Nước Mỹ đã chọn Donal Trump là Tổng thống

Leave a Comment
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 diễn ra vào ngày 8/11. Người dân xứ cờ hoa đi bỏ phiếu để chọn ra người lãnh đạo quốc gia. Đó là cuộc đối đầu giữa hai ứng cử viên đại diện cho hai đảng Cộng hòa và Dân chủ: Donal Trump và Hillary Clinton. Để đi tới cuộc đấu song mã này, hai đấu thủ đã phải trải qua một cuộc chiến đầy cam go, quyết liệt trong nội bộ đảng của họ. Ít nhất trước ngày bầu cử cả hai người đều là những người chiến thắng.
Do quan điểm của mỗi ứng cử viên Tổng thống Mỹ có thể nói là trái ngược nhau trong rất nhiều vấn đề, từ chính trị, quân sự, an ninh, ngoại giao, đến kinh tế, môi trường… Nói không ngoa, cả thế giới đều quan tâm, chú ý đến sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ. Đặc biệt là các nước phương Tây, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ. Điều này thật dễ hiểu vì Mỹ là một siêu cường có sức chi phối mạnh mẽ trong quan hệ quốc tế, cho nên việc ai lên làm tổng thống không còn là vấn đề riêng của một quốc gia.
Tôi nghĩ Việt nam cũng nằm trong cái vòng xoáy tâm lý chung. Nhất là sau cái dư âm chuyến thăm của Tổng thống Mỹ đương nhiệm tới Việt Nam. Nhiều người Việt có thiện cảm với Chính quyền Tổng thống Barack Obama, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng bành trướng ở Biển Đông. Một nước Mỹ kiên quyết cứng rắn bảo vệ tự do hàng hải trên cơ sở luật pháp quốc tế sẽ có lợi hơn cho Việt Nam trong tương lai.
Chính quyền của Tổng thống Obama trong tám năm cầm quyền đã làm được khá nhiều điều cho châu Á-Thái Bình Dương. Về chính trị, Mỹ lên án mạnh mẽ hành động cơ bắp của Trung Quốc trong việc bồi đắp và tôn tạo các đảo ở Biển Đông thành các căn cứ quân sự. Về quân sự, Mỹ đã tiến hành chiến lược xoay trục, tái cân bằng các lực lượng quân đội sang châu Á để đối phó với tham vọng của Trung Quốc. Về kinh tế, Mỹ đã hoàn tất việc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) tạo ra sân chơi của Mỹ trong khu vực lòng chảo Thái Bình Dương, có thể nói TPP là cái cốt vật chất chống lại sự bành trướng của Trung Quốc về kinh tế trong khu vực.
Bà Hillary Clinton nằm trong ê kíp chính quyền của Tổng thống Obama, bà là con người tôn trọng Việt Nam, là người trong Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tại Hà Nội tuyên bố Mỹ có lợi ích quốc gia ở Biển Đông, người đã khiến Ngoại trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì bỏ cuộc họp ra ngoài để phản đối. Bà còn là người đến Việt Nam rất nhiều lần, lần đầu tiên với tư cách là đệ nhất phu nhân theo Tổng thống  Bill Clinton tới Hà Nội ngày 17/1, 2000. Bà đã từng mặc áo dải Việt Nam, đội nón lá Việt Nam…
Tôi đã tin rằng bà Hallary Clinton sẽ trở thành Tổng tống Mỹ, vì bà từng học về khoa học chính trị, một thượng nghị sỹ, một ngoại trưởng, một nhà chính trị chuyên nghiệp. Tôi tin rằng bà có thể đưa quan hệ Mỹ-Việt lên một tầm cao mới. Còn Donal Trump chỉ là một thương nhân, một nhà tài phiệt, chưa hề trải qua chính trường, không có kiến thức về chính trị, về quan hệ quốc tế, thậm chí đến nhiệm vụ và quyền hạn của một tổng thống ông ta cũng không nắm được; một con người như vậy chắc gì biết đến Việt Nam là ai, tôi không hy vọng ông ta có thể vun đắp cho mối quan hệ Mỹ-Việt trong những năm tháng ông ta cầm quyền.
Mấy tháng trước khi diễn ra cuộc bầu cử, tôi đã đến thăm ngôi nhà riêng của Bill Clinton trong thời gian ông dạy học ở Trường Đại học Arkasas, bây giờ trở thành Bảo tàng Clinton (Clinton House Museum). Ngôi nhà nằm trên một sườn đồi, cạnh Trường Đại học Arkansas. Đó là ngôi biệt thự một tầng xinh xắn có chín phòng theo phong cách kiến trúc Tudor của người Anh và một vườn hoa sau nhà.
Tôi đã dành cả một buổi sáng để thăm ngôi nhà-bảo tàng Clinton, thăm phòng khách nơi tổ chức lễ cưới của Bill và Hillary vào năm 1975, xem xét kỹ cái lò sười do chính tay Bill tự làm; thăm căn phòng “chiến tranh” (War Room), nơi ông bà cùng bạn bè thảo luận giúp ông bà khởi nghiệp; thăm phòng bếp có treo những bức tranh những người bạn, những người thầy có ảnh hưởng đến sự nghiệp của ông bà như Thượng nghị sĩ j. William Fulbright, Robert Leflar; thăm phòng nghỉ ngơi giải trí (Rec Room); thăm phòng đọc nay là thư viện… Tôi thích nhất là Vườn hoa các đệ nhất phu nhân, nơi tập trung các loại hoa yêu thích của mỗi một đệ nhất phu nhân từ Martha Washington cho đến Michelle Obama.
Điều quan trọng là thăm ngôi nhà-bảo tàng tôi hiểu thêm về con người Bill và Hillary. Họ đều là những con người có quan điểm chống chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Họ là những người đầu tiên mở ra cánh cửa bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Riêng với Hillary Clinton, tôi còn biết thêm bà đã từng sáng lập ra Tổ chức Những người ủng hộ trẻ em và gia đình bang Arkasas và đặc biệt là bà đã lãnh đạo một lực lượng nhằm giúp đỡ cải cách các trường công của bang Arkansas. Tôi thực sự có tình cảm với cả hai con người này. Và thực sự tôi mong bà Hillary Clinton trúng cử.
Theo giới tinh hoa, ở Hillary Clinton người ta thấy có đầy đủ tố chất, năng lực, phẩm chất, bản lĩnh của một tổng thống Mỹ. Ngược lại với bà, Donal Trump không có cái gì để nói ngoài một tỉ phú bất động sản. Thế nhưng ông Trump đã trở thành Tổng thống Mỹ mặc dù bà Hillary hơn ông Trump hơn hai triệu phiếu phổ thông. Đó là sự lựa chọn ngoài sự mong đợi của số đông người Mỹ, của phần lớn các nước trên thế giới, kể cả các nước phương Tây, nhưng lại rất đúng với hiến pháp Mỹ, bầu tổng thống theo phiếu Đại Cử tri. Ông Trump được 276 phiếu đại cử tri, bà Clinton chỉ có 218 phiếu.
Một bầu không khí buồn thảm bao trùm khắp nước Mỹ trong đêm kiểm phiếu và kéo dài cho đến mấy ngày hôm sau, nhiều người dân Mỹ thẫn thờ, bàng hoàng. Không ít người thuộc giới chính trị thuộc Đảng Cộng hòa, trong  số đó có người từng là thượng nghị sĩ, từng là bộ trưởng đã thốt lên thật xấu hổ cho nước Mỹ. Ngay cả đến học sinh ở rất nhiều trường học phổ thông của Mỹ cũng khóc sướt mướt, nhất là các em học sinh da mầu, học sinh Mêhicô. Đặc biệt khoảng gần 1 triệu học sinh, sinh viên quốc tế đang theo học ở các trường của Mỹ đều hoang mang, Đến nỗi rất nhiều trường phải ra thông báo trấn an học sinh, sinh viên…
Tại sao nhiều người dân Mỹ lại chọn ông Trump làm tổng thống mà không phải là bà Hillary Clinton?
Tôi nghĩ có thể bà Clinton là dân trí thức thuộc Đảng Dân chủ, đảng nắm quyền trong tám năm qua dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Obama không làm cho kinh tế Mỹ bứt phá, đời  sống của người dân không đủ giàu, vẫn có từ 6 đến 7% người thất nghiệp không tìm kiếm được công ăn việc làm. Mặc dù ông Obama đã lấy tiền đóng thuế của nhà giàu chia cho dân nghèo, thúc đẩy cho chương trình bảo hiểm y tế toàn dân (Chương trình ObamaCare). Chừng ấy là chưa đủ đối với họ. Người dân Mỹ cần một sự thay đổi, một luồng gió mới, một đặc tính của người Mỹ. Có phải vì thế mà người dân Mỹ cần một người ngoại đạo, một tổng thống biết kinh doanh như tỉ phú Trump để dẫn dắt nền kinh tế Mỹ, một nền kinh tế đã chuyển hàng triệu việc làm ra bên ngoài nước Mỹ? Người dân Mỹ cần một nước Mỹ vĩ đại trở lại như khẩu hiệu tranh cử của Trump “Make America great again”, họ cần giàu có hơn và không có ai thất nghiệp, chứ không nhạt nhòa như thời của Tổng thống Obama.
Khi đã bình tâm lại, tôi nghĩ người dân Mỹ có lý do riêng của họ. Và như thế mới đúng với tính cách Mỹ. Donal Trump không phải là một trường hợp đặc biệt. Người dân Mỹ trước đây đã từng bầu cho Franklin Delano Roosevelt, một tổng thống ngồi trên xe lăn, trên thế giới không có một nước nào bầu cho một người tàng tật làm tổng thống, nước Mỹ đã làm như vậy. Roosevelt, Tổng thống Mỹ thứ 32 đã không phụ lòng nước Mỹ. Ông được biết đến như một huyền thoại trong lịch sử nước Mỹ. Ông lãnh đạo nước Mỹ vượt qua khủng hoảng kinh tế kinh hoàng nhất trong lịch sử, lãnh đạo nước Mỹ vượt qua những năm tháng tối tăm trong chiến tranh thế giới thứ hai để nước Mỹ xác lập vị trí siêu cường của nước Mỹ. Có lẽ người dân Mỹ hy vọng ở ông Trump có thể dẹp bỏ được nhà nước khủng bố tự xưng IS và một lần nữa đưa nước Mỹ đến một tầm cao mới như Roosevelt đã từng làm được.
Đã có những tổng kết nêu ra những lý do khiến Trump chiến thắng. Một trong những lý do đó là sự định hướng của các phương tiện truyền thông Mỹ hay nói đúng hơn là sự thiên vị cho bà Hillary Clinton, cùng với các cuộc thăm dò sai lầm tỉ lệ chiến thắng của Clinton có lúc lên tới 90 đã phản tác dụng. Đó là sự thất bại của giới truyền thông, giới quyền lực thứ tư trong đế chế truyền thông Mỹ thất bại trước người dân Mỹ độc lập mà tư tưởng dân chủ ăn sâu vào máu của họ. Thực sự người dân Mỹ không còn tin vào giới chính trị tinh hoa, không tin vào giới truyền thông.
Ngoài ra người ta còn nói đến thủ pháp khôn ngoan của Trump, trong đó có việc tạo ra các nhóm cử tri giấu mặt; biết khai thác những điểm yếu của Chính quyền Obama; đánh đúng vào tâm lý cần phải thay đổi nước Mỹ; rồi đến việc đặt nước Mỹ lên trên hết; cấm nhập cư; đem lại việc làm cho người dân Mỹ…
 Đặc biệt nhất là “những bất ngờ tháng 10”. Hàng loạt tiết lộ từ Wikileaks đã hủy hoại danh tiếng của bà Clinton, đẩy thêm sự nghi ngờ của cử tri về sự trung thực cũng như uy tín của bà qua những câu chuyện bê bối email cá nhân. Ngoài ra đòn giáng điều tra của FBI liên quan tới vụ email chỉ mười ngày trước bầu cử đã làm thay đổi cục diện cuộc chiến lá phiếu. Phe Trump đã có thêm cơ hội, sinh khí trong cuộc đua vào phút chót.
Donal Trump trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ làm rung chuyển giới chính trị Washington và giới chính trị các nước trên thế giới. Cũng giống như kết quả của cuộc trưng cầu dân ý về Brexit, nhiều người Mỹ đã rùng mình khi nhận ra rằng mình đã bỏ phiếu cho một điều khủng khiếp như thế nào. Thị trường tài chính sụt giảm. Một loạt các nước đồng minh của Mỹ triệu tập các cơ quan an ninh và tài chính họp khẩn để đánh giá tác động của việc Trump lên làm tổng thống. Hội nghị APEC lo ngại vấn đề tự do thương mại và chủ nghĩa bảo hộ. EU họp tăng cường ngân sách quốc phòng và chuẩn bị thành lập quân đội riêng… Dường như một nửa dân số Mỹ và cả thế giới chưa biết sẽ ra sao dưới một tổng thống Mỹ rất khó lường.
Trong bài phát biểu mừng chiến thắng, Trump tuyên bố “Chúng ta sẽ sửa chữa bên trong các thành phố, xây dựng lại các đường cao tốc, cầu cống, đường hầm, sân bay, trường học, bệnh viện, đồng thời sẽ xây dựng lại cơ sở hạ tầng, sử dụng hàng triệu lao động cho những công việc xây dựng này.” Trước đó ông đã hứa sẽ chi tiêu mạnh tay vào các chương trình tạo ra rất nhiều công ăn việc làm trong ngành xây dựng, sản xuất thép, phục hồi, phát triển ngành chế tạo máy, đưa những nhà máy xí nghiệp ở nước ngoài về Mỹ… Tất cả những điều này được kỳ vọng sẽ thay đổi về chất nền kinh tế Mỹ hiện tại.
Ngoài những chi tiêu cho hạ tầng, theo truyền thống của Đảng Cộng hòa, chính sách kinh tế của Trump còn cắt giảm thuế doanh nghiệp từ 35% xuống còn 15%. Ông cũng cam kết bãi bỏ những quy định mà ông cho là gánh nặng của doanh nghiệp và kìm hãm tạo việc làm. Ông cũng tuyên bố bãi bỏ chương trình bảo hiểm y tế toàn dân. Ông khẳng định rằng nền kinh tế nước Mỹ sẽ tăng trưởng nhiều hơn sự thâm hụt so với hiện tại và không cần tăng thuế để chi trả cho các chi tiêu cơ sở hạ tầng. Nhiều nhà phân tích nhận định rằng Chính sách của Donal Trum có thể đem lại lợi ích cho nước Mỹ nhưng sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới.
Thắng lợi của ông Trump có thể làm trầm trọng hơn chủ nghĩa bảo hộ trong thương mại toàn cầu, làm cho quá trình toàn cầu hóa giảm tốc, thương mại tăng trưởng chậm lại. Các thỏa thuận thương mại tự do như TPP, NAFTA và nhiều hiệp định song phương sẽ bị hủy bỏ hoặc xem xét lại vì nó không có lợi cho nước Mỹ. Trump đích thực là con người theo chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân túy. Ông sẽ kiên quyết tăng ngân sách bằng việc đánh thuế nặng đối với các hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài. Các cuộc chiến thương mại tiềm ẩn sẽ có khả năng bùng phát. Kinh tế thế giới chắc chắn sẽ chao đảo.
Về chính trị và an ninh, trong chiến dịch tranh cử, Trump cho rằng nước Mỹ không nên tiếp tục bảo trợ an ninh không công cho các đồng minh chủ chốt như Hàn Quốc, Nhật Bản. Ông còn hứa hẹn sẽ giải tán khối NATO, thậm chí còn chỉ trích các đồng minh đang lợi dụng nước Mỹ. Với những tuyên bố như vậy tôi không thể hiểu hệ thống quan hệ quốc tế sẽ ra sao khi Trump làm như lời ông nói. Có thể chính sách của Trump ít đối đầu với một số cường quốc, một số nước đang có mâu thuẫn với Mỹ, mở ra cơ hội cho hòa bình và phát triển. Nhưng có một điều tôi không thể tưởng tượng được khi ông phát biểu đại ý nếu Bắc Triều Tiên có bom nguyên tử thì cứ để Hàn Quốc và Nhật Bản phát tiển bom nguyên tử.
Nhiều nhà quan sát quốc tế cho rằng khi còn là ứng cử viên ngoài cuộc, người ta tưởng rằng sẽ làm được rất nhiều điều theo ý muốn, nhưng khi đã ở cương vị tổng thống, nghĩa là vào cuộc họ sẽ sớm nhận ra rằng trật tự quốc tế và thị trường không cho phép họ làm theo ý muốn riêng. Đặc biệt với nền chính trị Mỹ, một thể chế tuyệt đối tôn trọng quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp, nói theo ngôn từ chính trị là tam quyền phân lập. Chắc chắn Trump không thể làm điều gì ngoài quy định mà luật pháp Mỹ cho phép. Liệu Donal Trump có phải là một người ngoại lệ? Chỉ biết rằng hiện tại có nhiều người Nga ca ngợi chiến thắng của ông Trump, cho đó là bước đi tích cực với thế giới. Riêng với tôi, việc Trump lên làm tổng thống là điều đáng lo hơn là điều đáng mừng.

   
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.