Chủ nghĩa dân tộc qua một bộ phận học giả, tướng lĩnh và chính trị gia Trung Quốc

Leave a Comment
Sau 40 năm cải cách mở cửa hòa nhập vào thế giới tư bản, Trung Quốc đã có những bước phát triển thần kỳ. Từ một nước nghèo nàn lạc hậu thuộc thế giới thứ ba, họ đã vươn lên trở thành một nền kinh tế lớn thứ hai sau Mỹ. Thực tế Trung Quốc là một cường quốc mới trỗi dậy đáng chú ý nhất trong số các cường quốc. Họ vượt xa năng lực của các nước trong nhóm G20, nhóm BRICs. Ở một số lĩnh vực họ vượt qua các cường quốc đàn anh bậc trung như Anh, Pháp, Đức, Nga, Nhật Bản. Ở nhiều phương diện, vị trí cường quốc thứ hai sau Mỹ là điều mà nhiều nhà phân tích quốc tế đã công nhận. Và thực sự họ đã trở thành một cực chi phối trong quan hệ quốc tế.
Trong khoảng gần 10 năm trở lại đây, bắt đầu từ khi Tập Cân Bình được lựa chọn làm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Bắc Kinh bắt đầu tỏ ra ngày càng tham vọng và quyết đoán trong các vấn đề quốc tế. Họ theo đuổi vai trò lãnh đạo trong các cơ quan Liên Hợp Quốc. Không chấp nhận vai trò của mình với các định chế tài chính quốc tế, năm 2015 họ thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). Họ đưa ra Sáng kiến Vành đai Con đường. Vừa là để thoát khỏi xiềng xích cầm tù của vị trí địa chiến lược, vừa để vươn sức mạnh ra toàn cầu. Điều đáng chú ý nhất là họ đầu tư, chi tiêu cho quốc phòng mỗi năm một tăng (năm 2018 lên tới 250 tỷ USD), chỉ đứng sau Mỹ. Đặc biệt là họ đã, đang quân sự hóa, đưa vũ khí, khí tài ra các hòn đảo xâm chiếm của Việt Nam trên Biển Đông. Dư luận quốc tế và nhiều nước trong khối ASEAN không thể không lo ngại.
Trong nước, một mặt Bắc Kinh thường xuyên nhắc tới thế kỷ tủi nhục, khơi dậy chủ nghĩa dân tộc. Họ kêu gọi “phục hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại”, một siêu cường trong quá khứ có lãnh thổ rộng hơn hiện tại rất nhiều. Không ít học giả, tướng lĩnh, chính trị gia Trung quốc đang cổ súy cho một thứ chủ nghĩa dân tộc sô-vanh, bành trướng. Một mặt họ tăng cường Hán hóa các dân tộc. Tài liệu mới nhất của chính Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bị tiết lộ cho biết họ đang giam cầm hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ Hồi giáo trong các trại cải tạo tập trung ở Tân Cương. Cũng như vậy họ tăng cường kiểm soát khiến hàng nghìn nhà sư ở Tây Tạng phải rời khỏi các tu viện. Hàng trăm người đã tự thiêu trong thời gian qua để bảo vệ phong tục, tập quán của người Tạng. Đối với người Mông ở Khu tự trị Nội Mông, người Choang ở khu tự trị Choang cũng diễn ra tình trạng tương tự… Bắc Kinh tin rằng dân tộc Hoa Hạ là độc đáo, là trung tâm của nền văn minh Trung Quốc, là trung tâm của nền văn minh châu Á, thậm chí của cả nhân loại. Họ đang làm sống dậy học thuyết Khổng Tử từ gần nửa thiên kỷ trước công nguyên để cổ súy tinh thần “trung quân ái quốc” cho gần một tỷ tư người. Họ thực sự đã quên những bài học trong suốt chiều dài lịch sử, trong những thế kỷ gần đây. Họ đang đi theo vết xe đổ của các nước thực dân phương Tây, đi theo vết xe đổ của người Mỹ từ đầu thế kỷ 19 với học thuyết Monroe cấm không cho các cường quốc châu Âu được đặt chân đến châu Mỹ. Họ cũng đang đi theo vết xe đổ của phát xít Đức cực đoan chủng tộc dân tộc, đòi hỏi không gian sinh tồn cho người Đức. Họ cũng đang đi theo vết xe đổ của phát xít Nhật tự tôn dân tộc với thuyết Khối Thịnh vượng chung Đại Đông Á… Chính thứ chủ nghĩa dân tộc sô-vanh bành trướng đã dẫn đến những cuộc chiến tranh, thảm khốc nhất là hai cuộc chiến tranh thế giới dẫn tới hàng trăm triệu người bị giết hại. Họ quên rằng kẻ thất bại nhất chính là những kẻ gây chiến.
Bắc Kinh biện hộ việc phát triển quân sự là cần thiết để bảo vệ đất nước chống lại mưu đồ của Mỹ, phương Tây và các nước láng giềng thù địch, để bảo vệ “những quyền lợi hợp pháp của họ ở nước ngoài”. Họ vừa gây căng thẳng với các nước láng giềng như Ấn Độ, Nhật Bản, Việt Nam… Họ vừa hứa “sẽ trỗi dậy một cách hòa bình”. Liệu người ta có thể tin vào những gì Bắc Kinh nói với những gì Bắc Kinh đã làm. Họ đưa ra những khái niệm không có trong luật pháp quốc tế và đã bị Tòa Trọng tài Quốc tế bác bỏ năm 2016 như “quyền lịch sử, vùng biển lịch sử, sự hiện diện lịch sử” mơ hồ để đổi trắng thay đen, để độc chiếm Biển Đông, để vẽ lại bản đồ thế giới.
Theo dõi tờ China New gần đây, người ta thật sự kinh ngạc khi Trung Nam Hải đã cho đăng nhiều bài sặc mùi dân tộc chủ nghĩa, thể hiện quan điểm diều hâu của bộ phận trong giới tinh hoa Hoa Hạ. Đáng chú ý nhất là bài “Sáu cuộc chiến tranh trong 50 năm tới của Trung Quốc”. Người viết xin lược thuật lại một số nội dung chủ yếu. Họ cho rằng dân tộc Hoa Hạ là một dân tộc lớn nhưng chưa thống nhất. Đó là nỗi hổ thẹn của con cháu “Viêm Hoàng”. Vì vậy mục tiêu đầu tiên của Trung Quốc là phải phát động cuộc chiến tranh giải phóng Đài Loan vào thời điểm từ năm 2020 đến năm 2025. Cuộc chiến tiếp theo thứ hai là cuộc chiến với các nước Đông Nam Á nhằm thu hồi các đảo tại Biển Đông trong đó có Quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Cuộc chiến này dự định diễn ra vào năm 2025 đến năm 2030. Cuộc chiến thứ ba là cuộc chiến với Ấn Độ để thu hồi Nam Tây Tạng. Cuộc chiến này dự định diễn ra vào năm 2035 đến năm 2040. Cuộc chiến thứ tư là cuộc chiến với Nhật Bản thu hồi đảo Điếu Ngư. Cuộc chiến thứ năm là cuộc chiến thu hồi Nội Mông. Cuộc chiến thứ sáu là cuộc chiến với Nga thu hồi những vùng đất Nga Hoàng đã thôn tính trong quá khứ. Cuộc chiến cuối cùng dự định sẽ kết thúc vào năm 2060. Lý do cho tất cả những cuộc chiến tranh trên đều được giải thích đó là “quyền lịch sử của Trung Quốc”, một khái niệm cực kỳ nguy hiểm để biện minh cho tham vọng chiến lược bành trướng lãnh thổ. Họ cho rằng chỉ sau khi thực hiện được các mục tiêu nêu trên thì Trung Quốc mới tạm yên tâm cùng Mỹ, Liên minh châu Âu, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản thiết lập một một trật tự thế giới mới… Có nghĩa là Đông Nam Á trong đó có Việt Nam phải quy thuận Trung Quốc nếu muốn tồn tại.
Cho đến ngày hôm nay, nhiều học giả lạc quan cho rằng thế giới này dù nhiều biến động nhưng vẫn là thế giới toàn cầu hóa, đang nhất thể hóa nền kinh tế, thế giới của cuộc cách mạng 4.0, các nước trên thế giới dù lớn nhỏ đều đang phụ thuộc lẫn nhau. Vậy mà vẫn có không ít học giả, tướng lĩnh và chính trị gia Trung Quốc còn hoài niệm về một nhà nước Đại Hán thủa nào. Cái nhà nước ấy bao trùm gần hết Đông Nam Á, trong đó có lãnh thổ Việt Nam (ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, ảnh hưởng của cái tư tưởng này, Mao Trạch Đông, người cầm lái vĩ đại của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã để lại một di sản tư tưởng là phải chiếm lấy khu vực Đông Nam Á để làm chỗ đứng) . Họ lấy làm tiếc tại sao tổ tiên họ đã đô hộ Việt Nam gần 1000 năm rồi mà lại để tuột tay mất, để đến bây giờ vấn đề Biển Đông gặp quá nhiều trở ngại và giấc mộng "Trung Hoa vĩ đại" không biết sau 50 năm nữa có hoàn thành được không?
Riêng đối với Việt Nam, những cái đầu theo chủ nghĩa dân tộc bành trướng này đã tổng kết và phê phán tổ tiên họ: i, Tổ tiên họ tập trung quá nhiều nguồn lực lên hướng Bắc, sao lãng hướng Nam. ii, Tổ tiên họ không nhất quán trong đường lối cai trị, giáo hóa người Việt. iii, Chính quyền trung ương luôn luôn sa vào tình trạng tranh giành quyền lực, trong khi đó Việt Nam lại ở quá xa, không quản lý được những viên quan tham lam vô độ, không có tầm nhìn địa chính trị.iiii, Cuối cùng là tổ tiên họ quá nhân từ không mạnh tay đàn áp. Nói như cách nói của Tập Cận Bình đe dọa người Đài Loan và Hồng Kông là “kẻ nào muốn ly khai thì sẽ tan xương nát thịt”...
Nói tóm lại là những kiến giải của họ đều mang nặng tư tưởng thiên hạ là của họ nên không hiểu rằng chính ý thức dân tộc tự lực, tự cường của người Việt, chính sự khác biệt về văn hóa, chính chính sách cai trị và đồng hóa hà khắc, dã man, tàn độc như Nguyễn Trãi viết trong bài Cáo bình Ngô: “chặt hết trúc Lam Sơn không ghi hết tội, Tát cạn nước Đông hải không rửa hết mùi” đã khiến dân tộc Việt phải vùng lên đấu tranh trong suốt gần một thiên kỷ, để đến năm 938 vua Ngô Quyền chính thức mở ra thời kỳ độc lập, tự chủ cho dân tộc Việt.
Trung Quốc không áp đặt được sự thống trị của họ ở Việt Nam bởi vì họ là kẻ xâm lược, phi nghĩa. Tổ tiên họ đã vấp phải một dân tộc biết đoàn kết, kiên cường. Họ hoàn toàn nhầm lẫn, không phải tổ tiên họ đã để vuột mất Việt Nam mà họ không thể biến Việt Nam thành một quận huyện của họ được. Không biết bao nhiêu lần Trung Quốc đã tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam. Không một triều đại nào, không một chính thể nào của Trung Quốc không xâm lựợc Việt Nam. Tàu Tần, Tàu Hán, Tàu Tống, Tàu Nguyên, Tàu Minh, Tàu Thanh, Tàu Tưởng, Tàu Mao đều đã xâm lược Việt Nam nhưng họ đều không nuốt nổi mảnh đất hình chữ S. Tổ tiên họ, cha ông họ ngày trước đã như vậy, bây giờ và tương lai cũng vẫn sẽ như vậy.
Mong rằng các học giả, tướng lĩnh, các chính trị gia mang nặng tư tưởng Đại Hán Trung Quốc hãy chịu khó đọc lại lịch sử của chính dân tộc mình và lịch sử của nhân loại, nên suy ngẫm bài học trong quá khứ để tương lai nhân dân hai nước Việt-Trung luôn được sống trong hòa bình.
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.