Về chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Mỹ

Leave a Comment
Trả lời phỏng vấn về mục đích chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang Mỹ, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh có nói, chuyến đi là dịp để lãnh đạo hai nước thảo luận và đề ra các biện pháp nhằm tiếp tục thúc đẩy đà phát triển mạnh mẽ quan hệ hai nước trong hơn hai mươi năm qua, cũng như thúc đẩy sự phát triển quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam Hoa Kỳ trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, an ninh quốc phòng, giáo dục… Những thông tin đó hoàn toàn chính xác nhưng đó là thứ ngôn ngữ ngoại giao, có thể áp dụng với bất cứ chuyến thăm bình thường nào của các nguyên thủ quốc gia với bất kỳ các nước đối tác nào.
Trong mấy năm gần đây, lãnh đạo cấp cao hai nước, gần như năm nào cũng có các cuộc viếng thăm lẫn nhau nhằm thúc đẩy hợp tác toàn diện quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, không chỉ ở kênh song phương mà còn cả ở kênh đa phương. (Tôi có viết một số bài dựa trên những tài liệu đa chiều đề cập đến mối quan hệ Việt-Mỹ, bài gần đây nhất là bài Về chuyến thăm của Tống thống Barack Obama tới Việt Nam cũng trong blog này). Chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần này cũng nằm chung trong cái mạch trước đó, vì suy cho cùng thì Thủ tướng đang triển khai đường lối đối ngoại của Đảng: Đa dạng hóa, đa phương hóa với phương châm Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước. Điều này được thể hiện rất rõ trong tuyên bố chung về tăng cường Đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Điều đặc biệt Thủ tướng là nguyên thủ quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á đến thăm Mỹ trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền, nước Mỹ đang có nhiều thay đổi trong quá trình định hình chính sách đối nội cũng như đối ngoại. Việt Nam lại bị liệt vào trong những nước làm thâm hụt cán cân thương mại Mỹ, góp phần “cướp đi công ăn việc làm của người Mỹ”. Năm 2016 kim ngạch thương mại Việt-Mỹ là 53 tỷ đô la, trong đó Việt Nam tiếp tục xuất siêu 30,9 tỷ đô la.
Trước chuyến thăm, so với người tiền nhiệm, Tổng thống Trump có vẻ kiềm chế trong vấn đề về Biển Đông. Rốt cuộc thì chính quyền mới của Mỹ đối với Biển Đông như thế nào? Có còn quan tâm đến Biển Đông nữa hay không? Chính sách của Mỹ đối với Đông Nam Á nói chung như thế nào và nói riêng với Việt Nam ra sao? Chắc chắn Việt Nam rất cần một câu trả lời rõ ràng. Cho nên chuyến đi có thể nói vừa mang tính chất thăm dò, vừa để giải thích và giải quyết chuyện thâm hụt thương mại (Câu chuyện cán cân thương mại Việt-Mỹ nhìn từ góc độ đôi giày Nike), vừa để thúc đẩy xây dựng lòng tin giữa hai bên. Nó góp phần làm hai bên hiểu nhau hơn, đặc biệt làm cho chính giới Mỹ, học giả, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân Mỹ hiểu hơn về Việt Nam, nhất là khi một số nước Đông Nam Á có xu hướng ngả về phía Trung Quốc. Vì vậy, chuyến đi sẽ góp phần định rõ hơn những quyết sách và định hướng phát triển quan hệ Việt-Mỹ trong ít nhất bốn năm tới; làm rõ hơn những động cơ thúc đẩy quan hệ giữa hai nước theo khuôn khổ mà hai bên đã định hình trước đó.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc trao đổi ở Nhà Trắng. Theo nhận xét chung của các chuyên gia quốc tế, qua cuộc hội đàm, ông Trump tỏ ra vẫn quan tâm đến sự can dự của Mỹ ở châu Á, đặc biệt là ở Biển Đông, điều mà dư luận vẫn còn băn khoăn cách đây khoảng vài tháng.
Vấn đề Biển Đông
Theo tuyên bố chung giữa hai nước, hai bên cùng khẳng định Biển Đông là tuyến đường hàng hải có tầm quan trọng chiến lược đối với cộng đồng quốc tế. Cả hai đều nhấn mạnh việc đảm bảo tự do hàng hải, hàng không, khẳng định việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, không đe dọa sử dụng vũ lực. Theo giáo sư Alexander Vuving thuộc Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, tuyên bố không chỉ nhắc đến tự do hàng hải, hàng không mà còn bổ sung thêm tự do “sử dụng biển hợp pháp”. Tức là hai bên đã nhìn nhận ra rằng vấn đề Biển Đông không chỉ là tự do lưu thông hàng hóa (Trung Quốc luôn khẳng định tôn trọng tự do lưu thông) mà còn là tự do trên biển.
Khái niệm tự do trên biển rất rộng. Từ phía lợi ích của Việt Nam, đó là hoạt động của các giàn khoan và tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam diễn ra hợp pháp trên Biển Đông. Về phía Mỹ, đó là những hoạt động quân sự tự do trên Biển Đông. Đó là việc sử dụng biển hợp pháp, Trung Quốc không có quyền ngăn cản. Ông Trump đã khẳng định sẽ tiếp tục cho tàu và máy bay di chuyển và hoạt động tại bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.
Theo quan điểm của người viết, hai nước Việt-Mỹ có chung lợi ích trong việc bảo vệ luật pháp quốc tế, tự do và an ninh hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Thêm bạn bớt thù là phương châm sống của người Việt, nói theo ngôn ngữ chính trị, cân bằng quyền lực trước một người hàng xóm láng giềng đầy tham vọng về lãnh thổ để không bị lệ thuộc, không bị chèn ép, không bị mất chủ quyền là điều Việt Nam phải tính đến. Còn người Mỹ thì luôn hành động theo tinh thần thêm bạn bớt thù bằng cách riêng của họ. Không phải ngẫu nhiên chuyến thăm diễn ra ngay sau khi Mỹ chuyển giao tàu tuần duyên hạng nặng cho Cảnh sát biển Việt Nam. Và trước đó một tuần, Mỹ cũng bàn giao 6 tàu tuần tra cao tốc Metal Shark cho Việt Nam.
Theo một số nhà quan sát quốc tế, chuyến đi thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mở ra cơ hội hợp tác an ninh Việt-Mỹ trên Biển Đông. Nhà phân tích chiến lược Rodger Baker từ Công ty khảo sát phân tích tình báo địa chính trị Stratfor có bình luận như vậy. Baker cho rằng Việt Nam có thể trở thành một đối tác quan trọng trong dài hạn đối với Oasington để trung hòa ảnh hưởng của Trung Quốc trên Biển Đông và Đông Nam Á.
Biển Đông thực sự là một thách thức lớn sau Chiến tranh biên giới phía bắc với Việt Nam và sau Chiến tranh Lạnh đối với Mỹ. Nhiều người cho rằng, nếu chiến tranh thế giới lần thứ 3 nổ ra thì phát súng đầu tiên sẽ nổ ra trên Biển Đông (Xin xem bài Quan hệ Trung-Mỹ sẽ đi về đâu trong Blog này). Trung Quốc đã phản ứng bình tĩnh trước Phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế. Trung quốc đang tiến từng bước chiếm ưu thế trên Biển Đông, một cách chậm nhưng chắc chắn. Trung Quốc đã quân sự hóa các đảo xâm chiếm của Việt Nam. Bắc Kinh đang nỗ lực xây dựng một mạng lưới ra đa dưới đáy biển để làm giảm khả năng tàng hình của Mỹ và các nước trên Biển Đông. Sớm muộn Bắc Kinh sẽ triển khai tên lửa, tầu ngầm, máy bay trên các đảo nhân tạo.   
Là cầu nối Trung quốc với Đông Nam Á, Việt Nam có yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, có vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp nằm trên đường lưỡi bò phi lý của Trung Quốc. Việt Nam có lập trường kiên định và có khả năng chống lại các hoạt động bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông. Nhiều năm qua, Việt Nam đã kiên nhẫn chống lại lối hành xử bành trướng xâm phạm chủ quyền và tìm kiếm sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ về vấn đề Biển Đông.
Hành động của Trung Quốc trên Biển Đông đi ngược lại lợi ích của Mỹ, khiến Mỹ ngày càng khó chịu. Chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã lên tiếng và có hành động xoay trục cụ thể bắt đầu từ năm 2010 cho đến hết năm 2016. Tiếp theo, khi nhậm chức, Tổng thống Trump cũng tuyên bố: “Đó sẽ là vấn đề nếu những hòn đảo nhân tạo trên thực tế nằm ở vùng biển quốc tế, không phải là một phần của Trung Quốc, thì chúng tôi sẽ đảm bảo rằng không để bất kỳ quốc gia nào thâu tóm các vùng lãnh thổ quốc tế”.
Khả năng hợp tác an ninh
Tiền đề hợp tác an ninh giữa hai nước Việt-Mỹ đã xuất hiện từ sau năm 2010, nhất là sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Obama tới Việt Nam vào cuối tháng 5/2016 với tuyên bố quyết định dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam. Một năm đã trôi qua, hai nước đã làm được một số việc. Tuy thời gian chưa đủ để người ta thấy rõ đường nét hợp tác an ninh ngoài những con tàu tuần tra Mỹ viện trợ cho Việt Nam mà báo chí đã nói, nhưng rõ ràng quan hệ hợp tác quốc phòng đã được hai nước đo đếm.
So với tuyên bố chung lần trước tại Hà Nội, ngôn ngữ thể hiện trong tuyên bố chung lần này về vấn đề Biển Đông mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn. Tuyên bố chung không nêu cụ thể về mức độ hợp tác an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên việc đưa hợp tác hải quân giữa hai nước vào tuyên bố chung, nhìn chung phản ánh các bên đều thừa nhận đây là vấn đề quan trọng, có sự đồng ý và thúc đẩy giữa hai lãnh đạo cấp cao. Việc đề cập khả năng tàu sân bay Mỹ thăm cảng Việt Nam là điều hết sức nhạy cảm, điều này đã được bàn đến trong cuộc hội đàm, chứ chưa khẳng định phía Việt Nam có đồng ý hay không. Nhưng khi đã đưa vào tuyên bố chung, tức là một bên đã bày tỏ sự mong muốn. Điều này sẽ mở ra sự hợp tác cụ thể trong tương lai.
Trong tuyên bố chung về sự hợp tác an ninh, hai nhà lãnh đạo cũng nhắc đến việc thúc đẩy trao đổi thông tin tình báo. Đây có thể nói là một bước tiến quan trọng trong quan hệ về hợp tác an ninh. Đây là một điểm mới, có thể nói chưa từng có trong các tuyên bố chung Việt-Mỹ trước đó. Nội dung hợp tác này được giải thích cụ thể là việc trao đổi thông tin giữa hai nước để chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm mạng và cái gì ẩn khuất đằng sau đó thì mọi người đều ngầm hiểu. Chắc chắn rằng nội dung hợp tác này phản ánh bước tiến mới về chất trong việc hợp tác giữa lực lượng bảo vệ pháp luật của Việt Nam và Mỹ.
Nhân đây người viết cũng đề cập đến quan điểm một số bài báo của vài nước lớn, họ cho rằng tuyên bố chung Việt-Mỹ nhấn mạnh hợp tác quốc phòng, nặng về vấn đề biển Đông, hai nước tính kế dựa vào nhau để cân bằng với Trung Quốc. Có bài báo còn nói ông Trump đang lôi kéo Việt Nam vào một liên minh hải quân với Mỹ, lợi dụng Hà Nội chơi trò cạnh tranh giữa Oasington với Bắc Kinh. Thậm chí có tờ báo còn đặt câu hỏi liệu Việt Nam có trở thành bức bình phong tuyến đầu của Mỹ ngăn cản Trung Quốc bành trướng trên Biển Đông?
Việt Nam chắc chắn sẽ không biến mình thành con tốt, thành quân cờ của các nước lớn. Việt Nam không đi với một nước để chống lại một bên thứ 3, nhưng Việt Nam cần phải có mọi phương án cần thiết để tự vệ. Việt Nam không phải là đồng minh của Mỹ, nhưng như vậy không có nghĩa là không liên minh với Mỹ. Việt Nam hiểu hợp tác và cạnh tranh luôn là hai mặt không tách rời nhau trong quan hệ quốc tế hiện nay. Chẳng hạn như quan hệ Trung-Triều, Trung-Mỹ, Mỹ-Nhật, Mỹ-EU… Quan hệ hợp tác hữu nghị, bình đẳng cùng có lợi giữa Việt Nam và Mỹ sẽ chỉ góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác phồn vinh trong khu vực.
Về mặt kinh tế
Theo cảm nhận của người viết, có lẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt-Mỹ mới là trọng tâm chính của chuyến đi. Về mặt này, hai bên đã đạt được nhiều dự án hợp tác trị giá hàng chục tỉ đô la. Quan trọng hơn hai bên đã đạt được nhận thức chung nhằm hướng tới một khuôn khổ mới cho hợp tác toàn diện trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư trên nguyên tắc công bằng, hai bên đều có lợi.
Việc Tổng thống Trump rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là việc rất đáng tiếc đối với Việt Nam, vì theo nhiều chuyên gia quốc tế, với TPP Việt Nam là nước được hưởng nhiều lợi ích . Tuy nhiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước những nhà đầu tư Mỹ đã chuyển đi những thông điệp chính phủ kiến tạo vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Chính phủ Việt Nam cam kết đổi mới môi trường đầu tư, ngày càng thân thiện với các nhà đầu tư Mỹ. Thủ tướng kêu gọi những nhà đầu tư Mỹ đến Việt Nam và Việt Nam sẵn sàng cùng Mỹ xây dựng khuôn khổ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư phù hợp và có lợi cho cả hai bên. Thủ tướng khẳng định đây là thời cơ để các nhà đầu tư Mỹ rót vốn vào Việt Nam. Nhiều dấu hiệu cho thấy hai bên đã hiểu những “thông điệp” của nhau. Sáng kiến hội nghị cấp cao giữa hai bên chắc sẽ là bước tiếp theo để triển khai có hiệu quả Hiệp định khung song phương trong tương lai gần.
Hai mối quan tâm chính trong chính sách mới của Chính quyền Trump là tạo công ăn việc làm và giảm thâm hụt thương mại cho nước Mỹ. Hai mối quan tâm này đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra bàn bạc và có hành động cụ thể. Kết thúc hội đàm, Tổng thống Trump đã rất vui mừng thông báo: “Họ vừa có đơn đặt hàng rất lớn với Mỹ, và chúng tôi đánh giá cao việc đó. Với giá trị nhiều tỷ đô la, nó có nghĩa là việc làm cho Mỹ và trang thiết bị chất lượng cao cho Việt Nam”.
Theo Reuter, Bộ Thương mại Mỹ báo cáo có nhiều thỏa thuận thương mại được ký kết với tổng trị giá hàng chục tỷ đô la, tạo ra khoảng 23.000 việc làm cho người Mỹ. Hãng General Elecctric đã ký một thỏa thuận gần 6 tỷ đô la với Việt Nam trong lĩnh vực cung cấp tua bin điện gió, xây dựng 2 nhà máy tua bin khí và cung ứng động cơ máy bay cùng các dịch vụ bảo dưỡng trong 12 năm. Tập đoàn Caterpilar hiện đang hoạt động ở Việt Nam sẽ cung cấp công nghệ quản lý cho 100 máy phát điện ở Việt Nam. Hãng bảo mật Passport  Systems Inc ký thỏa tuận 1 tỷ đô la với một doanh nghiệp Việt để nhập khẩu máy quét nội soi công nghệ cao cho phép tự động phát hiện các mối đe dọa trong hàng hóa vận chuyển…
Rõ ràng chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giải tỏa được những lo ngại về sự thay đổi hoặc đảo chiều chính sách của chính quyền mới ở Mỹ. Nó cũng giải quyết được phương hướng cân bằng thương mại, một vấn đề người Mỹ không hài lòng. Việc thâm hụt thương mại chắc chắn sẽ được giải quyết (Người viết băn khoăn không biết đến bao giờ hai nước Việt-Trung mới giải quyết được vấn đề nhập siêu của Việt Nam mỗi năm trên 20 tỷ đô la. Xuất siêu của Trung Quốc với Việt Nam đã kéo dài mấy chục năm nay. Có phàn nàn thì họ trả lời họ không tìm kiếm xuất siêu với Việt Nam. Họ cho rằng thâm hụt là vì sự chênh lệch về trình độ kinh tế, trình độ sản xuất giữa hai nước. Ngụy biện. Họ không muốn hành động để làm giảm thâm hụt. Họ muốn Việt Nam phải thua thiệt, phải lệ thuộc vào họ. Tại sao Việt Nam và Mỹ lại giải quyết được? Thật đáng buồn cho quốc gia luôn mồm nói 4 tốt, mười sáu chữ vàng với láng giềng cùng hệ thống chính trị. Chỉ biết ăn người. Kim ngạch thương mại càng cao càng thâm hụt lớn. Họ vui mừng vì điều đó. Trong chuyện này thật đáng trách các doanh nghiệp Việt, doanh nhân Việt. Những kẻ tối mắt tối mũi vì tiền, vì hàng rẻ, vì công nghệ, công trình rẻ. Tại sao họ không sử dụng hàng, công nghệ Nhật, Mỹ, châu Âu? Nhân dân và tòa án bắt đầu phán xét họ). Kết quả chuyến đi đã minh chứng Chính quyền Trump tiếp tục mạch chính sách đã hình thành từ các đời chính quyền Mỹ trước đây. Theo nhiều chuyên gia Mỹ và Việt Nam, Tổng thống Trump không chỉ giữ đà hợp tác với Việt Nam mà còn đẩy nó lên vị thế cao hơn trước.
Kết luận
 Sau chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chúng ta thấy được quan điểm nhất quán và rõ ràng của chính quyền mới của Mỹ đối với Việt Nam. Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường, nguyên đại sứ ở 5 quốc gia, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế cho rằng: “Riêng trong vấn đề quan hệ Việt-Mỹ, quan hệ Việt-Mỹ liên quan đến Đông Nam Á, Biển Đông thì Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã thể hiện sự nhất quán”. Giáo sư Tiến sỹ Khoa học Chính trị Larry Berman thuộc Đại học Geogia, Mỹ nhận xét: “Tôi cho rằng chuyến thăm này là thắng lợi của hai bên, khi Chính quyền Trump coi Việt Nam là một trục đối tác quan trọng ở khu vực Đông Nam Á, không chỉ đơn thuần là một số hợp đồng kinh tế”. Giáo sư Berman đánh giá, các cuộc tiếp xúc của phái đoàn Việt Nam với chính giới Mỹ, giới doanh nhân, học giả cũng rất quan trọng, vì nó nhấn mạnh sự hợp tác Việt-Mỹ là một phần quan trọng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Qua chuyến thăm và qua tuyên bố chung, chúng ta thấy được quan điểm kiên định của Mỹ ở Biển Đông. Việc Chính quyền Tổng thống Trump mời Việt Nam, nước đầu tiên ở Đông Nam Á, nước có nhiều lợi ích nhất ở Biển Đông để khẳng định sự nhất quán trong chính sách của mình là điều rất quan trọng. Điều đó cho thấy chính quyền mới của Mỹ thực sự quan tâm tới Biển Đông, quan tâm tới quan hệ hợp tác Việt-Mỹ và vấn đề Biển Đông vẫn được coi là một đòn bẩy trong mối quan hệ ngoại giao.
Cuối cùng chuyến đi đã giải quyết được các vấn đề về kinh tế. Giáo sư Berman cho rằng cuộc gặp gỡ cấp cao giữa lãnh đạo hai nước đã thành công, thành công nhất là về kinh tế. Việt Nam đã ký nhiều thỏa thuận thương mại, tăng cường nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam. Đó là điều tốt đẹp, vì tất cả đều là công nghệ, hàng hóa, dịch vụ chất lượng hàng đầu thế giới, chứ không phải là thứ công nghệ lạc hậu rẻ tiền đội giá, chất lượng thấp, ô nhiễm môi trường. Sắp tới những nội dung cơ bản của TPP cũng được đưa vào quan hệ thương mại song phương Việt-Mỹ và điều đó sẽ thúc đẩy thương mại trong tương lai.
Mặc dầu không có những bước thật đột phá, nhưng chỉ chừng ấy thôi, chúng ta hy vọng rằng chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ đem lại nhiều điều tốt đẹp cho dân tộc trong tương lai.
                                                                               Ngày 4/6/2017




Read More

Tình hình bán đảo Triều Tiên có đi đến hồi kết

Leave a Comment
Trong những ngày gần đây, tình hình bán đảo Triều Tiên căng thẳng tới đỉnh điểm và đã đi đến độ của nó. Cả hai phía Triều Tiên và Liên quân Mỹ-Hàn-Nhật đều gia tăng những hành động khiêu khích hết sức nguy hiểm. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donal Trump đã cân nhắc nhiều lựa chọn, ngoài kênh ngoại giao, Mỹ bắt đầu đưa tàu sân bay, tàu trinh sát, tàu tác chiến điện tử, tàu tấn công, tàu ngàm ngầm hạt nhân cùng với những cuộc tập trận áp sát Triều Tiên. Mỹ thực sự cân nhắc việc đánh đòn phủ đầu bằng vũ khí thông thường, có thể sử dụng máy bay ném bom, tên lửa tomahawk, tấn công mạng và các hoạt động tác chiến đặc biệt trên mặt đất nếu phát hiện Triều Tiên chuẩn bị tiến hành thử vũ khí hạt nhân lần thứ 6. Tuy nhiên sau màn trình diễn dồn dập này, một cuộc tấn công phủ đầu của cả hai bên vẫn chưa xảy ra.
Một cuộc tấn công trước của Triều Tiên vào Hàn Quốc, Nhật Bản hay Mỹ chắc chắn sẽ là hành động tự sát. Kim Jong un đủ tỉnh táo để không làm việc này. Mỹ cũng không tấn công phủ đầu vì Triều Tiên không thử hạt nhân lần thứ sáu, chỉ thử tên lửa, hai quả “xịt”, một quả bay tới độ cao kỷ lục nhưng không hướng về lãnh thổ Mỹ. Và gần đây nhất ngày 21/5 Triều Tiên phóng một quả tên lửa tầm trung Pukguksong-2 với tầm bắn 2500 km. Về đại thể, Mỹ cũng chưa chuẩn bị xong các điều kiện chính trị, luật pháp, tinh thần, tâm lý, nhất là cơ sở vật chất hậu cần quân sự- Những yếu tố đảm bảo khả năng thành công cho một cuộc chiến kéo dài.
Có người cho rằng Mỹ đã nhiều lần tấn công vào lãnh thổ các nước có chủ quyền và gần đây bắn 60 quả tên lửa vào Syria, thì Mỹ cũng có khả năng tấn công phủ đầu vào Triều Tiên mà không cần chuẩn bị những điều kiện như đã nêu trên. Tuy nhiên, vị trí địa chính trị Triều Tiên khác với Syria. Ai cũng biết rằng Mỹ bao giờ cũng hành động có lý do. Chưa có lý do thuyết phục, nhất là thuyết phục với Trung Quốc và Nga để Mỹ tấn công Triều Tiên, một đất nước được coi là vùng đệm chiến lược đối với cả hai cường quốc có chung đường biên với Triều Tiên.
Một cuộc tấn công phủ đầu của Mỹ chắc sẽ là một cuộc tấn công bằng tên lửa, tấn công bằng đường không vào các mục tiêu chủ yếu trong hệ thống phòng không và tổ hợp hạt nhân của Triều Tiên. Sẽ có rất nhiều rủi ro trong cuộc tấn công này. Trước hết là việc Trung Quốc có thể vào cuộc cùng với Triều Tiên theo tinh thần Hiệp ước tương trợ và hợp tác hữu nghị Trung-Triều ký năm 1961. Sau đó, được gia hạn hai lần vào năm 1981 và năm 2001. Hiệp ước vẫn còn có hiệu lực cho đến năm 2021. Hiệp ước bao gồm điều khoản phòng vệ chung, mỗi nước có nghĩa vụ tiến hành tất cả các biện pháp chống lại những hành động thù địch nhằm vào nước còn lại. Rõ ràng Trung Quốc có cơ sở pháp lý để đứng về phía Triều Tiên. Trong khi đó, quan điểm của Trung Quốc là Triều tiên phải dừng thử hạt nhân, Mỹ-Hàn cũng phải dừng uy hiếp quân sự “Đừng nước nào ép Trung Quốc, một khi đánh giá sai quyết tâm và sức bật của Trung Quốc, có khả năng họ sẽ phải trả một giá đắt”. Họ ở đây là ai? Tất nhiên là cả Triều Tiên và Mỹ-Hàn.
Cho dù thuyết phục được Trung Quốc và Nga án binh bất động, một cuộc tấn công phủ đầu tiếp theo sẽ diễn ra các chiến dịch của liên quân Mỹ-Hàn trên mặt đất. Nếu như cuộc tấn công phủ đầu không thể tiêu diệt được hết các đơn vị vũ khí hạt nhân, tên lửa và các phương tiện nguy hiểm của đối phương, để bảo vệ sự tồn vong của chế độ và dòng họ Kim, các đơn vị quân đội Triều Tiên có thể đáp trả đòn tấn công bằng mọi phương tiện như bắn các loại pháo, nổ mìn hạt nhân, phóng tên lửa có mang vũ khí hóa học, sinh học và hạt nhân cùng với một xác xuất ít hơn ném bom bằng không quân. Các mục tiêu tấn công hóa học, sinh học, hạt nhân của Triều Tiên sẽ là các cụm quân liên quân Mỹ-Hàn, các trung tâm  chính trị, hành chính đầu não Hàn Quốc, các căn cứ quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Mặc dù Triều Tiên cuối cùng sẽ thất bại, nhưng hậu quả tổn thất với Mỹ và đồng minh là không thể lường hết được. Như vậy có đáng giá để tiến hành một cuộc tấn công hay không?
Mối đe dọa Triều Tiên
Trong quá khứ, Bắc Triều Tiên rất nhất quán, kiên định phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt (Tôi đã trình bày vấn đề này trong 3 bài viết trước cách đây gần một năm, xin xem bài Tại sao Triều Tiên lại cố tình phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt, Đi Mỹ qua Hàn Quốc và suy nghĩ về bán đảo Triều Tiên, Đến sân bay Incheon cảm nghĩ về bán đảo Triều Tiên trong blog này). Nhất là sau ngày 13/4/2009, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ra quyết định trừng phạt Triều Tiên trước việc họ phóng tên lửa vào ngày 5/4/2009, Bình Nhưỡng rút khỏi cuộc đàm phán sáu bên, tuyên bố tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân và tên lửa của mình.
Vụ thử hạt nhân lần thứ 5 vào tháng 9/2016, vụ thử mà Triều Tiên gọi là vụ thử thành công bom nhiệt hạch, Triều Tiên thông báo họ có khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân triển khai trên tên lửa đạn đạo. Nếu điều đó là sự thực, chỉ cần nước này thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa, Triều Tiên không những có khả năng tấn công hạt nhân Hàn Quốc, Nhật Bản mà còn có khả năng tấn công hạt nhân tới Guam, căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ trên Thái Bình Dương.
Ngày 15/5/2017 và ngày 21/5 mới đây, điều lo ngại của giới quân sự Mỹ trở thành hiện thực. Triều Tiên đã thử thành công tên lửa đạn đạo tầm trung đạt tới độ cao hơn 2.111 km, bay được khoảng 787 km trước khi rơi xuống vùng biển Nhật Bản. Theo giới chuyên gia, với độ cao đó và thời gian bay dài đến 30 phút, nếu bay theo đường bay thông thường, tên lửa này có tầm bắn lên tới 4.500km. Vụ thử ngày 21/5 tên lửa tầm Trung có tầm bay đến 2500km. Đây là hai vụ thử tên lửa tầm trung thành công nhất từ trước đến nay. Trước đó ít ngày, Triều Tiên thử hai lần tên lửa đạn đạo tầm trung nhưng đều thất bại (Có tin cho rằng hai vụ trước Triều Tiên cố tình cho tên lửa xịt để thăm dò phản ứng của Mỹ và Trung Quốc).
Với hai vụ thử tên lửa đạn đạo tầm trung thành công, bây giờ Triều Tiên thực sự là mối đe dọa trực tiếp, nguy hiểm nhất đối với an ninh của nước Mỹ. Kể từ khi Donal Trump đắc cử tổng thống đến nay, tần suất, mức độ các hành vi khiêu khích của Triều Tiên đột ngột tăng lên nhanh chóng. Dường như Triều Tiên chủ động thử tên lửa vào những dịp quan trọng để gây chú ý, để gửi đi những thông điệp của họ. Chẳng hạn thời điểm Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm Mỹ tháng 2/2017; thời điểm trước thềm Hội nghị thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng Thống Donal Trump tại Mỹ đầu tháng 4/2017; thời điểm trước chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đến Hàn Quốc trung tuần tháng 4/2917; thời điểm kỷ niệm ngày sinh lãnh tụ Kim Nhật Thành và ngày thành lập quân đội Triều Tiên ngày 25/4. Tất cả những động thái này không chỉ thách thức Mỹ, Hàn, Nhật mà còn chứng tỏ quyết tâm nghiên cứu công nghệ tên lửa, ra sức cổ vũ tinh thần quân dân trong nước và bày tỏ sự bất mãn với Trung Quốc.
Đáng chú ý nhất là vụ thử ngày 15/5/2017, thời điểm diễn ra diễn đàn “Một vành đai, một con đường” do Tập Cận Bình chủ trì, sau đó là buổi họp báo của phái đoàn Triều Tiên về mục đích thử tên lửa là nhằm kiểm tra tính năng kỹ thuật tên lửa trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia. Vụ thử này muốn nói với Mỹ rằng hãy nghiêm túc đàm phán chính thức với Bắc Triều Tiên sau cuộc họp không chính thức 2 ngày giữa phái đoàn Triều Tiên và phái đoàn Mỹ ở Oslo, Na Uy. Vụ thử này cũng thẳng thừng nói với Bắc kinh “Chớ có theo đóm ăn tàn, chúng tôi không quan tâm đến việc các ông nghĩ gì và làm gì”. Vụ thử này cũng nhắn nhủ với Kremlin (Đường bay của tên lửa đạn đạo bay dọc lãnh thổ Nga) “Chúng tôi cũng có thể chạm tới ông”.
Rõ ràng Triều Tiên đã trở nên nguy hiểm hơn khi các nước lớn thỏa hiệp nhằm ép họ bằng các biện pháp cấm vận kinh tế và thương mại. Trung Quốc cấm nhập khẩu than đá, nguồn ngoại tệ lớn duy nhất của Triều tiên. Ấn độ, nước có giao dịch thương mại lớn thứ ba với Triều Tiên sau Trung Quốc và Nga đã ngừng giao dịch thương mại với lý do thực hiện nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Thái Lan và Philippine nước có giao dịch thương mại lớn thứ tư, thứ năm với Triều Tiên cũng cùng Singapore sắp lên đường tới Mỹ họp… Có vẻ Triều Tiên đã bị đẩy vào bước đường cùng nên quá đà đe dọa tấn công Úc, đồng minh ở châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ khi ngoại trưởng Úc Julia Bisshop phê phán chương trình vũ khí hủy diệt của họ.
Đã xuất hiện những tình thế mới
- Quan hệ Trung Triều rạn nứt
So với thời điểm Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ năm cách thời điểm hiện tại khoảng hơn một năm trước, có một số tình thế mới đã xuất hiện. Đó là là sự rạn nứt trong quan hệ Trung Triều. Điều này rất hệ trọng bởi quan hệ Trung Triều có liên quan đến sự tồn vong của chế độ Triều Tiên. Suốt một thập kỷ qua, Trung Quốc đã đảm bảo khoảng 30% ngoại thương của Triều Tiên. Con số này mỗi năm một tăng trong vài năm trở lại đây. Có thể lên tới 50, 60% vào đầu những năm 2010. Mỗi năm Trung Quốc cung ứng 500.000 tấn dầu, tương ứng với 90% nhu cầu của Triều Tiên. 10% còn lại là nhập khẩu từ Nga và các nước khác. Trung Quốc đã lợi dụng yếu điểm năng lượng của Triều Tiên vào năm 2003 để ép Triều Tiên ngồi vào bàn thương lượng đàm phán 6 bên.
Mỹ hoàn toàn đúng khi cho rằng Trung Quốc nắm giữ lời giải cho vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Tại sao Triều Tiên bị Mỹ và phương Tây bao vây cấm vận, dân chúng đói nghèo mà họ vẫn có tiền để phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo? Kim ngạch thương mại Trung-Triều đạt xấp xỉ 5,5 tỷ đô la, chiếm 85% tổng kim ngạch thương mại của Triều Tiên. Thời gian trước, Trung Quốc đã phớt lờ các nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, âm thầm giao thương với Bình Nhưỡng. Trung Quốc lấy lý do nhân đạo, giúp cuộc sống khốn khó cho người dân Triều Tiên.
Nhưng sau vụ thử hạt nhân lần thứ năm, sau những vụ thử tên lửa đạn đạo gần đây, sau vụ sát hại công dân Triều Tiên Kim Chol, người được coi là cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Kim Jong-un và đặc biệt là sau cuộc họp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donal Trump đầu tháng 4/2017, Trung Quốc bắt đầu cắt lượng than đá nhập khẩu từ Triều Tiên. Ngoài ra Bắc Kinh còn tiến hành một số bước đi như ủng hộ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hạn chế cung cấp dầu  cho Bình Nhưỡng nếu tiếp tục thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo, khởi tố các công ty Trung Quốc cung cấp các công nghệ chế tạo tên lửa tầm xa và các thiết bị làm giàu uranium, trấn áp các ngân hàng Trung Quốc giúp Triều Tiên rửa tiền từ các hoạt động phi pháp như buôn bán ma túy, làm tiền giả, buôn bán vũ khí…
Bình luận của Nhân Dân nhật báo và Thời báo Hoàn Cầu, cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung quốc gần đây tựu trung lại: i,Triều Tiên thử hạt nhân chỉ cách biên giới Trung Quốc 70km có thể uy hiếp an ninh vùng Đông Bắc Trung Quốc; ii, Triều Tiên khiêu khích cục diện Đông Bắc Á tạo cớ cho Mỹ tăng cường bố trí chiến lược ở khu vực này; iii,Triều tiên có vũ khí hạt nhân uy hiếp lợi ích quốc gia Trung Quốc; iiii, Có nên tiếp tục duy trì Hiệp ước tương trợ và hợp tác hữu nghị Trung Triều…
Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên KCNA ngày 3/5 trả lời lại bằng bài xã luận về quan hệ Trung Triều. Bài xã luận đã lớn tiếng hỏi Bắc kinh, trong hơn 70 năm đứng trên tuyến đầu gian khổ chống Mỹ, đánh bại các âm mưu xâm lược của Mỹ, bảo vệ hòa bình và an ninh của chính Trung Quốc là ai? Bài báo cảnh báo Trung Quốc “nên tính toán cho kỹ, đừng có theo đuôi Mỹ chặt chém vào trụ cột của quan hệ Trung Triều, có thể đem lại những hậu quả nguy hiểm”.
Bài xã luận cũng phản bác các quan điểm của Trung Quốc cho  rằng Triều Tiên sở hữu công nghệ hạt nhân và tên lửa đạn đạo là đi ngược với tinh thần Hiệp ước tương trợ và hợp tác Trung Triều, có thể dẫn đến chiến tranh nên Trung Quốc cần tăng cường trừng phạt Triều Tiên. Bài báo lập luận trên thực tế Mỹ đã bố trí vũ khí chiến lược ở châu Á-Thái Bình Dương từ rất lâu, trước khi Triều Tiên thử hạt nhân và tên lửa. Bình Nhưỡng cho rằng “Những hành động quân sự của Mỹ đối phó với Tiều Tiên là nhằm vào Trung Quốc. Bắc Kinh nên thành thật cảm ơn Triều Tiên mới hợp đạo lý”. Do vậy, hành động trừng phạt, đe dọa của Trung Quốc như lộng ngôn nói “Quyền chủ động trong quan hệ Trung-Triều nằm trong tay Trung Quốc”, “Trung Quốc không chỉ trừng phạt mà còn không ngại sử dụng quân sự can thiệp”... “Những điều đó không chỉ là những hành động bội tín và bất nghĩa mà còn là sự xâm hại nghiêm trọng chủ quyền, lợi ích và danh dự của Triều Tiên. Đó là tư tưởng của chủ nghĩa Sô vanh nước lớn. Vì lợi ích của mình, Trung Quốc muốn Triều Tiên phải hy sinh cả lợi ích chiến lược cho đến chủ quyền, thậm chí cả đến sự sống còn của cả một dân tộc”…
Hoàn cảnh của Triều Tiên hiện nay tương tự như Việt Nam thời gian đầu những năm 70 của thế kỷ trước. Lúc đó ở Thiên An Môn, hai kẻ thù không đội trời chung từ năm 1949 đến 1971 là Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông và Tổng thống Mỹ Richard Nixon lần đầu tiên bắt tay nhau. Họ thỏa hiệp với nhau để kiềm chế Việt Nam vào lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ của người Việt đang ở giai đoạn quyết định. Họ bắt đầu cắt viện trợ để Mỹ có thể rút khỏi Việt nam mà chính quyền sài gòn vẫn có thể đứng vững. Đổi lại, Mỹ đã hy sinh quyền lợi của Đài Loan và để Trung Quốc trở thành ủy viên thường trực Liên Hợp Quốc. Họ cùng ra Thông cáo chung Thượng Hải năm 1972 vì quyền lợi ích kỷ của họ. Cũng giống như Triều Tiên Việt Nam đã đấu tranh hy sinh biết bao xương máu để bảo vệ độc lập dân tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ của mình, đồng thời cũng là bảo vệ hòa bình và an ninh phía Đông Nam cho Trung Quốc, nhưng Trung Quốc trả ơn bằng việc phát động một cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới năm 1979.
Phải chăng Trung Quốc vì vốn và công nghệ của Mỹ và Phương Tây, vì Việt Nam không chịu là con bài, không chịu nhượng bộ chủ quyền, không còn giá trị lợi dụng, đi ngược lợi ích của Trung Quốc nên Trung Quốc đã “dạy cho Việt Nam một bài học”?  Liệu bài học lịch sử Trung-Việt có thể xảy ra với Trung-Triều vào đầu thế kỷ 21? Cũng không thể loại trừ. Quan hệ Triều Tiên với Trung Quốc là quan hệ của một nước nhỏ với một thực thể cường quyền bành trướng đầy tham vọng, một kiểu quan hệ thiên triều hiện đại. Trung Quốc sẵn sàng hy sinh lợi ích của Triều Tiên vì lợi ích của đất nước họ. Đó là thuộc tính bản chất trong quan hệ quốc tế của các nước lớn.
Trung Quốc bắt tay thỏa hiệp với Mỹ qua chuyến đi của Tập Cận Bình tới khu nghỉ dưỡng riêng của Trump ở Florida. Mỹ thì ép về mặt quân sự, Bắc kinh thì toan tính kêu gọi Hoa Kỳ rút lực lượng vũ trang của Mỹ ra khỏi Hàn Quốc, ký kết với Triều Tiên hiệp định hòa bình vĩnh viễn thay thế hiệp định đình chiến tạm thời. Về phần mình, Bắc Kinh tiếp tục cam kết đảm bảo an ninh cho Triều Tiên, kêu gọi cung cấp viện trợ cho Triều Tiên để đổi lấy việc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân. Các toan tính của Trung Quốc và Mỹ đã bị thất bại. Triều Tiên đã “đọc được vị”, đã đánh giá đúng giá trị vị trí địa chính trị của mình, giúp cho nước này thoát khỏi cái kết cục như Iraq, Lybia hay Syria.  
Người Triều tiên đã học được bài học từ Iraq, Lybia, Syria, Ucraina nên họ không muốn từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa. Họ cũng không để Trung Quốc giật dây cho dù phụ thuộc Trung Quốc về kinh tế và thương mại. Chắc chắn người Triều Tiên cũng đã học được bài học quan hệ Việt Nam với Trung Quốc vào năm 1979 nên Kim Jong-un đã thanh trừng nội bộ và xử tử ông chú Jang Song Thaek thân thiết với Trung Quốc. Cái chết của Kim Jong-nam chắc cũng không nằm ngoài tính toán trừ hậu họa của lãnh đạo Triều Tiên. Bình Nhưỡng khẳng định, bất luận là ai đều không thể làm họ dao động hoặc thay đổi con đường phát triển vũ khí hạt nhân vì sự sinh tồn. Và “Bất luận quan hệ Trung Triều có đáng quý đến đâu đi nữa, Triều Tiên cũng không thể đem việc sở hữu vũ khí hạt nhân vốn quý như sinh mạng của mình ra để đánh đổi hay cầu cạnh Trung Quốc”.
- Nga tăng cường xuất nhập khẩu sang Triều Tiên đồng thời phản đối việc sử dụng vũ lực
Bất chấp các lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng, thời gian qua Nga đã tăng cường hoạt động xuất khẩu nhiên liệu sang Triều Tiên. Theo các hãng tin của Đức, hoạt động giao thương giữa Nga và Triều Tiên đã tăng 85% trong bốn tháng đầu năm 2017. Theo số liệu từ hải quan Nga, kim ngạch thương mại song phương giữa Nga và Triều Tiên đạt xấp xỉ 32 triệu đô la mà đa số hàng hóa là các mặt hàng năng lượng. Ngoài ra Nga và Triều Tiên còn mở thêm tuyến phà giữa cảng Rajin của Triều Tiên với cảng Vladivostok của Nga. Phía Triều Tiên đánh giá cao sự việc này. Nó “sẽ góp phần tích cực cho sự phát triển hợp tác kinh tế cũng như giao thông vận tải”.
Rõ ràng mối quan hệ Nga-Triều đang ngày càng ấm lên trong khi Trung quốc bắt đầu kiềm chế và siết chặt các chính sách kinh tế và thương mại đối với Triều Tiên. Hành động “đẹp” từ phía Nga khiến Triều Tiên có sự lựa chọn thay thế cho phương án phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, khiến Bình Nhưỡng có thể giảm bớt phần nào khó khăn kinh tế hiện nay. Người ta không thể không chú ý sự kiện ngày 14/4, Nga là đại diện duy nhất bất đồng ý kiến với đề nghị của Mỹ lên án các cuộc thử nhiệm tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, trong khi 14 quốc gia thành viên khác, bao gồm cả Trung Quốc đều đồng thuận. Và mặc dù Tổng thống Nga Putin cho rằng vụ thử tên lửa của Triều Tiên là nguy hiểm, nhưng ông cũng chỉ ra “Chúng ta phải dừng việc khiêu khích Bình nhưỡng và tìm một giải pháp hòa bình cho vấn đề này”.
Trên thực tế Nga lo ngại về tình trạng cô lập của Triều Tiên. Người Nga tin rằng tình hình trở nên nguy hiểm khi Mỹ cân nhắc tấn công phủ đầu Bình Nhưỡng. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 26/4 đã phản đối mạnh mẽ việc sử dụng vũ lực, sử dụng các biện pháp quân sự để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Ông cho rằng “Những cách xử lý mạnh tay ẩn chứa những hậu quả thảm khốc cho bán đảo Triều Tiên và toàn bộ khu vực Đông Bắc Á”. Phải chăng tình thế này là câu trả lời của nước Nga khi Mỹ-Trung bắt tay nhau định gạt Nga ra ngoài cuộc?
- Hàn Quốc có tổng thống mới
Ứng cử viên tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đắc cử nhờ đề xuất chương trình hòa hoãn với Triều Tiên trên cơ sở củng cố sức mạnh quân sự. Đây thực chất là Chính sách Ánh dương phiên bản 2, một chính sách ngoại giao mà Hàn Quốc đã áp dụng với Triều Tiên từ năm 1998 cho đến trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2008 (Xin xem bài Đến sân bay Incheon và cảm nghĩ về bán đảo Triều Tiên trong Blog này). Chính sách Ánh dương chú trọng đến thúc đẩy kinh tế, thương mại, viện trợ nhân đạo, dùng lợi ích kinh tế để ràng buộc Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Chính sách này đã không thành công. Bình Nhưỡng đã lợi dụng nó để giải quyết những khó khăn chồng chất trong nước và để quốc tế nới lỏng lệnh cấm vận trong khi vẫn ngấm ngầm tăng cường năng lực hạt nhân và tên lửa.
Tổng thống Moon Jae-in một mặt chủ trương quan hệ tốt với Mỹ, nước bảo trợ an ninh quan trọng nhất của Hàn Quốc, đồng thời chủ trương quan hệ tốt với Nhật Bản, Trung Quốc. Với ý tưởng Chính sách Ánh dương 2, liệu tân Tổng thống Hàn Quốc có thực hiện được cái việc phi hạt nhân bán đảo hóa Triều Tiên? Rất khó vì nó không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của tân tổng thống Hàn Quốc, nhưng dầu sao so với hai người tiền nhiệm cứng rắn, việc người cầm quyền mới mang tư tưởng ôn hòa, tình hình bán đảo Triều Tiên cũng hạ nhiệt xuống một phần nào.
- Nước Mỹ có tổng thống mới
Ngay từ khi lên cầm quyền, Tổng thống Mỹ Donal Trump đã thể hiện quan điểm cứng rắn với vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Nhà Trắng đã gấp rút cho triển khai hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Trump tuyên bố dứt khoát nếu Trung Quốc không giải quyết vấn đề Triều Tiên, Mỹ sẽ tự xử lý. Quân đội Mỹ đã tiến hành các cuộc tập trận chung thường niên. Ngày 25/4 tàu ngầm hạt nhân USS Michigan cập cảng thành phố Busan Hàn Quốc. Ngày 26/4 Đô đốc hải quân Mỹ Harry Harris cho biết tàu sân bay USS Carl Vinson với sức mạnh không quân vượt trội đang di chuyển tới Triều Tiên. Đến thời điểm hiện tại, 3 tàu sân bay với 250 máy bay chiến đấu và một kho vũ khí khổng lồ cùng với 20 tàu chiến, tàu ngầm hạt nhân, trong đó có tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio khủng khiếp cũng hướng về phía bán đảo Triều Tiên. Đặc biệt là hơn 100 máy bay F16 thường xuyên diễn tập trong khu vực. Đây chính là dấu hiệu và chiến thuật được Mỹ sử dụng khởi đầu Chiến dịch Bão táp Sa mạc tấn công Iraq vào năm 1991. Có lẽ Trump chỉ còn chờ đợi thêm cơ hội. 
Những sự kiện dồn dập trên cho thấy, cách tiếp cận của Chính quyền Donal Trump đối với Triều Tiên là dứt khoát, đối đầu mạnh mẽ so với các chính quyền tiền nhiệm. Tổng thống Donal Trump, một nhà lãnh đạo phi truyền thống quả là khó lường. Ông ta đã làm cho cả thế giới bất ngờ với quyết định tấn công Syria bằng tên lửa hành trình tomahawk một cách chớp nhoáng, rồi đến việc cho sử dụng bom mẹ mười tấn chóng vánh để tiêu diệt các cơ sở ngầm của nhà nước Hồi giáo ở Afganistan. Với những biểu hiện trên, người ta thấy chính quyền Mỹ có khả năng theo đuổi các biện pháp quân sự để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên nếu nước Mỹ thực sự bị đe dọa.
Giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên
Khi mà Mỹ đã hết kiên nhẫn chịu đựng với sự khiêu khích của Bắc Triều Tiên, và Triều Tiên cũng hết kiên nhẫn chờ đợi một cuộc tấn công phủ đầu của Mỹ, ngòi nổ đã được tháo ra bởi sự kết nối giữa Oasington và Bình Nhưỡng thông qua kênh ngoại giao đàm phán không chính thức tại Oslo, Na Uy. Việc Bộ Ngoại giao Triều Tiên tiếp xúc với các nhà đàm phán Mỹ chứng tỏ Triều Tiên mong muốn bình thường quan hệ với Mỹ, giống như Bắc Kinh mong muốn bình thường hóa quan hệ với Mỹ năm 1972. Đây có thể là bước đi tốt cho Mỹ, lợi cho Triều Tiên, nhưng sẽ là bước đi chưa hẳn là đáp ứng mong muốn của các đồng minh hai bên.
Liên tiếp những vụ phóng tên lửa thành công, đương nhiên là Triều Tiên thách thức Mỹ nhưng cũng làm gia tăng lợi ích cho Mỹ. Triều Tiên càng tỏ ra nguy hiểm, thậm chí đến mức nguy hiểm cho cả Trung quốc và Nga thì nước Mỹ càng đắc lợi. Suy cho cùng thì nước Mỹ  ở rất xa Triều Tiên. Trung Quốc và Nga thì lại ở rất gần. Chắc chắn hai nước không muốn bao vây xung quanh mình thêm một nước nguy hiểm có vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa. Một ngày đẹp trời nào đó, không chừng Triều Tiên có thể chĩa đầu đạn hạt nhân vào một trong hai nước. Và với hành động của Triều Tiên, nước Mỹ có thể dễ ra giá với các đồng minh, đồng thời có cớ tăng cường sự hiện diện quân sự ở Đông Bắc Á. Còn đối với Triều Tiên, những vụ thử tên lửa này đảm bảo cho Bình nhưỡng giữ được thế tốt nhất với Trung Quốc và Nga trước khi có đột phá trong quan hệ Mỹ-Triều, một cuộc đàm phán Pari về Việt Nam năm 1973 không có sự tham gia của Trung và Nga sẽ có lợi hơn cho Triều Tiên.
Có thông tin Mỹ có thể đưa ra cam kết “4 không” với Triều Tiên: Không thay đổi chế độ, không thay đổi chính quyền hiện tại, không phát động xâm lược, không thúc đẩy hai miền thống nhất. Liệu rằng Bình Nhưỡng và Oasington có nắm bắt cơ hội này?
Thực tế Triều Tiên đã đàm phán một thời gian dài trong hội nghị 6 bên. Có nghĩa là không phải Triều Tiên hoàn toàn không có thiện chí. Có lẽ do cả hai bên thiếu lòng tin chiến lược về nhau và do chính sách cứng rắn của các bên đã đẩy tình hình ngày một đi xa. Triều Tiên một mặt vẫn muốn nối lại các cuộc tiếp xúc, thậm chí muốn đàm phán với Mỹ, một mặt vẫn tăng cường sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt để tự vệ, để mặc cả như một sách lược. Mỹ và các đồng minh thì tăng cường gây áp lực quân sự và trừng phạt bằng bao vây cấm vận hy vọng Triều Tiên sẽ sụp đổ. Cho đến bây giờ, tình thế bắt đầu có sự thay đổi, đâu sẽ là giải pháp cho bán đảo Triều Tiên?
Về phía Triều Tiên, cho rằng họ phát triển thành công vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, thì việc đó có ý nghĩa gì nếu đổi lại là sự bao vây và cấm vận nghiêm khắc nhất của cả cộng đồng quốc tế, trong đó có cả Trung Quốc và Nga (Tình hình này sớm muộn các nước lớn cũng dàn xếp thỏa hiệp được với nhau). Hơn nữa dù có sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng thế giới vẫn không công nhận Triều Tiên là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Như vậy Triều Tiên không thể giải quyết được vấn đề lớn nhất đang phải đối mặt, đó là cuộc sống rất khó khăn của người dân. Chỉ cần thiên tai hạn hán hay lũ lụt xảy ra, mà điều này thì thường xuyên xảy ra, thì nạn đói trong thập niên 90 lại đe dọa Triều Tiên kéo theo hàng triệu người chết đói (Trong thập niên 90 Wikipedia thống kê có khoảng 900.000 người cho đến 3,5 triệu người ở Triều Tiên chết). Thời gian không còn nhiều đối với Triều Tiên vì tình thế đang trở nên bất lợi với họ. Chính quyền Bình Nhưỡng phải sớm ngồi vào bàn đàm phán và đưa ra một sự lựa chọn có hoặc không tiêu hủy hay bàn giao vũ khí hạt nhân cho Mỹ hoặc một giải pháp trung dung nào đó mà Mỹ có khả năng chấp nhận được.
Về phía Mỹ, có thể thấy trong các lựa chọn, Mỹ vẫn ưu tiên sử dụng biện pháp ngoại giao hòa bình. Trong cuộc tiếp xúc với đặc sứ của Tổng thống Hàn Quốc Hong Seok-hyun, Tổng thống Trump tuyên bố sẵn sàng “giao tiếp” để kiến tạo hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Ngày 27/5, Trump thông qua chiến lược mới, chiến lược 4 điểm: Không công nhận Triều Tiên là quốc gia hat nhân; áp đặt trừng phạt và gây áp lực; không thay đổi chế đô Triều Tiên; giải quyết vấn đề bằng đối thoại.
Thời cơ đẫ đến. Nếu Triều Tiên thực sự mong muốn giải trừ hạt nhân, đương nhiên cái giá của họ sẽ không hề nhỏ, thì viễn cảnh Tổng thống Trump mời người đồng cấp Kim Jong-un sang Nhà Trắng không còn là chuyện viển vông. Tổng thống đương nhiệm Mỹ sẽ có được một thành tích chính trị vĩ đại. Bản thân Kim Jong-un cũng có thể ngẩng cao đầu với tư cách là lãnh tụ tối cao của một quốc gia độc lập, bình đẳng.
Tuy nhiên khả năng Triều Tiên tiêu hủy và bàn giao cho Mỹ vũ khí hạt nhân là không dễ dàng, chưa nói đến quá trình triển khai việc này rất khó khăn vì Bình Nhưỡng vẫn chưa thực sự yên tâm với liên minh Mỹ-Hàn-Nhật. Vụ thử tên lửa ngày 21/5, ngày 29/5 và yêu cầu của Kim Jong-un nhanh chóng triển khai trang bị loại tên lửa loại mới này cho quân đội là một bằng chứng. Trước mắt, sách lược của Mỹ vẫn là gây áp lực với ba trụ cột: Đe dọa quân sự, tác động chính trị, siết chặt các biện phát bao vây cấm vận trong đó then chốt là yêu cầu Trung Quốc sử dụng biện pháp trừng phạt mạnh mẽ Triều Tiên. Nếu thế trận trên cùng với việc đàm phán không thành, “điều đó đồng nghĩa với việc hoặc Mỹ phải hành động hoăc để Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Lúc đó chắc chắn Trump sẽ bắt đầu một cuộc chiến tranh không thể lường hết hậu quả.    
                                                                                 Ngày 30/5/2017.
   



Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.