Một số cảm nhận về cuốn hồi ký Trung đoàn một thời chiến trận

Leave a Comment
Cuốn hồi ký “Trung đoàn một thời chiến trận” của Đại tá– Lương y Hồ Hữu Lạn để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc. Là cán bộ thuộc Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 từ ngày thành lập đến nay, Đại tá Hồ Hữu Lạn đã trải qua một chặng đường dài trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và trong suốt cuộc đời binh nghiệp của mình. Nhận định về Trung đoàn 3 và cá nhân đồng chí Hồ Hữu Lạn, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu có viết lời giới thiệu cuốn hồi ký như sau: “Dải đất Trị Thiên là một chiến trường đầy ác liệt, gian khổ và chói lọi vinh quang. Trải qua hàng chục năm chiến đấu quyết liệt, trên dải đất này đã hun đúc, đào luyện nên nhiều tập thể và cá nhân tiêu biểu xuất sắc, trong đó có Trung đoàn 3 Sư đoàn 324 là một tập thể anh hùng; đồng chí Hồ Hữu Lạn là một cán bộ chỉ huy chiến đấu xuất sắc”. Tôi nghĩ nhận xét này đã ghi nhận đầy đủ những điều cần nói về một trung đoàn, về một con người.
Tôi xin không nhắc lại những lời nhận xét về con người, về nội dung nghệ thuật cuốn hồi ký mà nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu, các sỹ quan cùng với các cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 3 Sư đoàn 324 đã viết và được dẫn trong cuốn hồi ký. Trong khuôn khổ một bài viết, tôi chỉ xin nêu những cảm nhận cá nhân sau khi đã đọc đến lần thứ 4 vào những ngày đầu xuân Canh Tý này. Có thể nói cuốn hồi ký đã phản ánh xác thực cuộc sống gian khổ, đầy hy sinh của cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 3 qua bao chiến dịch, qua bao trận chiến khốc liệt từ ngày thành lập đến năm 1977.
Cuốn hồi ký thu hút tôi ngay từ trang đầu. 575 trang sách tôi đọc gần như liên tục ba ngày đêm. Đó là một khối lượng đồ sộ những sự kiện bắt đầu từ ngày thành lập Trung đoàn 3. Anh Hồ Hữu Lạn là một nhân chứng sống, dẫn dắt người đọc từ khi Trung đoàn 3 đi làm nhiệm vụ quốc tế ở chiến trường Lào, tham gia chiến trường Bắc Quảng Trị, chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 tại thành phố Huế, chiến dịch Đồi A Bia 1969, điểm cao 935- Cốc Bai Tây Trị Thiên 1970, chiến dịch Đường 9 Nam Lào 1971, Chiến dịch Quảng Trị mùa hè đỏ lửa 1972, đến giải phóng Chi khu Quận lỵ Đắk Pét Tây Nguyên, Chiến dịch Thượng Đức Quảng 1974, Chiến dịch Tổng Tấn công 1975 với tư cách là trung đội trưởng, đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng, trung đoàn trưởng.
Tất cả những trải nghiệm thực tế, những sự kiện lịch sử của trung đoàn đều được anh Hồ Hữu Lạn tái hiện một cách sinh động. Đó là một chuỗi những cuộc chiến đấu theo hai nghĩa, với kẻ thù và với chính bản thân anh cũng như với các cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 3. Đó là tinh thần chiến đấu ngoan cường, mưu trí, chủ động, sáng tạo và quyết đoán. Đó là những chiếncông lừng lẫy và sự hy sinh lớn lao của cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 3. Cuốn sách có giá trị lịch sử cao, một tư liệu quý giá cho những nhà nghiên cứu lịch sử, cho các trường sỹ quan, cho các đơn vị quân đội học tập, nghiên cứu và huấn luyện, cho những nhà văn, nhà viết kịch bản, cho những đạo diễn viết và dựng phim về đề tài chiến tranh…
Đọc chương 2, Trung đoàn 3 đi làm nhiệm vụ quốc tế, tôi liên tưởng đến bài thơ Tây tiến nổi tiếng của nhà thơ Quang Dũng: “Sông Mã xa rồi Tây tiến ơi!Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi. Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi, Mường Lát hoa về trong đêm hơi”. Bài Thơ Tây tiến của Quang Dũng đã tạo nên hình tượng người chiến sỹ Trung đoàn Tây tiến không thể nào quên trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ở Thượng Lào cũng như miền tây bắc Bắc Bộ với cảm hứng lãng mạn và bi tráng. Cuộc sống của những người lính Tây Tiến hết sức gian khổ, đầy hy sinh: “Rải rác biên cương mồ viễn xứ, Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Tuy vậy, họ vẫn lạc quan, vượt lên trên mọi thử thách khắc nghiệt của chiến tranh. Họ giữ được cái cốt cách hào hoa, thanh lịch, yêu đời và rất lãng mạn. Tưởng như lịch sử dân tộc sẽ không bao giờ còn lặp lại một thời lãng mạn, hào hùng đến nhường ấy, nhưng tôi đã nhầm. Trung đoàn 3 trong một hoàn cảnh khó khăn, gian khổ, khốc liệt cũng tương tự như hoàn cảnh của Trung đoàn Tây tiến năm xưa. 200 chiến sỹ thiếu đói, thiếu thuốc men đã hy sinh vì sốt rét. Vậy mà cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 3 vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu cùng với Bộ đội Pa Thét Lào.
Nếu như nhà thơ Quang Dũng đã tạo nên hình tượng người chiến sỹ bất hủ qua bài thơ Tây tiến trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp thì Đại tá Hồ Hữu Lan đã khắc họa được hình ảnh tập thể cán bộ chiến sỹ bất tử, hy sinh làm nhiệm vụ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Chỉ tiếc là người chiến sỹ trong bài thơ Tây tiến đã được xây dựng tượng đài ở Mộc Châu, Sơn La còn người chiến sỹ Trung đoàn 3 kể từ 1965 làm nhiệm vụ Quốc tế, và suốt những năm lập công vang dội trong thời gian hơn một chục năm trên chiến trường Trị- Thiên, Tây nguyên, Quảng nam thì chưa được xây dựng tượng đài ở nơi nào.
Sự cuốn hút, cái hay của cuốn hồi ký Trung đoàn một thời chiến trận là trong mỗi chiến dịch, mỗi trận đánh, tác giả đều đặt nó trong bối cảnh lịch sử chung của chiến trường miền Nam. Thậm chí trong nhiều chiến dịch, nhiều trận đánh tác giả còn khái quát nghị quyết, nhiệm vụ của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh, nghị quyết, nhiệm vụ của Quân khu Trị Thiên, của Sư đoàn 324, vì vậy người đọc thấy được bối cảnh chung, hoàn cảnh riêng của từng chiến dịch, của từng trận đánh. Sự việc người đọc đã biết, sự việc người đọc chưa biết, sự việc người đọc đợi chờ, tất cả cứ kéo người đọc không dứt khỏi trang sách. Điều này thể hiện rất rõ qua chương ba “Trung đoàn ra quân đánh Mỹ năm 1967”, chương bốn “Xuân Mậu Thân 1968 tiến công nổi dậy, anh dũng kiên cường”, chương năm “Động A Bia mùa hè năm 1969”, chương 6 “Điểm cao 935-Cốc Bai mùa thu 1970 chiến công vang dội, nối thế ba vùng”.
Với chương 5 và chương 6, tôi đã đọc không dưới một chục lần. Tôi rất cảm ơn Đại tá Hồ Hữu Lạn về cuốn hồi ký “Trung đoàn một thời chiến trận”. Nếu không đọc kỹ chương 5 và chương 6 của anh, tôi không biết phải dịch hai cuốn “Đồi Thịt băm” và “Đại bàng gào thét trong vòng vây” của các tác giả Mỹ như thế nào cho sát với thực tế trận chiến. Tôi đọc kỹ hai chương này còn vì tôi nhận ra hai ngọn lửa, một ngọn lửa khốc liệt của hai trận chiến, một ngọn lửa mãnh liệt trong tâm hồn ẩn sau những dòng hồi ký trong con người anh.
Ở ngọn lửa thứ nhất, trận đánh trên Động A Bia, người Mỹ gọi là Đồi Thịt băm, trận đánh trên điểm cao 935, người Mỹ gọi là Ripcord. Hai trận đánh này được người Mỹ gọi là hai trận đánh kinh điển trong năm trận đánh kinh điển (ba trận khác là trận Ia- Drăng, trận Đắc Tô-Tân Cảnh, trận Khe sanh- Tà cơn) của người Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Trung đoàn 3 và Trung đoàn 1 Sư 324 đều trực tiếp tham gia hai trận đánh này. Các sỹ quan và binh sỹ Mỹ không thể lý giải vì sao chúng ta lại thắng trong hai trận đánh, mà theo người Mỹ họ cho là “dữ dội nhất, khủng khiếp nhất, kinh hoàng nhất và đẫm máu nhất”. Chỉ khi đọc kỹ hai chương trong cuốn hồi ký tôi mới hiểu thật sự nghĩa đen cũng như nghĩa bóng của những cụm từ: “Chủ nghĩa anh hùng cách mạng”, “Ý chí quyết chiến quyết thắng”, mới hiểu vì sao mỗi quả đồi, mỗi điểm cao phải chịu hàng ngàn tấn bom các loại, hàng vạn quả đạn pháo, cối các loại và trải qua hàng chục cuộc tấn công có sự hỗ trợ của máy bay trực thăng vũ trang với bom cháy, đạn hóa học, các loại vũ khí hiện đại có sức công phá tưởng như không còn một loài sinh vật nào có thể sống sót, vậy mà các chiến sỹ Trung đoàn 3, Trung đoàn 1 vẫn trụ vững. Chỉ khi đọc kỹ hai chương trên tôi mới thật thấu hiểu thế nào là “vận động tiến công kết hợp chốt, chốt để vận động tiến công”, chỉ khi đọc kỹ hai chương tôi mới thấu hiểu thế nào là “quyết, vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt”, bảy phương châm tác chiến trong vây điểm diệt viện, tiến tới diệt điểm.
Ở ngọn lửa thứ hai, từng câu chữ, từng hình ảnh, từng chi tiết, từng con người, từng sự việc, tất cả đều hừng hực khí thế, đều thấm đẫm xương máu của biết bao cán bộ chiến sỹ mưu trí dũng cảm, cùng đồng cam cộng khổ, biết lợi dụng địa hình địa vật, biết tạo ra địa hình địa vật và chướng ngại vật, cùng vào sinh ra tử để chiến thắng kẻ thù.
Ở hai chương này, tác giả còn tham khảo và trích dẫn một số tư liệu người Mỹ viết. Họ nguyên là sử gia, sỹ quan, binh lính, tham gia hai trận đánh. Vì vậy người viết có cái nhìn hai chiều, làm cho người đọc thấy rõ hơn giá trị của các trận đánh. Mặc dù hai trận đánh chỉ ở mức độ quy mô trung đoàn, lại diễn ra trong một thời gian không dài, ở một không gian không quá rộng, nhưng hai trận đánh trên đồi A Bia và trên điểm cao 935 lại mang một ý nghĩa chiến lược to lớn, làm chấn động nước Mỹ, gây chia rẽ và bất hòa sâu sắc trong chính quyền Mỹ, làm giấy lên làn sóng biểu tình đông đảo của hàng vạn người Mỹ. Hai trận đánh này đã tạo ra một cuộc “chiến tranh Việt Nam trong lòng nước Mỹ”, buộc chính quyền Mỹ phải tìm cách nhanh chóng kết thúc chiến tranh, nhanh chóng rút quân về nước.
Trong một lần về thăm chiến trường xưa, tôi có hỏi Đại tá Phan Đân, nguyên chính ủy Sư đoàn 324, nguyên cán bộ đại đội chỉ huy trận đánh trên Động A Bia, trên ngọn núi Cô Pung và Cốc Bai: “yếu tố nào Thủ trưởng cho rằng ta tránh được thương vong khi bom đạn địch ngày đêm giội xuống”? Ông trả lời: “Bộ đội ta biết đánh và biết tránh, có công sự, hầm hào kiên cố, có đường cơ động, chướng ngại, biết đánh mìn, phát huy mọi loại vũ khi để diệt địch. Trong trận A Bia, Đại đội Công binh của anh Lạn đóng một vai trò không nhỏ”.
Nguyên là một sỹ quan công binh, nhưng tại sao đồng chí Hồ Hữu Lạn lại được cấp trên tin tưởng giao cho nhiệm vụ chỉ huy đại đội bộ binh đánh địch có hiệu quả trên đường 12 Động Tranh- Bình điền vào năm 1968? Đặc biệt khi Đại đội 3, Tiểu đoàn 7 gặp khó khăn đồng chí Lạn lại được điều về đại đội chỉ huy chiến đấu? Ngoài yếu tố tinh thần, ngoài việc xả thân vì nhiệm vụ, ngoài việc gương mẫu trước chiến sỹ, ngoài việc chấp nhận gian khổ hy sinh thì khả năng của một cán bộ chỉ huy bộ binh là yếu tố quyết định để các cấp và đồng đội tin tưởng. Không một cán bộ cấp trên nào, không một chiến sỹ nào lại chấp nhận việc đem xương máu, tính mạng đồng đội giao cho một người không chứng minh được bản thân ở chiến trường. Đồng chí Hồ Hữu Lạn đã vận dụng năng lực sử dụng các loại vũ khí bộ binh và công binh như mìn để đánh bộ binh Mỹ, đánh xe tăng và hạ máy bay trực thăng Mỹ khi chúng đổ quân; vận dụng năng lực sử dụng công sự hầm hào và khả năng chỉ huy trong quá trình chỉ huy bộ binh đánh địch. Chính vì thế mà anh hạn chế được việc bộ binh thương vong và hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao phó.
Cuối năm 1970, Đảng ủy Trung đoàn 3 đã giao cho đồng chí Hồ Hữu Lạn làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 9 sau một quá trình thử thách. Đồng chí Lạn đã nhận nhiệm vụ và coi đó là một trọng trách. Bắt đầu từ đó, đồng chí Lạn có ý thức vươn lên học tập từ thực tế chiến trường, học tập từ cấp trên, từ đồng nghiệp, bạn bè, học tập qua các đợt diễn tập, học tập qua các đợt tập huấn, học tập và nghiên cứu sâu cách đánh địch, rồi tiến tới học công tác tham mưu trung đoàn, lập kế hoạch tác chiến hợp đồng binh hỏa lực để vận dụng vào thực tế chiến đấu… Không phụ lòng tin yêu của các cấp và đồng đội, đồng chí Hồ Hữu Lạn đã hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ Trung đoàn 3 giao cho với trí thông minh, tinh thần dũng cảm và quyết đoán. Điều này được thể hiện rõ qua chương bảy, chương tám, chương chin. Cả ba chương đầy ắp những sự kiện với biết bao con người trong chiến dịch Nam Lào năm 1971, chiến dịch Trị Thiên năm 1972, Tây Thừa Thiên Huế năm 1973.
Trên dưới 50 năm đã trôi qua, nhiều anh em cựu chiến binh chúng tôi khi đọc lại những chương trên đều thấy sống dậy trong mình nhiều kỷ niệm: Từ việc sinh hoạt tư tưởng, tăng gia sản xuất, huấn luyện và diễn tập thực binh chiến đấu, đặc biệt là các trận đánh, các chiến dịch. Có người nói còn thiếu cái này, còn thiếu cái kia, nhưng vì là một cuốn hồi ký không thể ghi đầy đủ, lột tả hết mọi chi tiết trong cuộc chiến trải dài qua thời gian và không gian rộng lớn. Khác với các sử gia và các nhà nghiên cứu lịch sử, người viết hồi ký chỉ tái hiện phần hiện thực thường nằm trong trí nhớ và tầm nhìn của mình, ghi lại những ấn tượng và hồi ức của bản thân mình nên không thể đem tất cả các sự kiện trong cuộc chiến vào tác phẩm. Tuy nhiên tất cả anh em cựu chiến binh vẫn thấy bóng dáng mình ở trong cuốn sách. Vì vậy không phải ngẫu nhiên tác phẩm của anh đã được đọc, được trích dẫn nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đầu tháng 8 năm 1973 đồng chí Hồ Hữu Lạn được giao nhiệm vụ Trung đoàn trưởng Trungđoàn 3. Sau đó được cử vào chiến trường Tây Nguyên. Sự kiện này đã ghi nhận sự trưởng thành vượt bậc cả về mặt thực tiễn, lý luận và năng lực chỉ huy của anh; đồng thời cũng là thử thách mới với anh. Chiến trường hoàn toàn mới, địa hình mới, kẻ địch mới, cách đánh cũng mới. Trung đoàn 3 đã trải qua hàng trăm trận chiến, tiêu diệt hàng nghìn tên địch trong những năm 1967 đến 1973 nhưng đó là ở chiến trường Trị Thiên. “Đem chuông đi đánh xứ người” sẽ hoàn toàn khác. Nhưng anh Lạn vẫn được Quân khu Trị Thiên và Sư đoàn 324 tin tưởng giao nhiệm vụ vào chiến trường bạn, cùng các đơn vị bạn đánh chiếm chi khu quân sự quận lỵ Đắk Pét và chi khu quân sự quận lỵ Thượng Đức.
Hai chương áp chót “Đắc Pét tháng 5 năm 1974”, “Thượng Đức tháng 7 năm 1974” là hai chương được Đại tá Hồ Hữu Lạn viết kỹ nhất. Và cũng là hai chương tôi thích nhất. Sức cuốn hút của nó vẫn bắt nguồn từ hai ngọn lửa, ngọn lửa ác liệt của chiến trường, nhất là việc đánh bại Sư Dù ở Thượng Đức và ngọn lửa ẩn sâu trong con người vị chỉ huy trung đoàn, ẩn sau những dòng chữ, những hình ảnh, những sự kiện mà giá trị của nó mang tầm chiến lược.
Từ khâu chuẩn bị, hành quân vào Tây Nguyên, làm quen với Bộ chỉ huy chiến dịch, ổn định tư tưởng, tổ chức đến việc quán triệt nhiệm vụ, nhanh chóng nắm chắc tình hình chiến trường mới, địa bàn địa hình mới, tổ chức công tác trinh sát, xây dựng phương án chiến đấu, tổ chức chiến đấu, Trung đoàn 3 đều hoàn thành nhiệm vụ; nhiệm vụ đánh chiếm một loạt cứ điểm, giải phóng một số lượng lớn dân cư ở chi khu quân sự Quân lỵ Đắc Pét với tổn thất thấp nhất. Trung đoàn 3 đã phát huy cao độ truyền thống phòng ngự, chốt chặn, chốt kết hợp tiến công trong những năm 1965- 1973. Trung đoàn còn học tập được kinh nghiệm của các đơn vị ở Tây nguyên, hoàn thiện các hình thức tiến công địch trong công sự và đánh địch dã ngoại. Dưới sự lãnh đạo của tập thể cán bộ, đứng đầu là anh Hồ Hữu Lạn, Trung đoàn 3 trong chiến dịch Đắk Pét xứng đáng được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất.
Theo cá nhân tôi, vai trò và nãng lực của tập thể cán bộ Trung đoàn 3 trong giai đoạn năm 1973, 1974 thể hiện rõ nét nhất ở trong Chiến dịch Thượng Đức. Cùng với Sư đoàn 304 và các lựclượng địa phương, Trung đoàn 3 đã hoàn thành xuất sắc việc đánh chiếm một loạt các căn cứ của địch ở Ba khe, Hà sống, đánh bại Sư đoàn 3 ngụy và Liên đoàn 14 Biệt động quân tấn công giải tỏaThượng Đức, chia cắt và bao vây địch từ phía đông chi khu quận lỵ Thượng Đức theo kế hoạch của Bộ tư lệnh chiến dịch, góp phần rất quan trọng cùng với Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 giải phóng Thượng Đức vào 8h ngày 7/8/1974. Cánh cửa thép phòng thủ của địch phía tây nam Đà nẵng đã được mở toang. Tổng thống Nguyễn VănThiệu buộc phải đưa Sư Dù, lực lượng Tổng dự bị chiến lược vào phản kích tái chiếm Thượng Đức.
Tổng thống Thiệu tin tưởng Sư Dù sẽ tái chiếm được Thượng Đức. Chuẩn tướng Lê Quang Lưỡng, Tư lệnh Sư Dù huyênh hoang tuyên bố trong 20 ngày sẽ chiếm lại Thượng Đức. Trung đoàn 3 tuy mới đánh chiếm Hà nha, Hà sống, Bàn tân song đã chủ động chuyển vào phòng ngự, đón đánh Sư Dù tiến công vào trận địa. Từ giữa tháng 8, đến đầu tháng 10/1974, Sư Dù bị thất bại, mất tiền lệ át chủ bài đi chữa cháy, giải quyết chiến trường như ở Phước Long và Quảng Trị 1972. Tháng 10/1974 Sư đoàn 304 đưa Trung đoàn 24, Trung đoàn 66 vào cùng Trung đoàn 3 dồn lên phòng ngự vững chắc, đánh bại Sư Dù giữ vững vùng giải phóng Thượng Đức. Cuộc hành quân tiến công lần thứ 3 của Sư Dù bị thất bại, xương sống ngụy quân bị đập gãy từ đây. Tình thế chiến lược mới đã xuất hiện. Chủ lực của ta đã mạnh hơn chủ lực của kẻ địch (nhận định của Quân ủy Trung ương). Chính điều này đã tạo điều kiện, thời cơ cho các chiến trường khác mở các chiến dịch, sau đó phát triển tiến công, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Chiến dịch Thượng Đức không chỉ chứng tỏ khả năng của Trung đoàn 3 trong đánh công kiên, đánh dã ngoại, Trung đoàn còn phát huy đến đỉnh cao khi chuyển sang phòng ngự bảo vệ vùng giải phóng Thượng Đức trước Sư đoàn Dù, nhất là trong 45 ngày đầu chiến dịch phòng ngự. Sư Dù, tổng dự bị, con át chủ bài, sư đoàn “con cưng” của nền Cộng hòa đối đầu với Trung đoàn 3 bị thất bại thảm hại.
Sau các cuộc tiến công quân số thiếu hụt, với lực lượng mỏng dàn trải trên cả một vùng rộng lớn từ điểm cao 1062, đồi 700, sân bay An định, điểm cao 383, chốt T2, điểm cao 109, 126 đến Hà Nha, Hà Sống, Làng Lâm Phụng, Bàn Tân, đồi Ba khe, Trung đoàn phải đương đầu với cả ba lữ đoàn dù trong thời gian dài rất ác liệt. Tập thể cán bộ trung đoàn đã bàn bạc cách đánh phòng ngự, chốt theo chiều sâu truyền thống vốn trở thành thương hiệu, không để hở sườn. Tất cả các đơn vị chủ động, tích cực đánh địch trước chốt và hỗ trợ chốt bạn chiến đấu. Trung đoàn sử dụng độc chiêu huy động tối đa hỏa lực các loại như 12.7 ly, ĐKZ, cối 82ly, 120ly, bắn lướt sườn, bắn vào các mục tiêu có địch tập trung; sử dụng cách đánh gần, kiên cường bám trụ, phản kích tại chỗ.
Khi mất chốt, các chốt lân cận hai bên, các chốt phía sau thực hiện bao vây chia cắt đánh địch cả phía trước, phía sau không để địch tăng quân củng cố,và tổ chức phản kích chiếm lại chốt ngay. Đó là một thế trận có các trận địa liên hoàn vững chắc, có cách đánh kiên quyết mưu trí sáng tạo nên ngay từ ngày đầu Sư Dù đã bị bất ngờ, thua trận giảm nhuệ khí chiến đấu, bị động lúng túng đối phó. Tuy Sư Dù tập trung tối đa binh, hỏa lực vào từng điểm chốt, chúng cũng không thể đánh chiếm được trận địa của Trung đoàn 3.
Trên thực tế, Sư Dù ngụy đã thua Trung đoàn 3 Sư đoàn 324 tại mặt trận Thượng Đức ngay từ ngày đầu. Nếu Trung đoàn 3 không đánh bại Sư Dù trong 45 ngày đầu chiến dịch phòng ngự thì việc giữ vững Thương Đức, thu hút giam chân đánh bại Sư Dù, giữ vững vùng giải phóng Thượng Đức khó diễn ra có kết quả. Có thể thấy cuộc chiến của Trung đoàn 3 ở chiến trường Thượng Đưc, tiến công cũng như phòng ngự, người chỉ huy đều tạo thế, lập thế trước, chủ động đưa địch vào trận đia, đánh theo thế trận bày sẵn của mình (như đi cờ thế) nên đơn vị ngụy quân Sài gòn nổi tiếng bị bất ngờ thua trận. Tôi được biết Chiến dịch phòng ngự Thượng Đức đã trở thành tài liệu sách giáo khoa của các học viện, nhà trường trong Quân đội ta.
Gần 90 trang viết về Thượng Đức của Đại tá Hồ Hữu Lạn là một khúc tráng ca hào hùng, thể hiện tất cả phẩm chất anh hùng, bất khuất, tinh thần kiên cường, sự mưu trí, sáng tạo của tập thể cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 3 trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Không người đọc nào có thể quên được chốt T2, chốt chịu 12 lần máy bay A-37 ném các loại bom xuyên, phá, hàng nghìn quả đạn pháo khoan săm soi dày đặc trong một ngày, Đại đội 6 Tiểu đoàn 8 kiên cường đánh bật hết đợt phản công này đến đợt phản công khác. Tiểu đoàn Dù lì lợm bám dũi theo cách đánh “càng cua, hoa thị”, cố gắng tái chiếm bằng được Thượng Đức. Khi kẻ địch tràn được lên chốt, Chính trị viên Trần Quang Diễn đã ra lệnh cho các chiến sỹ rút xuống hầm, yêu cầu Trung đoàn trưởng bắn hỏa lực trùm lên chốt. Sau vài giây suy tính và quan sát, anh Lạn ra lệnh cho các loại hỏa lực cối 120mm, cối 82mm, DKZ, Pháo 37 ly đồng loạt giội bão lửa trùm lên trận địa. Kẻ thù bị xóa sổ. 14 chiến sỹ đại đội 6 từ hầm moi tiếp tục lên giữ chốt. Khoảnh khắc căng thẳng nhất trong đời chỉ huy của Trung đoàn trưởng đã qua… Chốt thép T2 vẫn giữ vững thế liên hoàn của toàn trận địa.
Nhìn lại chiến dịch Thượng Đức, cá nhân tôi cho rằng Trung đoàn 3 có công lớn trong việc đánh địch, chia cắt chiến dịch cho Trung đoàn 66 dứt điểm cụm căn cứ Thượng Đức. Trung đoàn đã lập công đầu xuất sắc đánh bại Sư Dù điên cuồng phản kích tái chiếm; xây dựng được thế trận đầy giá trị trong chiến dịch phòng ngự. Cùng với Sư đoàn 304, Trung đoàn 3 đã giam chân đánh bại Sư Dù, đập gãy xương sống ngụy quân để đến đầu năm 1975, khiến chúng mất vai trò tổng dự bị…
Chương 12 của cuốn hồi ký viết về vai trò Trung đoàn 3 trong năm 1975, là một trang sử “thủy chung” với Cố đô Huế. Chiến công nối tiếp chiến công, ngày 5/3/1975 trung đoàn từ mặt trận Thượng Đức về Nam Đông nhận nhiệm vụ giải phóng Thành phố Huế. Được tăng cường Đại đội 4 xe tăng của đơn vị đồng chí Bùi Quang Thận, đơn vị đã tổ chức chiến đấu từ núi Bông, núi Nghệ, La Sơn, thọc sâu đánh chiếm thành phố Huế trưa ngày 25/3/1975 và giải phóng Cảng Thuận An chiều cùng ngày (10 ngày đêm liên tục hành quân tổ chức chiến đấu). Trung đoàn 3 tiếp tục được giao nhiệm vụ cùng Trung đoàn 9 Sư đoàn 304, Lữ 203 Tăng, thiết giáp trên hướng chủ yếu của Quân đoàn 2 từ Động Đen tây bắc Đà Nẵng tiến công chiếm Bộ tham mưu Quân đoàn 1 Ngụy sáng ngày 29/3/1975. Sau đó Trung đoàn 3 làm lực lượng dự bị trực tiếp của Quân đoàn 2 cùng tiến vào thành phố Hồ Chí Minh...
Như vậy là Trung đoàn 3 trong suốt cả năm 1974, sang năm 1975 liên tục chiến đấu không ngừng nghỉ, luôn luôn chủ động sẵn sàng trong mọi nhiệm vụ, không bỏ lỡ mọi thời cơ chiến đấu, luôn hiểu rõ nhiệm vụ, có lệnh là chấp hành, chiến đấu thắng lợi. Trong suốt thời gian năm 1974, 1975 ở đâu có trung đoàn 3, ở đó có chiến công. Xuyên suốt cuốn hồi ký, cá nhân tôi còn nhận thấy ở Trung đoàn 3, vào những thời điểm khi đơn vị gặp khó khăn, cấp trên đều rất cân nhắc giao nhiệm vụ cho các cán bộ có năng lực, trong đó có anh Lạn. Ví dụ năm 1968 anh Lạn được đưa về C3/D7 làm Đại đội trưởng, năm 1970 được giao Tiểu đoàn trưởng chỉ huy Tiểu đoàn 9. Đăc biệt năm 1974 anh được Quân khu Trị- Thiên và Sư đoàn 324 giao nhiệm vụ đưa trung đoàn đi chiến đấu ở Đắk Pét và Thượng Đức. Đó là những chiến trường xa lạ, khó khăn ác liệt nhưng tập thể cán bộ và anh Lạn đều nhận nhiệm vụ và vượt qua mọi thử thách. Đúng như nhận định của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: “ Trung đoàn 3 sư 324 là một tập thể anh hùng” và “ đồng chí Hồ Hữu Lạn là một cán bộ chỉ huy chiến đấu xuất sắc”.
Cũng như nhiều cuốn sách khác, cuốn hồi ký Trung đoàn một thời chiến trận của Đại tá Hồ Hữu Lạn còn một số khiếm khuyết về nội dung và hình thức, nhưng điều đó đối với tôi và nhiều cựu chiến binh Sư đoàn 324 không phải là vần đề cần quan tâm. Tác giả đã giãi bày: “Xuất phát từ sự tri ân, tưởng nhớ đồng đội, trân trọng lịch sử, truyền thống anh hùng của trung đoàn, sư đoàn và sự hy sinh của quân dân những địa phương đã cùng đơn vị chiến đấu lập công mà viết. Tôi viết về những việc tôi làm, tôi biết”. Đúng vậy, cuốn hồi ký đã lột tả được cuộc sống, tinh thần chiến đấu ngoan cường, sự hy sinh anh dũng của biết bao cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 3 anh hùng, Sư đoàn 324 anh hùng. Có đồng chí cựu chiến binh đã nói trong buổi phát hành sách: “Không viết cuốn hồi ký này, Đại tá Hồ Hữu Lạn còn mắc nợ với đồng chí, đồng đội và nhân dân đã cùng sát cánh trong chiến đấu”. Đúng vậy, cuốn hồi ký là nén hương lòng tri ân trong tâm anh, là nén tâm nhang gửi tới hơn 13 ngàn anh hùng liệt sỹ Sư đoàn 324 đã ngã xuống trên các chiến trường, là lời tri ân gửi tới bạn bè, đồng đội và quân dân các địa phương đã cùng sát cánh chiến đấu với trung đoàn. Chính vì vậy, cuốn sách sẽ còn sống mãi trong tâm trí người đọc, đúng như tên gọi cuốn sách “Trung đoàn một thời chiến trận”.
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.