thăm thành phố Chicago

Leave a Comment
Thăm thành phố Chicago 
Căn hộ vợ chồng con gái tôi thuê ở trên tầng 11, đường 150 thuộc thành phố Chicago. Từ khung cửa sổ nhìn ra bên ngoài, phía dưới là những tán cây xanh non cùng với những tòa nhà 5 tầng, 7 tầng, 10 tầng. Xa xa bên trái là một khoảng trống hồ Michigan trải dài xanh ngắt (hồ nước ngọt này rộng khoảng 58.000 km2). 
Mặc dù mùa hè nhưng mỗi buổi sáng ra bờ hồ tôi vẫn phải phải mặc thêm chiếc áo khoác. Vẫn cảm thấy lành lạnh. Trước mắt mênh mông một vùng nước xanh biếc. Nó hút tầm mắt tưởng như người ta đứng trước cửa biển. Đây là một góc thành phố Chicago mà trước đó tôi mới chỉ biết qua sách vở.
Được thành lập từ năm 1833, trải qua 180 năm phát triển, Chicago hiện là trung tâm tài chính, công nghệ của nước Mỹ và quốc tế. Chicago còn là quê hương đầu tiên của những tòa nhà chọc trời kỷ lục trên thế giới. Tòa nhà Bảo hiểm Nhà cửa (Home Insurance Building) được coi là trung tâm kiến trúc, tài chính, văn hóa của cả miền Trung Tây. Chicago còn là trung tâm vận tải của cả nước; có đường xe lửa và đường xuyên bang nhiều nhất trong các thành phố của Hoa Kỳ. Thành phố này còn giữ kỷ lục thế giới về số lần đăng cai các hội chợ quốc tế hàng năm.
Chicago là thành phố lớn nhất bang Illinois (bang có dân số trên 12.419.000 người) và là thành phố đông dân thứ ba của Hoa Kỳ sau thành phố New York và thành phố Los Angeles. Chicago nằm ven bờ Tây Nam hồ Michigan, rộng 606 km2 với dân số trên 2.836.000 người. Chính quyền thành phố bao gồm các ngành lập pháp và hành pháp. Có 50 người trong hội đồng thành phố được bầu từ 50 phường với nhiệm kỳ 4 năm và một thị trưởng đứng đầu chính quyền được bầu trực tiếp cùng với nhiệm kỳ hội đồng.
Về văn hóa thành phố có gần 60 bảo tàng, 80 thư viện các loại và hàng trăm sân khấu, nhà hát, rạp chiếu phim. Thành phố tập trung tới 98 trường đại học và cao đẳng cộng đồng, thu hút gần 80% học sinh tốt nghiệp THPT của cả khu vực đại đô thị xung quanh thành phố 9,5 triệu người.
Hai ngày nghỉ lễ cuối tuần chúng tôi được vợ chồng Corry, bạn con gái hướng dẫn đi thăm thành phố. Anh Corry, người đã từng theo đuổi ngành kiến trúc ở Đại học Rudoven Chicago, người rất đam mê kiến trúc. Anh tường tận về thành phố quê hương, say sưa kể chúng tôi nghe ngọn nguồn từng ngôi nhà được xây dựng lại sau vụ đại hỏa hoạn năm 1871, từng chi tiết hoa văn trang trí, từng phong cách kiến trúc, từng con đường, từng dãy phố tại trung tâm downtown. Corry còn chỉ tôi tòa nhà cao nhất thành phố đang xây dựng, trị giá trên một tỷ đô của một nhà tài phiệt Trung Quốc. Vì bị chính quyền Trung Quốc yêu cầu phải đầu tư ở chính quốc nên ông ta đã bán lại cho một người Mỹ. Tòa nhà này năm 2019 mới hoàn thành.
Chúng tôi bắt đầu từ tòa nhà nghệ thuật thành phố, một trong những tòa nhà chọc trời đầu tiên trên thế giới. Tòa nhà được xây dựng hoàn toàn bằng đá nguyên khối. Người bảo vệ tòa nhà di sản đưa chúng tôi lên cầu thang máy đầu tiên của nhân loại và cho chúng tôi tham quan một số phòng tiêu biểu. 
Tiếp đến là Trường Đại học Rudoven cũng xây toàn bằng đá nguyên khối. Corry dẫn chúng tôi đi dọc dãy phố, những tòa nhà bằng đá nhuốm màu thời gian. Đi vào bên trong một số tòa nhà mới thấy hết vẻ đẹp nguy nga, tráng lệ của những công trình kiến trúc cổ kính. 
Từ quá khứ đến hiện tại, gần 150 năm đã trôi qua… Các công trình kiến trúc đồ sộ từ tòa thị chính, biểu tượng của quyền lực đến các tòa nhà thương mại, tài chính, ngân hàng, sở giao dịch chứng khoán, các tập đoàn kinh tế, các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học, hàng trăm trụ sở và văn phòng đại diện của các công ty đa quốc gia, cùng với các khu siêu chung cơ vài chục tầng đến trăm tầng, từ bằng vật liệu đá, gạch đến sắt thép, vật liệu siêu bền … Tất cả cùng với quy hoạch thành phố, cảnh quan đô thị mở rộng dần phản ánh lịch sử kiến trúc, phong cách kiến trúc, trình độ khoa học kỹ thuật qua các thời kỳ lịch sử phát triển thần kỳ của Chicago. 
Không chỉ thừa hưởng cảnh quan thiên nhiên phong phú, Chicago còn sở hữu nhiều những công trình kiến trúc cổ kính, lộng lẫy, hiện đại và đầy cảm xúc. Nói một cách chính xác, Chicago là một bảo tàng kiến trúc mở ngoài trời đầy ắp những công trình lịch sử, văn hóa, thương mại. 
Ở đâu người ta cũng bắt gặp những ban nhạc ngoài trời: Công viên, siêu thị, nhà hàng, đường phố. Tôi nghĩ mình phải mất hàng năm sống tại thành phố thì mới nắm bắt được những nét đẹp cũng như hiểu được tầm vóc của những công trình tầm cỡ thế giới nơi đây.
Sau hai ngày đi bộ lướt qua những con phố chính của thành phố và đi xe hàng chục km dọc bờ hồ Michigan, ngắm nhìn hàng ngàn tòa nhà vươn lên trời cao, soi bóng xuống bờ hồ xanh biếc, chúng tôi đến thăm Bảo tàng Field (Field Museum). Đây là bảo tàng lịch sử tự nhiên và văn hóa nổi tiếng nhất thành phố. Một trăm năm mươi nhà khoa học trong nước và trên thế giới làm việc và nghiên cứu với trên 40 triệu hiện vật, mẫu vật (chỉ 1% được trưng bày cho công chúng) để tìm hiểu và trả lời cho những câu hỏi về hành tinh của chúng ta, về sự sống và văn hóa của chúng ta từ xa xưa cho đến nay. 
Một ngày từ sáng đến tối, ăn trưa tại bảo tàng, vậy mà chúng tôi mới đi được hai tầng của tổ hợp tòa nhà bốn tầng. Ấn tượng với tôi nhất là mô hình mô phỏng thế giới động, thực vật dưới lòng đất. Chưa bao giờ tôi được chứng kiến một cuộc sống đa dạng, phức tạp, kỳ diệu, bí ẩn, sống động đến như vậy. Và cũng chưa bao giờ tôi được chứng kiến cái không khí “hội hè đình đám”, những khuôn mặt đầy phấn khích của hàng ngàn khách tham quan, nhất là học sinh, sinh viên cứ nườm nượp nối tiếp nhau vào các gian phòng trưng bày nhưng lại trật tự, nghiêm túc đến như vậy.
Cũng như vậy với Bảo tàng Khoa học và Công nghiệp. Một thế giới STEM cuốn hút cả người lớn và trẻ em. Từ chiếc xe ngựa, ô tô, xe lửa đầu tiên đến các loại máy bay, tên lửa, tàu vũ trụ, từ những chiếc máy cày, máy gieo hạt, máy gặt đập đến các loại máy móc chế biến, từ những dây chuyền sản xuất bằng máy hơi nước đến dây chuyền sản xuất hàng loạt bằng động cơ điện, từ tự động hóa robot đến trí tuệ nhân tạo… Tất cả đều là những hiện vật sinh động kèm theo nhiều màn hình minh họa, trò chơi mô phỏng minh họa.
Người xem đều được trải nghiệm thực tế. Chẳng hạn ngồi trên máy gặt đập điều khiển, trên màn hình trước mặt, lúa mì, ngô hay đậu nành cứ tuôn ra. Ngồi trên xe goòng vào khai thác các vỉa than sống động như người công nhân đi vào hầm lò. Xem các loại tên lửa không chỉ gắn liền với lịch sử phát triển của nó, người xem, nhất là học sinh sinh viên được trải nghiệm bằng mô hình, bằng thực tế ảo phóng tên lửa bay vào không trung qua nhiều màn hình điều khiển. Người ta còn tận mắt chứng kiến các phi hành gia luyện tập lên mặt trăng qua các đoạn băng, xem các đồ ăn của phi hành gia trong tàu vũ trụ, xem mẫu vật lấy từ mặt trăng và chứng kiến những giây phút phi hành đoàn đổ bộ xuống mặt trăng như thế nào. Ngay cả đến cháu tôi ở độ tuổi mẫu giáo cũng không chịu rời các phương tiện mô phỏng. Rồi sau đó du khách lại được xem phim 3D, 4D khám phá hệ mặt trời, hố đen trên những phi thuyền không gian. Thật tuyệt vời đến độ không thể tưởng tượng được. 
Tôi từng học chuyên ngành sử, tôi biết rõ người Mỹ đến với chiến tranh thế giới thứ hai như thế nào. Họ tuyên chiến với Nhật như thế nào. Họ mở mặt trận thứ 2 ở Tây u như thế nào. Nhưng đến bảo tàng này tôi mới được biết rõ có một cuộc chiến vô cùng ác liệt trên Đại Tây Dương giữa phát xít Đức và người Mỹ, một cuộc chiến cam go sinh tử trên Thái Bình Dương giữa phát xít Nhật với họ như thế nào.
Một chiếc tàu ngầm khổng lồ được đưa vào phòng trưng bày. Người xem chìm trong phim ảnh của cuộc chiến trên biển cả, được đi vào bên trong con tàu khám phá, được ngồi trước những màn hình mô phỏng lái tàu lặn xuống lòng nước sâu của đại dương tránh máy bay của phát xít. Hai cháu tôi cứ ngồi lì trước màn hình không chịu đi các phòng khác…
Cả ngày chúng tôi mới đi được hai tầng của bảo tàng, Còn tầng trưng bày máy bay, phòng giáo dục STEM đành bỏ đến vào dịp khác vì trời đã tối. Chúng tôi không còn thời gian, mà thời gian của tôi thì được lên lịch từng ngày trước đó. Rất tiếc! Chỉ còn cách nói với con gái cố gắng quay lại toàn cảnh tầng 3 cùng với phòng giáo dục trải nghiệm STEM, bởi vấn đề giáo dục STEM là vấn đề rất mới mẻ ở Việt Nam. 
Những ngày ở Chicago tôi tiếp tục đi thăm một số bảo tàng khác, chẳng hạn như bảo tàng nghệ thuật. Về bảo tàng nghệ thuật tôi đã viết bài Thăm Bảo tàng Nghệ thuật Kansas nên tôi không đề cấp sâu đến loại hình bảo tàng này nữa. Tôi chỉ xin tóm tắt vài nét về Bảo tàng Phương Đông (Oriental Museum). 
Ban đầu tôi nghĩ chắc bảo tàng này người ta trưng bày những hiện vật về Trung Quốc, về Ấn Độ, về Nhật Bản giống như một số bảo tàng mà tôi đã được chiêm ngưỡng. Tôi định đi lướt qua một vài gian phòng cho biết. Thì ra không phải như tôi nghĩ. Đến Mỹ có rất nhiều điều không phải như người ta tưởng. Tôi luôn bị bất ngờ. Chẳng hạn như Bảo tàng Phương Đông ra vào miễn phí. Nó cho tôi biết Phương Đông đâu chỉ có Trung Quốc, Ấn Độ, Ai cập cổ đại vĩ đại mà còn một số quốc gia cổ đại vĩ đại khác.
Bảo tàng Phương Đông bao gồm những tòa nhà ba tầng và hai tầng, xây dựng theo lối kiến trúc cổ điển, có mái ngói dốc, nằm ở khu vực công viên Hyde Park rất thoáng và rộng rãi. Bảo tàng được thành lập năm 1919, sở hữu bộ sưu tập 207.000 hiện vật, 405.000 tác phẩm và hàng trăm ngàn cuốn phim, ảnh đẳng cấp thế giới về lịch sử, văn hóa của toàn bộ khu vực Trung Đông thời cổ đại như Sumeria cổ đại, Babilon cổ đại, Lưỡng Hà cổ đại, Ba Tư cổ đại, Ai Cập cổ đại…
Tôi đi thăm một số phòng trưng bày như: Mesopotamian Gallery, Assyrian Gallery, Syro-Amatotian Gallery, Megiddo Gallery, Egyptian Gallery, Nubia Gallery và Persian Gallery. Còn Bảo tàng nghe nhìn (Virtual Museum) và các phòng triển lãm chuyên đề tôi đành phải bỏ để đến dịp khác. Biết bao hiện vật vô giá trong kho tàng lịch sử, văn hóa Phương Đông đến giờ tôi mới được biết. Thật mãn nhãn, thật ngạc nhiên, thật sung sướng, thật thú vị. Thú vị nhất khi tôi được chiêm ngưỡng bức tượng Pharaon cao 5 m và con vật Lamasu nặng 40 tấn. 
Về bức tượng Pharaon thì có thể hiểu được, nhưng còn hình tượng con vật thân hình con bò có cánh, nhưng phía trên đầu lại là đầu người thì thật kì lạ. Tôi cứ băn khoăn tự hỏi sao người cổ đại lại có thể sáng tạo ra hình tượng một con vật lạ lùng đến như vậy? Họ định gửi gắm điều gì vào trong đó? Con vật thân sư tử đầu người thì người ta gọi là con nhân sư, con vật thân ngựa đầu người thì người ta gọi là con nhân mã, người ta có thể hiểu được. Còn con Lamasu thì gọi là con gì? Chắc chắn không ai người ta gọi nó là con nhân bò.
Thời gian ở Chicago của tôi không còn nhiều. Tôi cố gắng thu xếp đến điểm tham quan nổi tiếng trước khi bay sang bang khác, công viên Lincoln Park. Đây là một công trình văn hóa lớn có bề dày lịch sử nằm gần trung tâm thành phố. Công viên bắt đầu hình thành vào năm 1860, rộng 489 ha, dọc theo phần hồ Michigan. 
Là một công viên công cộng lớn nhất thành phố, khách vào cửa miễn phí, những năm gần đây, hàng năm Lincoln Park đón trên 20 triệu lượt khách trong và ngoài thành phố đến tham quan. Công viên là nơi tập trung giải trí của mọi người, không phân biệt du khách là ai. Tôi biết đi tham quan ngày thường nên lượng khách vắng hơn thứ bảy và chủ nhật, nhưng tôi vẫn thấy người vào tấp nập, nhộn nhịp như đi trẩy hội ở Việt Nam. Phần lớn người ta đi theo đoàn và đi theo gia đình. Dòng người ban đầu rất đông rồi tản dần theo các hướng một cách yên bình. Không một chút xô bồ, nhộn nhạo. Đặc biệt tôi không nhìn thấy một tờ giấy hay một cọng rác nào trong công viên này.
Công viên có 15 sân bóng chày, 6 sân bóng rổ, 35 sân tennis, 163 sân bóng chuyền và nhiều sân bóng đá, bắn cung, sân gôn, lối dành cho người đi xe đạp, đi bộ. Ngoài ra còn rất nhiều ngôi nhà được xây dựng từ đầu những năm 1900 cho đến những năm gần đây, bao gồm hệ thống nhà hàng, điểm giải khát, bãi nghỉ, khu bơi lội, bến cảng, nơi chèo thuyền, rạp chiếu phim và các sàn biểu diễn âm nhạc ngoài trời. Đặc biệt trong công viên còn có Bảo tàng Lịch sử Chicago, Bảo tàng tự nhiên Peggy Natebarerd, Bảo tàng thực vật, Bảo tàng các loài chim, Bảo tàng các loại bướm, Bảo tàng sinh cảnh thiên nhiên và vườn hoa lan với 25.000 ngàn loài lan tự nhiên…
Tôi nghĩ Công viên Lincoln Park nổi tiếng nhất, hấp dẫn nhất có lẽ là khu vườn thú, khu bảo tồn thiên nhiên và khu bảo tồn động vật hoang dã. Vườn thú của công viên có 1250 loài với đầy đủ các khu vực trưng bày các loài cá, các loài lưỡng cư, bò sát, chim và thú. Trong đó có nhiều loài quý hiếm như mèo rừng, gấu Bắc cực, chim cánh cụt, khỉ đột và nhiều loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng... 
Vườn thú để lại cho tôi ấn tượng không thể phai mờ. Vườn thú không chỉ là nơi nuôi dốt các loại động vật nhằm thỏa mãn sự tò mò của con người. Nó còn là nơi nuôi dưỡng, bảo vệ và nhân giống các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng. Thực sự vườn thú là nơi giáo dục tốt nhất để con người bảo vệ sự đa dạng các loài sinh vật. 
Khu các loài thú trong danh sách đỏ được người ta nuôi dưỡng ở chế độ lý tưởng, từ việc tạo sinh cảnh giống như tự nhiên đến việc chăm sóc chúng. vì thế chúng đã sinh sản và nuôi con như trong môi trường sống của nó. Voi trắng nuôi con. Bò tót nuôi con. Ngựa vằn nuôi con. Tê giác đen nuôi con. Khỉ đột lớn nuôi con. Đười ươi nuôi con. Vượn đen má trắng nuôi con. Voọc đầu trắng nuôi con… 
Tất cả chúng đều có một gia đình. Chúng biết yêu thương con. Chúng cũng biết chăm sóc con cái theo cách riêng của chúng. Đặc biệt là quan sát các loài linh trưởng, tất cả mọi người đều thấy thú vị, nhất là trẻ con. Chúng dán mắt vào những con mẹ đang ôm con, cho con bú, bắt rận cho con. Rồi những đứa con nghịch ngợm nhảy nhót lung tung. Trông chúng tình cảm chẳng khác gì con người. Vậy mà hàng ngày, hàng giờ ở các nước châu Á, Châu Phi người ta vẫn săn bắt để ăn thịt chúng. Còn ở đây, cả thành phố tạo điều kiện cho những con vật đáng thương này. Có cả một đội ngũ bác sĩ, tình nguyện viên đông đảo lo cho chúng từng bữa ăn, từng giấc ngủ.
Trong công viên người ta đã xây dựng nhiều khu vực cho trẻ em vui chơi, ăn uống và thậm chí tương tác với các loài chim thú không gây nguy hiểm. Đặc biệt là ở những điểm xiếc thú và khu vực tái tạo lại trang trại miền Trung Tây, có đồng cỏ với các loại gia súc như ngựa, bò, cừu. Trẻ em mọi lứa tuổi đều rất chăm chú, say mê xem các loài thú biểu diễn, được gần gũi chúng, được cho chúng ăn, được tung tăng chạy nhảy, được làm việc như những người công nhân nông nghiệp. 
Ngắm nhìn trẻ em ở đây cười, cả đôi mắt và cả khuôn mặt chúng đều lấp lánh rạng ngời. Hàng trăm, hàng nghìn đứa trẻ với khuôn mặt tràn trề hạnh phúc, đầy ắp tiếng cười. Bên cạnh chúng là những người đàn ông, đàn bà cũng rạng rỡ niềm vui đi cùng con cháu. Tôi ước có thêm 3 cháu ở Cali đi cùng để cho chúng hòa vào đám trẻ này. Mặc dù năm trước, bố mẹ chúng và tôi đã đi vườn thú ở Colorado. Lâm cưỡi trên lưng những con thú giả cùng mẹ, miệng toét cười, đôi mắt sáng lên. Rồi Lâm đuổi theo những con chim to nhỏ, đuổi theo những con vẹt sặc sỡ, đuổi theo những con công xòe đuôi, xòe cánh trên bãi cỏ và lệ khệ ôm những con rùa rụt đầu đến đưa cho ông… Tôi nghĩ đến các cháu nội ngoại khác ở Việt Nam mà thoáng chút buồn!
Trong chuyến đi này, tôi tình cờ được tiếp xúc với một số người Việt ra đi từ những năm 1975 ở Chicago. Tôi nhận thấy đa số vẫn đau đáu về quê hương. Trong số họ vẫn còn có một số người ác cảm với chính quyền “Cộng sản”. Khó có thể gần gũi với họ được. Họ vẫn treo cờ ba que trước cửa nhà. Tuần lễ cuối cùng của tháng Tư là tuần lễ đen tối đối với họ... 
Ngắm nhìn bức tượng Tổng thống Lincoln trong công viên trong bối cảnh của người Việt, tôi thấy ông thật sự là một vĩ nhân. Là tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ, sinh ra trong một gia đình nghèo ở bang Illinois, Lincoln có công lao lớn trong việc duy trì sự thống nhất đất nước, chấm dứt chế độ nô lệ. Ông là người hiện đại hóa nền kinh tế và tài chính của xứ sở cờ hoa này, một tài năng đích thực trong nền chính trị Mỹ. 
Tôi ngưỡng mộ Lincoln dù ông thuộc về Đảng Cộng hòa, đảng theo đuổi đường lối cứng rắn trong mọi vấn đề. Nhưng sau nội chiến đau thương, ông lại chủ trương một đường lối ôn hòa nhằm tái thiết đất nước thông qua chính sách hòa giải dân tộc và bao dung trong bối cảnh xã hội Mỹ phân chia đầy cay đắng. Một con người như vậy mà vẫn bị ám sát vào tháng 4 năm 1865. 
Tại công viên, tượng Lincoln đứng trên bệ cao giữa đất trời lồng lộng. Ông đứng thẳng, đầu hơi cúi, râu cằm rậm, tay nắm phần dưới cổ áo khoác. Dường như ông đang suy tư. Đằng sau ông là chiếc ghế tựa có in hình con đại bàng đang tung cánh bay. Bức tượng gợi lên trong tôi bao cảm xúc.
Chính sách hòa giải và bao dung của Lincoln cho đến ngày hôm nay vẫn đầy giá trị nhân bản và thực tiễn. Khi mà thế giới và ngay cả trong nội bộ từng quốc gia vẫn sống trong thù hận, chia rẽ, xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo, nội chiến triền miên... Tôi nghĩ các quốc gia trong đó có Việt Nam và đặc biệt là chính quyền Mỹ nên thực thi chính sách hòa giải và bao dung của Lincoln trong nước và trong quan hệ quốc tế. Chắc chắn đi theo chiều hướng này, nhân loại sẽ bớt đi nhiều khổ đau không đáng có.
Read More

Thăm Bảo tàng Nghệ thuật Nelson- Atkin ở Kansas

Leave a Comment

 Mỗi lần đến Mỹ tôi đều đến thăm một vài bảo tàng, bởi hệ thống bảo tàng là một trong những nét đặc trưng về văn hóa Mỹ. Trên thế giới, Mỹ là quốc gia sở hữu số lượng bảo tàng lớn nhất. Theo Bách khoa Toàn thư Wikipedia năm 2018, Mỹ có ít nhất 17.500 bảo tàng.
 Người Mỹ phân loại hơn 40 loại hình bảo tàng như bảo tàng tự nhiên, bảo tàng lịch sử, bảo tàng khảo cổ, bảo tàng nghệ thuật, bảo tàng khoa học, bảo tàng công nghiệp, bảo tàng hàng không vũ trụ, bảo tàng quân sự và chiến tranh, bảo tàng âm nhạc, bảo tàng người Mỹ gốc Phi, bảo tàng tiểu sử, bảo tàng trẻ em, bảo tàng sáng tạo, bảo tàng dân tộc, bảo tàng nông nghiệp, bảo tàng nhà ở, bảo tàng hải đăng, bảo tàng truyền thông, bảo tàng y tế, bảo tàng nhà máy xí nghiệp, bảo tàng khai thác mỏ, bảo tàng người Mỹ bản xứ, bảo tàng không khí, bảo tàng thư viện, bảo tàng tổng thống, bảo tàng tôn giáo, bảo tàng tem, bảo tàng thám hiểm, bảo tàng điêu khắc, bảo tàng tàu thủy, bảo tàng thể thao, bảo tàng giao thông, bảo tàng trường đại học, bảo tàng di sản Do Thái...
 Khách du lịch nước ngoài thường biết đến những bảo tàng lớn chẳng hạn như Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia ở Washington DC. Tại bảo tàng này, người ta đã thu thập được 125 triệu mẫu vật khoa học tự nhiên và hiện vật văn hóa. Có thể nói, đây là bảo tàng lớn nhất thế giới, có số lượng người tham quan lớn nhất thế giới, có số lượng người truy cập trang web lớn nhất thế giới.  Từ sự sống đầu tiên trên trái đất đến cuộc sống hiện đại, từ thế giới thực vật, động vật, sinh vật biển, côn trùng cho đến những bộ xương hóa thạch qua các thời kỳ lịch sử, gỗ hóa thạch, đá quý, quặng, mỏ địa chất, công cụ lao động… Tất cả đều tái hiện và gần như hội tụ đầy đủ lịch sử tự nhiên của nhân loại qua hàng triệu năm.  
 Khách du lịch cũng thường biết tới Bảo tàng Tự nhiên ở New York, thành phố đông dân nhất của Hoa Kỳ với tổ hợp 25 tòa nhà, 56 gian trưng bày, 32 triệu hiện vật. Người ta cũng thường biết đến Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan khổng lồ với 19 khu trưng bày 2 triệu các tác phẩm nghệ thuật. Nhưng người ta thường ít biết đến các bảo tàng của các bang miền Trung và miền Nam của Hoa Kỳ.  Chẳng hạn bang Missouri, bang hơn 5 triệu dân nhưng có tới gần 300 bảo tàng các loại. Trong số các bảo tàng của Missouri, có Bảo tàng Nghệ thuật ở Kansas. Tên đầy đủ của nó là Bảo tàng Nghệ thuật Nelson- Atkin, một trong những bảo tàng nghệ thuật nổi tiếng nhất ở Hoa Kỳ.
 Năm 2007 Tạp chí Times xếp Bảo tàng này nằm trong “Top 10 bảo tàng” sáng giá nhất của nhân loại. Nelson- Atkin hiện đang sở hữu bộ sưu tập 33.500 tác phẩm nghệ thuật. Tuy số lượng tác phẩm khiêm tốn hơn so với các  bảo tàng nghệ thuật ở các thành phố lớn, nhưng nếu mỗi tác phẩm ở dây người ta dừng lại một phút để chiêm ngưỡng thì phải mất tới 558 giờ mới xem xong. Nếu một ngày dành 8 giờ để xem từng tác phẩm thì người ta phải thu xếp tới hàng tháng mới tham quan xong bảo tàng. 
 Bảo tàng mang tên hai cá nhân người Mỹ: William Nelson và Mary Atkin. Nelson là ông chủ của một nhà xuất bản. Năm 1915, khi qua đời, ông đã để lại bản di chúc dành toàn bộ tài sản của mình để mua các tác phẩm nghệ thuật phục vụ cho công chúng thưởng thức. Mary Atkin là giáo viên, góa phụ một nhà đầu tư bất động sản. Năm 1911 khi qua đời, bà đã để lại 700.000 đô la để thành lập một bảo tàng nghệ thuật cho công chúng trong thành phố.
 Hai khoản kinh phí to lớn của hai người kết hợp với kinh phí ủng hộ thêm của thân nhân họ đã đặt nền móng xây dựng bảo tàng. Bảo tàng Nghệ thuật Nelson- Atkin được hoàn thành vào năm 1933. Chi phí kết toán cuối cùng lên tới 2.750.000 đô la.
 Có điều cần chú ý là vào những năm đó, những năm khủng hoảng kinh tế thế giới, thị trường tranh ảnh nghệ thuật tràn ngập. Người bán thì nhiều nhưng người mua thì lại rất ít. Cơ hội đó đã tạo điều kiện cho các thương vụ mua vào một cách nhanh chóng và Bảo tàng Nelson- Atkin đã sở hữu được một trong những bộ sưu tập nghệ thuật có giá trị lớn nhất trong cả nước.
 Nói là bảo tàng, nhưng trong bảo tàng còn có một tổ hợp cửa hàng bán đủ các loại sách, báo, tạp chí, hàng lưu niệm thủ công mỹ nghệ, các bản in mô phỏng các tác phẩm nghệ thuật, kể cả máy in 3D phục vụ nhu cầu của khách hàng muốn có một bản sao như nguyên mẫu bằng các chất liệu theo yêu cầu. Trong bảo tàng còn có cả một hệ thống nhà hàng Âu, Á phục vụ ăn uống, giải khát.
 Cũng giống như ở các thư viện Mỹ, số lượng người vào tham quan bảo tàng rất đông. Vào những ngày cuối tuần người ta phải xếp hàng chở đợi vào cửa. Từ học sinh, sinh viên đến các đoàn khách du lịch trong bang, ngoài bang, khách quốc tế đến những gia đình già trẻ, cứ nườm nượp. Tôi nhận thấy lượng người đông đảo nhất là người đi theo hộ gia đình, bao gồm cả bố mẹ và con cái. Người ta thường ở lại cả buổi, cả ngày, thậm chí cả kì nghỉ cuối tuần hai ngày để tham quan một số chủ đề.
 Vào những ngày nghỉ cuối tuần, ngày nghỉ phép trong năm, đặc biệt là trong dịp hè,  người Mỹ thường có nhu cầu đi đây đi đó. Bảo tàng là một địa chỉ các gia đình thường hò hẹn nhau đến. Đông đến nỗi tôi cảm thấy bị chìm trong dòng người, không có bản đồ thì không biết đâu mà lần.
 Có lần đi bảo tàng tôi chợt nảy ra ý nghĩ đi theo những người khuyết tật, vì họ có lối đi riêng dành cho người khuyết tật, lại có nhân viên bảo tàng giúp đỡ đẩy xe và giới thiệu. Nhưng tôi cảm thấy xấu hổ nên cứ loay hoay với chiếc máy điện thoại cầm tay, tìm chỉ dẫn qua màn hình để đến chỗ nào đáng xem nhất.
 Cách đây mấy năm, khi tiễn đưa vợ chồng con gái đầu về bang Colorado, tôi và vợ chồng cô con gái thứ hai đã đến thăm bảo tàng Bảo tàng Nghệ thuật Nelson- Atkin. Hy vọng lần này tôi được xem kỹ hơn các tác phẩm của các tác giả trong giai đoạn Phục hưng.
 Tôi bắt đầu thăm các căn phòng trưng bày bộ sưu tập nghệ thuật châu Phi. Bộ sưu tập này bao gồm 300 đối tượng rất đa dạng về hình thức: các tác phẩm điêu khắc, mặt nạ, tóc, lược, gối đầu, quần áo, trang sức với chất liệu bằng gỗ, bằng kim loại, bằng đất sét, vải... từ các tác phẩm gốm đại diện cho nền văn hóa dân gian phía nam sa mạc Sahara ở thế kỉ 16 đến các tác phẩm trang sức và trang trí bằng kim loại của các nghệ sĩ ở Trung Phi, Tây Phi tiêu biểu cho nghệ thuật trung cổ hoàng gia, tất cả đều độc đáo, tinh xảo và quý hiếm.
 Bộ sưu tập hội họa và điêu khắc châu Âu, từ thời trung cổ đến thế kỉ 19, có khoảng 900 tác phẩm nghệ thuật. Từ bức tranh Thánh Gioan trong thiên nhiên hoang dã của họa sĩ Caravaggio người Ý đến bức tranh Olive Ochart của Van Gogh, từ các tác phẩm điêu khắc Mannerist giữa thế kỉ 16 đến bức tượng bán thân về một người đàn ông ngồi của Rodin thế kỉ 19… Hàng trăm tác phẩm tuyệt mỹ cho đến bây giờ tôi mới được biết đến. Đúng là một thế giới của cái đẹp, đẹp đến mê hồn. Dù không am hiểu nghệ thuật tạo hình, nhưng tôi vẫn bị chinh phục, say đắm với các tác phẩm thời phục hưng…
 Với hơn 7500 tác phẩm, bộ sưu tập về Trung Quốc có rất nhiều những kiệt tác trong tất cả các giai đoạn lịch sử, với tất cả các loại hình nghệ thuật từ thời đồ đá cho đến thế kỉ thứ 20. Đặc biệt ấn tượng là bộ sưu tập toàn diện về gốm sứ kéo dài suốt 5000 năm lịch sử Trung Quốc. Người Trung Quốc đến đây từng thốt lên câu nói chuyền tai tới đông đảo mọi người: “Những gì người Trung Quốc không tìm thấy ở Trung Quốc thì hãy đến đây mà tìm”.
 Không biết có thật như vậy không. Chỉ biết rằng 232 hiện vật về những nghi lễ cúng tế tổ tiên, về các lăng mộ cùng đồ tùy táng qua các triều đại, về những trang sức tuyệt mỹ xa xỉ như vàng bạc, ngọc bích đã gợi lên cho người xem thấy cả một thế giới tinh thần cũng như vật chất của người Trung Quốc cổ đại. Điều làm tôi thích thú nhất là được thưởng thức bộ sưu tập tranh danh lam thắng cảnh từ thế kỉ thứ 10 đến thời nhà Minh và bộ sưu tập điêu khắc từ thời Bắc Tống đến thời kì nhà Thanh. Trong hai bộ sưu tập này, có nhiều tác phẩm đã được các nhà phê bình mỹ thuật đánh giá là những tác phẩm tuyệt vời nhất bên ngoài Trung Quốc.
 Thời gian có một ngày nên tôi bỏ qua các phòng trưng bày các tác phẩm sưu tập về Nhật Bản. Tới thăm bộ sưu tập nghệ thuật Nam Á và Đông Nam Á. Có khoảng 945 tác phẩm với các đề tài tôn giáo, cung đình, lao động, sinh hoạt xã hội. Các tác phẩm nghệ thuật này được sắp xếp theo niên đại từ thế kỉ thứ 3 trước công nguyên đến thế kỉ 19, bao phủ cả một khu vực rộng lớn: Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Tây Tạng, Campuchia, Việt Nam, Indonesia, Myanma và Thái Lan…
 Ở các khu vực trên, tôi đi lướt qua, thậm chí có phòng chỉ đứng ở ngoài cửa nhìn vào. Rất tiếc. Mặc dù vậy, tôi vẫn cảm nhận được ảnh hưởng  truyền thống tôn giáo Ấn Độ, một quốc gia không hề có dã tâm bành trướng xâm chiếm quốc gia nào, không giống như “Thiên triều Trung Quốc”, nhưng những giá trị tinh thần và vật chất của nó vẫn lan tỏa mạnh mẽ tới khắp các quốc gia trong khu vực.
 Hai lần đến thăm một bảo tàng của một bang nhỏ mà vẫn chưa thăm được hết. Cả một khu vực châu Mỹ tôi chưa hề động đến. Bảo tàng của họ là bảo tàng mang tầm vóc của nhân loại. Nếu ai yêu thích nghệ thuật mà được đến thăm bảo tàng nghệ thuật ở New York thì tôi chắc sẽ có cảm giác giống như tôi: Choáng ngợp, choáng ngợp đến sốc trước vẻ đẹp kỳ vĩ của nó. Cho đến tận ngày hôm nay tôi mới hiểu thêm tại sao nước Mỹ lại trở thành một siêu cường, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, quân sự, khoa học kỹ thuật mà còn là một siêu cường quyến rũ bởi sức mạnh mềm/ quyền lực mềm (Soft power) về văn hóa.







Read More

Người Amish ở Mỹ

Leave a Comment

Người Amish ở Mỹ
 Hôm nay tôi đến thăm một khu định cư của người Amish. Từ đường cao tốc rẽ vào một con đường nhỏ khoảng chục km, tôi bắt gặp khoảng hơn một chục chiếc xe ngựa chở người như kiểu xe thời trung cổ đi cùng chiều. Trước xe là những người đàn ông ngồi điều khiển, phụ nữ và trẻ em đứng ngồi ở phía sau.
 Dường như mỗi chiếc xe ngựa còn chở thêm một cái moóc đầy hoa, hoặc là củ quả và các loại cây ăn trái… Đàn ông trên xe ngựa thường vận  áo trắng để râu, đội mũ màu nâu giống như mũ phớt. Đàn bà thì đều mặc váy màu sẫm, dài đến mắt cá chân giống như áo váy của các bà sơ, trên đầu có phủ một tấm vải trắng hay một kiểu mũ bằng vải trắng gì đó. Trẻ em đứa nào cũng đồng loạt mặc áo màu tối, đội mũ nan trắng.
 Tôi đã vài bận đến thăm khu định cư của người Amish, một tộc người thiểu số sống rải rác ở một số tiểu bang của Mỹ. Trước cửa nhà họ thường làm những tổ chim én, tựa như chuồng chim bồ câu ở Việt Nam. Tôi mải mê ngắm nhìn từng đàn én vun vút bay ra vào tổ. Chúng xập xòe chao liệng giữa trời như những con thoi. Tôi bỗng nhớ lại những cánh én thời thơ ấu. Đã lâu lắm rồi cứ mỗi độ xuân sang. Có lẽ người Amish là những người rất yêu thiên nhiên, yêu tự do.
 Người Amish sống tự cung tự cấp, tự làm nhà cửa nhà cửa cho đến lương thực thực phẩm. Người A mish chối bỏ cuộc sống văn minh hiện đại của xã hội Mỹ. Họ  không dùng điện, không sử dụng tivi, tủ lạnh, máy tính, ô tô hoặc bất cứ thiết bị máy nổ nào trong cuộc sống của mình.
 Gia đình người Amish thường rất đông. Có gia đình đến mười hai đứa con. Theo như tôi quan sát, hình như họ vẫn chưa có ý định dừng việc sinh con vì các bà mẹ vẫn còn trong độ tuổi sinh nở. Họ làm ruộng, làm thủ công, xúc băng tuyết vào nhà kho để giữ tươi thực phẩm thay cho tủ lạnh, lưu trữ củi đốt  vào mùa đông để thay cho điều hòa…
 Người Amish dùng ngựa cày bừa đất để gieo trồng các loại cây lương thực, cây ăn quả. Họ canh tác theo lối truyền thống, không dùng các loại phân bón hóa học. Trang trại của của người A mish không rộng như của những người nông dân Mỹ, đa phần chỉ trên dưới chục ha.
 Theo một số tài liệu nghiên cứu, hiện nay có khoảng 200.000 người Amish sống ở Canada và Mỹ. Riêng ở bang Missouri có hơn 9.000 người sống rải rác, biệt lập ở 38 khu định cư.
 Tổ tiên của người Amish ở Đức và Thụy Sĩ. Họ theo một giáo phái Tin Lành bị kì thị, bị ngược đãi khắp châu Âu nên di cư sang Bắc Mỹ từ những năm 1720. Gần 300 năm đã trôi qua tộc người này vẫn sống theo lối sống của cha ông họ và tuân thủ theo giáo lí tôn giáo từ xa xưa. Họ không tiếp nhận bất cứ thành quả khoa học kỹ thuật nào từ bên ngoài. Họ vẫn mặc những bộ quần áo và vật dụng như tổ tiên họ cách đây ba thế kỉ.
 Vào nhà họ mua dê, gà, vịt (hơn một trăm đô một cọ dê làm sẵn, bốn mươi đô 10 con gà hay vịt, 2 đô la rưỡi 12 quả trứng…) tôi thấy họ vẫn sử dụng những chiếc nồi gang cũ kĩ để đun nấu. Sinh hoạt, ăn mặc giản dị. Đi lại bằng đôi chân không guốc dép, nếu phải đi xa thì đi bằng ngựa. Từ người già đến trẻ em đều làm quần quật ngoài đồng.
 Tối về gia đình người Amish quây quần dưới ánh đèn dầu. Ngay cả đến khí đốt họ cũng không dùng. Tối đến làng xóm tối om. Tuy nhiên, họ không bao giờ phàn nàn về cuộc sống. Họ cũng không bao giờ phàn nàn về những người xung quanh. Vì thế, những ngôi làng của họ trở thành tâm điểm du lịch của nhiều người Mỹ.
 Mọi người đến chiêm ngưỡng cuộc sống của họ. Người ta không thể tưởng tượng giữa xã hội Mỹ lại có một tộc người sống như họ. Người Mỹ coi họ như một người không thể hội nhập được vào xã hội văn minh, coi họ như một giống người đặc biệt. Khác với cộng đồng người Hoa, người Việt, người Mexico, người ý… sống tập trung ở những khu vực nhất định. Những tộc người trên thường giữ gìn bản sắc riêng, đặc biệt là người Hoa. Họ thường giao tiếp bằng tiếng dân tộc mình. Mặc dầu vậy họ vẫn hòa nhập vào xã hội Mỹ. Còn người Amish thì không. Dù cho có nhiều giọng điệu phàn nàn họ không hề có phản ứng hay giận dữ.
 Nếu người ta hỏi họ, tại sao họ cứ sống một cuộc sống không thay đổi như vậy? Họ sẽ trả lời là “Nếu bạn biết những gì tôi biết thì bạn cũng muốn trở thành người Amish”. Người Amish rất mộ đạo. Trước bữa ăn họ đều hát thánh ca. Họ quan niệm rằng khi chết chắc chắn họ được lên thiên đường bởi vì họ sống tốt ở thế gian này và tuân theo đúng lời dạy của chúa.
 Không cá nhân nào bị ép buộc phải sống trong cộng đồng người Amish, gia nhập cộng đồng, ở lại cộng đồng cho tới khi qua đời là quyền tự do của mỗi người. Họ không cho con em học ở trường công, chỉ học ở trường tư do cộng đồng lập ra. Phần lớn trẻ em học hết trung học cơ sở rồi về làm ruộng giúp gia đình. Đến tuổi trưởng thành, 17 tuổi các em có quyền ra sống ngoài xã hội hai năm trước khi quyết định ở lại hay ra đi khỏi cộng đồng.
 Mặc dù được lựa chọn, nhưng số người rời bỏ cộng đồng rất ít. Người ta tính đến trên 99% sau khi đã hết thời gian ở bên ngoài, người Amish đều quay lại với cuộc sống biệt lập của cộng đồng. Với họ, gia đình và cộng đồng là tất cả. Họ thường chỉ kết hôn với người trong cộng đồng, không li dị, không tránh thai.
 Đàn ông là chủ gia đình, lo chuyện đồng áng. Đàn bà lo chuyện nhà cửa, nấu nướng giặt giũ. Tất cả đều chung lo cho cái gia đình của mình. Ngoài ra, họ còn có một cộng đồng lớn người Amish ở các khu vực khác. Họ thường làm việc chung với nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Cuộc sống của họ không vụ lợi, không bon chen, không thù hận.
 Theo người Amish, đó là cuộc sống mà chúa muốn họ sống. Họ không tham gia đảng phái chính trị, không đi bầu cử, không đi lính, không nhận tiền trợ cấp, lương hưu hay bảo hiểm của chính phủ và họ cũng không giao dịch ngân hàng, không đi bệnh viện… Tóm lại là họ không tham gia vào xã hội Mỹ, không thuộc về xã hội Mỹ.
 Chính quyền bang, chính quyền Liên bang cũng để mặc họ sống theo lối sống của họ. Đúng là một đất nước tự do. Tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, tự do sống, tự do sử dụng súng đạn, một số bang còn tự do mua bán ma túy, thậm chí tự do chết… Bây giờ thì tôi hiểu tại sao người Pháp lại tặng người Mỹ bức tượng Nữ thần tự do. Gần như có bao nhiêu quốc gia trên thế giới thì ở Mỹ có bấy nhiêu cộng đồng người định cư ở Mỹ. Tất cả đều đem theo văn hóa của dân tộc mình từ hình dáng, lối sống, thói quen, ngôn ngữ đến Mỹ. Đúng là một cái nồi hầm vĩ đại. Và mảnh đất này thực sự trở thành một biểu tượng tự do, tượng trưng cho tính cách của người Mỹ.
 Tôi thấy người Amish đều rất đẹp. Đàn ông, đàn bà và trẻ em đều đẹp như như những nhân vật trong tranh vẽ ở các nhà thờ. Giữa họ với người Mỹ hiện đại không thể trộn lẫn được. Từ ăn mặc đến phương tiện đi lại. Một bên là bãi để ô tô. Một bên là bãi để xe ngựa. Ngay cả trong cái nhà bán đấu giá nông sản giữa họ và những tộc người Mỹ khác cũng không thể trộn lẫn (ở chợ bán đấu giá, tất cả các mặt hàng nông sản đều được đưa ra bán đấu giá. Người mua đăng ký được phát một tờ giấy. Từ giá khởi điểm cho đến giá cuối cùng tùy thuộc người mua. Rất công khai và minh bạch. Dù đó chỉ là một lô hành, một lô hoa súp lơ, một chục chậu hoa hay một chục hộp đào). Không chỉ vì mầu quần áo mà chủ yếu ở vẻ mặt thánh thiện với nét mặt đượm chất phong trần cạnh tranh giữa cuộc đời. Không biết họ mới hạnh phúc hay những người Mỹ khác mới hạnh phúc?




Read More

Thư viện thành phố Columbia, Missouri

Leave a Comment

 Qua một số nguồn tư liệu và thực tế tới thăm 5 thư viện: hai thư viện thành phố và 3 thư viện đại học ở 3 bang khác nhau, tôi được biết ở Mỹ có khoảng 119.987 thư viện. Số liệu này sẽ ngày một tăng lên. Người Mỹ chia ra thành các loại thư viện công cộng, thư viện học thuật, thư viện trường đại học, thư viện chuyên ngành, thư viện các lực lượng vũ trang, thư viện chính phủ... Có thư viện khoảng vài chục ngàn đầu sách, có thư viện tới hàng triệu đầu sách, có thư viện lên tới hàng chục triệu đầu sách.
 Điều quan trọng không phải là số lượng thư viện và số lượng đầu sách. Bởi vì các loại thư viện ở Mỹ đều được kết nối với nhau. Không có sách, báo, tạp chí, phim ảnh, âm nhạc bạn cần mà không mượn được. Điều quan trọng là số lượng độc giả và chất lượng của thư viện ở xứ sở cờ hoa này ra sao.
 Chúng ta ai cũng biết đôi điều về thư viện của Mỹ qua phim ảnh. Tôi có cảm giác thư viện của họ không chỉ là nơi dành cho người đọc, nhà nghiên cứu, đặc biệt là học sinh, sinh viên tìm kiếm tài liệu, thông tin phục vụ học tập, nghiên cứu mà nó còn tạo ra môi trường tự học, môi trường hoạt động tập thể về học thuật, môi trường sinh hoạt tập thể thư giãn. Người đọc đến thư viện khá đông, thậm chí phải xếp hàng.  Cái không khí, văn hóa đọc ở đây có gì đó rất khác với Việt Nam, khó có thể diễn tả được.
 Nói đến thư viện là phải nói đến sách. Sách của các thư viện ở Mỹ thì quả là đồ sộ, không biết đến bao giờ thư viện của chúng ta mới so sánh được với họ. Sách phong phú, đa dạng về tất cả các lĩnh vực và được sắp xếp khoa học, dễ dàng tìm kiếm. Ngoài sách ra tôi nhận thấy thư viên của họ còn có nhiều loại báo, tạp chí chuyên ngành và tạp chí khoa học đến từ nhiều nước trên thế giới để phục vụ người đọc.
 Thư viện của họ gần như đã được số hóa, phủ sóng wifi tới hàng trăm máy tính được nối kết với các thư viện trong cùng hệ thống để người đọc có thể truy cập và đọc. Trước khi tiếp cận với các thư viện tại Mỹ tôi không thể hình dung ra thư viện của họ được tổ chức, quản lí và phổ cập hiện đại, tiên tiến đến như vậy.
 Một điểm đáng chú ý nữa, đó là hệ thống nhân viên thư viện của họ cực kì chuyên nghiệp. họ nắm rất rõ các hoạt động, các dịch vụ của thư viện. Quan trọng hơn là họ tận tình với công việc. Họ sẵn sàng khi được giúp đỡ người đọc tìm kiếm tài liệu, rất vui vẻ trợ giúp cách sử dụng các tiện ích tra cứu sách. Thậm chí ngay cả khi thư viện không có sách mà độc giả cần, họ sẵn sàng làm thủ tục mượn sách giúp từ thư viện khác.
 Thư viện thành phố Columbia nằm trên đường Broad way, phía đông bắc khu dawntown, gần nơi gia đình con gái tôi mới đến ở. Đó là một khối những tòa nhà giống như những khối hình học sắc nét với chất liệu bằng kính, kim loại và đá.
 Khuôn viên thư viện như nằm giữa một rừng cây. Có bãi đỗ xe ô tô rộng mênh mông. Có lối đi vào cho người bình thường. Có lối đi vào cho người khuyết tật.
 Thư viện không có nhân viênbảo vệ. Mọi người ra vào thư viện tự do dù có thẻ thư viện hay không. Có thẻ thì được mượn sách mang về. Không có thẻ thì được mượn đọc tại chỗ. Nhưng nếu bạn muốn có thẻ thư viện thì rất đơn giản. Chỉ cần trình giấy tờ tùy thân. Nhân viên đưa nó qua máy quét. Trong vòng một phút, máy tự động in ra luôn một chiếc thẻ. Thật đơn giản và dễ dàng.
 Cũng giống như ở các bảo tàng, thư viện Columbia có nhà hàng ăn uống và giải khát phục vụ chu đáo. Thư viện ở đây có phòng triển lãm nghệ thuật từ tranh ảnh cho đến các loại hình nghệ thuật khác. Thư viện ở đây có cả phòng họp, phòng hội thảo cho hàng trăm người, phòng học tập cho một nhóm nhỏ, cho một gia đình. Thư viện ở đây còn có cả những lớp học theo những chuyên đề như lớp học máy tính, lớp học sử dụng iphone dành cho người già, lớp học STEM cho học sinh phổ thông và những lớp học chuyên đề đáp ứng mọi yêu cầu của các tầng lớp dân cư trong thành phố. Thư viện còn có phòng trông trẻ, phòng dạy kèm môn tiếng Anh, môn toán và môn khoa học cho trẻ em từ mẫu giáo tới lớp 7 miễn phí.
 Thư viện Columbia cùng với ba thư viện công khác phối hợp cung cấp miễn phí một tháng một cuốn sách cho mỗi đứa trẻ từ 1 đến 5 tuổi trong phạm vi thành phố.  Người Mỹ thực sự quan tâm đến trẻ em. Họ có nguồn lực để hiện thực hóa thói quen đọc sách cho trẻ từ rất sớm.
 Thư viện Columbia là thư viện của một thành phố nhỏ, khoảng 150 ngàn dân nhưng có tới hàng triệu đầu sách báo. Ngoài sách báo truyền thống được phân loại theo từng chủ đề, còn có một loại sách mà chúng ta chưa có trong các thư viện ở  tuyến dưới. Đó là sách điện tử như CD, VCD, DVD. Sơ sơ qua khu vực băng đĩa tôi đã thấy có 10 băng DVD chứa đựng hàng ngàn nội dung văn bản kênh hình và kênh chữ chuyên về Việt Nam.
 Rải rác bên cạnh các giá sách từ mặt đất đến gần trần nhà là những bộ bàn ghế kê gọn ngay ngắn dành cho người đọc. Mặt bàn đều trang bị đèn chụp, ai cần thêm ánh sáng cứ việc bật công tắc. Áp tường là những hàng bàn ghế dài chạy dọc. Trên mặt bàn, người ta để sẵn máy tính. Người đọc start up máy là có thể làm việc.
 Người mượn sách, băng đĩa chỉ việc chọn sách, băng đĩa trong các giá đựng. Khi ra quầy gần cửa ra về, người ta đưa sách, băng đĩa ra trước màn hình cảm ứng. Máy in tự động in ra một tờ giấy ghi rõ tiêu đề sách, băng đĩa cùng với thông báo ngày hẹn phải trả. Còn người đọc trả tài liệu mượn cứ đặt vào băng dây chuyền. Máy tự động phân loại sẽ chuyển tài liệu về đúng vị trí vốn có của nó. Không ai phải nói với ai. Mọi chuyện cứ tự động theo băng dây chuyền.
 Mặc dù nhiều khâu diễn ra tự động, nhưng khi ai cần sự giúp đỡ thì một nhân viên sẽ có mặt ngay. Thái độ của các nhân viên ân cần, chu đáo. Tôi có cảm giác không phải họ cố gắng làm hài lòng độc giả. Cái phong thái phục vụ toát ra từ con người họ có điều gì đó rất tự nhiên và chuyên nghiệp. Tôi bỗng nhớ cô bạn một lần kể về chuyến đi thăm thư viện Mỹ. Cô ấy trầm trồ nhận xét: “Trên cả tuyệt vời. Em đã từng quản lí đội ngũ nhân viên trong thư viện của một tỉnh, và có thời gian quản lý ở thư viện quốc gia. Tìm hiểu cách thức tổ chức và làm việc của họ ở các thư viện, em không biết phải nói với anh thế nào cho đúng với nền văn hóa Mỹ”. Chỉ khi đến thư viện Columbia tôi mới hiểu ý của cô bạn tôi muốn nói gì.
 Đi theo con gái và hai cháu đến khu vực dành cho bà mẹ và trẻ em từ vài tháng tuổi đến 3 tuổi. Gía để sách chỉ có ba tầng, các em có thể tự do lấy sách theo ý mình (với sự giúp đỡ của bố mẹ). Sách của các em đều là sách bìa cứng có tranh ảnh với những chữ cái và những từ dành cho trẻ đúng độ tuổi “early child”. Có hai ô nho nhỏ, mỗi ô có 12 giá sách và hơn một chục chiếc ghế nhỏ xíu để các em ngồi. Tôi rất ngạc nhiên thấy một ông bố còn rất trẻ, tay cầm cuốn sách, kiên trì ngồi trên thảm chỉ và đọc cho đứa con tầm 3 tháng tuổi. Thật ngưỡng mộ về việc giáo dục sớm cho trẻ ở đây. Cả ông bố trẻ và cháu bé đều rất đẹp. Đôi mắt của hai cha con sáng lên rạng ngời, giống nhau như hai giọt nước trong trẻo.
 Bên cạnh hai ô đọc sách là khu vui chơi của trẻ bao gồm nhiều đồ chơi xếp hình, xếp chữ cùng với mấy căn nhà gỗ nhỏ để các cháu chui vào bên trong chơi với các đồ chơi xếp dọc các bức vách. Bé Huệ Lâm chui vào tra những cục gỗ xinh xắn to nhỏ các cỡ vào những lỗ đục thủng kích cỡ to nhỏ tương ứng…
 Tiếp theo Vân đưa tôi và hai cháu đến khu dành cho các cháu tầm 5 tuổi đến hết tiểu học. Khu này có tới mấy chục giá sách xếp đầy các truyện tranh. Càng ra phía bên ngoài số lượng truyện kênh hình giảm dần, số lượng truyện kênh chữ tăng lên. Nếu cháu nào không thích đọc, hay chưa biết đọc thì có máy tính đọc hộ.
 Bên cạnh những giá sách có hệ thống bàn máy tính chuyên dụng. Các cháu đeo tai nghe, ngồi trước màn hình, tìm những cuốn truyện tranh mình thích. Các em gạt màn hình cảm ứng, những trang sách hiện ra với những dòng chữ trên nền phông tranh minh họa đầy mầu sắc. Những âm thanh tương ứng từng từ chuẩn mực như khi chúng ta đi hát karaoke. Cháu Bảo và Huệ Lâm cứ nồi lì trên máy, mắt nhìn, tai nghe máy đọc không rowifkhoir vị trí.
 Chúng tôi gửi hai cháu cho các tình nguyện viên trông và hướng dẫn các cháu “nhìn, nghe” trên máy để lên hai tầng trên tìm một số cuốn sách về chiến tranh Việt Nam mà tôi cần. Chúng tôi phải nhờ đến sự trợ giúp. Một nhân viên nam chừng 45, 50 tuổi tra cứu trên máy, ghi lên một tờ giấy số giá sách 957. 580 trên tầng 3 kèm theo một sơ đồ chỉ dẫn.
 Chúng tôi đi qua khu vực photo, in ấn, scan, qua khu vực sách mới xuất bản trong tháng, khu vực sách bán chạy nhất theo thống kê theo quý, và sách được nhiều người đọc nhất, rồi lần theo rừng sách phi tiểu thuyết đến khu vực sách khoa học xã hội và nhân văn. Lần theo số hiệu các giá sách để đến với giá sách đề tài chiến tranh Việt Nam.
 Một giá sách có tới hàng trăm cuốn đề tài chiến tranh Việt Nam (ở thư viện Trường đại học Missouri có tới 4.585 cuốn). Đúng như một giáo sư người Trung Quốc nói với tôi ở bảo tàng nghệ thuật thành phố Kanssas, Missouri “Cái gì không có ở Trung Quốc thì cứ đến Mỹ sẽ tìm thấy”.
 Tôi tìm thấy những cuốn sách người Mỹ viết về 12 chiến dịch mà Quân đội Mỹ tiến hành ở Thung lũng A Sầu, Thừa Thiên từ năm 1968 đến năm 1970. Tôi tìm thấy những cuốn sách người Mỹ viết về những trận đánh có tác động đến cục diện chiến trường, trong đó có 5 trận đánh kinh điển thì 2 trận diễn ra ở Thung lũng A Sầu. Rất tiếc trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước chúng ta chỉ viết sơ lược về chiến dịch Đồi A Bia (người Mỹ gọi là Đồi Thịt băm), 11 chiến dịch còn lại không được phía ta nhắc đến (xin xem bài viết Những chiến dịch của Liên quân Mỹ- Ngụy và thảm họa của chúng trên đồi A Bia trong trang facebook này). Chúng ta bỏ quên Thung lũng A Sầu, nhưng người Mỹ thì không. Họ gọi nó là Thung lũng Chết, Thung lũng Tử thần, Thung lũng của những sườn núi đẫm máu. Phải chăng địa danh Thung lũng A Sầu là một trong những góc khuất của lịch sử chiến tranh Việt Nam hiện đại?  





Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.