Lễ hội Chử Đòng Tử-Tiên Dung, huyền thoại về một tình yêu bất tử

Leave a Comment

 Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung, huyền thoại về một tình yêu bất tử

Cách đây hai mươi năm, tôi cùng với một người bạn lần đầu đến dự lễ hội ở xã Đa Hòa thuộc huyện Khoái Châu, Hưng Yên. Lễ hội này là một trong 16 lễ hội lớn nhất cả nước, gắn liền với câu chuyện Chử Đồng Tử - Tiên Dung, một tình yêu đầy lãng mạn giữa chàng trai nghèo họ Chử và cô con gái Vua Hùng thứ 18. Ngoài việc theo thú đam mê “hội hè đình đám” cùng với hy vọng mong manh gặp lại cố nhân, tôi còn muốn tìm hiểu về điệu múa bồng ở nơi này, cũng như tôi đã đi tìm hiểu điệu múa bồng ở lễ hội Cầu Đơ (cặp múa là một nam một nữ), múa bồng ở lễ hội Nhật Tân (cặp múa là hai nữ), múa bồng ở Hào Nam (cặp múa là đôi nam)…
Tôi được biết trong gần 100 ngôi đình, đền, miếu thờ Chử Đồng Tử- Tiên Dung ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ, đa số người dân các địa phương thường ngưỡng vọng, tôn Đức Thánh Chử là thành hoàng làng, một vị thần bảo hộ tâm linh cho cả cộng đồng. Một số nơi suy tôn Đức Thánh như một vị tổ nghề trồng lúa, chăn tằm, vị tổ nghề thuốc nam, vị tổ nghề chài lưới, thậm chí là tổ nghề buôn bán. Nhưng thẳm sâu trong tâm thức dân gian, thiên tình sử giữa chàng trai nơi sông nước xứ Đông và cô công chúa vùng trung du đất Tổ đã thể hiện niềm mong ước ngàn đời của dân gian và được sùng tín hơn cả.
Chử Đồng Tử và Tiên Dung là mẫu hình để cho nam nữ vượt qua cách trở giàu nghèo, địa vị xã hội, để xây dựng cuộc hạnh phúc ấm no. Đó cũng là niềm tin cho biết bao đôi nam nữ dám bước qua những rào cản quan niệm xã hội để đến với nhau. Mạch nguồn xúc cảm từ bao đời ấy cứ âm thầm chảy mãi trong huyết quản người dân châu thổ, thỉnh thoảng lại ánh lên qua những câu chuyện về những chàng trai nghèo với những cô con gái nhà quyền quý, khá giả. Dù cuộc sống thường nhật biết bao ngang trái, nhưng họ không cam lòng ngậm ngùi đau buồn như chàng Trương Chi với cô gái Mỵ Nương …
Theo Lĩnh Nam chích/trích quái, vào thời Hùng Vương đời thứ 18 ở làng Chử Xá, cạnh sông Cái có người đàn ông tên là Chử Cù Vân sinh hạ được Chử Đồng Tử. Nhà nghèo, hai cha con chỉ có một chiếc khố che thân nên phải thay nhau mặc đi làm ăn. Khi người cha già sắp mất, ông căn dặn con: “Cha chết, con táng trần cho bố, còn cái khố giữ lấy để dùng”. Không nỡ để cha chết trần, Chử Đồng Tử lấy khố đóng cho cha rồi mới chôn. Từ đấy chàng sống ở các bụi lau dọc bờ sông, xa nơi có cư dân để câu cá kiếm sống qua ngày.
Vua Hùng có người con gái tên là Tiên Dung xinh đẹp. Dù đã đến tuổi cập kê nhưng nàng vẫn thích ngao du sơn thủy, không chịu lấy chồng. Một hôm thuyền rồng của công chúa đi qua vùng đó. Nghe tiếng trống, đàn sáo, và thấy người hầu tấp nập, Chử Đồng Tử hoảng sợ vội vùi mình vào cát lẩn tránh. Thuyền ghé vào bờ, Tiên Dung dạo chơi thấy cảnh đẹp với bãi sông rộng lớn bèn sai người quây màn tắm, đúng ngay chỗ Chử Đồng Tử. Nước xối dần để lộ thân hình Chử Đồng Tử trên cát. Tiên Dung e ngại hỏi han sự tình. Thấy duyên trời đã định nên nàng xin được kết duyên vợ chồng. Họ đã ở lại nơi đó cùng những người dân nghèo khai hoang, mở mang làng xóm đồng ruộng, mở bến chợ bán buôn.
Một hôm Chử Đồng Tử đi làm xa gặp Tiên ông, học đạo phật và các phép tiên, được ban chiếc gậy thần và chiếc nón lá. Chàng về quê truyền lại phép thuật cho vợ. Cả hai vợ chồng cùng đắc đạo. Họ cùng nhau đi khắp vùng, dùng gậy thần để giúp đỡ dân lành chữa bệnh... Một hôm trời tối khuya mà không có chỗ nghỉ, hai vợ chồng dừng lại cắm gậy, úp nón lên trên cùng nằm nghỉ. Bỗng nửa đêm chỗ đó biến thành cung điện, nhà cửa san sát với đầy đủ người hầu kẻ hạ.
Nghe tin Chử Đồng Tử và Tiên Dung có cung điện, vua ngờ rằng hai người có ý mưu loạn nên sai quân đến đánh. Chàng và vợ không kháng cự lại cha mình. Đêm hôm ấy cả lâu đài và họ đã bay về trời sau trận cuồng phong, bão lớn để lại một vùng đất đầm lầy. Đời sau gọi là đầm Dạ Trạch...
Từ đấy cứ vào ngày 10 đến hết tháng 2 âm lịch hàng năm (có năm đến đầu tháng 3), người dân trong vùng lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công ơn của họ. Sau chuyến điền dã ban đầu, tôi đã nhiều lần đến đền Hóa xã Dạ Trạch và đền Đa Hòa xã Bình Minh, hai địa điểm diễn ra lễ hội. Lần thì cùng bạn đi qua cầu Gia Lâm, dọc theo đường đê sông Hồng đến lễ hội. Lần thì tới Vạn Phúc, Thanh Trì đi đò qua sông. Lần thì đi xe máy đến Thường Tín rẽ trái và qua phà.
Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung được mở màn bởi các làng thuộc tổng Mễ rước kiệu thánh từ đình làng mình về đền Đa Hoà (theo nhà sưu tầm và nghiên cứu Toan Ánh, xưa kia có 8 làng). Đi đầu đoàn rước là con rồng dài trên 20 mét được vài ba chục thanh niên vạm vỡ thay nhau múa theo điệu trống thúc liên hồi . Điệu múa rồng này cũng như ở các địa phương khác không chỉ là biểu hiện tâm linh cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an mà còn bao hàm cả nội dung giáo dục tinh thần thượng võ, cầu mong phồn vinh, thịnh vượng. Múa rồng ở đây khá hoành tráng với nhiều động tác, tạo hình biến hóa sinh động như rồng chào, rồng phục, rồng chầu, rồng bay cao, hạ thấp, rồng cuộn, rồng lượn, rồng uốn khúc, rồng đuổi ngọc, ngậm ngọc...
Vào sáng ngày 11/2 âm lịch, sau khai hội một hôm, ngay từ sáng sớm các cụ phụ lão trong làng khăn áo chỉnh tề ra đền thắp hương làm lễ. Đúng giờ quy định thì đoàn rước kiệu khởi hành ra bến sông Hồng lấy nước. Theo sau là đoàn “rước du” đưa kiệu thờ các đức Thánh lên thuyền rồng dạo trên sông với nhiều nghi thức tế lễ, múa hát trên thuyền. Dọc bờ sông có các đội múa hát, chiêng trống, cờ quạt, võng lọng theo hầu. Sau khi nghi lễ lấy nước, rước nước, rước du kết thúc, chóe nước thiêng và kiệu Thánh được rước trở lại đền thì ban lễ hội tổ chức lễ dâng hương. Theo tục lệ, nước được dùng trong lễ mộc dục và để cúng phải là nước ở giữa sông Hồng, hội đủ khí âm dương. Người đại diện cho dân làng lấy nước là một cụ già và các thiếu nữ dịu dàng có đức độ trong làng. Dâng nước là hình thức tâm linh cầu nguyện cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu. Tiếp theo sau các đoàn rước là hai hàng các bà, các chị, các cô trang phục đủ sắc màu rực rỡ tay cầm cờ hội, chống chiêng, cùng ngựa hồng, ngựa bạch, gươm trường bát bửu, cặp múa bồng, đội múa sinh tiền, đội múa nón, đội nhạc lễ… Cả một vùng quê rộng lớn rộn ràng, nườm nượp người qua lại.
Trong thời gian diễn ra lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian như chọi gà, bịt mắt bắt dê, bịt mắt đập niêu, đi cầu kiều, cờ tướng. Nhiều hoạt hoạt động văn nghệ đặc sắc như hát chèo, hát văn, hát ca trù, hát trống quân mang đậm nét văn hoá của xứ Đông. Mỗi năm chúng tôi đều hòa mình vào một loại hình văn hóa. Có lẽ tôi thích nhất là điệu múa bồng ở lễ hội. Các cặp nam giả nữ chít khăn mỏ quạ, xiêm áo sặc sỡ, hóa trang đích thực là những cô gái e lệ vừa đong đưa ẻo lả, vừa lúng liếng uốn éo gợi tình. Suốt dọc đường đi những động tác cách điệu nhí nhảnh đến đĩ thõa, xen vào là động tác chớt nhả, tinh nghịch của đám Thanh đề, giống như tổng hợp của nghệ thuật phô diễn quyến rũ, gợi dục. Đúng là hiện thân của tín ngưỡng phồn thực. Nó như thỏi nam châm cuốn hút nam thanh nữ tú. Ai cũng mỉm cười, kín đáo che dấu cảm xúc!
Tôi cho rằng lễ hội Chử Đồng Tử, Tiên Dung chứa đựng nhiều trầm tích văn hoá, có phong tục, tập quán văn hoá bản địa, có màu sắc Nho, Phật, Lão giao thoa, tiếp biến hoà quyện vào nhau tạo nên một tổng phổ những sắc màu văn hoá, có những hình tượng lung linh đẹp mãi tỏa rạng đến hôm nay. Vẻ bên ngoài của lễ hội là nhằm tôn vinh ca ngợi lòng hiếu thảo, thể hiện ước mơ về một cuộc sống công bằng, hạnh phúc. Lễ hội tình yêu này có lẽ bản chất ban đầu là lễ hội cầu mưa, mà ảnh xạ của nó chính là hình tượng múa rồng, nghi thức lấy nước, rước nước giữa dòng sông Hồng về cúng lễ. Theo thời gian, lớp văn hóa này chìm đi và mang một diện mạo mới khiến cho lễ hội này rất độc đáo, lễ hội của TÌNH YÊU nằm trong số tràn ngập lễ hội thờ người anh hùng chống giặc ngoại xâm của các làng xã Việt Nam.
Tóm lại, cái hay, cái đẹp của lễ hội là gắn liền với câu chuyện về nhân vật Chử Đồng Tử. Và thật trùng hợp, anh bạn tôi cũng mang họ Chử. Ở làng Vạn Phúc Thanh Trì Hà Nội còn có cả một dòng họ Chử… Câu chuyện tình Chử Đồng Tử Tiên Dung mang một số yếu tố sáng tác và tư duy nghệ thuật khá đặc sắc. Trong đó những yếu tố của tư duy cổ tích pha trộn với những yếu tố của tư duy thần thoại, Phật thoại, tiên thoại. Truyện Chử Đồng Tử có thể nói có mầu sắc huyền ảo bậc nhất trong các truyện cổ tích Việt Nam. Có nhà nghiên cứu còn coi Chử Đồng Tử là một người anh hùng văn hoá xây dựng xóm làng, khai phá đầm lầy ở châu thổ sông Hồng. Trong tâm thức dân gian của vùng đồng bằng này, Thánh Chử mãi là một trong tứ bất tử của điện thần Việt Nam. Và chính những yếu tố đó càng làm cho lễ hội ở Đa Hòa thêm hấp dẫn.
Tien Nguyen, Hoàng Điệp và 109 người khác
43 bình luận
4 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.