Bang California

Leave a Comment

 Bang California

Tôi có vài chục bài viết về Hoa Kỳ và gần một chục bài viết về bang California trong những lần đến Hoa Kỳ khoảng hơn một chục năm gần đây. Mỗi chuyến đi của tôi kéo dài khoảng một tháng (vì thời gian nghỉ phép chỉ có 21 ngày, cộng với xin phép thêm một tuần). Tuy thời gian không nhiều, nhưng vì đã theo đuổi môn Hoa Kỳ học và vì lý do gia đình nên có đôi chút hiểu biết về đất nước này. Trong bài viết này, tôi xin giới thiệu với anh chị em, bạn bè, đồng nghiệp, đồng chí khái quát đôi nét ấn tượng về tiểu bang Cali.
Tôi rất ấn tượng về tiểu bang California bởi bang này là một bang được đánh giá có ảnh hưởng lớn nhất tới thế giới về mặt kinh tế, văn hóa và giáo dục. Đây là bang rộng thứ 3 của Hoa Kỳ. Địa hình bang đa dạng, núi non hiểm trở, trên bản đồ tựa như hình chữ nhật. Bang nằm bên bờ biển Thái Bình Dương và ở phía tây của Hoa Kỳ. Có nhiều cánh rừng bát ngát, những hồ lớn mênh mông, những hoang mạc chạy dài. Cali có diện tích trên 420.000 km vuông, rộng lớn hơn Việt Nam.
Là bang đông dân nhất Hoa Kỳ, khoảng 39 triệu người, có tổng sản phẩm quốc nội cao nhất Hoa Kỳ, trên 3000 tỉ đô la (số liệu thống kê của Mỹ năm 2020). Bình quân đầu người khoảng 76.000 đô. Cali nổi tiếng với nền công nghiệp nhẹ, hàng không vũ trụ, nông nghiệp, giải trí và du lịch; hội tụ rất nhiều tập đoàn đa quốc gia, các công ty công nghệ cao trên thế giới.
Tôi ấn tượng với bang Cali bởi bang có 35 hạt hay quận (county dịch là hạt hay quận, là đơn vị hành chính sau tiểu bang, đơn vị lớn hơn thành phố hay thị trấn và xã), với 215 thành phố (city). Bang có tới 600.000 người gốc Việt/trên tổng số 1,6 triệu người gốc Việt đang làm ăn sinh sống ở Mỹ, tập trung đông nhất ở quận Cam (phần lớn họ ra từ đi năm 1975 đến năm 1990). Nơi đây, những người thù địch với Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (phần lớn là thuộc thế hệ cũ đã nhiều tuổi) vẫn được phép treo “cờ ba que”, kỷ niệm tuần cuối cùng trong tháng Tư (30/4) là tuần lễ Đen…
Cali có ngành công nghiệp điện ảnh và vương quốc giải trí khổng lồ như Hollywood, Walt Disney, các tập đoàn máy tính và công nghệ đỉnh cao của nhân loại ở Thung lũng Silicon, có đặc sản rượu vang nổi tiếng thế giới, có nhiều bãi biển xinh đẹp chan hòa nắng ấm quanh năm… Đặc biệt Cali còn có một điều khoản, theo tôi là đặc biệt nhất, hiến pháp bang đã quy định 40% tổng thu nhập của bang dành cho hệ thống giáo dục công cộng.
Tôi ấn tượng nhất với Cali chủ yếu bởi vì những nhà lập pháp bang Cali, cả thượng viện lẫn hạ viện đã thông qua một điều khoản ưu ái cho giáo dục bang đến nỗi khi viết những dòng này tôi vẫn còn ngờ vực, dù đã kiểm tra lại tư liệu. Chi tiêu cho giáo dục phổ thông của Mỹ cao nhất thế giới. Bình quân 11.000 đô cho mỗi học sinh tiểu học và 12.000 đô cho mỗi học sinh trung học trên một năm vào thời điểm 2018 (ở Việt Nam khoảng 4 triệu đồng). Ở Cali, tôi chắc số tiền chi cho giáo dục còn cao hơn nhiều so với con số 11 nghìn, 12 nghìn đô.
Hệ thống giáo dục đại học bang Cali có nhiều nét đặc biệt. Tuy số lượng các trường đại học không phải là nhiều so với số lượng dân số (300 trường đại học và cao đẳng) so với các bang khác, nhưng sự phân tầng trong hệ thống đại học và tiêu chí tuyển sinh rất rõ ràng, đơn giản; tạo điều kiện tối đa cho học sinh học hết phổ thông vào đại học và cao đẳng.
Cũng giống như 50 tiểu bang của Hoa Kỳ, ở Cali học sinh không phải thi tốt nghiệp tiểu học, không phải thi tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông. Học sinh được công nhận học xong THPT cũng không phải thi vào đại học. Học sinh sau trung học phổ thông gần như được xét 100% vào hệ thống giáo dục đại học (mặc dầu vậy, tỷ lệ vào đại học trên độ tuổi học sinh trung học phổ thông của Mỹ vẫn thấp hơn ở các nước ở Bắc Âu, các nước Bắc Âu là 86%).
Có 3 hệ thống giáo dục đại học ở bang Cali. Thứ nhất là hệ thống các trường đại học nghiên cứu bang California (University of California, viết tắt là UC). Hệ thống UC có rất nhiều giáo sư, các nhà nghiên cứu đã nhận được giải thưởng Nobel và được coi là một trong những hệ thống trường đại học nghiên cứu công cộng hàng đầu của Hoa kỳ và của cả thế giới. Hệ thống UC bao gồm 10 trường đại học thành viên với 234.464 sinh viên. Các trường này nhận 10% học sinh có điểm trung bình cao nhất trong các trường THPT của bang cùng với một số tiêu chí khác (số liệu thống kê của Mỹ năm 2018).
Thứ hai là hệ thống trường đại học bang California (California State University, viết tắt là CSU). Hệ thống CSU cũng là hệ thống các trường đại học ưu việt của Hoa Kỳ và thế giới. Hệ thống CSU bao gồm 23 trường đại học thành viên với tổng số 440.000 sinh viên. Các trường này nhận một phần ba số học sinh THPT của bang có điểm cao nhất cùng với một số tiêu chí khác.
Riêng đối với học sinh theo học ngành y, bắt buộc thí sinh xin vào trường đại học y đều phải có một bằng đại học, bất kể là đại học ngành gì, chẳng hạn như nhóm ngành nhệ thuật, nhóm ngành kinh tế, nhóm ngành kỹ thuật, nhóm ngành STEM. Người Mỹ quan niệm, nếu sinh viên đã có bằng đại học học thể dục, thể thao mà theo học ngành y thì mới tạo ra những chuyên gia y tế hàng đầu trong lĩnh vực thể dục, thể thao. Nếu sinh viên có bằng âm nhạc mà theo học ngành y mới tạo ra được những chuyên gia hàng đầu sử dụng âm nhạc chữa bênh. Nếu sinh viên có bằng tâm lý mà theo học ngành y thì mới tạo ra những chuyên gia hàng đầu về chữa bệnh tâm lý. Cũng như vậy, với sinh viên đã theo chuyên ngành lý, hóa, sinh thì mới tạo ra nhưng chuyên gia liên ngành hàng đầu trong lĩnh vực y tế. Ngay cả với những ngành kỹ thuật như kỹ thuật máy tính nếu học ngành y cũng tạo ra những chuyên gia sử sụng trí tuệ nhân tạo trong chữa bệnh, sử sụng robot và máy tính trong việc phẫu thuật...
Cuối cùng là hệ thống trường cao đẳng cộng đồng (California Community College). Hệ thống trường cao đẳng cộng đồng bao gồm 112 trường thành viên với 3 triệu sinh viên. Hệ thống này gần như thu nhận tất cả học sinh tốt nghiệp THPT trong bang. Hệ thống cao đẳng cộng đồng cung cấp các chương trình giáo dục mang tính tổng quát của bậc đại học (ở Việt Nam gọi là những môn chung) và những chương trình học nghề hết sức đa dạng, phong phú. Sinh viên học xong cao đẳng cộng đồng 2 năm có thể đi làm hay chuyển sang học ở các trường đại học nghiên cứu UC hoặc các trường đại học bang CSU học tiếp 2 năm để lấy bằng đại học 4 năm. Ngoài ra Califonia còn có hàng trăm trường cao đẳng và đại học tư thục. Tiêu biểu cho loại hình trường này là Đại học Stanford, Đại học Nam California, Viện Công nghệ California… Đó là những trường đại học tư thục nằm trong top đầu của Mỹ và thế giới.
Với tôi Cali còn rất nhiều điểu để khám phá. Mục tiêu của tôi đến Cali lần này là đến thăm một số trường tiểu học và trung học, một số cơ sở học tại nhà (homeschooling) lấy tư liệu để viết một vài chủ đề về giáo dục. Rất tiếc thời gian qua học sinh đã nghỉ hè, không đến được một vài nơi tôi cần đến nên theo cha mẹ các cháu rong chơi 5 điểm nổi tiếng của Cali. Thế là kết thúc một tháng trên đất người. Ngày mai tôt phải trở về với công việc của mình. Hẹn với Cali năm sau.
Read More

Los Angeles

Leave a Comment

 Los Angeles

Los Angeles (Los) là thành phố lớn nhất của California và là thành phố lớn thứ hai của Mỹ sau New York. Theo Bách khoa thư mở Wikipedia, Los Angeles có nghĩa là Thành phố của các thiên thần. Vùng đại đô thị Los có khoảng 13 triệu dân. Riêng thành phố Los 3,9 triệu. Chính quyền thành phố được bầu lên theo chế độ dân cử, bao gồm một hội đồng thành phố 15 người và một thị trưởng bầu trực tiếp theo nhiệm kỳ.
Los Angeles rộng nhưng không tập trung. Xen lẫn những khu nhà cao tầng thoáng đãng, hiện đại là những khu nhà dăm bảy tầng và những khu nhà một, hai tầng cổ điển, xinh xắn chạy dài hàng km. Cơ sở hạ tầng giao thông của thành phố rất tốt. Rất nhiều tuyến đường cao tốc, đường dẫn vào các bãi đậu xe cùng với dòng ô tô di chuyển bất tận. Tuy nhiên
lần đầu tiên ở Mỹ tôi chứng kiến cảnh tắc đường.
Los Angeles là một trong những trung tâm xa hoa, mua sắm sầm uất nhất của nước Mỹ, được mệnh danh là khối nam châm hút khách số một trên thế giới. Los là thành phố mà bất kỳ ai cũng muốn đặt chân đến một lần trong hành trình khám phá nền văn hóa Mỹ. Ngoài những bảo tàng khoa học, nghệ thuật, bảo tàng đại dương, đài thiên văn Grifith nổi tiếng mà du khách có thể trực tiếp quan sát hệ mặt trời và giải ngân hà, Los còn làm mê đắm du khách bởi nhiều điểm đến với những giá trị vô cùng hấp dẫn và thú vị.
Nổi tiếng nhất là "Kinh đô điện ảnh" Hollywood. Nằm ở phía tây bắc Los, nơi đây vào đầu những năm 1880, một gia đình người Mỹ tên là Henderson Wilcox ở Kansas đến lập nghiệp. Năm 1887 ông cùng vợ xây dựng một ngôi biệt thự lấy tên là Hollywood. Tại đây, hai vợ chồng ông đã phác thảo những con phố cùng với con đường chính mang tên Hollywood Boulevard, để rồi mấy thập niên sau, Hollywood đi vào lịch sử điện ảnh của nhân loại.
Nếu có thời gian du khách có thể dành 2 ngày tham quan giải trí ở Phim trường Universal của Hollywood (có 180 trường quay với đầy đủ không gian bối cảnh của toàn cầu). Chắc chắn du khách sẽ mãn nhãn khi tận mắt thấy khu phim trường Hollywood. Không chỉ đơn thuần là một phim trường mà còn là công viên giải trí, điểm tham quan tuyệt vời. Tại đây, du khách có thể chiêm ngưỡng các hiệu ứng làm phim, đặc biệt là công việc hậu trường, bếp núc của những bộ phim nổi tiếng nhất thế giới, thấy các cảnh quay hớp hồn khán giả, các cảnh quay tuyệt đẹp trong các phim đã và đang được sản xuất.
Trên đường về nhà nghỉ, chúng tôi qua Đại lộ Hollywood hay còn gọi là Đại lộ Danh Vọng, một trong những nơi được chụp ảnh nhiều nhất khi du lịch Los. Để vinh danh các nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới, viện phim Mỹ đã biến đại lộ Hollywood thành đại lộ danh vọng Hollywood Walk of Fame. Tại đây, mỗi nghệ sĩ nổi tiếng với nhiều thành tựu sẽ được gắn tên trên một ngôi sao, lắp trên đại lộ. Tới nay, đã có tới 2.500 ngôi sao được gắn trên con đường và trung bình cứ mỗi tháng lại có thêm 2 sao mới xuất hiện trên đại lộ này.
Nói đến Hollywood thì cả thế giới ai cũng biết đến. Còn Walt Disney thì người nước ngoài thường tưởng tượng đó là một hãng phim hoạt hình, nổi tiếng nhất với những bộ phim về Chuột Mickey, Vịt Donald. Chỉ khi đến Los, vào thăm Disneyland, tìm hiểu về cuộc đời huyền thoại của Walt Disney tôi mới hiểu ra rất nhiều điều về tổ hợp giải trí nổi tiếng này.
Công viên giải trí Disneyland là một trong những khu vui chơi giải trí gia đình lớn nhất thế giới. Ra đời vào những năm 1950, ngày nay công viên là một khu tổ hợp vui chơi rộng lớn có diện tích lên đến 34,4 ha do doanh nhân Walt Disney lên ý tưởng và đầu tư, mở đầu cho kỷ nguyên của công viên gia đình, tạo bước đột phá trong ngành tổ hợp công nghiệp giải trí.
Ý tưởng xây dựng công viên gia đình Disneyland được Walt Disney nghĩ đến khi ông nhìn các con gái chơi vòng quay ngựa gỗ. Từ đó ông nảy ra ý tưởng xây dựng một khu tổ hợp vui chơi giải trí nơi mà cả người lớn và trẻ em đều có thể vui chơi cùng nhau, góp phần làm giàu thêm tình cảm gia đình. Ý tưởng thiết kế công viên dựa trên chính những bộ phim hoạt hình nổi tiếng của ông.
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trở ngại, nhưng Walt Disney quyết tâm hiện thực mơ ước của mình. Ông đã dùng sử dụng số tiền bảo hiểm của mình và quyên góp khoảng 17 triệu USD để bắt đầu dự án lịch sử. Chỉ sau hơn 1 năm xây dựng, từ một hoang mạc cằn cỗi, Disneyland đã chính thức khai trương bằng một lễ hội 11 nghìn người tham dự.
Walt Disney là người sáng lập và điều hành tổ hợp công nghiệp kinh doanh giải trí đa lĩnh vực, từ công viên giải trí, khu du lịch, phim ảnh, chương trình truyền hình đến kinh doanh các nhà hàng, sản xuất các nhân vật, trò chơi, video, âm nhạc, mua sắm. Tổ hợp Walt Disney không chỉ có mặt và phát triển ở California, ở các bang tại Mỹ mà còn có mặt và phát triển mô hình công viên ra 11 nước trên thế giới. Hàng năm, riêng ở khu vực công viên giải trí công ty đã thu hút hàng trăm triệu lượt người tới tham quan, doanh thu lên tới 36 tỉ đô la với 65.000 nhân viên. Chính vì vậy người ta gọi Walt Disney là một đế chế.
Vào công viên Walt Disney , chúng tôi phải qua thủ tục kiểm tra hành lý (sợ khủng bố mang thuốc nổ, vũ khí), chụp ảnh cá nhân và gia đình. Cái cảm giác phiền phức nhanh chóng qua đi khi chúng tôi qua cửa. Đập vào mắt chúng tôi là những lâu đài kỳ vỹ, ngoài sức tưởng tượng. Có thể nói một cách khái quát công viên là biểu tượng của cái đẹp như thế giới của những câu chuyện cổ tích và các nhân vật Disney.
Tôi đã được nghe kể khá nhiều chuyện về những điều tai nghe mắt thấy trước chuyến đi khám phá công viên này và được xem hàng trăm bức ảnh chụp nhưng đến đây vẫn không khỏi ngạc nhiên về trí tưởng tượng và sự sáng tạo kì diệu của con người. Trong khu giải trí có tới 50 khu vực của thế giới ảo, thế giới mạo hiểm và thế giới tương lai. Công viên được chia thành tám khu vực theo chủ đề với rất nhiều trò chơi giải trí. Tôi chỉ xin mô tả sơ lược vài nét:
Khu phố chính Main Street. Đây là khu vực xuất hiện đầu tiên trong hành trình khám phá công viên Disneyland. Main Street thực sự tạo ấn tượng với các du khách bằng các công trình kiến trúc cổ kính mang đậm nét đặc trưng văn hóa Mỹ như thị trấn vuông, nhà ga xe lửa, hội trường thành phố, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại, xe bus hai tầng, xe ngựa…
Khu Quảng trường New Orleans. Đây là một trong những khu vực có tuổi đời lâu nhất của công viên. Khai trương vào ngày 24 tháng 7 năm 1966, quảng trường này được xây dựng dựa theo khuôn mẫu của bản gốc thế kỷ 19. Nơi đây có những điểm tham quan thú vị như Cướp biển vùng Caribbean và Haunted Mansion, các phòng nghỉ đêm…
Khu Critter Country hay còn được gọi là Bear Country. Đây là khu vực được xây dựng mô phỏng các khu rừng ở Tây Bắc Pacific, có các tổ hợp nhà hàng và khu giải trí như trung tâm giải khát Mile Long Bar, Swingin Teddi Barra Golden Bear Lodge và Explorer Cano Davy Crockett…
Khu Toontown Mickey. Khu này mở cửa vào năm 1993 dựa trên những ngôi nhà trong các bộ phim của các nhân vật hoạt hình nổi tiếng như chuột Mickey và Minnie, chú chó Goofy hay vịt Donald. Những ngôi nhà này mang màu sắc tươi sáng và độc đáo y như trong phim vậy…
Từ sáng đến tối chúng tôi cố gắng đến tối đa cũng không thể khám phá hết một trong hai khu vực chính. Vào khoảng 8h tối, tất cả các loại đèn trên phố bỗng nhiên phụt tắt. Âm thanh và ánh sáng bỗng vang dậy phía cuối phố. Chúng tôi được xem một màn nhảy múa của hàng trăm nghệ sỹ cùng với hàng chục mô hình lung linh của thế giới loài vật cổ tích diễu hành. Tất cả như đi trong một thế giới ánh sáng huyền ảo, say đắm.
Khi cảm xúc vừa lắng xuống chúng tôi lại được tiếp tục hòa vào một bữa tiệc âm thanh và ánh sáng kỳ diệu. Hình ảnh hàng trăm nhân vật cổ tích lung linh di chuyển, bay lươn trên toàn bộ nền mặt tiền của phố chính. Chúng tôi cảm tưởng như đứng trước hai dãy màn hình chạy dọc theo con đường dài tít tắp. Hàng ngàn du khách đắm mình trong cảm xúc lâng lâng như đang ở trong một thế giới siêu thực. Để rồi cuối cùng mọi người vỡ òa cảm xúc bởi những màn pháo hoa rực rỡ bao phủ lên lâu đài Sleeping Beauty huyền ảo vào lúc 11 giờ đêm. Và cuộc vui chơi vẫn tiếp diễn…
Chúng tôi buộc phải về nhà nghỉ để sớm hôm sau tiếp tục hành trình khám phá từ sáng tới đêm ở khu Walt Disney Studios và khám phá thế giới mạo hiểm (để khám phá trọn vẹn Công viên Disneyland người ta thường dành 5 ngày đêm).
Ấn tượng nhất trong ngày thứ 2 ở Disneyland là phim trường studios. Tại đây chúng tôi bắt gặp những chú chuột Mickey, chú chó Goofy hay chú vịt Donald. Những ngôi nhà trong khu vực này mang màu sắc tươi sáng và độc đáo y như trong phim vậy. Các cháu nhà tôi đến điểm nào cũng không muốn dời đi. Các cháu cứ ngồi lỳ trước màn ảnh với những cuốn sách cổ tích để nghe kể bằng hình ảnh, âm thanh những câu chuyện kỳ diệu, sống động.
Tiếp đến chúng tôi khám phá những căn phòng với những đạo cụ làm nên những bộ phim huyền thoại về những nhân vật hoạt hình nổi tiếng từng làm say mê hàng trăm triệu trẻ em trên thế giới. Rồi đến những rạp chiếu phim không gian bốn chiều. Chúng tôi đeo cặp kính chuyên dụng vào rạp trong giai điệu âm nhạc bồng bềnh. Một thế giới của những câu chuyện kỳ lạ vô cùng cuốn hút mở ra.
Tôi thực sự ý thức được người ta sử dụng công nghệ nghe nhìn nhiều chiều hiện đại, cùng với kỹ xảo quay, chụp ảnh siêu tốc, kính hiển vi điện tử… Nhưng tôi vẫn có cảm giác như người đang ở trong cuộc. Mọi thứ diễn ra rất thực. Có lúc tôi phải đưa tay lên để che chắn một vật thể như đang thực sự lao vào mình và cùng mọi người hét toáng lên…
Đến với Ventureland, với riêng tôi, đây là một trải nghiệm kinh hoàng. Mở đầu khám phá khu này, khi đến với con tàu vũ trụ trong trò chơi bảo vệ thiên hà (Gaurdians of the Galaxy). Tôi được người ta giao làm kỹ sư điều khiển trên con tàu vũ trụ. Nhiệm vụ của 3 ông cháu chúng tôi là giải cứu các vệ binh bị nhốt trong pháo đài của những người ngoài hành tinh. Con tàu đi lên, lao xuống với tốc độ khủng khiếp. Tôi như thấy mình đi đến tận cùng của vũ trụ, rồi bỗng nhiên lao xuống tận cùng của địa ngục. Mọi người đều la hét hoảng sợ. Tôi quên hết nhiệm vụ của mình… Thật hú vía. Sau đó tôi không dám tham gia một trò chơi mạo hiểm nào ở khu này nữa.
Đến với Adventureland, chúng tôi còn được khám phá những khu rừng hẻo lánh ở châu Phi, châu Á, Nam Mỹ và Nam Thái Bình Dương. Còn một số điểm đến như Jungle Cruise, Indiana Jones hay ngôi nhà trên cây của Tarzan… tiếc rằng không còn thời gian.
Kết thúc một tuần cưỡi ngựa xem hoa thành phố Los Angeles chúng tôi thăm một vài bãi biển, trong đó có bãi biển San Simeon và lâu đài Hearst Castle. Với người dân Cali và thành phố Los, biển là nơi không thể bỏ qua khi đi du lịch, nghỉ dưỡng cuối tuần. Nơi đây có rất nhiều bãi biển đẹp, trong đó bãi biển San Simeon được người dân cũng như du khách ưa thích nhất. Nơi đây cũng rất thích hợp cho các hoạt động đi thăm cồn cát trải dài hàng chục km, cắm trại, dạo biển, tắm biển hay ngắm hải âu, hải cẩu… Sau khi khám phá và trải nghiệm, chúng tôi đi thăm lâu đài Hearst Castle (tôi sẽ dành một bài viết riêng về lâu đài Hearst Castle, một công trình kiến trúc ngoạn mục của tỷ phú truyền thông William Hearst, một đế chế sở hữu 28 tòa báo, 13 tạp chí, 8 đài phát thanh, 4 xưởng phim nổi tiếng của nước Mỹ).
Một tuần thật đáng nhớ. Xin tạm biệt Los với bao điều trải nghiệm không bao giờ quên!
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.