Cuộc chiến tranh Nga-Ucraine

Leave a Comment

 Cuộc chiến tranh Nga-Ukraine

Tôi đã định viết về đề tài này từ khi Nga bắt đầu tiến hành “Chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm “phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine”. Mỹ và phương Tây gọi đây là cuộc chiến tranh xâm lược. Nhưng tôi cứ lần chần mãi cho tới ngày hôm nay mới viết bởi cuộc chiến Nga-Ukraine thật sự đã chia rẽ các tầng lớp trong xã hội Việt. Để giữ hòa khí, trong các cuộc họp của các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, thậm chí trong các cuộc họp lớp hay việc vui buồn ở các gia đình, mọi người đã thống nhất không tranh luận về cuộc chiến Nga-Ukraine.
Nói như vậy để thấy được tính chất phức tạp của cuộc chiến này. Có nhiều người Việt cho rằng chính nghĩa thuộc về Nga, vì Nga đang ngăn chặn người hàng xóm đưa NATO đến trước cửa ngõ nhà họ. Bên cạnh đó cũng có nhiều người Việt cho rằng chính nghĩa thuộc về Ukraine, bởi vì Ukraine là nạn nhân của cuộc xâm lược. Cũng có người cho rằng “tại anh tại ả, tại cả đôi bên”.
Theo chiến lược gia địa chính trị nối tiếng Mỹ Brzezinski, cố vấn an ninh quốc gia cho hai đời tổng thống Mỹ, trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Time vào tháng Ba năm 2014 ông nói: “giải pháp tốt nhất cho Ukraine là trở thành một nước Phần Lan như đã từng đối với Nga” (nước trung lập). Cựu Ngoại trưởng Mỹ kiêm cố vấn an ninh quốc gia Kissinger thì cho rằng Ukraine nên là chiếc cầu nối giữa Đông và Tây. Việc Mỹ muốn Ukraine trở thành thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là một sai lầm nghiêm trọng và dẫn đến cuộc xung đột Nga-Ukraine. Và không phải không có lý khi cựu Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố “Nếu tôi là tổng thống thì sẽ không xảy ra cuộc chiến này”...
Lãnh đạo Ukraine đã đi theo con đường riêng, bất chấp sự quan ngại của Nga, bất chấp lời khuyên của các chính trị gia, chiến lược gia bậc thầy quốc tế. Và cái logic vận động của lịch sử như đã từng xảy ra với Ukraine một lần nữa lại tái hiện. Ngày 24 tháng 2 năm 2022, Nga tiến hành Chiến dịch quân sự đặc biệt/xâm lược Ukraine. Chiến dịch này bắt đầu sau một thời gian tập trung lực lượng cùng sự công nhận độc lập của Nga đối với hai vùng ly khai là Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk.
Vì sao Nga tiến hành Chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine?
Thực ra chiến dịch quân sự của Nga đã bắt đầu sau cuộc Cách mạng Euromaidan vào ngày 18 tháng Hai năm 2014, sau khi các lực lượng thân phương Tây ở Ukraine lật đổ chính phủ cánh tả và bước vào một giai đoạn chính trị không ổn định. Nga cho rằng việc thay đổi chính phủ ở Ukraine là một cuộc đảo chính do phương Tây hậu thuẫn, và Nga lo ngại Ukraine sẽ trở thành một nơi trú ẩn cho các nhóm ly khai. Đồng thời Nga cũng muốn giữ, mở rộng tầm ảnh hưởng của mình trong khu vực và đối phó với sự mở rộng của NATO, nhất là sau khi Ukraine bày tỏ mong muốn gia nhập NATO.
Ngoài ra Nga còn có các lợi ích kinh tế và chiến lược trong khu vực. Nhất là với vùng Donbass của Ukraine, nơi có số đông người Nga, được Nga tài trợ, giúp đỡ các nhóm ly khai tách khỏi Ukraine, khu vực có nền công nghiệp khai thác tài nguyên mỏ quan trọng và là địa điểm trung tâm của nền công nghiệp sản xuất của Ukraine.
Nói một cách khái quát, việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine có nhiều nguyên nhân phức tạp, bao gồm các lợi ích kinh tế và chiến lược, các mối quan tâm về an ninh, trong đó có an ninh của người Nga ở khu vực phía đông Ukraine và các yếu tố chính trị. Đặc biệt sau khi đắc cử tổng thống, Zelensky đã đưa mục tiêu ra nhập NATO vào trong hiến pháp; công khai phá vỡ thỏa thuận Minsk (thỏa thuận được ký kết vào năm 2014 và năm 2015 do Pháp và Đức làm trung gian nhằm kết thúc cuộc chiến tranh giữa lực lượng thuộc Chính quyền Kiev và lực lượng ly khai vùng Donbass).
Nga đã đạt được những mục tiêu gì và mất gì sau hơn một năm?
Tính đến thời điểm hiện tại, Nga đã giành được kiểm soát trên một phần lãnh thổ của Ukraine, đặc biệt là sáp nhập bán đảo Crimea và phần lớn khu vực Donbass vào lãnh thổ Nga. Việc chiếm đóng vùng Crimea từ năm 2014 đã giúp Nga tăng cường sự hiện diện của mình trên Biển Đen và mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực này. Việc chiếm các khu vực ở Donbass năm 2021, những vùng có nhiều khu công nghiệp quan trọng và đông người Nga sinh sống cũng tạo ra một số lợi thế nhất định cho Nga.
Tuy nhiên, việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine đối diện với rất nhiều khó khăn, mất mát. Phương Tây cho rằng mục tiêu của Nga là đánh chiếm Ukraine, lật đổ chính quyền, chấm dứt vĩnh viễn mong muốn gia nhập liên minh quân sự phương Tây NATO. Trước tiên, Nga đánh mất uy tín trên trường quốc tế, gặp phải áp lực từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các quốc gia phương Tây, vì việc vi phạm chủ quyền của Ukraine và vi phạm luật pháp quốc tế. Sau đó là phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt kinh tế hà khắc.
Sự ủng hộ về tinh thần và vật chất, thông tin tình báo, viện trợ vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại của Mỹ và Phương Tây cho Ukraine đã gây ra những tổn thất kinh tế và giới hạn khả năng thực hiện mục tiêu cũng như việc tìm kiếm nguồn tài trợ cho cuộc chiến tranh của Nga. Ngoài ra Nga cũng đối mặt với sự kháng cự ngày một gia tăng của lực lượng quân đội Ukraine và các nhóm tình nguyện quân quốc tế, khiến cho chiến dịch của Nga bị chững lại, không phải lúc nào cũng thuận lợi. Theo báo chí của phương Tây, Nga có thể đang bị sa lầy ở cuộc chiến này. Ngoài ra, việc tiếp tục duy trì chiến dịch quân sự cũng đòi hỏi Nga phải bỏ ra nhiều nguồn lực, gây ra những tác động tiêu cực đến kinh tế và xã hội. Những thành tựu về kinh tế trong mấy chục năm qua của Nga đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng.
Ukraine đạt được gì, mất gì sau hơn một năm?
Sau hơn một năm chiến tranh, Ukraine đã đạt được một số thứ:
(1), Sự hỗ trợ của quốc tế: Ukraine đã nhận được sự hỗ trợ quốc tế rộng rãi, bao gồm viện trợ quân sự, hỗ trợ tài chính và viện trợ nhân đạo. Sự hỗ trợ này đã giúp duy trì hoạt động của chính phủ Ukraine và xây dựng lại một số cơ sở hạ tầng đã bị chiến tranh tàn phá.
(2), Lợi ích quân sự: Các lực lượng Ukraine đã đạt được một số thành tựu trong những tháng gần đây, chiếm lại một vài khu vực lãnh thổ trước đây do lực lượng Nga chiếm giữ, phần nào đem lại niềm tin cho binh lính và người dân của họ.
(3), Trở thành ứng cử viên của Liên minh châu Âu : Ukraine đã được cấp tư cách ứng cử viên để gia nhập Liên minh châu Âu vào tháng 6 năm 2022. Đây là một bước tiến quan trọng đối với Ukraine, vì nó sẽ đưa Ukraine đến gần hơn với phương Tây và các giá trị dân chủ phương Tây.
(4) Tư cách thành viên NATO: được hứa hẹn gia nhập NATO, điều này sẽ giúp Ukraine tránh được một cuộc xâm lược của Nga trong tương lai.
Tất nhiên, Ukraine cũng đã phải chịu những mất mát, những tổn thất đáng kể do chiến tranh. Tổn thất lớn nhất là Ukraina mất đi một vùng lãnh thổ khá rộng. Hố ngăn cách chia rẽ dân tộc, chia rẽ người dân miền Đông thân Nga và miền Tây thân phương Tây ngày một sâu rộng. Ngoài ra cơ sở hạ tầng quân sự, công nghiệp của Ukraine trong thời gian qua bị tàn phá rất nặng nề. Hàng chục ngàn sinh mạng binh lính bị mất, hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa di dời sang các nước khác, gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo cùng với nhiều hệ lụy khác khó có thể thống kê hết…
Chiến tranh không chỉ tác động đến Nga và Ukraine mà còn tác động đến toàn bộ châu Âu và thế giới. Chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Giá dầu và lương thực tăng phi mã. Lạm phát và khủng hoảng cục bộ đã xảy ra. Hơn một năm qua, phương Tây tiếp tục áp đặt hàng trăm biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất đối với Nga. Họ cũng gia tăng viện trợ, trong đó có cả việc cung cấp các loại đạn, tên lửa, pháo phản lực, xe tăng, máy bay và sắp tới là cả bom chùm… Tuy nhiên hiện tại cuộc chiến của Nga vẫn cứ tiếp tục. Nguy cơ xung đột mở rộng ngày càng hiện hữu.
Gần đây Ukraine đã phát động các cuộc phản công ở phía nam và phía đông. Ngay sau đó, Nga tuyên bố sáp nhập bốn khu vực chiếm đóng qua cuộc trưng cầu dân ý. Tháng 11/2022, Ukraine chiếm lại Kherson Oblast. Tháng 2/2023, Nga huy động gần 200.000 binh sĩ cho chiến dịch tấn công mới ở Donbass. Trong tháng 6 năm 2023, Ukraine mở một cuộc phản công khác ở phía đông nam. Cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn quyết liệt, chưa có dấu hiệu cho thấy Ukraine chiếm lại được các vùng lãnh thổ của mình. Và không rõ cuộc chiến đến khi nào mới kết thúc. Tuy nhiên, rõ ràng là cuộc xung đột đã có tác động tàn phá nặng nề đối với Ukraine.
Những kịch bản nào sẽ xảy ra trong thời gian tới?
Kịch bản thứ nhất là chiến thắng thuộc về Nga. Kịch bản chiến thắng áp đảo ít có khả năng xảy ra, nhưng nó vẫn có thể xảy ra. Nếu Nga đạt được các mục tiêu quân sự của mình ở Ukraine, họ có thể buộc chính phủ Ukraine phải nhượng bộ. Đây sẽ là một chiến thắng lớn đối với Tổng thống Putin và sẽ giúp ông tăng đáng kể mức độ ủng hộ của người dân trong nước. Tuy nhiên, đó cũng sẽ là một trở ngại lớn đối với Mỹ và phương Tây, vốn sẽ phải chấp nhận Nga là một cường quốc hùng mạnh và không thể bỏ qua Nga trong tất cả những vấn đề quốc tế, nhất là họ sẽ gặp khó khăn trong việc mở rộng NATO trong tương lai. Và có thể sự kiện này sẽ là một dấu mốc xác lập chính thức trật tự thế giới đa cực bắt đầu.
Kịch bản thứ 2 chiến thắng thuộc về Ukraine. Đây là kịch bản không có nhiều hy vọng. Tuy nhiên với sự hỗ trợ to lớn của Mỹ và phương Tây, chiến thắng cũng có khả năng xảy ra. Nếu Ukraine có thể đẩy lùi đà tiến quân và buộc Nga phải rút quân thì đó sẽ là một chiến thắng không chỉ cho Ukraine mà còn cho cả Mỹ và nền dân chủ tự do phương Tây. Nó sẽ là một đòn giáng mạnh vào Tổng thống Nga Putin và cho thấy rằng phương Tây thống nhất vẫn có thể chi phối được trật tự của thế giới. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là Ukraine hiện đang phải đối mặt với một tình huống rất khó khăn và không rõ liệu họ có đủ nguồn lực để đánh bại Nga hay không.
Kịch bản thứ 3 là cuộc chiến đi vào thế bế tắc cho cả hai bên. Đây là kịch bản có khả năng xảy ra nhất. Hai bên gần như giữ nguyên hiện trạng, không bên nào có thể đạt được một chiến thắng quyết định, cuộc chiến có thể kéo dài trong nhiều năm. Đây sẽ là một cuộc xung đột tốn kém và đẫm máu, có tác động tàn phá với cả Nga và Ukraine. Nó cũng sẽ gây ra bất ổn cho toàn bộ khu vực và có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn.
Kịch bản thứ 4, hai bên thỏa thuận giải quyết hòa bình trên bàn đàm phán. Đây cũng là một khả năng, nhưng không rõ liệu hai bên có sẵn sàng thỏa hiệp hay không. Cho đến nay, Nga đã từ chối rút quân khỏi các khu vực đã chiếm đóng và Ukraine cũng không sẵn sàng từ bỏ chủ quyền đã mất của mình. Tuy nhiên, nếu cả hai bên sẵn sàng đưa ra một số nhượng bộ, có thể họ sẽ đạt được một giải pháp thương lượng trên bàn đàm phán.
Bốn kịch bản nêu trên chỉ là một số tình huống có thể xảy ra. Kết quả thực sự của cuộc chiến vẫn chưa chắc chắn. Các kịch bản sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm sự hỗ trợ liên tục, hiệu quả của phương Tây đối với Ukraine; sự sẵn sàng thỏa hiệp của Nga và diễn biến thực tế ở trên chiến trường. Cho dù kịch bản nào xảy ra thì nó vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào sức mạnh của các bên ở trên chiến trường.
Tóm lại, tình hình giữa Nga và Ukraine vẫn rất phức tạp và không thể dự đoán chính xác. Theo cá nhân tôi, hai bên cần phải tập trung vào tìm kiếm những giải pháp hòa bình để giải quyết tình trạng xung đột hiện tại và hạn chế nguy cơ leo thang xung đột.
Theo quan điểm của Mỹ và phương Tây, cộng đồng thế giới cần phải làm những việc sau để đi đến chấm dứt chiến tranh:
(1), Duy trì các biện pháp trừng phạt đối với Nga: Các biện pháp trừng phạt mà Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và các nước khác áp đặt lên Nga để tác động đến nền kinh tế Nga. Các biện pháp trừng phạt này nên được duy trì cho đến khi Nga đồng ý ngừng bắn và rút quân khỏi Ukraine.
(2), Cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine: Hoa Kỳ và các quốc gia khác đã hỗ trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm vũ khí, phương tiện chiến tranh, đạn dược và đào tạo. Sự trợ giúp này đã giúp Ukraine tự vệ trước sự xâm lược của Nga. Cộng đồng quốc tế nên tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine cho đến khi nước này có thể đạt được một chiến thắng quân sự hoặc đạt được một giải pháp thương lượng với Nga.
(3), Tham gia ngoại giao tích cực: Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và các quốc gia khác tiếp tục tham gia ngoại giao với Nga và Ukraine trong nỗ lực đạt được một giải pháp thương lượng. Ngoại giao này nên dựa trên các nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
(4), Gây áp lực buộc Nga chấm dứt chiến tranh: Cộng đồng quốc tế nên tiếp tục gây áp lực buộc Nga chấm dứt chiến tranh. Áp lực này có thể được áp dụng thông qua các biện pháp trừng phạt, cô lập ngoại giao và các biện pháp khác. Cộng đồng quốc tế nên nói rõ với Nga rằng cuộc chiến sẽ không có lợi và sẽ có những hậu quả nặng nề nếu Nga tiếp tục.
Điều cần lưu ý thực tế là không có gì đảm bảo rằng các biện pháp của Mỹ và phương Tây sẽ thành công trong việc buộc Nga phải dừng cuộc chiến hay thúc đẩy Nga và Ukraine đàm phán hòa bình. Ấn Độ, Brazil, Nam Phi, Trung Quốc, Indonesia và nhiều nước khác trong đó có Việt Nam không lên án Nga và cũng không tham gia các lệnh trừng phạt kinh tế. Có nghĩa là không dưới một nửa dân số thế giới không tuân theo lệnh trừng phạt của thế giới đơn cực và đi theo thế giới đơn cực do Mỹ và phương Tây dẫn dắt. Nền kinh tế Nga vẫn tăng trưởng. Và nước Nga vẫn đứng vững.
Không chỉ có người Việt mới có sự chia rẽ về cuộc chiến Nga-Ukraine mà thế giới này cũng chia rẽ về cuộc chiến này. Đây không chỉ là cuộc chiến giữa hai nước láng giềng thời hậu Xô Viết mà còn là cuộc chiến của một trật tự thế giới mới. Dù thắng lợi thuộc về bên nào thì trật tự thế giới cũng sẽ thay đổi không còn là thế giới một cực như trước nữa. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chia rẽ không thể ra được nghị quyết lên án Nga. Các nước trong nhóm BRICS và một loạt các nước sắp tới tham gia nhóm BRICS cùng với một số nước trong nhóm G20, các nước giàu có dầu mỏ trong vùng vịnh không đi theo con đường của Mỹ và phương Tây. Họ đã quyết định từ nay không giao dịch dầu mỏ bằng đồng USD nữa.
Tôi nghĩ dù các nước có quan điểm khác nhau về cuộc chiến Nga-Ukraine nhưng các nước đều có những lựa chọn tốt nhất cùng với cộng đồng quốc tế tại thời điểm này giúp cho người dân Ukraine:
(1), Cung cấp hỗ trợ nhân đạo: Hàng triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa vì chiến tranh ở Ukraine. Cộng đồng quốc tế nên cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho những người này, bao gồm thực phẩm, nước, nơi trú ẩn và chăm sóc y tế.
(2), Hỗ trợ nền kinh tế Ukraine: Nền kinh tế Ukraine đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh. Cộng đồng quốc tế nên hỗ trợ nền kinh tế Ukraine bằng cách cung cấp các khoản vay, trợ cấp và các hình thức hỗ trợ khác.
Cuộc chiến ở Ukraine là một bi kịch vào đầu thập kỷ thứ hai của thiên kỷ mới. Thiên kỷ toàn cầu hóa, nhất thể hóa nền kinh tế thế giới, thiên kỷ bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CM4,0), các quốc gia sẽ tùy thuộc vào nhau. Người ta đã hy vọng vào một thế giới văn minh, hòa bình, tốt đẹp hơn thiên kỷ cũ. Nhưng xem ra hy vọng đó chỉ là ảo tưởng. Những gì đã diễn ra ngay từ những năm đầu của thiên kỷ trên biển, trên đất liền cho đến ngày hôm nay không khác gì những đám mây đen u ám phủ bóng lên nhân loại. Chiến tranh, bạo lực, khủng bố diễn ra triền miên khắp các châu lục. Và bi kịch của Ukraine là phải nằm ở giữa hai thế lực địa chính trị, tàn dư của thời hậu Xô Viết để lại.
Đa số người dân Ukraine đã lựa chọn ra bộ máy lãnh đạo của mình. Lãnh đạo Ukraine đã đứng về phía Mỹ và phương Tây, biến mình trở thành người lính trên tuyến đầu của cuộc chiến địa chính trị, biến đất nước Ukraine trở thành một bãi chiến trường. Lãnh đạo Ukraine không thể trách một nửa dân số thế giới không lên án Nga, không ủng hộ họ. Tuy nhiên toàn thể cộng đồng quốc tế cần phải làm mọi thứ có thể để giúp người dân Ukraine và nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến này.
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.