Ngày chuyển đổi số quốc gia

Leave a Comment

 Nhân Ngày chuyển đổi số quốc gia sử dụng Googlebard viết bài

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Ngày chuyển đổi số quốc gia Việt Nam được tổ chức vào ngày 10 tháng 10 hằng năm. Đây là ngày nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng về vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chuyển đổi số là quá trình thay đổi toàn diện hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dựa trên nền tảng công nghệ số. Chuyển đổi số có ý nghĩa và tầm quan trọng to lớn đối với sự phát triển của đất nước, thể hiện ở các khía cạnh sau:
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động: Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp ứng dụng công nghệ để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, từ đó nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí, tăng lợi nhuận.
Tạo ra các mô hình kinh doanh mới, tăng cường năng lực cạnh tranh: Chuyển đổi số tạo ra những mô hình kinh doanh mới, giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng một cách nhanh chóng, hiệu quả hơn, từ đó tăng cường năng lực cạnh tranh.
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng cuộc sống: Chuyển đổi số giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Thu hẹp khoảng cách số, nâng cao chất lượng giáo dục: Chuyển đổi số giúp thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng miền, địa phương, giúp người dân tiếp cận với giáo dục một cách bình đẳng.
Theo cá nhân tôi, muốn nhanh chóng xây dựng một xã hội số, trước tiên phải xây dựng trường học số. Chuyển đổi số trong giáo dục có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt. Về cơ bản chuyển đổi số trong giáo dục là việc ứng dụng công nghệ số vào quá trình quản lý, quá trình dạy và học, kiểm tra và đánh giá nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
Chuyển đổi số trong giáo dục sẽ tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục: Chuyển đổi số giúp người học có thể học tập mọi lúc, mọi nơi, không bị giới hạn về thời gian và địa điểm. Chuyển đổi số trong giáo dục sẽ nâng cao chất lượng dạy và học: Chuyển đổi số giúp giáo viên có thêm nhiều nguồn lực tài nguyên giáo dục mở của nhân loại, của cộng đồng để đổi mới phương pháp giảng dạy; sử dụng các công cụ, ứng dụng công nghệ để tạo ra những bài giảng sinh động, hấp dẫn, kích thích sự sáng tạo của học sinh. Chuyển đổi số trong giáo dục còn thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong giáo dục: Chuyển đổi số tạo ra những mô hình giáo dục mới, giúp học sinh phát triển toàn diện, mở ra triển vọng hội nhập với thế giới. Chuyển đổi số trong giáo dục là một xu thế tất yếu của thời đại, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Để thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục thành công, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, nhà trường, giáo viên và học sinh.
Theo cá nhân tôi, trước mắt các cấp quản lý phải thực hiện một số giải pháp cần và đủ để thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục: (i) tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để ứng dụng công nghệ số trong giáo dục, đáp ứng nhu cầu quản lý, dạy và học; (ii) Nâng cao năng lực của giáo viên bằng việc nhanh chóng đào tạo, bồi dưỡng để họ có thể sử dụng công nghệ số một cách hiệu quả trong giảng dạy; (iii) Tạo môi trường học tập thân thiện, tích cực để yêu cầu và khuyến khích học sinh sử dụng công nghệ số trong học tập và nghiên cứu.
Với những ý nghĩa và tầm quan trọng to lớn như trên, hy vọng ngày chuyển đổi số sẽ có tác động tới tất cả các cấp, các ngành và cộng đồng nhận thức đầy đủ. Quân trọng là phải chuyển từ nhận thức sang hành động. Đặc biệt là chuyển đổi số trong giáo dục cần được quan tâm và triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả. Đây là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu về nhân lực chất lượng cao của thời đại.
Read More

Bàn về vấn đề dạy thêm và học thêm

Leave a Comment

 Bàn về vấn đề dạy thêm và học thêm

Dạy thêm, học thêm là một vấn đề nóng bỏng ở Việt Nam từ nhiều năm nay. Những ngày gần đây, bắt đầu từ Báo Lao động, sau đến nhiều tờ báo khác liên tục đề cập về vấn đề “quốc nạn” đang gây xôn xao dư luận. Là một nhà quản lý giáo dục đã nghỉ hưu nhiều năm, tôi xin bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này.
Thứ nhất, dạy thêm, học thêm là một nhu cầu khách quan của xã hội.
Chương trình giáo dục phổ thông hiện nay, dù sắp hoàn thành Chương trình cải cách giáo dục mới nhưng vẫn còn bất cập, chưa đáp ứng hết nhu cầu học tập của học sinh. Bên cạnh đó, áp lực thi cử và cạnh tranh trong xã hội ngày càng cao vào trường công lập (ngay ở thủ đô Hà Nội cũng chưa đáp ứng được 70 % học trung THCS vào THPT), vào trường đại học (vào đại học năm học 2022 mới chỉ đạt 48%) khiến nhiều học sinh có nhu cầu học thêm nâng cao kiến thức, kỹ năng để đạt được nguyện vọng của bản thân và gia đình.
Thứ hai, dạy thêm, học thêm có thể mang lại một số lợi ích nhất định.
Việc học thêm có thể giúp học sinh củng cố kiến thức, kỹ năng, bổ sung kiến thức mới, rèn luyện kỹ năng giải bài tập, nâng cao khả năng tư duy, có khả năng vượt qua các kỳ thi để tiến xa hơn trên bước đường học tập. Ngoài ra, học thêm cũng có thể giúp học sinh phát huy năng khiếu, sở trường của bản thân.
Thứ ba, dạy thêm, học thêm có thể gây ra một số tác hại.
Việc học thêm quá nhiều có thể khiến học sinh bị căng thẳng, mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý. Học sinh không có thời gian để tự học và sáng tạo, có thể trở thành một người “thừa hành” trong cuộc sống sau này. Bên cạnh đó, dạy thêm cũng có thể gây ra tình trạng cạnh tranh không công bằng giữa các trung tâm và ngoại vi, giữa các vùng miền, ganh đua tiêu cực giữa học sinh, dẫn đến những hành vi ảnh hưởng đến nhân cách của cả thầy và trò.
Dựa trên Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT về việc dạy thêm học thêm, Quyết định 2080/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh, bổ sung đề án dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2017-2025 và phản ứng của phụ huynh, báo chí về việc dạy thêm, dạy liên kết trong nhà trường, tôi cho rằng cần phải có những giải pháp để quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm một cách hiệu quả, đảm bảo lợi ích của cả học sinh, giáo viên và xã hội.
Thông tư 17 ra đời từ năm 2012 để chỉ đạo việc dạy thêm và học thêm khi chưa cải cách giáo dục. Tới nay thông tư này không còn phù hợp nữa. Cần phải sửa đổi, bổ sung đảm bảo tính khả thi và phù hợp với thực tế, đảm bảo với định hướng giáo dục theo năng lực học sinh; không thể dạy thêm học thêm đại trà, tràn lan như hiện tại.
Cần phải tăng cường công tác quản lý của các cơ quan chức năng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm ép buộc học sinh học thêm dưới mọi hình thức.
Tăng cường tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của phụ huynh, học sinh về tác hại của dạy thêm, học thêm quá nhiều (nhiều trường hợp dạy thêm, học thêm bắt nguồn từ chính tham vọng của phụ huynh học sinh).
Đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học, đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong giáo dục, nâng cao ý thức tự học, nâng cao chất lượng dạy học chính khóa, chấm dứt bệnh thành tích, đáp ứng nhu cầu học tập và nguyện vọng của học sinh.
Để giải quyết vấn đề dạy thêm, học thêm ở Việt Nam, cần có sự chung tay của các cơ quan chức năng, nhà trường, gia đình và toàn xã hội. Hy vọng rằng, với những giải pháp trên, hoạt động dạy thêm, học thêm sẽ được quản lý một cách hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển toàn diện cho học sinh.
Riêng về việc dạy thêm học thêm ngoại ngữ:
Dạy thêm học thêm ngoại ngữ là một nhu cầu chính đáng của học sinh trong thời đại hội nhập, thời đại công nghệ số. Trình độ ngoại ngữ, đặc biệt trình độ ngoại ngữ chuyên ngành toán, khoa học, công nghệ, kỹ thuật (nhóm ngành STEM) chính là chìa khóa để mở cánh cửa đi vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nếu không học thêm (hiện tại chương trình cải cách giáo dục chưa đáp ứng được) thì không thể đáp ứng được yêu cầu hoc sinh, sinh viên tiếp cận với các nguồn tài nguyên giáo dục mở của nhân loại. Cụ thể là việc tiếp cận, học trực tuyến ở các nguồn tài nguyên giáo dục mở, miễn phí đẳng cấp quốc tế. Tuy nhiên, cần có sự phân biệt rõ ràng giữa dạy thêm và học thêm tràn lan. Dạy thêm ngoại ngữ cần được tổ chức dưới hình thức cả ở trong trường học và ở ngoài trường học; có chương trình đạt chuẩn quốc tế, có giáo trình và giáo viên đạt chuẩn.
Về dạy thêm theo hình thức liên kết giữa nhà trường và các tổ chức, trung tâm bên ngoài nhà trường:
Dạy thêm theo hình thức liên kết là một hình thức mới xuất hiện trong thời gian gần chục năm trở lại đây. Hình thức này phát huy được mọi nguồn lực xã hội hóa trong giáo dục. Đây là hình thức kết hợp công - tư ở các nước có nền giáo dục tiên tiến vẫn áp dụng. Chỉ có điều là hình thức liên kết để học sinh học thêm này là do nhà nước, các tổ chức, các nhà hảo tâm trả tiển chứ không phải phụ huynh phải trả tiền. Ví dụ ở Hoa Kỳ Tập đoàn công nghệ IBM tài trợ dạy thêm trong thời gian hè đối với tất cả các học sinh nằm trong top10 của các nhà trường tiểu học Mỹ nếu có nguyện vọng học STEM. Các công ty công nghệ như Facebook, google, Microsoft... đầu tư hàng chục triệu USD cho các nguồn tài nguyên giáo dục mở cho việc dạy học của các nhà trường. Hình thức này ở Việt Nam có thể mang lại một số lợi ích nhất định cho học sinh. Tuy nhiên, cần có sự kiểm soát chặt chẽ về chất lượng giảng dạy, tránh tình trạng dạy thêm mang tính thương mại, lợi dụng học sinh trục lợi.
Về phản ứng của báo chí và phụ huynh học sinh:
Phản ứng của phụ huynh và báo chí về việc dạy thêm, học thêm là phản ứng tự nhiên của xã hội trước một vấn đề đã, đang và sẽ còn gây bức xúc trong xã hội. Điều này cho thấy, xã hội đang quan tâm và mong muốn giải quyết vấn đề dạy thêm, học thêm một cách hiệu quả. Theo cá nhân tôi, nhà trường cần phải bảo đảm thực hiện hết định mức giờ dạy của giáo viên hiện có để tổ chức dạy học các môn học, các hoạt động giáo dục bắt buộc, các hoạt động tăng cường, củng cố để giúp học sinh nắm vững kiến thức theo quy định của ngành giáo dục.
Khi đã thực hiện đủ, nhà trường có thể căn cứ vào nhu cầu của học sinh và cha mẹ học sinh trên tinh thần tự nguyện (theo đúng nghĩa của từ này) để tổ chức các hoạt động giáo dục đáp ứng nhu cầu người học theo các quy định về hoạt động dạy thêm, học thêm của các cấp có thẩm quyền như học tiếng Anh qua bộ môn toán, khoa học, học tiếng Anh với người nước ngoài, hoạt động trải nghiệm STEM... Khi nhà trường tiến hành liên kết, nhà trường và bên liên kết phải đảm bảo thời khóa biểu cho các hoạt động này được sắp xếp một cách khoa học, phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng học sinh, hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học.
Hy vọng trong thời gian tới, đất nước ta có điều kiện đáp ứng 100% học sinh có nguyện vọng vào trường công lập, hoặc tư thục; đáp ứng 100% học sinh vào học cao đẳng và đại học giống như Mỹ và phương Tây thì việc dạy thêm học thêm như ở Việt Nam hiện nay tự nhiên sẽ triệt tiêu, chỉ còn là chuyện của quá khứ một thời. Vấn đề hiện tại là quản lý việc dạy thêm học thêm như thế nào, học những môn gì, học như thế nào để đảm bảo nhân cách của thầy và của trò nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu về đào tạo nhân lực trong thời đại công nghiệp 4.0.
Read More

Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam

Leave a Comment

 Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam

Trước chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nhân kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam Hoa Kỳ, đã có nhiều đồn đoán về việc nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước. Điều này xuất phát từ quan hệ thực tế 10 năm qua, theo tôi thì việc nâng cấp là điều tất yếu. Nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường. Quan hệ cạnh tranh nước lớn Mỹ-Trung, Mỹ-Nga ngày càng gay gắt. Cuộc chiến Nga-Ucraine diễn ra đã gần 2 năm vẫn chưa có hồi kết. Thời gian gần đây Trung Quốc liên tục có những hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại bãi Tư Chính, gây cản trở ngư dân đánh cá, phun vòi rồng vào tàu Phillipines, phát hành bản đồ đường lưỡi bò mới phi pháp…
Tôi cho rằng thời điểm này đã chín mùi để Việt Nam nâng cấp quan hệ chiến lược. Kéo dài thêm thời gian, quan hệ Trung-Mỹ căng thẳng, vấn đề rất nhạy cảm với Việt Nam, Việt Nam sẽ để lỡ mất thời cơ nâng cấp quan hệ với Mỹ. Nếu Biển Đông diễn biến phức tạp hơn, Việt Nam càng bất lợi, không chỉ về vấn đề anh ninh mà còn là vấn đề phát triển kinh tế (trước những năm 1979, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc gần như tương đương với Việt Nam, nhưng sau khi xâm lược Việt Nam và chống lại Liên Xô, Trung Quốc dựa vào Mỹ và phương Tây vươn lên trở thành siêu cường thứ 2 như ngày nay. Điều này cũng diễn ra giống với Đức, Nhật. Hàn, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông…). Nếu chúng ta không nhanh chóng tiếp cận, tranh thủ nguồn vốn, khoa học công nghệ, trình độ quản lý của Mỹ và phương Tây, chúng ta khó có thể vươn lên trở thành một cường quốc, một quốc gia có thu nhập cao trong thời gian tới.
Khi theo dõi thời sự tối ngày 10/9, tôi không ngờ quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ không phải là cấp Đối tác Chiến lược mà vượt cấp lên Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Thật bất ngờ! Theo tôi, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam từ ngày 10-11/2023 đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, chưa từng có trong mối quan hệ giữa hai nước, khi hai bên chính thức nâng cấp mối quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Đây là một sự kiện lịch sử, đánh dấu một giai đoạn mới trong quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, trong bối cảnh hai nước đều có chung lợi ích và mong muốn hợp tác sâu rộng trong nhiều lĩnh vực, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Chuyến thăm của Tổng thống Biden đã diễn ra thành công tốt đẹp, với nhiều nội dung quan trọng đã được hai bên xác nhận. Về chính trị, hai bên đã khẳng định cam kết tăng cường tin cậy chính trị, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Hai bên cũng đã thảo luận về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông, và nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ để duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Về kinh tế, trước đó hai bên đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác quan trọng, trong đó có Bản ghi nhớ về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, Bản ghi nhớ về hợp tác năng lượng, Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực y tế, Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục,... Những thỏa thuận này sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước, góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác trong các lĩnh vực này.
Về văn hóa, giáo dục, hai bên đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác quan trọng, trong đó có Bản ghi nhớ về hợp tác văn hóa, Bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục,... Những thỏa thuận này sẽ góp phần tăng cường giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục giữa hai nước, góp phần thúc đẩy hiểu biết và gắn kết giữa nhân dân hai nước.
Chuyến thăm của Tổng thống Biden đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của Mỹ đối với mối quan hệ với Việt Nam. Đây là một tín hiệu tích cực cho sự phát triển của mối quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới. Một số nhà nghiên cứu trong ngoài nước đã đánh giá về ý nghĩa của chuyến thăm của Tổng thống Biden đối với mối quan hệ Việt Mỹ:
- Đây là chuyến thăm cấp cao nhất của một nhà lãnh đạo Mỹ đến Việt Nam kể từ khi Tổng thống Barack Obama thăm Việt Nam năm 2016. Chuyến thăm thể hiện sự coi trọng của Mỹ đối với Việt Nam, coi trọng thể chế chính trị của Việt Nam, đồng thời khẳng định, coi trọng mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
- Chuyến thăm đã góp phần tăng cường tin cậy chính trị, hiểu biết và gắn kết giữa hai nước. Hai bên đã thảo luận sâu rộng về nhiều vấn đề, trong đó có các vấn đề quan trọng như an ninh Biển Đông, an ninh hàng hải, an ninh khu vực…
- Chuyến thăm đã tạo cơ sở cho việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục,... giữa hai nước. Những thỏa thuận hợp tác được ký kết trước và những cam kết trong chuyến thăm sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác trong các lĩnh vực này. Đặc biệt là việc Hoa Kỳ thúc đẩy hỗ trợ Việt Nam trong hợp tác số, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu.
Nhìn chung, chuyến thăm của Tổng thống Biden đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong mối quan hệ Việt Mỹ, mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ giữa hai nước, với nhiều triển vọng hợp tác tốt đẹp trong thời gian tới. Kết của việc nâng cấp quan hệ ngoại giao đặc biệt này được thể hiện trong Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ Việt Nam - Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử quan hệ hai nước. Đây là sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực của hai bên trong việc thúc đẩy hợp tác và phát triển quan hệ song phương trong những năm qua.
Tuyên bố chung khẳng định quan hệ Việt Nam - Mỹ "là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững". Đây là một bước nâng cao đáng kể so với quan hệ đối tác toàn diện được thiết lập vào năm 2013. Tuyên bố chung cũng nêu bật những lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa hai nước, bao gồm: Chính trị, ngoại giao; Quốc phòng, an ninh; Kinh tế, thương mại, đầu tư; Giáo dục, đào tạo; Khoa học, công nghệ…
Tuyên bố chung ghi nhận những thành tựu trong thời gian qua, đồng thời thể hiện cam kết của hai bên trong việc tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện có ý nghĩa quan trọng đối với cả hai nước. Đối với Việt Nam, đây là cơ hội để tiếp tục mở rộng hợp tác với một cường quốc hàng đầu thế giới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đối với Mỹ, việc nâng cấp quan hệ với Việt Nam giúp củng cố vị trí của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực.
Tuy nhiên, để quan hệ Việt Nam - Mỹ phát triển bền vững, hai bên cần tiếp tục nỗ lực khắc phục những thách thức và khó khăn. Một thách thức lớn là sự khác biệt về quan điểm và lợi ích giữa hai nước trong một số vấn đề khu vực và quốc tế, đặc biệt là vấn đề về nhân quyền. Bên cạnh đó, hai bên cũng cần giải quyết các vấn đề tồn tại trong quá khứ, như vấn đề bồi thường cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Dù vậy, với quyết tâm của hai bên, tôi tin rằng quan hệ Việt Nam - Mỹ sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và sâu sắc hơn trong thời gian tới.
Read More

Cảm nghĩ ngày khai giảng năm học mới

Leave a Comment

 Cảm nghĩ ngày khai giảng năm học mới

Hôm nay ngày 5 tháng 9, một hiệu trưởng đã về hưu hơn chục năm vẫn được nhà trường trân trọng gửi giấy mời dự lễ khai giảng (hôm trước nhà trường còn gọi điện mời lại). Tôi vô cùng xúc động khi nhớ lại những kỷ niệm đáng nhớ trong gần 40 năm là giáo viên và quản lý trường THCS Tân Triều.
Trải qua bao nhiêu năm tháng, hình ảnh về các thầy cô, anh chị, các bạn, các em trong hội đồng nhà trường, hình ảnh về bao lớp học sinh vui mừng, háo hức trở lại trường học lại tràn ngập trong tâm trí tôi. Tiếng trống trường rộn rã báo hiệu một năm học mới cùng với những khuôn mặt rạng rỡ, những ánh mắt nụ cười, những tiếng cười trong trẻo ở ngôi trường đã trở thành nguồn động lực cho tôi trong cuộc sống nghề nghiệp. Tôi rất vui vì mình là một thành viên, được đóng góp một phần nhỏ bé vào việc xây dựng nền nếp dạy và học. Đến ngày hôm nay tôi vẫn được coi và cảm thấy mình là một thành viên của nhà trường. Cảm giác này thật viên mãn. Với tôi ngày này vẫn là một cột mốc đặc biệt trong hành trình giáo dục và tự giáo dục của mình.
Giống như nhiều giáo viên, cán bộ quản lý đã về nghỉ chế độ, tôi thấy mình đã trải qua nhiều niềm vui xen lẫn nỗi buồn với bao thăng trầm và thách thức của nghề nghiệp. Nhưng thời gian trôi đi chỉ để lại tất cả những điều đẹp đẽ nhất, trân quý nhất khi nhìn thấy sự phát triển của nhà trường, sự trưởng thành của bao lớp người trên con đường học tập và thành công.
Lớp học trò đầu tiên của tôi đã về hưu, tóc cũng đã bạc trắng. Hôm nay họ đưa cháu đến trường. Họ vẫn gọi tôi bằng thầy. Các cháu theo các bậc phụ huynh đến trường dù lúng túng không biết gọi tôi là gì, rồi cũng chào bằng thầy. Các thầy cô trong trường cũng gọi tôi bằng thầy. Cả những bạn bè cùng trang lứa hôm nay gặp tôi cũng chào “chào thầy giáo”. Ngẫm kỹ thật vui! Càng ngày tôi càng nhận thấy việc giáo dục không chỉ là việc truyền đạt kiến thức mà còn là việc khơi gợi, phát triển tư duy và nuôi dưỡng những giá trị văn hóa, đạo đức.
Trong gần 40 năm làm việc tại trường học, tôi đã gặp gỡ và làm việc cùng với rất nhiều giáo viên, nhân viên và phụ huynh. Tôi nghĩ chính tình yêu nghề nghiệp, sự thông cảm, tôn trọng và sự đoàn kết của cả cộng đồng giáo dục là những yếu tố quan trọng để mang lại một môi trường học tập tốt đẹp cho học sinh. Tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành đến tất cả những người đã đồng hành trong suốt thời gian công tác mà vì lý do nào đó tôi chưa kịp chia sẻ.
Dù đã về hưu, nhưng tình cảm của tôi vẫn gắn bó với mái trường này. Tôi tin tưởng những người tiếp quản vai trò của thế hệ chúng tôi và các em học sinh sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển trường học thành một môi trường giáo dục đáp ứng yêu cầu mới của thời đại, một môi trường giáo dục không chỉ giúp thầy trò đạt được điểm cao trong các kỳ thi mà còn giúp thầy trò phát triển bản thân, thành công trong cuộc sống và đóng góp cho xã hội, một môi trường học tập tích cực, khuyến khích lòng đam mê, kiên nhẫn và sẵn sàng đối mặt với những thử thách mới để xây dựng một tương lai tươi sáng.
Xin chúc mừng ngày khai giảng, chúc mừng năm học mới thành công với thầy trò trường THCS Tân Triều!
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.