Trở lại Hạ Long

1 comment

 Trở lại Hạ Long

Nhân kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10), anh em cựu chiến binh Trung đoàn 3 Sư đoàn 324 khu vực Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội tổ chức chuyến đi thăm Hạ Long và thực hiện buổi giao lưu với các cựu chiến binh trung đoàn tại Quảng Ninh.
Hơn 8h xe đưa chúng tôi đến nghĩa trang thành phố Hạ Long, điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến đi ba ngày. Tại đây chúng tôi làm lễ dâng hương, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong đó có các anh hùng liệt sĩ Trung đoàn 3 Sư 324 yêu quý của chúng tôi.
Anh Trung cùng một số anh em cựu chiến binh khu vực Quảng Ninh đã chờ đón đoàn tại nghĩa trang. Anh em chúng tôi tay bắt mặt mừng, cùng nhau nhận đại đội, nhận tiểu đoàn những ngày còn ở chiến trường. Như một thông lệ, chúng tôi ôn lại những kỷ niệm về đồng đội, nói về những người còn mất. Chúng tôi sẽ không bao giờ còn được gặp lại một số đồng đội thân thương nữa. Không nói ra, người nào người nấy lòng nhủ lòng phải dành thời gian cho nhau nhiều hơn. Thời gian đã không còn ủng hộ chúng tôi… Rất tiếc Ban chỉ huy Trung đoàn 3 Sư 324 hiện tại đột xuất phải đi trợ giúp nhân dân Thừa Thiên-Huế chống lũ lụt, nên kế hoạch đến thăm một, hai gia đình liệt sĩ phải hoãn đến lần sau.
Sau khi viếng nghĩa trang, anh Trung thay mặt anh em Quảng Ninh dẫn chúng tôi đi thăm Bảo tàng- Thư viện Quảng Ninh. Bảo tàng- Thư viện nằm bên đường khu vực phía đông thành phố. Khối kiến trúc này là một công trình văn hóa đẹp và là điểm nhấn của khu vực kỳ quan thiên nhiên nổi tiếng: Vịnh Hạ Long, một điểm đến hấp dẫn thu hút đông đảo người dân trong nước và du khách quốc tế.
Phần bên ngoài bảo tàng là một màu đen nhung trên nền biển, trời xanh thẳm của thành phố biển. Cạnh cổng ra vào có một khối than nguyên khối lớn kỷ lục 28 tấn nằm sừng sững cùng với không gian trưng bày các tác phẩm điêu khắc nghệ thuật đặc sắc khác tạo nên ấn tượng ban đầu thật khó quên với chúng tôi.
Bảo tàng gồm 3 tầng, phác họa những nét cơ bản và đặc trưng nhất về vùng đất Quảng Ninh theo không gian và thời gian, từ thời tiền sử đến nay, từ miền rừng núi tới đồng bằng, ven biển biển, một hình ảnh một Việt Nam thu nhỏ với nhiều hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa. Trái với màu đen bên ngoài, màu trắng là gam màu chủ đạo cho không gian bên trong nhằm làm nổi bật các hiện vật trưng bày trong bảo tàng.
Tầng 1 là không gian của biển cả và thiên nhiên của Hạ Long. Chính giữa trưng bày một con thuyền. Phía trên là bộ khung xương cá voi. Điểm độc đáo của tầng 1 là 4 cột trưng bày dạng ống núi được bao phủ bằng lớp vải mang hình ảnh núi đá vịnh Hạ Long, kết hợp hình ảnh trình chiếu 3 D tạo hiệu ứng nước biển khiến ta có cảm giác như đang đi trong lòng vịnh diễm lệ. Mỗi ống núi là một không gian riêng biểu hiện quá trình kiến tạo địa chất và hệ sinh thái biển, động thực vật đặc hữu của Quảng Ninh.
Tầng 2 có nhiều khu trưng bày các hiện vật, các giá trị văn hóa, lịch sử, đặc biệt là nền văn hóa Hạ Long nổi tiếng. Với thiết kế mô phỏng lòng thuyền, gian đầu là nơi trưng bày các hiện vật khảo cổ các thời kỳ tiền sử, sơ sử cho tới hiện tại. Các gian tiếp theo mô tả đời sống, sinh hoạt của các dân tộc Dao, Tày, Sán Dìu…
Khu vực trưng bày Quảng Ninh thời chống Pháp được thiết kế với rừng cây bao phủ tượng trưng cho Chiến khu Đông Triều anh hùng. Khu vực trưng bày Quảng Ninh thời kỳ chống Mỹ được đặt trong không gian tựa như khoang máy bay, gợi nhớ về chiến công của lực lượng phòng không, không quân từ ngày 5/8/1964…
Không gian văn hóa tâm linh gắn với Yên Tử và thiền phái Trúc Lâm được bố trí ở một khu vực riêng. Tại đây có mô hình chùa Đồng và nhiều hiện vật cổ quý báu. Bên cạnh đó là không gian của các hiện vật di sản nhà Trần ở Đông Triều, mô hình bãi cọc thị xã Quảng Yên, Đầm Nhử… Tất cả gợi lên một Quảng Ninh anh hùng giàu truyền thống.
Không gian cuối cùng là nơi trưng bày hình ảnh Bác Hồ với miền đất Quảng Ninh, nơi Bác về thăm 7 lần. Năm 1946, Bác đã nói: “Vùng mỏ của đất nước ta thật là đẹp và giàu. Thợ mỏ của ta thật vô cùng anh dũng”. Cùng với những tư liệu lịch sử khác, đây là nơi giáo dục truyền thống quý báu cho các thế hệ người dân hôm nay.
Tầng 3 là tầng mô phỏng hệ thống hầm lò khai thác than với thiết kế, kích thước như thật. Du khách được trải nghiệm lịch sử khai thác than từ những ngày Thực dân Pháp khai thác thủ công đến kỹ thuật khai thác than hiện đại ngày nay…
Đúng như anh Trung nói với chúng tôi, Bảo tàng Quảng Ninh là một công trình văn hóa, một sản phẩm du lịch đặc sắc không thể bỏ qua. Với tư cách là cán bộ khối văn phòng trực thuộc thành phố đã nghỉ hưu, anh Trung đã kết nối chúng tôi với người hướng dẫn thuyết minh và trực tiếp thuyết minh cho chúng tôi về quê hương mình với lòng hiếu khách vừa nhiệt tình vừa xúc động, tự hào.
Tiếp theo anh Trung dẫn chúng tôi tới thăm Cung quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh Quảng Ninh. Cung quy hoạch, hội chợ và triển lãm Quảng Ninh xây dựng bên trục đường Trần Quốc Nghiễn, nằm trong quần thể kiến trúc chung của thành phố Hạ Long. Công trình này có diện tích đất sử dụng trên 3ha. Đây là một công trình độc đáo.
Công trình có tổng diện tích xây dựng 20.700m2. Nó mô phỏng hình con cá heo vờn con sò biển. Giới chuyên môn đánh giá công trình có thiết kế phá cách, tạo nét kiến trúc rất lạ. Công trình này cùng 9 với công trình xây dựng trên thế giới đã được đăng quang nhận giải thưởng Kiến trúc quốc tế năm 2019.
Đến đây, chúng tôi được anh Trung và hướng dẫn viên giới thiệu chiêm ngưỡng toàn cảnh địa lý, giao thông, hạ tầng, khu kinh tế du lịch của tỉnh Quảng Ninh thông qua hàng chục màn hình trình chiếu và các mô hình, bản vẽ thực tiễn từ những năm 2000 đến năm 2050.
Công trình có 2 khối, được liên kết với nhau bằng hệ thống thang máy, thang cuốn và thang bộ. Khối thứ nhất hình con ngọc trai có 2 tầng sàn dùng để tổ chức các sự kiện, hội chợ, triển lãm và trưng bày quy hoạch vùng. Khối thứ hai có hình một con cá heo khổng lồ với chiều dài 320m, chiều rộng có chỗ tới 45m dùng để trưng bày các đồ án quy hoạch, những công trình kiến trúc, tâm linh tiêu biểu.
Công trình còn là nơi giao lưu văn hóa, tổ chức hội chợ, xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế; gắn với các công trình quảng trường 30/10, bảo tàng, thư viện, cung văn hóa thiếu nhi và công viên Lán Bè thành một quần thể du lịch góp phần thu hút du khách ở với Hạ Long nhiều ngày.
Lâu lắm rồi chúng tôi mới được xả hơi thỏa thích, một kiểu vui chơi của tuổi trẻ. Chúng tôi vào phòng chiếu 360 độ để thưởng thức thành tựu khoa học, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến hàng đầu của Việt Nam. Tôi nghĩ nó không thua kém là bao so với công nghệ vui chơi, giải trí ở một số bảo tàng của Mỹ tôi đã tới thăm.
Tôi cùng anh chị em cuốn hút vào nhiều trò chơi điện tử hấp dẫn như ở chốn thiên thai. Đặc biệt là trò chơi ở thủy cung. Chúng tôi tô màu vào các sinh vật biển, ký tên mình trên tờ giấy và đưa vào chiếc máy điện tử. Trên màn hình gắn lên bức tường, hiện ra những sinh vật của chúng tôi vừa tô màu đang bơi lượn dưới biển khơi. Chúng tôi chạy đuổi theo với bao cảm xúc. Tiếp đó chúng tôi vào cung nghỉ ngơi bốn mùa… Một địa điểm thật lý thú. Hy vọng hè sang năm, Covid-19 được khống chế hoàn toàn, tôi sẽ đưa các cháu tôi đến đây cùng vui chơi!
Điểm cuối cùng trong ngày anh Trung dẫn chúng tôi đi thăm là con đường bao biển Trần Quốc Nghiễn, đoạn từ cầu Bài Thơ đến điểm nối đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả có tổng mức đầu tư 1.300 tỉ đồng, dài 4,7 km. Mặt đường được nâng cấp từ 4 lên 6 làn xe. Đặc biệt, vỉa hè bên trong rộng 5 m, phía ngoài kết hợp với khuôn viên cảnh quan ngắm vịnh Hạ Long mở rộng 28 m, được thiết kế độc đáo với các hạng mục giải trí ấn tượng. Mọi người phải thừa nhận ở Việt Nam ít có tuyến đường bao biển nào đẹp như con đường Trần Quốc Nghiễn.
Xe đi chầm chậm. Anh Trung giới thiệu cho chúng tôi nghe lịch sử hình thành và xây dựng con đường này. Nơi đây mỗi mùa du lịch sẽ thu hút hàng trăm nghìn lượt người và du khách tới chụp ảnh, vui chơi và đi dạo ngắm vịnh Hạ Long. Bên cạnh đó là những căn biệt thự xinh xắn đẹp đến mê hồn. Những căn nhà và các bãi biển ở Cali tôi được đến thăm cũng không hơn gì nơi đây. Chẳng trách cô bạn cùng trường tôi công tác đã bỏ chốn “phồn hoa thứ nhất Long thành” để tới đây sinh sống. Con đường không chỉ đơn thuần phục vụ về giao thông mà còn là sản phẩm của cái đẹp, sản phẩm du lịch độc đáo của Quảng Ninh…
Kết thúc một ngày đầy ý nghĩa và cảm xúc, tôi thật sự muốn nói lời cảm ơn tới ban tổ chức chuyến đi. Chân thành cảm ơn đồng đội Trung và các đồng đội Trung đoàn 3 khu vực Quảng Ninh. Các anh đã giúp chúng tôi thêm tin yêu vào tình đồng đội, giúp chúng tôi thêm tin vào sự phát triển của Quảng Ninh và của đất nước. Dưới đây là một số ảnh mạng và ảnh của đồng đội:
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.