khu vực.
Nhiều dấu hiệu cho thấy về mặt chính trị và quân sự, Chính quyền Trump đã và sẽ tiếp tục những bước đi dưới thời Tổng thống Obama trong cả thực tiễn lẫn chiến lược. Bộ trưởng Mattis đã nêu một chiến lược 3 điểm của Chính quyền Donald Trump sẽ áp dụng ở khu vực này. Thứ nhất ông Mattis nhấn mạnh nỗ lực hàng đầu của Mỹ là tăng cường quan hệ liên minh với Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Philippines và Thái Lan. Thứ hai Mỹ có kế hoạch tăng cường sức mạnh cho các quốc gia khác ở châu Á để các nước này có thể đóng vai trò lớn hơn trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh của mình. Bộ trưởng Mattis coi Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam, Singapore và Đài Loan là các đối tác quân sự quan trọng. Thứ ba, Bộ trưởng Mattis đề ra các kế hoạch nhằm thúc đẩy các năng lực quân sự của Mỹ ở châu Á, coi sức mạnh quân sự là nền tảng cho ngoại giao. Ông cho biết 60% phương tiện trên không của Mỹ ở nước ngoài sẽ sớm được phân bố tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Quan điểm của một số nước
Trong bài phát biểu đề dẫn của mình, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã mạnh mẽ cảnh báo những hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông gần đây. “Một Trung Quốc với cách hành xử cưỡng ép sẽ nhận thấy các quốc gia láng giềng đang phẫn nộ trước những yêu cầu nhằm buộc họ phải nhượng bộ quyền tự quyết và không gian chiến lược”. Trung Quốc “sẽ chẳng nhận được gì” nếu sử dụng vũ lực ở Biển Đông. Theo Thủ tướng Malcohm Turnbull, trong trường hợp phải đối đầu với “một Trung Quốc áp bức”, các nước láng giềng “sẽ tìm cách tạo đối trọng trước sức mạnh của Trung Quốc bằng cách tăng cường liên minh và quan hệ đối tác với nhau và đặc biệt là với Hoa Kỳ”. Thậm chí ông kêu gọi các quốc gia châu Á hỗ trợ vai trò lãnh đạo của Mỹ ở khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada cho rằng luật pháp quốc tế có thể thay đổi dựa trên tình hình thực tế, nhưng không thể phá bỏ hiện thực, và việc làm xáo trộn trật tự quốc tế là một việc làm “thiếu sáng suốt”. Bà Bộ trưởng tuyên bố Nhật Bản cam kết giúp xây dựng sự tự tin và năng lực với các đối tác ASEAN để đảm bảo an ninh khu vực “ngay cả khi sự khiêu khích” của Trung Quốc ở trên Biển Đông và Hoa Đông ngày càng gia tăng. Bà nói với các nhà lãnh đạo an ninh và quốc phòng trong khu vực: “Bây giờ là thời điểm để bảo vệ trật tự dựa trên luật pháp” trước những nỗ lực “không có kiểm soát và đơn phương của Trung Quốc để thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Hoa Đông”.
Phát biểu tại Đối thoại Shangri-la 16, Thứ trưởng Bộ Công An Việt Nam Bùi Văn Nam nhấn mạnh một trong những biện pháp ngăn ngừa xung đột giữa ASEAN và Trung Quốc thì hai bên cần triển khai việc áp dụng Bộ quy tắc tránh va chạm bất ngờ trên Biển Đông cũng như vận hành đường dây nóng ngoại giao giải quyết sự cố trên biển một cách thực chất và hiệu quả. Thứ trưởng Bùi Văn Nam nhấn mạnh một nước không được viện lý do áp dụng nội luật để né tránh khắc phục sự cố xảy ra trên biển khi được yêu cầu qua đường dây nóng. Thêm vào đó Bộ quy tắc tránh va chạm trên Biển Đông cần được áp dụng cho tất cả tàu thuyền của chính phủ hoạt động ở Biển Đông. Ngoài ra ASEAN và Trung Quốc cần sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) mang tính ràng buộc, toàn diện, thực chất và trở thành công cụ hữu hiệu giúp ngăn ngừa xung đột, duy trì hòa bình ổn định an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên nguyên tắc COC phải là công cụ giải thích và giải quyết tranh chấp. Ông Nam nêu quan điểm “Việt Nam ủng hộ bất kỳ sáng kiến, cơ chế hợp tác nào có lợi cho việc duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển trên cơ sở luật pháp quốc tế”.
Về phía Trung Quốc, năm 2011 Bộ trưởng Quốc Phòng Trương Quang Liệt tham dự Shangri-la, nhưng ngay sau năm đó họ bắt đầu hạ thấp dần cấp bậc trường đoàn tham dự Shangri-la, và đến năm nay họ cử một trưởng đoàn đại diện cấp bậc thấp đến khác thường, Trung tướng Hà Lôi- Viện phó Viện Khoa học Quân sự.
Đa số các nhà phân tích cho rằng vì Trung Quốc không muốn thảo luận về các tranh chấp trên Biển Đông tại các hội nghị đa phương. Trung Quốc chỉ muốn thương lượng song phương về Biển Đông. Người ta còn cho rằng nếu phải cử cấp cao nhất, có lẽ Trung Quốc xấu mặt không có đường lùi giống như trường hợp của Bộ Trưởng Trương Quang Liệt, bị hỏi dồn những câu hỏi không thích trả lời, luôn phải né tránh, xoa dịu những vẫn đề gây tranh cãi. Thậm chí phải rời sân khấu mà không đáp lời khán giả.
Nhiều chủ đề Shangri-la năm nay đề cập đến những vấn đề khiến Bắc Kinh khó chịu nên họ cử một phái đoàn toàn những người không có vai trò gì trong việc ra quyết sách. Rõ ràng Bắc Kinh đã thể hiện thái độ như muốn bảo “Chúng bay cứ bàn, tao không quan tâm, việc tao tao cứ làm”. Bước đi trên thể hiện thái độ né tránh, thiếu bản lĩnh, không dám đối mặt với sự thật. Người ta cho rằng còn lâu Bắc Kinh mới là một thủ lĩnh trong khu vực, vậy mà lại đi ôm cái “giấc mộng Trung Hoa” làm siêu cường.
Kết luận
Shangri-la 16 đã khép lại. Riêng về vấn đề Biển Đông, ngoài bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, cộng đồng quốc tế cũng như trong khu vực đều rất quan tâm tới thông điệp của Thủ tướng Australia trong bài phát biểu khai mạc. Thứ nhất nó toát lên tinh thần tôn trọng chủ quyền các quốc gia. Các nước lớn nhỏ phải hành xử thượng tôn pháp luật trong tất cả các vấn đề quốc tế. Tiếp đến nó cũng thừa nhận vai trò của Mỹ trong các vấn đề an ninh khu vực, đồng thời thừa nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc tại khu vực đã đem lại lợi ích chung cho các quốc gia vừa và nhỏ cùng phát triển.
Với Việt Nam, Shangri-la chắc chắn gợi mở ra nhiều vấn đề cho các nhà hoạch định chính sách nhằm ứng phó với tình hình trong khu vực đầy biến động và phức tạp.

                                                                           Ngày 10/6/2017
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.