Nghĩa trang liệt sỹ A Lưới

Leave a Comment

 Hôm nay chúng tôi lại trở về A Lưới. Mỗi lần quay lại đây chúng tôi đều bồi hồi xúc động. Bao nhiêu kỷ niệm một thời lại ùa về. Chúng tôi đã bàn với nhau năm tới sẽ ở lại đây vài ngày. Ngoài việc thắp hương cho đồng đội, sẽ dành thời gian thăm lại một số địa điểm diễn ra những trận đánh trên dưới nửa thế kỷ, thăm lại hậu cứ của Sư đoàn 324, thăm địa đạo An Hô, địa đạo A Don, địa đạo Khu ủy Trị Thiên, thăm một số khu du lịch, khu sinh thái A Lưới.

Chúng tôi hỏi nhau tại sao các cựu chiến binh Trị Thiên lại không nghỉ dưỡng ở A Lưới? Nó không thua kém bất kỳ nơi nghỉ dưỡng nào hiên tại. Thậm chí cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, lịch sử văn hóa các dân tộc, lịch sử chiến tranh còn nổi trội hơn rất nhiều nơi. Vậy mà chúng tôi vẫn chưa thực hiện được tâm nguyện của mình. Điều cơ bản là chúng tôi muốn khởi đầu cho một phong trào du lịch A Lưới trong tất cả các cựu chiến binh Trị Thiên và người thân trong gia đình của mình. Chúng tôi tin A Lưới trong tương lai sẽ trở thành một địa chỉ du lịch lịch sử , văn hóa không thể bỏ qua. Rất tiếc năm ngoái, sau khi dự 50 năm chiến thắng A Bia, chúng tôi không nán lại tham dự Ngày hội du lịch Quốc tế tổ chức tại A Lưới. Có thể mọi người còn có dịp sang thăm nước bạn Lào…
Lần này đi vội quá, chưa kịp viết về A Lưới. Xin đăng lại bài viết để đồng đội đọc trong lúc ở trên xe. Bài này tôi viết vào tháng 12 năm 2018. Bài viết mới còn dang dở xin để đăng sau chuyến đi này.
5h30 trên miền biên cương giáp biên giới Lào, trời se se lạnh. Thi trấn A Lưới nằm trong thung lũng A Sầu vẫn chìm trong hơi sương. Mặc dù dọc con đường Hồ Chí Minh đi qua thị trấn A Lưới đèn điện vẫn thắp sáng, nhưng tầng tầng, lớp lớp sương giăng mờ mịt. Chúng cứ liên tục trôi đi, bay đến, miên man, bồng bềnh bao phủ khắp thung lũng. Nhìn ra xa, từ mặt đất tới bầu trời chỉ thấy một biển hơi mênh mông vô tận, trắng đục.
Đường phố vắng lặng, không một bóng người qua lại. Tứ bề vẫn còn rỉ rả tiếng côn trùng sót lại đêm qua. Đâu đó thoang thoảng mùi hương đặc trưng ngai ngái của rừng núi. Cái khung cảnh này khiến cho người ta có cảm giác đơn chiếc, chỉ còn biết thu mình vào ký ức xa xăm …
Tôi lững thững bước đi, cố gắng đoán định những địa danh năm xưa, nơi từng lưu trú, nơi từng in dấu bước chân gùi đạn, gùi gạo qua Bốt Đỏ, xuôi đường 73, xuống núi Sơn, vượt suối Mẹ, bơi ngược sông Bồ giữ chốt, quần nhau với Trung đoàn 54 Trâu Điên. Tôi cố gắng nhưng không thể tìm thấy dấu tích con đường mòn dẫn lên ngọn đồi có những thân cây đan xen, cao hàng chục mét. Bên dưới tán rừng là những căn hầm tôi từng trú ngụ với anh Tâm, anh Trịnh qua bao ngày đêm, qua mùa mưa dai dẳng. Bùn từ những căn hầm tràn xuống sàn hàng tháng trời… Cái tổ tam tam ấy còn sót lại một mình tôi. Tâm trúng đạn pháo hy sinh đầu tháng 3/1973. Trịnh bị mảnh M79 găm vào sọ não. Tiểu đội huấn luyện mười hai người của tôi bổ sung vào các đại đội của Tiểu đoàn 8 đến nay chỉ còn lại hai người, tôi và Thắng!
Không còn dấu vết nào của một thời đạn bom. Tôi cứ đi dọc thung lũng, đến gần 7h thì tới Nghĩa trang liệt sỹ huyện A Lưới. Nghĩa trang nằm trên một khu đất cao bên trục đường Hồ Chí Minh, được xây dựng, tôn tạo lại năm 1986. Có 1600 ngôi mộ. Một số liệt sỹ thuộc Sư đoàn 325. Một số thuộc Trung đoàn 6 Quân khu Trị Thiên, trung đoàn pháo, Binh trạm 559, dân quân du kích… Phần lớn còn lại là liệt sỹ thuộc Sư đoàn 324 của tôi từ năm 1966 tới năm 1972. Tôi biết còn hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn liệt sỹ còn nằm đâu đó rải rác khắp thung lũng, khắp A Lưới chưa tìm thấy, chưa được quy tập về nghĩa trang này. Thật xót xa! Nhưng biết làm thế nào. Chiến tranh mà! Trong số 1600 ngôi mộ thì có đến hơn 1400 ngôi mộ không tên. Không biết đến bao giờ những người còn sống như chúng tôi mới trả được tên cho các anh, để được gọi tên các anh như những ngày nào!
Trong số các nghĩa trang trên cả nước, có lẽ các nghĩa trang ở Trị Thiên là các nghĩa trang có nhiều ngôi mộ không tên nhất. Trong số các nghĩa trang ở Trị Thiên thì có lẽ nghĩa trang ở A Lưới là một trong những nghĩa trang có nhiều mộ liệt sỹ không tên nhất. Vì sao? Không phải vì trong chiến tranh các đơn vị không làm tốt công tác tử sỹ. Chỉ vì đó là chiến trường ác liệt nhất. Các đơn vị không thể làm được gì hơn khi cả một đơn vị hy sinh. Đơn vị ở đây có thể là một tiểu đội, một trung đội, thậm chí là cả một đại đoi, không còn lấy một người vì bom B52, vì pháo bầy, vì bị bao vây, vì bị phục kích trong chiến trường. Thịt xương tan nát và trong tay kẻ địch thì ai có thể xác định được danh tính.
Tôi được anh Lê Văn Chớ, nguyên Đội trưởng Đội Trinh sát Đặc công Trung đoàn 812 cho biết, số liệt sỹ hy sinh trên địa bàn Thung lũng A Sầu của Sư đoàn 325, Sư đoàn 324 từ năm 1965 đến đầu những năm 1970 được quân và dân trên địa bàn A Lưới quy tập về A So. Nhưng đến năm 1972, B52 Mỹ rải thảm khu nghĩa trang. Hầu như không còn một ngôi mộ nào còn. Các anh đã hy sinh đến lần thứ 2, thứ 3…
Tôi đi vòng quanh khu nghĩa trang. Dọc con đường mòn nhỏ có vài ngôi nhà của người Vân Kiều. Tôi chỉ còn biết nhìn những hàng mộ không tên trong nghĩa trang chạy tới chân đồi. Phía sau các anh là rừng đại ngàn Trường Sơn. Tôi dừng lại trước cổng nghĩa trang. Người quản trang trông thấy, ra mở cửa.
- Tôi nhớ ra anh rồi! Cách đây mấy tháng anh cũng đây đến đây trước một mình. Chắc anh nay anh lại đến viếng thăm đồng đội?
- Vâng, tôi đến trước. Anh em đồng đội đến sau.
Tôi biết ngày 17/4/2017 Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức lấy mẫu sinh phẩm cho 1160 ngôi mộ không tên tại nghĩa trang A Lưới. Hy vọng rằng gia đình các anh, các chị sẽ sớm tìm được các anh qua xác định AND và chúng tôi sẽ sớm được gọi tên các anh vào một ngày gần đây. Tôi hỏi người quản trang:
- Có nhiều gia đình tìm thấy thân nhân liệt sỹ của mình không anh?
- Không có mấy anh ạ!
Thế mới biết việc bao nhiêu gia đình liệt sỹ ngóng chờ tìm được mộ thân nhân không phải là chuyện đơn giản. Biết bao người mẹ, người vợ, người thân trong gia đình mòn mỏi đi tìm các anh. Hơn nửa thế kỷ đã trôi đi rồi. Biết đâu mà tìm! Hàng vạn, hàng chục vạn người mẹ, người vợ đã ra đi mang theo hình bóng của các anh. Đồng đội các anh cũng vậy. Chỉ biết thắp nén nhang chung trong ngày 27/7 hàng năm!
Trong số những gia đình may mắn tìm được thân nhân ở A Lưới, có gia đình anh Liệt sĩ Phan Hữu Khải, sinh năm 1953, quê ở Hà Nội. Vào những năm tháng chiến tranh ác liệt, theo tiếng gọi của Tổ quốc, anh đã cùng với anh em cùng trang lứa chúng tôi vào chiến trường. Anh được biên chế vào Trung đoàn 1, sư 324 thuộc Quân khu Trị Thiên. Anh hy sinh năm 1972 tại điểm cao 66 gần sân bay dã chiến của địch, đối diện dãy núi Ca Va thuộc huyện A Lưới…
Để tri ân các anh hùng liệt sĩ huyện A Lưới và đặc biệt là người anh trai thân thương hy sinh anh dũng, gia đình Trung tướng Phan Hữu Tuấn cùng chị gái, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đã tặng tấm bia đá mang dòng chữ “Tưởng nhớ các liệt sĩ và em trai Phan Hữu Khải đang an nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ huyện A Lưới”. Tấm bia đá này được đặt sau cổng nghĩa trang, trọng lượng 22,5 tấn, rộng 3,3m, cao 3,3m. Trên tấm bia đá có khắc bài thơ Hương thầm, chị Nhàn đã sáng tác bài thơ này sau ngày em trai mình lên đường vào Nam chiến đấu. Tôi xin chép lại bài thơ:
Khung cửa sổ hai nhà cuối phố
Không hiểu vì sao không khép bao giờ.
Đôi bạn ngày xưa học cùng một lớp
Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa.

Giấu một chùm hoa sau chiếc khăn tay,
Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm,
Bên ấy có người ngày mai ra trận

Họ ngồi im không biết nói năng chi
Mắt chợt tìm nhau rồi lại quay đi,
nào ai đã một lần dám nói ?

Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối
Anh không dám xin ,
Cô gái chẳng dám trao
Chỉ mùi hương đầm ấm thanh tao
Không dấu được cứ bay dịu nhẹ .

Cô gái như chùm hoa lặng lẽ
Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu .
(Anh vô tình anh chẳng biết điều
Tôi đã đến với anh rồi đấy ...)

Rồi theo từng hơi thở của anh
Hương thơm ấy thấm sâu vào lồng ngực
Anh lên đường
Hương thơm sẽ theo đi khắp

Họ chia tay
Vẫn chẳng nói điều gì
Mà hương thầm thơm mãi bước người đi

Mặc dầu biết bài thơ này từ lâu, từ khi nó vừa ra đời nhưng đọc lại bài thơ ở nghĩa trang A Lưới tôi vô cùng xúc động. Tôi có thêm cảm nhận mới về bài thơ. Nó không chỉ thể hiện được nỗi lòng thầm kín, tinh tế của người ở lại hậu phương với người ra mặt trận và người ra mặt trận với người ở lại quê hương mà còn phản ánh khát vọng tình yêu luôn tỏa hương trong tâm hồn lớp thanh niên thời chống Mỹ cứu nước.
Bây giờ với tôi, hình tượng hoa bưởi, một thứ cây phổ biến ở các làng quê của 1600 liệt sỹ tuổi hai mươi tại nghĩa trang A Lưới, sẽ luôn có bóng dáng của những người con gái yêu thương của riêng các anh, như các anh đã từng yêu từng nhớ người con gái mà các anh đã kể cho nhau nghe trước giờ ra trận. Các anh sẽ không bao giờ đơn chiếc vì mỗi khi ra Giêng xuân về, cũng là lúc bưởi ra hoa. “Đầu làng, cuối xóm, ngào ngạt hương thơm, loài hoa âm thầm tỏa hương đến kỳ lạ, chưa thấy hình đã thấy hương, chưa thấy bóng hoa đã ngây ngất mùi thơm thanh khiết”. Nó mãi mãi thầm kín, lặng lẽ nhưng nồng nàn giống như tình yêu chưa ngỏ lời của các anh, giống như tình yêu vĩnh hằng của các anh dành cho non sông đất nước này.

Read More

Cuộc chiến ở Căn cứ 935/ Ripcord

Leave a Comment

 Cuộc chiến ở Căn cứ 935/Ripcord

Cuộc chiến ở Căn cứ 935/Ripcord cách đây tròn 50 năm đã diễn ra được 18 ngày. Các đơn vị thuộc Trung đoàn 1 do Trung đoàn Trưởng Vũ Thế Đào tiếp tục thắt chặt vòng vây căn cứ của quân Mỹ. Các đợn vị hỏa lực cối ngày đêm nã đạn vào căn cứ địch. Đại đội 12, 7ly và các đơn vị bộ binh tập trung bắn hạ máy bay tiếp tế, trực thăng vũ trang. Các đơn vị bộ binh không ngừng cơ động bám sát, tiêu diệt các đại đội Mỹ nống ra bảo vệ căn cứ.
Căn cứ 935/Ripcord như cá nằm trên thớt. Quân Mỹ đã thực sự bước vào cuộc khủng hoảng. Đặc biệt vào ngày 18 một chiếc trục thăng Chinook bị một khẩu 12, 7 ly của Đại đội Hỏa lực Trung đoàn 1 bắn rơi xuống kho chứa đạn pháo. Căn cứ 935 rung chuyển bôc cháy trong tiếng nổ mấy giờ liền.
Sư đoàn Dù 101 bắt đầu tính đến chuyện tháo chạy khỏi Căn cứ 935/Ripcord. Tôi xin trích một đoạn trong cuốn Đại bàng gào thét trong vòng vây để bạn đọc thấy được tâm trạng của Thiếu tướng Berry, chỉ huy Sư đoàn Dù trong việc rút khỏi căn cứ này:
"Tướng Berry viết về cho vợ vào ngày 20 tháng Bảy “Anh đã quên trách nhiệm của người chỉ huy chiến đấu đối với sức khỏe của mình: Thường xuyên lo lắng bồn chồn; không ngừng suy nghĩ về những kế hoạch của kẻ địch sắp tới và thường xuyên tự hỏi liệu mình đã làm tất cả mọi cái mình cần phải làm cho binh lính và đơn vị chưa… Anh nghĩ đến trách nhiệm nặng nề và càng cảm thấy nặng nề hơn bởi vì anh là chỉ huy tạm thời… trải nghiệm đáng giá cho một sĩ quan cấp tướng trẻ,” ông viết thêm với giọng điệu mỉa mai. “Khi Tướng Hennessey trở lại… Anh tin chắc rằng mình đã già đi nhiều tuổi…”
Berry cảm thấy gánh nặng không những vì Căn cứ Ripcord bị bao vây mà còn vì Chiến dịch Đỉnh Chicago sắp tới. Cuối cùng ông quyết định không chỉ hoãn lại cuộc tấn công này một lần nữa mà còn giảm bớt những mục tiêu của nó. Ông chỉ ra những lý do trong một lá thư viết vào sáng ngày 21 tháng Bảy: “Đối phương tăng cường lực lượng trên Núi Co Pung và bố trí nhiều súng phòng không; sự hỗ trợ pháo binh của chúng ta dường như không đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là quan điểm tác chiến đang diễn ra xung quanh Ripcord có vấn đề; và ở giai đoạn này trong cuộc chiến tranh, tất cả những cuộc tấn công của Mỹ phải có một sự đảm bảo thành công cao nhưng tổn thất phải giữ ở thấp. Từ đầu, bản năng chuyên nghiệp của anh đã chỉ ra rằng kế hoach của chúng ta đòi hỏi phải chịu những rủi ro không thể chấp nhận mà không có sự đảm bảo thành công cao. Anh đã kiềm chế thể hiện những bản năng này bởi vì chiến dịch đã được lên kế hoạch từ nhiều tháng nay và bởi vì anh là người mới đến sư đoàn. Bây giờ cá nhân anh phải quyết định khởi động chiến dịch, anh không thể liều lĩnh, theo tiêu chuẩn cơ bản, phải đảm bảo chiến dịch có được sự cân nhắc thông tin trinh sát tập trung mới nhất chuyển tới chúng ta… Phán đoán của anh, chúng ta sẽ mất quá nhiều máy bay và quá nhiều binh lính… Ví dụ ngày hôm qua, chúng ta đã mất 11 máy bay bị hư hại vì hỏa lực phòng không trong khi tiến hành trinh sát thấp khu vực đỉnh Chicago. Hầu hết hỏa lực đến từ súng máy 12,7mm, loại súng chế tạo tại Trung Quốc. Khu vực này đầy rẫy hỏa lực phòng không và bộ binh bắn vào máy bay của chúng ta.” Berry viết thêm một cách hài hước: “Anh phải nói rằng Jack Hennessey đã lựa chọn một thời điểm quan trọng để nghỉ phép. Hy vọng ông ấy thích thú về việc đó…”
Berry ghi lại trong một lá thư khác viết cho vợ, Thiếu tướng Donald Cowles, Tham mưu trưởng Bộ Chi huy Cố vấn Quân sự ở Việt Nam đến thăm ông. “ Cowles nói rằng khu vực sư đoàn của chúng ta hoạt động hiệu quả nhất ở Việt Nam và đã hoạt động như vậy trong suốt một thời gian,” Berry viết. “Chúng ta có đối thủ khó trị nhất, quyết tâm nhất và đang phải chiến đấu với những cuộc chiến ác liệt nhất. Và chúng ta đã phải chịu những tổn thất nặng nề nhất. Điều này liên quan đến ‘những người ở trên chiến tuyến.’ Trong bầu không khí chính trị hiện nay, Tướng Cowles phát biểu, chúng ta phải duy trì tổn thất ở mức tối thiểu trong thời gian rút lực lượng Mỹ ra khỏi Việt Nam.” Cowles cũng nói với Berry, khi ông diễn giải trong một lá thư “cuộc tấn công (Chiến dịch Đỉnh Chicago) đã được lên kế hoạch của Sư đoàn Dù 101 mới là hoạt động trên sổ sách mùa hè này, mà bất kỳ hy vọng tấn công đối phương ở nơi nào nó cũng sẽ có khả năng làm tổn thương ông, nơi mà nguồn cung cấp dự trữ hạn chế trong việc chuẩn bị cho cuộc tấn công sau khi mùa mưa bắt đầu".
Cowles cũng mang một thông báo từ Tướng William B. Rosson, quyền Bộ Chỉ huy Cố vấn Quân sự ở Việt Nam trong thời gian Tướng Abrams vắng mặt, Abrams phải đi an dưỡng phục hồi sức khỏe từ cuộc phẫu thuật túi mật, ông đã hoãn kế hoạch cho đến khi những binh lính Mỹ cuối cùng rút khỏi Campuchia. Tướng Cowles nói rằng Tướng Rosson hy vọng một số cuộc tấn công thành công vào mùa hè này được đặt lên vai chúng tôi,” Berry thuật lại chi tiết trong thư, “Trừ phi chúng tôi không thể đủ khả năng vượt qua những tổn thất quá mức. Trong lúc đó, lực lượng trinh sát của chúng tôi ở khu vực Đỉnh Chicago tìm thấy ngày càng nhiều binh lính địch; và Ripcord được sử dụng như là một căn cứ pháo binh có hiệu quả trong việc hỗ trợ Chiến dịch Đỉnh Chicago lại đang trở nên vô cùng gay go. Tình hình trở nên tiến thoái lưỡng nan.
Harrison muốn sư đoàn co cụm lại ở Căn cứ Ripcord. Ông nhớ lại mình rất vui mừng, phấn khởi khi Đại đội A nghe lén điện thoại, cho thấy không những tầm cỡ tích tụ quân BV mà còn định vị được vị trí tổng thể các đơn vị của đối phương xung quanh căn cứ hỏa lực. Cuối cùng chúng tôi đã buộc họ chụm lại và không phân tán đi đâu,” Harrison sau đó viết. “Tôi ra lệnh cho tham mưu lữ đoàn triển khai kế hoạch hủy diệt bốn trung đoàn đối phương. Ban tham mưu đã đưa ra một kế hoạch yêu cầu sáu tiểu đoàn Mỹ…”
Kế hoạch của Harrison sẽ được triển khai hành động không do dự ở vào thời điểm trước đó trong cuộc chiến này. Tuy nhiên thời điểm này Berry phải miễn cưỡng cam kết yêu cầu các nguồn lực đến Ripcord; đó là một trận chiến có thể giành được chiến thắng, nhưng ở một mức giá chắc chắn dẫn đến sự la lối của quốc hội mà các sĩ quan cao cấp của Sư đoàn 101 sẽ phải chịu đựng theo sau Đồi Thịt băm. Đại tá Root đánh giá tình hình chính trị tốt hơn đồng nghiệp chỉ huy lữ đoàn Harrison. “Tôi cảm thấy rất thương Berry trong trận chiến này,” Root nhớ lại. “Ông phải hứng chịu những đòn đánh khủng khiếp, nhưng vẫn tỏ ra can đảm giống như một con sư tử. Đó là một khám phá, tôi nghĩ rằng tôi không bao giờ coi trụ sở hay nguồn lực từ lữ đoàn của mình có thể được chuyển tới Ripcord. Tôi không nghĩ rằng sư đoàn đã từng xem xét khả năng này. Mở rộng cuộc chiến đấu theo khu vực hay cam kết lực lượng áp đảo không phải là sự lựa chọn có trong tâm trí của mọi người trong hoàn cảnh những ngày đó.”
Tướng Berry rời khỏi văn phòng vào cuối ngày 21 tháng Bảy để vật lộn với vấn đề về Ripcord. Đó là sự thật, khi Berry ghi lại trên tập giấy, cân nhắc những lý lẽ tán thành và phản đối việc sơ tán khỏi căn cứ Ripcord và việc Chiến dịch Đỉnh Chicago “không thể thực hiện nếu không có Ripcord.” Thực tế đó ủng hộ việc duy trì căn cứ hỏa lực này. Tình trạng tiến thoái lưỡng nan càng trầm trọng thêm vì sự chia rẽ chính trị ở Mỹ và do đó càng đẩy nhanh tốc độ rút quân, và để lại “một chiến thắng về mặt kế hoạch quân sự của quân BV ở khu vực Ripcord.” Đương đầu với những thách thức của kẻ địch sẽ liên quan đến việc chuyển dịch những lực lượng khác vào những ngọn núi xung quanh Ripcord như làm suy yếu nghiêm trọng hệ thống phòng thủ đồng bằng ven biển của sư đoàn, nhiệm vụ chính của nó, đồng thời kết quả trận chiến sẽ thu hút phương tiện thông tin đại chúng bất lợi, thu hút sự chú ý về chính trị như gây nguy hiểm cho toàn bộ chương trình Việt Nam hóa chiến tranh. Cuối cùng Berry viết:
Ricord bây giờ là trách nhiệm pháp lý
Một con tin
Một chiến thắng tiềm năng của quân BV.
Về lý luận thì đưa ra những lý lẽ ủng hộ việc sơ tán Ripcord ngay lập tức. Nhưng đặc điểm truyền thống của sư đoàn mà Berry là chỉ huy thì không như vậy. Ông đã viết sau này, ông “nhận thức sâu sắc trận bao vây ở Bastogne” (Trận đánh tại thành phố Bastogne thuộc Bỉ của sư đoàn Dù trong chiến tranh thế giới thứ 2, nơi quân Đức đã bao vây quân Mỹ) khi ông cân nhắc làm cái gì ở Ripcord. Ông cũng quan tâm đến hậu quả mà việc rút quân sẽ gây ra về mặt tinh thần cho sư đoàn.
Trở dậy sáng sớm ngày hôm sau, Berry viết một lá thư về cho vợ.
“5h15 thứ Tư ngày 22 tháng Bảy 1970.
Bây giờ đã đến thời điểm chúng ta phải đặt câu hỏi có tiếp tục sử dụng Ripcord không. Liệu nó có đáng giá với những tổn thất cho cái mục đích sử dụng nó? Nếu chúng ta quyết định ‘không,’ chúng ta sẽ đi khỏi Ripcort như thể nào? Nếu chúng ta bỏ trống Ripcord, sau đó chúng ta làm cái gì? Chúng ta sẽ đặt pháo binh của chúng ta ở đâu để hỗ trợ cuộc tấn công mà chúng ta muốn tiến hành đánh vào doanh trại cơ sở và khu vực cất giấu quân trang quân dụng của quân BV?
Hôm nay chúng ta phải quyết định chiều hướng hành động khác với những gì chúng ta đang làm. Hiện giờ chúng ta đang phải chịu tổn thất không ngừng ở Ripcord từ những quả đạn súng cối đang bay đến… Chúng ta đang phải chịu tổn thất không ngừng ở các đại đội bộ binh đang hoạt động trong những ngọn núi, trong những khu rừng xung quanh Ripcord nhằm cố gắng xác định và phá hủy súng cối và súng máy phòng không của đối phương… Càng ngày hỏa lực pháo binh của chúng ta càngdần trở nên kém hiệu quả khi đạn cối của đối phương khiến các pháo thủ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc pháo kích…
Có nhiều binh lính BV ở trên những quả đồi này. Hầu hết trong số chúng mới hành quân từ miền Bắc Việt Nam qua con đường Lào. Chúng được cung cấp quân trang quân dụng tốt. Những ngọn núi của chúng dường như đều có súng phòng không 12,7mm. Ngày hôm qua, chúng ta có thêm hai máy bay trực thăng bị bắn hạ trong cùng khu vực nơi một đại đội bộ binh đang trong tình trạng giao tranh quyết liệt. Quân BV rất muốn giáng cho các lực lượng Mỹ một thất bại lớn… Anh rất vui khi đã quyết định làm gì ở khu vực Ripcord và bắt đầu làm việc đó. Chúa ơi, giúp con ra quyết định đúng đắn.”
Berry đã quyết định vấn đề khi kết thúc lá thư, như được thuật lại trong một bức thư gửi đi tiếp theo viết sau ngày hôm đó: “Sáng hôm nay anh ra quyết định nghề nghiệp khó khăn nhất trong cuộc đời: Rời khỏi Ripcord càng nhanh càng tốt. Nói bao giờ cũng dễ hơn làm…”
Theo John Fox, phi công lái máy bay của Tướng Berry, quyết định rút quân khi đối mặt với kẻ thù, tuy rằng hợp lý, nhưng sẽ là điều rất khó chịu với Berry, cái điều bắt buộc phải nuốt đi bao niềm tự hào. “Không có người lính nào thích được bảo lãnh,” như Berry nói sau đó. “Đó không phải là bản chất của tôi.” Berry viết, quyết định của ông “dựa trên những gì tôi tin là một sự kéo dài những tổn thất về con người, về tiền của. Nó không thể biện minh được cho một lợi thế quân sự không tương xứng.”
Berry bay tới Trại Camp Evans nói riêng với Đại tá Harrison. “Chúng ta chấm dứt ở Ripcord,” Berry thông báo không cần mở đầu. “Anh cần gì để hỗ trợ?”
Mặc dù buổi họp theo kế hoạch diễn ra sau đó nhanh chóng, dứt khoát và lãnh đạm, nhưng Harrison thực sự choáng váng. “Tôi chết lặng đi trong giây lát,” chỉ huy lữ đoàn sau đó viết. “Xem xét việc rút quân thậm chí chưa bao giờ chợt đến trong tôi, nhưng tôi vẫn không đưa ra lời biện hộ hoặc tranh luận để thay đổi quyết định của Berry. Tôi tin rằng những suy nghĩ thoáng qua trong tâm trí, đúng như vậy, có lẽ ông ấy đúng…”
Đại tá Harrison đã trải qua năm đêm sau đó với Lucas ở trên Ripcord, họ chờ những cuộc tấn công trên mặt đất mà họ chắc chắn sẽ đến và tin tưởng rằng họ sẽ hủy diệt chúng trong hàng rào dây thép gai. Bery có thể nhìn thấy cuộc chiến đấu từ một tầm nhìn tách biệt hơn. Tôi ở rất gần. Tôi là một phần của nó. Tôi đang chiến đấu ngay bên cạnh Lucas ở trên Ripcord và ở cả trên không. Tôi đã không thoát khỏi vấn đề trước mắt và không suy nghĩ về mặt chiến lược. Ripcord được trình bày như một vấn đề ở trên lớp học tại Benning hay là tại Leavenworth, Harrison kết luận sau khi nhìn lại, quyết định của ông chắc sẽ giống như của Berry.”
Có những người tin rằng Berry đã bị thúc giục phải sơ tán vì những lời nhắc nhở tế nhị của chỉ huy cấp cao hơn về những tổn thất và những hạn chế không được tế nhị về đạn dược. Berry đã phủ nhận, trên thực tế chẳng có bất kỳ giới hạn nào, do đó ông hoàn toàn phủ nhận quyết định của ông bị chi phối bởi ai đó trong chuỗi mệnh lệnh. “Tôi, và chỉ một mình tôi ra quyết định rút lui,” Berry viết. “Tôi không bao giờ có cảm giác rằng bất kỳ ai từ trụ sở cấp cao hơn tìm cách ép tôi quyết định thế này hay thế khác. Nếu có bất kỳ điều gì, thì đó là việc thiếu vắng sự chỉ đạo.” Berry nhớ lại “cảm giác rất đơn độc” khi cố gắng ra quyết định, và “đôi khi ông muốn có sự hướng dẫn rõ ràng hơn từ cấp trên của tôi.”
Dù trong phân tích cuối cùng Berry nói, “Tôi vui mừng vì họ để cho tôi tự quyết định,” một “trong những truyền thống tốt đẹp nhất của Quân đội đó là người ta để cho người chỉ huy, được tự do xem xét mọi việc theo cách thức riêng trên chiến trường và ra quyết định riêng- và sau đó tiếp theo người ta ủng hộ người chỉ huy từ trụ sở cấp cao hơn. Điều đó đã xảy ra trong trường hợp của chúng tôi. Khi tôi ra quyết định, không một chỉ huy nào ở trên làm bất kỳ điều gì khác hơn là nói, chúng tôi nghĩ rằng anh đã ra quyết định đúng. Không có ai chỉ trích, không có ai bình luận. Đó là cách thể hiện. Một quyết định như vậy là trách nhiệm tối cao của người chỉ huy, việc tin tưởng vào các chỉ huy để ra những quyết định của chính họ là một trong những điểm mạnh của quân đội Mỹ.”
Read More

Chiến dịch Ngôi sao Texas và Căn cứ 935

Leave a Comment
Vào ngày mồng 1 tháng Bảy năm 1970, cách đây đúng 50 năm, chính xác vào lúc 6h00, Sở chỉ huy sư đoàn 324B đã đã lệnh nổ súng tới tất cả các đơn vị nhằm tấn công và phá hủy Căn cứ 935 (người Mỹ gọi là Căn cứ Hỏa lực ripcord), bao vây và tấn công các đơn vị Mỹ ngụy đóng xung quanh căn cứ và các lực lượng của chúng đến giải vây.
Khu vực tác chiến của sư đoàn 324 vào thời điểm đó bao gồm các địa điểm: Căn cứ 935, Cốc Muộn, Dốc Mây, Cốc Bai- đồi 665- Cốc A Vó, A Đam và đồi 1251, Cô Pung và đồi 1087… Trong đó trọng tâm của chiến dịch là căn cứ 935 (theo tài liệu Mỹ, đó là những địa điểm trọng yếu ở khu vực căn cứ 935/Ripcord và xung quanh Ripcord. Nó khác một chút về tên gọi, độ cao so với tài liệu Lịch sử Sư đoàn 324 do NXB Quân đội Nhân dân phát hành năm 1992).
Có thể nói đây là trận đánh lớn cuối cùng của Quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam mà phía Việt Nam chưa đánh giá hết tầm quan trọng của nó, mặc dầu các nhà quân sự, các tác giả đã đề cập đến nhiều khía cạnh về trận đánh trong cuốn Lịch sử Sư đoàn 324, bộ Lịch sử chiến tranh chống Mỹ và một số hồi ký của các tướng tá trong sư đoàn. Theo chỗ tôi biết, người Mỹ ít nhất viết tới bốn cuốn sách về trận đánh này. Trong số đó có hai cuốn từ ba đến bốn trăm trang (cuốn Đại bàng gào thét trong vòng vây của Keith Nolan và cuốn Địa ngục trên đỉnh đồi của Thiếu tướng Benjamin L.Harrison, nguyên chỉ huy Lữ đoàn 3 trong trận đánh ở Căn cứ 935).
Đồi 935 nằm ở khu vực rừng núi huyện Phong Điền, Thừa Thiên. Sở dĩ có cái tên đồi 935 vì theo bản đồ Pháp để lại, ngọn đồi có độ cao 935 mét do với mực nước biển. Nó rộng khoảng 350 mét và dài khoảng 550 mét. Ngọn đồi này án ngữ đường về đồng bằng, là chìa khóa mở cánh cửa xuống khu vực đồng bằng Thừa Thiên. Tháng Tám năm 1969, sau khi chiếm lại vùng đồng bằng và các thành phố ở miền Nam, Quân đội Mỹ và Quân đội Việt Nam Cộng hòa đã phát động nhiều cuộc tấn công lên khu vực rừng núi, giành giật địa bàn rừng núi với ta. Chúng đã tạo nên một vành đai bảo vệ bằng việc xây dựng một số căn cứ hỏa lực trên các cao điểm. Mục đích của những căn cứ này là hỗ trợ các cuộc càn quét vào khu vực rừng núi và đẩy lực lượng của chúng ta ra xa nhằm đảm bảo an ninh cho khu vực đồng bằng và đô thị.
Căn cứ 935 được xây dựng trong thời gian nửa cuối năm 1969. Đó là một căn cứ được tạo nên bằng một trận địa pháo 85mm, một trận địa lựu pháo 105mm và một trận địa cối 106,7mm. Căn cứ 935 chia thành ba khu vực: Khu vực chỉ huy, khu vực hậu cần, vị trí pháo bắn và công sự phòng thủ. Các khu vực pháo binh và khu vực công sự phòng thủ được xây dựng bằng gỗ và bằng nhôm. Những vị trí này một nửa nằm dưới mặt đất và được chất lên cao bằng những bao cát. Khoảng tám đến mười hàng rào kẽm gai được xây dựng xung quanh căn cứ để bảo vệ căn cứ. Các bãi mìn bao gồm tất cả các loại mìn được đặt ở những chỗ quan trọng và dọc theo các sườn núi. Khi Mỹ tiến hành chiến dịch Ngôi sao Texas (Texas Star Operations), Căn cứ 935 được tăng cường thêm một trận địa lựu pháo 155mm, hai trung đội cối 81mm, một khu vực bố trí để súng máy 50mm, hai khẩu súng không giật 90mm, một trung đội kỹ sư, các khu vực kho quân nhu và ba bãi đỗ trực thăng có điều khiển bởi người dẫn đường.
Chiến dịch Ngôi sao Texas là một chiến dịch quân sự kéo dài hơn năm tháng. Chiến dịch này do liên quân Mỹ ngụy tiến hành, diễn ra tại hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên từ ngày 1 tháng 4 đến ngày 5 tháng 9 năm 1970. Mục tiêu chính của Chiến dịch Ngôi sao Texas là bình định, tái thiết nông thôn cùng với các hoạt động tấn công chống lại lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam tại miền tây tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên. Sư đoàn Dù 101 của Quân đội Mỹ và Sư đoàn 1 của Quân đội Việt Nam Cộng hòa và lực lượng phòng vệ dân sự cùng phối hợp tiến hành chiến dịch. Riêng Sư Dù Mỹ có ba lữ đoàn. Một lữ đoàn đảm bảo trách nhiệm thực hiện chương trình bình định nông thôn, hai lữ đoàn thực hiện các hoạt động tấn công ở các khu vực phía tây hai tỉnh, chủ yếu là ở phía nam Thung lũng Đắc krông và phía bắc Thung lũng A Sầu.
Vào ngày 1 tháng 4 năm 1970, các đơn vị của Tiểu đoàn 1, Đơn vị Bộ binh 506 thuộc Sư đoàn Dù 101 đã tiến hành các cuộc tấn công đầu tiên vào Căn cứ 935/ Ripcord mở màn cho Chiến dịch Ngôi sao Texas… Hàng chục trận đánh của liên quân Mỹ nguỵ diễn ra ở khu vực rừng núi miền tây Thừa Thiên vào tháng Tư, tháng Năm và tháng Sáu năm 1970.
Về phía Quân đội Nhân dân Việt Nam, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Quân khu Trị Thiên (có sự phối hợp với bộ đội địa phương, dân quân du kích miền tây Thừa Thiên): Sư đoàn 304 làm nhiệm vụ vận chuyển quân trang quân dụng, đánh địch ở phía tây Quảng trị; Sư đoàn 324 trực tiếp đánh địch ở khu vực 935, xung quanh khu vực 935 và khu vực Ông Đội, Kiền Kiền, dọc hai bờ sông Bồ. Cụ thể Trung đoàn 1 Sư 324 bao vây và tấn công ở hướng chính Căn cứ 935. Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 6 thuộc Quân khu Trị Thiên bao vây và tấn công phía tây, hướng thứ yếu Căn cứ 935. Trung đoàn 3 cơ động đánh địch ở vòng ngoài Căn cứ 935, ở khu vực Co Pung, điểm cao 1078…
Ngày 1/7/1970, đúng ngày thành lập lần thứ 15 của Sư đoàn 324, sau mệnh lệnh của sư đoàn, tất cả các trận địa hỏa lực DKZ 75mm, cối 82 của sư đoàn đồng loạt bắn vào các căn cứ 935, Động Cô Pung, điểm cao 1078… mở màn cho các trận đánh quyết liệt giành lại địa bàn, giành thế chủ động.
Sau hơn 20 ngày vây hãm, với phương châm “vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt, Trung đoàn 1 và Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 6 đã gây tổn thất nặng nề cho hai tiểu đoàn Dù thuộc Lữ đoàn Dù số 3, buộc Sư đoàn Dù 101 và Lữ đoàn 3 phải rút tất cả các lực lượng ra khỏi Căn cứ 935 sau những tổn thất nặng nề, một động thái mà trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, Quân đội Mỹ chưa bao giờ làm như vậy, nghĩa là phải tháo chạy trong cuộc đọ sức trước một đơn vị quân chủ lực đối phương. Mặc dầu Lữ đoàn 3 được sự chi viện yểm trợ của hơn một chục đơn vị không quân, với các loại máy bay phản lực, trực thăng tấn công vũ trang, hàng chục trận địa pháo, hàng ngàn tấn bom, hàng vạn quả đạn pháo, nhưng tất cả đều bất lực trước ý chí và sự hy sinh quả cảm của các cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 324.
Trong cuốn Đại bàng gào thét trong vòng vây, tác giả viết: “Trước khi căn cứ Ripcord có thể trở thành một trận Điện Biên Phủ của người Mỹ, Sư đoàn Dù 101 đã làm cái điều mà Quân đội Mỹ không làm ở Việt Nam: Nó rút lui khỏi trận đánh lớn, ra lệnh sơ tán và tiến hành không kích hủy diệt Căn cứ Ripcord bằng máy bay B52.” Tác giả cuốn sách đã cay đắng thừa nhận: “Chiến thắng của kẻ địch là hoàn toàn tuyệt đối”.
Trận đánh vào Căn cứ 935 là trận đánh quyết định, trận đánh “nốc ao” khiến toàn bộ Chiến dịch Ngôi sao Texas và các chiến dịch tiếp theo của Mỹ ngụy thất bại trên chiến trường Trị Thiên. Tác giả cuốn Đại bàng gào thét trong vòng vây viết: “Với việc Ripcord di tản, yếu tố quyết định cho các cuộc tấn công vào mùa hè năm đó đã bị hủy bỏ. Thay cho một cuộc tấn công lớn quyết liệt, Chiến dịch Đỉnh núi Chicago, cuối cùng khi phát động chỉ là một cuộc tập kích nhanh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa với sự hỗ trợ của trực thăng vũ trang nhưng không có sự hỗ trợ tấn công trên mặt đất của Sư đoàn Dù 101. Sư đoàn đã do dự sau khi mất mát quá nhiều quân ở Ripcord, và Đại bàng gào thét (Screaming Eagles) không mạo hiểm đi vào núi Cô Pung để chịu thêm tổn thất nữa.”
Sau 12 ngày phá hủy Căn cứ 935/ Ripcord, Trung đoàn 3 Sư 324 và Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 6 bao vây và tấn công Căn cứ Cốc Bai, người Mỹ gọi là Căn cứ Hỏa lực O’Reylli, căn cứ hỏa lực cuối cùng ở vùng rừng núi Thừa Thiên. Đây là một căn cứ hỏa lực mạnh không kém Căn cứ 935/ Ripcord. Lực lượng địch tại đây có Tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn Hắc báo, Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 1 thuộc Sư đoàn 1 và các trận địa lựu pháo 105mm, 155mm, cối 106,7mm. Đặc biệt quanh Căn cứ Cốc Bai/ O’Reylli còn có Tiểu đoàn Dù Mỹ ở điểm cao 316, Tiểu đoàn 2, Tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn 1 ngụy ở Củng Cáp, Cốc A Vó… Sau ba tháng bao vây đánh lấn, số phận của Cốc Bai lặp lại đúng như ở Căn cứ 935.
Chiến thắng ở căn cứ 935/Ripcord và ở Cốc Bai/O’Reylli đã làm phá sản Chiến dịch Ngôi sao Texas và các chiến dịch tiếp theo của Mỹ ngụy trên chiến trường Trị thiên. Nó đập tan âm mưu bình định và đẩy các lực lượng của ta ra xa khu vực đồng bằng và đô thị. Nó đã tạo ra thế và lực mới cho chiến trường trị Thiên phát triển. Nó nối liền thế ba vùng chiến lược rừng núi đồng bằng và đô thị. Ngày 2/8/1970 Quân ủy Trung ương đã điện “Nhiệt liệt biểu dương, khen ngợi cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 324 đã giành thắng lợi to lớn ở khu vực 935 và miền tây Thừa thiên”.
Rất đáng tiếc Lịch sử Sư đoàn 324, Lịch sử chiến tranh chống Mỹ không nhắc đến Chiến dịch Ngôi sao Texas, một chiến dịch kéo dài hơn năm tháng, với sự tham gia của hai sư đoàn tinh nhuệ bậc nhất của Mỹ ngụy vào thời điểm đó. Phía Việt Nam chỉ nhắc đến từng trận đánh đơn lẻ, không có cái nhìn tổng thể, nghĩa là chỉ thấy cây mà không thấy rừng. Vì thế không đánh giá được đầy đủ tầm vóc của một số trận đánh, trong đó có trận đánh trên đồi 935.
Xét về thời gian, quy mô và không gian của chiến dịch Ngôi sao Texas, nó không thua kém một số chiến dịch lớn diễn ra ở miền Nam. Thậm chí, theo người Mỹ, nó còn là một trong những chiến dịch khốc liệt nhất trong chiến tranh Việt Nam. Thời gian chiến dịch kéo dài hơn năm tháng; Không gian trận chiến trải dài khu vực miền tây hai tỉnh; số lượng đơn vị tham gia mỗi bên là khoảng hai sư đoàn, chưa kể hàng chục đơn vị phối hợp cấp tiểu đoàn , trung đoàn. Thất bại của Chiến dịch Ngôi sao Texas đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện chiến trường ở Trị Thiên theo hướng có lợi cho ta. Nó khép lại thời kỳ của quân đội Mỹ ở Việt Nam. Nó là tiếng chuông báo hiệu Chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh bắt đầu phá sản.
Năm mươi năm đã trôi qua, từ nguồn tài liệu của phía bên kia chiến tuyến, giờ đây chúng ta có quyền khẳng định, trận đánh thắng lợi ở Căn cứ 935/Ripcord, trận đánh lớn cuối cùng của Mỹ ở Việt Nam là một trong những dấu son trong lịch sử chiến tranh Việt Nam. Đúng như tác giả Keith Nolan viết “Ripcord/935 trở thành cái gì đó được cho là có ý nghĩa ẩn dụ bi thảm cho toàn bộ cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam”.
(Trong năm 1970, Sư đoàn 324 tuyên bố tiêu diệt 5.400 quân Mỹ ngụy, bắn rơi 269 máy bay các loại. Phía Mỹ tuyên bố chiến dịch Ngôi sao Texas giết chết 1.783 quân Bắc Việt.)
Read More

Những bằng chứng lịch sử và thực địa về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam

Leave a Comment

Để lấy tư liệu cho một bài viết tôi nhờ nhà báo Thanh Vũ mượn cho cuốn Đại Việt sử ký tục biên của Lê Quý Đôn. Cuốn sách này nối tiếp bốn tập Đại Việt Sử ký toàn thư của Ngô Sỹ Liên do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội Hà Nội biên soạn và xuất bản năm 1973 (in lần thứ hai có sửa chữa). Có thể nói đây là hai trong số những cuốn sử chính thống ghi chép lại các sự kiện lịch sử của Việt Nam dưới thời các triều đại phong kiến Việt Nam. Cụ thể về thời gian là từ Kỷ Hồng Bàng cho đến hết thời Lê-Trịnh.
Tình cờ tôi đọc được một trang tư liệu quý xác định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa được Lê Quý Đôn ghi lại vào thời Hiển Tông Vĩnh Hoàng Đế (Tư liệu này đã được một số nhà nghiên cứu lịch sử và các cấp chính quyền công bố để chứng minh chủ quyền của Việt Nam về Quần đảo Hoàng Sa). Tôi xin trích lại nguyên văn:
“Năm Giáp Tuất, Cảnh Hưng năm thứ 15 (1754), mục 17: Tám người thuộc đội Hoàng Sa xã An Vĩnh, Huyện Bình Sơn Phủ Quảng Ngãi đi thuyền nhỏ vào bãi Hoàng Sa giữa hải đảo tìm lấy hóa vật, bị gió dạt vào cửa sông Thanh Lan, huyện Văn Xương phủ Lô Châu (Trung Quốc thời nhà Thanh). Quan địa phương đó xét hỏi đúng sự thực rồi đưa trở về nguyên quán. Chúa Thế Tông (Nguyễn Phúc Khoát) sai cai bạ Thuận Hóa là Thức Lượng Hầu viết thư đáp lại nước Thanh.
Ngoài biển xã An Vĩnh có các đảo lớn gồm hơn 130 cái (trùng với số đảo tại Quần đảo Hoàng Sa hiện nay), cách nhau một ngày đi thuyền, hoặc vài trống canh. Trên đảo có suối nước ngọt. Trong đảo có bãi cát vàng dài ước hơn 30 dặm, nước trong. Đảo ấy có vô số tổ yến. Ở bãi cát lại có ốc vằn, tục gọi là ốc tai voi, ốc xà cừ, ốc hương và hải trùng, hải sâm, đồi mồi… Đặt đội Hoàng Sa (Chúa Nguyễn) gồm 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào đội, cắt lượt nhau đi thuyền đến xứ ấy tìm mò sản vật. Mỗi năm cứ tháng 3 ra đi, mang lương ăn 6 tháng, đi thuyền ra biển 3 ngày 3 đêm mới đến đảo ấy. Ở đấy tha hồ tìm nhặt, được sản vật gì, bao nhiêu, đến kỳ tháng 8 thuyền về cửa Eo, đem đến Phú Xuân nộp. Trong khoảng ấy cũng có người mò được tiền bạc, chì, thiếc, và nồi đồng, súng, khí giới, ngà voi, bát bằng đá…”
Như vậy là vào năm 1754 (cách đây 266 năm), tài liêu trên và các tài liệu lịch sử dưới thời thời các chúa Nguyễn, sau đó là thời nhà Nguyễn, nhà nước phong kiến Việt Nam đã cho thành lập Hải đội Hoàng Sa, Bắc Hải làm nhiệm vụ tuần phòng trên biển, giong thuyền đến các quần đảo Hoàng Sa và Bắc Hải (Trường Sa) để thu lượm hải vật, sản vật, đo đạc hải trình, cắm mốc và dựng bia xác định chủ quyền đối với hai quần đảo này (tài liệu, bản đồ, ghi chép của các nhà truyền giáo, nhà buôn, thám hiểm phương Tây cũng xác nhận về vấn đề này. Trung Quốc sau khi xâm chiếm Quần đảo Hoàng Sa đã hủy toàn bộ các mốc và bia xác định chủ quyền của nhà Nguyễn). Tài liệu trên cũng hoàn toàn khớp với các bộ sách lịch sử Trung Quốc qua các thời đại, biên giới tận cùng về phía nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam.
Tài liệu trên cũng khẳng định nhà Thanh hoàn toàn công nhận chủ quyền Việt Nam trên đảo Hoàng Sa khi tra xét tám người thuộc Hải đội Hoàng Sa “bị gió dạt vào cửa sông Thanh Lan, huyện Văn Xương phủ Lô Châu (Trung Quốc thời nhà Thanh). Quan địa phương đó xét hỏi đúng sự thực rồi đưa trở về nguyên quán. Sự thực này tồn tại cho đến hết chiến tranh thế giới thứ hai. Trung Quốc không hề đòi hỏi chủ quyền của họ trên Biển Đông. Chỉ vào đầu những năm 1970, Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa căn cứ vào đường đứt đoạn của một kẻ hoang tưởng trong chính quyền Quốc dân đảng vẽ ra theo trí tưởng tượng, họ mới đòi hỏi “quyền lịch sử”, đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trong cái bản đồ “đường lưỡi bò”. Chính quyền Trung Quốc đã sử dụng lực lực lượng hải quân xâm chiếm Quần đảo Hoàng Sa năm 1974 từ tay Việt Nam Công hòa (Chính quyền Sài Gòn), tiếp tục xâm chiếm 7 đảo trên Quần đảo Trường Sa của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1988.
Năm 2016 Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Quốc tế. Ngày 12/7/2016 Tòa Trọng tài đã tuyên bố: i. Trung Quốc không có quyền lịch sử. ii. Trung Quốc không có vùng nội thủy và lãnh hải đối với các thực thể và yêu sách trên Biển Đông. iii. Trung Quốc cần phải điều chỉnh các tuyên bố lãnh hải phù hợp với phán quyết.
Tuy nhiên Trung Quốc đã trơ tráo phủ nhận, chà đạp lên luật pháp quốc tế. Họ đã quân sự hóa các đảo trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam hòng độc chiếm Biển Đông, độc chiếm tuyến vận tải chiến lược quốc tế, độc chiếm nguồn tài nguyên thiên nhiên trên Biển Đông.
Tôi đã đề cập đến vấn đề này trong một số bài viết trên Facebook nên không muốn nhắc lại cái chính sách bành trướng bá quyền và tham vọng ngông cuồng của Bắc Kinh thêm nữa. Tôi chỉ muốn đề cập đến khía cạnh thực địa liên quan đến trang tư liệu mà cuốn Đại Việt Sử ký tục biên đã ghi chép.
Ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi có một ngôi đền, đền Âm Linh tự, nơi tưởng nhớ những người từng ở Hải đội Hoàng Sa đã hy sinh khi đi làm “nhiệm vụ” trên biển. Đền được xây dựng vào giữa thế kỷ 17, phía sau lưng tựa vào núi Hòn Tai, mặt chính diện nhìn ra biển. Có nhiều câu đối trong đền ca ngợi vẻ đẹp của ngôi đền và hòn đảo, ca ngợi công lao các vị tiền nhân, và đặc biệt là tưởng nhớ đến sự hy sinh của những người trong Hải đội Hoàng Sa.
Phải đi tàu biển đến Lý Sơn, tìm hiểu thực địa, tìm hiểu về số phận không may của những con người đi làm nhiệm vụ trên đảo Hoàng Sa, ròng rã 6 tháng (từ tháng 3 đến tháng 8 lênh đênh sóng nước, người ta mới hiểu xưa kia đi tới Hoàng Sa, cái chết luôn cận kề, nhưng đó là nhiệm vụ người lính thời nào cũng phải chấp nhận:
“Hoàng Sa trời nước mênh mông
Người đi thì có mà không thấy về
Hoàng Sa mây nước bốn bề
Tháng Ba khao lề thế lính Hoàng Sa”
Theo các bài viết và qua lời kể của những người dân Lý Sơn, tôi được biết trong hành trang chuẩn bị cho chuyến hải trình dài ngày đến Hoàng Sa, Trường Sa, ngoài lương thực chuẩn bị cho 6 tháng, ngoài những vật dụng thiết yếu dùng cho người đi biển, mỗi người trong Hải đội Hoàng Sa, Bắc Hải còn tự mình chuẩn bị một đôi chiếu, bảy nẹp tre, bảy sợi dây mây (theo quan niệm người đàn ông có bảy vía), một thẻ bài khắc tên họ, quê quán, phiên hiệu.
Nếu không may người nào đó qua đời thì những người bạn và đồng đội trên thuyền sẽ bó thi hài người xấu số cùng với chiếc thẻ khắc tên vào trong manh chiếu, nẹp dọc bảy thanh tre rồi buộc chặt lại bằng bảy sợi dây mây. Sau một vài nghi thức đưa tiễn giản đơn, người ta đem thi hài thả xuống biển.
Âm linh tự không chỉ là nơi tưởng nhớ những người từng hy sinh ở Hải đội Hoàng Sa mà còn là là nơi ngư dân trước khi ra biển chài lưới mưu sinh, hoặc những người tha phương cầu thực đến xin thần thánh và linh hồn những người đã khuất phù hộ độ trì để họ được bình an, được được tôm cá đầy thuyền...
Ngày nay, khách du lịch khắp đất nước có dịp đến với Lý Sơn thường đến Âm linh tự cầu nguyện cho quốc thái dân an, cầu nguyện sức khỏe, bình yên, tài lộc cho gia đình. Tôi nghĩ đó là một nét văn hóa làm phong phú thêm, phổ quát thêm nét văn hóa của người dân Lý Sơn. Tôi cho rằng Âm linh tự không còn là của riêng người dân Lý Sơn. Nó trở thành tài sản chung của tất cả con dân đất Việt.
Nếu tìm hiểu sâu hơn, trên đảo Lý Sơn còn có những ngôi mộ mà bên trong lòng mộ không có thi hài người quá cố. Dân gian gọi là mộ gió. Mộ gió là những ngôi mộ của người dân đi biển chết không còn xác, trong đó có những người trong Hải đội Hoàng Sa.
Tương truyền, tục đắp mộ gió của người dân trên đảo bắt đầu cách đây hơn 2 thế kỷ và những ngôi mộ gió đầu tiên là của Cai đội Phạm Quang Ảnh cùng với 24 người lính của Hải đội Hoàng Sa do ông chỉ huy. Trong một lần giong buồm ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ, Phạm Quang Ảnh cùng hải đội của mình đã gặp bão, mất tích giữa biển khơi.
Xót thương những người vì nước quên thân, triều đình phái quan quân ra tận đảo làm lễ chiêu hồn cho các tử sĩ. Một vị pháp sư nổi tiếng phụng mệnh vua theo đoàn người ra đảo. Ông thầy đã cho người lên núi Giếng Tiền, lấy đất sét đem về, rồi tự mình nhào nặn đất thành hình nhân người chết. Thầy pháp theo lời kể của thân nhân người mất nặn tượng hình người quá cố, đến khi người thân của người quá cố cho rằng giống người chết mới thôi. Sau đó thầy pháp lấy lòng đỏ trứng gà phết khắp hình nhân để khô đi, lớp lòng trứng trông giống như da người. Thầy lấy cây dâu làm xương sườn, xương tứ chi và nội tạng. Tiếp theo, người thân mặc quần áo và đồ liệm.
Nặn xong 25 hình nhân của 25 người lính, thầy pháp lập đàn cúng chiêu hồn ròng rã suốt nhiều ngày đêm, gọi linh hồn các tử sĩ nhập vào tượng đất rồi cho dân làng đưa đi an táng như người chết bình thường. Cai đội Phạm Quang Ảnh được chôn đầu tiên, sau đó là 24 người lính, xếp thành một hàng gồm 25 nấm mộ gió.
Trong số những tên tuổi khắc trên bia mộ gió ở Lý Sơn, ngoài Cai đội Phạm Quang Ảnh, còn có những con người đã được chính sử triều Nguyễn trân trọng ghi danh với chức vụ là Cai đội, Chánh đội Hoàng Sa, như các ông Võ Văn Khiết, Phạm Hữu Nhật… Tuy nhiên rất nhiều ngôi mộ ở đó không ghi tên tuổi. Họ thực sự là những người anh hùng vô danh, những nghĩa sỹ hy sinh vì đất nước.
Như vậy là từ lịch sử tới thực địa, chủ quyền về Hoàng Sa và Trường Sa, những chứng cứ lịch sử và thực tế trên không ai có thể bác bỏ được. Những chứng cứ trên tôi nghĩ Chính quyền Trung Quốc có đốt đuốc đi tìm cũng không thể tìm đâu ra được trong kho tàng lịch sử và trên đất nước họ. Nếu Chính quyền Trung Quốc từ thời Mao Trach Đông đến Tập Cận Bình, chỉ cần đến Lý Sơn, chỉ cần đọc một trang tư liệu, chỉ cần nhìn thấy đền Âm linh tự, một số ngôi mộ gió, chắc họ sẽ hiểu ra đôi điều về sự thực lịch sử, về chủ quyền lịch sử. Đáng tiếc là tư tưởng bành trướng đã khiến Trung Nam Hải, giới quân sự, khiến một số học giả Trung Quốc trở thành những con người vừa mù, vừa điếc, những kẻ vừa ăn cướp vừa la làng.

Read More

Đức Tổ nghề làng Triều Khúc (phần 2)

Leave a Comment

Theo yêu cầu của tôi, anh bạn Vũ Ngọc Đính, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Triều dẫn tôi đi thăm mộ Đức Tổ Nghề ở cánh đồng Miễu/mưỡu, cũng là mộ Thủy Tổ họ Vũ ở làng Triều Khúc. Ngôi mộ được xây bằng gạch, có kích thước 5x6m. Phía sau là bức cuốn thư đắp nổi 4 chữ Hán: “Tổ thụ hoàng ân” và 5 chữ Hán: “Vũ Sứ thần chi mộ”. Trước mộ thợ xây cuốn vòm tấm bia đá kích cỡ 40 x 70cm, tạo dựng từ đời Cảnh Hưng thứ 6 (1745) ghi lại thân thế, sự nghiệp Ngài (xin cảm ơn anh Nguyễn Nhan Uyên đã dịch cho tôi nội dung tấm bia này).
Sau khi đi thăm mộ Đức Tổ Nghề, anh Đính mời tôi đến nhà anh Vũ Văn Dương, hậu nhân của Đức Tổ dòng họ nhân ngày giỗ Ngài. Bước vào cổng, tôi thấy khoảng chục thanh niên trai tráng đang sửa soạn mâm lễ dâng lên bàn thờ tổ. Năm nay có dịch nên các cụ tổ chức việc họ đơn giản. Từng gia đình trong họ làm sống gà lễ tại gia, không tập trung cả họ như thông lệ (ngày giỗ tổ các dòng họ ở Triều khúc, mọi người trong họ thường tập trung ở nhà thờ tổ hoăc tại các gia đình đăng cai theo quy định. Dòng họ nào đông tập trung có đến hàng trăm xuất đinh. Tôi sẽ đề cập đến phong tục giỗ tổ họ làng Triều Khúc trong một bài viết riêng).
Tranh thủ lúc chưa vào việc chính tôi trò chuyện với cụ Vũ Thị Vần. Cụ năm nay đã 93 tuổi nhưng vẫn hoạt bát và minh mẫn. Dù tuổi tôi chỉ đáng hàng cháu, cụ vẫn rót nước từ bộ ấm trà cổ, nâng chén mời tận tay tôi, một người ngoài họ quan tâm tìm hiểu về Tổ của cụ. Nhiều năm trở lại đây nghe những điều ong tiếng ve về tổ và về dòng họ, cụ tỏ ra bức xúc lắm.
- Cháu nghe nói, tôi hỏi cụ, ngày trước có một số làng mang lễ đến vào ngày giỗ Tổ. Cụ có còn nhớ làng nào không?
- Lúc bé tôi có nghe cụ tôi kể, ngày trước vào trước ngày này, có bẩy hoặc 9 làng gì đó thường mang lễ đến nhà tôi. Vì Tổ tôi dạy các làng đó nghề dệt, nghề tơ sợi. Còn làng mình thì Tổ truyền cho 6 nghề. Tôi không nhớ hết những làng nào. Nhưng hình như có làng Chuông, làng La Khê, La cả và cả làng Bưởi nữa thì phải. Các làng có mối liên hệ, buôn bán cho nên mới có câu: “Mối(mốt) son anh dệt đầu hàng/Mối (mốt) cục đem bán cho nàng kẻ Đơ” hay câu: “Ai làm dây (chiếc) nón quai thao/Để cho anh thấy cô nào cũng xinh”… Kẻ Đơ hay Đơ Thao là tên xưa của làng mình đấy anh ạ.
Cụ kể cho tôi nghe khi hòa bình lập lại (1954), “có đoàn Trung ương đến nhà xin được xem hai đạo sắc và chiêm ngưỡng các đồ tổ để lại. Họ đem ra sân chụp ảnh. Họ chụp cả các đồ thờ. Tôi còn nhớ những năm Mỹ đánh phá. Đằng trước dằng sau, bên phải, bên trái trúng bom nhà cửa đều đổ nát, nhưng chính gian thờ cụ vẫn đứng vững nguyên vẹn.” Sau đó, cụ và người nhà dọn mất hàng tháng. Cụ nói giọng đầy xúc động: “Thật may mắn tôi tìm thấy tấm thẻ bài của Tổ bắn vào góc tường.” Cụ cho rằng đó là nhờ Tổ đã run rủi phù hộ…
11 giờ hơn các cụ mới cho phép mở rương thờ. Anh Vũ Văn Dương lấy ra cuốn gia phả bằng giấy dó cũ nhuốm màu thời gian, hai tờ sắc phong cùng chiếc thẻ bài đương thời của Ngài. Các cụ cùng các con cháu đứng xung quanh bàn thờ chứng kiến anh Dương cầm từng di vật để trên mặt bàn trước chân dung Tổ họ được vẽ theo kỹ thuật sơn thếp, đặt trong khám thờ.
Chị Vũ Thị Ánh, cháu gái cụ Vần, người đã học khoa Hán-Nôm ở Trường Đại học Quốc gia Hà Nội dịch hai đạo sắc phong. Đại ý trong đó ghi nhận Vũ Đức Úy là Sứ thần đi sứ triều Lê. Ngài ở làng Triều Khúc, thuộc tổng Thượng Thanh Oai, huyện Thanh Oai, Phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (Trước năm 1960 Triều Khúc vẫn thuộc Hà Đông). Ngài đã dạy cho dân làng 6 nghề: Làm chổi lông gà, làm hoa lông vịt, tóc độn, chân chỉ y môn, dây đàn làm bằng tơ tằm, dây quai thao cho nón thúng, nón ba tầm.
Ghi nhớ công ơn của Ngài, khi Ngài mất dân làng Triều Khúc đã lập ban thờ phối hưởng tại đại đình. Tờ giấy sắc phong màu vàng là của vua Khải Định năm thứ tám, sắc phong cho Vũ Sứ thần vào năm 1925. Cũng vào năm này, dân làng dự định xây một ngôi đền nhỏ cạnh đình thờ Sắc thờ riêng Ngài. Năm 1931 dân làng xây xong ngôi đền bên cạnh chùa Hương Vân và rước Ngài về nơi ở mới. Ngôi đền đó tại vị cho đến tận ngày hôm nay.
Hiện tại có một vấn đề vẫn còn mù mờ như ngày tháng năm sinh, năm mất mất của Ngài mọi người đều không rõ. Cũng vì vậy có lời đồn đại ác ý Ngài không phải là người làng Triều Khúc và họ Vũ thấy người sang bắt quàng làm họ. Vấn đề này thỉnh thoảng vẫn thì thầm đâu đó nên anh em bạn bè và một số học trò cũ trong làng muốn tôi viết một bài về Đức Tổ Nghề. Một năm đã qua đi mà tôi vẫn chưa xong bài viết.
Ở Triều Khúc vẫn lưu lại một câu chuyện về Đức Tổ Nghề. Tương truyền vào thời vua Lê Chân Tôn (1643 - 1649), có một gia đình họ Vũ ở thôn Triều Khúc, thuộc tổng thượng Thanh Oai, phủ Ứng Thiên sinh được cậu con trai đặt tên là Vũ Đức Úy. Cậu bé mới lên 6 tuổi đã có biểu hiện thông minh lạ thường và có tính hiếu học. Đến lớp học thầy dạy cũng phải ngạc nhiên với nhiều câu hỏi khó. Mới ở độ tuổi thiếu niên người đã thông hiểu mọi phép tắc sinh hoạt trong gia đình và xã hội. Đến độ trưởng thành, hễ ai trong làng gặp chuyện gì khúc mắc cũng nhờ người phân trần lý giải. Người thường giúp đỡ người nghèo gặp hoàn cảnh khó khăn. Tiếng lành đồn xa, người được triệu vào triều yết kiến. Nhà vua và các quan trong triều thấy người thông minh, ứng đối trôi chảy, biết chàng là nhân tài của đất nước, liền bổ nhiệm làm quan trong triều, rồi cử làm phó sứ đi sang Trung Quốc. Trong chuyến đi mười hai năm, Ngài thấy nhiều nghề bên mình chưa có, bèn quyết chí học hỏi các nghề để mang về đất nước mình. Ngày đi thăm thú học hỏi, tối về ghi chép. Khi hoàn thành chuyến đi sứ trở về, Ngài đã đem truyền dạy cho dân làng Triều Khúc và nhiều làng khác.
Tôi nghĩ không thể dựa vào một câu chuyện mang mô típ cổ tích để khẳng định thân thế sự nghiệp của Đức Tổ Nghề. Nhưng cũng không nên bỏ qua những câu chuyện như vậy về Ngài. Có lẽ Ngài được làm quan cử tuyển vào cuối giai đoạn Lê Trung Hưng. Bởi trong gia phả không nói gì đến việc Ngài đã đỗ đạt làm quan như các nhà khoa bảng văn, võ được cử đi sứ Trung Quốc.
Theo các tài liệu cổ còn lưu giữ được (gia phả dòng họ Vũ ở Triều Khúc, bia mộ của Ngài, thẻ bài của Ngài, sao lục về nghệ sư Vũ Sứ thần tại đền thờ Ngài, sắc phong Vũ Sứ thần năm 1925 của vua Khải Định, hương ước làng Triều Khúc), tôi có thể khẳng định Đức Tổ Nghề làng Triều Khúc là một viên quan đi sứ dưới triều vua Lê Chân Tôn (1643 - 1649), tên Ngài là Vũ Đức Úy, tổ họ Vũ làng Triều Khúc. Cùng chuyến đi sứ với Ngài có Phó bảng Dương Đình Hoan, Thượng Khắc Quan Mai Quận Công, Phó tướng Triệu Tướng Công và đoàn tùy tùng (Gia phả dòng họ Vũ ở Triều Khúc). Trong chuyến đi sứ Trung Quốc 12 năm, Ngài đã học được nhiều nghề thủ công rồi về truyền lại nhiều nghề trong nước.
Tôi cũng khẳng định Ngài là một người văn võ song toàn (qua bài văn khấn của các cụ trong dòng họ Vũ), từng được giữ chức Phó tiên phong tướng quân thị hầu hiên thọ sắc tòng sứ bộ Trung Hoa (trích sao lục tục truyền nghệ sư Vũ Sứ thần, bản dịch của Viện Hán Nôm). Được cử đi sứ Trung Quốc, triều đình thường tiến cử với nhà vua những quan lại có phẩm hàm, đáng tin cậy, có uy tín, giỏi ngoại giao… Nhiệm vụ của chánh phó sứ khi đi sứ là phải bảo vệ được chủ quyền, bảo vệ được quốc thể trong quan hệ khi có tranh chấp lãnh thổ; phải hoàn thành việc cống nạp, cùng các nghi thức ngoại giao khi hoàng đế Trung Hoa lên ngôi hay băng hà. Đồng thời các sứ thần còn có nhiệm vụ đặc biệt là hoc các nghề nghiệp ở xứ người và giao thương buôn bán đem về các loại hàng hóa mà triều đình giao cho.
Thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn, khi đi sứ, nhà vua thường cử một chánh sứ, hai phó sứ và khoảng 15 đến 25 tùy tùng đi theo giúp việc cho sứ bộ. Chuyến đi sứ thường chỉ kéo dài trong khoảng một năm. Vậy mà chuyến đi của Ngài đi kéo dài tới 12 năm. Tôi đã cố tìm hiểu vì lý do gì mà chuyến đi sứ của Ngài lại kéo dài như vậy (trong lịch sử đi sứ Trung Quốc có một số chuyến đi kéo dài, thậm chí đến 20 năm. Có sứ thần bị triều đình nhà Minh giết hại như trường hợp Sứ thần Giang Văn Minh đi sứ năm 1637).
Tôi đã đọc lại tập 4 Đại Việt sử toàn thư của Ngô Sỹ Liên và đặc biệt là nhờ nhà Báo Trương Cộng Hòa mượn cho cuốn Đại Việt Sử ký ký tục biên của Lê Quý Đôn để tham khảo nhưng không thấy ghi chép chuyện đi sứ của Ngài (chuyện này cũng bình thường. Trong lịch sử hiện đại, tôi nghiên cứu về Thung lũng A Sầu thuộc huyện A Lưới, Thừa thiên, nơi có tới 12 chiến dịch của Mỹ ngụy, nơi người Mỹ viết tới năm cuốn sách, vậy mà trong lịch sử Việt Nam không có một lời. Đó là những góc khuất của lịch sử). Nhưng tôi biết, trong việc đi sứ, mỗi khi có khúc mắc gì với triều đình phong kiến Trung Quốc thì sứ thần sẽ bị giữ lại. Và cũng may Ngài bị giữ lại nên có thời gian để học được các nghề nghiệp đem về truyền dạy cho dân.
Tóm lại với những bằng chứng đã có, tôi khẳng định Đức Tổ Nghề làng Triều Khúc là người Triều Khúc, Tổ của dòng họ Vũ, người được cử đi sứ Trung Quốc, người đã truyền dạy nhiều nghề nghiệp cho các địa phương trong đó có làng Triều Khúc. Ngôi mộ của Ngài ở Triều Khúc, Gia phả dòng họ Vũ ở Triều Khúc, thẻ bài của Ngài (thời Lý, Trần các quan lại vào triều phải mặc các loại quần áo theo quy định phẩm tước. Đến thời Lê, vào năm 1467, vua Lê Thánh Tông xóa bỏ thay vào đó là dùng thẻ bài cho các quan đeo khi vào triều. Nếu mất thẻ bài thì bị trừng phạt rất nặng. Đến nhà Nguyễn vẫn giữ quy định trên. Hoàng thân quốc thích thì đeo kim bài hoặc thẻ ngà, quan đại thần và quan lại có phẩm cấp thì đeo thẻ đồng, binh lính trơn và phục vụ thì thẻ sừng trâu), bia trên mộ của Ngài (do hàn lâm học sỹ dòng họ Giang soạn lại), bản sao lục về nghệ sư Vũ Sứ thần tại đền thờ Ngài ở Triều Khúc, sắc phong Vũ Sứ thần năm 1925 của vua Khải Định, hương ước làng Triều Khúc…), tất cả đều là những bằng chứng xác thực không ai có thể bác bỏ, xuyên tạc được. Sứ thần triều Lê Vũ Đức Úy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đi sứ. Ngài không chỉ là một vị quan mà còn là Đức Tổ nghề sống mãi trong tâm trí bao thế hệ ở nhiều địa phương, trong đó có làng Triều Khúc.

Read More

Tục thở tổ làng nghề Triều Khúc (phần 1)

Leave a Comment
Triều Khúc là một trong 10 làng cổ nhất của Hà Nội. Nơi đây còn lưu giữ nhiều nét văn hóa tâm linh và phong tục tập quán truyền thống đẹp đẽ. Thể hiện rõ nét nhất là ở “Nét cũ hội hè đình đám”. Hội làng Triều Khúc thì xa gần nhiều người biết đến, nhưng tục thở tổ nghề ở làng thì không phải ai cũng biết.
Hàng năm vào ngày 20/2 Âm lịch, dân làng tụ tập đông đảo làm lễ giỗ tổ làng nghề Vũ Đức Úy. Tục thờ này là một nghi lễ thiêng liêng sau hội làng từ ngày 9 tháng đến ngày 12 tháng Giêng để tưởng nhớ công ơn Đức Thành hoàng làng Phùng Hưng. 7h00 sáng tôi ra nhà đền, không phải đi lễ mà đi tìm hiểu thêm đôi chút nhằm viết bài theo yêu cầu của một số bạn đọc.
Theo Vụ Quản lý nghề - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, cả nước có hơn 2.000 làng nghề, trong đó 60% số làng nghề có tổ nghề được nhân dân thờ phụng từ bao đời nay. Nhiều nhà nghiên cứu đã coi tục thờ tổ nghề là một dạng tín ngưỡng, nằm trong hệ thống đạo thở tổ tiên. Tín ngưỡng thờ tổ nghề đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, thể hiện sự biết ơn những người sáng lập, mở mang tri thức ngành nghề cho người dân, di dưỡng đạo lý uống nước nhớ nguồn.
Dân làng Triều khúc tin rằng việc thành kính thờ cúng sẽ được Ngài phù hộ, bảo tồn và phát triển nghề nghiệp của mình. Nó trở thành sợi dây liên kết, gắn bó người làng với nhau trong việc làm ăn, thể hiện đạo hiếu trong quan niệm của người Triều Khúc. Mặc dù người đi lễ không còn làm những nghề mà Ngài truyền dạy, nhưng người ta vẫn đi lễ với niềm tin sẽ được Ngài bảo trợ, làm ăn suôn sẻ phát đạt, không gặp trắc trở, hàng họ sản xuất ra đến đâu hết đến đấy.
Ngôi đền thờ tổ nghề làng Triều Khúc được xây dựng bên cạnh chùa Hương Vân vào năm 1931 (trước đó Ngài là một trong ba người được phối thờ trong đại đình thờ thành hoàng, sau được thờ ở nhà Thủy tạ trước cửa đền thờ Sắc). Đến nay ngôi đền vẫn được bảo tồn nguyên vẹn.
Đền thờ gồm 3 gian. Cột, vì kèo đều bằng gỗ lim. Kiến trúc thiên về bào trơn đóng bén, tạo độ bền chắc. Phía trên gian giữa có 2 bức hoành phi sơn son thếp vàng: “Lê triều sứ” và “Vũ sứ thần”. Hai bên cột có đôi câu đối ca ngợi công đức Ngài: “Lục nghệ thần thông, tứ dân hoài đức/ Song tinh nội chiếu, ngũ phúc kiêm toàn” (Sáu nghề tinh thông, muôn dân nhớ đức/ Hai sao chiếu sáng, năm phúc vẹn toàn). Trong khám thờ đặt pho tượng Ngài làm bằng đồng to tương đương với người thật.
Ông từ tiếp đón tôi là người hàng xóm, ông Nguyễn Hữu Chí. Ông cho tôi biết mình liên tục bận rộn hàng chục ngày nay. Từ việc dọn dẹp lau chùi, mua sắm lễ vật hương hoa đến việc họp hành chuẩn bị với ban lễ hội, tiếp đón các cụ… Ngày nào cũng suốt từ sáng đến tối. Thậm chí vợ con còn phải tất bật phụ giúp việc Thánh. Ông nói: “May có ban lễ hội, ai cũng nhiệt tình, biết việc.” Kết thúc màn chào hỏi ông bảo tôi: “Tôi phải chuẩn bị việc lễ. Thầy cứ tự nhiên ra vào, quay phim chụp ảnh tùy ý. Tôi đã báo với ban lễ hội rồi.”
Năm nay vì dịch Covid-19, thực hiện theo lệnh của chính quyền không tổ chức hội hè nhưng chính quyền vẫn cho phép thực hiện nghi thức tế lễ. 7h30 ban lễ hội gồm khoảng bốn chục người cùng với các cụ, các ban ngành, đoàn thể đã tề tựu đông đảo trước sân đền. Dân làng cũng bắt đầu mang đồ lễ đến lễ bái (việc mang đồ lễ và lễ đã diễn ra từ ngày hôm trước. Mâm lễ thường là xôi, gà, thủ lợn, hoa quả, vàng mã). Người Triều Khúc thường đi lễ theo nhóm gia đình, bạn bè, chi họ. Trong số các đoàn lễ tôi thấy một đoàn người khá đông, gần 20 người, đại diện cho dòng họ Vũ, mang lễ vật đến đặt trên ban thờ. Mọi người đều kính cẩn hành lễ theo nghi lễ bốn lạy (Các cụ giải thích nôm na bốn lạy là tượng trưng cho bốn phương, tứ tượng, bao gồm cõi âm cõi dương mà hồn ở trên trời, phách vía ở dưới đất).
9h00 bắt đầu nghi thức tế lễ. Mặc dầu đã giản lược nhưng tôi thấy việc tổ chức tế lễ vẫn trọng thể với nhiều cờ xí, với ban nhạc lễ năm người, với đầy đủ phẩm phục, phẩm vật tế lễ Tam sinh.
Thành phần tế lễ bao gồm:
- Chủ tế (ông từ): Chủ trì nghi lễ.
- Bồi tế: Hai người phụ giúp chủ tế.
- Đông Xướng và Tây Xướng: Hai người đứng hai bên hương án đọc nghi thức hành lễ (giống như MC điều khiển chương trình).
- Nội tán: Hai người hướng dẫn chủ tế ra vào, trợ giúp Đông Xướng và Tây Xướng.
- Chấp sự: Hai người đứng hai bên giúp dâng hương, dâng rượu, chuyển chúc văn , đọc chúc văn.
- Đồng văn: Người lo việc đánh chiêng trống.
Nghi thức tế lễ bao gồm các bước: 1. Nghênh thần (chủ tế lễ bốn lễ, như đa giải thích ở trên), 2. Hiến lễ: Dâng lễ 3 lần, quỳ lễ và đọc văn tế (ba tuần tế). 3. Âm phúc và thu tộ: chủ tế nhận lộc thần linh ban. 5. Lễ tạ: Chủ tế lễ bốn vái.
Giữa ba tuần tế là điệu múa Bồng. Điệu múa do hai cặp nam thực hiện. Đó là bốn thanh niên đầu chít khăn mỏ quạ đen, vận quần trắng, áo tứ thân ngũ sắc, giả nữ múa điệu múa con đĩ đánh bồng trong tiếng đàn sáo, chiêng trống rộn ràng, réo rắt.
Các động tác múa đúng như tên gọi của nó, vừa khoáng đạt, uyển chuyển, vừa duyên dáng, ẻo lả, lẳng lơ. Có cái gì đó toát lên từ trong ánh mắt lúng liếng, vẻ mặt mời gọi. Không phải đánh bồng mà mơn man bồng hòa cùng thân hình uốn éo, nghiêng ngả. Đỉnh cao của động tác gợi dục là động tác áp lưng nhau, đôi cánh tay giang ra như ôm ấp. Từng cặp vận động di chuyển ngược chiều kim đồng hồ theo hai hình vuông tròn, như nương tựa lẫn nhau, xoắn xuýt vào nhau theo nhịp chân nhún nhảy, đong đưa.
Đây là điệu múa dân gian phồn thực phổ biến trong các lễ hội xưa kia ở đồng bằng Bắc Bộ. Không biết nó có nguồn gốc từ đâu? Từ phương bắc đi xuống, từ phương nam đi lên hay nội sinh từ mong ước trai gái hòa hợp, sinh sôi nảy nở, ước mong ngàn đời của cư dân nông nghiệp. Chính vì thế mà điệu múa này, cùng với điệu múa chạy cờ (điệu múa diễn tả trận đánh thắng lợi trước khi Đức Phùng Hưng lên ngôi vua) của làng Triều khúc được biểu diễn trong lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long và được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia năm 2019.
Vấn đề đặt ra là tại sao trong nghi thức tế lễ thiêng liêng thờ cúng Đức Tổ nghề Vũ Đức Úy, cũng như trong nghi thức tế lễ thiêng liêng thờ Đức Thành hoàng làng Phùng Hưng người dân Triều khúc xưa kia lại đưa một điêu múa phồn thực vào trước cửa đình, đền? Phải chăng ngoài việc tưởng nhớ công ơn to lớn của các Ngài, người dân còn thể hiện mong ước các Ngài phù hộ độ trì cho dân làng cuộc sống cơm no áo ấm, nghề nghiệp phát đạt, con cháu đầy đàn.
10h15 buổi lễ kết thúc. Các cụ mời tôi ở lại thụ lộc. Mọi năm bao giờ nhà đền cũng làm khoảng dăm sáu chục mâm. Năm nay gói gọn hai mươi mâm. Tôi xin được phép cáo từ vì còn phải đi thăm mộ của Đức Tổ nghề và thăm nhà anh Vũ Văn Dương, nơi có Từ đường họ Vũ để tìm hiểu thêm về Đức Tổ nghề làng Triều Khúc.
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.