Cánh đồng Chum Xiêng khoảng

Leave a Comment

 Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng

Đoàn chúng tôi phần đông là những người lính có thời gian tham chiến ở Tỉnh Xiêng Khoảng và một vài tỉnh giáp Xiêng Khoảng của Lào vào những năm 1965 đến đầu những năm 1970. Trong chiến tranh, Xiêng Khoảng từng được xem là vùng đất chết chóc. Nơi đây đã hứng chịu một lượng bom đạn khổng lồ, trung bình mỗi người dân phải chịu tới 350 tấn bom đạn. Riêng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, khoảng 15.000 chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh trên mảnh đất này.
Khi làm thủ tục xuất nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, đặt chân lên đất Xiêng Khoảng, nhiều người trong đoàn đã cảm thấy bồi hồi xúc động. Bao nhiêu kỷ niệm chiến đấu gian khổ, bi hùng lại ùa về trong tâm trí. Mọi người kể cho nhau nghe về những ngày tháng cùng đồng đội bám trụ chiến đấu qua những mùa mưa thối đất thối cát trong rừng, nơi quân ngụy Lào, lính đánh thuê Thái Lan, phỉ Vàng Pao luôn rình rập… Những câu chuyện bất tận sốt rét, sốt rét cả đơn vị không còn người để nấu cơm, những câu chuyện bất tận về đồng đội nào đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, giúp bạn Lào giành lại độc lập, tự do.
Anh em chúng tôi cũng ôn lại những trận đánh máu lửa ác liệt, những chiến dịch, đặc biệt là chiến dịch Cánh đồng chum-Xiêng khoảng, chiến dịch phòng ngự của liên quân Việt-Lào nhằm đánh bại kế hoạch lấn chiếm mùa mưa của quân phái hữu Lào và Quân đội Thái Lan, bảo vệ vùng giải phóng Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, giữ vững thế chiến lược của chúng ta ở Bắc Lào, phối hợp với cuộc tiến công 1972 ở chiến trường Trị-Thiên và Bắc Tây Nguyên…
Khi thăm lại cánh đồng Chum, chúng tôi hiểu thêm về truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc Lào. Hàng ngàn chiếc chum đá bí ẩn nằm rải rác ở hơn 50 điểm trên cao nguyên Mương Phuôn được xây dựng từ thời kỳ tiền sử, là minh chứng cho sự phát triển rực rỡ của nền văn minh Lào cổ đại. Có tới hơn 2000 chiếc chum đẽo từ đá, có kích cỡ to nhỏ khác nhau, nằm ngổn ngang nửa nổi nửa chìm, lăn lóc trên khu vực cao nguyên đầy nắng gió.
Một số nhà khảo cổ học cho rằng những chiếc chum tại cánh đồng chum liên quan đến nghi thức tôn giáo, liên quan đến chôn và đựng tro cốt người sau khi hỏa táng cách đây 1500 đến 2000 ngàn năm. Một số thì đưa ra giả thuyết những chiếc chum này dùng để đựng nước, chứa thực phẩm. Người dân nơi đây còn lưu truyền những chiếc chum này người xưa dùng để đựng rượu sau khi một vị thủ lĩnh đánh thắng kẻ thù khao quân... Tóm lại là đến nay giới nghiên cứu vẫn chưa đưa ra được kết luận cuối cùng. Cánh đồng chum vẫn mang theo sự huyền bí của lịch sử mà chưa có lời giải.
Chúng tôi thật may mắn có thời gian khá dài tham quan, tìm hiểu 3 bãi trên cánh đồng chum, chúng kiến và chiêm ngưỡng di sản văn hóa quý giá của nhân loại được UNESCO công nhận năm 2019 trong hai ngày. Thăm Mường Khun (thị xã xiêng khoảng cũ), cái nôi văn hóa, nơi đặt kinh đô của 23 tộc trưởng các bộ tộc Lào cổ, nơi có khá nhiều dấu tích văn minh có giá trị văn hóa. Thăm chùa Phia Vat, ngôi chùa lớn nhất và lâu đời nhất của Vương quốc Phuang, xây dựng hơn 600 năm trước, vào thời kỳ hưng thịnh nhất dưới sự cai trị của vua Chao Lankhamkong. Năm 1874, Vương quốc Phuang sụp đổ, Phia Vat cũng bị tàn phá. Vào thập niên 60 - 70 thế kỷ trước, chùa tiếp tục bị bom Mỹ phá hoại, chỉ còn lại một pho tượng Phật lớn ở chính điện, một số cột lớn và vài đoạn tường gạch đổ nát được giữ đến tận bây giờ. Thăm di tích tháp Phun được xây dựng từ năm 307 lịch Phạt Lào. Tương truyền đây là nơi thờ một phần tro cốt của Phật Thích Ca Mâu Ni.
Chúng tôi ghé thăm bản Thẳm, nơi những cán bộ chiến sỹ nhiều sư đoàn, trung đoàn cuối những năm 1960 đến đầu những năm 1970 không ai là không biết đến. Thăm di tích núi Phu Keng, nơi diễn ra nhiều trận đánh từ năm 1969 đến năm 1972. Có những trận chúng ta tiêu diệt hàng ngàn lính đánh thuê Thái Lan. Nhiều chiến sỹ của chúng ta cũng nằm lại trên dãy núi này. Anh em chúng tôi dự định cố leo lên 1500 bậc trên dãy núi cao trên 1200 m để tìm lại bóng hình đồng đội, nhưng không còn sức lực leo lên đỉnh, chỉ nhìn lên núi nước mắt lưng tròng “Thương lắm đồng đội ơi”...
Ghé thăm các ngôi làng của người Hmong, người Khmu và người Tai Dam, tình cờ chúng tôi gặp một số người quen. Trong số đó có anh But Đi người Lào Lùm đang bế cháu, anh đã từng học 5 năm ở Học viện Hậu cần, Hà Nội. Anh ôm lấy chúng tôi, dẫn chúng tôi vào nhà, vừa đi vừa nói bằng tiếng Việt “Nhớ lắm Hà Nội ngày ấy”. Chúng tôi hàn huyên, thăm bà con trong bản, chia kẹo cho các cháu trong thôn; chứng kiến một đám cưới cùng với điệu múa Lăm Vông trên đất Lào.
Nằm vắt bên kia dãy Trường Sơn, giáp ranh với tỉnh Nghệ An, Xiêng Khoảng nằm ở đông bắc của nước bạn Lào. Dân số ước tính khoảng 250.000 người. Cái tên Xiêng Khoảng tiếng Lào có nghĩa là nghĩa là “Thành phố phía chân trời”. Ngày trước tỉnh lị của Xiêng Khoảng là Mường Khun (thị xã Xiêng Khoảng cũ), hiện nay tỉnh lị là Phôn Sa Vẳn, nơi chúng tôi ở, từ địa điểm này chúng tôi tỏa đi các ngả theo lịch trình.
Xe chúng tôi đi qua những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, hùng vĩ, qua những bản làng truyền thống của các bộ tộc Lào. Nhiều ngôi nhà, phố thị khang trang đang xây dựng. Tiếp xúc với người dân các bộ tộc Lào, ngắm nhìn từng đoàn học sinh lặng lẽ đi bộ, tỏa về từ những ngôi trường cấp 4, giống như những ngôi trường ở nông thôn Việt Nam những năm 70, 80 của thế kỷ trước, chúng tôi cảm thấy bâng khuâng một nỗi niềm…
Chúng tôi cảm thấy xúc động khi thấy sự đổi thay của Xiêng Khoảng. Có cái gì đấy vừa như lạ vừa như quen. Xiêng Khoảng đã thay đổi nhiều, phát triển, giàu có hơn xưa. Chúng tôi vui mừng khi gặp gỡ những người quen, những con người hiền lành, nhẹ nhàng, hiếu khách, chân tình. Thật vui mừng vì có rất nhiều người biết tiếng Việt. Vui mừng hơn thấy tình cảm, tình đoàn kết hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Lào ngày càng bền chặt.
Năm tháng trôi đi, nhưng trong tâm khảm, nhiều người lính vẫn nhớ mãi những năm tháng chiến đấu ở Cánh đồng chum-Xiêng Khoảng. Nhiều người đã coi thời gian ở nơi đây là những năm tháng đẹp đẽ, để lại nhiều ấn tượng nhất trong cuộc đời. Thậm chí có người còn có nguyện vọng sau khi từ biệt thế giới này, muốn con cháu họ đem chôn tro cốt của mình chôn trên mảnh đất này để hội ngộ cùng với người đã khuất.
Anh Bùi Minh Sơn, trưởng đoàn kiêm hướng dẫn viên, người đã soạn cuốn tự điển địa danh Lào, anh đã dẫn chúng tôi thăm nhiều địa điểm, lần theo những “dấu chân” đoàn quân năm xưa: Thị trấn Noonghet, địa điểm tập kết khi vào các chiến dịch, Khăng mạ lén (bãi ngựa chạy), Đèo đất, Mường Xén (nơi gắn liến với Bài ca Trường Sơn: Trường sơn ơi trên đường ta qua không một dấu chân người/ Có chú nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác (Lời thơ của Gia Dũng, lính Sư đoàn 312 trên đường vào chiến dịch), thị trấn Mường Khăm, hang Thẩm Phiu (nơi tháng 11/1968 máy bay Mỹ phóng rocket làm 374 người chết, trong đó có khoảng 100 chiến sĩ công binh E 217), đèo Phu Nốc Cốc, ngã ba Noong Pết, Khăng Khay, thị xã Phôn Sa vẳn, Đài tưởng niệm Liệt Sỹ Việt Lào...
Có nhiều địa điểm ở Xiêng Khoảng, cánh đồng chum anh em không thể đến được. Đa số các trận địa ở trên núi cao, không ai trong đoàn có đủ sức để tới những trận địa năm nào. Họ đứng dưới chân núi nghiêm trang chào đồng đội. Tôi biết có những người nói lời vĩnh biệt đồng đội. Họ biết có những người đã được đưa về nghĩa trang Anh Sơn. Có những người vĩnh viễn nằm lại đâu đó trên mảnh đất này. Họ đã ngoài 70, 80 mươi rồi, nhưng trong tâm khảm, họ mãi không quên đồng đội, những người lính đã làm nên lịch sử.
Tôi tin rằng, những chuyến thăm lại chiến trường xưa là một dịp để các cựu chiến binh ôn lại những kỷ niệm hào hùng, đồng thời cũng là dịp để giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, tinh thần dũng cảm, kiên cường và tình hữu nghị đặc biệt được xây dựng bằng xương máu của hai của dân tộc Việt-Lào.
Read More

Rừng săng lẻ

Leave a Comment

 Rừng săng lẻ

Đoàn chúng tôi dừng lại bên trong một khu rừng săng lẻ. Trừ những bạn trẻ, trong số anh em chúng tôi, có một số người mấy chục năm nay, ngày trước sống trong rừng săng lẻ, bây giờ mới được nhìn lại cảnh sắc quen thuộc một thời.
Săng lẻ thuộc loại cây thân gỗ, rụng lá theo mùa, là loại cây thuộc họ bằng lăng. Tên khoa học là Lagerstroemia tomentosa. Loại cây này thường mọc ở vùng đồi núi Việt Nam, Lào, Cămpuchia… Ở Việt Nam rừng săng lẻ là loại rừng đặc trưng ở vùng núi cao, có khu rừng rộng lên tới hàng trăm ha, phân bố rải rác ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Nghệ An, Hà Tĩnh...
Rừng săng lẻ thường ở độ cao từ 1000-1500m so với mực nước biển, ở độ cao này thiên nhiên thường tạo nên một không gian mát mẻ, trong lành. Săng lẻ có thể cao từ 40 đến 50m, đường kính thân cây lên tới một đến hai mét. Lá săng lẻ màu xanh lục, mọc đối xứng nhau. Hoa nhỏ, bông chùm dài, có loại màu phấn hồng, hồng, có loại màu tím như hoa tường vi, thường nở vào mùa hè đến đầu thu.
Rừng săng lẻ thường nằm ở khu vực núi non trùng điệp, tạo nên một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Dưới tán rừng là những loài cây cỏ, hoa phong phú và đa dạng. Mỗi mùa săng lẻ có một vẻ đẹp riêng.
Vào mùa xuân, rừng tràn ngập trong màu xanh lá non ngút ngàn. Vào mùa hạ, theo tôi, mùa đẹp nhất để khám phá màu xanh đậm um tùm của nhiều tầng lá; khám phá màu phấn hồng nhạt khi mùa hoa chớm nở, đến khi hoa nở rộ, cả cánh rừng như được khoác lên mình một màu áo tím mộng mơ, một khung cảnh vô cùng lãng mạn, một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp.
Vào mùa thu, rừng săng lẻ chuyển màu vàng ánh đỏ trong nắng vàng đặc trưng, cả khu rừng như nhuốm màu quan san, gợi cho người ta bao liên tưởng. Và vào mùa đông cây trút lá dần, nhưng rừng vẫn không mất đi vẻ quyến rũ. Những cây già cổ thụ bong từng lớp vẩy vỏ xám nhạt, thân cành đan xen cùng với những cây non đang phát triển nhấp nhô, tầng tầng, lớp lớp như đua nhau vươn lên nền trời xanh biếc. Khi rừng săng lẻ trút lá thì cũng là lúc nhiều loài hoa bên dưới khoe sắc, cà khu rừng trông tựa như tấm thảm lá, hoa rực rỡ…
Cách đây hơn nửa thế kỷ, tôi được biết những cánh rừng rừng săng lẻ đẹp như trong mơ ở khu vực Nam Lào, nhưng qua Tương Dương Nghệ An tôi mới thật sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của khu rừng săng lẻ xã Tam Đình. Đúng là một trong những khu rừng săng lẻ đẹp nhất của Việt Nam và Đông Dương.
Khu rừng có diện tích khoảng trên 70 ha, nếu tính cả khu vực đệm thì lên tới 200 ha. Nơi đây vẫn giữ được vẻ hoang sơ, thơ mộng... Chính vì vẻ đẹp quanh năm của săng lẻ, hiện nay người ta đã nhân giống, đem loại cây cùng loài này về trồng ở các thành phố với tên gọi là bằng lăng. Có nhiều vùng miền người ta còn khai thác cây trong rừng hoặc trồng cây tạo dáng thế, biến săng lẻ trở thành cây cảnh cảnh nghệ thuật.
Chúng tôi được biết khu rừng săng lẻ xã Tam Đình được chính quyền tỉnh Nghệ An, huyện Tương Dương và người dân ở đây bảo vệ rất nghiêm ngặt. Rừng săng lẻ đã trở thành bảo vật và một địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong, ngoài nước.
Du khách đến với rừng săng lẻ có thể tham gia các hoạt động tham quan, khám phá; trải nghiệm, gặp gỡ, giao lưu với người Thái, người dân tộc địa phương; tham gia các hoạt động dã ngoại, cắm trại, nghỉ ngơi thư giãn và thưởng thức các món ăn đặc sản của địa phương.
Hy vọng rằng rừng săng lẻ Tương Dương và rừng săng lẻ ở các địa phương khác trên cả nước sẽ là một tài nguyên thiên nhiên quý, được bảo vệ và gìn giữ cho thế hệ mai sau.
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.