Đi dạo phố sớm và vào bệnh xá

Leave a Comment
 Sáng nhìn đồng hồ mới 6 giờ. Nhìn qua của sổ, bên ngoài gió mạnh khiến cây cối, cành lá đều uốn ngả theo một chiều. Tôi mặc thêm áo len và áo khoác để đi bộ ra khu phố trung tâm. Mở cửa bên ngoài khu căn hộ tôi mới biết trời lạnh hơn tôi tưởng. Gió ập vào mặt sắc như kim châm. Có lẽ nhiệt độ ngoài trời chỉ khoảng 8 độ c. Biết là lạnh nhưng tôi vẫn đi vì quay lại nhà thì cũng chỉ bật ti vi hoặc nằm chờ các con, các cháu dậy. Thời gian đó thật chẳng lãng phí sao. Mong muốn được mục sở thị cái mảnh đất này đã thôi thúc tôi quyết đi, gạt bỏ cái ham muốn nằm trong phòng điều hòa ấm áp để co mình trong cái thế giới riêng mặc cho con tạo xoay vần.
 Khác với mấy buổi sáng hôm trước, sáng nay im bặt tiếng chim. Cái âm thanh hối hả, rộn rã như reo vui chào đón một ngày mới bỗng nhường cho cái âm thanh hun hút gợi cảm giác lạnh lẽo, đơn chiếc, cơ hàn. Phố xá dưới ánh đèn sáng trắng mờ sương chìm trong trong tĩnh lặng, không một bóng người. Những ngôi nhà, văn phòng, cửa hàng, cửa hiệu ở trung tâm vẫn im lìm trong giấc ngủ. Ở đây mọi người đều dậy muộn. 7 giờ mà thành phố vẫn vắng teo. Thỉnh thoảng mới có một chiếc ô tô chạy vụt qua đường. Tôi thì cứ 5 giờ đã dậy, không thể nào ngủ tiếp được nên gần một tuần kể từ khi đến thành phố Columbia, sáng nào tôi cũng dành một vài tiếng đi bộ, đi hết phố này đến phố khác nhưng tôi vẫn thấy mới lạ. Không phố nào giống phố nào. Không nhà nào giống như nhà nào. Cả đến quần áo con người và phong cách sống, không ai bắt chước ai. Chỉ có hệ thống đường nhựa to nhỏ, ngang dọc là giống nhau, giống nhau đến mức không nhìn biển đề tên phố, tên đường và không nhìn bản đồ thì không biết đâu mà đi.
 Đi ra khỏi trung tâm thành phố, tôi đến khu ở của người da mầu, chủ yếu là người da đen. Đất ở hẹp hơn, khoảng hai ba trăm mét vuông một nhà. Nhà ở cũng hẹp hơn, cũ hơn, phần lớn hai tầng và một tầng. Hàng rào,vườn hoa và những chậu hoa trước cửa nhà ít được chăm chút, đầu tư nên kém lộng lẫy kiêu sa như trong các khu phố sầm uất của tầng lớp giàu có và tầng lớp trung lưu. Tuy nhiên nhà nào cũng có một vài chiếc xe ô tô con để trong khuôn viên. Xung quanh nhà, nhà nào cũng có khoảng trống trồng cây, trồng hoa, trồng cỏ.
 8 giờ 30 tôi về đến nhà. Thúy đang trong bếp chuẩn bị ăn sáng cho cả nhà. Vợ chồng Giang, Vân vừa dậy, bế Bảo ra phòng khách. Hôm nay là ngày cháu đi đến bệnh xá kiểm tra sức khỏe. Đây là lần kiểm tra thứ 2 từ hôm cháu sinh (mới được 7 ngày). Vân đặt Bảo vào trong chiếc nôi lót chăn ấm. Cháu bé tí tẹo, quấn trong chiếc khăn tắm, nằm lọt thỏm trong nôi. Bố, mẹ, ông xúm lại kê đệm bên trái bên phải, trên đầu dưới chân để lát nữa đi xe cháu khỏi lắc. Cháu sinh ra nơi đất khách quê người nhưng được các bác sĩ, y tá chăm sóc rất đầy đủ, tận tình. Ngoài bố mẹ, ông bà, các bác, cháu còn được bạn bè nơi xa xôi của bố mẹ cháu bao bọc trong tình yêu thương trìu mến. Cháu sinh ra vào mùa xuân, mùa xuân đầu tiên của một con người trong cuộc đời, mùa xuân đầu tiên của bố mẹ cháu, của mọi người trong gia đình. Ngày tháng năm sinh cháu theo dịch số của người phương Đông khá đẹp. Hy vọng ánh nắng ấm áp, hương hoa ngào ngạt, sức sống đang bừng lên của mùa xuân đất trời tại đây sẽ nâng bước cuộc đời cháu, khi cháu bước ra khỏi chiếc nôi đối mặt với thế giới đầy bất trắc này.
 Giang ra xe trước nổ máy để bật điều hòa sưởi nóng không khí trong xe. Tôi trùm khăn tắm lên chiếc nôi và xách nôi ra sau. Tôi cảm thấy thương thương Bảo vì mới có 7 ngày đã phải đi lại đến hai lần. Tôi hỏi Giang:
       -       Bắt buộc phải đưa cháu đi à?
       -       Mình phải tuân theo qui định chứ ba.
 Giang đưa cho tôi một quyển sổ, giống như một quyển y bạ. Trên y bạ có ghi mã số, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, tình trạng thể chất, sức khỏe, cân nặng, chiều cao của Bảo. Ngày khám thứ nhất sau 3 ngày. Ngày khám thứ hai sau 3 ngày. Ngày khám thứ 3 sau một tuần. Ngày khám thứ tư sau một tháng. Rồi tiếp theo là những ngày khám kết hợp tiêm chủng… Một lịch trình được số hóa ngay từ khi cháu lọt lòng. Bố mẹ cháu cứ theo đó mà thực hiện. Tôi trả lại quyển y bạ cho Giang và hỏi tiếp:
       -       Thế chẳng may trái gió trở trời, cháu ấm đầu thì làm thế nào?
       -       Cháu có bác sĩ trực tiếp theo dõi riêng do chúng con chọn. Khi cần thì gọi điện hỏi, kể cả nửa đêm        gà gáy. Bác sĩ có thể nghe bố hay mẹ mô tả bằng lời, có thể kiểm tra trực tuyến qua iphone, ipad,            máy tính cá nhân để ra quyết định chỉ dẫn. Trường hợp cần thì mới phải đi viện.
       -       Đúng là một xã hội hậu công nghiệp. Ba nghe chị Thúy nói về việc khám định kì của bà bầu ở bệnh           viện, rồi việc hàng tháng nhân viên cứu trợ xã hội(Social worker) đến tận nhà hướng dẫn chế độ ăn         uống từ tháng thứ nhất đến tháng thứ chín và những tháng sau khi sinh đến việc kê khai, kiểm tra xem       xét tiền lương, cấp phát thực phẩm cho mẹ, cho con hàng tháng nếu thuộc diện thu nhập thấp. Một         gia đình ba người mà thu nhập chỉ có 2900 đô la một tháng là thuộc diện thu nhập thấp ở bang                 Kansas.
       -       Bang này cũng thế ba ạ
       -       Ba thấy điều đặc biệt là hàng tháng theo lịch người ta đến tư vấn, kiểm tra sức khỏe và kiểm tra sự         nhận thức của đứa trẻ cho tới khi đứa trẻ đến tuổi đi học thì thôi. Thành thử những nhân viên cứu trợ       này lại trở thành những người thân, những người bạn của gia đình. Nhớ lại khi mẹ con sang với chị           Thúy trong những ngày sinh bé Lâm ở bệnh viện, mẹ con một phòng, anh Hoài Anh một phòng, chị         Thúy một phòng đặc biệt dành cho thai sản. Bé chưa ra đời bệnh viện đã hỏi ý kiến bố mẹ về việc có       lưu giữ thai nhau như một cách giữ tế bào gốc không. Với những tiến bộ của khoa học hiện nay, từ         tế bào gốc, người ta có khả năng phát triển thành những loại tế bào khác để sau này từ tế bào gốc           của bé có thể nhân bản thành các bộ phận bên trong cơ thể cháu nếu cần. Qua sky máy tính cá nhân,       ba thấy trong các phòng bệnh viện tiện nghi sạch sẽ không khác khách sạn năm sao. Cứ nửa tiếng           đến một tiếng lại thấy bác sĩ, y tá đẩy bàn máy tính chuyên dụng cùng các dụng cụ y tế hiện đại đến          xem xét kiểm tra. Mới ngày thứ hai đã lấy mẫu máu của bé và kiểm tra thính lực. Đến ngày thứ ba          kiểm tra thị lực để hoàn chỉnh hồ sơ chăm sóc ban đầu. Giường nằm là giường nệm hơi tùy mình              điều chỉnh độ dốc, cao thấp.  Ăn uống thì theo thực đơn hộ lí mang đến tận phòng. Cả đến bàn ăn          cũng tự động điều chỉnh thích hợp cho thai sản ngay tại giường nằm. Khi ra viện, bệnh viện mời cả            gia đình dự tiệc chia tay chúc mừng. Điều kiện chăm sóc bà mẹ, trẻ em như thế này thì không biết           đến bao giờ Việt Nam mới phấn đấu theo kịp. Chẳng trách báo chí đưa tin phụ nữ giàu có Trung             Quốc tìm mọi cách nô nức đến Mỹ và các nước Bắc Âu để sinh đẻ.
        -       Không hẳn như vậy ba ạ. Không hẳn họ sang Mỹ vì nền y học tiên tiến. Theo luật Mỹ, đứa trẻ sinh          ở Mỹ sẽ mang quốc tịch Mỹ. Lí do họ sang đây còn vì muốn con họ có quốc tịch Mỹ. Kể cũng lạ,          người Trung Quốc có tiếng là hướng nội, có tinh thần dân tộc, không hiểu sao bây giờ người giàu lại        nô nức sang Mỹ mua nhà và sinh đẻ, rồi ùn ùn cho con sang Mỹ học, thậm chí sang học từ cấp tiểu          học. Con cái các quan chức to nhỏ thì đua nhau cho con vào đại học Mỹ. Trường đại học nào cũng       nhan nhản sinh viên Trung Quốc. Và đặc biệt con biết là đại đa số sinh viên Trung Quốc đều không         ưa gì chế độ và họ không có ý định trở về nước sau khi đã học xong. Chẳng lẽ đất nước có nền kinh       tế đang phát triển năng động và là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới có điều gì bất ổn? Chẳng lẽ xã       hội họ đang có vấn đề gì đó?
       -       Đất nước nào mà chẳng có vấn đề. Trung Quốc, Việt Nam và ngay cả Mỹ.
Mỹ là một quốc gia hậu công nghiệp, một quốc gia tiên tiến trong những nước phát triển. Nhưng những vấn đề xã hội, vấn đề sức khỏe và chăm sóc sức khỏe có nhiều vấn đề phải giải quyết. Tuổi thọ trung bình của người Mỹ là 78 tuổi, thấp hơn tuổi thọ trung bình của người dân Tây Âu  một tuổi. Trong hơn hai mươi năm qua, tuổi thọ trung bình của quốc gia này liên tục sụt giảm thứ hạng. Đặc biệt tỉ lệ chết của trẻ sơ sinh là 6,3 trên một ngàn trẻ, xếp sau tất cả các nước Tây Âu. Khoảng một phần ba dân số béo phì, cộng với một phần ba có trọng lượng cân quá qui định, Mỹ đã trở thành quốc gia có tỉ lệ người béo phì và trọng lượng cân quá qui định cao nhất thế giới. Bệnh ung thư, tiểu đường, căn bệnh thế kỉ rất đáng quan ngại ở đất nước này. Ngoài ra tỉ lệ có thai ở vị thành niên, khoảng 80 trên 1000 phụ nữ, cũng là một vấn đề xã hội và là tỉ lệ cao nhất thế giới.
Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ vượt mức chi tiêu so sánh với bất cứ quốc gia nào nếu tính theo số chi tiêu cho mỗi đầu người và phần trăm GDP. Không như các nước Tây Âu, hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ không hoàn toàn được xã hội hóa, thay vào đó nó dựa vào sự tài trợ thêm của tư nhân. Bình quân những năm 2000, bảo hiểm tư nhân đã trả khoảng 36 % chi tiêu về sức khỏe cho cá nhân, người bệnh phải bỏ ra 15 %, chính quyền liên bang cùng với chính quyền bang và địa phương chi trả khoảng 44 %. Có thể nói viện phí là nỗi kinh hoàng với nhiều người Mỹ. Hóa đơn thanh toán viện phí với một số bệnh điều trị dài ngày thường là lí do khiến cá nhân khai báo phá sản. Năm 2013 khoảng 50 triệu người không có bảo hiểm y tế. Khoảng một phần ba số người không đóng bảo hiểm y tế sống trong các hộ gia đình chỉ có thu nhập 50.000 đô một năm và một nửa số hộ gia đình chỉ có thu nhập 75.000 đô một năm. Một phần ba số người khác có điều kiện, có tiêu chuẩn nhưng không muốn xin đăng kí bảo hiểm y tế công cộng.
Vấn đề bảo hiểm y tế là vấn đề gây tranh cãi căng thẳng ở Mỹ. Năm 2010 Tổng thống Obama đã ráo riết vận đông quốc hội Mỹ thông qua Luật Bảo hiểm Y tế bắt buộc. Đây là bộ luật cải tổ y tế quan trọng nhất kể từ thập niên 60 của thế kỉ XX. Luật qui định tất cả công dân Mỹ buộc phải có bảo hiểm sức khỏe trước năm 2014. Trước mắt, Luật cũng đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe tối thiểu cho tất cả mọi người, đặc biệt nó giúp người dân thu nhập thấp tránh khỏi cảnh bần cùng khi lâm bệnh. Nhưng luật này vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía Đảng Cộng hòa và những người giầu có, những người có tư tưởng tự do. Vì để đạt được mục tiêu giúp 50 triệu người được hưởng các dịch vụ y tế và để có kinh phí cung cấp bảo hiểm sức khỏe cho người dân, chính quyền Obama đề xuất tăng 5% thuế đối với người có thu nhập từ 1 triệu đô la trên một năm trở lên; đồng thời tăng mức đánh thuế vào các thiết bị y tế, tăng sự ràng buộc đối với các chủ doanh nghiệp.
 Đối thủ trong cuộc vận động tranh cử của Obama, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Romney tuyên bố nếu thắng cử sẽ hủy bỏ Luật Bảo hiểm Y tế đang gây tranh cãi trong dư luận Mỹ. Và đương nhiên ông Romney không trúng cử, vì nếu ông trúng cử 50 triệu người hiện đang hưởng trợ cấp y tế sẽ bị cắt giảm mạnh. Chẳng hạn như chương trình Madicaid, chương trình Madicare đã trợ cấp, tạo điều kiện chăm sóc y tế và thuốc men cho tất cả những người già, những người lao động trẻ có mức thu nhập thấp, những người tàng tật không có điều kiện chi trả khi nhập viện. Đối với 50 triệu người Mỹ đang hưởng lợi từ Luật Bảo hiểm Ytế của Tổng thống Obama, nó không chỉ đơn giản là một sự hỗ trợ về mặt tài chính mà còn là chiếc phao cứu sinh cho họ. Họ đã ủng hộ ứng cử viên Obama vì ông hứa sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ Luật Bảo hiểm Ytế.  Đó là một trong những lí do Tổng thống Obama tái đắc cử. Và cuộc chiến giữa Obama và đảng của ông với phe cộng hòa về vấn đề bảo hiểm vẫn tiếp diễn, ngay cả khi chính phủ vì việc đó mà phải đóng cửa. Họ vẫn không chịu nhượng bộ nhau.
Hai cha con còn đang dở nói chuyện về hệ thồng y tế của Mỹ thì xe đã đến bệnh viện. Đây là một trong những bệnh viện đa khoa (clinic) của Đại học Y thuộc MU. Từ xa tôi đã nhận ra ngay biểu tượng bệnh viện trường đại học. Nó nằm trên đường Provident, ở Đông Nam thành phố Columbia. Clinic này bao gồm nhiều dãy nhà một tầng khép kín. Tất cả bệnh viện, từ hành lang, lối đi, chỗ vui chơi giải trí, phòng chờ, phòng khám, phòng điều trị đến nhà vệ sinh đều có chung một nhiệt độ ổn định. Quan sát tôi không biết hệ thống điều hòa để ở đâu và hoạt động như thế nào. Tôi không dám hỏi ngay cả đối với con rể vì sợ bị nghĩ là mình dốt. Chỉ biết rằng khi bước qua cửa bệnh viện tôi cảm thấy rất ấm áp, dễ chịu. Và một điều tiện lợi cho người bệnh đến viện trong bất kể điều kiện thời tiết nào là bước xuống ô tô thì đồng thời có thể mở ngay cửa viện vào các phòng chức năng. Bước vào viện là bước ngay trên nền thảm rất dầy và êm, trải từ cổng cho tới tất cả các phòng mà không phải bỏ dày dép ở ngoài. Tôi nghĩ có lẽ đây là thứ thảm mà người ta đặt riêng dành cho bệnh viện. Nó khác một trời một vực với thảm Trung Quốc, thảm Thái, thảm Inđônêsia mà tôi được biết. Nó cũng hoàn toàn khác với thảm trải ở các khu nhà sinh viên thuê ở kí túc xá. Không lẽ người ta trang bị là vì người bệnh?
Ở phòng đầu tiên khi tôi bước vào, phòng tiếp nhận bệnh nhân, một tấm bảng lớn đập vào mắt mọi người. Đó là tấm bảng ghi các quyền của bệnh nhân (Patien Rights). Mở đầu là dòng chữ “Bạn có quyền, và nên hiểu quyền lợi của bạn. Điều này sẽ giúp bạn nhận được sự chăm sóc tốt nhất từ bệnh viện. Chúng tôi sẽ hết sức cố gắng trong khả năng của mình để đáp ứng sự tin cậy của mọi người. Bạn cũng có quyền đòi hỏi phiên dịch riêng theo ngôn ngữ của bạn nếu không thạo tiếng Anh”. Trong mấy chục ngôn ngữ được lấy ra làm ví dụ tất nhiên là có cả tiếng Việt, mặc dù theo tôi biết số người Việt ở thành phố này không nhiều lắm. Tiếp theo là 14 đề mục ghi lại 14 quyền của bệnh nhân. Đề mục đầu tiên là: Được điều trị và đối xử với sự quan tâm, tôn trọng của tất cả cán bộ nhân viên y tế theo tiêu chuẩn an toàn. Không ai được phép lạm dụng và quấy rối; tuyệt đối tôn trọng quyền riêng tư của bạn. Đề mục cuối cùng là: Được biểu lộ sự băn khoăn nghi vấn hay sự phàn nàn và được nhận sự phản hồi trực tiếp của cán bộ nhân viên bệnh viện. Nếu bạn không thỏa mãn, bạn có quyền trình bày lại ý kiến của mình, lãnh đạo bệnh viện có trách nhiệm phải giải quyết. Lướt qua 14 quyền của bệnh nhân tôi cảm thấy có phần nghi ngờ, phải chăng là thực hay chỉ là hình thức. Làm gì mà bệnh nhân có lắm quyền đến thế. Chia sẻ ý nghĩ này với Giang, con rể tôi cười:
        -       Người ta có đầy đủ các quyền đó đấy ba ạ. Ba còn đến đây với bé Bảo, ba sẽ biết thực hư. Và             chắc chắn không bao giờ có chuyện bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân phải phong bì hoặc phải              nịnh nọt, húm núm như ở bệnh viện của chúng ta đâu.
          -       Ta vẫn nêu cao y đức đấy chứ? Tất nhiên có một bộ phận thái hóa biến chất thì không kể làm gì.
          -       Ta chuộng khẩu hiệu và hình thức. Đại loại những dòng chữ như “lương y như từ mẫu” thì tràn               ngập các bệnh viện. Nhìn và nghe thì thật là hay. Nhưng thực tế lại khác. Bà ngoại mổ ruột thừa tại một viện danh giá, có sổ bảo hiểm, nhà mình vẫn phải bồi dưỡng kíp mổ mấy triệu. Ngày Vân sốt xuất huyết nằm viện, mặc dầu có bảo hiểm, nhưng vẫn phải mua thuốc ở bên ngoài. Nằm có năm ngày cũng mất đến mấy triệu. Trường hợp của Vân thì đã đành. Trường hợp của bà ngoại 90 tuổi, nay sống mai chết mà họ cũng đang tâm cầm tiền được thì chẳng còn chút lương tâm gì cả. Ngay cả chú Tuấn nhà mình, có cương vị, có chức sắc, nhập viện một đêm một ngày có bác sĩ nào hỏi han gì đâu. Đêm hôm đó người nhà mình và cả đại diện chính quyền chẳng phải đi đến nhà riêng lãnh đạo bệnh viện làm việc là gì. Ai cũng biết hiện tượng vào viện người ta thường đưa hối lộ từ nhân viên y tá trở lên. Tiêu cực đầy dẫy, từ khâu chạy bảo hiểm đến việc mắc ngoặc giữa bệnh viện với nhà cung cấp thuốc, giữa thầy thuốc kê đơn với cửa hàng thuốc, giữa bác sĩ, nhân viên với bệnh nhân nhưng khi đưa ra quốc hội bàn thảo thì bộ trưởng tỏ vẻ    ngạc nhiên, yêu cầu phải có bằng chứng để kỉ luật làm gương. Văn hóa Việt là văn hóa tình, người nhà và    người bệnh ai người ta đi làm chứng, ai người ta đi tố cáo.
Bên cạnh chiếc bảng viết bằng chữ in hoa đậm 14 qui định về quyền của bệnh nhân, có hai chiếc bảng nhỏ hơn nằm cân đối ở bên trái và bên phải. Cái bên phải in bằng chữ thường về 10 điều nghĩa vụ và trách nhiệm của bệnh nhân. Cái bên trái cũng in bằng chữ thường, nội dung của nó là bức thư ngỏ của giám đốc bệnh viện gửi cho mọi người. Người Mỹ rất rõ ràng, bạn có quyền đồng thời với việc bạn phải có nghĩa vụ. Nghĩa vụ đầu tiên trong 10 điều nghĩa vụ và trách nhiệm là bạn phải tuân theo tất cả các qui định của bệnh viện đề ra. Điều cuối cùng là phải hoàn thành, thanh toán nhanh chóng, kịp thời tất cả các hóa đơn theo qui định và nếu có thắc mắc gì về tài chính, bạn cần liên hệ ngay với bộ phận tài chính của bệnh viện.
Nội dung thư ngỏ của giám đốc ngắn gọn, toát lên mong muốn chân thành được trở thành đối tác tin cậy của tất cả mọi người. Người lãnh đạo cao nhất của bệnh viện cũng bày tỏ ý nguyện nhận được sự đóng góp về những điều bệnh viện đã làm được, những điều chưa làm được, những ý tưởng nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị, thuốc men cũng như nhận được sự phản hồi việc vi phạm của tập thể cán bộ, nhân viên bệnh viện về các quyền của bệnh nhân. Người đóng góp có thể trực tiếp gặp giám đốc hoặc trình bày, gửi thư theo điện thoại, địa chỉ email, fax…
Ở phòng chờ khám và điều trị cho trẻ em tôi thấy chỉ có bốn hay năm đối tượng. Những cháu đã lớn, đi lại được thì hầu hết được mẹ đưa đi. Những cháu mới sinh thường được bố đưa đi. Đến bàn lấy số, ai đến trước lấy trước, ai đến sau lấy sau. Trên tường treo một bảng nhỏ xin lỗi vì đã để mọi người phải chờ đợi. Ngoài ra trên tường còn dán một số tờ giấy khổ Ao. Đó là những phác đồ phòng chống và chữa trị một số các loại dịch bệnh. Chẳng hạn một tờ tuyên truyền phòng chống dịch cúm viết: “ Mọi người cần thường xuyên rửa tay, nhất là khi đi đâu về, trước bữa ăn. Không đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Khi hắc xì hơi thì phải dùng khăn che miệng hoặc che bằng tay áo, không che bằng lòng bàn tay. Khi bị cúm nên nghỉ ngơi ở nhà, không đến chỗ đông người” . Điểm đáng chú ý của các phác đồ không phải là việc tuyên truyền qua kênh chữ, vì rất ít chữ mà nổi bật và dễ nhớ chính là qua kênh hình, các hình vẽ biểu thị được in màu, rất sinh động và rất ấn tượng.
Khoảng mười lăm phút kể từ lúc đến, Giang theo một y tá đưa con vào phòng khám. Tôi tranh thủ đi thăm một số phòng trong bệnh viện. Ở phòng kế tiếp, vẫn là phòng dành cho trẻ em, nhưng là trẻ em độ tuổi mầm non và tiểu học. tôi thấy rất nhiều đồ chơi bày ở các góc phòng. Một vài em tụm lại bên cạnh mô hình chiếc xe lửa đang chạy trên đường day. Hai em khác có vẻ quen nhau đang  đá đi đá lại quả bóng nhỏ màu nâu. Một em đang giở xem một cuốn sách gì đó bên giá sách. Tôi đi đến chỗ giá sách. Nó có ba ngăn, ngăn thứ nhất và thứ hai gồm vài trăm quyển truyện tranh mỏng. Ngăn thứ ba ở trên cùng là những cuốn sách cũng rất mỏng dành cho người lớn đọc trong lúc chờ đợi. Bên cạnh giá sách có một chiếc tủ cánh lùa nhỏ để một số nhật báo, tạp chí. Trên mặt tủ in mấy dòng chữ “Tủ sách, giá sách và sách ban đầu của gia đình Carvalho tài trợ. Chúng tôi hy vọng bạn sẽ thấy những điều hay ý đẹp và tình yêu trong mỗi cuốn sách nào đó. Bạn có thể đem sách về nhà cùng chia sẻ với người thân. Và cũng mong rằng nếu bạn có sách gì ở nhà mà không dùng đến nữa và nếu bạn muốn chia sẻ những điều hay ý đẹp và tình yêu với người khác, hãy đem sách đến tặng tại phòng này”.
Tôi đi hết phòng này sang phòng khác. Phòng nào cũng chỉ có dăm ba đối tượng. Người ta đi khám bệnh theo lịch hẹn nên chỉ ngồi ít phút là đến lượt mình. Tất cả mọi người đều lặng lẽ, tuần tự. Có nói chuyện, trao đổi nhưng rất nhỏ nhẹ. Các nhân viên của bệnh viện người nào việc nấy, tất bật, mau lẹ, điềm đạm. Đến mỗi phòng tôi đều được nhân viên chào hỏi “Rất vui lòng nếu chúng tôi giúp gì được cho ông”. Tôi trả lời, tôi là khách đến thăm. Vì ở ngoài cửa bệnh viện có biển đề “ Bệnh viện hân hạnh được đón tiếp, phục vụ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và khách đến thăm” nên đến mỗi phòng tôi đều đáp lại như vậy khi có nhân viên hỏi. Điều cảm động là tôi đều nhận được một nụ cười tươi kèm theo câu nói: “Cám ơn vì đã đến. Ông có cần chúng tôi giới thiệu không”.
Nhớ đến cái cảnh phải đến bệnh viện, cái cảnh đưa người nhà đi bệnh viện, rồi thăm người thân, bạn bè, đồng nghiệp, cấp trên, cấp dưới đi bệnh viện, nhất là trong những năm gần đây, tôi rất ớn. Chắc chắn tôi đã đến bệnh viện không dưới hàng trăm lần. Rất ái ngại và thật đáng buồn. Nói với con rể, thực ra tôi đã nói giảm nhẹ đi nhiều, và không muốn vạch áo, bới lông ngành y tế. Vì thực tế họ cũng giống như ngành giáo dục của tôi thôi. Tôi đã thấy gì ở một số không ít bệnh viện Việt? Sự chật chội quá tải. Sự đợi chờ mệt mỏi. Sự chạy vạy lo lắng. Sự gắt gỏng. Sự thấp thỏm. Sự thờ ơ. Sự lạnh lùng…
Ở đây tôi chỉ là một kẻ xa lạ, một khách vãng lai, nhưng tôi được trải nghiệm những giây phút ấm lòng. Tất nhiên tôi cũng có nhiều lần cảm động rơi nước mắt vì những tấm lòng cao đẹp ở bệnh viện Việt. Nhưng theo thời gian, cái đẹp, cái cao thượng cứ ít dần trong y đức... Chắc có người sẽ bảo tôi là kẻ nhẹ dạ cả tin, kẻ chỉ nhìn thấy cái hình thức của xứ người. Người ta biểu hiện như thế là vì túi tiền của đối tượng hoặc vì mục đích quảng cáo, đánh bóng cho bệnh viện. Có thể tôi dễ bị ai đó lừa, nhưng chắc chắn túi tôi không có tiền, mà tôi cũng không cho bệnh viện ở đây được đồng nào. Chắc nhân viên người ta biết rõ và tôi cũng chẳng có động cơ gì mà phải quảng cáo cho cái bệnh viện này.
 Mỗi phòng cầm lấy một vài tờ rơi, đi hết một dãy phòng tôi có trong tay một tập dày tờ rơi. Đó là những tờ giấy cứng in mầu khổ A4  hoặc nhỏ hơn một chút, thường đặt cố định trên bàn nhân viên trực ở các phòng. Mỗi tờ rơi đề cập một vấn đề gị đó. Chẳng hạn như hướng dẫn ban đầu cho bệnh nhân, những cách thức liên hệ với bệnh viện, việc khai báo thông tin bệnh tình và xử lí kết quả chẩn đoán qua hồ sơ điện tử, những biểu hiện bệnh lý một số bệnh, việc tiêm chủng và báo cáo lại việc tiêm chủng, cách đăng kí và sử dụng thuốc men, giới thiệu các thiết bị y tế hỗ trợ người bệnh, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Riêng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thì rất đa dạng, từ dịch vụ trẻ em cho tới dịch vụ người có tuổi, từ bà mẹ mới mang bầu tới sau sinh, từ phòng bệnh và điều trị đến sau điều trị, từ dịch vụ ở bệnh viện đến dịch vụ ở nhà…
 Ngay cả đến việc du lịch trong ngoài nước, bệnh viện cũng cung ứng và đáp ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Ví dụ trên một tờ bìa cứng in màu khổ A4, người ta gấp ngang thành ba phần bằng nhau, rồi gấp lại. Mặt ngoài, phía trên cùng in biểu tượng bệnh viện chăm sóc sức khỏe MU. Ở giữa là hai dòng chữ in hoa đậm. Dòng thứ nhất: Những vấn đề liên quan đến du lịch. Dòng thứ hai: Dịch vụ chăm sóc sức khỏe khi đi du lịch quốc tế. Dưới cùng là hình bản đồ thế giới. Mở tờ rơi, phía bên trong có lời nói đầu: “ Trước khi gấp hành lí, bạn phải kiểm tra xem đã đủ thuốc men cho chuyến đi ra nước ngoài của mình hay chưa. Những bác sĩ tại Trunng tâm nối kết du lịch tại bệnh viện MU sẽ cung cấp những dịch vụ y tế đảm bảo giúp bạn có đầy đủ sức khỏe cho cá nhân, nhóm hoặc gia đình bạn. Trung tâm cung cấp thông tin các loại thuốc nhằm giúp đỡ người du lịch chống lại những bệnh tật, đảm bảo sự an toàn. Đội ngũ nhân viên trung tâm hơn 35 năm kinh nghiệm sẽ cung cấp đầy đủ tất cả những điều bạn cần cho một cuộc hành trình. Bạn sẽ nhận được sự tư vấn ban đầu và nhận biết được những khả năng rủi ro, những căn bệnh truyền nhiễm và cách thức sử dụng thuốc trong tình trạng khẩn cấp khi ở nước ngoài. Chúng tôi cũng tiêm chủng các loại vaccine cần thiết, cấp giấy chứng nhận quốc tế trong hồ sơ du lịch của bạn”. Phần tiếp theo tờ rơi giới thiệu:
      -       Các loại dịch vụ tiêm chủng cho người lớn và trẻ em.
      -       Tư vấn đơn thuốc phòng ngừa và điều tri bệnh sốt rét.
      -       Thông tin tài liệu những căn bệnh và các loại thuốc thích hợp cho từng quốc gia.
      -        thông tin về những vấn đề môi trường bao gồm điều kiện thời tiết, bệnh tật lây truyền qua thực phẩm, nước uống và các loại côn trùng.
      -       Những phong tục tập quán địa phương và những điều cần chú ý về an toàn cá nhân
      -       Những thông tin liên lạc cần thiết với Đại sứ quán Mỹ.
      -       Những cách thức chữa trị các căn bệnh kinh niên như tiểu đường, tim, hen trong khi đi du lịch.
      -       Làm thế nào để thuyết phục trẻ nhịn được đi tiểu trong hoàn cảnh đặc biệt.
      -       Những vấn đề chăm sóc sức khỏe sau khi đi du lịch tại bệnh viện.
Phần cuối bên trong tờ rơi là những lời khuyên cho người đi du lịch. Cụ thể là:
      -       Bạn cần tiêm chủng ít nhất bốn tuần trước khi khởi hành.
      -       Đặt lịch hẹn sớm ngay khi bạn có kế hoạch đi du lịch.
      -       Chuẩn bị sắp xếp túi thuốc cấp cứu trong đó có những loại thuốc thông dụng, thuốc dùng hàng ngày.
      -       Kiểm tra thuốc chống côn trùng.
      -       Đem theo kính đề phòng vỡ hoặc mất.
      -       Lường được sự tác động của tình trạng tress, độ cao, áp suất không khí, khí hậu, thời tiết với những căn bệnh mãn tính như tiểu đường, bệnh tim, hen.
      -       Tránh tiếp xúc với động vật hoang dã hay đã thuần dưỡng, đặc biệt ở những quốc gia có bệnh dại.
      -       Nếu tới những quốc gia đang phát triển bạn tránh không uống nước chưa được xử lí hoặc chưa được đun sôi; không dùng nước đá, không ăn thực phẩm tươi sống hay chưa được nấu chín.
      -       Để giảm thiểu tai nạn giao thông bạn nên tránh lái xe vào giờ cao điểm và vào ban đêm.
      -       Tránh đi xe đạp gắn máy, xe mô tô bánh nhỏ, xe máy nếu bạn không có bằng lái và đi thạo các phương tiện đó.
      -       Nếu bạn ốm sau chuyến đi thì phải thông báo với bác sĩ toàn bộ lịch trình đi của mình.
Gấp lại tờ rơi, ở trang cuối của mặt ngoài nổi bật tấm ảnh về một gia đình mà mọi thành viên đang cười vui vẻ. Nó như một thông điệp về cuộc sống hạnh phúc. Bên dưới tấm ảnh là số liệu cảnh báo của Tổ chức Ytế Thế giới:
       -       20 % tới 70 % lữ hành phải dùng thuốc để chữa trị những mầm bệnh phát sinh trong quá trình đi du lịch.
       -       Mỗi năm có khoảng 40.000 người Mỹ tử vong từ những căn bệnh có thể ngăn ngừa được nếu tiêm phòng vaccine.
       -       Trên 70 % lượng khách du lịch bị tiêu chảy khi đến những điểm nhiều rủi ro.
       -       Trên một triệu người chết vì tiêu chảy mỗi năm, phần lớn là ở những nước đang phát triển.
       -       Có hơn 500 triệu người mắc bệnh sốt rét và hơn một triệu người chết hàng năm trên khắp thế giới.
 Đi lướt một số phòng tôi vội quay trở lại, sợ bác sĩ khám xong cho Bảo, hai cha con phải chờ ông. Quả nhiên ngồi chờ ít phút thấy Giang bế Bảo từ phòng khám ra. Giang cười vui nói với tôi:
        -       So với ba hôm trước cháu đã cao lên được mấy phân và tăng lên được gần hai lạng ông ạ.
        -       Thế người ta khám cho cháu những gì, tôi tò mò hỏi.
        -       Cũng đầy đủ các mục như người lớn khám sức khỏe toàn diện. Chỉ có điều bà bác sĩ hỏi nhiều về việc ăn ngủ của cháu. Bà cũng xem rất kĩ rốn của cháu. Rốn cháu đã se lại. Mọi chỉ số đều tốt. Con có hỏi mắt cháu hơi đo đỏ, thỉnh thoảng có dử. Bà ấy xem xét rất lâu rồi nói không có vấn đề gì, nhưng vẫn căn dặn chúng con cần theo dõi tiếp. Nếu mấy hôn nữa còn có triệu chứng thì tiếp tục đưa cháu đến viện.

Đặt Bảo vào trong nôi. Hai cha con kê đệm chăn, khăn cẩn thận cho Bảo. Giang ra trước để bật điều hòa và lái xe vào trước cửa. Tôi xách nôi ra sau ít phút. Bên ngoài, nắng vàng rực rỡ, chan hòa khắp đất trời. Tôi thật sự thỏa mãn với quyết định đi cùng hai cha con Giang đến bệnh xá. Đóng cửa xe, đặt nôi nằm của cháu yên vị, tôi tranh thủ lấy các tờ rơi ra đọc. Những tờ rơi này hấp dẫn đối với tôi không chỉ vì nội dung và hình thức của nó mà chính vì tính hữu dụng của nó cho bản thân tôi. Nó giúp tôi hiểu ra rất nhiều điều vấn đề về các loại bệnh, đặc biệt là chứng huyết áp, về vấn đề phòng tránh, về vấn đề tự chăm sóc sức khỏe. Thú vị là tôi tìm thấy thông tin về một loại máy đo tiện dụng, tự theo dõi huyết áp bản thân kèm những chỉ dẫn sử dụng thuốc trong các trường hợp ở nhà, ở cơ quan, khi đi đường trên các phương tiện giao thông khác nhau. Thật là tuyệt vời...

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.