Đến nhà Hoài Anh

Leave a Comment
Vợ chồng Lệ Thúy, Hoài Anh mua trả góp một khoảnh đất rộng 600 m2 cùng với một ngôi nhà ba tầng hai trăm mười m2 mặt sàn, trên đường Clover Creek thuộc thành phố Longmont. Căn nhà có 1 phòng khách, 1 phòng bếp và phòng ăn, 1gara để ô tô và cũng là khoảng không để gia chủ làm những công việc mình yêu thích, 4 phòng ngủ, 3 phòng vệ sinh và nhà tắm, 3 nhà kho. Tổng số tiền mua đất, nhà cộng với chi phí mua sắm thêm một số đồ đạc nội thất như TV, tủ lạnh, hệ thống điều hòa, máy giặt, máy sấy, máy rửa bát, lò vi sóng, bếp điện liên hoàn, robot tự động hút bụi và lau nhà... tất cả hết 4 tỉ tiền Việt.
Longmont là một thành phố nhỏ. Dân số có 89.000 người với 56,5km2. Longmont nằm cách Denver 53km về phía tây bắc. Thành phố được thành lập vào năm 1871. Từ ngày thành lập cho tới những thập niên đầu của thế kỷ 20, Longmont vẫn chỉ là một thành phố trung tâm nông nghiệp. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, đặc biệt là từ những năm 1970 đến nay, Longmont phát triển nhanh chóng trở thành thành phố dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao với nhiều công ty nổi tiếng như Seagate, Amgen, IBM, Cơ quan kiểm soát không lưu quốc gia...
Thành phố Longmont do một hội đồng 7 thành viên dân cử theo nhiệm kỳ 4 năm, trong đó có một thị trưởng được bầu trực tiếp đứng đầu. Về giáo dục công lập có 17 trường tiểu học từ lớp preschool đến lớp 5; 6 trường trung học cơ sở từ lớp 6 đến lớp 8; 5 trường trung học phổ thông từ lớp 9 đến lớp 12; có Học viện Kinh doanh và Dịch vụ Y tế và Trường Cao đẳng Cộng đồng Front Range. Ngoài ra còn có hàng chục cơ sở giáo dục tư thục từ mầm non cho tới đại học.
Khu vực nhà ở của vợ chồng Thúy nằm trong khu đô thị Clover Creek Dr. Trong khu đô thị có khu dành riêng cho những gia đình trung lưu. Đất ở của các gia đình trung lưu rộng khoảng trên dưới 1000m2. Diện tích nhà ở khoảng 300m2. Giá mua đất và biệt thự của các gia đình trung lưu khoảng 10 tỉ tiền Việt Nam. Ở phía tay phải khu nhà vợ chồng Thúy, cách khoảng 1000 m là khu biệt thự dành cho các nhà giàu. Đất rộng từ một vài ha đến dăm bẩy ha cùng với một biệt thự. Tiền mua đất và biệt thự dành cho khu nhà giàu ít nhất khoảng 25 tỉ tiền Việt Nam.
 Dù ở khu nhà nghèo như nhà của vợ chồng Thúy hay khu trung lưu hoặc khu nhà giàu thì nhà nào cũng có vườn hoa với rất nhiều loại hoa rực rỡ và một vài thảm cỏ xanh rờn. Có khác ở khu nhà giàu người ta trang trí thêm những khu tiểu cảnh hoa cỏ lạ cùng với một bể bơi mini và một cánh rừng thu nhỏ với rất nhiều các loại cây cối. Ở khu nhà giàu còn có một khu vui chơi giải trí chẳng hạn như bể bơi tập thể dành cho người lớn và trẻ em, khu vườn với rất nhiều trò chơi dành cho trẻ em. Phân ra như vậy, nhưng ai cũng có quyền ra vào nơi này, chẳng ai người ta cấm đoán.
Sáng chiều hai buổi tôi thường dành cả tiếng đi bộ và đưa Lâm dạo chơi quanh khu vực. So với Columbia, đất đai ở Longmont không màu mỡ bằng. Cây cối thưa thớt. Chim chóc cũng ít hơn. Nhưng người dân nơi đây cũng giống như ở Columbia rất thân thiện. Sáng, trưa, chiều gặp ai người ta cũng chào hỏi. Kể cả đang ngồi trên ô tô, người ta cũng đưa tay vẫy chào. Mấy lần tôi bị lạc đường phải hỏi thăm, lần thì người ta đưa cho tấm bản đồ khu vực, lần thì người ta đưa đến đầu phố, lần thì người ta mời lên ô tô đưa về đến trước cửa nhà.
Ở Longmont cũng giống như ở Columbia, hình như mọi người đều không phải lo về an ninh và an toàn tài sản cá nhân. Nhà cửa không có hàng rào ngăn cách. Ô tô của hàng phố láng giềng đều để bên ngoài lề đường. Hai chiếc ô tô sang trọng của vợ chồng Thúy cũng để bên ngoài lề đường. Đến chùm chìa khóa chúng cũng thường xuyên để quên ngoài xe. Tôi có nhắc nhở khóa lại cẩn thận, chúng chỉ cười “ Ba yên tâm, ở đây chưa bao giờ người ta kêu mất xe”. 
Đúng vậy. Không chỉ xe ô tô không khóa. Xe đạp thể thao, xe đạp trẻ em (xe công nghệ cao bằng sợi cacbon, mỗi chiếc xe giá trị hàng chục triệu đồng tiền Việt Nam) dựng ở trước cửa nhà cũng chẳng ai khóa. Kỳ lạ hơn, mấy ngày tôi lại nhận được một hộp bưu phẩm của vợ chồng Vân. Hàng tháng chúng vẫn chuyển một ít hàng về Việt Nam. Hàng hóa đều mua trên mạng. Khi thì một vài bộ quần áo, khi thì một vài đôi giày, khi thì một vài hộp thực phẩm chức năng, khi thì một vài chiếc kính, khi thì một vài hộp mỹ phẩm, khi thì một vài chiếc đồng hồ... trị giá có hộp bưu phẩm lên tới hàng trăm triệu đồng. Nhưng tất cả đều không ký nhận giao hàng. Nhân viên bưu điện theo ô tô đến nhà, ấn chuông rồi để hàng hóa trước cửa, sau đó lại đi giao hàng, không gặp người nhận hàng. Có lần đi chơi xa, về nhà, chúng tôi tôi thấy một đống hàng xếp ngay ngắn ở trước cửa, kiểm lại không hề thấy mất mát gì.
Thì ra báo chí nước ngoài nói không ngoa. Mỹ xếp thứ hai trong top 10 quốc gia thật thà nhất thế giới, sau Hà Lan. Người ta thử lại bằng cách vứt ra đường phố hàng trăm chiếc ví có tiền, có địa chỉ ở thủ đô các nước phát triển. Sau một thời gian, ở Amstecdam người ta nhận lại 9/ 10 số ví qua cảnh sát. Ở Washington DC “người mất” nhận lại được 8/10 số ví qua đường bưu điện. Tôi tin rằng nếu làm phép thử lại ở Columbia và Longmont, hai thành phố tôi từng ở một thời gian, chắc chắn không phải là 8/10 mà là 9/10. 1/10 còn lại có thể chẳng ai buồn nhặt nên xe quét rác hút vào trong đống rác thải của thành phố. Bất chợt tôi tự hỏi mình, nếu phép thử xảy ra ở Hà Nội, không biết con số được trả lại sẽ là bao nhiêu phần trên mười?
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế xếp Mỹ đứng thứ hai trong số 10 quốc gia đứng đầu thế giới có chất lượng sống cao nhất có lẽ không sai. Người ta công bố chỉ số cuộc sống và xếp loại như trên dựa trên 11 bộ tiêu chí để phân loại: Thu nhập đầu người, nhà ở, việc làm, cộng đồng, giáo dục, môi trường, sự tham gia của công chúng vào những vấn đề xã hội, y tế, sự hài lòng với cuộc sống, mức độ an toàn và sự cân bằng giũa công việc với cuộc sống vui chơi giải trí. Với mỗi tiêu chí, người ta lại đưa ra các tiêu chí cụ thể để phân loại. Ví dụ bộ tiêu chí việc làm bao gồm: Tỉ lệ người dân có việc làm, thu nhập cá nhân, tỉ lệ thất nghiệp, mức độ ổn định của việc làm… Mỹ có thu nhập bình quân đầu người trên 53.000 đô la, quốc gia có thu nhập cao nhất trong số 10 quốc gia được xếp loại; có điều kiện nhà ở tốt nhất; có trang thiết bị cơ bản tốt nhất; người dân cảm thấy an toàn và có không gian riêng tốt nhất; có nền giáo dục hàng đầu; sự cân bằng trong cuộc sống tốt nhất; mức độ tham gia của cộng đồng vào những vấn đề xã hội khá tốt; sự chăm sóc y tế cũng khá tốt; môi trường, sự ổn định việc làm tốt, tỉ lệ thất nghiệp xếp thấp... Cho đến thời điểm này có tới trên 40 triệu trẻ em ở nước ngoài mang quốc tịch Mỹ. Điều đó chứng tỏ sức mạnh mền, sức mạnh thu hút biết bao nhiêu người có tri thức, giàu có trên thế giới muốn tương lại con cháu họ trở thành công dân Mỹ; muốn sống, học tập, ở và làm việc trên đất Mỹ. Chẳng trách dòng người nhập cư không chính thức từ khắp thế giới đổ về Mỹ ngày một tăng (Khoảng trên 13 triệu người). Mặc dù chính quyền Mỹ đang tìm mọi cách thắt chặt, nhưng vấn nạn trên với nước Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Trong số trên 13 triệu người đó có vợ chồng Thúy. Tôi không biết sự lựa chọn mua nhà, làm việc và sống ở  Longmont của các con là đứng hai là sai. Chỉ biết rằng nếu chúng có về nước, vợ chồng ông thông gia và vợ chồng tôi không biết có xin nổi cho các con vào một cơ quan, một trường học hay một nhà máy X với mức lương từ 3 đến 5 triệu đồng một tháng? Bản thân tôi thì không chắc, vì vừa rồi theo dõi việc thi công chức tôi biết một số tiến sĩ học ở nước ngoài trở về thi gần như trượt hết. Và người ta tự hào về điều đó. Thật kì lạ!
Read More

Thăm thành phố Denver bang Colorado

Leave a Comment
Từ bang Missouri đến bang Colorado phải qua bang Kansas, khoảng cách giữa hai bang khoảng 1.437 dặm (xấp xỉ 2.300 km). Đi ô tô trên đường cao tốc liên bang I- 70 E mất khoảng 23 tiếng. Đi máy bay từ sân bay Kansas City đến sân bay Denver chỉ mất hơn hai tiếng. Colorado là bang thuộc miền Tây và Tây Nam Hoa Kỳ. Diện tích bang Colorado 269.837 km2, rộng thứ 8 trong số 50 bang. Dân số khoảng 5.187.000 người, xếp thứ 22 trong số 50 bang.
Colorado cùng với hai bang Texas và Virginia hiện tại được xếp là 3 bang có điều kiện kinh doanh lí tưởng nhất nước Mỹ. Tổng sản phẩm của bang năm 2013 đạt trên 258 tỷ đô la. Bình quân thu nhập đầu người xấp xỉ 52 nghìn đô. Nền kinh tế Colorado dựa trên các ngành công nghiệp công nghệ cao, chế tạo máy, hóa chất, khai khoáng, chế biến thực phẩm và nông nghiệp. Sản phẩm nông nghiệp bao gồm chăn nuôi gia súc các loại, sản phẩm sữa, lúa mì, ngô, cỏ khô... Du lịch, một ngành công nghiệp không khói là một trong những trụ cột kinh tế quan trọng của bang. Một điều đáng lưu ý là bang Colorado cùng với bang Washington đã hợp pháp hóa việc trồng và buôn bán cần sa.
Cũng giống như các bang khác, chính quyền bang Colorado dựa trên ba cơ quan quyền lực: Lập pháp, hành pháp, tư pháp. Cơ quan lập pháp là nghị viện, được tạo thành từ hai viện: Hạ viện và Thượng viện. Hạ viện có 65 thành viên. Thượng viện có 35 thành viên. Đứng đầu cơ quan lập pháp là chủ tịch Hạ viện và chủ tịch Thượng viện. Thống đốc bang là người đứng đầu cơ quan hành pháp. Tổng Chưởng lí hay Bộ trưởng Tư pháp đứng đầu ngành tư pháp.
Bang Colorado có gần 50 trường đại học và cao đẳng. Có một Uỷ ban Giáo dục Đại học Colorado do cơ quan lập pháp lập ra. Uỷ ban này có trách nhiệm xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục đại học trong bang. Uỷ ban xem xét và phê duyệt chương trình và cấp bằng; thiết lập việc phân phối tài trợ cho giáo dục đại học; xây dụng chính sách và thể chế trường đại học, phê duyệt các quy chế tự quản, phê duyệt xây dựng cơ bản; quản lí các chương trình hỗ trợ tài chính cho sinh viên, đánh giá chương trình, phân bổ ngân sách; phát triển và quản lí chương trình ngoài nhà trường để phục vụ cộng đồng; xác định vai trò tổ chức cũng như nhiệm vụ của các trường; thiết lập các chính sách tuyển sinh; chỉ đạo các chương trình nghiên cứu... Trong số 50 trường đại học và cao đẳng có một số trường nổi tiếng ở Mỹ và trên thế giới như Trường Đại học Colorado Boulder, Đại học Colorado Denver, Đại học Tây bang Colorado, Đại học bang Colorado (Fort Collins)...
Tôi muốn đi xe buýt công cộng, vì đi phương tiện này vừa rẻ (15 đô la so với máy bay là 150 đô la) vừa có dịp ngắm phong cảnh và phố xá hai bên đường. Hơn nữa, các chặng nghỉ xe buýt đường dài ở các thành phố miền Tây, rồi các quán ăn nhanh hai bên đường, những trang trại hàng nghìn ha, những thảo nguyên mênh mông bát ngát đến tận chân trời và đặc biệt là những con người xứ sở của miền Tây trong quá trình Tây tiến của nước Mỹ thủa nào... tất cả đều gợi lên trong tôi khát khao mong muốn được khám phá. Nhưng các con không đứa nào đồng ý cho tôi đi xe buýt. Chúng đưa ra đủ các lí do không yên tâm, nên tôi đành phải đi máy bay từ Kasas City tới Denver.
Sân bay quốc tế Denver tọa lạc ở tây bắc thành phố Denver, là sân bay có diện tích 137,26km2, rộng nhất nước Mỹ. Sân bay Denver đáp ứng tiêu chuẩn ISO 14001, sân bay tấp nập thứ tư ở Mỹ và là một trong 13 sân bay bận rộn nhất thế giới. Từ trên cao nhìn xuống nhà ga sân bay, tôi thấy hiện lên những chóp mái nhà nhấp nhô trùng điệp như những đỉnh núi trắng xóa, một lối kiến trúc rất đặc biệt như muốn gợi cho du khách biết rằng, bạn đang đến một xứ sở có núi non hùng vĩ nhất nước Mỹ.
Sân bay có 3 phòng đợi rất lớn (concourse) lấy theo tên gọi các chữ cái: A,B,C. Phòng đợi A có các cổng từ A24 đến A53 và A56 đến A64. Phòng đợi B có các cổng B15 đến B39 và B41 đến B61. Phòng đợi C có các cổng C28 đến C50. Nhà ga sân bay có hai tầng và hệ thống thang máy lên xuống với các bảng chỉ dẫn rất phức tạp. May tôi chỉ mang theo một túi sách nhỏ để vài bộ quần áo. Nếu mang theo va li hành lí tôi không biết phải đến chỗ nào để lấy đồ nữa.
Ra đến cổng nhà ga sân bay, tôi nhìn quanh đám đông người trực chờ. Thấy tôi, Hoài Anh vừa gọi vừa giơ tay lên:
-      Ba, con đây. Ba đi đường có mệt không? Đưa túi con sách.
-      Ba không có vấn đề gì. Mấy giờ rồi con?
-      Bây giờ mới hơn 9 giờ theo múi giờ Colorado.
-      Thế thì vẫn còn sớm. Nếu con không bận thì đưa ba vào khu trung tâm thành phố một vài tiếng.
-      Được ba ạ.
-      Thế thì con gọi cho Thúy để Thúy biết chừng.
-      Vâng. Nhưng con đưa ba đi ăn gì đã.
-      Ba không đói. Thăm khu trung tâm xong ta về nhà cùng ăn.
Từ sân bay Hoài Anh lái xe thẳng về thành phố Denver. Dọc đường tôi cảm thấy Denver khác hẳn so với các thành phố của Missouri. Denver ít cây cối hơn. Cây cối ở Denver cũng có vẻ như cằn cỗi hơn. Đất đai ở Denver nhiều sỏi đá và bạc màu. Tôi biết đây là thành phố còn rất trẻ. Những người đầu tiên đặt chân đến vùng đất Denver là vào cuối những năm 1850. Ban đầu người ta coi nó là một khu đất ở của những người khai thác mỏ. Cơn sốt vàng ở Pike, một địa điểm phía tây lãnh thổ Kansas đã kéo theo những nhóm người từ các nơi khác đến thành  lập thành phố Montana trên bờ nam sông Plate. Đó là khu định cư đầu tiên, là cơ sở sau này trở thành thành phố Denver.
 Đến cuối năm 1861 thành phố Denver mới chính thức được thành lập. Trải qua hơn 150 năm phát triển với bao thăng trầm, Denver là thành phố lớn nhất và là thủ phủ của bang Colorado. Các quận trung tâm của thành phố phần lớn nằm ở phía đông nơi hợp lưu của hai con sông Cherry Creek và Plate. Denver là thành phố cao nguyên, cao 1.610 m so với mực nước biển. Nó cách chân của dãy núi Rocky hùng vĩ nhất Bắc Mỹ 19km.
Năm 2013, ước tính dân số Denver vào khoảng 634.300 người. Chính quyền thành phố do thị trưởng được dân bầu trực tiếp đứng đầu. Theo quy định của thành phố, một Hội đồng thành phố gồm 13 thành viên và một kiểm toán viên được người dân trong thành phố bầu ra với nhiệm kì 4 năm. Hội đồng thành phố có thẩm quyền xem xét các vấn đề của thành phố, đưa ra các chủ trương chính sách, ban hành các nghị quyết để chính quyền thành phố thực thi. Tuy vậy, với một số trường hợp, thị trưởng thành phố có quyền phủ quyết các nghị quyết trong phạm vi thẩm quyền của mình.
Thành phố Denver có 73 trường tiểu học, 15 trường liên cấp từ mẫu giáo lớn (Preschool) tới lớp 8, 17 trường THCS, 14 trường THPT, 19 trường theo chương trình đặc thù (Charter school), nhưng lại có tới 20 trường đại học và cao đẳng. Rõ ràng mô hình giáo dục tổng thể của Denver theo đường song song, chứ không phải theo hình chóp như những nhà giáo dục ở Việt Nam và phương Đông quan niệm. Nghĩa là học sinh học xong tiểu học sẽ vào trung học cơ sở, học xong trung học cơ sở sẽ vào trung học phổ thông, học xong trung học phổ thông đương nhiên được vào học các trường đại học và cao đẳng. Tôi nghĩ bang Colorado cũng giống như bang Missouri, mặc dù là những bang “ngoại vi”, vậy mà học sinh học xong trung học phổ thông tất cả đều có cơ hội hưởng thụ nền giáo dục đại học.
Địa điểm đầu tiên tôi đến thăm là khu Downtown, khu trung tâm. Khu trung tâm thành phố Denver gồm ba đến bốn chục tòa nhà chọc trời theo các dạng hình hộp khác nhau. Nhiều tòa nhà được xây bằng đá quý và kim loại. Đó là những tòa nhà dành cho các khu vực dịch vụ như tài chính, ngân hàng, thương mại, giải trí... Người ta chia khu vực trung tâm thành 6 tiểu khu: Tiểu khu tài chính, ngân hàng Union Station, tiểu khu Ball Park, tiểu khu trung tâm thương mại, tiểu khu trung tâm hành chính, tiểu khu thượng Downtown và quảng trường Arapahoe. Xung quanh khu vực trung tâm này là một số những địa điểm nổi tiếng như Nhà hát Curtis, Công viên Trung tâm Civic, khu dân cư liền kề bao gồm Uptown và Capitol Hill.
Hoài Anh tiếp tục đưa tôi đi tham quan tòa nhà Republic Plaza. Tòa nhà này cao 56 tầng, 218 m. Nó được xây dựng vào năm 1984. Toàn bộ tòa nhà bao gồm 1.200.000 mét vuông. Phần lớn diện tích của nó dành cho các văn phòng đại diện, văn phòng làm việc, cửa hàng, nhà hàng và các doanh nghiệp dịch vụ. Tòa nhà có các hành lang được lát nền bằng đá cẩm thạch. Đặc biệt có hai mươi tầng của tòa nhà được trang bị đèn mầu tím xen lẫn các màu sắc khác để tạo cảm giác huyền ảo cho khách hàng và cũng để làm nổi bật những hàng chữ quảng cáo rực rỡ bất tận của các cửa hàng.
Ấn tượng nhất đối với tôi là đến thăm tòa nhà Colorado State Capitol, một biểu tượng của cơ quan quyền lực nhà nước bang Colorado. Tòa nhà mái vòm Capitol này là một công trình kiến trúc cổ điển được cách tân. Đây là nơi làm viêc của Nghị viện bang Colorado, văn phòng của Thống đốc, Phó Thống đốc và các cơ quan chức năng bang Colorado. Nhìn vào tòa nhà, người ta liên tưởng đến tòa Bạch ốc Capitol của nhà nước liên bang cũng như các capitol của các bang khác. Tôi nhận thấy có những nét tương đồng chung. Capitol Colorado được xây dựng trong những năm 1890 từ đá granit trắng của chính bang Colorado. Điểm khác biệt của Capitol Colorado so với các capitol của các bang khác chính là trên cái nền trắng của đá, lộng lẫy một mái vòm được dát bằng vàng ròng. Một điểm khác nữa là nội thất bên trong được xây dựng bằng nhiều loại đá cẩm thạch quý hiếm cùng với những bức họa vẽ chân dung của 43 tổng thống Mỹ từ George Wasington đến George Bush.
11h30 tôi và Hoài Anh mới rời khỏi Capitol. Trên đường về nhà, Hoài Anh nói với tôi:
-      Theo con, cái nét đặc biệt nhất của Colorado và thành phố Denver không phải là hệ thống các tòa nhà cao tầng hay những khu phố biệt thự  xa hoa lộng lẫy. Cái nét nổi trội nhất chính là hệ thống vườn quốc gia, hệ thống công viên và các trung tâm thể thao, giải trí. Riêng thành phố Denver có trên 200 công viên, từ những công viên một vài ha đến những công viên rộng một vài km vuông. Còn vườn quốc gia thì ít có bang nào bằng. Chẳng hạn như Vườn Quốc gia và Khu Bảo tồn San Luis Valley, Vườn Quốc gia và Khu Bảo tồn Great Sand Duns, Vườn Quốc gia và Khu Bảo tồn Rocky Mountain. Riêng Vườn Quốc gia và Khu Bảo tồn Rocky Mountain được mọi người thừa nhận là nơi có phong cảnh hùng vĩ nhất, ngoạn mục nhất, đáng yêu nhất nước Mỹ. Hè đến, hầu như tất cả các văn nghệ sĩ, các minh tinh màn bạc, các nhà khoa học, các nhà doanh nghiệp của Mỹ đều đổ về đây. Còn giới tài phiệt thì phần lớn mua biệt thự hoặc thuê bao nhà quanh năm ở khu vực này làm nơi nghỉ dưỡng. Chờ vợ chồng Giang Vân đến đây, con sẽ đưa cả nhà đi chơi vài ngày.
Đúng như Hoài Anh nói, từ trung tâm thành phố Denver trở về thành phố Longmont, cứ một chặng đường tôi lại thấy một công viên đầy cây cối với những thảm cỏ trải dài. Là thành phố thủ phủ, trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của cả một bang, tính cả vùng đại đô thị, dân cư lên đến 2,3 triệu người, vậy mà người ta để quá nhiều khoảng không trống rộng lớn cho công viên, cho tượng đài, cho đường xá, cho ven đường. Trừ khu trung tâm, tôi có cảm giác khoảng trống của thành phố này còn nhiều hơn là diện tích nhà ở. Phải chăng đây là đặc trưng của các thành phố miền Tây. Càng nghĩ tôi càng tiếc, tại sao tôi không kiên quyết đi đến Colorado bằng xe ô tô buýt.


Read More

Thăm Bảo tàng Nghệ thuật Nelson- Atkin ở thành phố Kansas, Missouri

Leave a Comment
Mẹ Giang mới sang Mỹ. Nhân dịp này, Giang muốn đưa mẹ đẻ cùng tôi đi thăm một số địa điểm và một số bảo tàng ở một số thành phố trong bang. Theo Giang, hệ thống bảo tàng Mỹ là một trong những nét tạo nên đặc trưng riêng về văn hóa Mỹ. Trên thế giới, Mỹ là quốc gia có số lượng bảo tàng lớn nhất. Theo Bách khoa Toàn thư Wikipedia năm 2013, Mỹ có ít nhất 17.500 bảo tàng. Có tới trên 40 loại hình bảo tàng như bảo tàng hàng không vũ trụ, bảo tàng người Mỹ gốc Phi, Bảo tàng khảo cổ, bảo tàng nghệ thuật, bảo tàng tiểu sử, bảo tàng trẻ em, bảo tàng sáng tạo, bảo tàng dân tộc, bảo tàng nông nghiệp, bảo tàng nhà ở, bảo tàng lịch sử, bảo tàng công nghiệp, bảo tàng hải đăng, bảo tàng tự nhiên, bảo tàng truyền thông, bảo tàng y tế, bảo tàng quân sự và chiến tranh, bảo tàng nhà máy xí nghiệp, bảo tàng khai thác mỏ, bảo tàng âm nhạc, bảo tàng người Mỹ bản xứ, bảo tàng không khí , bảo tàng tem, bảo tàng thư viện, bảo tàng tổng thống, bảo tàng tôn giáo , bảo tàng khoa học, bảo tàng thám hiểm, bảo tàng điêu khắc, bảo tàng tàu thủy, bảo tàng thể thao, bảo tàng giao thông, bảo tàng trường đại học, bảo tàng di sản Do Thái...
Khách du lịch trên thế giới người ta thường biết đến những bảo tàng lớn chẳng hạn như Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia ở Washington DC, thủ đô của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ. Tại bảo tàng này, người ta đã thu thập được 125 triệu mẫu vật khoa học tự nhiên và hiện vật văn hóa. Có thể nói, đây là bảo tàng lớn nhất thế giới, có số lượng người tham quan lớn nhất thế giới, có số lượng người truy cập trang web lớn nhất thế giới. Nơi đây đã tái hiện và gần như hội tụ lịch sử tự nhiên của nhân loại qua hàng triệu năm. Thế giới tự nhiên có gì, ở đây có lẽ gần đủ. Từ thế giới thực vật, động vật, sinh vật biển, côn trùng cho đến xương, gỗ hóa thạch, đá quý, quặng, mỏ địa chất, công cụ lao động…
Khách du lịch người ta cũng thường biết tới Bảo tàng Tự nhiên ở New York, thành phố đông dân nhất của Hoa Kỳ với tổ hợp 25 tòa nhà, 56 gian trưng bày, 32 triệu hiện vật. Người ta cũng thường biết đến Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan khổng lồ với 19 khu trưng bày 2 triệu các tác phẩm nghệ thuật. Người ta ít biết đến các bảo tàng của các bang miền Trung và miền Nam của Hoa Kỳ.  Chẳng hạn bang Missouri, bang có tới gần 300 bảo tàng các loại. Trong số các bảo tàng của Missouri, có Bảo tàng Nghệ thuật ở Thành phố Kansas. Tên đầy đủ của nó là Bảo tàng Nghệ thuật Nelson- Atkin, một trong những bảo tàng nghệ thuật nổi tiếng nhất ở Hoa Kỳ.
Năm 2007 Tạp chí Times còn xếp Bảo tàng này nằm trong Top 10 bảo tàng sáng giá nhất của nhân loại. Nelson- Atkin hiện đang sở hữu bộ sưu tập 33.500 tác phẩm nghệ thuật. Tuy số lượng tác phẩm khiêm tốn hơn so với một số bảo tàng nghệ thuật ở các thành phố lớn, nhưng nếu mỗi tác phẩm người ta dừng lại một phút để chiêm ngưỡng thì phải mất tới 558 giờ mới xem xong. Nếu một ngày dành 8 giờ để xem từng tác phẩm thì người ta phải thu xếp 69 ngày mới đi hết bảo tàng. 
Bảo tàng mang tên hai cá nhân: William Nelson và Mary Atkin. Nelson là ông chủ của một nhà xuất bản. Năm 1915, khi qua đời, ông đã để lại bản di chúc dành toàn bộ tài sản của mình để mua các tác phẩm nghệ thuật phục vụ cho công chúng thưởng thức. Mary Atkin là giáo viên, góa phụ của một nhà đầu tư bất động sản. Năm 1911 khi qua đời, bà đã để lại 700.000 đô la để thành lập một bảo tàng nghệ thuật cho công chúng trong thành phố. Hai khoản kinh phí to lớn trên kết hợp với kinh phí ủng hộ thêm của thân nhân hai người, Bảo tàng Nghệ thuật Nelson- Atkin được hoàn thành vào năm 1933. Chi phí kết toán cuối cùng lên tới 2.750.000 đô la. Có một điều đặc biệt cần chú ý là vào những năm đó, những năm khủng hoảng kinh tế thế giới, thị trường tranh ảnh nghệ thuật tràn ngập người bán nhưng lại rất ít người mua. Cơ hội đó đã tạo điều kiện cho các thương vụ mua vào một cách nhanh chóng và Bảo tàng Nelson- Atkin đã sở hữu được một trong những bộ sưu tập nghệ thuật lớn nhất trong cả nước.
Nói là bảo tàng, nhưng trong bảo tàng còn có cả một tổ hợp cửa hàng bán đủ các loại sách, báo, tạp chí, hàng lưu niệm thủ công mỹ nghệ, các bản in mô phỏng các tác phẩm nghệ thuật. Trong bảo tàng còn có cả một hệ thống nhà hàng Âu, Á phục vụ ăn uống, giải khát. Số lượng người vào bảo tàng rất đông đảo. Từ học sinh, sinh viên đến các đoàn khách du lịch trong bang, ngoài bang, khách quốc tế. Nhưng tôi cảm thấy lượng người đông đảo nhất là người đi theo hộ gia đình, bao gồm cả bố mẹ và con cái. Người ta thường ở lại cả buổi, cả ngày, thậm chí cả kì nghỉ cuối tuần hai ngày nếu kết hợp tham quan thêm một vài điểm khác. Ngày nghỉ, người Mỹ thường có nhu cầu đi đây đi đó. Bảo tàng là một địa chỉ các gia đình thường hò hẹn nhau đến. Đông đến nỗi bà thông gia bảo con trai và tôi “Mọi người đi đâu cũng phải chầm chậm thôi. Lạc nhau ở chốn này thì không biết đâu mà lần”.
Mặc dầu trong tay mỗi người đều cầm một bản đồ chỉ dẫn, nhưng chúng tôi cứ nấn ná ở cửa tầng một, không biết nên đi chỗ nào trước, chỗ nào sau. Tôi chợt nảy ra ý nghĩ đi theo những người khuyết tật, vì họ có lối đi riêng dành cho người khuyết tật, lại có nhân viên bảo tàng giúp đỡ đẩy xe và giới thiệu. Nhưng tôi cảm thấy xấu hổ nên không dám nói điều đó ra. Đành chờ Giang đang loay hoay với chiếc máy điện thoại cầm tay, tìm chỉ dẫn qua màn hình để đến chỗ nào đáng xem nhất. Cuối cùng tôi nói với Giang:
-      Con cứ đưa mẹ con và ba đi lần lượt các phòng trưng bày. Chỗ nào thích xem thì ta dừng lại. Cảm thấy không thích thì bỏ qua. Như vậy vừa thấy được cái tổng thể, vừa thấy được cái mình tâm đắc.
-      Đúng đấy, mẹ Giang cũng đồng tình, cứ lần lượt đi theo từng phòng. Vừa đi vừa liệu.
Thực ra lần trước, khi đưa vợ chồng Thúy về bang Colorado, tôi và Giang cũng đã tìm đến đây rồi. Hi vọng lần này tôi được xem kĩ hơn các tác phẩm của các tác giả trong giai đoạn Phục hưng. Chúng tôi bắt đầu thăm các căn phòng trưng bày bộ sưu tập nghệ thuật châu Phi. Bộ sưu tập này bao gồm 300 đối tượng rất đa dạng về hình thức: các tác phẩm điêu khắc, mặt nạ, tóc, lược, gối đầu, quần áo, trang sức với chất liệu bằng gỗ, bằng kim loại, bằng đất sét, vải... từ các tác phẩm gốm đại diện cho nền văn hóa dân gian phía nam sa mạc Sahara ở thế kỉ 16 đến các tác phẩm trang sức và trang trí bằng kim loại của các nghệ sĩ ở Trung Phi, Tây Phi tiêu biểu cho nghệ thuật trung cổ hoàng gia, tất cả đều độc đáo, tinh xảo và quý hiếm.
Bộ sưu tập hội họa và điêu khắc châu Âu, từ thời trung cổ đến thế kỉ 19, có khoảng 900 tác phẩm nghệ thuật. Từ bức tranh Thánh Gioan trong thiên nhiên hoang dã của họa sĩ Caravaggio người Ý đến bức tranh Olive Ochart của Van Gogh, từ các tác phẩm điêu khắc Mannerist giữa thế kỉ 16 đến bức tượng bán thân về một người đàn ông ngồi của Rodin thế kỉ 19, hàng trăm tác phẩm tuyệt mỹ cho đến bây giờ tôi mới được biết đến. Đúng là một thế giới nghệ thuật đẹp đến mê hồn. Chúng tôi mỗi người một sở thích, dù không am hiểu nghệ thuật tạo hình, nhưng mỗi người đều như bị hút vào một nhóm tác phẩm nào đó, để rồi người này giục người kia mau mau đi tiếp đến các khu vực khác.
Với hơn 7500 tác phẩm, bộ sưu tập về Trung Quốc có rất nhiều những kiệt tác trong tất cả các giai đoạn lịch sử, với tất cả các loại hình nghệ thuật từ thời đồ đá cho đến thế kỉ thứ 20. Đặc biệt ấn tượng là bộ sưu tập toàn diện về gốm sứ kéo dài suốt 5000 năm lịch sử Trung Quốc. Giang kể cho tôi nghe giai thoại, một giáo sư nghệ thuật người Trung Quốc đến đây đã từng thốt lên câu nói mà người ta thường truyền tụng cho nhau: “Những gì người Trung Quốc không tìm thấy ở Trung Quốc thì hãy đến đây mà tìm”. Không biết có thật như vậy không. Chỉ biết rằng 232 hiện vật về những nghi lễ cúng tế tổ tiên, về các lăng mộ cùng đồ tùy táng qua các triều đại, về những trang sức tuyệt mỹ xa xỉ như vàng bạc, ngọc bích đã gợi lên cho người xem thấy cả một thế giới tinh thần cũng như vật chất của người Trung Quốc cổ đại. Điều làm tôi thích thú nhất là được thưởng thức bộ sưu tập tranh danh lam thắng cảnh từ thế kỉ thứ 10 đến thời nhà Minh và bộ sưu tập điêu khắc từ thời Bắc Tống đến thời kì nhà Thanh. Trong hai bộ sưu tập này, có nhiều tác phẩm đã được các nhà phê bình mỹ thuật đánh giá là những tác phẩm tuyệt vời nhất bên ngoài Trung Quốc.
Thời gian có hạn nên chúng tôi bỏ qua các phòng trưng bày các tác phẩm sưu tập về Nhật Bản. Bộ sưu tập nghệ thuật Nam Á và Đông Nam Á có khoảng 945 tác phẩm với các đề tài tôn giáo, cung đình, lao động, sinh hoạt xã hội. Các tác phẩm nghệ thuật được sắp xếp theo niên đại từ thế kỉ thứ 3 trước công nguyên đến thế kỉ 19, bao phủ cả một khu vực rộng lớn: Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Tây Tạng, Campuchia, Việt Nam, Indonesia, Myanma và Thái Lan. Ở các khu vực này, chúng tôi chỉ đi lướt qua, thậm chí có phòng chỉ đứng ở ngoài cửa nhìn vào. Mặc dù vậy, tôi vẫn cảm nhận được ảnh hưởng sâu sắc truyền thống tôn giáo Ấn Độ, một quốc gia không hề nuôi dưỡng dã tâm bành trướng xâm chiếm quốc gia nào, không giống như Trung Quốc, nhưng những giá trị tinh thần và vật chất của nó lại lan tỏa mạnh mẽ tới khắp các quốc gia trong khu vực.
Lên xe ra về, bà thông gia hỏi tôi:
-      Ông thấy bảo tàng nghệ thuật của họ thế nào?
-      Bà đã thăm Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội và Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh chưa?
-      Tôi đã thăm Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội nhiều lần, còn ở Thành phố Hồ Chí Minh thì chưa.
-      Tôi đã nhiều lầ đến Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội và đã hai lần đưa hai cô con gái đến Bảo tàng này. Xem đi xem lại một tiếng đồng hồ, tôi thấy chẳng còn cái gì để mà xem nữa. Bảo tàng của mình quá nghèo nàn hiện vật. Bảo tàng của mình chỉ hạn hẹp trong một quốc gia. Còn ở đây số lượng hiện vật thì như bà biết đấy. Bảo tàng của họ là tầm bảo tàng của nhân loại. Nếu bà có dịp đến Bảo tàng Nghệ thuật ở New York thì còn có cái cảm giác choáng ngợp, choáng ngợp đến sốc trước vẻ khổng lồ và kì vĩ của nó.
-      Tôi thì không am hiểu về nghệ thuật và giáo dục, cho nên trong khi ông đi thăm các nhà trường thì tôi lại bảo con nó đưa đi thăm các thư viện. Qua tìm hiểu, tôi được biết ở Mỹ có khoảng 119.987 thư viện. Con số này người chia ra thành các loại thư viện công cộng, thư viện học thuật, thư viện trường đại học, thư viện chuyên ngành, thư viện các lực lượng vũ trang, thư viện chính phủ... Điều quan trọng không phải là số lượng thư viện mà là số lượng độc giả và chất lượng của thư viện. Thư viện đại học ở đây thì ông biết rồi. Tôi cảm thấy nó không chỉ là nơi dành cho sinh viên tìm kiếm tài liệu, thông tin phục vụ học tập, nghiên cứu mà nó còn tạo ra môi trường tự học, môi trường hoạt động tập thể về học thuật, môi trường sinh hoạt tập thể thư giãn. Sinh viên đến thư viện cứ nườm nượp. Tôi thấy cái không khí, cái thói quen, cái văn hóa đọc ở đây có gì đó rất khác với thư viện của chúng ta mà không thể nói ra được, ông ạ.
-      Bà nhận xét rất chính xác.
-       Nói đến thư viện là phải nói đến sách. Sách của các thư viện ở đây thì quả là đồ sộ, không biết đến bao giờ thư viện của chúng ta mới bằng họ. Sách phong phú, đa dạng về tất cả các lĩnh vực và được sắp xếp khoa học, dễ dàng tìm kiếm. Ngoài sách ra tôi thấy thư viên của họ còn có bao nhiêu loại báo chuyên ngành và tạp chí khoa học cho người đọc. Cái này của ta thì lại rất kém. Hơn nữa thư viện của họ còn có hệ thống wifi và hàng trăm máy tính cá nhân có mạng nối kết với các thư viện của các trường đai học khác, các thư viện khác trong thành phố để sinh viên có thể truy cập từ máy chung đến máy riêng của mình. Là người trong ngành, tôi nằm mơ cũng không thể hình dung ra thư viện của họ được tổ chức, quản lí và phổ cập hiện đại đến như vậy. Còn một điểm nữa, hệ thống nhân viên thư viện của họ cực kì chuyên nghiệp. họ nắm rất rõ các hoạt động, các dịch vụ của thư viện. Quan trọng hơn là họ rất tận tình với công việc. Họ rất niềm nở khi được giúp đỡ các sinh viên tìm kiếm tài liệu, rất vui vẻ trợ giúp cách sử dụng các tiện ích tra cứu sách. Thậm chí ngay cả khi thư viện không có sách, họ còn làm thủ tục cho sinh viên mượn sách từ thư viện khác.Tôi thấy nhân viên của chúng ta không chuyên nghiệp bằng họ, không có thái độ phục vụ như họ.
Dừng một lát, bà thông gia tiếp tục kể về chuyến đi tới thư viện thành phố Columbia:
-      Đó là khối những tòa nhà giống như những khối hình học đồ sộ với chất liệu bằng kính, kim loại và đá. Bên ngoài là những bãi đỗ xe ô tô rộng mênh mông. Có lối vào cho người bình thường. Có lối đi vào cho người khuyết tật. Điều đáng chú ý là không có bảo vệ. Mọi người ra vào thư viện tự do dù có thẻ hay không có thẻ. Có thẻ thì được mượn sách mang về. Không có thẻ thì chỉ được mượn đọc tại chỗ. Tôi thấy Giang làm thẻ thư viện rất đơn giản. Chỉ cần trình giấy tờ tùy thân cho họ. Nhân viên đưa qua máy quét. Trong vòng một phút, máy tự động in ra luôn một chiếc thẻ. Vào thư viện của họ thật đơn giản và dễ dàng.
-      Nếu ở đây lâu có lẽ bà nên bảo hai con thỉnh thoảng đến thư viện.
-      Để sang năm, khi về hưu, tôi sang với cháu. Nhất định tôi sẽ thường xuyên đến thư viện. Cũng giống như ở bảo tàng, tôi và ông vừa đi, trong thư viện có nhà hàng ăn uống và giải khát phục vụ rất chu đáo. Thư viện ở đây có phòng triển lãm nghệ thuật từ tranh ảnh cho đến các loại hình nghệ thuật khác. Thư viện ở đây có cả phòng phòng họp, phòng hội thảo cho hàng trăm người. Thư viện ở đây còn có cả những lớp học theo những chuyên đề đáp ứng mọi yêu cầu của các tầng lớp trong thành phố. Hơn nữa, trong thư viện, tôi còn thấy có cả phòng trông trẻ, phòng dạy kèm môn tiếng Anh, môn toán và môn khoa học cho trẻ em từ mẫu giáo tới lớp 7 miễn phí. Ba thư viện công trong thành phố này còn phối hợp cung cấp một tháng một cuốn sách cho mỗi đứa trẻ từ 1 đến 5 tuổi ở trong thành phố. Một đất nước mang tiếng là đế quốc xấu xa, nhưng bên trong nó lại có những điều nhân bản đến không thể tin được.
-      Tôi với bà xưa nay chỉ biết cái bản chất xâm lược dã man, tàn bạo, còn cái đẹp của nó thì giống như Việt Phương ngày trước đã từng viết “Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ, Trăng Trung Hoa tròn hơn trăng nước Mỹ”. Sang đây, tôi với bà mới biết nhà trường, bảo tàng, thư viện, những dịch vụ công cộng của Mỹ tuyệt vời đến như thế nào.
-      Đúng vậy. Thư viện thành phố cơ man sách là sách. Ngoài sách truyền thống được phân loại theo từng chủ đề, còn có một loại sách mà ta chưa có trong các thư viện tuyến dưới. Đó là sách điện tử như CD, VCD, DVD. Sơ sơ qua khu băng đĩa tôi đã thấy có 10 băng DVD chứa đựng hàng vạn nội dung văn bản kênh hình và kênh chữ tiếng Anh chuyên về Việt Nam. Phòng đọc rải rác bên các giá sách từ mặt đất đến gần trần nhà. Hàng chục bộ bàn ghế tròn kê gọn ngay ngắn ra tới sát hiên. Áp tường là hàng bàn ghế dài chạy dọc. Trên mặt bàn để sẵn hàng chục bộ máy tính kết nối với thư viên trực tuyến. Người mượn sách, băng đĩa chỉ việc cầm lấy sách, băng đĩa. Khi ra về đưa sách, băng đĩa ra trước màn hình cảm ứng. Máy in tự động in ra một tờ giấy ghi rõ tiêu đề sách, băng đĩa cùng với ngày hẹn phải trả. Còn người trả tài liệu mượn thì cứ để vào một băng dây chuyền. Máy tự động phân loại sẽ chuyển tài liệu về đúng vị trí của nó. Không ai phải nói với ai một lời. Mọi chuyện cứ tự động như đói thì ăn, khát thì uống. Mặc dù nhiều khâu diễn ra tự động, nhưng khi mình cần giúp đỡ điều gì là hệ thống nhân viên sẽ có mặt ngay. Trước kia tôi đã từng quản lí một hệ thống nhân viên trong thư viện của tỉnh, một tỉnh lớn của quốc gia. Quan sát cách thức tổ chức và làm việc của họ, bây giờ tôi không biết phải nói gì với ông nữa. Thì ra cái xin cho của ta không chỉ ở lĩnh vực kinh tế mà còn có ngay cả trong cái ngành thư viện của tôi. Nghĩa là người đọc của ta là người “đi mượn”, nhân viên của ta là người “cho mượn” dù không phải là sách của mình.
-      Ngành giáo dục của tôi cũng vậy, phụ huynh phải “xin” cho con đi học và nhà trường thì có quyền “cho” vào học.
-      Các cụ đang nói xấu cơ chế của mình đấy à, Giang nói chen vào.
-      Cái xấu thì chế độ nào cũng tồn tại con ạ, bà thông gia thở dài rồi nói, có lẽ đến hết quãng đời còn lại, chúng tôi vẫn phải sống trong cái cơ chế xin cho mất. Mà nói đến xin cho thì tránh sao khỏi tiêu cực.

-      Hơn chục năm trở lại đây, tôi nhắc lại ý một đại biểu quốc hội phát biểu trong cuộc họp vừa rồi, không những chỉ xin - cho mà còn xin - cho - chia ngân sách của nhà nước. 
Read More

Thăm thành phố thủ phủ Jefferson bang Missori

Leave a Comment
Tranh thủ thời gian rỗi, Giang tổ chức đưa cả nhà đi thăm Thành phố Jefferson. Đây là thành phố thủ phủ của bang Missouri và quận lị của quận Cole. Thành phố mang tên Jefferson City ngay sau khi Tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ Thomas Jefferson qua đời. Jefferson City nằm ở phía bắc cao nguyên Ozark và phía nam sông Missouri, thuộc miền trung Missorri, một trong những vùng sản xuất rượu vang nổi tiếng khắp đất nước. Dân số thành phố năm 2013 có trên 43.000 người. Quản lí thành phố là Hội đồng Thị trưởng bao gồm 12 thành viên được bầu theo các khu vực trong thành phố, đứng đầu là một thị trưởng do các cử tri thành phố bầu trực tiếp. Có 5 trường đại học và cao đẳng nằm trên địa bàn thành phố: Trường Đại học Lincol, Trường Đại học Merrell, Trường Đại học William Wood, Trường Cao đẳng Kinh doanh Metro, Trường Cao đẳng kĩ thuật Linn.
Sau khi đi lòng vòng xem cảnh quan chung thành phố được mang danh là thành phố du lịch, chúng tôi thăm tòa nhà mái vòm Capitol, trụ sở làm việc của chính quyền bang Missouri. Đây là tòa nhà được đánh giá có kiến trúc và trang trí nội thất đẹp nhất trong số 50 tòa nhà trụ sở làm việc của chính quyền các bang của Hoa kỳ. Tòa nhà mái vòm này do Công ti kiến trúc Tracy & Swartwout New York thiết kế và được hoàn thành vào năm 1917 với tổng chi phí vào thời điểm đó là 4.215.000 đô la. Thật không uổng phí chuyến đi này, bước xuống xe, tôi thấy mình như bước vào một công viên kiến trúc và điêu khắc. Những đài phun nước nghệ thuật róc rách tuôn trào, những dãy tượng đài cao thấp, xa gần nối tiếp nhau, những ô tiểu cảnh đa dạng, những lối cỏ hàng cây, hoa lá đua sắc khoe mầu...  Khung cảnh bên ngoài của một cơ quan công quyền rộng mênh mông và đẹp như một hình mẫu nghệ thuật.
Đặc biệt hơn là không có một bức tường, không có một hàng rào ngăn cách với các khu vực dân sự bên ngoài; không thấy có một bóng dáng cảnh sát, cảnh vệ cầm súng đứng gác như các cơ quan công quyền của Việt Nam. Mọi người dân ở đây đều có quyền ra vào tự do nơi làm việc của chính quyền. Có lối đi dành riêng cho cả người khuyết tật đi bằng xe lăn. Tôi thấy hàng đoàn học sinh cấp trung học, hàng đoàn khách du lịch cũng ra vào tự do. Tôi cứ băn khoăn chẳng lẽ nơi đây chỉ để cho dân chúng tham quan chứ không phải là nơi làm việc chính thức. Vậy mà đây chính là cơ quan công quyền cao nhất, cơ quan lập pháp thượng viện, hạ viện của bang tiến hành các cuộc họp, bàn và quyết định về các chính sách công như an ninh, y tế, giáo dục, giao thông, cơ sở hạ tầng... Nơi đây cũng là nơi làm việc của thống đốc bang, phó thống đốc bang, văn phòng chính quyền bang, kho bạc, kiểm toán và một số cơ quan hành chính của bang.
Toàn bộ tòa nhà Capitol đều làm bằng đá cẩm thạch. Tòa nhà dài 133m, rộng 90 m, mái vòm cao 73 m. Phía trên cùng của mái vòm là bức tượng đồng Ceres, tượng nữ thần nông nghiệp trong thần thoại La Mã. Ở cách xa người ta vẫn có thể trông thấy bức tượng đồng này. Từ dưới nhìn lên, mái vòm ở chính giữa tòa nhà cao vút in trên nền trời xanh, lãng đãng mây trắng. Nhưng nhìn tổng thể tòa nhà, người ta cảm nhận nó vừa uy nghi cân đối, vừa hài hòa duyên dáng bởi sáu cột cao 12 m ở chính giữa, lùi xuống một chút là hàng hiên hai bên, mỗi hàng hiên chạy dài 8 cột cao cũng chừng 12m. Qua đài phun nước, qua khoảng sân rộng bê tông xen lẫn những ô cỏ, bước lên khoảng mấy chục bậc vào tòa nhà, sừng sững ngự trị lối vào cửa phía nam là bức tượng Thomas Jefferson.
Tầng một của tòa nhà là một bảo tàng sưu tập và trưng bày 93.000 hiện vật và các đối tượng từ tất cả các khía cạnh của lịch sử tự nhiên, lịch sử xã hội, lịch sử các nguồn tài nguyên thiên nhiên bang Missouri. Chúng tôi vừa đi xem vừa quay phim, chụp ảnh. Giang một máy, tôi một máy, quay chụp liên tục. Nhưng tôi vẫn cảm thấy thiêu thiếu. Xã hội và con người, quá khứ và hiện tại của Missouri đa dạng và sống động như thỏi nam châm lôi cuốn tôi. Từ chiếc búa chim đến cỗ máy xúc hiện đại, từ cánh đồng cỏ hoang dại đến những dãy nhà kính trồng rau, từ khẩu súng kíp đến bệ phóng tên lửa... Chẳng lẽ chỗ nào cũng quay và chụp. Cuối cùng tôi rút kinh nghiệm, chỗ nào thật ấn tượng tôi mới bế Bảo lên để Giang hoặc Vân ghi lại hình, còn dành thời gian ngắm nhìn thưởng thức.
Người ra vào khá đông, nhưng không khí trong phòng thật trang nghiêm. Ngay cả các em học sinh đi theo đoàn cũng rất trật tự. Chỉ nghe tiếng thuyết minh nhẹ nhàng của nữ nhân viên bảo tàng và thỉnh thoảng có tiếng rì rầm trao đổi riêng nhưng không gây cho người ta cảm giác chú ý. Xem lướt qua bộ sưu tập, điều in đậm nhất trong tâm trí tôi là mấy chục chiếc lá cờ chiến đấu rách bạc qua hàng trăm năm vẫn còn được đóng khung trang trọng và hình ảnh những con tàu thời nội chiến cùng với những người chiến binh dũng cảm, mô hình các chiến hạm và tàu sân bay USS Missouri bằng đồng. Nói về các cựu chiến binh, tôi thấy nhân viên của bảo tàng đã dành những lời lẽ tốt đẹp nhất, trân trọng nhất để ngợi ca vai trò của họ trong lịch sử của Missouri.
Giang nói với tôi có một bức tuyệt phẩm của họa sĩ nổi tiếng Thomas Hart Beton trên bốn bức tường căn phòng Lounge, nơi sử dụng làm Phòng Hội nghị lớn của Nghị viện Missouri trên tầng ba. Nếu may mắn các nghị sĩ không họp, chúng tôi có thể vào chiêm ngưỡng “Cuốn lịch sử bằng tranh về xã hội Missouri những ngày đầu lập quốc”. Nghe Giang quảng cáo, chúng tôi quyết định vào thang máy để đi lên tầng ba trước. Dọc hành lang vào nhà Lounge, người ta trưng bày tượng các chính khách, các nghệ sĩ, các nhà khoa học, các danh nhân của quốc gia nhưng chủ yếu là của bang Missouri. Chúng tôi không còn đủ thời gian để tìm hiểu những công trình điêu khắc này. Theo chân một nhóm du khách, chúng tôi bước vào một trong những điểm bây giờ là niềm tự hào của người dân Missouri.
Đúng là một bức tranh hoành tráng trên nền đá cẩm thạch phủ kín bốn bức tường của Phòng họp Đại Hội đồng. Người ta kể lại vào giữa những năm 30 của thế kỉ trước, các nghị sĩ đã tranh cãi nhau kịch liệt về nội dung bức tranh cho đến hết nhiệm kì, không nhóm nào chịu nhường nhóm nào. Người ta cho rằng tác phẩm quá trần trụi. Nhưng rồi thời gian đã minh oan cho người nghệ sĩ. Theo nhận xét của giới mỹ thuật, đây là một sáng tạo nghệ thuật táo bạo, phản ánh chân thực cuộc sống hàng ngày của người dân Misouri trong một giai đoạn lịch sử.
Bức tranh bắt đầu bằng hình ảnh những người đi tiên phong đến vùng đất Missouri trên con tàu hơi nước Sam Clemen cùng với những chiếc bè mảng, những người định cư đầu tiên với khuôn mặt chai sạn, thân hình vạm vỡ cùng với những thương nhân đầu tiên trong bộ vét sang trọng đang trao đổi hàng hóa. Tiếp đến là hình ảnh những người khai thác gỗ, thợ cơ khí làm bánh xe chở hàng hóa và những ngôi nhà đầu tiên trên vùng đất; những người lao động nô lệ gầy còm khai thác thác khoáng sản trên công trường, trong đó có cảnh người chủ vung roi đánh đập người làm đang ngã khụy xuống; những người đàn ông, đàn bà ở thuê bị đuổi tống ra khỏi những ngôi nhà; cảnh sinh hoạt làm việc của nông dân trong trang trại, cảnh người đàn ông xẻ gỗ và người đàn bà nấu cơm; buổi họp của chính quyền với người dân; cảnh đội quân cưỡi ngựa đuổi tàu cướp và cảnh xử án; cảnh sinh hoạt tắm rửa, cán bột làm bánh; cảnh người công nhân đang lao động, người phụ nữ đánh máy trong xưởng cơ khí; cảnh sinh hoạt khiêu vũ tai câu lạc bộ nhạc Jazz... Đúng là một cuốn lịch sử bằng tranh thật sống động.
Từ bàn chủ tọa, tôi đi xuống từng hàng ghế xem xét những thiết bị dành cho các nghị sĩ. Càng xuống phía cuối, nền và các hàng ghế càng được nâng lên cao. Cuối cùng là những hàng ghế dành cho bất kì ai muốn đến, kể cả học sinh nếu đăng kí vào tham dự các kì họp của Nghị viện, đó là quyền của mọi người. Tôi rất muốn ghi lại hình ảnh về căn phòng này vì nó đem lại cho tôi rất nhiều cảm xúc. Rất tiếc, phòng này theo quy định không ai được phép quay phim chụp ảnh. Dù không có bảo vệ, dù trong phòng không còn một ai, chúng tôi cũng không dám đưa máy ảnh lên. Đành ra khỏi phòng quay một đoạn hành lang bên ngoài để làm kỉ niệm.
Rồi tôi tiếp tục giục Giang và Vân đẩy xe của Bảo đi thăm một số phòng chức năng trên tầng bốn, tầng năm và quay trở lại tầng hai. Đi qua Phòng Thống đốc Jay Nixon, chúng tôi thấy ông đang làm việc trước một chiếc bàn có cắm hai lá cờ nhỏ, một lá cờ của bang, một lá cờ của liên bang. Ông mặc bộ vét màu xanh đen, áo trắng, thắt cà vạt màu tím nhạt. Tôi đoán ông khoảng ngoài sáu mươi. Mái tóc bạc như cước. Gương mặt đầy đặn rạng ngời với cặp kính trắng trông dáng vẻ trí thức hơn là một chính trị gia. Vân cho tôi biết, ông là cựu học sinh Trường Luật thuộc Trường Đại học Missouri và từng lấy hai bằng đại học tại nhà trường. Jay Nixon đã kinh qua những cương vị như Thượng Nghị sĩ bang, Tổng Chưởng lí bang. Đầu tháng 11 năm 2008 đắc cử Thống đốc bang. Đầu tháng 11 năm 2012, tái đắc cử Thống đốc bang nhiệm kì hai.
Thành tích lớn nhất trong nhiệm kì đầu của ông là cải thiện đáng kể tình trạng thất nghiệp và đẩy mạnh chương trình chăm sóc y tế cho người dân. Tranh cử nhiệm kì hai ông cam kết ba điều. Thứ nhất, ông sẽ thúc đẩy chương trình nghị sự của chính phủ có hiệu quả hơn. Thứ hai, ông sẽ tăng cường cải cách y tế làm giảm chi phí chăm sóc sức khỏe người dân. Thứ ba, ông sẽ tạo mọi cơ hội để tất cả học sinh trung học phổ thông được đến với nền giáo dục đại học.
Lên xe ra về, tôi vẫn cứ thắc mắc với các con tại sao bên trong tòa nhà không thấy bóng một người bảo vệ. Giang cười: “Từ ngày con sang đây cũng chưa nhìn thấy cảnh sát. Có lẽ họ ngồi ở văn phòng hoặc đâu đó để làm việc”. Chẳng lẽ người ta sử dụng những thiết bị theo dõi hiện đại và tinh vi mà tôi chưa được biết. Nếu không như vậy thì khi có sự cố gì xảy ra, chẳng hạn như việc hành hung người thi hành công vụ thì sẽ như thế nào.

Tôi còn nhớ chuyện anh Lịch, ông anh con bà bác, thời còn làm Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã Tân Triều, bị một đương sự dùng ghế đánh vào đầu trong phòng tiếp dân. Nếu không có công an kịp thời bắt giữ, không hiểu sự việc sẽ đi đến đâu? Đàn bà, thôn Yên Xá có lần vây kín trụ sở làm việc, vài ba chục ông già bà cả còn lăn ra đường cản trở không cho xe cộ qua lại. Nếu không có công an giải tỏa, bốc người lên xe thì tình hình giao thông sẽ như thế nào? Tôi cũng còn nhớ lần đến Uỷ ban Nhân dân huyện Thanh Trì, hàng trăm người dân ở xã Yên Sở kéo đến phản đối Quyết định Cưỡng chế di dời dân và Giải phóng mặt bằng cho Công ti Công viên Hà Nội. Nếu không có hàng rào dày đặc công an ngăn cản, liệu giữa chính quyền và dân sẽ xảy ra việc gì? Chẳng lẽ ở đây không xảy ra những việc tương tự như trên?
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.