Trở lại Dallas, Texas

Leave a Comment
Một buổi tối tôi nhận được mail của David. Ban đầu tôi cứ nghĩ là mail của cái anh chàng David hợp đồng dạy cho Trung tâm ngoại ngữ Camgridge -Thăng Long của tôi ở Hà Nội, anh sinh ra và lớn lên ở thành phố Columbia, Missouri. David học đại học tại Trường Đại học Misouri. Tốt nghiệp đại học xong, David sang Nga, Hàn quốc,Trung Quốc rồi đến Việt Nam. Mỗi nước David chỉ ở vài ba tháng. Để có tiền trang trải cho chuyến đi du lịch trải nghiệm, đến nước nào anh cũng xin dạy ở một trung tâm tiếng Anh. Riêng ở Hà Nội anh kí với tôi một hợp đồng 6 tháng. Tôi rất quý David. Một mặt vì anh ở thành phố nơi các con tôi đang học. Một mặt vì anh có thái độ làm việc hết sức nghiêm túc. Trước khi sang Mỹ, tôi đã đưa David đi chơi hội Cổ Loa, hội Gióng, hội Lim, hội Lệ Mật, hội Triều Khúc. Anh thích lắm, muốn được đi tìm hiểu vài ba chục lễ hội quanh Hà Nội. Tiếc rằng tôi sang Mỹ nên không đưa anh đi chơi được. Tôi nhẩm tính đến đầu tháng này chấm dứt hợp đồng, chắc anh đã về Mỹ theo học tiến sĩ nên mail cho tôi. Ở Việt Nam, hai chúng chúng tôi đã cùng nhau lên một chương trình du lịch trải nghiệm văn hóa Mỹ. Chỉ chờ đến hè anh về Columbia là chúng tôi bắt đầu.
Khi mở mail tôi mới biết không phải David ở Columbia, mà là David ở Dallas, ông bạn đường trên máy bay từ Việt Nam qua Nhật tới sân bay quốc tế Dallas. Tôi thật bất ngờ. David mời tôi đến thành phố quê hương ông để cùng ông đọc qua cuốn bản thảo ông viết về Việt Nam, một Việt Nam từ thủa ông là một người lính trẻ tham gia vào cuộc chiến tranh cuối những năm 1960 cho tới lúc ông là đại diện phòng thương mại Mỹ ở Việt Nam.
Ông muốn tham khảo ý kiến của tôi trước khi cho xuất bản. Trong Mail ông nói tôi cố gắng thu xếp thời gian ba đến năm ngày. Hai ngày dành cho cuốn sách. Còn lại thời gian ông sẽ đưa tôi đi thăm Trường St. Mark’s Schoolof Texas, trường học chỉ dành riêng cho những cậu con trai; Trường Hockaday School, trường học chỉ dành riêng cho các cô con gái; Trường Quốc tế Dallas International School, trường học đào tạo học sinh trở thành công dân toàn cầu lấy bằng tú tài quốc tế, dạy song ngữ với tiếng Anh và tiếng Pháp, cộng với học thêm một hoặc hai ngôn ngữ quốc tế khác. Cả ba trường trên đều là trường tư thục. Ngoài ra nếu tôi muốn, ông có thể dẫn tôi đi thăm một số trường đối tác của phòng thương mại, trường công hay trường tư từ tiểu học cho tới đại học.
Đọc xong mail của David, tôi thấy có một số điều lạ lùng. Thứ nhất là về mối quan hệ giữa phòng thương mại và nhà trường. Trong suy nghĩ của tôi phòng thương mại, một tổ chức phục vụ cho việc sản xuất kinh doanh thì có liên quan gì đến các nhà trường mà David lại nói phòng thương mại của ông có rất nhiều đối tác là trường học. Họ là đối tác của nhau trong những vấn đề gì và làm việc với nhau như thế nào? Thứ hai là tại sao lại có nhà trường phổ thông chỉ dành cho học sinh nam hoặc chỉ dành cho học sinh nữ. Cứ cho là do truyền thống các nhà thờ thành lập trường từ hàng thế kỉ trước, giống như trường Đại học Stephen Columbia Missouri chỉ dành cho sinh viên nữ, nhưng ở Texas là học sinh phổ thông, sao vẫn còn loại hình trường phân biệt như vậy. Thứ ba là về văn bằng của Trường Quốc tế Dallas. Học sinh của nhà trường hoàn thành nhiệm vụ học tập được cấp bằng tú tài quốc tế, không theo văn bằng của bang hay liên bang. Vậy thì nhà trường có chịu sự quản lí của ngành giáo dục thành phố không; nếu là đối tượng của sự quản lí thì những cơ sở thanh tra và kiểm tra giáo dục của Texas sẽ thanh tra và kiểm tra nhà trường như thế nào?
Tôi quyết định đi Dallas, Texas ngay sau khi báo cho Davis biết. Khoảng cách từ sân bay quốc tế Denver bang Colorado tới sân bay quốc tế Dallas bang Texas là 662 miles, tương đương với 1065 km. Thời gian bay theo thông báo khoảng 1h 36 phút. Tôi bay chuyến 6 h. Đúng 7h 35 phút máy bay hạ cánh tiếp đất. Xuống máy bay, theo dòng người hối hả, tôi ra khỏi sân bay. David đã đến cửa ga chờ đón. Sáng sớm, trời vẫn còn lạnh. Tôi phải mặc thêm áo khoác, còn David thì chỉ vận chiếc áo phông.
-           Rất vui được gặp lại ông Nguyễn.
-           Tôi cũng vậy, David.
-           Sau hai tháng gặp lại anh thế giới đã có bao nhiêu chuyện, David chỉ vào một tiệm ăn rồi nói tiếp, ta dùng bữa sáng đã.
-           Ông Nguyễn dùng pancake, French toast hay eggs benedic?
-           Eggs benedic (trứng và thịt tưới nước sốt), tôi cám ơn và tiếp tục chủ đề thời sự mà David vừa đề cập, có hai sự kiện lớn: Biến động chính trị ở Ucraina và việc giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đi vào thềm lục địa của Việt Nam.
-           Từ lâu người Mỹ và phương Tây đã chơi con bài Ucraina hòng kiềm chế Nga, ngăn ngừa Nga phục hưng đế chế Xô Viết cũ. Ucraina không chỉ là láng giềng phên giậu phía tây của Nga, vùng đệm giữa Nga - EU và khối NATO, Ucraina còn là đầu mối nối liền hai lục địa Á - Âu. Ai có Ucraina thì có cả lục địa Á - Âu. Không chỉ có Nga - Mỹ và phương Tây muốn có Ucraina mà ngay cả Trung Quốc cũng muốn có nhiều thứ ở Ucraina. Từ cuộc cách mạng màu đến nay, Mỹ và Phương Tây đã mất không biết bao nhiêu công sức và tiền của, nhưng xem chừng đều công cốc. Gấu Nga đã sáp nhập Creame. Các tỉnh miền Đông Ucraina thì đòi độc lập. Kịch bản nội chiến phân rã Ucraina giống như Liên bang Nam tư đã trở thành hiện thực. Cuối cùng chỉ có người dân Ucraina là nạn nhân.
-         Thế còn vụ việc giàn khoan thăm dò dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, David đánh giá như thế nào?
-         Chúng ta phải lui lại thời gian để nhìn nhận sự việc. Vào đầu những năm 1970, Tập đoàn Mao thông qua kế hoạch đánh chiếm quần đảo Hoàng sa. Năm 1979 lãnh đạo Trung quốc phát động cuộc chiến tranh xâm lược phía Bắc Việt Nam. Năm 1988 Đặng Tiểu Bình phê chuẩn kế hoạch tấn công chiếm một số đảo Trường sa làm bàn đạp. Sau đó là 10 năm “ giấu mình chờ thời của Đặng”. Việc Trung Quốc bành trướng xuống phía nam để lấp khoảng trống quyền lực khi Mỹ rút khỏi Đông Nam Á cũng tạm dừng lại, vì họ cần môi trường hòa bình để phát triển kinh tế. Nhưng bắt đầu từ năm 2010, chính xác là bắt đầu từ năm 2007, sau Đại hội Đảng 17, Trung Quốc thúc đẩy chiến lược xác định lại hiện trạng chủ quyền biển đảo để hiện thực hóa cái đường lưỡi bò hoang đường, nhằm độc chiếm Biển Đông. Và Biển Đông bắt đầu dậy sóng từ đó. Đương nhiên đối tượng ban đầu sẽ là chủ quyền lãnh thổ Việt Nam trên biển. Nạn nhân trước hết là tàu công vụ như tàu Bình Minh, tàu thăm dò địa chấn, tàu thuyền đánh cá của ngư dân. Tuy vậy phải sau Đại hội 18, khi Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, họ đã đổ tiền vào việc xây dựng và hiện đại hóa lực lượng quân đội trong đó có hải quân, sự việc bắt đầu trở nên khác. Tập Cận Bình lớn tiếng tuyên bố Ban lãnh đạo Trung Quốc có trách nhiệm với dân tộc, với nhân dân, với Đảng phục hưng sự vĩ đại của dân tộc Trung Hoa. Để trở thành siêu cường như giấc mơ của họ thì chỉ  có một con đường tiến ra biển giành vị trí chiến lược, giành tài nguyên. Và họ đã đi xa hơn việc tranh giành biển đảo với Việt Nam. Họ bắt đầu tranh giành bãi cạn Scarborough của Philippine, rồi kiểm soát bãi cạn này vào tháng 5 năm 2012. Tháng 6 năm 2012 họ thành lập Thành phố Tam Sa để kiểm soát trên 200 hòn đảo, bãi cát và rạn san hô trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường sa của Việt Nam cùng với toàn bộ vùng biển rộng 2 triệu km2 bao quanh đường lưỡi bò chín đoạn, có liên quan tới 4 nước Đông Nam Á. Chưa hết, cũng trong tháng 6, Tổng Công ty Dầu khí Trung Quốc mời thầu thăm dò khai thác dầu trên thềm lục địa của Việt Nam. Đến Tháng 11 năm 2012, tàu Trung Quốc lại cắt cáp tàu Bình Minh trên thềm lục địa của Việt Nam và quấy rối tàu thăm dò địa chấn của Malaysia trên thềm lục địa của Malaysia. Năm 2013, họ tiếp tục kéo tầu chiến đến tập trận và đánh dấu lãnh thổ trên vùng biển của Malaysia và Inđônesia. Trên biển Hoa Đông, Trung quốc cũng tranh giành nhiều đảo với Hàn Quốc, với Nhật Bản như Socotra và Senkaku. Nghiêm trọng hơn, Trung Quốc thiết lập vùng nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông, đồng thời có dấu hiệu áp đặt vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông. Còn cái vụ giàn khoan Hải Dương của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc vào khoan dầu tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam chỉ là chiêu bài chính trị để hiện thực hóa đường lưỡi bò của Trung quốc trên Biển Đông. Sắp tới đây ông Nguyễn sẽ thấy tình hình biển Đông còn căng thẳng hơn nữa. Với cái giàn khoan mà người ta gọi là lãnh thổ di động, Trung Quốc sẽ còn có những bài khác ở những điểm khác của Việt Nam, của Philippine, của Brunei, của Malaysia nếu như cái vụ giàn khoan này không được ngăn chặn.
-         Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển, vi phạm Tuyên bố Ứng xử của các bên về biển Đông. Nhưng nguy hiểm hơn là đe dọa hòa bình và ổn định của khu vực. Sức mạnh của Việt Nam thì có hạn, David nghĩ gì về vai trò của Việt Nam, của ASEAN, của EU, của các cường quốc khác trong đó có Mỹ nhằm ngăn chặn hành động của Trung Quốc?
-         Tôi chắc rằng các nước đều hiểu mục đích của Trung Quốc nhằm xác định lại hiện trạng chủ quyền bằng sức mạnh. Cụ thể trên Biển Đông là phải hiện thực hóa đường lưỡi bò chín đoạn. Với ưu thế về sức mạnh, họ hành động quyết đoán và cứng rắn. Cách thức họ tiến hành là huy động sức mạnh cả về mặt hành chính, pháp lí, dân sự và quân sự. Qua theo dõi tôi thấy cách thức họ thường tiến hành như sau: Sử dụng số lượng lớn tàu đánh cá dân sự đi tiên phong, tàu hải giám tàu ngư chính bám sát để bảo vệ, tàu hải quân sẵn sàng thị uy đe dọa. Trong khi đó, ngoại giao Trung Quốc lên tiếng kêu gọi đối thoại, vừa vu cáo vừa hăm dọa. Truyền thông Trung Quốc thì kích động dân chúng. Các tướng lĩnh Trung Quốc thì lớn tiếng kêu gọi dùng vũ lực. Ngoài ra, Trung Quốc còn sử dụng các biện pháp kinh tế để gây áp lực. Tóm lại họ đi theo đường lối pháo hạm của những đế quốc trước đây nhưng được che đậy có vẻ khéo léo hơn, nhưng thâm độc hơn. Nói như người Việt là “gắp lửa bỏ tay người” rồi “vừa ăn cướp vừa la làng”.
David dẫn hai câu thành ngữ bằng tiếng Việt. Ông nheo mắt cười rồi nói tiếp:
-           Tôi nói tiếng Việt đúng đấy chứ?
-           Hoàn toàn chính xác, tôi trả lời.
-           Vấn đề là ở chỗ, David nói tiếp, Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á-Thái Bình Dương vì khu vực này là thị trường đầy tiềm năng và vì để kiềm chế sự trỗi dậy hung hăng của Trung Quốc. Đương nhiên là Trung quốc không vui vẻ gì. Nhất là sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Obama tới Nhật, Hàn Quốc, Malaysia và Philippine để tăng cường quan hệ kinh tế, tăng cường hợp tác quân sự, củng cố đồng minh khu vực tạo ra đối trọng với sức mạnh đang lên của Trung Quốc. Có khả năngTrung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam như một phép thử để thách thức Mỹ và thăm dò phản ứng của các bên liên quan. Việt Nam phải đối phó với Trung Quốc như thế nào ư? Chính phủ và người dân Việt Nam đã làm rất tốt những điều cần phải làm vừa để bảo vệ chủ quyền vừa để giữ được hòa bình. ASEAN cũng đã làm những điều cần phải làm qua các tuyên bố của khối để đối phó với Trung Quốc. Còn EU ư, có lẽ họ còn bận nhiều việc khác. Tuy nhiên, các cường quốc có quyền lợi ở khu vực này, kể cả Mỹ họ có những cách thức riêng của họ để đối phó với Trung Quốc. Về vấn đè này, chúng ta sẽ nói sau. Đúng là sức mạnh của Việt Nam có hạn so với Trung Quốc. Điều đó bộc lộ rất rõ trong cái cách Việt Nam đối phó với chiếc giàn khoan. Nhưng tôi tin rằng Việt Nam không phải là Ucraina và Trung Quốc cũng không phải là Nga. Tôi hiểu người Việt. Tôi tin vào đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa của Chính phủ Việt Nam. Tôi cũng tin người Việt biết “kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại” để vượt qua thử thách này.
-           Cám ơn David.
-           Vấn đề quan trọng nhất là Việt Nam phải cải cách toàn diện để nhanh chóng phát triển kinh tế hội nhập cùng khu vực và thế giới. Lần trước tôi đã nói với ông Nguyễn rằng, Việt Nam cần phải nhanh chóng tham gia Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) để tránh kinh tế lệ thuộc vào Trung Quốc…
Điểm tâm sáng xong, David lái xe đưa tôi vào trong thành phố. Đường phố rộng rãi. Xe cộ nườm nượp. Có rất nhiều cầu vượt nên không thấy cảnh ách tắc. Thành phố Dallas trong mắt tôi không giống như tôi đã tưởng tượng, một thành phố với những tòa nhà chọc trời san sát và những dòng người hối hả đông đúc bất tận trên các ngả đường. Dallas không phải là thành phố như vậy, không có quá nhiều nhà cao tầng. Dallas là thành phố của 381 công viên đô thị, thành phố của hàng nghìn sân bóng, bãi tập, thành phố của hệ thống giao thông chằng chịt nối liền các khu dân cư với các khu công nghiệp. Dallas là thành phố lớn thứ 9 của Mỹ nhưng không có vẻ gì là chật chội, đông đúc. Không thấy người đi xe máy, xe đạp. Không có của hàng ăn uống trên các vỉa hè, không có các loại cửa hàng tạp phẩm lem nhem bên lề đường. Ngoài khu trung tâm, cũng giống như nhiều thành phố tôi đã đi qua, nhà nào cũng giống như biệt thự, có vườn riêng cách biệt với hàng xóm bằng một hàng rào gỗ hay một hàng cây. Các khu vực dân cư đều rất sạch, nhiều cây xanh và thảm cỏ.
Chỉ có trung tâm downtown Dallas là có nhiều tòa nhà chọc trời. Khoảng cách giữa các tòa nhà, cùng với những con đường thênh thang, những khoảng thâm thấp của những công trình một vài tầng khiến tôi cảm thấy khu vực có mật độ xây dựng cao nhất thành phố cũng vẫn rộng rãi, thoáng đãng. Nơi đây tập trung nhiều cơ quan hành chính của thành phố. Có các bảo tàng lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, khu dịch vụ thương mại… Nhưng có lẽ Dallas được cả nước Mỹ và thế giới biết đến nhiều nhất với sự kiện Tổng thống John. F. Kenedy, một người có tư tưởng khác với nhiều chính trị gia hiếu chiến, đã bị ám sát ngày 22 tháng 11 năm 1963, khi đoàn xe của ông đi qua Dealy Plaza ở quảng trường trung tâm Dallas, để đến Dallas Trade Mart (Khu thương mại Dallas). Một số nhà phân tích chính trị Mỹ và thế giới cho rằng, nếu ông không bị ám sát, lịch sử gây chiến của nước Mỹ có lẽ sẽ có phần dịu hơn.
David dừng xe. Ông nói với tôi “Lần gặp trước tôi đã giới thiệu với ông một cách tổng quan về lịch sử chính trị - xã hội của Texas. Hôm nay tôi muốn ông thấy một phần lịch sử kinh tế của nó cách đây trên 150 năm”. Ông mở cửa xe. Chúng tôi cùng tản bộ trong Công viên Tượng người chăn bò, một công viên điêu khắc ngoài trời có tới cả trăm con bò với những đôi sừng nhọn hoắt và các Cowboy đủ các tư thế trên mình ngựa bằng đồng kích cỡ như người trong thực tế. Vườn tượng này gợi cho du khách hình dung một cách cụ thể và sống động về cuộc sống của người dân lập nghiệp vùng Dallas thủa xưa.
Chúng tôi leo lên đồi trên “con đường mòn gia súc”. Người ta ước tính có khoảng 350.000 con bò từ Texas ra đi về phía bắc qua con đường mòn này. Trên ngọn đồi, có ba bức phù điêu cũng bằng đồng khắc họa hình ảnh đàn bò, ngựa trong tư thế chạy tán loạn và hình ảnh sinh động của những cao bồi trên lưng ngựa. Bên cạnh đó, hai đài phun nước tượng trưng cho giếng nước đôi, nguồn nước trên con đường gia súc chảy xuống chân đồi vào một cái hồ. Men theo dòng nước rì rầm trong bóng cây, tôi nghe đâu đó chập chờn về số phận những con người đầy vất vả, can trường qua những mẩu chuyện mà tôi đã từng đọc…
David tiếp tục đưa tôi đến trước tòa nhà, trụ sở Phòng Thương mại Khu vực Dallas (Dallas Regional Chamber of Commerce). Theo David, Phòng Thương mại Khu vực Dallas đại diện cho các doanh nghiệp và các tổ chức ở Bắc Texas, trong đó có cả khu vực đô thị Dallas - Forthworth. Phòng thương mại này được thành lập năm 1909 trên cơ sở sáp nhập ba tổ chức nhỏ hơn. Phòng Thương mại được sự hỗ trợ của trên 3.000 doanh nghiệp và đại diện cho 600.000 người lao động. Mục tiêu của phòng là khuyến khích những nỗ lực, phối hợp giữa các doanh nghiệp và các cá nhân để duy trì, thúc đẩy môi trường kinh doanh lành mạnh; cung cấp những điều kiện thiết yếu cho hoạt động hiệu quả của các doanh nghiệp; tạo ra sự thịnh vượng thông qua các chính sách công cộng nhằm phát triển kinh tế trong khu vực.
David lưu ý tôi ở Dallas có nhiều phòng thương mại. Không kể các phòng thương mại đại diện cho các nước, các tập đoàn xuyên quốc gia, các bang của Mỹ, ở Dallas còn có các phòng thương mại đại diện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ theo truyền thống. Phần lớn họ là những tổ chức phi lợi nhuận. Mục đích của họ cũng giống như Phòng Thương mại Vùng Dallas, nhưng giới hạn ở một nhóm doanh nhân và có tính chất chuyên ở một số lĩnh vực. Chẳng hạn như họ chuyên hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ; cung cấp cho các doanh nghiệp cơ hội kết nối với các doanh nghiệp khác; Phối hợp tổ chức các sự kiện; cung cấp thông tin quản lí và các khóa đào tạo quản lí, thông tin về nhân lực… Ví dụ Phòng thương mại của những người da đen ở Dallas (Dallas Black Chamber of Commerce) hay Phòng Thương mại của những người gốc Tây Ban Nha và doanh nghiệp Tây Ban Nha (Dallas Greater Chamber of Commerce). Hai phòng thương mại này đại diện cho gần 2.000 doanh nghiệp người da đen và hơn 71,000 doanh nghiệp gốc Tây Ban Nha trong vùng.
David dẫn tôi lên phòng của mình trên tầng hai. Trước cửa phòng, trên cánh cửa có tấm biển ghi chức danh và tên David. Thì ra ông là một trong 35 “CEO” nhỏ điều hành các bộ phận của cơ quan này. Ông mở cửa mời tôi vào. Trong phòng kê một chiếc bàn làm việc ở chính giữa. Trên bàn có một chiếc máy tính bàn. Sau bàn làm việc là một chiếc tủ sắt. Ông mở tủ lấy ra một xếp ảnh. Ông chọn đưa cho tôi xem một số. Tất cả ảnh chụp đều là những sự kiện liên quan đến Việt Nam. Trong số đó có mấy tấm chụp tại cuộc “Hội thảo Đầu tư tại Việt Nam” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cùng với Hội đồng Thương mại Khu vực Dallas tổ chức tại Hội trường Phòng Thương mại vùng Dallas. David giải thích kĩ về một tấm ảnh. Đó là tấm ảnh chụp tất cả các thành viên. Về phía Việt Nam có Bộ trưởng Võ Hồng Phúc dẫn đầu một đoàn trên 50 người. Về phía Chính quyền bang có Thống đốc bang, Chủ tịch Phòng Thương mại cùng với hàng trăm doanh nghiệp, nhà đầu tư Mỹ.
-           Người ta nói rất nhiều về sự phát triển của một quốc gia là phụ thuộc vào giáo dục. Xin lỗi ông Nguyễn, tôi không tin, vì suy cho cùng giáo dục cũng chỉ là sản phẩm của một nền kinh tế. Theo quan điểm biện chứng, tất nhiên không thể phủ nhận vai trò của giáo dục trong việc đào tạo nhân lực cho nền kinh tế, nhưng người ta đã quá cường điệu vai trò của giáo dục. Tại sao người ta lại không nhấn mạnh đến yếu tố văn hóa và môi trường kinh doanh của một quốc gia? Hoa kỳ là nước phát triển nhất thế giới, bởi vì Hoa Kỳ có trình độ hoạt động kinh doanh cao nhất trên thế giới. Uỷ ban Kinh doanh Hoa Kỳ đã xây dựng chỉ số về tỉ lệ dân cư trong độ tuổi lao động lập công ty. Ở Hoa Kỳ là 12%. Ở Canada là 7,9%. Italia 5,7%. Anh 5,2%. Đức 4,7%. Pháp 2,2%. Nhật1,8%. Ông Nguyễn có biết ở Việt Nam có bao nhiêu doanh nghiệp không?
-           Thật xấu hổ với David tôi không chắc chắn lắm. Có lẽ là chưa đến một triệu.
-           Việt Nam hiện có khoảng trên 700.000 doang nghiệp. Việt Nam đặt chỉ tiêu phấn đấu cuối 2015 có 1,2 triệu doanh nghiệp và đến năm 2020 có 1,8 triệu doanh nghiệp. Còn ở Hoa Kỳ tính đến hết tháng 5 năm 2014 có trên 28 triệu doanh nghiệp. Nếu xếp theo chỉ số của Hoa Kỳ thì có lẽ Việt Nam ở mức 0,00 với một con số nào đó. Với số lượng doanh nghiệp ít ỏi theo cái đà này thì dù có 50% học sinh đến 70 % học sinh THPT của Việt Nam được học đại học và cao đẳng thì Việt Nam cũng khó có thể trở thành một nước công nghiệp theo đúng nghĩa của nó trong thời gian tới.
David chỉ cho tôi xem các loại bảng trong Nguồn thống kê của Phòng Thương mại Hoa Kỳ. Đáng chú ý nhất là Bảng thống kê tổng hợp các doanh nghiệp công nghiệp theo năm từ năm 1980 đến năm 2013 và Bảng thống kê các doanh nghiệp và lao động trong các doanh nghiệp sử dụng lao động cũng từ năm 1980 đến 2013. Đó là những bảng hống kê của cấp liên bang, thống kê của bang Texas, thống kê của khu vực thành phố Dallas… Tôi chỉ trích dẫn một năm bất kỳ, chẳng hạn năm 2008. Có 6 mục trong biểu bảng, tôi cũng chỉ xin trích ra 3 mục:
Các loại công ty
Số lượng
Người lao động
(trên bảng lương)
Tổng số công ty                         
27.757.676
150.664.265
Các công ty kinh doanh cá thể   
21.708.021

Các công ty sử dụng lao động     
6.049.655
120.604.265
Công ty có 1-4 nhân viên          
3.705.275
6.139.403
Công ty có 5-9 nhân viên          
1.060.250
6.974.591
   Công ty có 10-19 nhân viên         
644.842
8.656.182
Công ty có 29-99 nhân viên            
532.391
20.922.960
Công ty có 100-499 nhân viên       
88.586
17.173.728
Công ty có 500-749 nhân viên          
6.094
3.695.682
Công ty có 750-999 nhân viên          
2.970
2.561.972
Công ty có 1.000-1.499 nhân viên     
2.916
3.552.259
Công ty có 1.500-1.999 nhân viên     
1.549
2.664.416
Công ty 2.000-2.499 nhân viên             
842
2.094.728
Công ty 2.500-4.999 nhân viên            
1.920
6.687.266
Công ty 5.000- 9.999 nhân viên              
952
6.628.415
Công ty có 10.000 nhân viên trở lên        
975
32.852.603
Mỗi năm ở Mỹ có khoảng 2 triệu doanh nghiệp kinh doanh cá thể không thuê người lao động và 800 nghìn doanh nghiệp có thuê người lao động đăng ký kinh doanh. Khi đi vào hoạt động, mỗi loại hình doanh nghiệp trên cũng chỉ tồn tại khoảng trên dưới 100 ngàn doanh nghiệp. Tỉ lệ của những công ty mới thành lập và tỉ lệ của những công ty bị xóa bỏ ở Mỹ vào khoảng 4%. Tỉ lệ trung bình ở các nước Tây Âu là 2%. Ở Nhật khoảng 0,5%. Tốc độ cao của việc ra đời và xóa bỏ các doanh nghiệp là một đặc trưng rõ rệt về động thái phát triển kinh tế. Nó cho phép nền kinh tế Mỹ thích nghi với thị trường và thích nghi với sự phát triển công nghệ mới.
-  Tôi cho rằng, Davis nói, không phải sự phát triển giáo dục Hoa Kỳ dẫn tới sự phát triển trong kinh doanh, mà chính thái độ tôn trọng của xã hội đối với kinh doanh khiến nước này đi đầu trong sự phát triển kinh doanh. Trong lịch sử Hoa Kỳ, tầng lớp kinh doanh luôn luôn đóng một vai trò lớn và vẫn tiếp tục đóng một vai trò lớn. Chính họ đã đặt nền tảng cho sự phồn vinh của đất nước từ các thế kỉ 18,19. Họ là những người chấp nhận mạo hiểm, những người gan góc và tháo vát nhất thuộc các nước khác nhau từ châu Âu vượt Đại Tây Dương sang miền đất mới. Xã hội Hoa Kỳ luôn luôn coi trọng chủ nghĩa cá nhân, tính chủ động của cá nhân, khả năng tự đảm bảo cuộc sống của cá nhân mà không chờ đợi xã hội lập ra một chế độ bình đẳng và phúc lợi chung. Đa số người dân coi sự khác nhau về mức sống, mức thu nhập là một điều đương nhiên. Vì thế người ta có động cơ mạnh mẽ và sự ủng hộ tinh thần để chủ động kinh doanh, phát triển sự nghiệp kinh doanh nhằm mục đích cải thiện chất lượng cuộc sống. Những lí do lịch sử riêng biệt đã tạo nên cho Hoa Kỳ một môi trường văn hóa trọng kinh doanh, sùng bái kinh doanh, coi kinh doanh là một hoạt động xã hội có uy tín. Vì kinh doanh gắn liền với rủi ro và thất bại nên không ai đả kích, dè bỉu người kinh doanh thất bại. Trái lại xã hội còn bù đắp cho họ về những rủi ro mà họ đã gánh quá sức mình. Thất bại là một phí tổn bình thường, có khi còn là một sự chuẩn bị tốt hơn cho một dự án mới. Theo thống kê của chúng tôi, 73% những người thất bại vẫn tiếp tục lao vào lĩnh vực kinh doanh mới. Nếu họ không đủ dũng cảm để kinh doanh thì họ vẫn có khả năng xin vào được những vị trí được trả lương cao trong những doanh nghiệp lớn.
-        Ngoài nhân tố văn hóa kích thích sản xuất kinh doanh như David vừa nói, ở Mỹ còn những nhân tố gì nữa?
-        Tôi nghĩ nhân tố quan trọng tiếp theo có tác động đến trình độ kinh doanh hay ảnh hưởng đến kinh doanh là trình độ giáo dục kinh doanh chung và trình độ giáo dục về chuyên ngành. Trong lĩnh vực này, Hoa Kỳ là một trong những quốc gia có ưu thế nhất thế giới. 80% dân cư trong độ tuổi lao động đều qua THPT, cao đẳng và đại học. Người ta đã đưa chương trình kinh doanh vào trường trung học. Bắt đầu từ năm 2000, hàng trăm trường đại học đổi mới giáo trình quản trị đại cương cổ điển bằng giáo trình mới, gọi là giáo trình quản trị kinh doanh. Tuy nhiên có một điều thú vị, ở Hoa Kỳ một phần ba những nhà kinh doanh chưa học hết đại học. Chẳng hạn như doanh nhân từ Rockefeller đến Billgates. Ngoài ra còn những nhân tố căn bản kích thích kinh doanh nữa là khả năng tăng thu nhập, lợi nhuận của chủ doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trọng tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ cũng như cơ cấu hạ tầng kinh doanh phát triển, chính sách thuế ưu đãi…
-        Tôi muốn hỏi David một điều.
-        Ông cứ hỏi.
-        Trong mail David gửi tôi, nói phòng thương mại có rất nhiều đối tác trường học?
-        Đúng vậy. Hơn 30 mươi trường cao đẳng, đại học và tất cả các trường trung học trên địa bàn thành phố Dallas.
-        Phòng thương mại thì có liên quan gì đến giáo dục?
-        Sao lại không? Phòng thương mại có 35 “ CEO” bộ phận phụ trách 35 đầu việc. Ngoài CEO phụ trách riêng về mảng giáo dục thì còn có đến gần 20 CEO có liên quan đến giáo dục. Phòng thương mại của chúng tôi có kế hoạch làm việc và phối hợp chặt chẽ với các nhà cung cấp giáo dục trong khu vực để chuẩn bị lực lượng lao động cho thế hệ tiếp theo, nhằm đảm bảo sự thịnh vượng và sự phát triển cho khu vực.
-        Tôi nghĩ rằng ở Việt Nam không có chuyện này. Các phòng thương mại hay phòng công nghiệp từ cấp trung ương đến địa phương ai người ta đi lo chuyện giáo dục. Giáo dục là việc của Bộ Giáo dục. Dạy nghề là việc của Bộ Thương binh và Xã hội. Gần 40 năm công tác trong ngành giáo dục tôi chưa bao giờ được gặp người nào của phòng thương mại hay phòng công nghiệp hoặc các doanh nhân đến trường phổ thông làm việc vì sự nghiệp giáo dục chung của xã hội. Ngoại trừ mới đây tôi được biết Tập đoàn Viettel Việt Nam đã kí với Bộ Giáo dục đưa Internet băng siêu rộng bằng cáp quang cho các trường học, tạo điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin vào việc dạy và học, triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục, xây dựng kho dữ liệu học tập trực tuyến, kênh truyền hình giáo dục, kênh học theo yêu cầu trên truyền hình cáp quang. Tôi thấy đây là một doanh nghiệp hiếm hoi đầu tư cho giáo dục, nhưng suy cho cùng thì doanh nghiệp này vẫn là của nhà nước và không biết đến bao giờ những thỏa thuận trên mới đi vào thực tế cuộc sống.
-        Hoa kỳ là một xã hội dân sự. Các cá nhân và tổ chức của họ biết tự lo cho mình chứ không trông chờ vào nhà nước. Tất nhiên họ biết cách làm thế nào để biến những lợi ích của cá nhân và của tổ chức thành chính sách công cộng.
-        Vậy kế hoạch công tác giáo dục của phòng thương mại là gì? Phòng đã làm việc với các đối tác nhà trường, cụ thể là đối với thầy và trò như thế nào?
-        Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch kinh tế thịnh vượng dài hạn và ngắn hạn cho khu vực. Để thực hiện điều này, đương nhiên chúng tôi phải chăm lo cho các doanh nghiệp phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Chúng tôi gọi đó là sự phát triển bền vững. Riêng trong lĩnh vực giáo dục, chúng tôi tổ chức những khóa học cho các giám đốc, phó giám đốc, các điều hành viên cao cấp, những lớp học chuyên đề như: Sáng kiến doanh nghiệp nhỏ, ứng dụng thanh toán các loại phí trực tuyến, bồi dưỡng nữ doanh nghiệp… Ngoài ra chúng tôi còn làm việc với ngành giáo dục để nâng cao chất lượng giáo dục. Chẳng hạn như làm thế nào để nâng tỉ lệ tốt nghiệp THPT từ xấp xỉ 70% lên 80% vào năm 2015. Làm thế nào để nâng trình độ dân cư tiên tiến, tức là dân cư có trình độ sau đại học từ 10% lên 15%. Chúng tôi cam kết phần việc nào là của nhà trường, phần việc nào là của các doanh nghiệp. Chúng tôi tổ chức những lớp học gọi là Trại tập trung vì tương lai cho học sinh lớp 11 và lớp 12. Bây giờ tôi mời ông lên tầng thăm một trong những lớp đó.
David giải thích với tôi rằng sở dĩ gọi là Trại Tập trung vì tương lai là vì nó không giống như lớp học mà học sinh học thường ngày ở các nhà trường. Trại tập trung mà David đưa tôi lên để tham quan thực tế là một lớp học. Nó rộng gấp ba lớp học bình thường. Có 4 máy chiếu và 4 màn hình dành cho giáo viên và học sinh. Có 75 học sinh trong lớp học trên tổng số 100 máy tính. Tất cả học sinh đều đang làm việc trên máy tính để tìm hiểu địa chỉ các trường cao đẳng và đại học trong thành phố, trong bang cũng như ngoài bang. Có 5 giáo viên phụ trách các mảng trực tiếp hướng dẫn và giao lưu với học sinh. Các giáo viên sẽ đưa ra các dự báo về việc làm từ yêu cầu của các nhà tuyển dụng đến xu hướng trong thời gian sắp tới của các doanh nghiệp để học sinh tham khảo. David còn cho tôi biết ở các lớp học, học sinh còn được đưa tới các doanh nghiệp, các trường cao đẳng và đại học để tham quan hoặc trực tiếp làm việc với các phòng chức năng của các cơ sở. Học sinh còn được hướng dẫn làm hồ sơ vào các trường nghề, vào các trường cao đẳng và đại học phù hợp với sở thích của riêng mình.
Ra khỏi phòng học, David tiếp tục giới thiệu với tôi về “Dự án Làm hiệu trưởng một ngày”. Dự án này được Phòng Thương mại Dallas tổ chức trong suốt cả năm học. Thành phần của đoàn bao gồm các nghị sĩ, lãnh đạo thành phố, các cơ quan ban ngành và đặc biệt là các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Tất cả cùng đi vào các nhà trường trong khu vực nhằm nâng cao sự hiểu biết giữa các cá nhân, các đơn vị ở cả hai phía. Các lãnh đạo doanh nghiệp trực tiếp chia sẻ những vấn đề về doanh nghiệp, về nhân sự với các cán bộ và giáo viên. Ngược lại họ cũng được nghe các hiệu trưởng, các giáo viên chia sẻ về những thuận lợi và những khó khăn của các nhà trường trong công tác giáo dục. Giữa họ dần dần hình thành quan hệ đối tác: Doanh nghiệp - nhà trường. Phòng Thương mại vừa là đối tác vừa là cầu nối giữa doanh nghiệp và nhà trường để đảm bảo nền giáo dục ở địa phương có chất lượng và hiệu quả. 
David cho rằng việc tổ chức thực hiện “ Dự án Làm hiệu trưởng một ngày” có một tác động nhất định đối với xã hội và giáo dục. Các thành viên trong đoàn được trải nghiệm một ngày giảng dạy và học tập của thầy trò. Đó là một hình thức tiếp xúc thực tế để tăng cường sự hiểu biết, tạo điều kiện thảo luận những vấn đề liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành cần phối hợp, cần quan tâm. Những mong đợi, những chia sẻ, những cam kết, những quyết sách chuẩn bị cho tương lai, tất cả cần sự phối hợp giữa các bên để cuối cùng là đảm bảo sự thành công của các học sinh, sinh viên. David kết luận, học sinh của các nhà trường: “ Đó là những con người lao động sáng tạo của khu vực và đồng thời cũng là những công dân toàn cầu thích ứng trong thời đại toàn cầu hóa”. Phòng thương mại và các doanh nghiệp phải có trách nhiệm chăm lo ngay từ khi họ còn ngồi trên ghế nhà trường.
Xưa nay tôi hiểu xã hội dân sự theo cách hiểu của tôi, thuần lí thuyết, là xã hội được cấu thành từ tổng thể các tổ chức xã hội và dân sự tự nguyện mà các tổ chức này tạo nên cơ sở của một xã hội tự vận hành, khác với cấu trúc quyền lực của nhà nước. Hiểu theo nghĩa này tôi thấy xã hội của chúng ta đúng là một xã hội dân sự. Tôi không đề cập tới khía cạnh chính trị của chế độ xã hội, của hiến pháp mà chỉ đề cập đến khía cạnh người dân từ trẻ đến già đều được tham gia tất cả các tổ chức chính trị, xã hội và nghề nghiệp tự nguyện. Ai cũng có quyền bày tỏ ý kiến, nhưng thực sự các tổ chức dân sự tự vận hành hay tác động đến sự phát triển của xã hội, ở Việt Nam điều đó còn quá xa vời. Tôi thấy những tổ chức xã hội, nghề nghiệp của chúng ta đã hành chính hóa, quan liêu hóa và thực tế nó đồng nhất với nhà nước. Vì vậy cái tính dân sự và sự tự vận hành của tổ chức rất mờ nhạt. Ở Mỹ thì khác, tính dân sự và sự vận hành của các tổ chức xã hội và nghề nghiệp mang tính độc lập tương đối. Nó không phụ thuộc vào đảng phái chính trị hay nhà nước. Nó đảm bảo quyền lợi tối đa cho cả người dân lẫn tổ chức.
Trên đường về nhà David, ông dẫn tôi ghé thăm Ngôi nhà của những người Việt cao tuổi ở thành phố Dallas (House of the Vietnamese elderly people in the city of Dallas). David cho tôi biết đó không phải là nơi để làm công việc từ thiện và cũng không phải là trại dưỡng lão. Trên thực tế nó hoạt động như một doanh nghiệp xã hội, phục vụ cho cộng đồng người Việt cao tuổi trong thành phố. Kinh phí hoạt động của tổ chức được huy động từ các thành viên, các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm và quỹ phúc lợi của thành phố cùng với sự phối hợp của nhiều ban ngành chức năng trong thành phố.
Ngôi nhà của những người Việt có một không gian rộng khoảng 6 đến 7 ha, rợp trong bóng cây cổ thụ. Ở chính giữa khu đất này là ba dãy nhà một tầng, nối liền với nhau bằng những lối đi có mái che. Xung quanh các lối đi, nằm ở giữa các dãy nhà là các vườn hoa nho nhỏ xinh xắn. Nơi đây có hội trường để hội họp và xem biểu diễn các loại hình nghệ thuật cho khoảng trên một trăm người. Có phòng thư viện mấy nghìn đầu sách và phòng đọc trực tuyến. Có phòng tập đa năng bao gồm các bàn bóng bàn, sân bóng chuyền, cầu lông. Có phòng chơi cờ tướng, cờ vua, cờ vây. Có phòng y tế và tư vấn sức khỏe. Có khu nhà ăn. Có một dãy riêng bao gồm mấy chục phòng dành cho việc nghỉ ngơi.
Ông Hùng, giám đốc trung tâm tiếp tôi và David. Hai người họ đã biết nhau từ trước, và qua cách nói chuyện, tôi đoán họ đã từng phối hợp làm việc với nhau từ rất lâu rồi. Ông Hùng quê ở Hưng Yên, năm nay 70 tuổi. Ông vốn là một doanh nhân thành đạt ở Sài Gòn từ đầu những năm 1970. Năm 1975 gia đình ông di tản sang Mỹ. Ông tiếp tục công việc kinh doanh ở Mỹ. Năm ông 65 tuổi ông giao doanh nghiệp cho con trai và lập ra doanh nghiệp xã hội này. Ông khoe với tôi có một ông anh là đại tá quân đội nhân dân Việt Nam, hiện đang nghỉ hưu ở Nam Đồng, Hà Nội. Ông đã ba lần cùng vợ về Việt Nam thăm bạn bè, thăm gia đình ông anh. Ông kể cho tôi nghe những kỉ niệm về Nha Trang, Huế, Hà Nội, Hạ Long… Năm nay, ông đang chờ đón gia đình ông anh sang chơi.
Mặc dầu đây là cơ sở của cá nhân ông Hùng và ông là giám đốc, nhưng sáng nào ông cũng tự lái ô tô, cùng với một số anh em lái xe đón sáu đến bảy chục các ông, các bà ở rải rác trong thành phố về trung tâm. Bốn giờ chiều, ông lại cùng với các anh em đưa họ về nhà. Ông tổ chức cho sáu bảy chục con người già cả, con cháu đi làm và đi học cả ngày, một mình không biết làm gì ở nhà, tự nguyện đến trung tâm vui chơi giải trí như xem phim, thể dục thể thao, khiêu vũ, đọc sách, đánh cờ hay học tập theo các chuyên đề hoặc đi tham quan dã ngoại đâu đó trong suốt cả tuần. Mới đầu trung tâm chỉ thu hút người Việt, bây giờ thì có cả người Mỹ cũng tham gia. Ông cho tôi biết, trên trang web của ông có tới hàng trăm người đã đăng kí đến trung tâm. Ông Hùng dẫn tôi đến thăm một lớp học của các cụ ông, cụ bà. Lớp học có khoảng hai mươi cụ. Mỗi cụ có một ipad và một iphone trên bàn. Các cụ được các cháu, đa số là học sinh, sinh viên tình nguyện người Việt và người Mỹ dạy cách sử dụng ipad và iphone. Cách dạy hoàn toàn theo phương pháp chỉ tay dạy thao tác trên màn hình và trên máy. Tôi thấy không khí lớp học rất vui vẻ. Tiếng cười đùa trong lớp cứ râm ran. Giữa thầy và trò không có một chút khoảng cách nào.
Sau gần một giờ tham quan, chuyện trò với mọi người trong các phòng khác nhau, tôi được ông Hùng mời nói chuyện với “các cụ” về vấn đề Biển Đông trong vài ngày tới. Mặc dầu rất bận với công việc nhưng tôi vẫn nhận lời. Tiễn chúng tôi ra đến bãi xe, ông hẹn sẽ đến nhà David đón tôi. Cũng may tôi đã giảng dạy chuyên đề “Biển Đông với Hoàng Sa và Trường Sa” cho học sinh, sinh viên từ năm 2011 nên không cần phải chuẩn bị thêm gì. Chỉ có điều ở đây là đối tượng nhiều tuổi. Trình độ văn hóa không cao, lại ở hải ngoại. Phải nói và sử dụng những đoạn video, những hình ảnh như thế nào cho phù hợp. Tôi lướt qua trong đầu cái sườn: Khái niệm về Biển Đông và hình ảnh các quần đảo ở Biển Đông, vị trí và vai trò của Biển Đông, vị trí và vai trò chiến lược của Hoàng Sa và Trường sa, các quốc gia có tranh chấp chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa cùng với đoạn phim tư liệu “Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam”… Có lẽ tùy theo thái độ của mọi người, tôi sẽ điều chỉnh bài nói chuyện của mình vào hôm tới.
Đây là cơ hội để tôi tìm hiểu thêm về tâm tư tình cảm của thế hệ đầu tiên sang Mỹ sau năm 1975. Và biết đâu đấy, nếu sức khỏe cho phép, năm nào tôi cũng sang Mỹ vài ba tháng, tôi sẽ trở thành cộng tác viên của Ngôi nhà những người Việt cao tuổi này. Tôi sẽ phải cắt bớt chương trình đi thực tế ở một vài trường học ở Dallas, nhưng điều đó chẳng có ảnh hưởng gì đến mục đích chuyến đi của tôi. Tối nay, tôi sẽ bàn chi tiết lịch làm việc với David. Thật may mắn, trong chuyến đi này tôi làm quen với ông. Tôi được biết thêm nhiều điều thú vị. Nếu không có ông, tôi vẫn chỉ nhìn nước Mỹ như một khách du lịch và chỉ có cái nhìn nước Mỹ của một người lữ hành ngoài cuộc.


Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.