Ghép đá vào cây cảnh

Leave a Comment

 


Việc ghép đá vào cây cảnh
Sau tết tôi thường đến các nhà vườn gặp gỡ các nghệ nhân cây cảnh trong làng để lấy tư liệu làm trang web. Tôi đã chứng kiến nghệ nhân Nguyễn Gia Hiền, Cao Xuân Đô đang tiến hành ghép đá vào cây “Giao long đẳng vân” (thế cây giống cặp rồng uốn lượn uy nghiêm dưới trời mây); chứng kiến nghệ nhân Vũ Minh Châu ghép đá vào cây “Tam thụ phong vân” (thế 3 cây đẹp hài hòa, độc đáo tựa như hòa quyện trong gió trong mây; xét theo nghĩa Hán Việt cụm từ này còn hàm ẩn nhiều ý tứ sâu sắc nữa- Thế cây gợi cho tôi có cảm nhận như vậy, không phải là tên cây chủ sở hữu đặt). Sau đó tôi tiếp tục chứng kiến nghệ nhân Vũ Minh Châu ghép đá cho cây “Thạch sơn vạn diệp” (Cây đa trên núi đá tỏa bóng một vùng tựa như có vạn cành lá bao phủ- Thế cây do tôi cảm nhận như vậy, không phải là tên cây chủ sở hữu đặt) và cuối cùng là cây “Phi thiên tử đằng” (Thế cây si như bay lên trời, phiêu lãng và quý như thân cây tử đằng- Thế cây do tôi cảm nhận như vậy, không phải tên chủ sở hữu đặt).
Sau một vài tuần ngắm nhìn những cây ghép đá trên nảy chồi và tua tủa đâm rễ bám vào đá. Tôi nhận thấy đúng là các nghệ nhân đã tạo ra một hệ sinh cảnh nghệ thuật mới, một hiệu ứng vừa sinh động vừa cuốn hút người xem. Có nét gì đó phiêu lãng, bay bổng, đẹp hơn so với trước đó nhiều. Trong tương lai gần, chắc chắn những hệ sinh cảnh trên sẽ còn phô diễn vẻ đẹp kỳ thú của bộ gốc rễ theo thời gian…
Việc ghép đá vào cây cảnh là một kỹ thuật nghệ thuật trang trí cây cảnh phổ biến trong nghệ thuật bonsai (Nhật Bản) và nghệ thuật penjing (nghệ thuật sử dụng kỹ thuật cắt tỉa, ghép cành, ghép đá và cách sắp xếp cây cảnh của Trung Quốc để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo). Nghệ thuật bonsai và nghệ thuật penjing đã được lan truyền khắp thế giới và trở thành một phần của nghệ thuật trồng cây cảnh. Ở Việt Nam hiện nay việc ghép đá vào cây cảnh cũng đang trở thành một xu hướng sáng tạo mới nhằm tạo ra cảnh quan tự nhiên mang tính thẩm mỹ, giúp tăng thêm giá trị nghệ thuật cho cây cảnh.
Chứng kiến hàng tháng các nghệ nhân ở Triều Khúc ghép đá vào cây cảnh tôi mới hiểu đây không phải là một công việc chân tay đơn giản; phải có đôi bàn tay vàng và trí tưởng tượng của một nghệ sĩ. Ghép đá vào cây cảnh đòi hỏi người trồng cây phải hiểu sâu, phải có kỹ năng và kinh nghiệm về trồng cây cảnh, cũng như hiểu biết về đá và cách bố trí, sắp xếp đá để tạo ra hiệu ứng cho quá trình sinh trưởng và tạo ra không gian làm đẹp thêm cho cây cảnh. Việc chọn đá phù hợp với cây cảnh và môi trường sống của cây cảnh là điều rất quan trọng.
Việc ghép đá vào cây cảnh còn có thể góp phần tạo ra một môi trường sống tốt cho cây cảnh. Đá có khả năng giữ ẩm, giúp giảm sự bay hơi nước từ chậu cây và giữ độ ẩm cho đất trong chậu. Điều này có thể giúp cây cảnh phát triển tốt hơn và duy trì được “sức khỏe” cho cây. Tuy nhiên, việc ghép đá vào cây cảnh cũng có thể gây ra một số vấn đề. Nếu không được thực hiện đúng cách, việc ghép đá có thể gây ra tổn thương cho cây cảnh, thậm chí cây có thể chết. Ngoài ra, việc chọn đá không phù hợp có thể gây ra vấn đề về mất cân bằng đất và nước trong chậu cảnh, dẫn đến cây cảnh kém phát triển.
Theo các nghệ nhân và một số chuyên gia, có 6 nguyên tắc cơ bản khi ghép đá vào cây cảnh:
1, Chọn đá phù hợp: Đá phải được chọn sao cho phù hợp với kích thức, kiểu dáng của cây cảnh. Đá cũng nên phù hợp với mầu sắc từng loại cây cảnh; không gây ra tác động xấu đến sự phát triển của cây.
2, Đặt đá đúng vị trí: Đá nên đặt ở vị trí phù hợp trong chậu bể cây cảnh, không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây, không cản trở cây phát triển.
3. Sắp xếp đá hợp lý: Đá nên sắp xếp sao cho tự nhiên, thẩm mỹ. Đá cũng nên sắp xếp để trở thành một bộ phận của cảnh quan chung, làm tôn vẻ đẹp và tạo ra vẻ đẹp của cây cả trong ngắn hạn và dài hạn.
4, Kết hợp với các yếu tố khác: Có thể kết hợp với dung đất, nước, cây cỏ để tạo ra một môi trường sinh thái tự nhiên, nghệ thuật cho cây cảnh.
5, Đảm bảo an toàn cho cây và đá: Để đảm bảo cho cây và đá trong môt trường mới, người trồng phải tưới cây và chăm sóc đúng cách. Đá ghép phải được bảo quản và vệ sinh thường xuyên.
Cuối cùng tôi muốn trao đổi lại với một số bạn chơi cây có ý kiến cho rằng việc cấy đá vào cây cảnh là “phi tự nhiên”. Có đúng như vậy không? Ở Trung Quôc, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam, những cái nôi của cây cảnh nghệ thuật, cây và rừng cây ở trong tự nhiên hiện còn đều mọc ở trên đồi núi, đồi núi đất, đồi núi đá, đồi núi đất xen đồi núi đá. Cây cảnh nghệ thuật bắt nguồn từ hiện thực thiên nhiên đó. Kết luận ghép đá vào cây là “phi tự nhiên” thì chỉ đứng ở một góc độ. Tuy nhiên theo các nghệ nhân, việc ghép đá vào cây không thể áp dụng một cách đại trà. Có cây ghép được, có cây không ghép được. Tùy theo loại cây, tùy theo thế dáng, tùy theo kích cỡ, tùy theo sở thích, mục đích chơi cây để nghệ nhân quyết định ghép đá hay không ghép đá.
Read More

Giới thiệu trang web cây cảnh

Leave a Comment

 Giới thiệu trang web cây cảnh

Tôi nghĩ thú chơi cây cây cảnh là một trong những thú vui tao nhã đã có từ xa xưa ở phương Đông nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Trong vài chục năm gần đây, thú chơi cây cảnh còn trở thành một nghệ thuật sáng tạo phong phú. Với sự kết hợp giữa kiến thức về cây trồng và khả năng sáng tạo, nghệ nhân có thể tạo ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, những tác phẩm đem đến những xúc cảm thẩm mỹ đầy sức hấp dẫn về cái chất “cổ, kỳ, mỹ, văn”.
Thú chơi cây cảnh không chỉ là việc trồng cây để có một không gian xanh, tươi đẹp mà còn là sự kết hợp hài hòa giữa cá tính sáng tạo với thiên nhiên. Người trồng cây có thể sử dụng những yếu tố kỹ thuật hội họa, tạo hình và tạo dáng cây cảnh để làm ra những tác phẩm nghệ thuật sinh động.
Một trong những kỹ thuật phổ biến trong thú chơi cây cảnh là kỹ thuật tạo thế của người Hoa, của người Việt và kỹ thuật Bon sai cắt tỉa của người Nhật để tạo ra những cây cảnh thu nhỏ, đẹp mắt và có hình dáng độc đáo. Người nghệ nhân đã đem quan hệ xã hội, triết lý nhân sinh, cái đẹp và tình cảm của mình vào cây để tạo ra những kiệt tác của riêng mình.
Ngoài kỹ thuật tạo thế, bonsai, nghệ nhân còn có thể sử dụng các kỹ thuật khác như kỹ thuật kết hợp đá cảnh, kỹ thuật tạo hình bằng dây thép hoặc kỹ thuật tạo hình bằng các phương pháp chuyên biệt khác nhau. Các kỹ thuật này đòi hỏi sự kiên nhẫn và sự tinh tế trong lựa chọn loại cây và các yếu tố khác như đất, đá, và nước để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật theo đúng nghĩa của nó.
Để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo theo tiêu chuẩn, người “trồng cây” cần phải có sự kiên nhẫn, sự tinh tế, khả năng sáng tạo trong lựa chọn loại cây và các yếu tố kỹ thuật, môi trường… Chỉ khi có đủ kiến thức và kinh nghiệm, người trồng cây mới có thể trở thành một nghệ nhân cây cảnh nghệ thuật đích thực.
Đã là nghệ thuật thì đều mang tính chuyên nghiệp. Nghệ nhân tạo ra cây cảnh nghệ thuật và người yêu cây cảnh nghệ thuật không phải lúc nào cũng đồng nhất mà là hai đối tượng, cũng giống như người họa sĩ và người yêu tranh của họa sĩ. Tôi chỉ là người yêu thích cây cảnh, ít nhiều hiểu về cây cảnh nhưng không thể trở thành một một nghệ nhân, mặc dầu cũng đã thử nghiệm “sản xuất” ra hàng chục cây cảnh và vứt bỏ đi cũng hàng chục cây cảnh trong mấy chục năm vừa rồi.
Mặc dầu không tạo ra được những chậu cây cảnh nào ra hồn, nhưng những lúc rảnh rỗi tôi rất thích đi ngắm nhìn những cây cảnh của những người thân quen trong làng, ở các nhà vườn, ở các cuộc triển lãm, ở các trang web trong ngoài nước. Từ gần một năm nay tôi có ý định làm một trang web cây cảnh nghệ thuật của riêng Làng Triều Khúc, một làng quê cổ có truyền thống chơi non bộ và cây cảnh để góp một tiếng nói cùng anh em về cái đẹp. Nhưng vì một vài lý do cho đến ngày hôm nay tôi mới hoàn thành được khoảng 70% công việc.
Tôi muốn hoàn chỉnh trang web mới mời anh em yêu thích cây cảnh, các thành viên Hội cây cảnh Triều Khúc mà tôi là một thành viên từ những ngày đầu cách đây mấy chục năm. Nhưng càng muốn hoàn chỉnh trang web thì càng không thể hoàn chỉnh, bởi vì đây là sân chơi, là diễn đàn, là công việc của tất cả những người yêu cây cảnh trong làng. Tôi nghĩ mình chỉ có thể đặt được viên gạch đầu tiên cho cái lâu đài web này nên vẫn quyết định mời anh em đến tham dự để giới thiệu về nó.
Tôi rất vui mừng và phấn khởi được đông đảo anh em, bạn bè đến chia sẻ và đóng góp ý kiến. Hy vọng buổi giới thiêu trang web cây cảnh nghệ thuật Triều khúc tại văn phòng của ngôi trường tôi từng công tác được anh em tiếp tục góp ý kiến, cùng chung tay để sau một thời gian nữa trang web sẽ đi vào hoàn thiện.
Một lần nữa tôi xin chân thành cảm ơn anh chị em đã đến dự và giúp đỡ! Chân thành cảm ơn Tiến sĩ Hoàng Đình Quế đã góp phần thiết kế trang web này! Cũng nhân dịp này trân trọng giới thiệu với các anh em, bạn bè, đồng đội, đồng nghiệp nếu yêu thích cây cảnh xin vào đường link trang web: caycanhtrieukhuc.com (trên máy tính) và cay canhtrieukhuc.com-Trang chủ trên điện thoại.
Dưới đây là một số hình ảnh trong buổi giới thiệu trang web cây cảnh nghệ thuật Triều Khúc:
Read More

Tầm quan trọng học tiếng Anh thông qua bộ môn toán và khoa học ở trường phổ thông

Leave a Comment

 Tầm quan trọng của việc học tiếng Anh thông qua bộ môn toán và khoa học ở trường phổ thông

Tôi xin đính chính ngay với anh em, bè bạn, đồng nghiệp và độc giả, nội dung bài viết này 90% là của ChatGPT. Sở dĩ sử dụng ChatGPT viết bài vì tôi đang làm việc cho một tập đoàn chuyên dạy tiếng Anh thông qua môn toán và khoa học theo ba hình thức giảng dạy trực tiếp tại trường, dạy trực tuyến và dạy kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến. Tôi sợ rằng không khách quan trong việc nhìn nhận vấn đề, có ý “quảng cáo” cho cơ quan làm việc của mình nên đã nhờ ChatGPT viết bài.
Tôi yêu cầu ChatGPT soạn thảo với nội dung “Tầm quan trọng và lợi ích của việc học tiếng Anh thông qua bộ môn toán và khoa học ở trường phổ thông ở các nước không nói tiếng Anh trong thời đại cách mạng kỹ thuật số”. ChatGPT đã hoàn thành bài viết sau một vài giây:
Việc dạy tiếng Anh thông qua môn toán và khoa học đang trở thành một xu hướng phổ biến trong các nước không nói tiếng Anh trong thời đại cách mạng kỹ thuật số. Đây là một cách tiếp cận mới mang lại nhiều lợi ích cho học sinh và giáo viên.
Dạy tiếng Anh qua môn toán và khoa học ở các nước không nói tiếng Anh là rất lớn. Đầu tiên, việc này giúp cho học sinh có thể học tiếng Anh theo cách tự nhiên và linh hoạt. Học sinh có thể tiếp cận với các khái niệm, thuật ngữ chuyên môn bằng tiếng Anh thông qua môn toán và khoa học. Điều này giúp cho học sinh có thể hiểu và sử dụng tiếng Anh không chỉ trong lĩnh vực toán học và khoa học mà còn trong các lĩnh vực khác với tư cách là một công cụ nhận thức.
Thứ hai, việc dạy tiếng Anh qua môn toán và khoa học giúp cho học sinh có khả năng tiếp cận với các tài nguyên và kiến thức khoa học quốc tế. Nhờ đó, họ có thể tiếp cận với các công trình nghiên cứu, bài báo, tạp chí khoa học, sách vở và các tài liệu giáo dục quốc tế, giúp cho học sinh có thể cập nhật kiến thức một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn, đồng thời cũng nâng cao khả năng học tập và nghiên cứu của họ.
Thứ ba, việc dạy tiếng Anh qua môn toán và khoa học giúp cho học sinh có thể tiếp cận với các công nghệ, phần mềm, ứng dụng kỹ thuật số mới nhất được phát triển trên toàn cầu. Họ có thể trao đổi, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với cộng đồng toàn cầu, từ đó nâng cao khả năng sử dụng và ứng dụng công nghệ kỹ thuật số của mình.
Cuối cùng, việc dạy tiếng Anh qua môn toán và khoa học giúp cho học sinh có thể trau dồi khả năng sáng tạo, tư duy logic, giải quyết vấn đề. Từ việc giải toán đơn giản đến giải quyết vấn đề khoa học phức tạp, học sinh được đào tạo để tìm kiếm giải pháp đúng đắn và sử dụng tiếng Anh để trình bày ý tưởng của mình. Đặc biệt là nâng cao khả năng tự học, nghiên cứu.
Tóm lại, việc dạy tiếng Anh qua môn toán và khoa học ở các nước không nói tiếng Anh trong thời đại cách mạng kỹ thuật số đem lại rất nhiều lợi ích cho học sinh. Nó giúp cho họ có thể học tiếng Anh theo cách tự nhiên và linh hoạt hơn, tiếp cận với các tài nguyên và kiến thức khoa học quốc tế, cập nhật các công nghệ mới nhất và trau dồi khả năng sáng tạo, tư duy logic và giải quyết vấn đề.
Tôi yêu cầu ChatGPT soạn tiếp nội dung “Với học sinh Việt Nam việc học tiếng Anh thông qua môn toán và khoa học có cần thiết không”. ChatGPT hoàn thành cũng chỉ sau một vài giây:
Ở Việt Nam, việc học tiếng Anh thông qua môn toán và khoa học tại trường phổ thông đang trở thành xu hướng phổ biến. Việc này đem lại nhiều lợi ích cho học sinh khi họ phải học tập trong môi trường hội nhập với quốc tế, môi trường học tập và làm việc phức tạp và đa dạng về kiến thức.
Trong thời đại cách mạng kỹ thuật số, tiếng Anh đã trở thành một công cụ quan trọng trong việc truy cập và sử dụng các tài nguyên trực tuyến, các tài nguyên trực tuyến mở từ mẫu giáo đến lớp 12 (K-12). Việc học tiếng Anh qua môn toán và khoa học giúp cho học sinh có thể hiểu và sử dụng các thuật ngữ và khái niệm chuyên môn bằng tiếng Anh. Điều này giúp cho họ có thể nắm bắt và sử dụng các tài liệu, phần mềm, ứng dụng kỹ thuật số một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Việc học tiếng Anh qua môn toán và khoa học cũng giúp cho học sinh, sinh viên có khả năng học tập và làm việc với các chuyên gia, thầy cô giáo và các bạn học sinh nước ngoài. Nhiều công ty đang tìm kiếm nhân viên có khả năng sử dụng tiếng Anh trong công việc và việc học tiếng Anh qua các môn học khác giúp cho học sinh có thể tiếp cận với các cơ hội việc làm toàn cầu.
Tóm lại, việc học tiếng Anh qua môn toán và khoa học đem lại rất nhiều lợi ích cho học sinh ở Việt Nam. Nó giúp cho họ hội nhập vào thế giới toàn cầu, có thể sử dụng tiếng Anh trong việc truy cập và sử dụng các tài nguyên kỹ thuật số trên mạng, nâng cao khả năng học tập và làm việc với đối tác nước ngoài và trau dồi khả năng sáng tạo và giải quyết vấn đề.
Ở mỗi phần của bài viết tôi chỉ thêm thắt hoặc lược bỏ một vài từ, một vài câu lặp lại vì Chat GPT viết theo lối “dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt”. Như ở phần đầu bài viết tôi đã “ghi chú” 90% nội dung bài viết là của ChatGPT. Tôi nghĩ có lẽ với ChatGPT viết bài mang tính chất xã hội, chính trị, nghề nghiệp và một số lĩnh vực khác ngày nay trở nên quá dễ dàng, nhanh chóng. Không biết đây có phải là tín hiệu vui hay buồn nữa.
Read More

Viết bài cùng ChatGPT

Leave a Comment

 Viết bài cùng với ChatGPT

Hôm trước nhận được thư mời tham dự hội thảo “Ứng dụng ChatGPT vào việc dạy học”, tôi có đôi chút ngỡ ngàng. Mặc dù biết ChatGPT mới ra đời đã tạo nên một cơn sốt toàn cầu, nhưng việc ứng dụng ChatGPT trong dạy học thì đúng là một chủ đề mới và nóng.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục phổ thông đã được nhiều quốc gia có nền giáo dục tiến tiến triển khai. Nó mang đến một hướng tiếp cận mới về giáo dục. Nhiều năm tôi tìm hiểu và đã hướng dẫn một số trường phổ thông ở thành thị và miền núi sử dụng các trang web giáo dục mở của Hoa Kỳ, Vương quốc Anh để học trực tuyến, để giao bài tập, hướng dẫn học sinh làm bài tập có sử dụng trí tuệ nhân tạo. Qua đó giúp các trường thực hiện số hóa việc dạy học theo tinh thần của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng sử dụng ChatGPT trong dạy học thì tôi chưa nghĩ đến, chỉ nghĩ đến phần tiêu cực như học sinh, sinh viên ứng dụng ChatGPT trong việc làm bài tập, làm luận văn, lập trình, soạn thảo văn bản, sáng tác văn, thơ…
Tôi được biết các phiên bản sắp tới của ChatGPT còn làm được những việc mà người ta một vài năm trước cũng không thể tưởng tượng nổi. Tôi vừa đi trình bày với một số trường phổ thông về giáo dục STEM, hướng dẫn phương pháp dạy học STEM, soan giáo án theo hướng giáo dục STEM. Tôi phải mất gần 10 năm nghiên cứu, tìm hiều giáo dục STEM ở Hoa Kỳ để có chút ít hiểu biết về lĩnh vực này. Vậy mà chỉ vài giây thử với ChatGPT nó đã cho tôi biết khá đầy đủ những gì tôi dày công tìm hiểu trong gần 10 năm.
Tôi đã hỏi ChatGPT một chục câu hỏi liên quan đến giáo dục STEM, xin được trích ra nguyên văn 3 câu hỏi và những câu trả lời của ChatGPT để bạn đọc tham khảo:
1, Giáo dục STEM là gì?
STEM là viết tắt của Science, Technology, Engineering và Mathematics, tức là Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học. Giáo dục STEM là một chương trình giáo dục tập trung vào các môn học này, nhằm tạo ra một thế hệ học sinh có kiến thức và kỹ năng cần thiết để giải quyết các vấn đề phức tạp trong thế giới ngày nay, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến khoa học, công nghệ và kỹ thuật.
Giáo dục STEM khuyến khích học sinh học tập và thực hành các kỹ năng tư duy logic, sáng tạo, giải quyết vấn đề, cộng tác và giao tiếp, bao gồm cả kỹ năng kỹ thuật và kỹ năng mềm. Giáo dục STEM cũng tập trung vào việc áp dụng các kiến thức và kỹ năng này để giải quyết các vấn đề thực tế trong cuộc sống.
Việc đưa giáo dục STEM vào trường học được coi là một cách để giúp học sinh phát triển kỹ năng cần thiết để trở thành công dân toàn cầu, đóng góp cho sự phát triển bền vững của xã hội và đáp ứng các thách thức và cơ hội của thế giới ngày nay.
2, Lợi ích giáo dục STEM trong trường học?
Đưa giáo dục STEM (Science, Technology, Engineering, and Mathematics) vào trường học có rất nhiều lợi ích cho học sinh và cộng đồng, bao gồm:
1. Phát triển kỹ năng tư duy và giải quyết vấn đề: STEM giúp học sinh phát triển kỹ năng tư duy logic, phản biện và giải quyết vấn đề. Điều này giúp họ trở nên thông minh hơn và có khả năng xử lý các vấn đề phức tạp hơn.
2. Tạo ra những cơ hội nghề nghiệp: Với sự phát triển của khoa học và công nghệ, các ngành STEM đang trở thành những lĩnh vực có nhiều cơ hội nghề nghiệp. Điều này có nghĩa là khi học sinh được giáo dục về STEM, họ sẽ có nhiều cơ hội để tìm kiếm và phát triển sự nghiệp trong tương lai.
3. Đóng góp cho sự phát triển kinh tế: Những người có kinh nghiệm và kiến thức về STEM đóng góp vào sự phát triển kinh tế của một quốc gia. Họ có thể tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới, cải thiện các quy trình sản xuất và dịch vụ, và đưa ra các giải pháp kỹ thuật mới.
4. Thúc đẩy sáng tạo và phát triển: STEM khuyến khích sự sáng tạo và phát triển. Việc học sinh được khuyến khích nghĩ ra và thiết kế các sản phẩm mới không chỉ giúp phát triển trí tưởng tượng mà còn thúc đẩy sự phát triển kỹ thuật.
5. Phát triển kỹ năng cộng tác và giao tiếp: Việc học STEM thường bao gồm các dự án và nghiên cứu nhóm, giúp học sinh phát triển kỹ năng cộng tác và giao tiếp tốt hơn.
Tóm lại, đưa giáo dục STEM vào trường học có thể giúp phát triển kỹ năng tư duy, tạo ra cơ hội nghề nghiệp, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, thúc đẩy sáng tạo và phát triển, và phát triển kỹ năng cộng tác và giao tiếp.
3, Phương pháp giáo dục STEM trong trường phổ thông?
Phương pháp dạy STEM trong trường phổ thông thường tập trung vào việc giúp học sinh phát triển các kỹ năng tư duy logic, sáng tạo, giải quyết vấn đề, cộng tác và giao tiếp thông qua việc học các môn học STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học). Đây là một phương pháp giáo dục đang được triển khai rộng rãi tại các trường phổ thông ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Các phương pháp dạy STEM thường bao gồm:
1. Thực hành: Học sinh được khuyến khích tham gia các hoạt động thực tế, thí nghiệm để trực quan hóa những kiến thức họ học được.
2. Dự án: Học sinh được yêu cầu thiết kế và thực hiện các dự án có liên quan đến các môn học STEM, từ đó giúp họ phát triển các kỹ năng tư duy logic, sáng tạo và giải quyết vấn đề.
3. Giải quyết vấn đề: Học sinh được hướng dẫn và khuyến khích để tìm hiểu các vấn đề thực tế và áp dụng các kiến thức STEM để giải quyết các vấn đề này.
4. Cộng tác và giao tiếp: Học sinh được khuyến khích làm việc nhóm, giao tiếp và chia sẻ ý tưởng với nhau để giải quyết các vấn đề.
5. Sử dụng công nghệ: Học sinh được hướng dẫn sử dụng các công cụ và thiết bị hiện đại để tìm hiểu và áp dụng các kiến thức học được trong các môn STEM.
Phương pháp dạy STEM giúp học sinh phát triển các kỹ năng và khả năng cần thiết để trở thành những người có khả năng đóng góp và cạnh tranh trong thế giới ngày nay, khi mà sự phát triển của khoa học và công nghệ ngày càng trở nên quan trọng hơn.
Mặc dầu chưa thật làm tôi hài lòng, chẳng hạn như ChatGPT không đề cập gì đến môn học STEM trong trường phổ thông, môn học “chủ công” trong giáo dục STEM, hay chưa biết trả lời câu hỏi của tôi hiện Mỹ có bao nhiêu giáo viên dạy môn học STEM (chứ không phải bao nhiêu giáo viên dạy các môn học thuộc lĩnh vực STEM), nhưng về cơ bản tôi thấy ChatGPT thực sự là một chuyên gia giáo dục. Tôi nghĩ có lẽ trí tuệ nhân tạo nói chung, ChatGPT nói riêng thực sự đang đặt ra những thách thức và cơ hội trong lĩnh vực giáo dục.
Read More

Tìm về cội nguồn thú chơi non bộ và cây thế làng Triều Khúc

Leave a Comment

 Tìm về cội nguồn thú chơi non bộ và cây thế ở làng Triều Khúc

Không phải ngẫu nhiên sau khi đất nước thống nhất, trong cuộc trưng bày cây cảnh nghệ thuật toàn quốc lần thứ nhất tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2006, hai tác phẩm “Lưỡng mai vạn thọ” của nghệ nhân Nguyễn Gia Hiền và “Độc thụ lưu quang” của nghệ nhân Vũ Minh Châu đoạt giải nhất (giải vàng), giải ba (giải đồng). Hai nghệ nhân này đều sinh ra ở làng Triều Khúc, một trong 5 làng quê cổ nhất của Hà Nội, một làng nghề có truyền thống lâu đời về non bộ và cây cảnh.
Thú chơi non bộ, cây cảnh đã hình thành, phát triển ở phương Đông từ lâu đời. Theo một số nghiên cứu và tài liệu ghi chép thì thú chơi non bộ bắt nguồn từ thời nhà Hán, Trung Quốc vào những năm 200 TCN. Theo Bách khoa thư mở, Hòn Non Bộ là nghệ thuật xây dựng, sắp đặt, thu nhỏ, đưa những ngọn núi to lớn ngoài tự nhiên vào trong các vườn cảnh (giả sơn) để phục vụ mục đích thưởng ngoạn trong cuộc sống.
Ở Việt Nam, theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào tháng 6 năm Ất Dậu (985), nhân lễ sinh nhật vua Lê Đại Hành, người ta đã đắp núi giả trên chiếc bè giữa sông để vua quan đi thuyền xung quanh thưởng ngoạn. Một số tư liệu còn nhắc đến trong dân gian có thú chơi "bồn trì" và "giả sơn", tức là "bể cạn" và "non bộ". Như vậy có thể xem cái thú chơi tao nhã này đã từ cung đình truyền ra và được dân gian hóa cho đến bây giờ.
Ở các làng quê cổ trong đó có làng Triều Khúc, những gia đình quan lại, gốc gác quan lại, chức sắc và những gia đình khá giả, có chút ít học thức mới có điều kiện với thú thưởng ngoạn Hòn Non bộ. Đó là những cụm núi giả đặt giữa một bồn nước nhỏ, trung bình hoặc lớn. Kích thước bồn nước nhỏ khoảng 15–20 cm, trung bình thì 2–3 m. Còn lớn thì từ 4m trở lên, thường là ở đền, chùa.
Đá dùng đắp hòn non bộ là những loại đá xốp thấm thủy, dễ hút nước nuôi cây. Ở Triều Khúc các nghệ nhân thường dùng vôi hòa mật, giã nhuyễn với củ chuối để đắp hòn non bộ. Các cụ thường đắp hòn non bộ có hình dạng giống như những ngọn núi thực. Núi đắp thường có số ngọn lẻ 1, 3, 5... Theo các các nghệ nhân truyền lại, điều quan trọng là cái hồn cốt của núi đá. Cây chỉ được trồng để tô điểm thêm nét tự nhiên. Hòn non bộ phải theo một kích thức, tỉ lệ và sắp xếp xa gần nhất định. Cây trồng không thể cao, lấn át núi. Triều Khúc nổi tiếng nhất là thế “Sư tử hồi đầu”. Hiện nay vẫn còn một số hòn non bộ theo thế này có tuổi đời hàng trăm năm.
Cây xanh ở hòn non bộ thường được ốp ở dưới chân hoặc ở sườn vách hòn non bộ. Các cụ thường trồng cây si, cây sanh. Theo quan sát và suy đoán của chúng tôi, ban đầu có lẽ thú chơi non bộ và cây cảnh gắn liền với nhau. Theo thời gian cây cảnh ở những hòn “non bộ nhỏ” mọc trùm lên (do quy luật phát triển tự nhiên của cây và cũng có thể là do bỏ cộ). Dần dần hình thành thú chơi cây cảnh tách khỏi thú chơi hòn non bộ.
Những người ở độ tuổi ngoài 70 trở lên hiện nay nhớ rất rõ một số cây cảnh “giao thoa” có tiếng còn lưu lại thường bắt nguồn từ hòn non bộ nhỏ. Hòn non bộ gắn với cây si cảnh của cụ Dĩ (họ Vũ, đã bị bom Mỹ phá hủy) , cây sanh của cụ Lý Trọng (họ Vũ, đã bán vào những năm 1980), cây sanh của cụ Cai bồng (họ Vũ, đã bán vào những năm 1980), cây sanh của cụ Hương (họ nguyễn Duy), cây sanh của cụ Thừa (họ Giang), cây của cụ Đằng (họ Giang), cây của cụ Tư Vụ (họ Hoàng), cây của cụ Đại, cây của cụ Trung (họ Giang)…
Từ thực tế tìm hiểu qua các cụ cao niên từ thời còn niên thiếu, chúng tôi nhận thấy đến cuối thế kỷ 19, thú chơi hòn non bộ và cây cảnh ở Triều Khúc đã tách biệt hoàn toàn. Hòn non bộ cổ ở chùa làng Triều khúc, hòn non bộ của cụ Cự Điểm (họ Nguyễn Duy), hòn non bộ của cụ Trung Lượng (họ Nguyễn Quang), hòn non bộ của cụ Cai Thành, hòn non bộ của cụ Cự Thất (năm 1954 vào Nam), hòn non bộ của cụ Hàn (cụ Nguyễn Hữu Dị), hòn non bộ của cụ Bá Bích, hòn non bộ của cụ Thừa và một số hòn non bộ của các cụ khác ở trong làng, yếu tố cây cảnh rất mờ nhạt, nhiều hòn hòn non bộ chỉ có một hai nhánh cây tô điểm.
Một số cụ trong làng vừa chơi hòn non bộ, vừa chơi cây cảnh. Tiêu biểu trong số các cụ có cụ Nguyễn Hữu Dị, nhà vừa chơi hòn non bộ vừa chơi cây cảnh. Cụ cả Dùng (con cụ Dị) và đời thứ 3 của cụ Di là ông Nguyễn Hữu Điềm, bạn cùng trang lứa với chúng tôi đã bán 2 xe ô tô cây cảnh cho Sở Văn hóa Hà Nội vào đầu những năm 1970. Trong số đó có những cây được giải nhất trong cuộc thi nhân khánh thành công viên Thống nhất vào những năm 1960). Bây giờ ngôi nhà của cụ Dị chỉ còn lại hòn non bộ.
Cùng thời với cụ Dị và sau đó một thời gian ngắn, khá nhiều cụ vừa chơi cây cảnh vừa chơi hòn non bộ như cụ Cai Loan (họ Triệu Khắc), cụ Cai Thành, Cụ cả Dùng, cụ Đằng (họ Giang nguyên), cụ Hương (họ Nguyễn Duy), cụ Lọng (họ Nguyễn Duy), cụ Thơ ký Ấm (họ Nguyễn Gia), cụ Sang Bồng (họ Vũ Văn)… Tiếp đó là cụ Sâm Năng (họ Triệu Khắc), cụ Phú Cảnh (họ Nguyễn Gia), Cụ Huynh (họ Triệu Quang), cụ Quất (họ Nguyễn Duy), cụ Thái (họ nguyễn Huy)… Các cụ sau này đều có thiên hướng chuyên về cây cảnh.
Mặc dù các cụ khá thọ, nhưng phần lớn các cụ đã đi về với tổ tiên nhiều năm nay. Có cụ đi từ những năm 1950 của thế kỷ trước. Tất cả chỉ chứng minh được thú chơi non bộ và cây cảnh ở Triều Khúc mới có trên 150 năm nay. Vấn đề đặt ra là thú chơi non bộ và cây cảnh ở Triều khúc, theo như các cụ truyền lại đã có từ lâu đời, từ trước thời các cụ. Vậy thì có từ bao giờ và ai là ông tổ của thú chơi non bộ, cây cảnh ở làng Triều Khúc?
Lần lại lịch sử của làng Triều Khúc, qua ngọc phả, tộc phả, gia phả của các dòng họ ở Triều Khúc chúng tôi thấy vào thời Lê, từ năm 1428 đến năm1433, họ Nguyễn Huy có 2 cụ đỗ đạt cao được bổ làm tri huyện. Đời vua Lê Thánh Tông (1460-1497), họ Bùi có 3 cụ đỗ cao được làm quan tới tri phủ, phong tước Thập lý Hầu (theo tộc phả của họ Bùi và tài liệu của cụ Giang Nguyên Đằng đã quá cố từ lâu). Chúng tôi đã đi tìm những dấu tích hòn non bộ và cây cảnh qua lời kể của hậu duệ những cụ trên thì hòn non bộ và cây cảnh cổ nhất cũng chỉ khoảng gần 200 năm trở lại đây.
Dòng họ Nguyễn Gia có tới 12 người đỗ đạt cao (nhà thờ họ đã được công nhận là di tích lịch sử của thành phố Hà Nội). Theo sách Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075-1919), cụ Nguyễn Gia Du người làng Triều Khúc, huyện Thanh Oai, nay là thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, cụ đỗ Đệ Tam Giáp đồng tiến sĩ, xuất thân khoa Ất Sửu, niên hiệu Đoan Khánh (1505) đời vua Lê Uy Mục, làm đến chức quan Phủ doãn Phủ Phụng Thiên. Tiến sĩ Nguyễn Gia Du có cha và ông nội cũng đều là những bậc đại khoa được lịch sử vinh danh. Ba cha con, ông cháu “trực hệ đồng triều” là các cụ Nguyễn Trung, Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Gia Du đỗ Tiến sĩ lần lượt vào các năm 1472, 1493, 1505 và trở thành những vị quan thanh liêm được nhân dân ở nhiều nơi tôn thờ là ‘Danh khoa thế mỹ’, được sử thần Ngô Sĩ Liên đánh giá “là điều hiếm có trong lịch sử”…
Tôi đã tìm về hậu duệ của các cụ nhưng cũng không tìm thấy dấu tích hòn non bộ và cây cảnh. Ngay cả đến ngôi nhà xưa của cụ Nguyễn Gia Du, vì một lý do nào đó bán lại cho một cụ ở dòng họ Triệu Đình gần 350 năm nay cũng không còn dấu tích gì (Hiện nay ông Triệu Đình Hòa đang sinh sống trên mảnh đất này).
Nếu nói thú chơi non bộ và cây cảnh ở Triều Khúc có từ năm 1428 bắt đầu từ những cụ dòng họ Nguyễn Huy làm quan, rồi đến cụ Nguyễn Gia Du vào những năm 1505 trong thời Lê sơ thì không có cơ sở, không có chứng cứ cụ thể nào. Theo lời các cụ truyền lại “có từ lâu đời” không có nghĩa là có từ thời kỳ này. Và nếu cứ gán ghép thì rất khiên cưỡng. Cho rằng thú chơi non bộ và cây cảnh ở Triều Khúc có từ thế kỷ 15, thì cũng chỉ có vào đời các cụ làm quan, Sau đời các cụ thì cũng mai một. Vì hậu duệ đời sau làm ruộng thì không thể có điều kiện duy trì thú chơi “vương giả” này.
Chúng tôi cho rằng thú chơi non bộ, cây cảnh bắt đầu từ thời Lê Trung Hưng, khởi nguồn từ cụ Vũ Đức Uý, cụ Vũ Sứ Thần vào thời Lê Cảnh Hưng. Theo các tài liệu cổ còn lưu giữ được (gia phả dòng họ Vũ ở Triều Khúc, bia mộ của cụ, thẻ bài của cụ, sao lục về nghệ sư Vũ Sứ Thần tại đền thờ cụ, sắc phong Vũ Sứ thần năm 1925 của vua Khải Định, hương ước làng Triều Khúc), chúng tôi khẳng định Đức Tổ Nghề làng Triều Khúc là quan đi sứ dưới triều vua Lê Cảnh Hưng (1740 - 1786), tên Ngài là Vũ Đức Úy, tổ họ Vũ làng Triều Khúc.
Cùng chuyến đi sứ với cụ có Phó bảng Dương Đình Hoan, Thượng Khắc Quan Mai Quận Công, Phó tướng Triệu Tướng Công và đoàn tùy tùng (Gia phả dòng họ Vũ ở Triều Khúc, trích sao lục về nghệ sư Vũ Sứ Thần). Trong chuyến đi sứ Trung Quốc kéo dài 12 năm, ở dịch quán cố cung Bắc Kinh, cụ đã học được nhiều nghề thủ công cùng với thú chơi non bộ cây cảnh thời nhà Thanh, Trung Quốc rồi về truyền lại ở các địa phương, trong đó có làng Triều Khúc.
Việc cụ Vũ Sứ Thần truyền 6 nghể thủ công cho dân làng đã biến Triều khúc, một làng thuần nông, trở thành một làng nông nghiệp, thủ công nghiệp và buôn bán. Dân làng Triều Khúc từ đó mới trở nên hưng thịnh, trở thành một làng nghề nổi tiếng trong lịch sử, được vua Xiêm, vua Lào và các vị tổng đốc thời phong kiến, các vị lãnh đạo cao cấp thời hiện đại như Huỳnh Thúc Kháng, Võ nguyên Giáp, phạm Thế Duyệt… đến thăm. Thú chơi non bộ, cây cảnh, thú chơi cao sang này mới có điều kiện phát triển bền vững, phát triển sâu rộng thành phong trào từ khoảng cuối thế kỷ 19.
Chúng tôi có may mắn ở gần nhà với cụ Vũ Văn Dĩ, cháu đời thứ 8 của cụ Vũ Sứ Thần, cụ mất năm 1981, thọ 94 tuổi. Vào đầu năm 1960, tôi bị sai chân, ngày ngày phải đến nhà cụ nắn bóp chân. Nhà cụ cũng là từ đường thờ cụ Vũ Sứ Thần. Hòn non bộ và cây si cảnh của nhà cụ đặt ở ngay trước cửa gian giữa. Có lần vừa kéo chân cụ vừa kể về bể cảnh và cây si (bể loại nhỏ) có từ thời các cụ để lại. Năm em trai của cụ cũng quây quần gần nhà cụ. Nhà cụ nào cũng có bể cảnh và cây cảnh (không tách bạch hòn non bộ và cây cảnh). Trừ cụ Phó Năm, em thứ 5 của cụ là không chơi non bộ và cây cảnh. Cụ Phó Năm chỉ có thú chơi chim bồ câu…
Kết hợp với những câu chuyện về non bộ, cây cảnh của cụ Nguyễn Hữu Dùng, con cả của cụ Nguyễn Hữu Dị (người được Vua Bảo Đại phong là Hàn lâm học sĩ công nghệ sau một cuộc thi hàng thủ công mỹ nghệ tại kinh thành Huế), chúng tôi (tôi và anh bạn Dương Xuân Hùng, anh Nguyễn Hữu Điềm con cụ) mới biết được thế nào là thế cây mai bò, mẫu tử, phu phụ, huynh đệ, tam đa, ngũ phúc... Chúng tôi được cụ chỉ cho xem từng cây trong vườn, ước chừng khoảng trên dưới 15 cây sanh, si, đa các loại. Sau này chúng tôi mới hiểu các cụ đã đem cái chuẩn mực quan hệ xã hội, gia đình nho giáo vào trong những thế cây của mình. Trong những câu chuyện kể về hòn non bộ và cây cảnh, cụ Dùng có nhắc tới cha, ông mình, nhắc đến cha, ông cụ Cai Bồng (em cụ cự Dĩ) ở nhà bên cạnh. Chúng tôi mới biết được các cụ lớp trên, lớp dưới chơi với nhau vì đều có thú say mê non bộ và cây cảnh như thế nào.
Tóm lại theo ý kiến cá nhân tôi, cụ Vũ Sứ Thần là ông tổ nghề của làng Triều Khúc, đồng thời cũng là ông tổ của thú chơi non bộ và cây cảnh của làng Triều Khúc. Điều này hoàn toàn có cơ sở thực tế. Nếu giả thuyết của tôi là đúng thì thú chơi non bộ và cây cảnh đã có ở làng Triều Khúc từ gần 300 năm trở lại đây, chính xác là 283 năm. Điều này cũng tương ứng với những cây cảnh cổ nhất hiện nay của làng Triều Khúc, những cây cảnh có giá vài ba chục tỷ đồng và những cây cảnh có xuất xứ nguồn gốc từ làng Triều Khúc có tuổi đời khoảng gần 200 năm.
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.