Vẻ đẹp ba tác phẩm Bonsai của Đỗ Thanh Tùng

Leave a Comment

 Vẻ đẹp ba tác phẩm Bonsai của Đỗ Thanh Tùng trong triển lãm cây cảnh nghệ thuật Triều Khúc

Trong triển lãm cây cảnh nghệ thuật Triều Khúc, ở khu vực trưng bày cây Bonsai tôi rất ấn tượng với ba tác phẩm của tác giả Đỗ Thanh Tùng. Ba tác phẩm bonsai đẹp trong ba chậu gốm đặt trên ba chiếc bàn gỗ xinh xắn được quang dầu bóng, chạm khắc tinh xảo. Tất cả gợi nên hiệu ứng cảm xúc thẩm mỹ đến kỳ lạ.
Tác phẩm đầu là một bụi si tự nhiên đẹp đến nao lòng. Người ta nói song thụ tức là 2 cây quấn vào nhau cùng 1 gốc, hay 2 cây sát vào nhau, quấn qua thân nhau ôm lấy nhau thể hiện ý tưởng ở bên cạnh nhau, yêu thương chăm sóc lẫn nhau, bảo vệ nhau như tình phụ tử, tình phu thê, tình bằng hữu… Tác phẩm của Đỗ Thanh Tùng có tới 8 thân cây quấn sát bên nhau thoáng đãng, nhìn xuyên thấu, không đè nhau, không chen nhau, gợi cho nguời xem liên tưỏng đến nhiều điều kỳ thú.
Trước hết nói vể vẻ đẹp tổng thể. Tác phẩm Bonsai này thể hiện sự hài hòa giữa các yếu tố: số lượng cây (8 cây) cùng hình dạng chậu (hình ô van) và tỷ lệ, kích thước tổng thể khá mẫu mực. Tám cây si, số lượng cây nhiều được bố cục hợp lý, sắp xếp cân đối trong chậu, tạo cảm giác quần tụ, vững vàng và cuốn hút.
Tôi được biết từ một bụi si hàng chục năm trước ở nhà, tác giả đã dày công tạo dáng cây bên nhau, cây thì đứmg trực, cây thì hơi xiêu. Nhưng các gốc cây quấn bện bên nhau như chung một cội. Thân cây đều vươn lên thẳng, hoặc uốn lượn gân guốc, sần sùi, u bướu; phân tầng cao ở giữa, thấp dần hai bên, tạo tán tam giác tiêu chuẩn như khóm cây trong tự nhiên.
Về chi tiết, tôi thích nhất sự tương phản giữa các mảng màu như trong hội họa. Đó là màu xanh tươi, sum suê sinh động đầy sức sống của lá cây si với màu nâu già nua nhuốm màu năm tháng của thân cây, cùng với màu gốm nâu trầm của chiếc chậu hình ô van; mầu mảng hài hòa tạo ra một điểm nhấn ấn tượng cho tác phẩm…
Về ý nghĩa, tác phẩm Bonsai này của Đỗ Thanh Tùng thể hiện sự gắn kết trong một gia đình truyền thống. Ngoài ra nó còn gợi cho người xem cảm nhận được ý chí vượt mọi khó khăn của con người trước thiên nhiên và cuộc sống. Và theo quan niệm về số, bụi si 8 cây tượng trưng cho sự sung túc, phát tài, may mắn và thịnh vượng.
Có thể nói tác phẩm Bụi si 8 cây trong chậu gốm trên chiếc bàn gỗ là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, mang đậm dấu ấn cá nhân của tác giả. Tác phẩm thể hiện sự hài hòa, cân đối, tương phản và mang nhiều ý nghĩa nghệ thuật sâu sắc. Tôi cho rằng thành công nhất là tác giả đã tạo ra được một tác phẩm mô phỏng thành công một bụi si trong tự nhiên với dáng vẻ già cỗi, uy nghi, mang đến cho người xem cảm giác về với cội nguồn bình yên, thư thái và gần gũi với thiên nhiên.
Tác phẩm thứ hai của Đỗ Thanh Tùng là cây sanh thế hoành. Cây có thân phát triển theo bề ngang, đua sang bên, song song với mặt chậu hình ô van.
Xét về tổng thể, đây là cây bonsai có nét kỳ, cổ. Tác phẩm Bonsai này thu hút người xem bởi hình ảnh cây sanh thế hoành độc đáo, mô phỏng cây cầu bắc qua dòng suối. Ngắm nhìn tác phẩm này tôi chợt nhớ đến một thời trai trẻ trên rừng, hành quân trên đại ngàn Trường Sơn, đi qua những thân cây đổ ngang các dòng suối… Thế cây của tác giả rất ảo mà rất thực. Thân cây rỗng, uốn hình vòm bên những hòn đá, tác phẩm như mô phỏng lại những cảnh tự nhiên mà tôi đã từng được trải nghiệm…
Về bố cục, cây sanh cân đối, hài hòa với hình ảnh cây cầu và dòng suối, tạo cảm giác khoáng đạt và thanh bình. Ở bức tranh này, người xem thấy rất rõ sự tương phản giữa màu xanh của tán cây, của lá cây với màu gỗ của thân cây giống như cây cầu và bên dưới là đá… Nó là điểm nhấn ấn tượng cho tác phẩm.
Về nghệ thuật, tác phẩm thể hiện sự sáng tạo trong việc chọn phôi, tạo gốc, nuôi rễ và kỹ thuật uốn cây, cành, dăm bông đến kỳ công. Đặc biệt tác giả đã nuôi được một thân cây sanh to, khỏe khoắn, uốn cong tương xứng với bộ rễ bám vào lòng đất vững trãi, mô phỏng hình cây cầu tự nhiên vởi dáng vẻ bình yên, tĩnh lặng.
Về ý nghĩa nghệ thuật, tác phẩm Bonsai này thể hiện sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Cây cầu tượng trưng cho sự kết nối, giao thoa giữa hai bờ suối, cũng như giữa con người với nhau. Tuy nhiên tôi thấy có cái gì đó hơi thiêu thiếu, giá như tác giả tạo thêm một nét gì đấy, chảng hạn như thêm vài viên đá, sỏi để người xem tưởng tượng rõ hơn về một dòng suối thì thật tuyệt, vì dòng suối tượng trưng cho sự luân chuyển, sinh sôi nảy nở của cuộc sống của con người và thiên nhiên. Ý nghĩa nhân văn của tác phẩm cũng sẽ đậm nét hơn.
Cảm nhận riêng của tôi, tác phẩm "Cây sanh thế hoành" (tên này không phải do tác giả đặt mà do nhiều người gọi để phân biệt với các cây khác) là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, sáng tạo và mang nhiều ý nghĩa nghệ thuật, ý nghĩa nhân văn. Tác phẩm thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật Bonsai và nghệ thuật tạo hình, tạo nên một tác phẩm đẹp và ấn tượng, xứng đáng được người xem bàn luận và chiêm ngưỡng.
Tác phẩm thứ ba là cây sanh hai thân thế trực được đặt trong chiếc chậu hình chữ nhật. Tôi cho rằng đây là một tác phẩm mang vẻ đẹp cổ điển, giống như một tác phẩm bon sai tiêu chuẩn. Tác phẩm này thu hút sự chú ý, bàn luận của nhiều người xem vì vẻ đẹp đặc biêt. Nếu không có chiếc rễ rủ xuống từ một thân cành thì nhiều người đã lầm tưởng nguyên tác phẩm có nguồn gốc từ Nhật Bản.
Sự kết hợp giữa cây sanh hai thân thế trực và chậu gốm hình chữ nhật tạo nên một sự cân đối và hài hòa đáng ngạc nhiên. Cây sanh vừa thể hiện được sự cứng cáp, mạnh mẽ vừa thể hiện được nét mềm mại tự nhiên; trong khi chậu gốm hình chữ nhật thì lại thể hiện sự vững chãi và độc đáo đến hoàn chỉnh cho tác phẩm. Sự kết hợp này tạo nên một sự hài hòa giữa yếu tố cứng cáp và mềm mại, tạo nên một trạng thái cân bằng đẹp mắt.
Ngoài ra, tác phẩm còn thể hiện sự khéo léo trong nghệ thuật Bon sai. Cây sanh được tạo hình một cách tỉ mỉ để tạo ra hình dáng thân cành đẹp hài hòa giữa yếu tố nhân tạo và yếu tố tự nhiên. Các cành cây, các nhánh cây được uốn nắn, cắt tỉa một cách tinh tế để tạo hình khối tam giác cân đối đến ngạc nhiên.
Từng chi tiết nhỏ trong tác phẩm này cũng đáng để lại ngưỡng mộ cho người xem. Từ hình dáng chung của cây, từ đường nét hoa văn trên chậu gốm đến các cành lá và nhánh cây được tạo hình rất cẩn thận. Nó gợi cho người xem cảm nhận được sự tinh tế trong nghệ thuật chơi cây Bon sai.
Cuối cùng, để đánh giá chính xác về vẻ đẹp của ba tác phẩm Bonsai của Đỗ Thanh Tùng, tôi nghĩ người xem nên trực tiếp ngắm nhìn, tiếp xúc với tác phẩm ở mọi góc độ để cảm nhận được nét tổng thể cùng với những chi tiết và cảm xúc mà ba tác phẩm mang lại. Việc đánh giá giá trị của một cây Bonsai còn phụ thuộc vào sở thích, phụ thuộc vào quan điểm cá nhân của mỗi người. Trong việc thưởng thức vẻ đẹp của cây cảnh nghệ thuật, người xem cũng giống như người đọc một tác phẩm văn học, xem một tác phẩm tạo hình đều có quyền đồng sáng tạo tác phẩm, tạo nên những giá trị thẩm mỹ của riêng mình. Dù sở thích, quan điểm có khác nhau nhưng tôi tin rằng ba tác phẩm trong triển lãm cây cảnh nghệ thuật Triều Khúc của Đỗ Thanh Tùng đã đem đến cho người xem những cảm xúc thẩm mỹ nhất định. Với tôi, đó là cái đẹp của sự hài hòa, cân đối, cái đẹp của sự tương phản tinh tế và ấn tượng, cái đẹp trong tạo hình tạo nên tác phẩm cây cảnh nghệ thuật độc đáo, hấp dẫn.
Read More

Vẻ đẹp triển lãm cây cảnh nghệ thuật Triều Khúc

Leave a Comment

 Vẻ đẹp triển lãm cây cảnh nghệ thuật Triều Khúc

Để chào mừng ngày thảnh lập Đảng, chào mừng ba ngày hội xuân, ngày 12/2, Câu lạc bộ cây cảnh nghệ thuật Triều Khúc khai mạc Lễ trưng bày cây cảnh nghệ thuật. Về dự lễ khai mạc có đại diện của Trung ương Hội Sinh vật cảnh, đại diên Hội Sinh vật cảnh Hà Nội, đại diện Huyện ủy, Hội đồng Nhân dân huyện Thanh Trì, Đảng ủy, Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban Nhân dân xã Tân Triều, cùng một số thành viên câu lạc bộ cây cảnh nghệ thuật các tỉnh, huyện lân cận và đông đảo bà con yêu thích nghệ thuật cây cảnh triều Khúc.
Cảm nhận chung của những người yêu cây cảnh, của các đại biểu, các phóng viên báo đài, các bogger cây cảnh nghệ thuật thì đây là một cuộc triển lãm quy mô hoành tráng, quy tụ gần đầy đủ tác phẩm của các nghệ nhân, các tác giả nổi tiếng của Triều Khúc. Ngoài những tác phẩm nổi tiếng nhiều người biết đến như Khổng tước hạ sơn, Đại thụ lưu quang, Cổ Triều danh tự… còn có nhiều tác phẩm mới ra mắt lần đầu như Lão mai sinh quý tử của nghệ nhân Nguyễn Gia Hiền, Đại cổ làng Triều của Triệu Khắc Thủy, tác phẩm An Lành của Triệu Thế Cường, Mẫu tử tình thâm, Mẫu hiền tử hiếu của Triệu Khắc Hùng, Cửu liên hoa của Giang Nguyên Long, Giao long đẳng vân của nghệ nhân Cao Xuân Đô, Huyền Hữu Duyên của Nguyễn Gia Lâm… Tất cả đều đẹp và rất đẹp, mang phong cách riêng rất đặc trưng của Triều Khúc, không thể lẫn với các tác phẩm bất kỳ ở một cuộc triển lãm cấp quốc gia, cấp tỉnh, huyện nào trong cả nước. Bởi trong số hơn 200 tác phẩm cây cảnh nghệ thuật các loại, chỉ có hơn một chục tác phẩm của các nghệ nhân ở bên ngoài.
Có một số phóng viên, blogger hỏi tôi, cái gì tạo nên phong cách riêng của nghệ thuật cây cảnh Triều Khúc. Thâm chí có người còn gọi là trường phái cây cảnh nghệ thuật Triều Khúc. Tôi không đồng ý với cách gọi này. Nói phong cách riêng Triều Khúc thì còn có thể chấp nhận được.
Tôi cho rằng thế Mai bò, Mẫu tử, một trong những thế cây phổ biến, được các nghệ nhân, các tác giả xưa nay làm nên “thương hiệu” nổi tiếng của Triều Khúc. Chính thế này với thời gian, biến thành thế hai cây, ba cây, đã in đậm dấu ấn ở nhiều tỉnh thành, để lại nhiều cây cảnh nghệ thuật cổ, mỗi cây có giá trị hàng chục tỷ đồng.
Thế Mai bò, Mẫu tử Triều Khúc mang một vẻ đẹp độc đáo và đầy ý nghĩa, thể hiện tình mẫu tử thiêng liêng và cao quý chung, đồng thời nó cũng mang nét đặc trưng rất riêng của làng Triều Khúc.
Về mặt hình thức: Thế mẫu tử thường được tạo ra từ hai cây, cây lớn tượng trưng cho người mẹ và cây nhỏ tượng trưng cho đứa con. Hai cây được ghép đối nhau tạo nên một tổng thể cân đối và đẹp mắt. Thân cây mẹ to khỏe, sần sùi, thể hiện sự già dặn theo năm tháng như con hạc gương cánh, hồi đầu che chở cho con non. Cây con mọc lên từ thân cây mẹ, vươn lên, nương theo cây mẹ đầy sức sống, tượng trưng cho cuộc sống tiếp nối.
Thân, cành lá của hai cây mẫu, tử được các nghệ nhân Triều Khúc tạo dáng, uốn nắn và cắt tỉa cẩn thận theo một nguyên tắc chặt chẽ giống như bố cục của một bức tranh, niêm luật của một bài thơ, tạo nên những đường nét cương nhu, cứng cáp khỏe khoắn nhưng mềm mại và uyển chuyển. Chẳng hạn như tay Trấn phong khỏe khoắn can trường che chắn nhưng vẫn dịu dàng viên dung bao lấy cây tử. Tay Diều hay tay Nghênh phong mềm mại vươn lên đón sinh khí của đất trời. Tay Hổ ngắn chùn chũn, mập mạp đối xứng với tay Long thon dài mềm mại…
Ngay cả tay, tán, dăm bông cành lá cũng được tạo theo nguyên tắc âm dương tương sinh tương khắc, tương phản nhau nhưng nương tựa vào nhau, hòa hợp với nhau, tạo nên nét cương nhu hài hòa. Các cụ xưa đã mang cả triết lý âm dương ngũ hành vào trong cây thế. Sự cân đối hài hòa phải đạt đến mức tổng thể, trong mối tương quan giữa tổng thể với bộ phận, giữa các bộ với bộ phận của cả cây. Toàn bộ thân, cành, tán phải hài hòa với gốc rễ theo một tỉ lệ nhất định. Và bộ rễ của hai cây mẫu tử được bện chặt vào nhau, tượng trưng cho sự gắn kết bền vững, không phân tán, tách rời.
Về mặt ý nghĩa: Thế Mai bò, Mẫu tử là biểu tượng cho tình mẫu tử thiêng liêng, cao quý và đầy hy sinh. Tình yêu thương của người mẹ dành cho con cái là vô bờ bến; luôn che chở và bảo vệ con trong mọi hoàn cảnh. Hình ảnh cây con vươn lên từ thân cây mẹ tượng trưng cho sự tiếp nối thế hệ, tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở và phát triển của cuộc sống.
Thế mẫu tử còn mang ý nghĩa về sự đoàn kết, gắn bó và yêu thương trong gia đình. Đó chính là ý nghĩa nhân văn trong tiêu chuẩn đánh giá về cây đẹp: Kỳ, cổ, mỹ, văn. Trong đó, tôi cho rằng cái chất văn phải là hồn cốt của cây cảnh nghệ thuật. Độc giả quan tâm có thể tham khảo lời bình của tôi trong các video của Hoàng Lịch Thiệp trên Youtube qua một số tác phẩm tiêu biểu về thế mẫu tử ở triển lãm cây cảnh hội làng Triều Khúc năm 2024.
Với vẻ đẹp độc đáo và ý nghĩa sâu sắc, thế Mai bò, mẫu tử luôn là một lựa chọn hàng đầu cho những người yêu thích nghệ thuật chơi cây cảnh Triều Khúc. Nói như vậy không có nghĩa là các nghệ nhân chỉ bảo thủ với thế cây tủ của mình. Trong quá trình tạo thế cây, các nghệ nhân qua các thế hệ vẫn luôn tự đổi mới. Nhiều nghệ nhân sau này bỏ tay trấn phong, thêm vào tay tế thân, hoặc bỏ dáng mai bò, thân hai cây mang dáng long tựa như cây của xứ Nam. Tiêu biểu trong số xu hướng này là các tác phẩm của Nguyễn Quang Dũng hay tác phẩm Giao long đẳng vân của Cao Xuân Đô, cặp long một trên một dưới bay bổng như đang đùa rỡn dưới trời mây. Một anh bạn họa sỹ đi cùng hỏi tôi: “ Chủ nhân có phải là họa sỹ không mà hình khối, kết cấu vừa bay bổng vừa chặt chẽ như một tác phẩm điêu khắc vậy”…
Có một điều đáng chú ý là các cụ Triều Khúc xưa không làm cây thế huyền, không để lại một tác phẩm thế huyền nổi tiếng nào. Ngày nay có nhiều nghệ nhân, nhiều tác giả đã tập trung khai phá thế này. Nhiều người đã gặt hái được thành công. Tiêu biểu trong số nghệ nhân này có nghệ nhân Vũ Minh Châu, Cao Xuân Đô, Nguyễn Gia Lâm, Nguyễn Huy Đào, Triệu Khắc Huy… với hàng chục tác phẩm thế huyền rất ấn tượng trưng bày trong triển lãm. Tôi đã phân tích tác phẩm Huyền hữu duyên trong một video của Hoàng Lịch Thiệp, độc giả có thể tham khảo thêm trên Youtube.
Vẻ đẹp độc đáo của thế huyền trong nghệ thuật chơi cây cảnh bắt đầu được giới chơi cây cảnh Triều Khúc chú ý. Thế huyền là một trong những thế cây bonsai được yêu thích bởi vẻ đẹp độc đáo, mang đậm tính nghệ thuật và triết lý nhân văn. Nó thể hiện xu hướng hội nhập với nghệ thuật Penjing của Trung Quốc, nghệ thuật Bonsai của Nhật Bản trong lối chơi cây cảnh của người Triều Khúc.
Về hình thức, thế huyền rất uyển chuyển, mềm mại. Thân cây uốn cong như thân rồng, tán lá nhấp nhô buông xuống, tạo cảm giác bồng bềnh như dòng thác đổ hay nhành liễu rủ từ vách đá xuống. Nét đẹp kỳ thú nằm ở sự tương phản, tương phản giữa phần thân già cổ kính, gân guốc, sần sùi khắc khổ uốn cong với tán cây xanh non đầy sức sống hướng lên trời cao, tạo nên sự cân bằng, hài hòa cho tổng thể. Tác phầm Huyền hữu duyên, Long hý thủy cùng hàng chục tác tác phẩm thế huyền đẹp đã thu hút được sự chú ý và tán thưởng của nhiều người.
Về mặt ý nghĩa, hình ảnh cây thế huyền, cây nghiêng đổ, nhưng vẫn vươn lên dù thân mình nghiêng ngả, thể hiện cho ý chí kiên cường, bất khuất trước nghịch cảnh. Thế huyền cũng thể hiện khả năng thích nghi với môi trường sống khắc nghiệt, tượng trưng cho tính linh hoạt, mềm dẻo trong cuộc sống. Tán cây hướng lên thể hiện tinh thần vươn lên, hướng tới những điều tốt đẹp.
Để tạo ra thế huyền đẹp, người nghệ nhân phải có kỹ thuật uốn cây cao, giúp thân cây uốn cong mềm mại một cách tự nhiên. Nghệ nhân phải biết kết hợp hài hòa giữa cây, chậu, đá và phụ kiện phải được lựa chọn và kết hợp hài hòa với nhau để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh tùy theo sự sáng tạo của mỗi nghệ nhân, thể hiện phong cách và cá tính riêng trong qua trình tạo hình.
Tôi được biết trong triển lãm năm sau sẽ có nhiều tác phẩm thế huyền nữa được ra mắt. Bởi vẻ đẹp của thế huyền không chỉ nằm ở hình thức bên ngoài mà còn ở ý nghĩa sâu sắc bên trong. Cây thế huyền là một tác phẩm nghệ thuật, mang lại giá trị thẩm mỹ cao và mang đến nhiều lợi ích về mặt phong thủy cho gia chủ. Trong quá khứ cây thế huyền ở Triều Khúc chưa xứng tầm với các dáng thế khác như Mai bò, mẫu tử, tam đa, ngũ phúc… hy vọng rằng thời gian tới sẽ có một số tác phảm thế huyền để lại dấu ấn trong giới cây cảnh nghệ thuật toàn quốc!
Ấn tượng cuối cùng của tôi trong triển lãm lần này là số lượng trên 100 cây Bosai ở tất cả các dáng thế. Nó thể hiện xu thế chuyển mình trong lối chơi cây cảnh hiện đại, trong thời đại toàn cầu hóa, trong hoàn cảnh đô thị hóa, đất chật người đông.
Một số nghệ nhân và khá nhiều tác giả như Triệu Chi Năng, Triệu Khắc Tiệp, Giang Nguyên Long, Triệu Khắc Huy, Nguyễn Hữu Ninh, Đỗ Thanh Tùng, Nguyễn Huy Thông, Bùi Văn Úy, Triệu Khắc Cường , Nguyễn Duy Nam, Triệu Khắc Chiến, Nguyễn Gia Cường… đã tạo ra nhiều tác phẩm thật sự gây “sốc” cho người xem. Tuy chưa đạt tiêu chuẩn cổ, kỳ, mỹ, văn như các tác phẩm truyền thống lớn nhưng thực sự nhiều cây đã đạt đến mức khá hoàn mỹ theo tiêu chuẩn của cái đẹp hiện đại. Và điều đặc biệt là nó vẫn mang bóng dáng, hồn cốt của phong cách Triều khúc, một tín hiệu đáng mừng về nghệ thuật cây cảnh nghệ thuật hiện đại nối tiếp được truyền thống của người chơi cây cảnh Triều Khúc… Trong số đó có hơn 30 tác phẩm của nhóm Bonsai mini kết hợp tiểu cảnh cực kỳ tinh xảo, có thể để trên tay. Anh bạn thủa thiếu thời Nguyễn Huy Hiền, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cây cảnh nghệ thuật đầu tiên của Triều khúc đã nhận xét: “ Một vườn cây, một triển lãm thu nhỏ, có rừng núi, có sông suối, có đồng bằng. Thật tuyệt”…
Để kết thúc bài viết, tôi xin trích một đoạn trong bài phát biểu của mình nhân Lễ khai mạc trưng bày cây cảnh nghệ thuật Triều Khúc: “Triển lãm này không chỉ là nơi giới thiệu những tác phẩm đẹp mắt mà còn là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại và tương lai, là thành qủa của ông cha truyền lại cho con cháu. Chúng ta có cơ hội tìm hiểu về kỹ thuật truyền thống, những bí quyết trồng cây cảnh được truyền từ đời này sang đời khác. Chúng ta cũng có cơ hội để tiếp thu những tinh hoa của nghệ thuật cây cảnh Pẹnjing Trung Hoa, nghệ thuật Bonsai Nhật Bản; đồng thời, triển lãm cũng tạo điều kiện để các nghệ nhân trẻ tuổi và những người yêu thích cây cảnh khám phá và thể hiện tài năng sáng tạo của mình.
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.