Thời gian trước khi rời bang Missori

Leave a Comment
Trong vòng ba tháng, bốn lần tôi qua lại sân bay quốc tế Kansas, Missouri và sân bay quốc tế Denver, Colorado. Khoảng cách giữa hai sân bay là 599 mile, tương đương với 964 km. Thời gian bay là 1h 28 phút. Từ sân bay Kansas về đến Columbia mất 126 mile, tương đương với 203 km. Thời gian đi xe ô tô mất 2h. Giang phải đưa đón tôi, đưa đón chị, đưa đón Hoài Anh và đưa đón mẹ đẻ. Tổng cộng là 10 lượt, 2.030 km với 20 h lái xe. Quả là khoảng thời gian quá bận rộn với Giang. Vừa phải học hành thi cử, vừa phải bố trí thời gian đưa đón người nhà, vừa phải đưa vợ con tới viện theo định kì. Chưa kể thỉnh thoảng còn đưa mọi người đi đây đi đó một vài ngày. Sinh nhật vợ chồng tôi, Giang lại tranh thủ cùng vợ con bay sang Colorado chúc mừng.
Không hiểu sao cứ mỗi lần về đến Thành phố Columbia tôi lại cảm thấy như mình trở về nhà. Con đường cao tốc từ sân bay Kansas qua thành phố Kansas về tới Columbia rất đỗi quen thuộc. Nhắm mắt lại tôi vẫn hình dung ra phong cảnh hai bên đường. Những cánh rừng thưa, rừng rậm xanh lục trải dài; những trang trại ngô, trang trại đậu nành, trang trại hoa quả, trang trại chăn nuôi và những cánh đồng cỏ xanh rờn rộng ngút tầm mắt; những ngã ba, ngã tư, những con đường rẽ đi đâu đó gợi bao liên tưởng in đậm trong tâm trí tôi. Cứ mỗi lần qua chiếc cầu đôi bắc trên sông Mississippi, con sông dài thứ tư và rộng thứ 10 trên thế giới, con sông chảy qua 2 tỉnh của Canada và 31 bang của nước Mỹ, con sông hiển hiện như một phần lịch sử bi hùng của Hoa Kỳ là tôi biết mình sắp về đến làng sinh viên High Student Village của Trường Đại học Missouri.
Giang không về nhà mà lái xe đưa tôi thẳng đến Trung tâm Hearnes. Trung tâm này được xây dựng từ năm 1929 với tổng kinh phí 10.750.000 đô la. Vào những năm 1970 trung tâm được nâng cấp toàn diện. Nó trở thành một trung tâm vui chơi giải trí, một đấu trường đa năng dành cho các cuộc thi bóng rổ, bóng chuyền, thể dục dụng cụ và đấu vật trong nhà. Nơi đây còn diễn ra những sự kiện nổi tiếng của Trường Đại học Missouri như festival, Homecoming, lễ phát bằng... Hiện tại đấu trường Hearnes có 13.611 chỗ ngồi. Nó khá rộng cho nên người ta phải bố trí bên phải, bên trái khán đài chính, mỗi bên một màn hình cực lớn để khán giả tiện theo dõi mỗi khi Hearns tổ chức các sự kiện.
Chính giữa sân Khấu Hearns là một chiếc phông lớn. Trên nền phông màu xanh nổi bật dòng chữ in hoa màu vàng: LỄ PHÁT BẰNG TỐT NGHIỆP (GRADUATE SCHOOL COMMENCEMENT). Phía dưới hàng chữ này là dòng chữ in hoa nhỏ hơn ghi rõ thứ, ngày, tháng, năm tốt nghiệp. Tôi được biết lễ phát bằng cử nhân diễn ra trước đó một tuần. Còn hôm nay là lễ phát bằng cho các thạc sĩ và tiến sĩ. Theo danh sách, đúng hơn là một cuốn sách mạ vàng trang trọng tôi đang cầm trên tay thì có khoảng trên một ngàn hai trăm học viên sau đại học. Riêng trường Đại học Giáo dục có tới trên hai trăm tân tiến sĩ và thạc sĩ.
Sau khi đưa tôi vào vị trí ở gần nhất Khán đài A, Giang trở về Làng Sinh viên để đón mẹ đẻ cùng với hai mẹ con Vân. Mặc dù còn nửa tiếng nữa mới đến giờ khai mạc, nhưng trên các khán đài 13.611 chỗ ngồi gần như đã chật kín. Tất cả mọi người đều ăn mặc rất đẹp. Một rừng sắc màu áo quần lộng lẫy của các quý bà, quý cô bên cạnh những bộ comple, cà vạt lịch sự của các quý ông, quý cậu. Một rừng hoa tươi các loại đua chen trên tất cả các khán đài. Nó không giống như buổi lễ phát bằng tôi dự ở Việt Nam, chỉ có đại diện nhà trường và sinh viên tốt nghiệp. Lễ phát bằng ở đây giống như một ngày hội tưng bừng của cả trường, của cả thành phố. Người ta có thể cảm nhận thấy điều đó ngay từ trên đường tới Trung tâm Hearnes. Hầu hết người nhận bằng tốt nghiệp đều có gia đình, người thân, bạn bè cùng tới dự. Theo ban tổ chức, sinh viên tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ năm nay đến từ hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ và 43 bang của Hoa kỳ. Ước tính trung bình, cứ một người nhận bằng thì có mười người đến chung vui và chúc mừng.
Tôi biết trong mùa lễ phát bằng năm nay có một tiến sĩ, hai thạc sĩ và ba cử nhân là người Việt. Chỉ có tôi và mẹ Giang đến đây với tư cách là phụ huynh. Khi Vân và Giang đến đấu trường, gần như đầy đủ các anh chị em sinh viên Việt Nam theo học tại MU và các trường lân cận đã có mặt đầy đủ. Mọi người lần lượt đến bắt tay chúc mừng Vân. Cả cháu Dung, cháu Thảo và rất nhiều cháu bé khác tôi không biết tên cũng cầm hoa đến chúc mừng. Vân xúng xính trong bộ mũ áo thụng dành cho sinh viên tốt nghiệp sau đại học, khuôn mặt rạng ngời chào đón và cám ơn mọi người, rồi bế các cháu lên để chụp ảnh. Tôi nói với Dung sau khi tôi đề nghị cháu cùng chụp ảnh chung:
-           Giá như một ngày nào đó cháu nhận bằng thạc sĩ và tiến sĩ, ông còn đủ sức khỏe để đến dự thì tốt biết mấy.
-           Cháu còn phải theo học đại học đã chứ.
-           Đại học thì đương nhiên cháu phải theo học rồi.
-           Nếu có ngày đó thế nào cháu cũng nhớ đến ông.
Ban nhạc của nhà trường bắt đầu chơi những tác phẩm cổ điển trong thời gian chờ đợi. Bầu không khí náo nhiệt trong đấu trường bỗng trầm xuống. Những bản nhạc du dương và không khí của buổi lễ phát bằng khiến tôi nhớ lại một thời hoa niên của mình. Có lẽ những người nhiều tuổi đến dự lễ phát bằng như tôi đều có chung một tâm trạng hoài niệm như vậy. Nhìn những bậc phụ huynh xung quanh, phần lớn họ đều lặng yên, khuôn mặt đượm vẻ ưu tư, có lẽ họ đang suy nghĩ về những nỗi niềm riêng, về số phận cuộc sống và con người. Khác hẳn với lớp trẻ, đang hừng hực khí thế, họ không nghe nhạc, họ đang nghe và đang thể hiện tiếng lòng hiện tại của mình với bạn bè cùng trang lứa.
Tiếng nhạc bỗng dừng bặt. Đội kèn trang nghiêm bướcvào lễ đài. Hồi kèn lệnh bắt đầu vang lên báo hiệu buổi lễ bắt đầu. Dứt hồi kèn, Phó chủ tịch Hội đồng nghiên cứu khoa học Trường đại học Missouri kiêm Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục George L. Justice lên đọc lời chào mừng. Tiếp theo, ông giới thiệu và mời các vị đại biểu đại diện cho thành phố, các giáo sư tiến sĩ khoa học đại diện cho các nhà trường và các phòng ban, các giáo sư, tiến sĩ trực tiếp hướng dẫn luận án và luận văn cho các học viên vào vị trí danh dự. Sau đó là lễ diễu hành của trên 1200 tiến sĩ, thạc sĩ. Họ đều đội mũ và mặc bộ áo thụng dành cho học viên sau đại học, lần lượt từ bên phải cánh gà đi vào khu vực trung tâm.
Seung Ri Lee, người vừa tốt nghiệp Cử nhân Âm nhạc cùng dàn nhạc tiến hành nghi lễ chào cờ. Tất cả mọi người trong đấu trường tự động đứng dậy. Không một tiếng động. Tôi chỉ nghe thấy lời ca và tiếng nhạc hào hùng của bài quốc ca Hoa Kỳ. Sau lễ chào cờ là lời chào mừng và lễ công bố danh sách các tiến sĩ, thạc sĩ. Rồi lần lượt học viên các nhà trường lên nhận bằng tốt nghiệp từ các hiệu trưởng của các trường đại học thuộc Trường đại học Missouri. Có một điều khác với nghi thức ở Việt Nam, khi các học viên chuẩn bị bước lên trên khán đài thì đồng thời các giáo sư tiến sĩ hướng dẫn học viên làm luận văn, luận án nghiên cứu khoa học, từ hàng ghế danh dự đứng lên, đi trước, dẫn học viên tới vị trí trao bằng rồi quay trở lại. Cả hai đều nhận được lời chúc mừng và cái bắt tay của những người có chức vụ cao nhất trong các nhà trường.
Kết thúc buổi lễ, tiếng kèn lệnh lại vang lên đưa tiễn các tân tiến sĩ và thạc sĩ ra khỏi khu trung tâm. Hầu như tất cả các sinh viên vẫn túm tụm ở lại nói chuyện. Lúc này Giang mới xách chiếc nôi và đưa mẹ đến chào mọi người. Ai nấy đều muốn bế Bảo, thành viên bé bỏng nhất trong buổi lễ trao bằng được chuyền tay nhau, nâng niu trìu mến. Khi Vân hớn hở trở lại, mọi người mới có thời gian cùng chụp ảnh kỉ niệm toàn đoàn. Phải đến nửa tiếng sau, khi mọi người ra về gần hết, Vân mới trao cho tôi tấm bằng và bế Bảo. Lúc đó chúng tôi mới có bức ảnh chụp chung cả gia đình.
Về đến nhà, tôi đặt Bảo xuống chiếc giường riêng của cu cậu. Bảo lớn lên trông thấy và rất ngoan. Đôi lúc có ọ ọe nhưng không hề khóc. Mới hôm nào bế cháu, bé tí tẹo, tôi cứ sợ đánh rơi. Vậy mà sau có ba tháng Bảo đã tăng thêm được 2,25 kg. Bình quân mỗi tháng lên được 750 g. Bế cháu đã có cảm giác châm chẫm tay. Nói như các cụ nhà quê là mẹ vào loại mát sữa. Trông cháu khá bụ bẫm. Khuôn mặt Bảo bây giờ đã định hình, hao hao giống bà nội. Đôi mắt và cái miệng thì giống cha như tạc. Chỉ có nước da trắng trẻo là giống mẹ thôi. Mặc dầu khá cứng cáp và đã ba tháng nhưng Bảo vẫn chưa lẫy được. Cháu mới biết nghiêng nửa người, nhiều lần cố rướn mà không ngẩng đầu lật sấp được. Tôi nghĩ có lẽ phải mất một hai tuần nữa cu cậu mới lẫy được. Có lẽ đến lúc đó thì tôi chỉ được chứng kiến qua màn hình ipad. Thật đáng tiếc.
Tôi và Vân ngồi ngắm Bảo ngủ. Sao mà đáng yêu đến thế. Tôi thầm mong sau này ít nhất Bảo cũng được như bố cháu. Chia sẻ ý nghĩ đó với con gái, Vân khẽ cười:
-           Con lại ước sau này nó giống ông ngoại. Chắc thời trai trẻ có nhiều cô gái để ý đến ông lắm.
-           Thời trẻ cũng có một vài cô gái làng, một vài giáo sinh, một vài cô gái dân tộc và sau này một vài cô giáo ở trường có cảm tình. Nhưng cuối cùng lấy mẹ con.
-           Nghĩa là mẹ con thật may mắn. Cho nên con muốn sau này Bảo giống ông ngoại mà.
-           Bảo giống bố mẹ thì vẫn tốt hơn.
Vân bóc hết một chồng bưu phẩm. Đó là những quyển sách giáo khoa toán học, khoa học của khối Trung học cơ sở và Trung học phổ thông mà tôi nhờ vợ chồng Vân mua hộ trên mạng. Tổng số gần 15 cuốn. Tất cả đều đóng bìa cứng, in màu. Mặc dầu  đã đọc hết bộ sách giáo khoa toán học và khoa học của Singapore dùng cho học sinh nhà trường phổ thông nhưng tôi vẫn muốn có một bộ sách của Mỹ để bản thân và các giáo viên của trường tôi tham khảo thêm. Nội dung thì tôi chưa biết, còn về hình thức bên ngoài thì đẹp hơn sách giáo khoa của Singapore. Chất lượng giấy cũng tốt hơn. Đặc biệt việc đóng bìa để bảo quản sách giáo khoa thì chẳng khác gì ở Việt Nam trước đây đóng bìa các trước tác kinh điển của Các Mác và Lê nin. Tôi nghĩ những cuốn sách giáo khoa tôi đang cầm trên tay không chỉ để dùng cho một năm, đến mười năm hoặc lâu hơn nữa thầy trò vẫn có thể dùng được.
-           Ba còn đọc làm gì những thứ này nữa cho mệt đầu.
-           Mình vẫn còn làm việc thì còn phải đọc. Chẳng lẽ đi dự giờ giáo viên mà không đọc trước nội dung người ta giảng dạy thì đánh giá người ta như thế nào.
-           Ba đánh giá về phương pháp giảng dạy thôi.
-           Phương pháp nào thì cũng bắt đầu từ nội dung bài giảng, thông qua nội dung bài giảng, kể cả phương pháp học tập hợp tác, phương pháp học tập trực tuyến áp dụng cho học sinh của Mỹ hiện tại cũng vậy thôi. Làm giáo dục cũng như làm khoa học, việc gì cũng phải rất nghiêm túc, không chớt chát được đâu.
Vân cho tôi xem một số bài tiểu luận kết thúc học phần của một số môn học.Tất cả đều đạt điểm A, tương đương với điểm giỏi ở Việt Nam. Bảng điểm chung toàn khóa thạc sĩ cũng được xếp loại A. So với kết quả xếp loại học tập đại học ở Việt Nam, cả Thúy và Vân đều được xếp tăng lên một bậc ở bậc thạc sĩ tại Trường Đại học Missouri. Đó là cơ sở khá chắc chắn để Vân xin được học bổng học tiếp tiến sĩ tại trường hoặc ở một số trường đại học khác giống như Thúy. Trước đó, tôi cứ lo lo về việc học tiếp của Vân. Xem bảng điểm và nghe Vân nói, Trường Đại học Giáo dục của Trường Đại học Missouri đã tiếp nhận đơn và đang xem xét cấp học bổng 1.200 đô la một tháng, với điều kiện hàng tuần Vân phải làm thêm một số buổi tại văn phòng nhà trường. Thật là một tin vui, một tin vui không dễ gì diễn tả được.
Trong số các bài tiểu luận của Vân, tôi thích nhất tiểu luận môn học Văn hóa Thế giới với đề tài Nguồn gốc và ý nghĩa văn hóa của đôi đũa và những chiếc rĩa (The origin & cultural significances of chopsticks and forks). Bài viết không phải là một phát hiện mới mẻ về những vật dụng trong sinh hoạt ăn uống hàng ngày. Những luận giải để khẳng định đôi đũa bắt nguồn từ khu vực Đông Nam Á cổ đại, trong đó có Việt Nam đã được nhiều tác giả văn hóa lớn đề cập đến từ lâu. Một số học giả Trung Quốc cho rằng đôi đũa là sáng tạo của người Hán hoặc của các dân tộc phía nam sông Dương Tử. Một số nhà văn hóa của Việt Nam thì cho rằng đôi đũa là sáng tạo của người Việt. Một số nhà văn hóa ở các nước Đông Nam Á thì cho rằng đôi đũa có nguồn gốc từ dân tộc họ. Tác giả của nước nào cũng vơ vào là của nước mình.
Vân tham khảo nhiều nguồn tư liệu Đông – Tây, trongđó có cuốn Lịch sử các đồ gia dụng trong bữa ăn (History of Eating Utensils) của Viện Khoa học California và khẳng định chủ nhân sáng tạo ra đôi đũa đích thực là người Việt. Vân đã chỉ ra được điểm yếu trong lập luận của một số nhà văn hóa Trung Quốc và một số nhà văn hóa Đông Nam Á. Họ khẳng định đôi đũa xuất phát từ nước họ, tìm cách giải thích theo thiên kiến cho cái định đề đó, chứ không chứng minh và thuyết phục được nguồn gốc ra đời của nó từ hoàn cảnh, môi trường sinh thái thiên nhiên, từ nguồn gốc sinh hoạt, từ lịch sử dân tộc, từ cái nôi của nền văn minh lúa nước, từ chất liệu phổ biến để làm ra đôi đũa và từ chính nền văn hóa trong việc sử dụng các loại đũa của cả một dân tộc từ ngàn xưa cho đến tận ngày hôm nay.
Bài Viết của Vân khá thuyết phục. Nhưng tôi thích bài viết không phải ở điểm đó. Là một bài tiểu luận khoa học nhưng nó cũng là bài trình bày, thảo luận trong một lớp học đa văn hóa. Có người Âu, người Mỹ, người Phi, người Á và dĩ nhiên có người Trung Quốc, người Thái, người Mianma. Nhiều dân tộc trong số đó đã nhận đôi đũa có nguồn gốc từ đất nước của mình. Vấn đề là phải trình bày như thế nào để mọi người chấp nhận, không phản ứng.
Lời giới thiệu ban đầu của Vân khá tinh tế. Giọng văn vừa nồng nhiệt vừa như mời mọc: “ có nhiều điều tưởng như nhỏ nhặt, đơn giản và bình thường nhưng nó lại kể cho chúng ta nhiều điều thú vị về đất nước và con người, thậm chí về chính bản thân lịch sử văn hóa của một dân tộc. Những đôi đũa và những chiếc rĩa vào một ngày đã khiến cho tôi ngạc nhiên bởi vì chúng không chỉ là những đồ gia dụng để ăn hàng ngày mà nó còn biểu hiện sự khác biệt đáng chú ý giữa hai nền văn hóa lớn trên thế giới. Tôi hy vọng các bạn sẽ vui với câu chuyện và cùng khám phá một vài điều mà tôi đã trải nghiệm”. Và vẫn với giọng văn như vậy, Vân đưa người nghe về với câu chuyện thủa thiếu thời, một câu chuyện tâm tình của riêng hai cha con tôi về cái buổi bình minh của dân tộc Việt, vể những chiếc trống đồng cổ Đông Sơn, về những ngôi làng bao bọc bởi những rặng tre trải dọc suốt từ Bắc vào Nam, lọt thỏm trong biển lúa vàng; về hàng trăm loại cò, vạc, nông, giang, sếu, diệc… chao liệng trên cánh đồng, ngoài bến bãi.
Trong bài có nhiều những hình vẽ trên giấy về những loại chim mỏ dài, mò tôm bắt tép; những chiếc mỏ của các loại chim cũng giống như những đôi đũa mà người dân Việt vẫn dùng trong bữa ăn hàng ngày. Và đến một hôm Vân đi chơi với Catherine và những người bạn Mỹ, mọi người dùng rĩa trong bữa ăn. Câu chuyện trở lại với kỉ niệm riêng mà tôi đã kể cho Vân nghe về cuộc sống của những cư dân du mục thủa xa xưa, cùng với những câu chuyện về những loài thú móng vuốt ăn thịt như các loại chim đại bàng, chim ưng; móng vuốt của các loài hổ, báo được vẽ trên giấy giống như hình dáng những chiếc rĩa. Từ mỏ chim đến đôi đũa, từ móng vuốt đến chiếc rĩa, tất cả những hình vẽ minh họa, diễn giải đều đầy sức thuyết phục; cùng với những luận cứ, luận chứng mềm mại, giàu cảm xúc như lời thơ bộc bạch về nguồn gốc của hai loại vật dụng dùng trong bữa ăn, thuộc hai nền văn hóa khác nhau, thật khó có ai có lí do để phản bác.
-           Cuối cùng là phần thực hành sử dụng đôi đũa, Vân thuật lại phần cuối buổi thuyết trình. Con giới thiệu cách cầm đũa như thế nào. Vị trí của đôi đũa giữa ngón cái và ngón trỏ như thế nào. Sự phối hợp giữa ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và ngón đeo nhẫn như thế nào để có thể gắp được một hột cơm, một củ lạc, một cọng rau cho đến các loại thức ăn như thịt, cá, tôm cua vào bát cơm. Rồi cách tiến hành và cơm, ăn bún, ăn phở bằng đũa như thế nào. Con mang một số “hiện vật” thực tế đến lớp, thao tác ăn cho mọi người xem. Mọi người trong lớp đều tròn mắt ngạc nhiên và khâm phục. Sau đó con trình chiếu những bức ảnh về những bữa cơm thường nhật hàng ngày, những bữa cơm ngày tết, bữa cơm kị nhật, đến tiệc sinh nhật, tiệc cưới xin, tiệc thượng thọ, và con kết luận: Người dân Việt  từ xưa đến nay tất cả đều ăn bằng loại vật gia dụng duy nhất, đó là đôi đũa.
Tôi chợt nhớ tới bài tiểu luận Văn hóa Việt Nam, Vân viết cách đây mấy năm khi còn học ở Việt Nam. Tiểu luận có tiêu đề: Đặc trưng tín ngưỡng phồn thực qua một số lễ hội dân gian Việt Nam. Phải thừa nhận đó là bài viết được tập hợp từ nhiều nguồn tư liệu của nhiều ngành khoa học, chuẩn bị công phu, làm sáng tỏ được một dạng nhận thức đặc biệt của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước trong diễn trình lịch sử qua hai biểu hiện thờ bộ phận sinh dục nam nữ và thờ hành vi giao phối ở các ngôi đình làng, hội làng Việt từ xa xưa. Vân đã phân tích khá tỉ mỉ cái vỏ ngoài “dâm tục và nhảm nhí” của các tục hèm, các trò chơi, các điệu múa để người đọc thấy được cái ước vọng cơm no áo ấm ngàn đời của người nông dân cả đời phụ thuộc vào mưa nắng của ông Trời.
-           Con còn nhớ niên luận môn Cơ sở Văn hóa Việt Nam không?
-           Con không bao giờ quên. Không phải vì con được điểm 10 hay được thầy cô và các bạn khen ngợi mà vì đó là đề tài khoa học lần đầu tiên con viết với sự hướng dẫn của ba. Ngày đầu sang đây, con và chị Thúy thường hay ôn lại những chuyện cũ, trong đó có câu chuyện niên luận ngày còn học đại học. Kể cả trong thời gian viết “ Nguồn gốc & và ý nghĩa văn hóa của đôi đũa và những chiếc rĩa” con vẫn da diết nhớ tới những buổi trò chuyện với ba. Nó khiến con nhớ nhà, một nỗi nhớ khắc khoải, cồn cào cháy ruột gan. Thỉnh thoảng con lại mở iphone, ipad ra xem cái gì đó cho khây khỏa. Đặc biệt là bộ phim hoạt hình “Cha con”.  Ba đã xem chưa?
-           Ba chưa xem.
-           Bộ phim giành được giải nhất trong liên hoan phim hoạt hình quốc tế.
Vân với lấy chiếc ipad để ở góc bàn. Hai cha con tôi cùng xem. Nói là bộ phim nhưng nó rất ngắn gọn, không lời. Chỉ khoảng vài phút. Chuyện kể về một cô bé đạp xe theo cha ra bến sông. Người cha chia tay ôm con gái, bịn rịn chèo thuyền ra hồ làm việc. Cô bé cứ đứng ở bến sông dõi theo bóng người cha trên sóng nước mênh mông cho đến khi khuất bóng. Chiều về, cô bé lại đến bến sông ngóng chờ. Cô cứ ngóng chờ nhìn ra phía hồ nước bao la như biển rộng mịt mùng. Cô chờ mãi, chờ mãi vẫn không thấy cha trở về. Rồi ngày lại ngày, trời nắng cũng như trời mưa, mùa xuân cũng như mùa đông, ngày nào cũng như ngày nào, cô đạp xe đến bến sông. Kể cả khi đi chơi với bạn bè, qua bến sông mình một mình cô ở lại ngóng chờ. Cho đến khi trở thành người con gái có người yêu, rồi lấy chồng, sinh con. Người ta vẫn thấy một người phụ nữ đạp xe đến bến sông, ngóng nhìn về phía xa xa sông nước. Theo năm tháng, người con gái đã luống tuổi. Người ta lại thấy một người đàn bà đạp xe đến bến sông đợi chờ. Cho đến một ngày, người đàn bà già yếu không dựng nổi chiếc xe đạp, bà băng qua sông,  đến doi đất cạn, thấy một con thuyền ngày nào phủ đầy cát. Bà liêu xiêu chạy đến, ngã gục xuống thuyền. Trong giấc mơ, bà thấy cha mình từ xa đi lại vẫn như ngày nào. Bà chới với chạy tới… Tiếng nhạc trong phim rộn lên nghe sao đằm thắm, da diết. Tôi không thể nào cầm được nước mắt.




Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.