Giải mã hội Gióng Phù Đổng (phần 2)

Leave a Comment
Giải mã hội Gióng Phù Đổng (phần 2)
Bài viết trước tôi đã mô tả, lễ hội Gióng là một nghi lễ diễn xướng anh hùng ca của tập thể bốn làng Phù Đổng, Phù Dực, Đổng Viên và Đổng Xuyên, là biểu tượng của “cuộc chiến tranh nhân dân” thời xa xưa với hàng trăm vai diễn, tiến hành theo một kịch bản đã được chuẩn hoá. Ngoài ra các đạo cụ, y phục, mỗi một tiết mục, mỗi một vai diễn đều chứa đựng những ý nghĩa sâu sắc. “Rước khám đường“ là trinh sát giặc. “Rước nước“ là để tôi luyện khí giới trước khi xuất quân. “Rước Đống Đàm“ là đi đàm phán kêu gọi hoà bình. Rước trận Soi Bia“ là mô phỏng cách điệu các trận đánh ác liệt.
Trong lễ hội người ta thấy có nhiều loại cờ, nhưng quan trọng nhất là lá cờ phướn màu đỏ. Trên lá cờ viết chữ “Lệnh“ tôn nghiêm cùng với các động tác múa cờ Lệnh của ông Hiệu Cờ là biểu đạt một số quan điểm cơ bản của phép luỵện binh. Đó là quân lệnh phải nghiêm minh. Binh pháp phải mưu lược, sáng tạo (Múa cờ nghịch và múa cờ thuận). Đội quân phù giá 120 người, đội quân chính quy, linh hồn của các thứ quân trong lịch sử chiến tranh của dân tộc Viêt là những người đóng khố, cởi trần, đầu đội mũ có hình quả dưa. Trên mũ có đính chín con rồng nhỏ, tượng trưng cho Đất. Trên vai mỗi chiến binh đeo túi hình bán nguyệt, tượng trưng cho Trời. Tay họ cầm quạt giấy màu nâu lúc thì cụp, lúc thì xòe, tượng trưng cho một loại vũ khí có sức biến ảo khôn lường.
Cả một không gian sắc màu hòa quyện trong tiếng trống, chiêng, tù và với đủ cung bậc âm thanh. Nó không chỉ gợi lên không khí trận mạc cổ xưa mà còn tạo ra xúc cảm thẩm mỹ trước vẻ lung linh, kỳ ảo đẹp đến nao lòng. Đặc biệt trong lễ hội còn có những hiện tượng kỳ lạ: 28 cô gái trẻ đẹp đóng vai tướng giặc tượng trưng cho 28 đạo quân xâm lược nhà Ân; các màn rước lễ “Kén Tướng“, “Kén Phù Giá“, màn diễn săn hổ, bắt hổ, giúp hổ hoá thân… Tất cả khiến người xem hội suy ngẫm, lý giải với những quan điểm thẩm mỹ khác nhau.
Thế nhưng tất cả những điều chúng ta thấy trong lễ hội cùng với những cảm nghĩ khi đi xem hội vẫn chỉ là cái bên ngoài. Ẩn đằng sau “cái chúng ta đang thấy” trong lễ hội là những lớp trầm tích văn hóa. Nếu chúng ta hiểu thì sẽ thấy thật thú vị. Tìm hiểu nguồn gốc lễ hội làng Phù Đổng, các nhà khoa học xã hội xác định lễ hội này ban đầu là lễ hội mùa nông nghiệp, mang tính phồn thực (Nguyến Văn Huyên 1938, Nguyễn Đổng Chi 1958, Cao Huy Đỉnh 1969, Trần Quốc Vượng 1995). Trải qua thời gian, lễ hội này biến đổi, kết hợp với huyền thoại Thánh Gióng, người anh hùng chống giặc ngoại xâm, một biểu tượng của tinh thần dân tộc và đã tạo thành một lễ hội đặc sắc nhất của Việt Nam, hội tụ nhiều nét đặc trưng văn hóa của Việt Nam.
UNESCO đã vinh danh lễ hội Gióng là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Lễ hội Gióng mà trung tâm là biểu tượng Thánh Gióng đã vượt ra khỏi tầm vóc quốc gia để đi vào đời sống văn hóa của nhân loại. Nếu chỉ có phần “nổi”, phần chúng ta đang nhìn thấy tôi nghĩ chưa chắc người ta đã xét duyệt vào hàng đi sản thế giới. Ngoài việc hội Gióng “đã ăn sâu trong đời sống của các cộng đồng cư dân vùng châu thổ sông Hồng như một phần bản sắc, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo nên một dòng chảy liên tục”, nó còn hội tụ nhiều nét đặc trưng văn hóa của Việt Nam.
Tiếp theo, tôi muốn tập hợp thêm một số những kiến giải hay giải mã văn hóa của các nhà khoa học xã hội từ trước đến nay, đặc biệt qua cuốn Lễ hội cộng đồng: Truyền thống và biến đổi 2014 để tìm hiểu về nguồn gốc, quá trình hình thành và phát triển của hội Gióng và Thánh Gióng để chúng ta cùng suy ngẫm, thấy được cái hay, cái đẹp của lễ hội. Chẳng hạn có một loạt các biểu trưng văn hóa trong hội Gióng như “danh từ Gióng”, nghi thức “múc nước” và “rước nước”, “ngựa sắt”, “bạch mã”, “28 tướng nữ”, “ba ván nghịch, ba ván thuận”, “làng áo đỏ”, “làng áo đen”…
Ngoài nghĩa thực mà tôi đã đề cập nó còn hàm ẩn thông điệp gì? Đồng thời phải “giải ảo” các huyền tích và huyền sử về Thánh Gióng như thế nào?
Hội Gióng mồng Chín tháng Tư là thời điểm lúc kết thúc các hội xuân, kết thúc lúc nông nhàn. Thời điểm này người dân bước vào mùa làm ruộng, vụ chính trồng lúa đầu mùa mưa ở vùng đồng bằng Bắc Bộ ngày xưa. Theo người dân Phù Đổng, trước hội bao giờ cũng có trận mưa giông lớn. Người làng nói đó là ông Đổng (ông Gióng) về hái cà. Người dân thường lấy cành tre, vót đầu thành bông hoa tre nhuộm màu để cắm vào các ruộng cà, Tại sao người ta làm như vậy? Người dân quê xung quanh khu vực đó còn gác “nõ nường”, bộ phận sinh thực khí nam nữ lên giàn bầu bí để chúng ra nhiều quả. Tre vót đầu thành túm xơ là hình tương linga (sinh thực khí nam). Đó là dấu tích của tín ngưỡng phồn thực: Ước nguyện vạn vật sinh sôi nảy nở.
Người dân Phù Đổng cho rằng những cơn mưa giông đầu mùa sau những ngày nóng oi ả vừa là rửa đền ông Gióng, vừa là điềm may. Có mưa trong lễ hội thì việc cày bừa cấy hái vụ mùa sẽ gặp thuận lợi. Cao Xuân Đỉnh có lý khi gán các các danh từ: Đổng, Gióng/Dóng với Dông/Giông, cái tên của ông Gióng gắn liền với một vị thần thiên nhiên, giống như hiện tượng các làng thờ thần mây, mưa, sấm, chớp trong hệ thống “Tứ Pháp”: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện mà người dân ở dọc sông Đuống, sông Hồng vẫn thờ tự (Tôi sẽ đề cập đến lễ hội cầu mưa qua lễ rước pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp điện của liên làng huyện Văn Lâm, Hưng Yên trong bài viết sau).
Trần Quốc Vượng thì cho rằng nghi thức “múc nước” và “rước nước” ở hội Gióng nguyên thủy là nghi lễ nông nghiệp, giống như tết Pi May của Lào, tết Timây của Cămpuchia gắn liền với nghi thức té nước. Đó là tín ngưỡng cầu mưa. Mưa giông đầu tháng tư mở đầu mùa vụ là “tết mưa giông”. Còn tết cơm mới, xôi mới tháng Mười là kết thúc mùa vụ. Các nhà khoa học nông nghiệp đã chứng minh lúa mùa cổ xưa nhất của cư dân Việt là trồng vào đầu mùa mưa:
Tháng Tư cày vỡ ruộng ra
Tháng Năm gieo mạ chan hòa nơi nơi
Một vết tích từ thời Kỳ Đông Sơn còn tồn tại trong hội Gióng là tục thờ mặt trời. Chúng ta thử hình dung ngôi sao (mặt trời) trên trống đồng Đông Sơn với cảnh bầy chim bay ngược chiều kim đồng hồ sang cảnh con ngựa sắt trong huyền tích Gióng phi ngược chiều kim đồng hồ. Con ngựa sắt khạc lửa phi về Đông, rồi từ Đông phi về Tây (về Sóc Sơn, nơi Gióng bay về Trời). Đó là biểu hiện sự vận động của mặt trời (huyền tích ở đền Bạch Mã ở Hà Nội kể rằng Thần cưỡi ngựa đi từ Đông sang Tây, rồi lại trở về Đông và biến mất trong đền, để lại các vết chân ngựa. Vua Lý Thái Tổ dựa theo đó mà xây dựng thành Thăng Long. Đó là vết tích của Đông Sơn trong nghi thức thờ mặt trời. Nghi thức giết ngựa trắng tế thần còn tồn tại đến đầu nhà Lê, thế kỷ 15 và được ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư).
Làng “áo đỏ” trong hội Gióng, lá cờ Lệnh đỏ, sắc phục đỏ của các “Ông Hiệu” đều là biểu tương của mặt trời. Và như vậy, làng “áo đen” là tượng trưng cho bóng đêm đối lập với sắc đỏ của mặt trời ban ngày. Còn Ông Gióng khổng lồ cưỡi ngựa sắt là biểu tượng của mặt trời. 28 nữ tướng của giặc Ân là biểu tượng của “Thần Đêm”. Con số 28 là biểu tượng của “Nhị thập bát tú”, 28 vì sao của bốn phương trên bầu trời đêm. Người xưa chọn nữ tướng vì nữ tượng trưng cho Âm. Đối lập với Ông Gióng tượng trưng cho Dương. Tục thờ “Mặt Trời” (Ông Gióng và Ngựa Gióng) được biểu hiện qua nghi thức rước Bạch Mã về Đông (Đống Đàm, Soi Bia) rồi mới rước lại về Tây, tức là về đền.
Việc diễn trận “ba ván cờ nghịch”, “ba ván cờ thuận” cũng là biểu tượng vận động của “Mặt Trời”. Lá cờ đỏ tượng trưng cho mặt trời, xoay thuận nghịch là tượng trưng sự vận động của mặt trời từ đông sang tây lúc ban ngày, và từ tây trở về đông lúc ban đêm. Phải có đầy đủ ba ván thuận nghịch mới diễn tả đầy đủ sự vận động của mặt trời trong không gian, trong tâm thức dân gian.
Cuối cùng là nghi thức chém tượng trưng nữ tướng nhà Ân trong đền, lấy đầu là mũ, lấy da là áo để lại trong đền cũng mang ý nghĩa cầu mưa. Chém tướng giặc đồng nghĩa với việc triệt tiêu các vị tinh tú. Sao lặn và mưa rơi mang nước tưới cho đồng ruộng… Các nhà khoa học, đứng đầu là Trần Quốc Vượng cho rằng huyền tích về Thánh Gióng khởi thủy là huyền tích về mặt trời. Hội Gióng khởi thủy là là nghi lễ nông nghiệp cầu mưa. Trải qua hàng ngàn năm, lớp văn hóa này trở thành trầm tích trong lễ hội Gióng tôn thờ người anh hùng đánh giặc ngoại xâm. Vậy thì quá trình đó diễn ra từ bao giờ? Như thế nào? Trong cuốn Lễ hội cộng đồng: Truyền thống và biến đổi Nxb ĐHQG Tp HCM, các nhà nghiên cứu đã đề cập và luận giải về vấn đề trên khá thấu đáo.
Trong cuộc hội thảo quốc tế diễn ra hai ngày 16-18/12/2013 tại Hồng Kông, tập thể các tác giả Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, trong đó có tác giả Đinh Hồng Hải đã tham luận bài “Lễ hội làng Phù Đổng, từ một lễ hội nông nghiệp biến thành một lễ hội quốc gia” và từ một nhân vật huyền thoại được “lịch sử hóa” hóa thành một vị anh hùng. Nhìn chung các tác giả đã tìm hiểu khá kỹ nguồn gốc, quá trình hình thành và phát triển biểu tượng Thánh Gióng trong văn hóa Việt Nam, cũng như vai trò của biểu tượng này trong lịch sử chiến tranh giữ nước của người Việt. Mấy trăm trang sách của các tác giả tôi xin được gói gọn lại trong vài đoạn để chúng ta có thể hình dung một cách đại thể về quá trình phát triển biểu tượng Thánh Gióng.
1. Vua Lý Công Uẩn là người đầu tiên đã ban hiệu, sắc phong cho một vị thần thổ địa bên cạnh chùa Kiến Sơ Phù Đổng là Xung Thiên Thần Vương/Tì Sa Môn Thiên Vương, một vị thần hộ quốc có nguồn gốc từ Ấn Độ (thần có tên tiếng Phạn là Vaisravana). Đó là tiền thân của Thánh Gióng. Vua Lý Công Uẩn không những là người đầu tiên ban tước hiệu và quốc gia hóa một vị thần địa phương có công đánh giặc Ân trở thành một vị thần hộ quốc mà còn là người cho xây dựng mở mang đền thờ Gióng.
2. Đây là cách để nhà vua và triều đại nhà Lý, Trần trong suốt mấy trăm năm khẳng định uy quyền, là cách tạo thế đối trọng với văn hóa Trung Hoa (văn hóa Trung Hoa là văn hóa của Khổng giáo, văn hóa của Đại Việt thời Lý là văn hóa của Phật giáo), là cách thức nuôi dưỡng tinh thần chiến đấu của người Việt trước họa xâm lăng của Đại Hán, là biểu tượng của nền độc lập tự chủ của Đại Việt.
3. Từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ 15 là quá trình khẳng định ý thức dân tộc. Quan niệm về quốc gia đã được hình thành và xác lập qua các triều đại Lý, Trần, Lê, qua những cuộc chiến tranh chống quân xâm lược: Tống, Nguyên, Minh. Năm thế kỷ này cũng là năm thế kỷ hình thành và phát triển biểu tượng Thánh Gióng trong truyền khẩu, trong các văn bản qua các thời kỳ, qua các triều đại (Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích/trích quái, Đại Việt sử ký toàn thư, thần tích, thần phả và hàng nghìn sắc phong của các triều đại suốt năm thế kỷ). Với thời gian Thánh Gióng đã trở thành biểu tương văn hóa, biểu tượng sinh động nhất và đặc sắc nhất của chủ nghĩa anh hùng, tinh thần dân tộc, tinh thần chiến đấu chống giặc ngoại xâm của người Việt.
4. Thánh Gióng từ một nhân vật huyền thoai (không có lai lịch) trở thành nhân vật có gia đình, quê hương bản quán và được đưa vào lịch sử thành văn của người Việt…
Để kết thúc bài viết về lễ hội này, tôi xin trích dẫn một đoạn trong một bài tham luận tai cuộc hội thảo quốc tế về lễ hội Gióng: “Biểu tượng Thánh Gióng sẽ còn là một đối tượng nghiên cứu hấp dẫn không chỉ ở Việt Nam (tầm quốc gia) mà còn ở tầm quốc tế vì chính biểu tượng này đã kết nối các nền văn hóa Ân Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Tây Tạng, Khotan, Nepal, Bhutan cùng qua một biểu tượng: Kubera/ Vaisravana/Đa Văn Thiên/Tì Sa Môn Thiên Vương/ Phù Đổng Thiên Vương (Thánh Gióng).
Read More

Hội Gióng Phù Đổng (phần 1)

Leave a Comment
Hội Gióng Phù Đổng (phần 1)
Năm nay tôi và nhóm bạn cùng lớp sư phạm chắc sẽ không về được hội Gióng vì dịch Covid- 19. Hơi tiếc là đã lỗi hẹn với bạn Trần Ngọc Cầu cùng một số bạn năm nay sẽ đi cùng. Đành khất với các bạn đến sang năm. Không đi ngồi nhà, “hóng hớt” muốn chia sẻ cùng các bạn bài viết về hội Gióng.
Có lẽ đây là năm đầu tiên sau hai mươi đến ba mươi năm, tất cả anh em bạn bè chúng tôi đều không tụ tập được ở nhà bạn Nguyễn Huy Cải, để cùng nhau tản bộ thụ hưởng cái không khí nhộn nhịp, vui vẻ bậc nhất của xứ Bắc. Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Toan Ánh thì xứ Bắc là xứ sở hội hè đình đám dày đặc nhất trong số các làng quê đất Việt (Phù Đổng trước kia thuộc huyện Tiên Du, Bắc Ninh). Chỉ một câu ca thôi người ta cũng hình dung ra được điều đó:
Mồng Bảy hội Khám, mồng Tám hội Dâu
Mồng Chín đâu đâu thì về hội Gióng.
Xưa kia hội Gióng thuộc tổng Phù Đổng kéo dài từ đầu tháng Tư đến ngoài mồng Mười lịch Âm. Ngày nay lễ hội thường khai mạc vào ngày mồng Bảy cho đến hết mồng Chín tại Xã Phù Đổng. Xã này nằm ở tả ngạn sông Đuống, cách trung tâm Hà Nội gần hai mươi cây số. Thời gian trước, khi chưa có cầu Vĩnh Tuy, chúng tôi thường qua cầu Long Biên, theo quốc lộ hướng Bắc Ninh, tới cầu Đuống thì rẽ phải dọc con đường đê và đi vào khoảng bảy cây số thì tới làng Phù Đổng.
Từ trên bờ đê nhìn xuống bên trái, một ngôi đền đồ sộ nằm dưới bóng những cây đa cổ thụ xum xuê. Đó chính là ngôi đền Thượng thờ Phù Đổng Thiên Vương, Đức Thánh trong tâm thức người Việt thuộc hàng “Tứ bất tử”. Trước cửa đền có một hồ nước hình vuông đầy ắp nước. Ở giữa hồ là nhà thủy tạ tám mái theo lối kiến trúc cổ. Xuôi xuống gần một cây số là ngôi đền Hạ nằm dưới bóng những cây muỗm, nhãn giữa một cánh đồng, nơi tương truyền có dấu chân khổng lồ, bà mẹ Gióng đã ướm chân thử rồi mang thai, sinh ra người anh hùng ba tuổi “không biết nói, không biết ngồi”.
Về căn bản, lễ hội Gióng từ ngàn năm nay nhằm tôn vinh người anh hùng huyền thoại Thánh Gióng, người anh hùng làng Phù Đổng, biểu tượng vĩnh hằng của chủ nghĩa anh hùng Việt Nam chống giặc phương Bắc xâm lăng. Và hội Gióng “từ một tín ngưỡng về nghi lễ nông nghiệp cổ truyền cầu mưa, thờ thần mặt trời, với thời gian lịch sử đắp đổi, đã trở thành một tín ngưỡng thờ anh hùng chống giặc và một nghi lễ diễn xướng anh hùng ca” (Trần Quốc Vượng, 1987).
Để hiểu được bản chất của hội Gióng, từ những năm đầu, có năm chúng tôi hẹn nhau đi vào mồng Bảy, có năm hẹn nhau đi vào mồng Tám, có năm hẹn nhau đi vào mồng Chín. Vì vậy mọi người gần như “thuộc bài”, nắm được tổng thể cũng như nắm khá chi tiết về các sự kiện diễn ra trong lễ hội. Mặc dù các thầy đã dạy, đã nói về lễ hội trên lớp, trong các bài viết, chúng tôi hoàn toàn tâm phục, khẩu phục, nhưng thực tế hiểu thấu đáo về lễ hội, giải mã được tất cả các hiện tượng văn hóa trong lễ hội thì đó lại là câu chuyện bạn bè chúng tôi vẫn còn tranh cãi, chưa ai chịu ai.
Vào trước ngày mồng 7, ban tổ chức cho thảo lá cờ có chữ Lệnh. Xưa kia người ta chọn bậc đại khoa dùng bút, mực loại thượng hạng để viết lên lá cờ. Sau khi đã thảo Lệnh từ, cờ được gắn vào cán, quấn lại đựng trong chiếc túi đỏ thêu long, ly, quy, phượng. Trong túi có một trăm tờ giấy trắng, một nghìn con bướm và sáu mươi gói trầm để tại miếu giáp. Trai tráng hàng giáp (đơn vị tổ chức làng từ thời nhà Lý) làm lễ rước rồi theo ông Hiệu Cờ tới đền Mẫu.
Vào ngày mồng Bảy, khoảng hơn 10h, ngày khai hội diễn ra nghi thức “rước nước”. Nghi thức mà tất cả quân, tướng (theo sau là đông đảo các cụ, các ông, các bà, nam thanh nữ tú trong xã và hàng ngàn khách thập phương khắp đồng bằng Bắc Bộ) theo dự đám rước từ đền Thượng đến đền Hạ. Trong lễ rước có hai mươi bốn quân sĩ, trong số tám mươi quân “phù giá” khiêng đôi chum thiêng đặt trên giếng đền Mẫu (nói là giếng nhưng rộng như một cái hồ). Người cơ binh đứng ở bậc giếng cuối cùng, múc nước vào chiếc gáo đồng rồi chuyển cho người trước mặt. Người này lại chuyển cho người trước mặt ở bậc trên. Cứ như vậy, gáo nước được chuyển theo hình chữ “Chi” cho người đứng trên cùng, bên cạnh chum. Người này thong thả rót nước qua miếng vải điều lọc trên miệng chum theo hiệu lệnh của cơ trưởng. Cơ trưởng mặc áo thụng xanh ra lệnh cho cơ binh đổ nước vào chum...
Tất cả các động tác trên diễn ra theo lệnh trống, chiêng và sênh của người xướng. Khi đã đủ nước, đám quân lính và dân làng rước đôi chum về đền Thượng trong tiếng trống chiêng từng hồi nhộn nhịp. Phường Ải Lao (phường tùng choặc) của làng Hội Xá múa hát đi trước dẫn đường.
Người dân Phù Đổng và các khu vực lân cận tin rằng rước nước ông Gióng ban cho để sinh sống, để trồng trọt. Rước nước về đền là để thờ Thánh và lau rửa khí giới trước khi cho quân lính xuất trận thì mới có uy lực để chiến thăng kẻ thù. Có làm lễ rước thì sang ngày hôm sau và vào ngày hội chính mới có mưa. Cơn mưa đó biểu hiện ông Gióng về dự hội. Mùa màng mới thuận lợi và cây cối mới phát triển tốt tươi.
Ngày mồng Tám là ngày chỉ tế lễ, ngày dân làng và khách thập phương lễ bái tại hai ngôi đền và lễ ở chùa Kiến Sơ, ngôi chùa linh thiên nhất của xứ Bắc xưa. Ngày này là ngày ban tổ chức và tất cả hàng trăm người tham gia việc thánh của bốn làng hoàn tất công việc chuẩn bị cho ngày hôm sau. Trong đó có hai mươi tám thiếu nữ tượng trưng cho 28 tướng giặc Ân ngồi trên kiệu, được các đoàn người rước từ các ngả tưng bừng trở về nơi tập kết.
Vào ngày mồng Chín, ngày hội chính, diễn ra trận chiến mô phỏng đánh giặc Ân. Buổi sáng có lễ tế tại đền Thượng. Các ông Hiệu kiểm điểm lại quân số của mình để sẵn sàng xuất trận (120 người). Vào lúc đó có 28 thiếu nữ giả đóng tướng nhà Ân đóng dinh tại Đồng Đàm. Các cô chỉ khoảng 10 tuổi trông rất đáng yêu ngồi trên kiệu lộng lẫy, xung quanh là các bà, các cô, các chị xúm xít xung quanh tiếp tục trang điểm cho các tướng của mình. Khi quân thám thính đến đền thượng báo tin quân giặc đã đến. Hiệu báo động nổi lên. Các ông hiệu và quân lính hô to khẩu hiệu “Tuân lệnh”. Mọi người rút binh khí ra khỏi giá. Người đánh trống, người đánh chiêng, người cầm cờ sẵn sàng. Phường Ải Lao vào làm lễ múa hát trước . Phường này gồm hai mươi người. Một người đóng vai ông Cọp tượng trưng cho sức mạnh đến trước bàn thờ lễ. Những người còn lại đóng giả người Lào cùng múa và hát trước đền.
Khi khúc “quân ca” chấm dứt, ba hồi chiêng trống nổi lên. Cuộc tiến quân bắt đầu. Mở đầu là 12 thiếu niên mặc áo dài sặc sỡ, tay cầm roi mây đi trước hai ông Hiệu Tiểu Cổ. Theo sau là ông Cọp dẫn đầu phường Ải lao, rồi đến các ông Hiệu Chiêng, Hiệu Trống, Hiệu Trung quân. Ông Hiệu Cờ Lệnh đi sau. Các kỳ binh kéo con Bạch Mã đi theo cờ lệnh. Cuối cùng là kỳ binh mang hòm sắc và y phục của Phù Đổng Thiên Vương, có quân lính đi dàn hai bên… Đoàn người hàng nghìn người theo sau trên một đoạn đê dài. Khi qua đền Mẫu tất cả dừng lại nghiêng đầu làm lễ. Tới trận địa Đổng Viên, quân nhà Ân dàn binh chờ đoàn quân của nhà nước Văn Lang kéo tới. Mặt trận được tượng trưng bằng ba chiếc chiếu. Mỗi chiếc chiếu có một chiếc bát úp lên một tờ giấy ở chính giữa. Chiếu tượng trưng cho cánh đồng, bát tượng trưng cho đồi núi. Giấy tượng trưng cho mây bay.
Đoàn quân đánh giặc bao quanh khu vực chiến trường. Sau ít phút giải lao, cuộc giao chiến bắt đầu. Ông Hiêu Cờ bước tới chiếc chiếu thứ nhất. Cờ lệnh được giương lên. Những con bướm và những túi trầm từ trong túi cờ lệnh tung ra. Mọi người đi xem hội chen lấn, xô nhau cướp các vật trên để lấy phúc.
Ông Hiệu Cờ bước chân trái sang bên trái, bước chân phải sang bên phải. Ông dùng chân phải gẩy chiếc bát và tờ giấy. Động tác này có nghĩa là đoàn quân vượt qua đồi mây núi đá đánh giặc. Sau đó ông quỳ chân phải trên chiếu, xoạc chân sau thành hình chữ lệnh. Hai tay ông phất cờ lệnh từ phải sang trái ba lần rồi rời khỏi chiếc chiếu (người ta gọi là ba ván nghịch). Dân tình hiếm con tranh nhau xé chiếc chiếu mang lấy một mảnh về chờ đợi tin mừng.
Ông Hiệu cờ lặp lại động tác trên với hai chiếc chiếu còn lại. Khi chiếc chiếu thứ ba được mọi người xé nát thì cũng là lúc quân giặc Ân tan rã. Hai mươi tám tướng giặc rút lui hỗn loạn. Kiệu các thiếu nữ được rước về làng Phù Đổng. Đoàn quân đại thắng cùng con Bạch Mã khải hoàn về đền Hạ/Mẫu. Tiệc khao quân diễn ra trước cửa đền. Các tướng giặc tuy rút lui hỗn loạn nhưng chúng tụ tập tàn quân ở làng Phù Đổng. Đoàn do thám cấp báo quân giặc Ân trở lại. Chúng dàn trận giữa Đền Thượng và đền Hạ. Quân của Thiên Vương bỏ tiệc xông ra trận tiền. Trận tái chiến diễn ra ở “Soi Bia” thuộc làng Phù Đổng. Ở đây cũng có ba chiếc chiếu như ở Đồng Đàm. Ông Hiệu Cờ lặp lại động tác cũ ba lần trên ba chiếc chiếu, nhưng lần này ông xoay cờ lệnh từ trái sang phải để múa thuận lá cờ thành chữ Lệnh (người ta gọi là ba ván thuận). Như vậy là theo lệnh của Thiên Vương quân ta đã đánh tan quân giặc Ân. Các tướng giặc quỳ xuống xin hàng. Quân sĩ trở lại bữa tiệc khao quân.
Hội Gióng Phù Đổng có dàn vai diễn hết sức phong phú và độc đáo. Đó là các ông hiệu (Hiêu Cờ là người cầm cờ và múa cờ; Hiệu Trống, Hiệu Chiêng là người đánh trống đánh chiêng; Hiêu trung quân là người chỉ huy trung tâm; hiệu Tiểu Cổ là hai tướng tiên phong). Tất cả tượng trưng cho hệ thống tướng lĩnh của Ông Gióng. “Phù Giá“ tượng trưng cho đội quân chính quy. Phường “Ải Lao“, trong đó có “Ông Hổ” tượng trưng cho đội quân tổng hợp. “Làng áo đỏ” là đội quân trinh sát nhỏ tuổi. “Làng áo đen” là đội dân binh…
Có thể nói hội Gióng là một màn diễn xướng của cuộc chiến tranh nhân dân với hàng trăm vai diễn tiến hành theo một kịch bản truyền thống đã được chuẩn hoá. Ai tham gia cũng đạt đến mức độ nhuần nhuyễn mang tính nghệ thuật cao. Trong tâm thức, người dân tin rằng lễ hội thành công, quân lệnh như sơn, hát hay, múa đẹp, trống chiêng vang rền, cờ lệnh tung bay là báo hiệu cho một miền quê yên bình thịnh vượng.
Một điểm nỏi bật nữa trong hội làng là có phần lễ và phần hội, đan xen giữa “lễ” và “hội”. Thậm chí trong lễ có hội trong hội có lễ. Đám rước kiệu, khiêng kiệu, rước bài vị, long ngai là phần lễ, nhưng mua hát theo nhịp trống và nhạc bát âm lại là phần hội. Hoạt động tế lễ thuộc về phần lễ nhưng lại có trống chiêng, múa hát của phường Ải Lao. Đó chính là sự tích hợp nhiều giá trị văn hóa: Lễ, ca, múa, nhạc, phong tục tập quán. Chính nó đã làm nên sức cuốn hút của lễ hội Gióng.
Để kết túc phần đầu của bài viết, tôi xin được trích dẫn một đoạn nhận xét của bà Katherine Muller Marine đọc trong Lễ trao Quyết định công nhận lễ hội Phù Đổng là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO) tại Phù Đổng: “Hội Gióng đã ăn sâu trong đời sống của các cộng đồng cư dân vùng châu thổ sông Hồng như một phần bản sắc, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo nên một dòng chảy liên tục.”
Theo thần tích, đền Gióng được xây dựng từ thời vua Hùng, được mở rộng từ khi Lý Công Uẩn lên ngôi vua và dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long (Lý Công Uẩn đã từng ở chùa Kiến Sơ Phù Đổng, người thường đến ngôi miếu nhỏ thờ thần thổ địa có công chống giặc Ân bên cạnh chùa và được thần mách bảo về việc nước. Mọi việc sau đó quả ứng nghiệm. Vua mới phong thần là Phù Đổng Thiên Vương). Dù hoài nghi về thời gian từ thời vua Hùng, thì ít ra ngôi đền cũng có đến một ngàn năm tuổi theo sử sách. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, hội Gióng vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Vượt qua khuôn khổ của quốc gia đân tộc, nó trở thành di sản văn hóa của nhân loại, là niềm tự hào của người dân Việt nói chung và là niềm tự hào của người dân Phù Đổng nói riêng. Để kết thúc phần một bài viết tôi xin được trích dẫn một câu ca trong dân gian xưa để nói lên sức hút kỳ diêu, sức hút đến say đắm lòng người của lễ hội:
Ai ơi mồng chín tháng Tư,
Không đi hội Gióng cũng hư một đời
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.