Cảm nghĩ về lễ hội làng Lệ Mật và Thập tam trại qua một cuộc thi

Leave a Comment

 Cảm nghĩ về lễ hội làng Lệ Mật và Thập tam trại qua một cuộc thi

Nhận lời lãnh đạo một tập đoàn giáo dục, tôi làm giám khảo ngày Hội Công nghệ Thông tin cho Ngành Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình. Ban đầu tôi tưởng làm giám khảo cuộc thi chuyên về STEM vì đã tham gia tham luận về STEM và làm giám khảo STEM cho một số quận huyện ở Hà Nội trước đó. Nhưng khi nhận lời mời chính thức kèm theo Kế hoạch Tổ chức Cuộc thi làm phim “Dấu ấn Ba Đình”, tôi mới nghĩ là mình nhầm. Đây là cuộc thi dành cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh đam mê làm phim tại các trường học trên địa bàn quận Ba Đình.
Cuộc thi làm phim “Dấu ấn Ba Đình” nhằm tuyên truyền, hỗ trợ việc dạy học lịch sử địa phương, cụ thể là lịch sử quận Ba Đình; nhằm nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, hướng tới nền giáo dục số, một nền giáo dục thông minh. Cuộc thi còn nhằm mục đích phổ biến, tuyên truyền, quảng bá về lịch sử, truyền thống văn hóa Ba Đình tới các nhà trường, phụ huynh học sinh và người dân. Cuộc thi cũng nhằm thực hiện công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh thông qua hoạt động viết kịch bản điện ảnh về lịch sử, văn hóa, giáo dục, diễn xuất, quay phim, biên tập…
Thời lượng phim dự thi gói gọn trong khoảng 5 phút. Đề tài về các di tích lịch sử cách mạng, văn hóa tiêu biểu như Hoàng thành Thăng Long, Chùa Một cột, Đền Quán Thánh, Cột cờ, Quảng trường Ba Đình, Phủ Chủ tịch; các nhân vật lịch sử: Hoàng Phúc Trung, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Chủ tịch Hồ Chí Minh; Các làng nghề truyền thống: Làng đúc đồng Ngũ Xã, làng cốm Yên Ninh. Làng thuốc nam Đại Yên, làng hoa Ngọc Hà; lễ hội truyền thống: Lễ hội đình Kim Mã, Giảng Võ, lễ hội Tam thập trại; Ba đình trong cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và cuối cùng là giáo dục Ba Đình với chuyển đổi số.
Đọc nội dung kế hoạch và định hướng biểu điểm tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì đây mới là chuyên môn sở trường của mình, vì cũng không ít lần tham gia làm giám khảo trong các cuộc thi về lịch sử, văn hóa, lễ hội từ cấp trường học tới cấp quận huyện. Mặc dù với gần 40 tác phẩm dự thi tôi ước chừng chỉ khoảng hai ngày là mình hoàn thành công việc.
Với những người học về lịch sử, văn hóa, đề tài và chủ đề thi như đã nêu trên đều quá quen thuộc. Riêng về nhân vật Hoàng Phúc Trung và lễ hội Thập tam trại thì chắc không phải ai cũng tỏ tường. May mắn tôi đã nhiều lần “điền dã” Hội làng Lệ Mật, tham dự Lễ hội Thập tam trại lớn nhất do Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình cùng Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch thành phố tổ chức vào đầu năm 2010 ở núi Sưa/Xưa trong khu vực Vườn Bách thảo quận Ba Đình (lễ hội trong chuỗi kỷ niệm 1000 năm Thăng Long). Tôi cũng đi điền dã tìm hiểu hầu hết các lễ hội truyền thống và các điệu múa của “Vùng văn hóa Thập tam trại” ở quận Ba Đình, Hào Nam (Đống Đa) nhằm thỏa mãn thú đam mê riêng. Vì vậy có thể nói không có điều gì khiến tôi phải lăn tăn khi nhận làm giám khảo cuộc thi.
Nhớ lại gần 30 năm trước, lần đầu đến làng Lệ Mật, khi đó vẫn là một làng quê như bao ngôi làng ngoại thành thuộc huyện Gia Lâm. Vào làng chúng tôi phải qua một cánh đồng lúa đang thì con gái. Hai bên đường cắm đầy cờ hội tung bay trong tiếng chiêng trống rạo rực. Qua tìm hiểu tôi được biết Lệ Mật xưa có tên là "Trù Mật", một số nhà nghiên cứu cho rằng có thể vì kỵ húy chúa Trịnh Chù (Trịnh Cương) nên tên làng đổi thành Lệ Mật.
Các cụ cao niên trong làng kể lại, tương truyền vào đời vua Lý Thái Tông (1000-1054), có một công chúa thường bơi thuyền du ngoạn trên dòng Thiên Đức (sông Đuống ngày nay). Không may một hôm công chúa bị đắm thuyền chết, mất ngọc thể. Vua xuống lệnh cho quan quân tìm kiếm nhưng không ai tìm được. Có một chàng thanh niên họ Hoàng (Hoàng Phúc Trung) ở Lệ Mật tình nguyện ra đi. Chàng đã dũng cảm một mình chiến đấu với thủy quái và cuối cùng đưa được thi thể của công chúa lên bờ. Vua ban thưởng cho chàng rất nhiều vàng bạc, châu báu nhưng chàng từ chối tất cả, chỉ xin vua cho dân nghèo Lệ Mật sang khai khẩn vùng đất phía Tây kinh thành Thăng Long làm trang trại. Được vua đồng ý, dân chúng Lệ Mật đã cùng chàng vượt dòng sông Nhị Hà (sông Hồng) sang khai khẩn khu đất phía Tây thành Thăng Long. Vùng đất ấy dần trở nên trù phú, mở rộng thành 13 trại ấp mà sách sử gọi là khu "Thập Tam trại" (tương ứng với 13 làng, sau này là 13 phường phần lớn bây giờ ở quận Ba Đình): Cống Vị, Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Thụy Khuê, Hào Nam, Kim Mã Thượng, Ðại Yên, Liễu Giai, Kim Mã, Vạn Phúc, Ngọc Khánh, Thủ Lệ, Giảng Võ.
Khai lập được 13 trại xong, chàng trai họ Hoàng quay về củng cố làng cũ, rất trù phú, nên gọi làng là Trù Mật (một số câu chuyện dân gian ở Khu Thập tam trại lưu truyền có những chi tiết khác, chàng trai họ Hoàng chết ở Thập tam trại, hiện vẫn còn mộ ở một trại, chứ không phải chết ở Lệ Mật). Sau khi chàng mất, dân làng Lệ Mật và ở nhiều trại lập đình thờ và suy tôn chàng làm Thành hoàng. Theo gương chàng, dân chúng làng Lệ Mật ngoài việc nhà nông còn phát triển thêm nghề bắt rắn, nuôi rắn và nghề rắn ra đời từ đó.
Lễ hội truyền thống làng Lệ Mật được tổ chức từ ngày 21 đến ngày 24 tháng 3 Âm lịch. Ở khu “Thập tam trại” từ bao đời nay vẫn còn truyền câu ca: “Nhớ ngày 23 tháng Ba, Dân Trại ta vượt Nhị Hà thăm quê, Kinh quán Cựu quán đề huề, Hồ Tây cá nhảy đi về trong mây”. 23 là ngày chính hội. Lễ hội diễn ra trong 4 ngày. Nhìn chung có ba hoạt động lớn, với đặc trưng chung và riêng của lễ hội và của làng Lệ Mật.
Một là lễ rước Nước, rước Văn cùng với lễ Đả Ngư (đánh cá ở giếng làng): đám rước từ đình ra giếng, lấy nước vào chiếc chóe sứ lớn đặt trang trọng trên kiệu có lọng che. Trong khi đám rước đi, người ta đem vó ra giếng cất một con cá chép to, đặt nguyên cả con lên mâm đồng, phủ vải đỏ, rước về đình làm lễ dâng cúng. Nghi thức rước nước (dấu ấn của văn hóa trồng lúa nước) và dâng cá thờ để nhắc nhở con cháu tưởng nhớ công lao của Đức Thánh Thành hoàng Hoàng Phúc Trung. Đây cũng là sự tri ân của công chúa, con Vua Lý Thái Tông trả ơn vị anh hùng đã vướt được ngọc thể của mình trên dòng sông Thiên Đức.
Hai là, trò diễn diệt trảm Giao Long, một nghi thức nghệ thuật diễn xướng tập thể do các nam thanh nữ tú làng Lệ Mật trình diễn, nhằm mô tả và tái tạo theo Thần tích Đức Thánh Thành hoàng Lệ Mật. Đây là điệu múa Rắn độc đáo trên sân đình. Con Rắn khổng lồ được làm bằng nan tre lợp vải, tượng trưng cho loài thủy quái đã bị chàng trai họ Hoàng dùng sức mạnh và ý chí của mình hạ gục. Hàng ngàn khách trẩy hội trước sân đình đều cảm nhận được nét đẹp hào hùng và bi tráng trong những động tác và tiếng nhạc của giàn bát âm cùng tiếng trống chiêng kết hợp dồn dập, náo nức.
Ba là, lễ đón và rước Thập Tam Trại, lễ đón và lễ rước của 13 làng, 13 phường vào trong đình, phần lớn ở quận Ba Đình như tôi đã trình bày ở phần trước). Lễ hội là dịp con cháu làng Lệ Mật (dân cư Cựu quán) và con cháu đi xa khai hoang bên Kinh đô (dân Kinh quán) gặp gỡ tay bắt mặt mừng, cùng chung niềm vui, ôn lại trang sử dựng làng đầy gian nan thuở nào và cùng nhau hứa hẹn giữ trọn mối tình quê hương, đoàn kết gắn bó. Đồng thời lễ hội cũng là dịp dân “Thập Tam Trại” từ quận Ba Đình và quận Đống Đa về đây dâng hương hoa lễ vật thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn và tri ân công đức của Đức Thánh Hoàng Phúc Trung– người đã có công khai sinh ra vùng đất mà họ đang định cư hiện nay.
Tôi nghĩ với ý nghĩa nhân văn đó nên năm 2010, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, quận Ba Đình và các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội mới phục dựng tổ chức Lễ hội Thập tam trại lớn nhất, hoành tráng nhất cho tới thời điểm đó tại Vườn Bách thảo, có sự tham dự của cả Vùng Văn hóa “Thập tam trại” và làng Lệ Mật. Trong lễ hội này có ba tuần tế lễ, phần dâng hương của “Thập tam trại”, phần múa sinh tiền, múa quạt, múa bồng cùng các phần trình diễn của các làng nghề Ngũ Xã, Đại Yên, Ngọc Hà… Năm 2015 Lễ hội truyền thống làng Lệ Mật được vinh dự đón nhận Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là vinh dự và niềm tự hào không chỉ người Lệ Mật mà còn là vinh dự và niềm tự hào của người Ba Đình.
Gần ba mươi năm đã trôi qua, bao lần dự hội làng Lệ Mật cùng với các chuyến điền dã Vùng văn hóa “Thập tam trại” đã trở thành dĩ vãng. Chục năm nay tôi không trở lại các lễ hội này. Tất cả đều đã thay đổi. Làng Lệ Mật đã lên phường. Mỗi lần có dịp đi qua tôi không còn nhận ra con đường và lối vào làng ngày xưa nữa. Vùng văn hóa “Thập tam trại” cũng vậy, hỏi thăm đường và dùng Google map loanh quanh mãi mới tìm ra địa chỉ cần đến. Tôi nghĩ tốc độ đô thị hóa “cao tầng” cùng với cơ chế thị trường đã tác động nhiều đến cuộc sống người Hà Nội. Như người ta nói “Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”.
Cuộc thi làm phim “Dấu ấn Ba Đình” đã để lại trong tôi nhiều cảm nghĩ. Trước hết đây là cuộc thi có một phần rất sáng tạo, không phải quận huyện nào cũng có được. Cuộc thi về lịch sử, văn hóa lại rất phù hợp với ngày hội công nghệ thông tin. Phải nói cuộc thi đã đạt được trên cả mục đích yêu cầu. Tiếp theo là cách thức tổ chức. Trước kia nào là giấy mời, nào là họp hành vài ba buổi, làm giám khảo còn phải nhận tác phẩm, nào là thống nhất biểu điểm, rồi ở một địa điểm nào đó xem xét chấm… Tất cả những thứ đó bây giờ ở trên điện thoại và trên máy tính. Tôi lấy ví dụ gần 40 tác phẩm dự thi của các nhà trường chỉ cần kích vào đường “link” là hiện ra trong máy tính, trong điện thoai. Người chấm xong chỉ cần một cái kích chuột trả kết quả là xong công việc. Đúng là cách làm việc thời 4.0.
Nhìn chung chất lượng các tác phẩm rất đồng đều, “người tám lạng kẻ nửa cân”, hơn nhau có khi chỉ là các tiêu chí phụ. Điều đặc biệt trong cuộc thi làm phim “Dấu ấn Ba Đình”, 100 % tác phẩm có phụ đề tiếng Anh. Một số tác phẩm đươc giáo viên và học sinh diễn xuất bằng tiếng Anh, phụ đề tiếng Việt (điều này chưa thấy có trong cuộc thi cấp quận huyện nào mà tôi được tham gia) . Thầy cô và học sinh quả là xuất sắc. Cùng với những tác phẩm nói về chuyển đổi số trong giảng dạy, trong nhà trường, qua cuộc thi tôi thấy đúng là giáo dục Ba Đình đã và đang xây dựng chiến lược con người đúng đắn trong thời kỳ hội nhập theo đường lối của Đảng và chỉ thị của ngành giáo dục. Nhưng hơn tất cả, từ nội dung các tác phẩm dự thi, tôi thấy một Ba Đình và rộng ra là Hà Nội nghìn năm văn hiến, như lời bài hát về Hà Nội: Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội... Và Hà Nội vẫn là Hà Nội của ngày hôm qua, hôm nay và mai sau.
Read More

Chiến dịch Đường 9 Nam Lào sau 50 năm nhìn lại

Leave a Comment

 Chiến dịch Đường 9-Nam Lào sau 50 năm nhìn lại

Tháng Ba khép lại với bao sự kiện đáng ghi nhớ. Với những người lính già đã từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, có lẽ không ai có thể quên những kỷ niệm ba tháng mùa Xuân năm 1971 trong Chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào. Ở phương diện nhà nước, kỷ niệm 50 năm Ngày chiến thắng Đường 9 - Nam Lào, tại thành phố Đông Hà, Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội thảo khoa học “Chiến thắng Đường 9- Nam Lào 1971: Giá trị lịch sử và hiện thực.
Theo ban tổ chức, việc tổ chức hội thảo này nhằm mục đích “nghiên cứu, đánh giá, phân tích, làm rõ bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực và trong nước cuối năm 1970 và đầu năm 1971; phân tích âm mưu, thủ đoạn của Mỹ và chính quyền, quân đội ngụy trong thực hiện chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh”. Bên cạnh đó, hội thảo cũng khẳng định “tầm nhìn chiến lược, chủ trương đúng đắn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trước tình hình Mỹ và chính quyền, quân đội nguỵ thay đổi chiến lược từ chiến lược chiến tranh cục bộ sang chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh”... Các đại biểu phát biểu tham luận đã đề cập “một cách đa dạng, xoay quanh chủ đề, mục đích hội thảo”; thảo luận “khái quát, đúc rút những kinh nghiệm và bài học lịch sử có giá trị lý luận và thực tiễn về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng”…
Đọc lại tổng quan và một số bài viết sau 50 năm, tôi có dịp suy nghĩ, nhìn nhận lại đôi điều đã định hình về chiến dịch Đường 9-Nam Lào. Lần trước kỷ niệm 45 năm, chúng tôi có dịp quay lại con đường 9 (chuyến đi có Thiếu tướng Lê Huy Mai và Đại tá Hồ Hữu Lạn, những cán bộ dày dạn chiến trận của Sư 324 tham dự chiến dịch Đường 9- Nam Lào, dẫn anh em cán bộ chiến sỹ thăm lại chiến trường xưa), dừng lại ở một số địa danh tiêu biểu như Nghĩa trang liệt sỹ Đường 9,
Đông Hà, Khe Sanh, sân bay Tà Cơn, Thị trấn Lao Bảo, bản Đông và Bảo tàng Bản Đông. Tôi đã trao đổi với anh em một nhận xét mang tính chất cá nhân: “Chiến thắng Đường 9- Nam Lào đã hoàn toàn thay đổi cục diện chiến trường, đã xoay chuyển thế và lực của ta và địch” không phải theo sách báo của ta mà theo một số tài liệu của phía bên kia chiến tuyến.
Khi thăm Bảo tàng Bản Đông (Bảo tàng nằm trên địa giới tỉnh Xavannakhet, Lào, cách Lao Bảo khoảng 20km), tôi nhận thấy bảo tàng mới chỉ đưa ra cái nhìn một chiều, thuần theo quan điểm “chính thống” Việt-Lào, không có cái nhìn về chiến dịch này của phía đối phương. Cho nên người xem chưa có được cái nhìn nhiều chiều. Tính thuyết phục chưa cao, nghiêng về hình thức tuyên truyền. Đọc lại tổng quan và một số bài viết trong cuộc hội thảo lần này, tôi vẫn có cảm nhận như vậy (mặc dù có một bài viết của Phó giáo sư Tiến sỹ Hoàng Chí Hiếu, Khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Huế với tiêu đề “Đối phương thừa nhận sự thất bại trong cuộc hành quân Lam Sơn 719”). Nhưng tôi cho rằng một tham luận theo hướng nhìn nhận của đối phương vẫn chưa đủ.
Chiến dịch phản công Ðường 9 - Nam Lào diễn ra trên một không gian rộng lớn và diễn ra trong khoảng thời gian tương đối dài (50 ngày đêm từ ngày 30/1 đến ngày 23/3/19710). Chiều dài tác chiến của cả hai bên khoảng trên 130km theo hướng đông - tây, từ Đường 9 địa phận Việt Nam tới Mường Phìn, Pha Lan, Lào. Chiều rộng theo hướng bắc- nam tại Việt Nam khoảng 30km, trên địa phận Lào từ Mường Trương tới Mường Noọng khoảng gần 60 km. Địa hình tác chiến bao gồm khu vực đồng bằng, đồi núi trung du xen kẽ núi cao rừng rậm. Ở những khu vực này địch đã tập kết hàng chục trung đoàn, hàng chục trận địa pháo, sân bay dã chiến các loại ở Ðông Hà, Khe Sanh, Cam Lộ, Lao Bảo, chuẩn bị cho cuộc tiến công nhằm vào các mục tiêu chiến lược chủ yếu của ta ở Ðường 9 - Nam Lào. Nhìn chung địa hình và không gian, thời gian khá thuận lợi cho việc mở đường, triển khai binh lực, vũ khí, khí tài trong tác chiến hiệp đồng binh chủng của cả hai phía ta và địch.
Theo cách gọi của Việt Nam Cộng hòa Cuộc hành quân Lam Sơn 719 hay là Cuộc Hành quân Hạ Lào là một trong những chiến dịch lớn nhất trong Chiến tranh Việt Nam, do Quân lực Việt Nam Cộng hòa thực hiện với sự yểm trợ của không quân, pháo binh Mỹ cùng một bộ phận bộ binh Mỹ trên đất Việt Nam. Mục tiêu của chiến dịch phía Mỹ ngụy là nhằm phá vỡ hệ thống hậu cần của Quân đội Nhân dân Việt Nam tại Lào và cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh tại thị trấn Xê pôn, nằm cách biên giới Việt-Lào hơn 40 km. Chiến dịch này còn là một thử nghiệm về khả năng Quân lực Việt Nam Cộng hòa có thể tự chiến đấu trong tình huống Mỹ tiếp tục rút quân ra khỏi chiến trường miền Nam, một thử nghiệm về chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh và năng lực hoạt động độc lập một cách hiệu quả của Quân lực Việt Nam Cộng hòa.
Theo số liệu của phía bên kia, Chiến dich Lam Sơn 719 ban đầu địch huy động 17.000, sau tăng lên 21.000 quân, bao gồm 3 sư đoàn ngụy, nhiều đơn vị pháo binh, công binh đặc nhiệm ngụy độc lập, cùng với 10.000 quân hỗ trợ ở tuyến sau; cộng với 450 xe tăng, xe thiết giáp, 250 khẩu pháo, hàng trăm máy bay và trực thăng. Quân Mỹ bao gồm 10.000 quân, 800 trực thăng, 300 máy bay cường kích, 50 máy bay vận tải và 50 máy bay ném bom chiến lược B-52 (ném tổng cộng 52.000 tấn bom). Ngoài ra còn có Quân Hoàng gia Lào tham chiến với khoảng 4.000 quân. Tổng cộng quân địch có khoảng 50.000 quân. Phía Quân đội Việt Nam có khoảng 50.000 đến 60 nghìn quân, bao gồm 5 sư đoàn cùng các lực lượng tại chỗ của B5, B4 và Đoàn 559 (có một số lượng không rõ quân Pathet, Lào), trong đó có một số đơn vị đặc công, pháo binh, phòng không, tên lửa, công binh, xe tăng: 88 chiếc (số liệu của chúng ta và của phía bên kia rất khác nhau)…
Có thể nói đây là một cuộc đối đầu thể hiện tất cả sức mạnh tổng hợp của cả hai bên. Bên thắng, bên thua không chỉ thể hiện ở số lượng quân bị loại khỏi vòng chiến đấu mà còn thể hiện ở việc bên nào giành được mục tiêu chiến lược của mình. Mặc dù con số hai bên đưa ra rất khác nhau, nhưng theo một số tài liệu và thống kê của Wikipedia mọi người có thể tạm chấp nhận được. Có 3 sư đoàn quân ngụy bị tổn thất nặng nề, trong đó có hai lữ đoàn bị tiêu diệt gọn. Cụ thể có 8.483 binh lính chết, 12.420 bị thương, 625 mất tích, 1.142 bị bắt. Quân Mỹ có 253 binh lính chết, 1.149 bị thương, 38 mất tích. Tổn thất trang bị: 7 máy bay, 108 trực thăng bị phá hủy, 618 trực thăng bị bắn hỏng, 71 xe tăng, 163 xe thiết giáp, 37 xe công binh, 278 xe tải bị phá hủy hoặc bị tịch thu, 96 đại bác, gần 100 súng cối cỡ lớn, 1.577 radio, 418 súng cỡ lớn bị phá hủy hoặc tịch thu, 43 tàu xuồng, xà lan bị đánh chìm. Thống kê của phía Việt Nam theo tài liệu đã dẫn có 2.163 binh sỹ hy sinh, 6.176 bị thương. Tổn thất trang bị: 11 xe tăng bị bắn hỏng.
Đối chiếu kết quả bao gồm số liệu binh sỹ bị loại khỏi vòng chiến đấu (quân địch bị loại khỏi vòng chiến đấu gần 50 phần trăm số quân trực tiếp tham gia chiến đấu)và không đạt một mục tiêu chiến lược sau chiến dịch, Chiến thắng Đường 9-Nam Lào đã làm thất bại sự nỗ lực cao nhất của Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn nhằm ngăn chặn, chấm dứt sự chi viện của miền Bắc đối với cách mạng miền Nam, Lào và Campuchia. Chiến thắng Đường 9-Nam Lào làm phá sản một bước quan trọng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ (theo nhận định chung của phía Việt Nam). Chiến thắng này còn làm thay đổi cục diện chiến trường, thay đổi thế của ta và của địch (nhận xét của cá nhân tôi, nhận xét của một số giáo trình lịch sử và một hai bài viết bài viết trong hội thảo 50 năm của phía Việt Nam).
Còn về phía đối phương, hầu như các tác giả phía bên kia chiến tuyến đều thừa nhận sự thất bại về mặt chiến lược, chiến thuật của Chiến dịch Lam Sơn 719. Qua một số tài liệu tiếng Việt và tiếng Anh, tôi thấy họ cũng đều thừa nhận cuộc hành quân Lam Sơn 719 đã thất bại thảm hại, thất bại và sai lầm trong việc xây dựng kế hoạch lẫn việc chỉ đạo kế hoạch tác chiến. Là cuộc hành quân quy mô lớn nhất của ngụy quân Sài Gòn cho đến năm 1971 nhưng Lam Sơn 719 “đã bị đánh bại trước khi nó dự định đạt được các mục tiêu đã định ban đầu”.
Do những sai lầm vốn có trong hệ thống chỉ huy của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa, do nhu cầu bảo đảm bí mật làm hạn chế việc lập kế hoạch chu đáo, và do sự hạn chế của các giới chỉ huy quân sự và chính trị của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa trước thực tế thực tế chiến trường, và do sự thực hiện yếu kém, Chiến dịch Lam Sơn 719 đã sụp đổ khi đối mặt với sự phản kháng kiên quyết và khôn khéo của “Quân Giải phóng miền Nam”. Chiến dịch này là một thảm họa đối với Quân lực Việt Nam Cộng hòa, làm tiêu tan những đơn vị thiện chiến nhất của quân đội này, và phá tan sự tự tin đã được xây dựng trong ba năm trước đó (Sư đoàn Dù, Sư đoàn Thuỷ quân Lục chiến, Sư đoàn 1 Bộ binh bị tổn thất nghiêm trọng. Trong đó, Sư đoàn Dù và Sư đoàn Thuỷ quân Lục chiến được đánh giá là 2 sư đoàn thiện chiến nhất của Việt Nam Cộng hòa).
Chiến dịch Lam Sơn 719 đánh dấu bước phát triển mới của Quân Giải phóng miền Nam. Chiến sự bùng nổ ở Hạ Lào không giống như bất cứ trận chiến nào trước đó trong Chiến tranh Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Quân Giải phóng miền Nam “bỏ chiến thuật cũ” và tiến hành phản công theo kiểu chiến tranh chính quy truyền thống. Lần đầu tiên Quân Giải phóng miền Nam mở các đợt tấn công lớn bằng bộ binh với sự yểm trợ của xe tăng và pháo binh hạng nặng để đè bẹp các vị trí của QLVNCH tại các cánh sườn của tiền đội chính. “Sự hiệp đồng tác chiến của hỏa lực phòng không đối phương” đã khiến cho việc cho việc yểm trợ không quân chiến thuật và tăng viện bằng không quân của Mỹ trở nên khó khăn và chịu rất nhiều thiệt hại.
Quân Giải phóng miền Nam đã dự đoán chính xác phía liên quân sẽ tổ chức một chiến dịch quân sự trong chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh và bày sẵn thế trận tiêu diệt và tiêu hao đối thủ. Trong thời gian đầu của chiến dịch, Quân Giải phóng miền Nam cố gắng tìm cách giấu lực lượng để đối “phương tiến về phía tây”, chỉ đến khi không còn giữ được bí mật, mới tiến hành trận đánh đại phá bản Đông. Điều đó cho thấy Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã thất bại "từ trong trứng". Hoặc nói theo một cách lập luận khác, Việt Nam Cộng hòa biết chắc thất bại nhưng vẫn tiến hành chiến dịch đẫm máu vì những lý do chính trị, như lời của Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu: "chỉ cần đến Xê pôn rồi rút về".
Ðể cứu vãn tình thế hoàn toàn thất bại của cuộc hành quân, thời điểm đó, Tổng thống Mỹ Ních-xơn đã cử A.Hây-giơ, Cố vấn Nhà trắng đến thị sát cuộc hành quân. Sau khi xem xét diễn biến ở chiến trường Ðường 9 - Nam Lào, A.Hây-giơ phàn nàn về sự kém hiệu quả của quân ngụy Sài Gòn về "Cuộc hành quân không nhận được cách chỉ huy và quản lý theo kiểu của Mỹ, mà lẽ ra cuộc hành quân này phải có". Và điều quan trọng hơn, A.Hây-giơ kết luận rằng "Việt Nam hóa sẽ không bao giờ thành công nếu không có một số lớn quân Mỹ" (tài liệu được trích trong Từ điển Wikipedia tiếng Việt, tiếng Anh về Chiến dịch Lam Sơn 719).
Trong bbbài tham luận của Phó giáo sư Tiến sỹ Hoàng Chí Hiếu tại Đông Hà, ông có khái quát một số những sai lầm của địch qua các tài liệu của đối phương mà ông thu thập được. Đối phương cho rằng thất bại của chiến dịch còn này bắt nguồn từ nhiều sai lầm chủ yếu sau:
Một là, dự tính khả năng của đối phương không chính xác, bao gồm đánh giá lực lượng chiến đấu tại chỗ, lực lượng pháo binh, pháo phòng không, lực lượng tăng thiết giáp, khả năng năng tăng viện chiến trường… Khi xây dựng kế hoạch, đối phương ước tính phía ta chỉ có 11.000 đến 12.000 quân trong khu vực, trong đó chỉ có khoảng 50% là lực lượng chiến đấu. Và địch cho rằng phải mất 1 tháng sau chúng ta mới có thể đưa được 1 sư đoàn từ miền Bắc vào chiến trường. Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ trong vòng 2 tuần, đã có đến 5 sư đoàn Quân giải phóng miền Nam tham gia chiến đấu (Sư 304, 308, 320, 324 và Sư đoàn 2) cùng với lực lượng tại chỗ ở B4, B5 và đường dây 559 . Ngụy quân Sài Gòn hoàn toàn bị bất ngờ bởi sự áp đảo về hỏa lực pháo binh, phòng không và đặc biệt là sự tham chiến của các loại xe tăng có những tính năng vượt trội của phía Việt Nam.
Hai là, dự báo thời tiết không chính xác, thời tiết tại khu vực hành quân thay đổi thất thường, mưa lạnh, mây mù dày đặc khiến việc chuyển quân bằng trực thăng, sự yểm trợ và can thiệp bằng hỏa lực của không quân chiến thuật bị hạn chế rất nhiều. Cũng do thời tiết thất thường, hỏa lực phòng không đối phương quá mạnh nên việc tiếp tế cho các đơn vị quá chậm trễ khiến một số đơn vị bị đói, khát, do đó gây nên sự mất niềm tin của binh sĩ trong lúc hành quân.
Ba là, những yếu kém về chiến thuật, thể hiện qua các mặt sau: Nhu cầu của cuộc hành quân chiến lược đòi hỏi phải chiếm Xê Pôn nhanh để củng cố chỗ đứng, ở lại lâu ngày để lùng sục tiêu diệt và phá hủy toàn bộ hệ thống tiếp vận của đối phương cho chiến trường miền Nam, nhưng việc xử lý tình huống kém, bị Quân giải phóng chia cắt, ngăn chặn mà không có cách nào để vượt qua…
50 mươi năm đã trôi qua, từ các tài liệu của hai phía, đặc biệt là các tài liệu của Mỹ và ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn chúng ta càng có cơ sở lý luận và thực tiễn khẳng định vai trò và ý nghĩa to lớn của Chiến dịch Đường 9- Nam Lào. Nó là tiếng chuông báo tử cho Chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, một chiến lược đầy rẫy những mâu thuẫn, mâu thuẫn cơ bản giữa yêu cầu rút nhanh quân Mỹ về nước với yêu cầu quân ngụy và hỏa lực Mỹ phải giành thắng lợi quyết định trên chiến trường. Đúng như Phó tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Cao Kỳ đương thời đã nhận xét, một đội quân chiến đấu mà phụ thuộc vào quân đội Mỹ cả về tham mưu, hậu cần, trinh sát, tình báo… thì khó có thể trụ vững trên chiến trường. Chiến thắng Đường 9-Nam Lào sẽ mãi là một mốc son trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ. Nó góp phần to lớn vào thắng lợi cuối cùng trong công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước vào mùa xuân 1975.
Read More

Tiếng nói và hành động của ASEAN về tình hình Myanmar

Leave a Comment

 Tiếng nói, hành động của ASEAN về tình hình ở Myanmar

ASEAN là 5 chữ cái viết tắt của cụm từ tiếng Anh: Association of Southeast Asian Nations, còn được gọi là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Thành lập vào tháng 8 năm 1967 tại Băng Cốc Thái Lan, ASEAN được coi là một liên minh chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Hiện tại ASEAN có 10 thành viên. 5 quốc gia sáng lập: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan. Các quốc gia gia nhập sau: Brunei, Việt Nam, Lào, Myanmar, Campuchia.
Cũng giống như khoảng 3 nghìn tổ chức khác trên thế giới, ASEAN có tôn chỉ, nguyên tắc và mục đích riêng nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và phát triển văn hóa trong khu vực, thông qua các nỗ lực chung trên tinh thần bình đẳng và hợp tác nhằm tăng cường xây dựng cộng đồng khu vực hòa bình, thịnh vượng. Nội dung tôn chỉ và nguyên tắc của ASEAN khá dài. Tôi chỉ nêu những những nguyên tắc cơ bản, những nguyên tắc ngăn cản tổ chức này can thiệp vào các quốc gia thành viên khi mỗi thành viên trong hiệp hội có “vấn đề”.
Điều 2 Hiến chương ASEAN nêu ASEAN và các quốc gia thành viên hoạt động theo nguyên tắc:
- Tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, toàn vẹn lãnh thổ và bản sắc dân tộc của các quốc gia thành viên.
- Cam kết và chia sẻ trách nhiệm tập thể trong việc thúc đẩy hoà bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực.
- Không xâm lược, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hay các hành động khác dưới bất kỳ hình thức nào khác trái với luật pháp quốc tế.
- Giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
- Không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia thành viên.
- Tôn trọng quyền của các quốc gia thành viên được quyết định vận mệnh của mình mà không có sự can thiệp và áp đặt từ bên ngoài.
- Tăng cường tham vấn về các vấn đề có ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích chung.
Khi hình thành ASEAN, các nhà sáng lập ban đầu đã đề xuất “phương cách/thức ASEAN” để đảm bảo sự linh hoạt và khả năng thích nghi của hiệp hội; cho phép tập hợp lực lượng của các nước khu vực Đông Nam Á và có thể duy trì sức sống và sự phát triển lâu dài của tổ chức. “Phương cách/thức ASEAN” thực chất là một tiến trình ra quyết định của hiệp hội dựa trên nguyên tắc “đồng thuận”, tức là phải có sự đồng ý của tất cả các thành viên, không theo nguyên tắc đa số, không giống với bất kỳ tổ chức, diễn đàn nào trên thế giới. “Phương cách/ thức ASEAN” có đặc điểm là ra quyết sách dựa trên tham vấn, thuyết phục và đối thoại; mức độ ràng buộc thấp, không chỉ trích đích danh các thành viên, bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi.
Có thể thấy nguyên tắc đồng thuận là một trong những giá trị của ASEAN, đã trở thành một phần quan trọng trong bản sắc của ASEAN. Nó giữ được sự đoàn kết, nhất trí trong nội khối về nhiều vấn đề. Tuy nhiên nó có những hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu chính đáng của các thành viên cũng như yêu cầu của thời đại (không bảo vệ được quyền lợi của các thành viên khi bị cường quốc bên ngoài xâm phạm chủ quyền, không quyết định được những vấn đề quốc tế có liên quan đến quyền lợi của các thành viên, không thống nhất ra được tuyên bố trước Phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế khi Philippines kiện Trung Quốc ra tòa, không ra được tuyên bố khi Trung Quốc vi phạm chủ quyền của các nước thành viên, trong đó có Philippines và Việt Nam).
Vấn đề đặt ra là trong bối cảnh tình hình đang thay đổi như hiện nay, tôi nghĩ ASEAN cần có những điều chỉnh cho phù hợp để bảo đảm sự linh hoạt, sức sống và khả năng thích nghi, ứng phó của ASEAN trước những thách thức và vận hội mới trong tình hình cạnh tranh nước lớn ở khu vực. Chẳng hạn như vấn đề mới nhất hiện tại, ASEAN cần phải có quan điểm lập trường, tiếng nói và hành động rõ ràng về tình hình Myanmar, không thể kẹt giữa Trung Quốc và phương Tây (xin xem bài viết trước của tôi “Một vài nét về tình hình Myanmar” trong trang Facebook này), chỉ ra những tuyên bố chung chung, nước đôi.
Kể từ khi quân đội Myanmar tiến hành cuộc đảo chính, phế truất và bắt giam một số lãnh đạo chính quyền hợp pháp dân sự, cho đến ngày hôm nay, tình hình Myanmar vẫn rơi vào tình trạng hỗn loạn. Quân đội, cảnh sát thẳng tay đàn áp hàng trăm ngàn người biểu tình chống đối trên khắp đất nước. Hơn 60 người đã bị bắn chết. Hơn 1800 người đã bị bắt.
Mỹ và phương Tây coi đó là hành động soán ngôi quyền lực, đi ngược lại ý nguyện của đa số cử tri Myanmar. Họ đã phản ứng gay gắt, kêu gọi tất cả các nước lên án hành động đảo chính của giới quân phiệt, không công nhận chính quyền quân đội Myanmar, cùng nhau hành động nhằm khôi phục chính quyền dân chủ Myanmar; kêu gọi tất cả các nước lên án bạo lực và áp đặt lệnh trừng phạt các cá nhân và doanh nghiệp quân đội Myanmar; cắt mọi nguồn viện trợ và phong tỏa tài chính…
Đối lập với Mỹ và phương Tây, Trung Quốc cho đó là cuộc cải tổ nội các. Trung Quốc đã ngăn cản Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ra tuyên bố lên án hành động đảo chính ở Myanmar; bí mật viện trợ cho Myanmar. Lý do của Trung Quốc là không can thiệp vào công việc nội bộ của Myanmar. Nhưng lý do thực sự là Trung Quốc sợ bị tổn hại đến lợi ích kinh tế và chiến lược của mình ở Myanmar. Trung Quốc không muốn có một Myanmar thống nhất, hùng cường thân phương Tây. Và còn một lý do đằng sau nữa là trong quá khứ và hiện tại, Trung Quốc cũng đàn áp, giết hại người biểu tình còn dã man, khủng khiếp hơn quân đội Myanmar (dùng cả một binh đoàn đoàn xe tăng nghiền chết tất cả sinh viên biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn, bắt giữ thủ tiêu hàng triệu người theo Pháp luân công, đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, trấn áp giam giữ người biểu tình ở Hồng Kông). Trung Quốc không thể lên giọng với Myanmar (dù quân đội Myanmar có giết chết hàng ngàn, hàng vạn người biểu tình) vì họ không thể đốt đuốc soi chân mình khi quân đội Myanmar hỏi ngược lại bao nhiêu người biểu tình bị quân đội và cảnh sát Trung Quốc đã bị giết hại trong quá khứ và hiện tại.
Ngày 2/3 ASEAN đã tổ chức cuộc họp cấp ngoại trưởng. Ngay trước cuộc họp tôi đoán ASEAN không thể ra tuyến bố tỏ rõ lập trường phản đối hay ủng hộ cuộc đảo chính. Và đúng là như vậy. Các ngoại trưởng ASEAN không thể phá vỡ cam kết nguyên tắc “không can thiệp vào công việc nội bộ” theo Điều 2 Hiến chương 2 ASEAN.
Tôi được biết qua nguồn tin báo chí nước ngoài, một số nước như Indonesia, Malaysia, Singapore muốn đưa ra lập trường gay gắt hơn, muốn cùng nhau khôi phục nền dân chủ ở Myanmar. Các nhà lãnh đạo này không muốn đốm lửa từ Myanmar lan sang chính trường nước mình. Đã có quá nhiều người tị nạn Hồi giáo chạy sang Malaysia, Bangladesh, Ấn Độ. Đã có hiện tượng phe đối lập ở một số quốc gia trong ASEAN kêu gọi người dân nước mình hãy học tập người dân Myanmar xuống đường biểu tình… Sự bất ổn ở Myanmar thực sự đã tác động đến hòa bình và ổn định của khu vực. Nhưng cuối cùng Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN cũng chỉ có thể thúc giục quân đội Myanmar trả tự do cho các nhà lãnh đạo, trong đó có Cố vấn Nhà nước Aung Suu Kyi; dừng sử dụng vũ khí sát thương vào người biểu tình và tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng. Họ kêu gọi Myanmar hãy kiềm chế và đối thoại (cũng na ná như tuyên bố của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc).
Trên thực tế, các nước ASEAN là những người láng giềng. Với thế giới ASEAN là người trong cuộc. ASEAN không thể không lên tiếng và hành động, nhưng ASEAN không thể công khai thúc ép Myanmar quá mức do thiếu sự nhất trí về cách tiếp cận của các nước thành viên. Có ý kiến đưa ra không nên coi tư cách thành viên ASEAN của Myanmar vì hành động của giới quân đội đã gây phương hại đến lợi ích chung của toàn khối. Nhưng đa số cho rằng còn quá sớm để đề cập đến vấn đề này. Đa số các nước trong ASEAN ý thức được hành động của mình có thể giống như sự can thiệp vào công việc chính trị của Myanmar. Chính cái nguyên tắc đồng thuận của ASEAN đã làm ASEAN bất lực trong một số vấn đề đã qua và có thể hiện tại là về Myanmar.
Ngoài việc bị trói buộc do những nguyên tắc, ASEAN còn đề phòng việc bị lôi kéo vào trò chơi quyền lực của Mỹ và Trung Quốc. Hai thế lực này hùng mạnh hơn ASEAN quá nhiều; có tầm ảnh hưởng lớn tới tất cả các nước trong khối ASEAN. Họ đang tìm kiếm các đòn bẩy để gây áp lực lớn hơn hay giảm áp lực đáng kể lên Myanmar.
Mỹ biết rằng hành động của mình, dù có kết hợp với tất cả các nước phương Tây vẫn không xoay chuyển được tình thế ở Myanmar. Chính chính quyền quân đội Myanmar đã tuyên bố họ vốn quen với cấm vận của phương Tây và quen với việc chỉ cần làm bạn với một vài nước (ám chỉ Trung Quốc). Mỹ đang tìm cách xây dựng cách tiếp cận quốc tế, trong đó ASEAN đóng vai trò quan trọng. Có nhiều dấu hiệu cho thấy Mỹ đã hành động theo chiều hướng trên. Cố vấn an ninh Quốc gia Jake Sullivan đã nói chuyện với các đại sứ ASEAN ở Mỹ, kêu gọi các đại sứ ủng hộ việc “khôi phục ngay lập tức” nền dân chủ ở Myanmar. Ngoại trưởng Mỹ Antony Bllinken cũng hành động như vậy với các ngoại trưởng ASEAN. Người Mỹ biết Myanmar có thể lắng nghe, cùng tham gia với ASEAN hơn là với Mỹ và phương Tây. Và người Trung Quốc cũng biết Myanmar có thái độ như vậy đối với chính mình.
Trong một động thái tương tự, ngày 7/3 Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố Trung Quốc sẵn sàng cùng các bên giảm căng thẳng ở Myanmar. Ông ta bác bỏ cáo buộc liên quan đến cuộc đảo chính. Ông khẳng định cho dù tình hình Myanmar thay đổi như thế nào thì Trung Quốc vẫn quyết tâm thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị với Myanmar (cho dù đó là một chính quyền tội phạm, giống như trước đây Trung Quốc coi chính quyền diệt chủng Khơ Me đỏ là đại diện của nhân dân Campuchia, tìm mọi cách ngăn cản việc đưa chính quyền này ra xét xử tại tòa án quốc tế). Vương Nghị lên tiếng ủng hộ ASEAN giữ nguyên tắc “không can thiệp vào công việc nội bộ” (chẳng lẽ lần sau nữa chỉ có một mình Trung quốc ngăn cản Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ra nghị quyết lên án đảo chính quân sự ở Myanmar) và ra quyết định tập thể dựa trên sự đồng thuận (vì có tay trong) của ASEAN.
Tôi có cảm giác tiếng nói và hành động của ASEAN trong thời gian hơn một tháng qua giống như tiếng nói và hành động của người “đánh đu” trên sợi dây quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar đang đặt ra một bài kiểm tra chính sách đối ngoại độc lập theo giá trị riêng của tổ chức khu vực này trong thời gian tới. ASEAN có thể làm gì với vai trò là “trung tâm” trong việc xử lý khủng hoảng ở Myanmar, một vấn đề nội bộ của chính tổ chức trước khi khẳng định đóng vai trò “làm trung tâm trong cấu trúc khu vực”? Một bên là “súng đẻ ra chính quyền” (câu nói của Mao Trạch Đông, lãnh tụ vĩ đại của Trung Quốc), một bên là nền dân chủ pháp quyền phổ quát của phương Tây, ASEAN sẽ ứng xử thế nào để xứng đáng là hy vọng của thế giới trong việc thúc đẩy tình hình ở Myanmar?
Read More

Một vài nét về tình hình Myanmar

Leave a Comment

 Một vài nét về tình hình hình Myanmar

Cách đây khoảng 20 năm tôi theo học chuyên đề Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Có điều kiện tìm hiểu lịch sử và nền chính trị đương đại của các nước qua một số giáo trình của các tác giả trong, ngoài khu vực. Sau đó được hướng dẫn luận văn về vai trò của bà Aung San Suu Kyi trong tiến trình dân chủ Myanmar nên hiểu đôi chút về đất nước này. Nhân chính biến ở Myanmar, qua báo chí các nước xin chia sẻ với anh chị em, bạn bè, đồng đội, đồng nghiệp một vài nét về đất nước chùa tháp; chia sẻ quan điểm, sự nhìn nhận rất khác biệt của các nước phương Tây, Trung Quốc và các nước trong khối ASEAN để cùng nhau suy ngẫm thế sự.
Đảo chính ở Myanmar
Sự kiện chính trị nổi bật nhất ở khu vực Đông Nam Á trước và sau tết Nguyên Đán năm 2021 có lẽ là việc Quân đội Myanmar tiến hành cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2. Chính quyền thuộc đảng cầm quyền, Liên minh Quốc gia vì Dân chủ của Myanmar bị quân đội phế truất. Quân đội đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm và tuyên bố quyền lãnh đạo đất nước thuộc về Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Min Aung Hlaing.
Ngay sau cuộc đảo chính, hàng trăm nghìn người thuộc nhiều tầng lớp xã hội Myanmar tràn xuống đường các thành phố lớn để phản đối giới quân sự. Họ yêu cầu các tướng lĩnh thả Tổng thống Win Myin, Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và nhiều thành viên chính phủ bị bắt giữ, bị quản thúc tại gia. Điều rất hiếm trong lịch sử là ngay cả Đại sứ Myanmar Kyaw Moe Tun ở Liên hợp quốc, trong phiên họp Đại Hội đồng cũng kêu gọi Liên Hợp Quốc "dùng bất kỳ biện pháp nào cần thiết để chống lại quân đội Myanmar", khôi phục nền dân chủ của đất nước Myanmar. Trong cuộc họp Đại Hội Đồng này, đặc phái viên Liên hợp quốc về Myanmar Christine Schraner Burgener kêu gọi các nước không công nhận hoặc hợp pháp hóa chính quyền quân sự Myanmar.
Trước sự phản ứng của người dân và dư luận quốc tế quân đội Myanmar hứa hẹn sẽ tổ chức một cuộc bầu cử mới sau một năm ban bố tình trạng khẩn cấp. Nhưng người dân Myanmar không tin vào giới quân phiệt. Các cuộc đình công biểu tình của công chức và đông đảo các tầng lớp nhân dân suốt gần một tháng qua đã khiến một số cơ quan chính phủ bị đình trệ, tê liệt. Người biểu tình đã bị bắn chết. Quân đội bắt giữ gần 600 người “chống đối” và tự cho mình quyền giam giữ nghi phạm và lục soát tài sản cá nhân. Hiện tại xe bọc thép và quân đội, cảnh sát vẫn đang tuần tra trên đường phố với súng ống, vòi rồng, hơi cay, đạn cao su và lựu đạn gây choáng. Những biện pháp bạo lực như vậy xem ra không thể ngăn được dòng người hàng ngày biểu tình tại các thành phố.
Sơ lược về Myanmar
Myanmar là một quốc gia đa sắc tộc, có diện tích 676.577 km². Myanmar chung biên giới với Bangladesh, Ấn Độ, Trung Quốc, Lào và Thái Lan. Theo số liệu điều tra gần đây, dân số Myanmar khoảng 54,4 triệu. Thủ đô nước này là Naypyidaw và thành phố lớn nhất là Yangon.
Myanmar còn gọi là Miến Điện, một quốc gia có truyền thống hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Trong suốt chiều dài lịch sử, người Miến đã xây dựng được ngôn ngữ-văn hóa Miến cùng đức tin Phật giáo Nam Tông. Đến thế kỷ 16, Myanmar hoàn thành việc thống nhất đất nước dưới Triều đại Taungoo và trở thành quốc gia lớn nhất trong lịch sử Đông Nam Á.
Vào đầu thế kỷ 19, Thực dân Anh xâm chiếm Myanmar và biến nước này thành thuộc địa giống như nhiều nước ở Đông Nam Á khác. Năm 1948 Myanmar giành được độc lập. Năm 1962 giới quân sự đảo chính. Myanmar nằm dưới chế độ độc tài quân sự.
Trong thời gian độc lập, Myanmar luôn ở trong tình trạng xung đột dân tộc. Các cuộc nội chiến kéo dài liên miên đẫm máu. Liên Hiệp Quốc, các tổ chức quốc tế, các nước phương Tây đã lên án tội ác, vi phạm nhân quyền của chính quyền quân đội và áp đặt các lệnh trừng phạt, cấm vận kinh tế. Năm 2011, chính quyền quân sự tự giải tán sau tổng tuyển cử năm 2010. Tuy nhiên, giới lãnh đạo quân sự vẫn nắm giữ quyền lực lớn. Trong tổng tuyển cử năm 2015, đảng của bà Aung San Suu Kyi giành đa số tại lưỡng viện quốc hội.
Bối cảnh dẫn đến cuộc đảo chính
Từ năm 2011 đến 2015, trước sức ép của quốc tế, đặc biệt là các nước phương Tây, quân đội bắt đầu chuyển đổi sang nền dân chủ. Mặc dù Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi giành được đa số tại hai viện và lên cầm quyền, nhưng quân đội vẫn giữ quyền lực đáng kể, bao gồm quyền chỉ định 1/4 các thành viên trong Quốc hội.
Ngày 8 tháng 11 năm 2020, Liên minh Quốc gia vì Dân chủ đã giành được 396 trong tổng số 476 ghế tại cuộc bầu cử quốc hội, một chiến thắng thậm chí còn lớn hơn so với cuộc bầu cử năm 2015. Đảng ủy nhiệm của quân đội là Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển chỉ giành được 33 ghế. Quân đội phản đối kết quả, cho rằng cuộc bỏ phiếu là gian lận.
Cuộc đảo chính diễn ra một ngày trước khi các thành viên được bầu trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 năm 2020 tuyên thệ trước Quốc hội Myanmar, khiến cho quá trình này không thể diễn ra. Tổng thống Myanmar Win Myint, Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi, các nhà lãnh đạo đảng và các thành viên nội các, quốc hội đã bị bắt giữ trong một cuộc đột kích vào lúc sáng sớm ngày 1/2.
Phản ứng quốc tế
Hầu hết các nước phương Tây đều “quan ngại sâu sắc” về tình hình Myanmar. Thủ tướng Vương quốc Anh Boris Johnson và ngoại trưởng Đức đã lên án mạnh mẽ cuộc đảo chính với việc "giam giữ phi pháp những cá nhân dân sự" tại Myanmar. Họ yêu cầu phải thả tự do các nhà lãnh đạo dân sự và tôn trọng "lá phiếu của cử tri Myanmar".
Chính phủ Úc bày tỏ “sự quan ngại” và kêu gọi quân đội giải quyết các tranh chấp thông qua các cơ chế hợp pháp và trả tự do ngay lập tức cho tất cả các nhà lãnh đạo dân sự và những người khác bị giam giữ bất hợp pháp. Úc cũng kêu gọi triệu tập lại Quốc hội, phù hợp với kết quả của cuộc bầu cử tháng 11.
Mỹ cho biết "Hoa Kỳ cảnh báo quân đội Myanmar đã thực hiện các bước để phá hoại quá trình chuyển đổi dân chủ của đất nước”. Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan thông báo: “Chúng tôi tiếp tục khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với các thể chế dân chủ của Myanmar và phối hợp với các đối tác khu vực, thúc giục quân đội và tất cả các bên khác tuân thủ các chuẩn mực dân chủ và pháp quyền, đồng thời thả những người bị giam giữ… Hoa Kỳ sẽ có hành động chống lại những người chịu trách nhiệm nếu các bước này không được đảo ngược".
New Zealand quyết định đình chỉ tất cả các quan hệ chính trị và quân sự cấp cao với Myanmar sau cuộc đảo chính tại nước này. Phát biểu tại buổi họp báo ngày 9/2, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết nước này sẽ áp dụng lệnh cấm đi lại đối với các nhà lãnh đạo quân sự Myanmar, đồng thời đảm bảo chính phủ quân sự Myanmar sẽ không được tiếp nhận hay hưởng lợi từ các dự án thuộc chương trình viện trợ từ New Zealand dưới bất cứ hình thức nào…
Hội đồng Bảo an Liên hợp Quốc, tổ chức có nhiệm vụ duy trì hòa bình thế giới không ra được nghị quyết lên án hành động đảo chính vì bị Trung Quốc ngăn chặn với lý do không can thiệp vào “công việc nội bộ của Myanmar” (rõ ràng Chính phủ Trung Quốc đồng lõa với tội ác, cũng giống như trước đây họ tiếp tay đồng lõa với chế độ diệt chủng Khơ Me đỏ chống phá Việt Nam. Trung Quốc muốn một Myanmar luôn trong tình trạng phe phái, suy yếu. Một Myanmar dân chủ hùng cường thân phương Tây không nằm trong tính toán của họ). Tổ chức này chỉ có thể kêu gọi “nỗ lực giúp Myanmar trở lại con đường dân chủ, ổn định”, kêu gọi “tất cả các nhà lãnh đạo phải hành động vì mục tiêu lớn của quá trình cải cách dân chủ tại Myanmar”. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã lên án mạnh mẽ những diễn biến căng thẳng tại Myanmar, đồng thời nhắc nhở lãnh đạo quân đội phải tôn trọng quyền và ý chí của người dân trong nước.
Trung Quốc là nước có quan hệ chặt chẽ với giới quân sự Myanmar. Thông qua chính sách ngoại giao giống như thông đồng, thao túng, họ có vẻ như đang ủng hộ ngấm ngầm với hành động của các tướng lĩnh Myanmar. Trung Quốc hành xử như thể sự kiện này là vấn đề nội bộ của Myanmar, và những gì người ta quan sát thấy chỉ là một cuộc cải tổ nội các giống như truyền thông nhà nước này đưa tin. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh đã bày tỏ "hy vọng các bên khác nhau sẽ giải quyết phù hợp những khác biệt trong khuôn khổ hiến pháp và luật pháp, nhằm bảo vệ ổn định chính trị và xã hội", đồng thời nhấn mạnh "Trung Quốc là láng giềng thân thiện của Myanmar", “có quan hệ tốt với cả hai phía” (Chúng ta cần lưu ý, trước đảo chính mấy hôm, Ngoại trưởng Vương Nghị đã gặp Thống tướng Myanmar Min Aung Hlaing. Khó có thể tin ông ta và lãnh đạo Trung Quốc không biết gì về cuộc đảo chính. Và gần chục ngày nay, đêm đêm nhiều máy bay vận tải Trung Quốc từ Côn Minh chở những “chuyến hàng đặc biệt” đến Myanmar. Phương Tây cáo buộc đó là máy bay chở vũ khí, thiết bị chống bạo loạn, nhân viên công nghệ mạng đến giúp quân đội Myanmar khôi phục hệ thống mạng bị đánh sập. Phía Trung Quốc thì tuyên bố đó là “hàng xuất khẩu thủy sản đông lạnh?”).
Tổ chức khu vực ASEAN thì kêu gọi Myanmar theo đuổi “đối thoại, hòa giải và quay lại tình trạng bình thường”. Tổ chức này tuyên bố: “Chúng tôi nhắc lại rằng sự ổn định chính trị tại các nước thành viên ASEAN là cần thiết đối với việc đạt được một cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định và thịnh vượng".
Với các nước trong Hiệp hội quốc gia Đông Nam Á, những người láng giềng trong nội khối ASEAN trước đây thường có những phản ứng theo nguyên tắc “không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau”. Các nước thường tránh bình luận gây ảnh hưởng tới quan hệ chung, nhưng lần này các nước có những phản ứng rất khác nhau. Có nước như Campuchia cho rằng đó là “công việc nội bộ”. Một số nước giống như Việt Nam ra tuyên bố: “hết sức quan tâm theo dõi tình hình đang diễn ra… mong muốn Myanmar sớm ổn định tình hình để xây dựng và phát triển đất nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và tiếp tục đóng góp cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN”.
Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin và Tổng thống Indonesia Joko Widodo thì gặp nhau trực tiếp ở thủ đô Jakarta của Indonesia ngày 5-2. Điều đáng chú ý là bình luận của Thủ tướng Muhyiddin. Ông mô tả cuộc đảo chính ngày 1-2 ở Myanmar là "một bước lùi đối với tiến trình dân chủ của Myanmar". Ông còn cảnh báo sự bất ổn ở Myanmar có thể ảnh hưởng đến “hòa bình và ổn định trong khu vực”. Phát biểu sau cuộc gặp, Tổng thống Widodo cho biết ông và ông Muhyiddin đã yêu cầu ngoại trưởng hai nước cố gắng kết nối với người đồng cấp Brunei để tổ chức một cuộc họp đặc biệt của ASEAN. Đây có thể nói là một trong những động thái hiếm có trong lịch sử ASEAN.
Ngoại trưởng Singapore thì cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng với Myanmar và khu vực vì cuộc đảo chính. Ngay cả Thái Lan, một quốc gia có truyền thống “đảo chính quân sự” cũng kêu gọi các quốc gia ASEAN “cần có lập trường tập thể” với Myanmar…
Tóm lại, cuộc đảo chính của giới quân sự gần như bị cả thế giới hoặc tẩy chay hoặc không ủng hộ.
Hậu quả trước mắt với Myanmar
Trong nước, xã hội Myanmar sau đảo chính mâu thuẫn càng sâu sắc. Bất ổn và bạo lực sẽ ngày một gia tăng. Dòng vốn đầu tư FDI và ODA từ nước ngoài đóng băng và ngừng trệ. Nguồn viện trợ của quốc tế bị cắt (trừ viện trợ của Trung Quốc). Sản xuất trong nước đình đốn. Những thành tựu kinh tế của Myanmar trong thời gian qua nhanh chóng trở về con số không. Cùng với sự lan tràn dịch bệnh Covid-19, người dân Myanmar chắc chắn sẽ lâm vào một thảm họa cực kỳ tồi tệ.
Ngoài nước, tiếp theo sau Anh, Mỹ, Canada cấm vận và trừng phạt các tướng lĩnh, các doanh nghiệp quân đội có liên quan đến cuộc đảo chính, ngày 22/2 các ngoại trưởng của Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí trừng phạt quân đội Myanmar liên quan đến cuộc đảo chính tại nước này và ngừng một số chương trình viện trợ phát triển. Mọi hỗ trợ tài chính trực tiếp từ hệ thống phát triển của EU cho các chương trình cải cách của chính phủ nước này đều bị giữ lại.
Ngày 25-2, 137 tổ chức phi chính phủ (NGO) từ 31 quốc gia ký thư ngỏ kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc áp ngay lệnh cấm vận vũ khí đối với Myanmar: "Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cần áp dụng khẩn cấp lệnh cấm vận vũ khí toàn cầu đối với Myanmar để phản đối cuộc đảo chính quân sự và ngăn quân đội Myanmar gây ra thêm các vụ ngược đãi" (Trung Quốc là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Myanmar).
Trước phản ứng của cộng đồng quốc tế và sức ép của Mỹ yêu cầu Trung Quốc phải tỏ rõ lập trường về cuộc đảo chính ở Myanmar, ngày 19-2 Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã điện đàm với Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi. Ông Vương Nghị khôn khéo đẩy quả bóng về phía ASEAN. Ông ta nói cả Trung Quốc và ASEAN đều quan tâm đến tình hình ở Myanmar cũng như việc khôi phục và duy trì hòa bình, ổn định ở quốc gia này. Trung Quốc ủng hộ ASEAN phát huy vai trò “phù hợp” trong việc “xoa dịu” tình hình hiện tại ở Myanmar theo phương thức ASEAN (phương thức đồng thuận), triệu tập cuộc họp ngoại trưởng không chính thức, “tuân thủ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác” và xây dựng đồng thuận để có được những tiếp xúc sớm, cũng như trao đổi cụ thể với phía Myanmar (hình như ông ta muốn ASEAN ra tuyên bố theo quan điểm của Trung Quốc “không can thiệp vào công việc nội bộ” của Myanmar. Nếu như vậy thì tôi cho rằng chẳng khác gì ASEAN không ra được tuyên bố, giống như việc ASEAN thất bại không ra được tuyên bố lên án hành động của Trung Quốc ở Biển Đông và không dám bày tỏ thái độ trước phán quyết của Tòa án Trọng tài quốc tế ở Biển Đông đối với Trung Quốc vì Campuchia không đồng ý).
Tuy nhiên với tất cả những diễn biến đang xảy ra, tôi cho rằng cuộc đảo chính của giới quân sự Myanmar đang đi vào ngõ cụt. Vậy có còn lối thoát nào cho Myanmar trong tình trạng hiện tại? Chúng ta hãy chờ xem.
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.