Phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực về Biển Đông, chiến thắng của công lí và thất bại của chủ nghĩa cường quyền

Leave a Comment

Ngày 12 tháng 7 năm 2016 Tòa Trọng tài Thường trực tại La Hay Hà Lan (Permanent Court of Arbitration-PCA) đã ra phán quyết về Đường chín đoạn và yêu sách Quyền lịch sử của Trung Quốc trên các vùng biển thuộc Biển Đông (a), Tòa kết luận không có căn cứ pháp lí nào để Trung Quốc yêu sách các quyền lịch sử đối với tài nguyên, bên ngoài những quyền quy định trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), tại các vùng biển nằm bên trong đường chín đoạn. Về Qui chế của các cấu trúc tại Biển Đông (b), Tòa  kết luận rằng Công ước không quy định việc một nhóm các đảo như quần đảo Trường Sa có các vùng biển với tư cách là một thực thể thống nhất và Trung Quốc vi phạm quyền chủ quyền của Philippines đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines. Về các hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông (c), Tòa kết luận Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ theo Công ước liên quan đến an toàn hàng hải. Và cuối cùng (d), Tòa kết luận Trung quốc đã làm trầm trọng thêm tranh chấp giữa các bên bằng các hoạt động cải tạo đất qui mô lớn và xây dựng các đảo nhân tạo tại 7 cấu trúc tại Trường sa, phá hủy môi trường và hệ sinh thái của vùng biển...
Có thể nói Phán quyết bác bỏ Đường chín đoạn (Đường lưỡi bò) của Tòa là chiến thắng vang dội của Philippines trước một Trung Quốc bành trướng đầy tham vọng. Đó cũng là chiến thắng của công lí và thất bại của chủ nghĩa cường quyền. Nó giáng một đòn chí mạng vào yêu sách biển, các quyền đối với vùng biển và thẩm quyền trong việc tiến hành các hoạt động ở vùng biển này. Mặc dầu Trung Quốc ra sức lôi kéo một số các quốc gia ủng hộ lập trường của mình, ra sức phản đối phán quyết của Tòa, nhưng phán quyết chung thẩm của Tòa mang tính chất ràng buộc với một thành viên tham gia kí kết Công ước như Trung Quốc, nó có ảnh hưởng sâu sắc tới tình hình khu vực Đông Nam Á và cục diện trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Lần lại hồ sơ các cường quốc chống lại các phán quyết của tòa, gần đây nhất, thế giới có hai vụ kiện mà chính phủ hai nước không tham gia và chống đối phán quyết của tòa án quốc tế. Đó là vụ Chính phủ Nicaragua kiện Mỹ tài trợ cho một tổ chức chống Nicaragua và vụ Chính phủ Hà Lan kiện Nga bắt và phạt tù 30 thành viên Greenpeace phản đối Nga khai thác dầu tại Bắc Cực. Cuối cùng dưới sức ép của công luận, Chính phủ Mỹ và Chính phủ Nga đều phải tuân theo phán quyết của tòa. không lẽ Trung Quốc muốn trở thành một quốc gia duy nhất chà đạp lên luật pháp quốc tế? Nếu làm vậy các nước trên thế giới sẽ bất mãn, cảnh giác và xa lánh, đặc biệt là các nước trong khối ASEAN sẽ thúc đẩy việc tăng cường sức mạnh quân sự, liên kết với Mỹ, Nhật Bản, Ấn độ thành một mặt trận để đối trọng với Bắc kinh.
Thế giới hiện nay rất cần đến luật pháp, dù là luật pháp quốc tế hay là luật pháp trong nước. Các cường quốc càng cần đến luật pháp để tồn tại trong hòa bình, trật tự. Bắc kinh không thể nằm ngoài vòng pháp luật. Thật nguy hiểm cho Bắc Kinh, nếu họ không tuân thủ luật pháp thì người dân của họ cũng sẵn sàng dẫm lên luật do chính họ ban hành. Hậu quả về đối nội đối ngoại sẽ không thể nào lường hết được.
Với tư cách cá nhân, tôi vô cùng cảm ơn người Philippines. Họ đã làm được một điều phi thường mà các nước có tranh chấp với Trung Quốc chưa làm được. Cảm ơn Tổng thống Philippines Benigno Aquino, người quyết định kiện Trung Quốc lên một tòa án quốc tế vì những yêu sách tham lam, phi lí của Trung Quốc trên Biển Đông. Có thể nói, việc đưa gã khổng lồ hung hăng cơ bắp ra tòa án quốc tế là một việc làm hết sức can đảm và khôn ngoan. Trong mười lăm điểm, Tòa chọn xét bảy điểm và phán xét của Tòa hoàn toàn ủng hộ lập trường của Philippines. Người Philippines có quyền tự hào vì những gì mình đã làm trong suốt ba năm qua.
Chiến thắng trong vụ kiện vượt ngoài mong đợi của tất cả những người yêu chuộng hòa bình. Trước hết nó làm sáng tỏ nhiều điều khoản của UNCLOS mà một số quốc gia còn mơ hồ và ngay ở cả Việt Nam, không ít người còn bán tín bán nghi về cái quyền của Trung Quốc ở trên Biển Đông. Tòa đã kết luận trên cơ sở pháp lí khách quan, khoa học, chính xác, chặt chẽ về việc Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai UNCLOS, bác bỏ đòi hỏi chủ quyền lịch sử và đường chín đoạn chiếm gần hết Biển Đông của Trung Quốc; chỉ ra những hành vi xâm phạm chủ quyền, làm căng thẳng thêm xung đột và phá hủy môi trường sinh vật biển của Trung Quốc.
Tôi cho rằng mưu đồ và hành động sai trái của Bắc Kinh trong suốt bao nhiêu năm qua là nguyên nhân của những căng thẳng, gây xung đột trên biển đông không chỉ giữa Trung Quốc với Philippines mà còn gây căng thẳng và xung đột với Việt Nam, Malaisia, Brunei và Inđônêsia. Phán quyết của Tòa Trong tài Quốc tế như câu thành ngữ người viêt thường nói: “Cháy nhà ra mặt chuột”. Dù họ có trăm phương ngàn kế biện hộ, phủ nhận, lôi kéo các nước ủng hộ, đe dọa các nước có liên quan, cả vú lấp miệng em trong các hội nghị quốc tế thì mặt chuột vẫn là mặt chuột.
Đối với khu vực ASEAN, với phán quyết của Tòa về điểm a, cùng với phán quyết về điểm b, xác định các thực thể (Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp) không có qui chế lãnh hải quá 12 hải lí, thậm chí có thực thể không quá 500m, phán quyết đó đã thu hẹp phạm vi tranh chấp giữa các bên liên quan với Trung Quốc rất nhiều, có thể nói gần như không còn cái gọi là vùng chồng lấn mà Trung Quốc cố tình tạo ra để vơ về mình, để đòi thương lượng chia chác tài nguyên với các nước trong phạm vi 200 hải lí vùng đặc quyền kinh tế của họ. Nó tạo ra cơ sở pháp lí vững chắc để Philippines và các nước tiếp tục đấu tranh hòa bình với Trung Quốc để bào vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và những lợi ích hợp pháp.
 Vì Phán quyết có thể áp dụng tương ứng cho các yêu sách vùng đặc quyền kinh tế của các nước có tranh chấp nên nó sẽ thu hút được sự ủng hộ của tất cả các nước có tranh chấp, thống nhất được lập trường, đoàn kết phản đối bất cứ hành động nào dựa trên quyền lịch sử đường chín đoạn đối với các nguồn tài nguyên của họ. Nó khiến một số nước trong khối ASEAN không thể vì đồng tiền viện trợ của Trung Quốc mà xa rời mục tiêu đấu tranh vì hòa bình và vì vai trò vị thế của ASEAN trong cấu trúc của khu vực.
Đối với thế giới, phán quyết của Tòa không chỉ thay đổi cuộc chơi của các bên tranh chấp ở Biển Đông mà còn khẳng định, quyền tự do hàng hải trên tuyến Biển Đông không thể bị Trung Quốc vin vào đòi hỏi quyền lịch sử và đường chín đoạn tự vẽ ra để cản trở, kể cả việc đi qua bảy thực thể Trung quốc đã và đang tiến hành cải tạo thành các căn cứ quân sự. Phán quyết chỉ ra và đảm bảo rằng các vùng nước bên trong Biển Đông, nằm ngoài 12 hải lí từ các thực thể là khu vực biển mở cho tất cả các quốc gia thực hiện tự do hàng hải, hàng không và các hoạt đông quân sự. Nó được Mỹ và các nước phương Tây ủng hộ. Nó khẳng định cơ sở pháp lí cho việc Mỹ tiếp tục đưa tàu hải quân và máy bay đi qua vùng biển. Nó cũng khuyến khích Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Pháp cùng với các thành viên Liên minh châu Âu tuần tra qua vùng biển mà luật pháp quốc tế cho phép để bảo vệ quyền tự do hàng hải.
Phán quyết của Tòa cũng giúp Mỹ duy trì và mở rộng sáng kiến an ninh tập thể đã được Bộ Trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đưa ra tại Đối thoại Shangri-la trước đó ít ngày. Mỹ sẽ là người kiến tạo, dẫn dắt một khối an ninh tập thể mới (tôi đã có bài viết riêng cũng trong blog này- Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Châu Á năm 2016) dựa trên những nguyên tắc và chuẩn mực chung, tạo điều kiện cho những hành động tập thể nhằm tiết chế thái độ quyết đoán của Trung Quốc, tăng cường nhận thức lĩnh vực biển trong khu vực và hướng tới một  hoạt động chung của các nước ở Biển Đông. Phán quyết càng thúc đẩy Mỹ làm việc với các quốc gia ĐNA, đặc biệt là các nước có tranh chấp với Trung Quốc nhằm cải thiện khả năng của họ trong việc hiểu biết, phát hiện, ứng phó và chia sẻ thông tin về hoạt động trên không, trên biển ở khu vực Biển Đông.
Tôi tự hỏi mình vì sao người Philippines lại làm được cho đất nước và cho cả khu vực cũng như quốc tế một điều kì diệu và có ý nghĩa lớn lao đến như vậy.
Sau những năm 1970, Mỹ dần rút khỏi các lực lượng quân sự ra khỏi Việt Nam và ĐNA, Mỹ đã để lại một khoảng trống quyền lực và Trung Quốc đã tận dụng cơ hội nhanh chóng lấp dần cái khoảng trống đó, bắt đầu từng bước mở rộng bành trướng lãnh thổ trên biển, từng bước thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông và tăng cường quyền lực của mình ở Đông Nam Á (ĐNA).
Năm 1974 Trung Quốc chiếm đóng Quần đảo Hoàng Sa từ Chính quyền Sài Gòn thuộc Việt Nam mở đầu cho âm mưu bành trướng trên Biển Đông. Năm 1979 Trung Quốc phát đông cuộc chiến tranh xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía bắc Việt Nam. Năm 1988 Trung Quốc lợi dụng Việt Nam đang trong cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng đánh chiếm 5 đảo trong Quần đảo Hoàng sa của Việt Nam. Và từ đó đến nay Trung Quốc không ngừng tiến hành những hành động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam. Các cuộc đàm phán giữa hai bên đều rơi vào bế tắc vì những đòi hỏi phi lí về chủ quyền của Trung Quốc.
Với Philippine Trung quốc cũng có những hành động bành trướng như đối với Việt Nam. Lợi dụng Mỹ rút khỏi căn cứ hải quân Subic năm 1992, chấm dứt sự hiện diện của hải quân Mỹ từ khi Mỹ giành được Philippines từ Tây Ban Nha năm 1898, Trung Quốc bắt đầu thực hiện chiến lược lát cắt salami, xâm chiếm các đảo tranh chấp với Philippines. Tháng 2 năm 1995 Trung Quốc chiếm rạn san hô đá Vành khăn, sau đó vây ép bãi Cỏ Rong. Năm 2012 Trung Quốc tiếp tục gây hấn ở Bãi cạn Scarborough. Sau mấy tháng trời dùng mọi thủ đoạn, Trung Quốc đã chiếm Bãi cạn, cấm người Philippine đánh cá tại các ngư trường truyền thống xung quanh Bãi cạn Scarborough, nằm trong thềm lục địa Philippines.
Các cuộc đàm phán thương lượng từ năm 1995 đến năm 2013 giữa Trung Quốc và Philippines cũng đều rơi vào ngõ cụt, lí do cũng tương tự như đối với Việt Nam- độc chiếm Biển Đông. Trong bối cảnh Trung Quốc xé bỏ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông mà Trung Quốc đã kí với ASEAN NĂM 2002, ngạo mạn thông báo với Liên hợp quốc chủ quyền không tranh cãi của họ với các đảo trên Biển Đông; rồi ngông cuồng áp đặt vùng nhận diện phòng không (ADIZ) tại Biển Hoa Đông chồng lấn lên ADIZ của Hàn Quốc và Nhật Bản, Tổng thống Benigno Aquino biết ông cần ai và ai cần đến Philippines; ông buộc phải lựa chọn hoặc tiếp tục đi với Trung Quốc hoặc làm sống lại mối quan hệ quân sự với Mỹ vì quyền lợi của dân tộc. Ông đã không do dự kí Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường với Mỹ (Enhenced Defense Cooperation  Agreement) ngày 28 tháng 4 năm 2014. Ông Aquino hiểu rất rõ đi trên dây với Trung Quốc sẽ còn mất đất, mất chủ quyền và ông bắt đầu cuộc chiến pháp lí với Trung Quốc, đồng thời xây dựng một mối quan hệ chiến lược mới với Mỹ, đất nước ông tin sẽ không bao giờ cướp đất và đoạt chủ quyền của Philippines.
Ông Aquino đã nhận nhiều tầu tra, các tàu chiến của Mỹ-Nhật, tham gia mạng lưới an ninh cùng với Mỹ-Nhật. Tháng 4 năm 2015, Mỹ đã yêu cầu Philippines được tiếp cận và sử dụng 8 căn cứ quân sự, trong đó có căn cứ hải quân Subic và căn cứ không quân Clark, một lưỡi kéo nhằm cắt đứt đường lưỡi bò. Tháng tư năm 2016, Mỹ và Philippines tổ chức diễn tập quân sự 10 ngày. Sau thời gian diễn tập, nhiều chiến đấu cơ và trực thăng cùng với 200 lính Mỹ đã lưu trú tại căn cứ Clark. Và khi Tòa trọng tài Thường trực Liên hợp quốc ra phán quyết, hải quân Mỹ đưa tàu chiến, tàu sân bay đến Biển Đông, đưa thêm chiến đấu cơ và máy bay tác chiến điện tử tối tân E/A-18 G Growler và 120 nhân viên quân sự để trinh sát Biển Đông và giúp đỡ Philippines huấn luyện quân đội.
Không biết việc làm của cựu Tổng thống Philippines Aquino sẽ còn giúp Philippines trong tương lai đi đến đâu trong mối quan hệ với Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền, nhưng chắc chắn việc ông đưa Trung Quốc ra tòa và xây dựng mối liên minh mới với Mỹ-Nhật sẽ còn có tác động đến đất nước ông, đến ĐNA và đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Và với những việc mà Philippines đã làm, Trung Quốc sẽ được gì và mất gì mang tính chất chiến lược. Về vấn đề này tôi sẽ đề cấp đến trong một bài viết khác.
Riêng đối với Việt Nam, Phán quyết của Tòa hoàn toàn có lợi trong cuộc đấu tranh với Trung Quốc để đảm bảo chủ quyền, quyền chủ quyền và những lợi ích hợp pháp mà bao nhiêu năm qua Trung Quốc đã xâm phạm. Nó làm cho các nước trên thế giới hiểu hơn về Việt Nam. Người Việt Nam sẽ vững tin hơn vào công lí và vào UNCLOS, tiếp tục kiên trì các hình thức đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của mình, trong đó có hình thức đấu tranh bằng pháp lí, đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế khi cần.
Có một điều cần lưu ý vì Tòa không phán quyết về yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các thực thể trên Biển Đông, vì điều đó nằm ngoài phạm vi của UNCLOS nên chắc chắn Bắc Kinh còn trơ trẽn đòi hỏi “chủ quyền không thể tranh cãi” đối các thực thể ở Trường Sa. Việt Nam sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn trước âm mưu cường quyền của chủ nghĩa Đại Hán.
Mặc dầu vậy, Việt nam có thể nghiên cứu kĩ hồ sơ vụ kiện của Philippines, áp dụng kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực Liên hợp Quốc hoặc một tòa án quốc tế nào đó thích hợp để giành lại chủ quyền, quyền chủ quyền và những lợi ích hợp pháp tại Quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã dùng vũ lực xâm chiếm trái phép từ năm 1956 và năm 1974. Bởi vì những đòi hỏi về quyền lịch sử và cái đường chín đoạn đã bị Tòa ra phán quyết bác bỏ, Trung Quốc không có căn cứ pháp lí nào để biện hộ cho hành động xâm lược của họ trong qua khứ. Tất nhiên sau phán quyết của Tòa, chúng ta cũng phải rà soát điều chỉnh một số tiểu tiết về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa về mặt pháp lí sao cho phù hợp với UNCLOS. Phải xác định rõ phạm vi các thực thể, các bãi nổi bãi chìm, xác định quyền và lợi ích của chúng ta một cách cụ thể, rõ ràng.
Tôi biết rằng việc kiện Trung Quốc ra một tòa án quốc tế như thế nào và khi nào còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, nhưng chúng ta không thể không chuẩn bị kĩ càng cho một cuộc chiến pháp lí, vì chúng ta không thể giành lại Quần đảo Hoàng Sa bằng sức mạnh chính trị và quân sự. Trong khi đó nguy cơ bị chèn ép, bị xâm hại chủ quyền, quyền chủ quyền và những lợi ích hợp pháp đã, đang và sẽ còn diễn ra trong thời gian sắp tới. Đó là điều ai cũng có thể dự đoán trước.
Sẽ có người đặt câu hỏi tại sao philippines làm được mà chúng ta lại không làm được? Phải chăng chúng ta không có đủ cơ sở pháp lí, không có đủ trí tuệ và bản lĩnh hay chưa có thời cơ? Phải chăng chúng ta sợ chọc giận Trung Quốc thì họ sẽ xâm lược trên quy mô lớn hoặc bao vây cấm vận làm suy sụp kinh tế đất nước? Phải chăng vì Việt Nam cùng chế độ chính trị với Trung Quốc và vì cái 4 tốt và 16 chữ vàng đầu lưỡi? Và còn những lí do không thể nói thẳng ra được nữa... Tôi biết việc kiện Trung Quốc như thế nào và khi nào là rất khó, và sẽ có người cho rằng kể cả kiện thắng như Philippines thì có chắc giải quyết được vấn đề hay không? Cứ chờ xem philippines được cái gì sau khi thắng kiện…
Quyền lịch sử và đường chín đoạn tưởng tương giống như cái phép thắng lợi tinh thần của  người Trung Quốc mà Lỗ Tấn viết trong AQ chính truyện. Tòa Trọng tài đã bác bỏ cơ sở pháp lí hoang tưởng của nó. Người Trung Quốc sẽ phản ứng quyết liệt, thậm chí sẽ làm càn, bất chấp thể diện của một nước thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, một cường quốc đang “trỗi dậy hòa bình”. Các nước đang cảnh giác giữa lời nói và việc làm của Bắc Kinh.
Nhưng dù sao đi nữa cá nhân tôi vẫn tin vào công lí, tin vào UNCLOS, tin vào lãnh đạo và người dân Trung Quốc chính trực. Tôi  tin rằng Đảng và Nhà nước ta đã, đang chuẩn bị những phương án cần thiết để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và những lợi ích hợp pháp của dân tộc như tổ tiên chúng ta từ hàng nghìn năm nay vẫn giữ vững được chủ quyền đất nước. Và tôi cũng tin rằng bài học về vụ kiện của Philippines sẽ được các cơ quan chức năng Nhà nước nghiên cứu tường tận. Bài học này có thể góp phần về mặt thực tiễn giúp cho công cuộc đấu tranh trên mặt trận pháp lí của Việt Nam trong thời gian sắp tới. 

Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.