Thu tình

Leave a Comment
Thế rồi thu nhớ cũng sang
Gió heo may khẽ ru hàng tre xanh
Đất trời nhè nhẹ thanh thanh
Hoa cau lấm tấm, mong manh đợi chờ

Thế rồi thu đến mộng mơ
Sớm mai gọi nắng choàng bờ vai em
Thoảng đâu sen, cốm dịu êm
Chuối cây vàng chín bên thềm cô liêu

Thế rồi thu ướm lời yêu
Se se chớm lạnh một chiều mối mai
Ngàn thu tình cũ còn phai?

Bâng khuâng một thoáng gọi ai thu về!
Read More

Vắng em

Leave a Comment
Vắng em trống trếnh gian phòng
Vắng em canh cánh bên lòng bất yên
Vắng em gió bấc ngoài hiên
Mưa giăng bối rối một miền xa xôi
Vắng em bứt rứt đứng ngồi
Muốn xua lạnh lẽo mây trôi lưng trời
Muốn trao hơi ấm cuộc đời
Trách ai mưa gió cho người vắng nhau
Để sông da diết qua cầu

Nhớ nhung anh ngỡ buổi đầu gặp ai
Read More

Cảm xúc hồ núi Cốc

Leave a Comment
Lên rừng chợt nhớ anh
Để thẹn lòng nghe chuyện tình núi Cốc
Mây trắng lững lờ bay núi non đơn độc
Soi xuống dòng Công nước mắt ven thủy chung

Hồ biếc mênh mông tắm ánh nắng hồng
Mặt nước dưới cầu xốn xang gợn sóng
Sương giăng tím đồi mua còn đọng
Một lá thuyền theo dòng nước về xuôi

Bản vắng xa xôi nằm bến chân đồi
Ngọn khói lam chiều lơ thơ xóm vắng
Chuyện cũ xưa... nghe thanh âm im lặng
Lời hứa nào theo ngày tháng dần phai

Chỉ dòng Công trong vẫn tìm bến miệt mài
Để mãi ngàn năm dệt nên huyền thoại
Khuất phương trời, quê anh xa ngái

Một chút tình muộn day dứt với lòng ai
Read More

Vô đề

Leave a Comment
Sao ba khơi lại cuộc đời
Sao ba thức dậy một thời đã qua
Bởi mai khôn lớn đi xa
Con về nơi ấy nhận ra cuộc đời
Read More

Bắc Ninh và anh

Leave a Comment
     Kính tặng anh Nguyễn Văn Phúc, cựu chiến binh Sư đoàn 324!
Bắc Ninh là một trong những tỉnh tôi yêu quý nhất. Có rất nhiều lý do nuôi dưỡng nguồn tình cảm đẹp đẽ này.
Lần lại quá khứ, phải bắt đầu từ ngày tôi được gọi vào học sư phạm. Lúc đó, tôi mới biết đến miền đất Bắc Ninh- Kinh Bắc. Tôi được học, qua thầy cô, qua bạn bè về xứ Bắc từ cái thủa bình minh của dân tộc Việt. Nơi ấy đã trở thành điểm hẹn “ đan xen, hội nhập, tiếp biến, giao thoa văn hóa”  của hai tộc Việt: Âu Việt và Lạc Việt, rồi trong tiến trình lịch sử là Việt- Hoa, Việt- Ấn. Có thể nói Kinh Bắc là cái nôi văn hình thành nên nền văn hóa Đại Việt.

Dần dần tôi hiểu sâu hơn, Kinh Bắc còn là xứ sở của văn hóa Phật giáo với hàng trăm ngôi chùa nổi tiếng (Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài). Kinh Bắc còn là xứ sở của văn hóa Nho giáo với hàng trăm Trạng - Nghè - Cống , tiêu biểu là  Lê Văn Thịnh, người làng Đông Cửu, có thể gọi là trạng nguyên khai hoa đỗ đầu kỳ thi năm1075 trong khoa thi đầu tiên của triều Lý. Kinh Bắc còn là xứ sở của lễ hội đình đám; quê hương của những bức tranh dân gian nổi tiếng Đông Hồ; quê hương của những làn điệu dân ca trữ tình tuyệt đỉnh đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; quê hương của trăm nghề công, nông, thương và một mạng lưới chợ quê dày đặc, sản sinh ra những làng nghề, làng buôn để bước chân người xứ Bắc in dấu khắp mọi miền đất nước.

Nhưng thế vẫn chưa đủ để lý giải Kinh Bắc đã đi vào lòng tôi như một người tình say đắm. Cái chất của người Kinh Bắc không chỉ khai sinh ra một triều đại Lý nổi tiếng mở đầu cho nền độc lập của chế độ phong kiến Việt Nam, mà còn sinh ra rất nhiều những anh hùng, tài tử, giai nhân mà tên tuổi của họ mãi mãi lưu truyền cùng với lịch sử dân tộc. Ở cái tầm “vĩ mô” thì như vậy, còn ở cái tầm” vi mô” thì có lẽ ở cái mảnh đất này tôi có nhiều bạn bè nhất, bạn bè sư phạm, bạn bè quân ngũ, bạn đồng nghiệp, bạn bè làm ăn. Họ là những người con trai tài hoa, đa tình, rộng mở. Họ là những người con gái đằm thắm, duyên dáng, ý nhị( Trai Cầu Vồng Yên Thế, gái Nội Duệ Cầu Lim).

Phải nói thêm rằng tôi đã đến với mảnh đất Bắc Ninh hàng trăm lần. Công việc to nhỏ của gia đình bạn bè. Công việc làm ăn. Công tác giảng dạy. Đưa đón đồng nhiệp, bạn bè, học sinh tham quan nhiều địa chỉ như Luy Lâu, Long Biên, Phật Tích, chùa Dâu, Chùa Tiêu, đền Lý bát Đế, Bút Tháp…

Và bây giờ thêm một lý do nữa để tôi mê Bắc Ninh hơn, trong chuyến trở về Thượng Đức, Đại Lộc, Quảng Nam tôi được gặp anh Phúc, Nguyễn Văn Phúc sinh ngày 25 tháng 12 năm 1949 tại thành phố Bắc Ninh. Anh nhập ngũ ngày 22 tháng 7 năm 1967. Đi B chiến đấu ở mặt trân B5 thuộc Trung đoàn 3 Sư 324.

Thật là lạ, suốt trong thời gian ở chiến trường, thời gian sinh hoạt hội cựu chiến binh sư đoàn, trung đoàn và bao lần trở lại thăm lại chiến trường xưa, tôi chưa một lần gặp anh. Lần thì anh mắc việc, lần thì tôi bận. Và có lẽ với rất nhiều đồng đội khác cũng vậy. Thế mới biết gặp nhau, quen biết nhau là một cái duyên trong đời.

So với lớp chúng tôi nhập ngũ năm 1971, 1972,  anh Phúc thuộc thế hệ đàn anh, cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề Lính bộ binh. Là lính bộ binh từ năm 1967, anh  từng trải qua hàng chục trận đánh cấp chiến dịch, hàng chục trận đánh cấp địa phương, còn cấp trung đội và tiểu đội thì như cơm bữa. Ở trung đoàn 3 của tôi, chỉ có khoảng dăm chục người lính dày dạn trận mạc như anh  mà vẫn còn nguyên vẹn. Nhiều anh em trong đơn vị thường đùa “ Cái loại người này có cho vào cối giã cũng không chết”. Hình như bom đạn nó tránh hay nó chừa các anh thì phải. Nói như vậy thật không ngoa, vì Sư đoàn 324 của tôi trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước có tới trên 12000 người lính đã để lại tuổi thanh xuân của mình trên các chiến trường. Và đương nhiên là gấp đôi , gấp ba con số đó bị mất sức vĩnh viễn, bị thương tật, đến nay rất nhiều người đã ra đi. Cũng vì vậy, chúng tôi rất quý trọng anh.

Trước tiên, chúng tôi phải cảm ơn tỉnh Quảng Nam, huyện đại Lộc đã mời chúng tôi, các cựu chiến binh, những người đã từng tham gia chiến dịch Nông Sơn- Thượng Đức, thuộc ba sư đoàn và các đơn vị phối thuộc về dự Lễ Khánh thành Đài tưởng niệm chiến thắng Thương Đức và kỷ niện 40 năm chiến thắng Thượng Đức. Chính vì thế, nhiều người trong chúng tôi mới có duyên gặp nhau sau 40 năm xa cách.

Chiến dịch Nông Sơn- Thượng Đức là một chiến dịch những người lính năm xưa thuộc Sư đoàn 304 và trung đoàn 3 Sư 324 mãi mãi còn khắc sâu trong tâm trí. Một ngàn chiến sĩ sư đoàn 304, 324 chiến sĩ Trung đoàn 3 Sư 324  và hàng trăm chiến sĩ ở các đơn vị phối thuộc khác đã nằm xuống trong chiến dịch này. Mảnh đất Thượng Đức, Bàn Tân , Hà Nha, Hà Sống, gò Ôm, điểm cao 1062, bình độ 700… còn thấm biết bao máu của lớp lớp đàn anh trong những trận đánh trước nữa. Người anh cùng làng của tôi là Giang Xuân Sách cũng gửi tấm than của mình ở nghĩa trang Đại Lộc. Chúng tôi mãi mãi khắc sâu trong tâm trí vì chiến dịch này đã đập tan hệ thống phòng thủ mạnh nhất miền Trung, mở toang cánh cửa thép xuống Đà Nẵng. Chiến dịch này đã làm thay đổi so sánh lực lượng giữa lực lượng chủ lực cơ động của ta và của địch. Dù chính quyền Việt Nam cộng hòa đã tung sư đoàn dù, lực lượng tổng dự bị, sư đoàn thiên thần mũ đỏ sát cộng vào trận để tái chiếm Thượng Đức, cuối cùng vẫn sa lầy và thất bại. Từ thực tế chiến dịch này, Bộ chính trị, Quân ủy Trung ương đã có quyết sách đúng đắn cho chiến dịch Tây Nguyên, tiến tới giải phóng hoàn toàn Miền Nam mấy tháng sau đó.

Do tuổi tác, cùng với những năm tháng gian khổ ở chiến trường, đói ăn đói mặc, sốt rét triền miên, cũng như rất nhiều đồng đội khác, sức khỏe anh Phúc  đã suy giảm, nhưng anh vẫn cố gắng cùng bốn chục anh chị em trong đoàn Hà Nội về lại chiến trường tri ân đồng đội, thắp cho đồng đội hy sinh năm nào một nén nhang, gặp gỡ lại những đồng đội ở xa, những chỉ huy, thủ trưởng hiện thời là tướng ,tá mà có lẽ lần gặp này là lần gặp cuối. Nhiều người đã 70, 80 tuổi rồi.  Cái tình của anh thật đáng trân trọng. Và trân trọng hơn, chị đã phải theo anh, chăm sóc từng bữa ăn, viên thuốc, giấc ngủ… để anh có thể vượt qua chặng đường dài về với đồng đồng chí, đồng đội nằm ở hàng chục nghĩa trang từ Quảng Bình tới Quảng Nam.

Tôi đã đôi lần nói chuyện với chị trong chuyến đi và nghe sơ sơ về chuyện gia đình anh chị. Thì ra xưa kia chị học tại Khoa Sử Trường Đại học Tổng hợp, ngay cạnh nhà tôi. Chị quen biết một số bạn bè của tôi. Và đặc biệt chúng tôi có chung những người thầy, những nhà nghiên cứu tài năng “ Lâm, Lê, Tấn, Vượng”. Tôi biết chắc rằng anh chị có một câu chuyện tình thời thanh xuân đẹp như trăm ngàn mối tình lãng mạn của những người lính thời chiến vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước.

Trong chuyến đi này, anh mang theo máy quay cá nhân. Đi đến đâu anh cũng cần mẫn đi trước về sau, chọn cảnh chọn người ghi lại những hình ảnh, một lần nữa để chúng tôi cần nhớ về đồng đội. Tôi và nhiều anh em khác cũng đem theo máy quay, nhưng đó chỉ là những hình ảnh rời rạc. Còn anh, sau chuyến đi, chỉ sau vài ngày, anh đã gửi cho chúng tôi một cuốn băng video, khi xem, tôi nghĩ cuốn băng này chỉ cần chỉnh qua và viết lời bình thì có thể đưa lên truyền hình, khiến con tim của những người lính già nghẹn ngào xúc động. Vậy mà anh gọi điện cho tôi “ Huệ thông cảm, gọi là cây nhà lá vườn”. Tôi nghĩ, nếu không có chiến tranh, đi theo con đường nghệ thuật, chắc anh sẽ trở thành một nghệ sĩ đích thực.

Tôi nói như vậy, bởi trong chuyến đi, anh khiến chúng tôi nhớ lại những người thân yêu, đôi mắt nhòa lệ. Đã bao lần tôi viết về đồng đội, nhưng chưa một lần tôi bằng lòng với mình. Kể cả bài thơ Viếng bạn của Hoàng Lộc, Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân và nhiều bài thơ của những nhà thơ nổi tiếng đi vào sách giáo khoa, tôi vẫn thấy nó thiêu thiếu cái gì đó, hình như hơi thừa chất chính trị và vắng cái gồ ghề mất mát cá nhân.

Thật lạ, tôi lại thích mấy bài thơ của anh, viết ngay sau khi thắp hương cho đồng đội và ngay sau khi thăm lại Thạch Hãn, A Sầu, A Lưới, A Bia, Thanh Tân, Cổ Bi, Ba Khe, Gò Rùa, Vu Gia… đặc biệt trong đêm viếng nghĩa trang Đại Đồng , Đại Lộc, hàng ngàn ngọn nến, cả một rừng nến mênh mông nhấp nháy như những linh hồn mờ tỏ, đôi mắt ai nấy đều mờ đi, tôi nghe thấy tiếng lòng anh thiết tha gọi Khuyến ơi :


Khuyến ơi


Vô tình tao gặp lại mày
Nghĩa trang cỏ dại bám đầy bước chân.
Ra đi mấychục  mùa xuân
Mà sao không được một lần tiễn đưa.

Tiếng gà bản gáy giữa trưa
Nồi cơm nấu dở, gió mưa dập vùi.
Trèo lên đỉnh dốc Cao bồi,
Một không bảy tám đứng ngồi không yên.

Mưa ơi sao cứ triền miên
Áo quần ướt hết, mùng mền thì không
Quanh năm nằm đất, chân trần
Ba lô vẹo vọ, trăm phần đắng cay

Bọn tao có được ngày nay
Là nhờ công của bọn mày năm xưa.
Những sớm nắng, những chiều mưa
Mỗi lần lên chốt lại thừa bữa ăn.

Sau trận đánh lạnh chỗ nằm
Chất đầy thương nhớ, vạn trăm nỗi buồn
Khuyến ơi thôi ở lại luôn
Với nhiều đồng đội vẫn còn bơ vơ.


Vái vọng


Chúng tao đã về đây – lính E3
Mang cho chúng mày nước sông Hồng phù sa ruộm đỏ
Bánh cốm Hàng Than- cả chiều thu lộng gió
Của Hà Nội yêu thương triệu tấm lòng  

Không có gì buồn hơn sáng nay
Chúng tao xếp hàng ngang
Gọi chúng mày khản giọng
Hùng ơi, Hòa ơi, Tiến ơi…

Nhìn dốc Ông Già cao ngất
Nhớ đoạn đường dài đói cơm
Thương nhau mình san sẻ
No đói có gì đâu

Ấp Thanh Tân-  sơn quả
Trận đánh vẫn kéo dài
Xe tăng thù còn cháy
Thấy dáng mày Hùng ơi.

Đứng giữa đất, giữa trời
Hát bài ca đồng đội
Thắng, Trường, Nhuần và Huệ
Khóc dòng vì nhớ thương.

Lấy mô đá làm mộ
Cảnh thắp ba nén hương
Bọn chúng tao vái vọng
Ở cõi âm đừng buồn. 


Sau chuyến đi, ba lần tôi gọi điện xin thơ anh. Lần thư ba anh mới gửi tôi mấy bài đã tặng đồng đội: Bài Thầy giáo thương binh tặng Sơn, bài Người lính ra đi trong chiến tranh tặng Chương, bài Bắc Ninh thành phố vào đông tặng Truyền. Đúng là hồn thơ xứ Bắc. Và đúng là tính khí con người xứ Bắc trong câu ca dao:
Trời mưa cho ướt lá khoai
Đố ai lấy được con trai Thổ Hà
Trời mưa cho ướt lá cà
Đố ai lấy được đàn bà Vạn Vân.

Tôi hứa với lòng mình rằng, tết tới đến Đồng Kị thắp hương cho Hảo, thăm Cải; về hội Lim thăm “liền chị” Hương, Lan; dự hội Đình Bảng tới nhà Ngưu, Oanh. Thế nào tôi cũng đến thăm gia đình anh, anh Phúc, người con của xứ Bắc mà tôi hằng yêu mến.

Hà nội, 11/11/2014.
Read More

Thoáng chút ngày xuân

Leave a Comment
Bao ngày mới trở về đây
Bâng khuâng bến Yến sương ngày mộng mơ
Thuyền ai buông mái đơi chờ
Khách đâu dừng bước ngẩn ngơ hội chùa

Râm ran cười ấm bụi mưa
Em ơi còn nhớ đò xưa bồng bềnh
Thiên Trù xanh núi vây quanh
Bàn tay em níu tay anh lên thềm

Đường vào nghe bước chân quen
Động Hương còn bóng hình em thủa nào
Gió nghiêng núi nhớ nôn nao
Đem theo hương sắc gửi vào thung mây

Bây giờ mới trở về đây
Bóng chiều xa tím khôn khuây bùi ngùi
Xuân đi xuân đến buồn vui
Lỡ rồi, thì cũng một thời đắp xây

Ngỡ rằng em cũng về đây
Ngỡ rằng em cũng  đong đầy nhớ thương
Cầu mong năm tháng vô thường
Trái tim đơn chiếc ấm đường xuân xa.
Read More

Có bao giờ

1 comment
Thủa còn thơ
Con đến trường
Buồn vấn vương
thương bạn nghèo
Bao lần khóc

- Mẹ ấy lấy chồng
Không đủ tiền học
Sớm mờ sương đã ra đồng
Con nghẹn ngào ngóng trông
Một bóng nhỏ
Liêu xiêu chống chọi mùa đông
Một ngôi nhà chật
                            trống không

Mưa rét ướt mờ trời
Xót nhớ bạn, bùi ngùi
Bước chân ai chạy nhảy
Mình con nhặt lá, giấy
Làm trâu lá đa, gấp thuyền
Tối về hai đứa cùng chơi

Năm tháng dần trôi
Má ửng hồng , đỏ thắm đôi môi
Náo nức con vào trường đại học
Có bao giờ con còn khóc
Người bạn nghèo xưa
Lầm lũi sớm khuya
Trên cánh đồng
                Mùa đông
                                giá rét.
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.