Hồi ức và cảm nghĩ khi đọc tác phẩm Dèng, hoa văn Dèng của Kê Sửu

Leave a Comment

 

Hồi ức và cảm nghĩ khi đọc tác phẩm Dèng, hoa văn Dèng của Kê Sửu

 Khi nhận được tác phẩm “Dèng, hoa văn Dèng biểu tượng cuộc sống của người Tà Ôi” của Nhà Nghiên cứu Văn hóa dân gian Nguyễn Thị Sửu, bút danh Kê Sửu tôi rất vui. Vui bởi vì nhận được một món quà tinh thần, món quà liên quan đến chuyện nghề dệt thổ cảm của làng tôi, gia đình tôi từ bao đời nay. Vui còn vì ngoài bộ sưu tập các loại hoa văn thổ cẩm đặc trưng của vùng Tây Bắc, cuốn sách của chị Sửu chắc sẽ cho tôi biết thêm một số loại hoa văn đặc sắc của một dân tộc trên đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.

 Quê tôi chuyên nghề dệt nói chung và dệt thổ cẩm nói riêng. Từ những năm 1960, khi bắt đầu phong trào hợp tác hóa trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp đến đầu những năm 1990, hàng năm trung bình tổ dệt thổ cẩm của ngôi làng tôi sinh sống đã xuất khẩu sang khối các nước Xã hội chủ nghĩa không dưới 10.000 tấm khăn thổ cẩm. Đó là chưa kể đến số hàng thổ cẩm các tiểu tổ sản xuất dệt theo hợp đồng với Bộ Văn hóa, các nhà hát, sân khấu trên khắp cả nước và một số lượng khá lớn “bán chui” ở các chợ vùng cao.

 Người dân tộc thường quan niệm khi đến tuổi lấy chồng, con gái bắt buộc phải biết thêu thùa, dệt vải hay thổ cẩm. Điều này dường như đã trở thành chuẩn mực không thành văn để đánh giá một cô gái khi bước chân về nhà chồng. Việc kéo sợi dệt vải còn được coi là thước đo đánh giá phẩm hạnh, sự khéo léo và chăm chỉ của người phụ nữ. Vì vậy các em gái dân tộc mới 10 tuổi đã bắt đầu biết tự tay dệt nên những tấm vải, thêu hoa văn, may thành những bộ trang phục truyền thống như váy, áo, yếm, dải thắt lưng, khăn ngang, khăn vuông, xà cạp… Dường như mỗi một cô gái dân tộc đều có “tố chất” của một nghệ nhân tài hoa trình diễn những động tác diệu nghệ trên khung dệt đầy mầu sắc. Và khi đã trở thành chủ nhân của gia đình, người phụ nữ đã có thể đảm đương việc may mặc cho cả gia đình.

 Ở quê tôi thì trái lại, nghề dệt gần như không phải là công việc của người phụ nữ. Từ nhỏ, khi mới học lớp 5, lớp 6, cũng vào độ tuổi như các cô gái dân tộc, tôi và các bạn trai cùng trang lứa “đã phải mặc định” theo nghề truyền thống (nghề dệt của làng có từ thời Lê Trung Hưng), ngồi vào khung dệt vải, dệt màn, dệt khăn mặt, khăn tắm, khăn len; được các bậc cha chú hướng dẫn cách đưa luồn con thoi qua hàng tơ sợi cùng với cách thức dậm chân điều chỉnh bộ “khung go”, dập “bàn cữ” để dệt một tấm thổ cẩm như thế nào cho đẹp, cho đúng kỹ thuật. Chính nghề dệt đã giúp một số lượng không nhỏ các hộ gia đình ở làng nghề cổ mấy trăm năm nay có của ăn của để trong những năm tháng khá gian nan khi Đế quốc Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc.

 Vào học Sư phạm được vài tháng tôi có quyết định nhập ngũ. Anh em sinh viên chúng tôi được bổ sung vào Trung đoàn 59, Bộ Tư lệnh Thủ đô, huấn luyện đi B ở  Quy Bái thuộc Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Cũng từ ngày đó tôi mới được tiếp xúc với một số dân tộc anh em trong đại gia đình dân tộc Việt Nam như người Mường, người Thái, người Mông, người Dao... Ngày ngày được chứng kiến các “mế”, các “ủn” cần mẫn dệt thổ cẩm.

 Nói tới hoa văn thổ cẩm của người Mường là nói tới một số mô tuýp hoa văn có trên trống đồng. Từ nhỏ tôi đã được làm quen với hàng chục mô tuýp hoa văn trên áo váy, chủ yếu là các hoa văn người, chim, hươu, mặt trời trên mặt trống đồng Đông Sơn. Trong những ngày huấn luyện quân sự tôi biết thêm một số họa tiết được cách điệu từ hoa lá như hoa dẻ, hoa hồi, quả trám, những thứ gắn liền với thiên nhiên và con người xứ Mường.

  Chủ nhật không phải ra thao trường tôi thường đến ngôi nhà sàn, nơi anh bạn học cùng lớp sư phạm “may mắn” được phân ở đó. Không phải tôi đến thăm bạn mà là đến thăm hai mẹ con cô Nguyễn Thị Huyền dệt thổ cẩm. Có lần anh bạn nháy mắt, ghé vào tai tôi: “Hình như Huyền ‘mê’ mày thì phải. Tao thấy cô bé luôn hỏi về lai lịch của mày. Tao thấy mẹ nó cũng có vẻ quý mến mày. Nhưng cẩn thận đấy. Mày mà vi phạm chính sách dân vận là phải ra tòa án binh đó”. 

  Cái tên Huyền rất đẹp, là dây đàn, là trăng non, là kỳ ảo, huyền diệu… Tôi nói với cô bé phải biết ơn cha mẹ đã đặt cho cái tên đó. Huyền mỉm cười, mặt ửng hồng. Ngồi trong khung dệt cô rạng rỡ xinh xắn, một cô gái mới mười sáu tuổi, thanh mảnh, ngây thơ và quyến rũ. Đẹp nhất là đôi mắt trong, sáng; con ngươi hơi nâu, rất cuốn hút. Nhưng trong đầu óc tôi lúc đó vẫn còn vương vấn hình ảnh những “nàng tiên” ở trường sư phạm. Tôi chỉ coi Huyền như cô em gái. Tôi đến chơi nhà vì khung dệt thổ cẩm chứ không phải vì người đẹp. Điều tôi muốn là học được cách dệt thổ cẩm của người Mường để sau này có dịp hành nghề.

 Chỉ sau hai buổi sáng chủ nhật đến chơi với bạn tôi đã ngồi vào khung dệt và dệt ra được thành phẩm khá hoàn chỉnh trước sự ngỡ ngàng của hai mẹ con Huyền và đồng đội. Không những biết dệt, tôi còn chỉ cách cho hai mẹ con, và sau đó là các “mế”, các “ủn” trong bản cách dệt hoa văn của người Mông, cách sử dụng “go” dệt hoa văn chân chó của người Hà Nhì. Tôi cũng chỉ ra hàng chục loại mẫu họa tiết, hoa văn, một thế giới thiên nhiên đa dạng được thể hiện trên nền thổ cẩm của người Thái; cách người Thái thường sử dụng các gam màu chủ đạo trên vải thổ cẩm như xanh lá, đỏ, hồng, trắng, vàng; cách sử dụng ba màu liền kề tương tự, nóng lạnh phối hợp đan xen nhau cân đối, hài hòa.

 Tôi cũng vẽ ra các mẫu hoa văn thổ cẩm của người Dao, người Tày. Hoa văn của hai dân tộc này thường được thêu hình xoáy ốc, hoa bí hay hoa lá, cây cỏ, chim muông… Tóm lại là tôi đã “copy” bộ mẫu hoa văn của hợp tác xã dệt thủ công nghiệp và của các nghệ nhân là giảng viên của Trường Mỹ thuật Công nghiệp ở quê tôi để làm say đắm, làm mờ mắt các “mế”, các “ủn”.

 Hôm đi B rời bản Mường, tiễn chúng tôi đi trong đêm là chính quyền, dân trong bản. Riêng tôi còn được hai mẹ con em Huyền mang đến cho một gói bự xôi nếp cẩm. Tôi vội lấy ra chiếc khăn thổ cẩm bằng tơ tầm, kỷ vật của ông bác tặng cho em. Chiếc khăn thổ cẩm rộng 0,5 m, dài một 1,5m. Hai bên rìa dọc chiếc khăn là họa tiết những con chim Lạc. Ở chính giữa là những hoa văn hình mặt trời như trên mặt trống đồng. Huyền bỗng nắm chặt lấy tay tôi. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi được một cô gái thể hiện tình cảm nồng thắm, có cái gì đó như níu kéo không muốn rời xa.

 Ngay tối hôm đó tôi được thông báo đơn vị hành quân đi B gấp, nếu không tôi sẽ bị kiểm điểm trước trung đội vì đã quan hệ “quá thân mật” với con gái tuổi vị thành niên. Tôi và mấy anh bạn sinh viên rất sửng sốt và bực dọc với tiểu đội trưởng và ban chỉ huy trung đội vì cái kiểu chụp mũ, suy đoán vô căn cứ. Các anh  đã từng bắt anh em sinh viên chúng tôi chạy hàng chục cây số vì đã cùng nhau hát bài Cây thùy dương, một bài hát nổi tiếng của Nga. Các anh lầm tưởng đó là nhạc Vàng, nhạc của ngụy quyền Sài Gòn; bắt chúng tôi chạy “bao giờ phọt ra nhạc Vàng thì thôi”. Bởi vì hai tội trên, tội mê thổ cẩm, hát nhạc Vàng, tôi là người duy nhất trong trung đội khi vào đến chiến trường vẫn chỉ là B1, “binh bét” .

 Chưa hết, khi hành quân qua Lào vào đất Thừa Thiên, một lần vượt dốc “Cao bồi”, gặp một tốp chị em người Pa Kô đi tải đạn dừng chân bên suối, tôi đã “sán” ngay đến nói chuyện; tặng các chị em hết số tư trang như khăn thêu, gương, lược, ảnh (các bạn gái trong lớp tặng trước khi lên đường) vì vào trận chắc gì còn sống mà giữ làm kỷ niệm. Chính điều đó đã làm gai mắt tiểu đội trưởng, nhưng anh ấy chưa có cớ để “bắt tội”. Các cô gái đó rất thích “hàng hóa” của tôi. Các cô soi gương và chắc lần đầu tiên thấy hình ảnh của mình qua những chiếc gương nho nhỏ bằng bàn tay nên túm tụm cười nói cái gì tôi không hiểu. Các cô gái Pa Kô đã cho tôi một ổ trứng gà. Tôi tán “Cho cái bộ đội thì cái bộ đội nhận. Bộ đội thấy thổ cẩm đẹp quá”. Các cô gái không biết thổ cẩm là cái gì. Tôi phải chỉ vào áo váy và biết được bộ áo váy có giá như một con trâu.

 Tôi ngỡ ngàng, ngây người đứng ngắm nhìn những bộ trang phục áo váy. Ngắm nhìn chằm chằm hết cô gái này đến cô gái khác không còn biết đến thời gian. Đúng là cả một thế giới sắc mầu những họa tiết, hoa văn. Có những họa tiết, hoa văn mang nét chung, nhưng có rất nhiều họa tiết, hoa văn rất khác lạ, rất đặc biệt mà tôi chưa từng được biết. Tôi nhận thấy nét đặc biệt nhất trong trang phục của người con gái Pa Kô là trang trí hoa văn bằng hạt cườm (cụ nội tôi chuyên dùng các hạt cườm, những hạt nhỏ, tròn, có thể là hình trụ bằng thuỷ tinh, đá hay sứ có màu sắc đẹp lung linh, xâu thành chuỗi để làm đồ trang sức hoặc trang trí trên tua rua tơ tằm đi bán ở các chợ phiên).

 Trên áo của một cô gái, tôi thấy có một dải hạt cườm, mỗi mắt đốt có hình quả trám/hình thoi bằng cườm trông tựa như cái trỉa, dụng cụ của người đi nương tra hạt. Trên áo của một cô gái khác, tôi thấy có 4 hình tam giác trên bốn cạnh đáy của một hình vuông, đỉnh hướng ra bên ngoài. Bên trong hình vuông nổi lên hình quả trám/hình thoi với những hạt cườn trông tựa dáng con ong chúa. Trên nền đen chủ đạo bên ngoài có hàng loạt những hạt cườm nhỏ sắp xếp trông tựa như một đàn ong thợ. Đặc biệt trên váy của một cô gái, tôi còn thấy những đường hạt cườm tạo thành đường gấp khúc hình tam giác lên xuống như những con dốc, kết nối đối xứng với những hình tam giác ngược. Các khoang ở bên trong nền đen hình quả trám/hình thoi có họa tiết hình chữ thập giống như 4 khúc củi hướng đầu vào nhau được tạo ra từ 4 đường cườm trắng tựa như một bếp lửa… Và tất cả những họa tiết, hoa văn trên  nằm trong tổng thể của rất nhiều họa tiết, hoa văn khác trên áo váy quấn mềm mại, duyên dáng quanh người các cô gái. Có thể nói đó là một thế giới thiên nhiên, thế giới con người của đại ngàn Trường Sơn nguyên sơ, một cái đẹp đa dạng, tinh tế và rất giàu sức biểu cảm…

 Không hiểu được được hành vi có phần quá thái của tôi, tiểu đội trưởng giật giọng gọi: “Đồng chí Huệ, lại đây”. Khuôn mặt anh đỏ gay. Anh dằn giọng: “Đồng chí chưa bao giờ nhìn thấy đàn bà con gái à. Không biết xấu hổ à. Nhìn người ta đến nổ cả con ngươi, đến thủng cả áo váy”. Bực quá, tôi bật lại ngay: “Báo cáo cán bộ, tôi đã từng nhìn thấy một biển đàn bà con gái, không chỉ nhìn thấy mà còn sống với cái biển ấy ở trường sư phạm. Tôi không nhìn các cô gái. Tôi cũng không nhìn thủng áo váy như đầu óc anh tưởng tượng. Tôi chỉ đang ngắm nhìn những nét hoa văn thổ cẩm trên áo váy họ. Đó là cái đẹp, cái đẹp mà tôi chưa từng nhìn thấy. Đồng chí cứ thử ngắm mà xem. Không khéo còn đưa cả tay lên ngực áo người ta”. Cả tiểu đội phá lên cười vỗ tay, tán thưởng...

 Mới đó mà đã 50 năm rồi. Những người có liên quan với tôi về thổ cẩm trong câu chuyện gần như đã đi về bên kia thế giới. Tiều đội trưởng, Trung đội trưởng và anh bạn học cùng khóa đã hy sinh anh dũng trong trận đánh ở Thanh Tân, trong trận đánh ở Đắc Pét, trong trận đánh ở Thượng Đức. Các nghệ nhân dệt thổ cẩm quen biết ở quê tôi chỉ còn lại một người. 45 năm sau quay trở lại nơi đóng quân huấn luyện, hai mẹ con em Huyền cũng không còn nữa. Làng nghề dệt thổ cẩm của tôi cùng nhiều làng nghề khác cũng không còn tồn tại.

 Cuốn sách Dèng, hoa văn Dèng biểu tượng cuộc sống của người Tà Ôi đã thức dậy trong tôi bao nhiêu điều! Câu chuyện về hoa văn thổ cẩm không phải chỉ của riêng người Tà Ôi mà còn là câu chuyện thổ cẩm của nhiều dân tộc, câu chuyện của cả đất nước, câu chuyện giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, câu chuyện mà Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm.

 Tiến sỹ Nguyễn Thị Sửu, người con của dân tộc Tà Ôi đã có nhiều đóng góp trong việc nghiên cứu, tìm hiểu các giá trị văn hóa dân tộc (xin xem bài viết Sử thi A Chất của tôi trong trang Facebook này), trong đó có những nghiên cứu về trang phục, hoa văn. Trong một số bài viết, chị Sửu đã miêu tả một số hoa văn trên trang phục của người Tà Ôi và bước đầu lý giải ý nghĩa của các loại hoa văn đó. Gần đây, chị cho xuất bản cuốn sách Dèng, hoa văn Dèng. Cuốn sách 188 trang với 3 phần. Phần 1: Vài nét về cuộc sống sinh hoạt của người Ta Ôi. Phần 2: Nhề dệt Dèng và Dèng của người Ta Ôi. phần 3: Biểu tượng cuộc sống trên hoa văn Dèng.

 Cuốn sách là một công trình khoa học nghiên cứu về nghề dệt Dèng và Dèng của người Tà Ôi. Chị Sửu là một trong những người đi tiên phong trong việc vận dụng lý thuyết về biểu tượng để nghiên cứu, tìm hiểu, lý giải ý nghĩa hoa văn một cách khoa học, biện chứng các loại hoa văn Dèng (thổ cẩm) của người Tà Ôi trong mối liên hệ với thực tiễn cuộc sống, sinh hoạt của người Tà Ôi.

 Chị đã đưa ra một hệ thống biểu tượng hoa văn Dèng: Biểu tượng cố kết cộng đồng, biểu tượng tổ tông dòng họ, biểu tượng dụng cụ, phương tiện lao động, biểu tượng sản phẩm lao động, biểu tượng chiến đấu, biểu tượng ẩm thực, biểu tượng lễ hội, sức mạnh cộng đồng, biểu tượng truyện cổ, biểu tượng thần linh, siêu nhiên… Đọc xong cuốn sách người đọc thấy được tinh thần làm việc nghiêm túc, nghiên cứu công phu của tác giả, và qua đó thấy được sự phong phú, đa dạng hoa văn Dèng của người Tà Ôi, thấy được phần nào cuộc sống với những giá trị văn hóa truyền thống vô cùng quý giá của một tộc người trên đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.

 Cá nhân tôi cho rằng ngoài nét đặc sắc trong trang trí trực tiếp hoa văn bằng hạt cườm trong quá trình dệt, hoa văn Dèng của người Tà Ôi còn cực kỳ đặc biệt ở hệ thống biểu tượng cố kết cộng đồng, thể hiện qua những nghiên cứu, phát hiện, lý giải của tác giả về những biểu tượng như “tương hợp, giao hòa”, “đoàn kết một lòng”, “liên kết tỏa sáng”, “Liên kết bền vững”, “cầu nối đôi”, cầu nối đơn và “bếp lửa sum vầy”.  Đó là những đóng góp to lớn vào kho tàng hệ thống biểu tượng quý báu trong trang trí thổ cẩm của Việt Nam, thể hiện truyền thống đoàn kết của không chỉ người Tà Ôi mà của cả cộng đồng các dân tộc Việt Nam như Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”.

  Dèng của người Tà Ôi không chỉ đơn thuần là trang phục để mặc mà là “biểu tượng cuộc sống của người Tà Ôi”, là văn hóa của người Tà Ôi. Nó là tài sản quý báu thể hiện nét cao quý, giàu sang và vị thế của người sở hữu. Nó là lễ vật hồi môn của nhà gái dành cho nhà trai. Ngoài ra Dèng còn dùng để trang trí, làm đẹp tổ ấm, làm đẹp nhà Rông, làm đẹp nơi linh thiêng của gia đình, họ tộc… Cho đến bây giờ tôi mới biết, trang phục của các cô gái Pa Kô mà ngày nào tôi mê đắm, mê đắm đến mức bị hủy quyết định lên hạ sĩ trước khi bàn giao cho đơn vị chiến đấu thì ra là sản phẩm của người Tà Ôi.

 Một lần nữa xin cảm ơn Tiến sỹ Nguyễn Thị Sửu về món quà tinh thần vô cùng quý giá. Cảm ơn chị đã làm sống dậy trong tôi bao kỷ niệm một thời quân ngũ gần như đã nguội lạnh về thổ cẩm, về nghề dệt thổ cẩm. Mong rằng các cấp chính quyền có kế hoạch bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm của các dân tộc, trong đó có Di sản Văn hóa phi vật thể của quốc gia: Dèng và nghề dệt Dèng của người Tà Ôi.

Read More

Bước đột phá trong thơ Nguyễn Thi Điệp

Leave a Comment

 Bước đột phá trong thơ Nguyễn Thi Điệp

Tôi đã quen biết Điệp từ lâu, từ khi còn là giáo sinh của trường sư phạm. Sau khi ra trường mỗi người một ngả. Dù xa xôi cách trở nhưng chúng tôi vẫn giữ liên lạc thường xuyên.
Những năm gần đây Điệp viết khá nhiều, như một lẽ tự nhiên, chất thơ hồn hậu, chân thành và giản dị. Theo dòng thời gian, thơ Điệp đọng lại trong tôi nhiều ấn tượng, một giọng thơ riêng, chan chứa tình yêu thương. Đích thực là một hồn thơ có triển vọng. Mấy năm trước tôi đã khuyên Điệp nên gom thơ lại xuất bản. Và tôi thật sự coi Điệp là một nhà thơ.
Đáp lại Điệp từng hỏi tôi: “Có được không? Nếu có thể được thì nhờ các bạn góp ý thêm nhiều”. Bắt đầu từ đó tôi thấy thơ Điệp xuất hiện trong các tuyển tập in chung. Rất mừng cho bạn. Và thật bất ngờ, cách đây mấy tuần, nhân kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sỹ Điệp đến tặng anh em thương binh trong lớp chúng tôi tập thơ đầu tay “Khúc yêu thương”.
Đọc hơn 80 bài thơ viết về nhiều đề tài: Gia đình, người thân, bạn bè, thiên nhiên với đất trời, biển cả, cỏ cây, hoa lá và tự bôc bạch, tôi thấy cho dù viết về đề tài nào thì thơ Điệp vẫn mang một nét riêng mà tôi đã được đọc trước đó qua trang Facebook. Chỉ có điều tập thơ cho tôi một cái nhìn hệ thống hơn để hiểu thêm về thơ và con người Điệp, một hồn thơ tự nhiên, hồn hậu, chân thành, giản dị như chính con người Điệp bao năm qua. Mỗi câu chữ, lời thơ, vần điệu gần như không có sự gia công, gọt rũa, cứ lặng lẽ tuôn trào theo mạch cảm xúc mà vẫn lung linh rạng ngời, réo rắt ngân xa.
Xuyên suốt tập thơ giống như tên gọi tác giả đặt “Khúc hát yêu thương”, với giọng điệu thầm thì, thủ thỉ tôi còn nghe thấy có cả âm điệu xốn sang, thổn thức, và nỗi đau của “ngày hôm qua” và của “ngày hôm nay” như cuộc sống Điệp đã trải nghiệm. Cảm nghĩ của Điệp đi từ trái tim của người viết đến trái tim người đọc với bao nét đồng điệu. Có một số bài còn gợi cho tôi thấy một điều gì đó khác nữa. Điệp giàu lòng trắc ẩn, nhưng vì đã mất mát nhiều trong cuộc sống nên trong thơ Điệp có nỗi sợ điều vô tình, phũ phàng. Bài thơ “Xin đừng” như lời thảng thốt đến nhói lòng: “ Xin đừng đem nắng chang chang/Rải lên đám cỏ đã vàng vọt khô!”…
Thiên nhiên trong “Khúc yêu thương” đẹp, thấm đẫm tình yêu thương. Tuy vậy có lúc bàng bạc xen lẫn nỗi u hoài, đơn chiếc. Có đôi bài thiên nhiên như một nét tươi mới với hoàng hôn chiều tà lung linh “như có cả bình minh”, người đọc thấy Điệp không còn khép mình “chẳng thấy bóng đêm”. Nhưng có cái gì đó vẫn mặc cảm, một buổi chiều tà thơ thẩn Điệp lại thấy “Nỗi niềm cô quả chẳng vê đã tròn” với “cái bóng chênh vênh” của mình. Điệp vẫn chưa ra khỏi cái bóng “quá khứ” đang đeo bám…
Thỉnh thoảng tôi vẫn đọc lại tập thơ “Khúc hát yêu thương” để giải mã một số khúc mắc trong hình tượng thơ của Điệp thì nhận được bản thảo tâp thơ mới “Bóng sông”. Điệp nhờ tôi viết lời giới thiệu cho tập thơ này. Bóng sông là tên một bài trong tập thơ. Bao năm qua cũng như nhiều người, Điệp không giống như dòng sông chảy xuôi chiều “Cứ đi ngược lại quãng đời đã qua”. Đến một ngày Điệp nhận ra “Bao giờ ta lại là ta/ Thì sông cùng với lòng ta xuôi dòng”, tức là cứ thuận theo tự nhiên.Tôi đọc liền một mạch và chợt hiểu những điều gì đó mình chưa kịp hiểu.
Nếu như tập thơ trước tôi chỉ thấy ngày hôm qua và ngày hôm nay thì trong tập thơ này tôi bắt đầu thấy ngày mai, thấy tương lai của cuộc sống và con người. Đây là một bước tiến, bước đột phá trong thơ Điệp. Bởi con người ta không thể chìm mãi trong quá khứ và cái riêng của mình. Với tư cách là một nhà thơ, người sáng tạo thì tác giả phải hướng mình và đọc giả tới tương lai. Chính ánh sáng của tình yêu, của tương lai đã nâng cánh cho Điệp những sáng tạo mới. Bài thơ ‘Hình như” là một dự cảm mở ra một cuộc sống mới: “Bóng chiều lừng lững không trung/ Hình như tan để thấy rừng mênh mông”.
Tôi thích bài thơ “Níu lại mặt trời”. Đọc kỹ bài thơ tôi không thấy ở Điệp một U70, không phải là “một thời thiếu nữ” mà là một thiếu nữ, một nhân vật trữ tình, hồn nhiên đang reo vui với mình, với người trong tình yêu: “Mặt trời bỗng mỉm cười/ Sà vào tay em đấy”, để rồi mặt trời “tỏa ngàn tia ấm áp” trong lòng bàn tay mình, trong lòng người. Thật lãng mạn, ngọt ngào. Đó là tiếng lòng của tương lai. Đó là ánh sáng tương lai Điệp đã sáng tạo ra được. Giống như nhà thơ Tagore thi hào vĩ đại Ấn Độ đã sáng tạo ra hình ảnh trò chơi bất hủ mẹ con trong bài thơ Mây và sóng. Thật Kỳ diệu!
Tôi thật sự ngạc nhiên! Nối tiếp cái tự nhiên, hồn hậu, chân thành, giản dị, Điệp đã có một bước đột phá trong hình tượng thơ ở tập thơ mới này. Điệp đã vượt qua được chính mình. Điều này rất khó với những người làm thơ, kể cả những “nhà thơ chuyên nghiệp”. Thật đáng trân trọng. Nếu như đọc tập thơ Khúc yêu thương tôi thường chỉ thấy cái tôi của Điệp, cái “tôi” riêng biệt của Điệp (thực ra cái đó rất cần trong cá tính sáng tạo nghệ thuật) thì ở tập thơ “Bóng sông” tôi đã thấy thêm được cái “ta” chung trong thơ Điệp. Tôi thấy có cái cảm nghĩ và tâm trạng của mình và của những người khác trong thơ. Và thấp thoáng đâu đó ở một vài bài còn thấy có cái ta chung của cả “con người và thời đại một cách cao đẹp”.
Vẫn những đề tài trong tập thơ đầu, nhưng ở tập thơ thứ hai Điệp đã mở rộng thêm một mảng đề tài mới, đề tài người lính với sự hy sinh mất mát. Nó như một “mỏ quặng mới” khai thác, diễn tả nội tâm của Điệp qua những bài như Khoảng trống, Nói với anh, Đợi, Sáng mãi nụ cười tuổi hai mươi… Tôi vẫn cảm nhận được cái hồn thơ hồn hậu với chất quê mặn mà và sâu lắng. Tôi cảm nhận thêm được hơi thở và nhịp đập của một trái tim giàu tình nghĩa rộng lớn hơn. Tôi cảm nhận được tiến lòng với những đặc trưng thẩm mỹ của một tâm hồn đa cảm của Điệp và cái tình cảm riêng này gắn liền với cái tình cảm chung của dân tộc khiến tôi hứng thú, say mê thực sự. Nếu còn đi theo hướng này, tôi tin thơ của Điệp còn tiềm ẩn những "chất quặng" mới mà chưa được khám phá.
Về thiên nhiên trong “Bóng sông”, vẫn là những đề tài cũ của tập thơ đầu, nhưng nó mang thêm một nét mới. Coi thiên nhiên như một người bạn tâm giao gắn bó, Điệp sáng tạo những hình tượng thiên nhiên vừa hoang sơ, vừa gần gũi, thân thương. Thiên nhiên trong thơ Điệp đầy màu sắc và âm thanh, một hình tượng huyền ảo, dịu dàng, đầy tâm trạng. Trong tập thơ này cũng có mấy bài thơ về hoàng hôn, nếu so sánh với mấy bài thơ về hoàng hôn trong tập thơ trước tôi lại thấy một bước tiến nữa trong thơ của Điệp.
Tôi thích nhất bài “Cảm tác hoàng hôn 1”. Hình ảnh hoàng hôn hay chiều tà trong bài thơ này vẫn đẹp như những bài thơ ở tập đầu, nhưng người đọc không thấy buồn, thấy đơn chiếc. Người đọc thấy cái khát khao, cái giận hờn, thấy cánh diều tuổi thơ, thấy bờ tương tư nước cứ dâng đầy, thấy vườn nhân ái cây cổ thụ nối vụ nảy chồi, thấy lời ru của mẹ… Bài thơ đa chiều cảm xúc. Tác giả như hóa thân vào thiên nhiên để biểu hiện tình cảm, rất riêng nhưng cũng rất chung khiến người đọc liên tưởng, tiếp nhận, đồng sáng tạo theo.
Có thể nói nhiều bài thơ thiên nhiên trong “Bóng sông” đã bùng nổ cảm xúc. Tôi đọc những bài “Tiệc sang”, “Dừng chân”, “Khúc ru thời gian”, “Hương núi mây bay”, “Màu sống”, “Ngẫu hứng thời gian”, “Chiều biên cương”, “Biển 1”, “Biển 2”, “Đá”, “Rừng”… Đọc những bài thơ này tôi thấy như mình bay lên trong tiến ru “chim hót trong ngần”, trong muôn khúc nhac tiếng ca cuộc đời”; tôi như hòa tan vào ‘khúc tình ca của biển cả”, “trào dâng trắng xóa” như “những nụ hôn khao khát dâng bờ” với bao cung bậc cảm xúc của người viết. Cảm ơn Điệp, bạn đã khiến tôi khát khao và thêm yêu cuộc sống này. Cái gì đã khiến thiên nhiên như có một tâm hồn mới, một sức sống mới trong thơ Điệp để người đọc đồng cảm với bao nỗi buồn vui của người viết. Tôi nghĩ đó là tấm lòng rộng mở, đó là tình yêu hướng tới tương lai. Đó là cái tôi hòa với cái ta. Và còn cả cái gì đó mà tôi chưa nói ra được.
Tôi sợ rằng mình là bạn Điệp nên có những nhận xét hơi thiên vị về thơ bạn. Nhưng nếu có thì tôi cho rằng cũng là lẽ thường tình. Để cho khách quan, thì bài “Thơ tình mùa thu” anh Văn Nhân đã bình và nói hộ tôi rồi.
Đúng vậy, con người và cuộc đời sẽ đẹp hơn rất nhiều, rất nhiều khi chúng ta biết tìm và đón nhận một tình yêu đích thực! Thật hạnh phúc biết bao khi được nghe những lời thủ thỉ bên tai, những lời của người mình yêu: “Dù mai sau tuổi ngả bóng liêu xiêu…/Của tim yêu như ngày mới ban đầu.”
Có thể nói bài “Thơ tình mùa thu” là một bài thơ tình chân thành và nồng say, nồng say nhưng vẫn không lấn át và làm mờ đi những vẻ đẹp, nết na, mực thước của một phụ nữ. Thiết nghĩ, thơ đâu cần cứ phải cầu kỳ câu chữ, đánh bóng từ ngữ mà ý nghĩa sâu sắc của bài thơ và tình thơ được toát lên từ cách viết giản dị của tác giả mới càng thấy thú vị!
Cuối cùng mong rằng Điệp sẽ ra tập thơ mới, đột phá hơn, chẳng hạn như mở rộng thêm đề tài, hài hòa giữa cái tôi và cái ta, nối tiếp những bài thơ “đốt cháy trái tim để đi đến trí tuệ”, và nếu được thì có những bài “đốt cháy trí tuệ để đến với trái tim” độc giả. Mình và các bạn luôn hy vọng ở điều đó…
Read More

Cảm nhận về tác phẩm Khát vọng và lẽ sống của tác giả Nguyễn Tự Lập

Leave a Comment

Cảm nhận về tác phẩm Khát vọng và lẽ sống của tác giả Nguyễn Tự Lập

 Vào đúng ngày kỷ niệm thành lập Trung đoàn 3 Sư 324, anh Nguyễn Tự Lập tặng tôi tập ký, tản văn ‘Khát vọng và lẽ sống” do Nhà Xuất bản Hội nhà văn phát hành. Tôi rất vui chúc mừng tác phẩm văn xuôi mới của anh; vui mừng và thật khâm phục đồng đội ngoài 70, sau khi rời quân ngũ đã xuất bản tới 7 tác phẩm thơ và phê bình tiểu luận với hơn một chục giải thưởng từ trung ương tới địa phương. Hiện tại anh lại “dấn thân” vào lĩnh vực văn xuôi. Đúng là khí chất tài hoa của người Kinh Bắc và bản lĩnh, phẩm chất tuyệt vời của người lính cụ Hồ, của một sĩ quan quân đội.

 Tập Khát vọng và lẽ sống gồm 39 bài viết xoay quanh chủ đề khát vọng, niềm tin, lẽ sống của những con người “hôm qua”, “hôm nay” ở quê hương Kinh Bắc, cái nôi văn hóa Việt thân yêu, giàu đẹp. Với lối hành văn khúc chiết, trong sáng, trữ tình, dù viết về đề tài vĩ nhân, lãnh tụ hay đề tài về đồng chí, đồng đội hoặc người thực việc thực, anh Nguyễn Tự Lập đều khắc họa được hình tượng, phẩm chất những nhân vật mang trong mình lý tưởng sống, hành động của dân tộc và thời đại với khát vọng, niềm tin, lẽ sống cao đẹp của chính anh.

 Người ta nói kí là thể loại đi chênh vênh giữa thơ và truyện. Đọc tác phẩm Khát vọng và lẽ sống tôi thấy đúng như vậy. Nhiều bài viết tác giả tự sự, trần thuật về những con người mình đã gặp gỡ, đã sống, chiến đấu và làm việc với những chi tiết chọn lọc, tiêu biểu; phản ánh trung thực hiện thực cuộc sống sinh động, hào hùng của quê hương, dân tộc với tình cảm kính phục, tự hào, giầu cảm xúc. Đó là   cảm nghĩ sâu lắng về Bác Hồ, về người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp, về Trung đoàn trưởng Hồ Hữu Lạn, về họa sĩ thương binh Lê Duy Ứng, về anh Bùi Quang Thận, Phạm Xuân Thệ, về liệt sĩ Tiểu đoàn trưởng Ngô Văn Nhỡ, người đã hy sinh trên tháp pháo trước giờ toàn thắng của dân tộc … Tất cả đều mang đậm chất thơ và tình cảm tha thiết của người viết.

 Ngoài những bài viết tái hiện một đoạn lịch sử đã qua của dân tộc, anh Lập có một số bài viết đề cập về quê hương, về truyền thống văn hiến, khoa bảng và về phong tục tập quán đẹp. Đó là những bài như Bắc Ninh- Kinh Bắc, miền đất văn hiến, Làng Tam Sơn- một miền đất địa linh nhân kiệt, Rước và đốt pháo- một nét đẹp trong lễ hội và truyền thống ở Đồng Kỵ… Những bài viết trên tác giả chú ý miêu tả đời sống văn hóa của các làng quê thuộc vùng Kinh Bắc qua các thời kỳ; những bài viết này mang âm hưởng trữ tình, gợi cho người đọc nhận thức thêm về một miền quê giàu truyền thống, nơi phát tích của nhà Lý, nơi sản sinh ra những nhà khoa bảng, những làn điệu dân ca quan họ nổi tiếng… Miền quê đó đang hàng ngày thay da đổi thịt, đang đứng “Trước ngưỡng cửa về thành phố thông minh”. Tôi cảm thấy rất tâm đắc và thú vị.

Một số bài viết của anh nghiêng về tính báo chí, có tính chính luận, mang tính thời sự. Bên cạnh đó, còn có những bài viết mang đậm tính chất tư liệu, hướng vào việc tái hiện chính xác những sự kiện, con người với những chi tiết thực tế mà tác giả đã gặp gỡ, phỏng vấn và trải nghiệm. Ngoài yếu tố trữ tình, không ít những bài  viết còn mang tính chính luận cao, theo khuynh hướng riêng của tác giả, toát ra từ những tình thế và những hành động của nhân vật.

Tuy mang tính ghi chép về những sự kiện, phong trào, về những đơn vị, tập thể nhưng những bài viết của anh lại rất hấp dẫn, lôi cuốn người đọc đến không thể rời ra bởi chất chính luận, bởi tư duy sắc sảo, chuyên sâu và khái quát của một người lính dày dạn trận mạc, một sĩ quan tham mưu chiến lược. Những bài viết như Chiến thắng Thượng Đức- một mốc son lịch sử, Ấn tượng sâu sắc về một đơn vị anh hùng, Cuộc tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Chiến thắng lịch sử A Bia… đều mang dậm dấu ấn của tác giả. Những bài viết trên giống như chất men say của lý luận, của kinh nghiệm, của lý trí; chất men hùng tráng mang hơi hướng sử thi. Có thể nói mỗi bài viết là một bức tranh tổng thể trong một hoàn cảnh đặc biệt mà sự việc và con người trong bài viết đan chéo nhau, khiến cho tôi và những người đoc, nhất là người đọc ít nhiều ở trong cuộc cảm nhận được bao điều kỳ thú.

 Một số bài viết của anh mang phong cách tản văn. Những bài viết này là tác phẩm văn xuôi ngắn gọn, hàm xúc, giàu khả năng khơi gợi với kết cấu linh hoạt, kết hợp với các phương thức, phương tiện biểu hiện nội dung, nghệ thuật đời sống theo kiểu chấm phá và thể hiện đậm nét dấu ấn cá nhân. Những bài viết này thường đề cập đến những người thực, việc thực mang tính thời sự đã giúp cho tôi và người đọc cảm nhận được cái hay, cái đẹp của những sự việc, những con người bình thường nhưng đang góp phần làm cho quê hương và cuộc sống này giàu đẹp hơn, tốt hơn. Và cũng chính đề tài với lối viết theo phong cách này đã tạo nên sự đa dạng trong văn phong cũng như cách thể hiện con người và cuộc sống trong tác phẩm của anh…

 Cuối cùng tôi không thể không nhắc tới bài viết “Kí ức tháng 5”, “Tháng Tư về gợi nhớ”, “Đất nước vào thu”. Cá nhân tôi nghĩ đó không chỉ là tác phẩm văn xuôi mà còn là những bài thơ: Đẹp và bay bổng, lãng mạn và hiện thực. Tác giả đã lựa chọn những chi tiết, sự việc khắc họa được nét đặc sắc, tạo nên cái thần của thời điểm giao mùa, cái thần của cảnh vật trong tháng 5 qua hình ảnh “chùm hoa phượng bùng nở khát khao”, qua “cánh bằng lăng sắc tím”, “hương đưa dịu ngọt của hoa sen, hoa ngọc lan”… Tất cả hòa vào những sự kiện trọng đại của dân tộc trong tháng 5  như Điện Biên Phủ, Bác Hồ… Trong đó có cái riêng của một miền quê, của “anh”, của “em”. Tất cả đẹp như “công viên Nguyên phi ỷ lan” trong một sáng tháng 5!

 Tháng Tư về gợi nhớ, Đất nước vào thu là hai áng văn đẹp được dệt nên từ tình yêu tuổi học trò, từ tình yêu thời sinh viên thơ mộng, từ tình yêu đất nước đất nước say đắm, từ lý tưởng sống cao cả của con người Kinh Bắc, những con người mang trong mình “Khát vọng và lẽ sống” của cá nhân, của quê hương và của cả dân tộc. Nhân vật sáng tạo trữ tình “tôi” và “em” có thể là tác giả, trong đó có cả tôi, bạn và cả một lớp thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh, những con người đã góp phần làm nên thời đại Hồ Chí Minh mãi mãi đi vào lịch sử oanh liệt của dân tộc. “Tôi” và “em” có một tình yêu riêng, rất riêng, đẹp như những làn điệu dân ca đằm thắm. Nhưng “tôi” và “em” còn có một tình yêu lớn hơn, đó là tình yêu đất nước. “Tôi” và “em” sẵn sàng hy sinh tình yêu của mình với tâm nguyện “Tất cả cho tiền tuyến…” vì độc lập tự do của dân tộc. Và thực sự họ đã tạm gác lại tình yêu đi tới nơi” biên cương xa xăm của Tổ quốc”, đã hy sinh ở Bộ Tư lệnh miềm Tây Nam Bộ. Thú thực, khi đọc đến đoạn kết, tôi đã không cầm được nước mắt. Ba bài văn xuôi, bài thơ trữ tình, ngọt ngào, có cả nỗi đau còn đó cứ bay bổng trong tâm trí tôi!

 Xin cảm ơn anh Nguyễn Tự Lập, một đồng đội đã sống, chiến đấu hết mình một thời hoa lửa, một con người đã sống, làm việc và sáng tạo hết mình từ khi rời quân ngũ. Chúc anh luôn mạnh khỏe, có nhiều niềm vui! Hy vọng một ngày gần đây anh sẽ cho ra mắt thêm những đứa con tinh thần đem lại nhận thức, niềm vui thẩm mỹ cho đồng đội và độc giả.


Read More

Bang California

Leave a Comment

 Bang California

Tôi có vài chục bài viết về Hoa Kỳ và gần một chục bài viết về bang California trong những lần đến Hoa Kỳ khoảng hơn một chục năm gần đây. Mỗi chuyến đi của tôi kéo dài khoảng một tháng (vì thời gian nghỉ phép chỉ có 21 ngày, cộng với xin phép thêm một tuần). Tuy thời gian không nhiều, nhưng vì đã theo đuổi môn Hoa Kỳ học và vì lý do gia đình nên có đôi chút hiểu biết về đất nước này. Trong bài viết này, tôi xin giới thiệu với anh chị em, bạn bè, đồng nghiệp, đồng chí khái quát đôi nét ấn tượng về tiểu bang Cali.
Tôi rất ấn tượng về tiểu bang California bởi bang này là một bang được đánh giá có ảnh hưởng lớn nhất tới thế giới về mặt kinh tế, văn hóa và giáo dục. Đây là bang rộng thứ 3 của Hoa Kỳ. Địa hình bang đa dạng, núi non hiểm trở, trên bản đồ tựa như hình chữ nhật. Bang nằm bên bờ biển Thái Bình Dương và ở phía tây của Hoa Kỳ. Có nhiều cánh rừng bát ngát, những hồ lớn mênh mông, những hoang mạc chạy dài. Cali có diện tích trên 420.000 km vuông, rộng lớn hơn Việt Nam.
Là bang đông dân nhất Hoa Kỳ, khoảng 39 triệu người, có tổng sản phẩm quốc nội cao nhất Hoa Kỳ, trên 3000 tỉ đô la (số liệu thống kê của Mỹ năm 2020). Bình quân đầu người khoảng 76.000 đô. Cali nổi tiếng với nền công nghiệp nhẹ, hàng không vũ trụ, nông nghiệp, giải trí và du lịch; hội tụ rất nhiều tập đoàn đa quốc gia, các công ty công nghệ cao trên thế giới.
Tôi ấn tượng với bang Cali bởi bang có 35 hạt hay quận (county dịch là hạt hay quận, là đơn vị hành chính sau tiểu bang, đơn vị lớn hơn thành phố hay thị trấn và xã), với 215 thành phố (city). Bang có tới 600.000 người gốc Việt/trên tổng số 1,6 triệu người gốc Việt đang làm ăn sinh sống ở Mỹ, tập trung đông nhất ở quận Cam (phần lớn họ ra từ đi năm 1975 đến năm 1990). Nơi đây, những người thù địch với Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (phần lớn là thuộc thế hệ cũ đã nhiều tuổi) vẫn được phép treo “cờ ba que”, kỷ niệm tuần cuối cùng trong tháng Tư (30/4) là tuần lễ Đen…
Cali có ngành công nghiệp điện ảnh và vương quốc giải trí khổng lồ như Hollywood, Walt Disney, các tập đoàn máy tính và công nghệ đỉnh cao của nhân loại ở Thung lũng Silicon, có đặc sản rượu vang nổi tiếng thế giới, có nhiều bãi biển xinh đẹp chan hòa nắng ấm quanh năm… Đặc biệt Cali còn có một điều khoản, theo tôi là đặc biệt nhất, hiến pháp bang đã quy định 40% tổng thu nhập của bang dành cho hệ thống giáo dục công cộng.
Tôi ấn tượng nhất với Cali chủ yếu bởi vì những nhà lập pháp bang Cali, cả thượng viện lẫn hạ viện đã thông qua một điều khoản ưu ái cho giáo dục bang đến nỗi khi viết những dòng này tôi vẫn còn ngờ vực, dù đã kiểm tra lại tư liệu. Chi tiêu cho giáo dục phổ thông của Mỹ cao nhất thế giới. Bình quân 11.000 đô cho mỗi học sinh tiểu học và 12.000 đô cho mỗi học sinh trung học trên một năm vào thời điểm 2018 (ở Việt Nam khoảng 4 triệu đồng). Ở Cali, tôi chắc số tiền chi cho giáo dục còn cao hơn nhiều so với con số 11 nghìn, 12 nghìn đô.
Hệ thống giáo dục đại học bang Cali có nhiều nét đặc biệt. Tuy số lượng các trường đại học không phải là nhiều so với số lượng dân số (300 trường đại học và cao đẳng) so với các bang khác, nhưng sự phân tầng trong hệ thống đại học và tiêu chí tuyển sinh rất rõ ràng, đơn giản; tạo điều kiện tối đa cho học sinh học hết phổ thông vào đại học và cao đẳng.
Cũng giống như 50 tiểu bang của Hoa Kỳ, ở Cali học sinh không phải thi tốt nghiệp tiểu học, không phải thi tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông. Học sinh được công nhận học xong THPT cũng không phải thi vào đại học. Học sinh sau trung học phổ thông gần như được xét 100% vào hệ thống giáo dục đại học (mặc dầu vậy, tỷ lệ vào đại học trên độ tuổi học sinh trung học phổ thông của Mỹ vẫn thấp hơn ở các nước ở Bắc Âu, các nước Bắc Âu là 86%).
Có 3 hệ thống giáo dục đại học ở bang Cali. Thứ nhất là hệ thống các trường đại học nghiên cứu bang California (University of California, viết tắt là UC). Hệ thống UC có rất nhiều giáo sư, các nhà nghiên cứu đã nhận được giải thưởng Nobel và được coi là một trong những hệ thống trường đại học nghiên cứu công cộng hàng đầu của Hoa kỳ và của cả thế giới. Hệ thống UC bao gồm 10 trường đại học thành viên với 234.464 sinh viên. Các trường này nhận 10% học sinh có điểm trung bình cao nhất trong các trường THPT của bang cùng với một số tiêu chí khác (số liệu thống kê của Mỹ năm 2018).
Thứ hai là hệ thống trường đại học bang California (California State University, viết tắt là CSU). Hệ thống CSU cũng là hệ thống các trường đại học ưu việt của Hoa Kỳ và thế giới. Hệ thống CSU bao gồm 23 trường đại học thành viên với tổng số 440.000 sinh viên. Các trường này nhận một phần ba số học sinh THPT của bang có điểm cao nhất cùng với một số tiêu chí khác.
Riêng đối với học sinh theo học ngành y, bắt buộc thí sinh xin vào trường đại học y đều phải có một bằng đại học, bất kể là đại học ngành gì, chẳng hạn như nhóm ngành nhệ thuật, nhóm ngành kinh tế, nhóm ngành kỹ thuật, nhóm ngành STEM. Người Mỹ quan niệm, nếu sinh viên đã có bằng đại học học thể dục, thể thao mà theo học ngành y thì mới tạo ra những chuyên gia y tế hàng đầu trong lĩnh vực thể dục, thể thao. Nếu sinh viên có bằng âm nhạc mà theo học ngành y mới tạo ra được những chuyên gia hàng đầu sử dụng âm nhạc chữa bênh. Nếu sinh viên có bằng tâm lý mà theo học ngành y thì mới tạo ra những chuyên gia hàng đầu về chữa bệnh tâm lý. Cũng như vậy, với sinh viên đã theo chuyên ngành lý, hóa, sinh thì mới tạo ra nhưng chuyên gia liên ngành hàng đầu trong lĩnh vực y tế. Ngay cả với những ngành kỹ thuật như kỹ thuật máy tính nếu học ngành y cũng tạo ra những chuyên gia sử sụng trí tuệ nhân tạo trong chữa bệnh, sử sụng robot và máy tính trong việc phẫu thuật...
Cuối cùng là hệ thống trường cao đẳng cộng đồng (California Community College). Hệ thống trường cao đẳng cộng đồng bao gồm 112 trường thành viên với 3 triệu sinh viên. Hệ thống này gần như thu nhận tất cả học sinh tốt nghiệp THPT trong bang. Hệ thống cao đẳng cộng đồng cung cấp các chương trình giáo dục mang tính tổng quát của bậc đại học (ở Việt Nam gọi là những môn chung) và những chương trình học nghề hết sức đa dạng, phong phú. Sinh viên học xong cao đẳng cộng đồng 2 năm có thể đi làm hay chuyển sang học ở các trường đại học nghiên cứu UC hoặc các trường đại học bang CSU học tiếp 2 năm để lấy bằng đại học 4 năm. Ngoài ra Califonia còn có hàng trăm trường cao đẳng và đại học tư thục. Tiêu biểu cho loại hình trường này là Đại học Stanford, Đại học Nam California, Viện Công nghệ California… Đó là những trường đại học tư thục nằm trong top đầu của Mỹ và thế giới.
Với tôi Cali còn rất nhiều điểu để khám phá. Mục tiêu của tôi đến Cali lần này là đến thăm một số trường tiểu học và trung học, một số cơ sở học tại nhà (homeschooling) lấy tư liệu để viết một vài chủ đề về giáo dục. Rất tiếc thời gian qua học sinh đã nghỉ hè, không đến được một vài nơi tôi cần đến nên theo cha mẹ các cháu rong chơi 5 điểm nổi tiếng của Cali. Thế là kết thúc một tháng trên đất người. Ngày mai tôt phải trở về với công việc của mình. Hẹn với Cali năm sau.
Read More

Los Angeles

Leave a Comment

 Los Angeles

Los Angeles (Los) là thành phố lớn nhất của California và là thành phố lớn thứ hai của Mỹ sau New York. Theo Bách khoa thư mở Wikipedia, Los Angeles có nghĩa là Thành phố của các thiên thần. Vùng đại đô thị Los có khoảng 13 triệu dân. Riêng thành phố Los 3,9 triệu. Chính quyền thành phố được bầu lên theo chế độ dân cử, bao gồm một hội đồng thành phố 15 người và một thị trưởng bầu trực tiếp theo nhiệm kỳ.
Los Angeles rộng nhưng không tập trung. Xen lẫn những khu nhà cao tầng thoáng đãng, hiện đại là những khu nhà dăm bảy tầng và những khu nhà một, hai tầng cổ điển, xinh xắn chạy dài hàng km. Cơ sở hạ tầng giao thông của thành phố rất tốt. Rất nhiều tuyến đường cao tốc, đường dẫn vào các bãi đậu xe cùng với dòng ô tô di chuyển bất tận. Tuy nhiên
lần đầu tiên ở Mỹ tôi chứng kiến cảnh tắc đường.
Los Angeles là một trong những trung tâm xa hoa, mua sắm sầm uất nhất của nước Mỹ, được mệnh danh là khối nam châm hút khách số một trên thế giới. Los là thành phố mà bất kỳ ai cũng muốn đặt chân đến một lần trong hành trình khám phá nền văn hóa Mỹ. Ngoài những bảo tàng khoa học, nghệ thuật, bảo tàng đại dương, đài thiên văn Grifith nổi tiếng mà du khách có thể trực tiếp quan sát hệ mặt trời và giải ngân hà, Los còn làm mê đắm du khách bởi nhiều điểm đến với những giá trị vô cùng hấp dẫn và thú vị.
Nổi tiếng nhất là "Kinh đô điện ảnh" Hollywood. Nằm ở phía tây bắc Los, nơi đây vào đầu những năm 1880, một gia đình người Mỹ tên là Henderson Wilcox ở Kansas đến lập nghiệp. Năm 1887 ông cùng vợ xây dựng một ngôi biệt thự lấy tên là Hollywood. Tại đây, hai vợ chồng ông đã phác thảo những con phố cùng với con đường chính mang tên Hollywood Boulevard, để rồi mấy thập niên sau, Hollywood đi vào lịch sử điện ảnh của nhân loại.
Nếu có thời gian du khách có thể dành 2 ngày tham quan giải trí ở Phim trường Universal của Hollywood (có 180 trường quay với đầy đủ không gian bối cảnh của toàn cầu). Chắc chắn du khách sẽ mãn nhãn khi tận mắt thấy khu phim trường Hollywood. Không chỉ đơn thuần là một phim trường mà còn là công viên giải trí, điểm tham quan tuyệt vời. Tại đây, du khách có thể chiêm ngưỡng các hiệu ứng làm phim, đặc biệt là công việc hậu trường, bếp núc của những bộ phim nổi tiếng nhất thế giới, thấy các cảnh quay hớp hồn khán giả, các cảnh quay tuyệt đẹp trong các phim đã và đang được sản xuất.
Trên đường về nhà nghỉ, chúng tôi qua Đại lộ Hollywood hay còn gọi là Đại lộ Danh Vọng, một trong những nơi được chụp ảnh nhiều nhất khi du lịch Los. Để vinh danh các nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới, viện phim Mỹ đã biến đại lộ Hollywood thành đại lộ danh vọng Hollywood Walk of Fame. Tại đây, mỗi nghệ sĩ nổi tiếng với nhiều thành tựu sẽ được gắn tên trên một ngôi sao, lắp trên đại lộ. Tới nay, đã có tới 2.500 ngôi sao được gắn trên con đường và trung bình cứ mỗi tháng lại có thêm 2 sao mới xuất hiện trên đại lộ này.
Nói đến Hollywood thì cả thế giới ai cũng biết đến. Còn Walt Disney thì người nước ngoài thường tưởng tượng đó là một hãng phim hoạt hình, nổi tiếng nhất với những bộ phim về Chuột Mickey, Vịt Donald. Chỉ khi đến Los, vào thăm Disneyland, tìm hiểu về cuộc đời huyền thoại của Walt Disney tôi mới hiểu ra rất nhiều điều về tổ hợp giải trí nổi tiếng này.
Công viên giải trí Disneyland là một trong những khu vui chơi giải trí gia đình lớn nhất thế giới. Ra đời vào những năm 1950, ngày nay công viên là một khu tổ hợp vui chơi rộng lớn có diện tích lên đến 34,4 ha do doanh nhân Walt Disney lên ý tưởng và đầu tư, mở đầu cho kỷ nguyên của công viên gia đình, tạo bước đột phá trong ngành tổ hợp công nghiệp giải trí.
Ý tưởng xây dựng công viên gia đình Disneyland được Walt Disney nghĩ đến khi ông nhìn các con gái chơi vòng quay ngựa gỗ. Từ đó ông nảy ra ý tưởng xây dựng một khu tổ hợp vui chơi giải trí nơi mà cả người lớn và trẻ em đều có thể vui chơi cùng nhau, góp phần làm giàu thêm tình cảm gia đình. Ý tưởng thiết kế công viên dựa trên chính những bộ phim hoạt hình nổi tiếng của ông.
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trở ngại, nhưng Walt Disney quyết tâm hiện thực mơ ước của mình. Ông đã dùng sử dụng số tiền bảo hiểm của mình và quyên góp khoảng 17 triệu USD để bắt đầu dự án lịch sử. Chỉ sau hơn 1 năm xây dựng, từ một hoang mạc cằn cỗi, Disneyland đã chính thức khai trương bằng một lễ hội 11 nghìn người tham dự.
Walt Disney là người sáng lập và điều hành tổ hợp công nghiệp kinh doanh giải trí đa lĩnh vực, từ công viên giải trí, khu du lịch, phim ảnh, chương trình truyền hình đến kinh doanh các nhà hàng, sản xuất các nhân vật, trò chơi, video, âm nhạc, mua sắm. Tổ hợp Walt Disney không chỉ có mặt và phát triển ở California, ở các bang tại Mỹ mà còn có mặt và phát triển mô hình công viên ra 11 nước trên thế giới. Hàng năm, riêng ở khu vực công viên giải trí công ty đã thu hút hàng trăm triệu lượt người tới tham quan, doanh thu lên tới 36 tỉ đô la với 65.000 nhân viên. Chính vì vậy người ta gọi Walt Disney là một đế chế.
Vào công viên Walt Disney , chúng tôi phải qua thủ tục kiểm tra hành lý (sợ khủng bố mang thuốc nổ, vũ khí), chụp ảnh cá nhân và gia đình. Cái cảm giác phiền phức nhanh chóng qua đi khi chúng tôi qua cửa. Đập vào mắt chúng tôi là những lâu đài kỳ vỹ, ngoài sức tưởng tượng. Có thể nói một cách khái quát công viên là biểu tượng của cái đẹp như thế giới của những câu chuyện cổ tích và các nhân vật Disney.
Tôi đã được nghe kể khá nhiều chuyện về những điều tai nghe mắt thấy trước chuyến đi khám phá công viên này và được xem hàng trăm bức ảnh chụp nhưng đến đây vẫn không khỏi ngạc nhiên về trí tưởng tượng và sự sáng tạo kì diệu của con người. Trong khu giải trí có tới 50 khu vực của thế giới ảo, thế giới mạo hiểm và thế giới tương lai. Công viên được chia thành tám khu vực theo chủ đề với rất nhiều trò chơi giải trí. Tôi chỉ xin mô tả sơ lược vài nét:
Khu phố chính Main Street. Đây là khu vực xuất hiện đầu tiên trong hành trình khám phá công viên Disneyland. Main Street thực sự tạo ấn tượng với các du khách bằng các công trình kiến trúc cổ kính mang đậm nét đặc trưng văn hóa Mỹ như thị trấn vuông, nhà ga xe lửa, hội trường thành phố, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại, xe bus hai tầng, xe ngựa…
Khu Quảng trường New Orleans. Đây là một trong những khu vực có tuổi đời lâu nhất của công viên. Khai trương vào ngày 24 tháng 7 năm 1966, quảng trường này được xây dựng dựa theo khuôn mẫu của bản gốc thế kỷ 19. Nơi đây có những điểm tham quan thú vị như Cướp biển vùng Caribbean và Haunted Mansion, các phòng nghỉ đêm…
Khu Critter Country hay còn được gọi là Bear Country. Đây là khu vực được xây dựng mô phỏng các khu rừng ở Tây Bắc Pacific, có các tổ hợp nhà hàng và khu giải trí như trung tâm giải khát Mile Long Bar, Swingin Teddi Barra Golden Bear Lodge và Explorer Cano Davy Crockett…
Khu Toontown Mickey. Khu này mở cửa vào năm 1993 dựa trên những ngôi nhà trong các bộ phim của các nhân vật hoạt hình nổi tiếng như chuột Mickey và Minnie, chú chó Goofy hay vịt Donald. Những ngôi nhà này mang màu sắc tươi sáng và độc đáo y như trong phim vậy…
Từ sáng đến tối chúng tôi cố gắng đến tối đa cũng không thể khám phá hết một trong hai khu vực chính. Vào khoảng 8h tối, tất cả các loại đèn trên phố bỗng nhiên phụt tắt. Âm thanh và ánh sáng bỗng vang dậy phía cuối phố. Chúng tôi được xem một màn nhảy múa của hàng trăm nghệ sỹ cùng với hàng chục mô hình lung linh của thế giới loài vật cổ tích diễu hành. Tất cả như đi trong một thế giới ánh sáng huyền ảo, say đắm.
Khi cảm xúc vừa lắng xuống chúng tôi lại được tiếp tục hòa vào một bữa tiệc âm thanh và ánh sáng kỳ diệu. Hình ảnh hàng trăm nhân vật cổ tích lung linh di chuyển, bay lươn trên toàn bộ nền mặt tiền của phố chính. Chúng tôi cảm tưởng như đứng trước hai dãy màn hình chạy dọc theo con đường dài tít tắp. Hàng ngàn du khách đắm mình trong cảm xúc lâng lâng như đang ở trong một thế giới siêu thực. Để rồi cuối cùng mọi người vỡ òa cảm xúc bởi những màn pháo hoa rực rỡ bao phủ lên lâu đài Sleeping Beauty huyền ảo vào lúc 11 giờ đêm. Và cuộc vui chơi vẫn tiếp diễn…
Chúng tôi buộc phải về nhà nghỉ để sớm hôm sau tiếp tục hành trình khám phá từ sáng tới đêm ở khu Walt Disney Studios và khám phá thế giới mạo hiểm (để khám phá trọn vẹn Công viên Disneyland người ta thường dành 5 ngày đêm).
Ấn tượng nhất trong ngày thứ 2 ở Disneyland là phim trường studios. Tại đây chúng tôi bắt gặp những chú chuột Mickey, chú chó Goofy hay chú vịt Donald. Những ngôi nhà trong khu vực này mang màu sắc tươi sáng và độc đáo y như trong phim vậy. Các cháu nhà tôi đến điểm nào cũng không muốn dời đi. Các cháu cứ ngồi lỳ trước màn ảnh với những cuốn sách cổ tích để nghe kể bằng hình ảnh, âm thanh những câu chuyện kỳ diệu, sống động.
Tiếp đến chúng tôi khám phá những căn phòng với những đạo cụ làm nên những bộ phim huyền thoại về những nhân vật hoạt hình nổi tiếng từng làm say mê hàng trăm triệu trẻ em trên thế giới. Rồi đến những rạp chiếu phim không gian bốn chiều. Chúng tôi đeo cặp kính chuyên dụng vào rạp trong giai điệu âm nhạc bồng bềnh. Một thế giới của những câu chuyện kỳ lạ vô cùng cuốn hút mở ra.
Tôi thực sự ý thức được người ta sử dụng công nghệ nghe nhìn nhiều chiều hiện đại, cùng với kỹ xảo quay, chụp ảnh siêu tốc, kính hiển vi điện tử… Nhưng tôi vẫn có cảm giác như người đang ở trong cuộc. Mọi thứ diễn ra rất thực. Có lúc tôi phải đưa tay lên để che chắn một vật thể như đang thực sự lao vào mình và cùng mọi người hét toáng lên…
Đến với Ventureland, với riêng tôi, đây là một trải nghiệm kinh hoàng. Mở đầu khám phá khu này, khi đến với con tàu vũ trụ trong trò chơi bảo vệ thiên hà (Gaurdians of the Galaxy). Tôi được người ta giao làm kỹ sư điều khiển trên con tàu vũ trụ. Nhiệm vụ của 3 ông cháu chúng tôi là giải cứu các vệ binh bị nhốt trong pháo đài của những người ngoài hành tinh. Con tàu đi lên, lao xuống với tốc độ khủng khiếp. Tôi như thấy mình đi đến tận cùng của vũ trụ, rồi bỗng nhiên lao xuống tận cùng của địa ngục. Mọi người đều la hét hoảng sợ. Tôi quên hết nhiệm vụ của mình… Thật hú vía. Sau đó tôi không dám tham gia một trò chơi mạo hiểm nào ở khu này nữa.
Đến với Adventureland, chúng tôi còn được khám phá những khu rừng hẻo lánh ở châu Phi, châu Á, Nam Mỹ và Nam Thái Bình Dương. Còn một số điểm đến như Jungle Cruise, Indiana Jones hay ngôi nhà trên cây của Tarzan… tiếc rằng không còn thời gian.
Kết thúc một tuần cưỡi ngựa xem hoa thành phố Los Angeles chúng tôi thăm một vài bãi biển, trong đó có bãi biển San Simeon và lâu đài Hearst Castle. Với người dân Cali và thành phố Los, biển là nơi không thể bỏ qua khi đi du lịch, nghỉ dưỡng cuối tuần. Nơi đây có rất nhiều bãi biển đẹp, trong đó bãi biển San Simeon được người dân cũng như du khách ưa thích nhất. Nơi đây cũng rất thích hợp cho các hoạt động đi thăm cồn cát trải dài hàng chục km, cắm trại, dạo biển, tắm biển hay ngắm hải âu, hải cẩu… Sau khi khám phá và trải nghiệm, chúng tôi đi thăm lâu đài Hearst Castle (tôi sẽ dành một bài viết riêng về lâu đài Hearst Castle, một công trình kiến trúc ngoạn mục của tỷ phú truyền thông William Hearst, một đế chế sở hữu 28 tòa báo, 13 tạp chí, 8 đài phát thanh, 4 xưởng phim nổi tiếng của nước Mỹ).
Một tuần thật đáng nhớ. Xin tạm biệt Los với bao điều trải nghiệm không bao giờ quên!
Read More

Capitol Jeferson, Missouri

Leave a Comment

 Capitol Jefferson, Missouri

Thành phố Jefferson là thành phố thủ phủ bang Missouri, thành phố được mang tên Tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ Thomas Jefferson ngay sau khi ông qua đời. Jefferson nằm ở phía bắc cao nguyên Ozark và phía nam sông Missouri, miền trung Missorri, một trong những vùng sản xuất rượu vang nổi tiếng khắp đất nước. Dân số thành phố theo thống kê năm 2020 có trên 43.000 người. Chính quyền thành phố bao gồm Hội đồng Thị trưởng 12 thành viên được bầu theo các khu vực trong thành phố, đứng đầu là một thị trưởng do các cử tri trực tiếp bầu.
Cũng giống như nhiều thành phố thủ phủ bang của Hoa Kỳ, Jefferson là một thành phố nhỏ. Sau khi đi xe lòng vòng ngắm nhìn cảnh quan chung của thành phố du lịch này, chúng tôi thăm tòa nhà mái vòm Capitol, trụ sở làm việc của chính quyền bang Missouri. Đây là tòa nhà được đánh giá có kiến trúc và trang trí nội thất đẹp nhất trong số 50 trụ sở làm việc của chính quyền bang Hoa kỳ.
Kiến trúc chung của tòa nhà cũng giống như kiến trúc chung của Capitol liên bang và của các bang khác. Nhưng tôi rất ngỡ ngàng khi bước vào khu vực này. Tòa nhà nằm hài hòa trong một khung cảnh thiên nhiên xanh vừa rộng vừa thoáng đãng. tôi thấy mình như bước vào một công viên kiến trúc và điêu khắc. Những đài phun nước nghệ thuật đẩy những dòng nước trắng xóa lên bầu trời xanh ngắt. Những dãy tượng đài cao thấp, xa gần nối tiếp nhau. Những ô tiểu cảnh đủ hình dạng. Những hàng cây, vườn hoa đua sắc, khoe mầu... Khung cảnh bên ngoài của một cơ quan công quyền giống như một công viên mênh mông, đẹp như một công trình nghệ thuật.
Đặc biệt hơn là không có một bức tường, không có một hàng rào ngăn cách khu vực công quyền với các khu vực dân sự bên ngoài; không thấy có một bóng dáng cảnh sát, cảnh vệ cầm súng đứng gác như các cơ quan công quyền ở các nước mà tôi từng biết. Người dân ở đây đều có quyền ra vào tự do nơi làm việc của chính quyền. Có cả lối đi dành riêng cho người khuyết tật đi bằng xe lăn.
Tôi thấy hàng đoàn học sinh cấp tiểu học, trung học, hàng đoàn khách du lịch ra vào tự do, không một ai kiểm soát. Ban đầu tôi cứ băn khoăn, chẳng lẽ nơi đây chỉ để cho mọi người tham quan chứ không phải là nơi làm việc chính thức. Nhưng rồi chợt hiểu, đây chính là cơ quan công quyền cao nhất, cơ quan lập pháp của thượng viện, hạ viện bang Missouri, nơi làm việc của chính quyền bang, nơi tiến hành các cuộc họp thông qua những quyết sách về kinh tế-xã hội, nơi quyết định về các chính sách công như an ninh, y tế, giáo dục, giao thông, cơ sở hạ tầng... Nơi đây cũng là nơi làm việc của thống đốc bang, phó thống đốc bang, văn phòng chính quyền bang, kho bạc, kiểm toán và một số cơ quan hành chính của bang.
Toàn bộ tòa nhà Capitol đều làm bằng đá cẩm thạch. Tòa nhà dài 133m, rộng 90 m, mái vòm đặc trưng cao 73 m. Phía trên cùng của mái vòm là bức tượng đồng Ceres, tượng nữ thần nông nghiệp trong thần thoại La Mã. Ở cách xa hàng dặm người ta vẫn có thể trông thấy bức tượng đồng này. Từ dưới nhìn lên, mái vòm ở chính giữa tòa nhà cao vút in trên nền trời xanh, lãng đãng từng chùm mây trắng.
Nhìn tổng thể tòa nhà, người ta cảm nhận nó vừa uy nghi cân đối, vừa hài hòa duyên dáng bởi sáu cột cao 12 m ở chính giữa; lùi xuống một chút là hàng hiên hai bên, mỗi hàng hiên chạy dài 8 cột cao 12m. Qua đài phun nước, qua khoảng sân bê tông xen những ô cỏ vuông vắn, bước lên khoảng mấy chục bậc vào tòa nhà, sừng sững ngự trị lối vào cửa phía nam là bức tượng Tổng thống Thomas Jefferson, người sáng lập ra chính đảng tư sản Hoa Kỳ, nhà chính khách, ngoại giao, luật sư, kiến trúc sư, người soạn thảo Tuyên ngôn Độc Lập Hoa Kỳ năm 1776.
Tầng một của tòa nhà là bảo tàng sưu tập trưng bày 93.000 hiện vật và đối tượng của lịch sử tự nhiên, lịch sử cuộc sống con người, xã hội, lịch sử các nguồn tài nguyên thiên nhiên của bang Missouri. Chúng tôi vừa đi xem vừa quay phim, chụp ảnh. Xã hội và con người, quá khứ và hiện tại của Missouri đa dạng và sống động như một bức tranh lôi cuốn thu hút người tham quan. Từ chiếc búa chim ngày đầu khai phá miền đất Missouri đến cỗ máy xúc hiện đại và chiếc máy in 3D, từ cánh đồng cỏ hoang dại đến những dãy nhà kính nông nghiệp công nghệ cao, từ khẩu súng kíp đến bệ phóng tên lửa... Tất cả đều lôi cuốn. Mọi người liên tục bấm máy ảnh ghi lại những hình ảnh làm kỷ niệm.
Người ra vào nườm nượp, nhưng không khí trong phòng rất trang nghiêm. Ngay cả các em học sinh nhỏ cũng rất trật tự. Chỉ nghe tiếng thuyết minh của nữ nhân viên bảo tàng và thỉnh thoảng có tiếng rì rầm trao đổi riêng nhưng không gây cho người ta cảm giác chú ý. Xem lướt qua bộ sưu tập, điều in đậm nhất trong tâm trí tôi là mấy chục chiếc lá cờ trong những cuộc chiến rách bạc qua hàng trăm năm vẫn còn được đóng khung trang trọng; là hình ảnh những con tàu thời nội chiến cùng với những chiến binh dũng cảm; là mô hình các chiến hạm và tàu sân bay USS Missouri bằng đồng. Nói về các cựu chiến binh, tôi thấy nhân viên của bảo tàng đã dành những lời lẽ tốt đẹp nhất, trân trọng nhất để ngợi ca vai trò của họ trong lịch sử của bang Missouri.
Người thuyết minh cho chúng tôi biết, có một bức tuyệt phẩm đồ sộ của họa sĩ nổi tiếng Thomas Hart Beton vẽ trên bốn bức tường căn phòng Lounge, nơi sử dụng làm Phòng Hội nghị lớn của Nghị viện Missouri trên tầng ba. Có thể nói đó là “Cuốn lịch sử bằng tranh về xã hội Missouri những ngày đầu lập quốc”.
Chúng tôi quyết định vào thang máy để đi lên tầng ba trước. Dọc hành lang vào phòng Lounge, người ta trưng bày tượng các chính khách, các nghệ sĩ, các nhà khoa học, các danh nhân của quốc gia nhưng chủ yếu là của bang Missouri. Tôi không còn đủ thời gian để tìm hiểu những công trình điêu khắc này.
Theo chân một nhóm du khách, chúng tôi bước vào một trong những điểm bây giờ là niềm tự hào của người dân Missouri. Đúng là một bức tranh hoành tráng trên nền đá cẩm thạch phủ kín bốn bức tường của Phòng họp Đại Hội đồng. Người ta kể lại vào giữa những năm 30 của thế kỉ trước, các nghị sĩ đã tranh cãi nhau kịch liệt về nội dung bức tranh, không nhóm nào chịu nhường nhóm nào. Người ta cho rằng tác phẩm quá trần trụi. Nhưng rồi thời gian đã minh oan cho người nghệ sĩ. Theo nhận xét của giới mỹ thuật, đây là một sáng tạo nghệ thuật sáng tạo, phản ánh chân thực cuộc sống thường ngày của người dân Missouri trong một giai đoạn lịch sử.
Bức tranh bắt đầu bằng hình ảnh những người đi tiên phong đến vùng đất Missouri trên con tàu hơi nước Sam Clemen cùng với những chiếc bè mảng, những người định cư đầu tiên với khuôn mặt chai sạn, thân hình vạm vỡ cùng với những thương nhân đầu tiên trong bộ vét sang trọng đang trao đổi hàng hóa. Tiếp đến là hình ảnh những người khai thác gỗ, thợ cơ khí làm bánh xe chở hàng hóa và những ngôi nhà đầu tiên trên vùng đất; những người lao động nô lệ gầy còm khai thác thác khoáng sản trên công trường, trong đó có cảnh người chủ vung roi đánh đập người làm thuê đang ngã khụy xuống; những người đàn ông, đàn bà ở thuê bị đuổi khỏi những ngôi nhà; cảnh sinh hoạt làm việc của nông dân trong trang trại, cảnh người đàn ông xẻ gỗ và người đàn bà nấu cơm; cảnh buổi họp của chính quyền với người dân; cảnh đội quân cưỡi ngựa đuổi tàu cướp và cảnh xử án; cảnh sinh hoạt tắm rửa, cán bột làm bánh; cảnh người công nhân đang lao động, người phụ nữ đánh máy trong xưởng cơ khí; cảnh sinh hoạt khiêu vũ tai câu lạc bộ nhạc Jazz... Đúng là một cuốn lịch sử bằng tranh thật sống động.
Từ bàn chủ tọa, tôi đi xuống từng hàng ghế quan sát những thiết bị dành cho các nghị sĩ. Càng xuống phía cuối, nền và các hàng ghế càng được nâng lên cao. Cuối cùng là những hàng ghế dành cho bất kì ai muốn đến, kể cả học sinh nếu đăng kí vào tham dự kỳ họp của nghị viện, đó là quyền của mọi người. Tôi rất muốn ghi lại hình ảnh về căn phòng này vì nó đem lại cho tôi rất nhiều cảm xúc. Rất tiếc, phòng này theo quy định không ai được phép quay phim chụp ảnh. Dù không có bảo vệ, dù trong phòng không còn một ai, tôi cũng không dám đưa máy ảnh lên.
Chúng tôi tiếp tục đi thăm một số phòng chức năng trên tầng bốn, tầng năm và quay trở lại tầng hai. Đi qua Phòng Thống đốc Jay Nixon, tôi thấy ông đang làm việc trước một chiếc bàn có cắm hai lá cờ nhỏ, một lá cờ của bang, một lá cờ của liên bang. Ông mặc bộ vét màu xanh đen, áo trắng, thắt cà vạt màu tím nhạt. Tôi đoán ông khoảng ngoài sáu mươi. Mái tóc bạc như cước. Gương mặt đầy đặn rạng ngời với cặp kính trắng trông dáng vẻ trí thức hơn là một chính trị gia. Tôi biết, ông là cựu học sinh Trường Luật thuộc Trường Đại học Missouri và từng lấy hai bằng đại học tại trường học này.
Jay Nixon đã kinh qua những cương vị như Thượng Nghị sĩ bang, Tổng Chưởng lí bang. Tôi biết ông vì đã được tham dự một buổi diễn thuyết tranh cử thống đốc bang nhiệm kì hai của ông tại trường Đại học Missouri. Con gái đã giới thiệu cho tôi biết về thân thế sự nghiệp của ông. Thành tích lớn nhất trong nhiệm kì đầu của ông là cải thiện đáng kể tình trạng thất nghiệp và đẩy mạnh chương trình chăm sóc y tế cho người dân. Tranh cử nhiệm kì hai ông cam kết ba điều. Thứ nhất, ông sẽ thúc đẩy chương trình nghị sự của chính phủ có hiệu quả hơn. Thứ hai, ông sẽ tăng cường cải cách y tế làm giảm chi phí chăm sóc sức khỏe người dân. Thứ ba, ông sẽ tạo mọi cơ hội để tất cả học sinh trung học phổ thông tốt nghiệp được vào đại học và cao đẳng.
Một ngày thăm quan tòa nhà Capitol đã để lại trong tôi rất nhiều cảm xúc. Điều tôi vẫn thắc mắc là tại sao không thấy cảnh sát hay nhân viên bảo vệ tòa nhà. Ở cả các trường đại học, trường phổ thông tôi đã từng đến thăm cũng cũng không thấy cảnh sát và bảo vệ. Tôi chia sẻ điều đó với bạn của con gái, cô ấy trả lời: “Từ ngày bọn con sang bên này, bao nhiêu năm rồi cũng chưa nhìn thấy cảnh sát. Có lẽ họ ngồi đâu đó ở văn phòng làm việc. Con chỉ thấy cảnh sát qua phim ảnh của họ mà thôi. Có lẽ cũng vì không có cảnh sát hay bảo vệ nên có một số người bạo loạn, gây rối ở Điện Capitol Mỹ hồi Tổng thống Trumpt thất cử. Và vừa rồi có một kẻ sát nhân 18 tuổi bắn chết bà của mình, rồi vào trường học bắn chết 19 học sinh ở một trường tiểu học ở bang Texas. Đó chính là cái giá của tự do theo kiểu Mỹ”.
Read More

Thành phố San Francisco

Leave a Comment

 Thành phố San Francisco

San Francisco là tên của Thánh Phanxicô, cũng là tên của thành phố và Quận San Francisco (City and County of San Francisco). Thành phố là một trong 4 thành phố lớn của bang Cali (Los Angeles, San Diego, San Jose), là một trung tâm văn hóa, thương mại, tài chính bang Cali, Hoa Kỳ.
Tọa lạc tại miền Bắc Cali, San Francisco có 873.965 dân cư theo số liệu diều tra năm 2020. Thành phố có diện tích khoảng 121 kilômét vuông, chủ yếu nằm ở phía bắc của Bán đảo San Francisco thuộc Khu vực vịnh San Francisco ( Khu vực vịnh San Francisco là một vùng đô thị khoảng 4,7 triệu cư dân, với GDP là 592 tỷ đô la vào năm 2019. Bình quân thu nhập đầu người là 139.405 đô).
San Francisco được thành lập vào năm 1776, khi những người thực dân Tây Ban Nha thành lập Pháo đài San Francisco tại eo biển Golden Gate. Cơn sốt vàng California năm 1849 đã mang lại tốc độ phát triển nhanh chóng, khiến San Francisco trở thành thành phố lớn ở Bờ Tây vào thời điểm đó… Theo Wikipedia, trong chiến tranh thế giới thứ 2, thành phố là bến cảng chính cho các hoạt động vận chuyển binh sĩ và hàng hóa quân sự đến Mặt trận Thái Bình Dương. Sau đó trở thành nơi ra đời của Liên Hợp Quốc vào năm 1945. Trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, nơi đây đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình phản đối sự can thiệp của Hoa Kỳ vào Chiến tranh Việt Nam.
San Francisco là một địa điểm du lịch nổi tiếng, được biết đến với mùa hè mát mẻ, đầy sương mù, những ngọn đồi cùng với những con phố dốc, sự kết hợp đa dạng của nhiều nền kiến trúc khác nhau. Các địa nổi tiếng bao gồm Cầu Cổng Vàng, tàu điện cáp treo, Nhà tù Alcatraz, Bến Ngư Phủ và Khu phố Tàu, cùng với rất nhiều địa điểm văn hóa, khoa học, giáo dục. Du khách có thể dành một vài ngày đến cả một tuần thăm quan, khám phá.
Địa điểm chúng tôi đến thăm đầu tiên là Cầu Cổng Vàng (Golden Gate Bridge). Tôi không ngờ vào mùa hè mà ở đây lại lạnh đến vậy. Đặc biệt là khi đi dọc theo bờ vịnh để lên cầu và ở trên cầu. May mà các con nhắc nhở trước khi đi tôi phải mang áo rét. Cầu Cổng Vàng là cây cầu treo nối giữa San Francisco và hạt Martin Country. Nó được sơn màu đỏ và vàng nổi bật trong lớp sương mù dày đặc mênh mông trên vịnh. Theo chỉ dẫn và lời giới thiệu, cây cầu này mất 7 năm thi công xây dựng, được hoàn thành năm 1937. Cầu Cổng Vàng là cây cầu treo lớn nhất thế giới và nó đã trở thành biểu tượng của thành phố San Francisco đầy sức sống với những dòng ô tô hai chiều đi lại bất tận.
Chỉ có cháu Lâm dẫn tôi đi thăm pháo đài San Francisco, vì bố mẹ cháu đã nhiều lần dẫn người thân, anh em, bạn bè đi thăm khu vực này. Gió biển thổi lồng lộng, lạnh giá. Hai ông cháu phải đội mũ trùm kín đầu. Đây là lần đầu tiên tôi được mục sở thị một pháo đài, nơi ăn chốn ở, kho súng đạn, vị trí bố phòng, súng đại bác, những hỏa điểm… Đúng là một căn cứ quân sự phòng thủ độc đáo, kiên cố, theo kiến trúc đặc trưng của người Tây Ban Nha từ những năm cuối thế kỷ 18. Trải nghiệm này giúp tôi hiểu thêm về lịch sử thời thuộc địa của nước Mỹ; đồng thời gợi cho tôi nhớ lại cuộc Chiến tranh Mỹ-Mexico, người Mỹ đã giành California như thế nào; gợi cho tôi nhớ lại những thương vụ có một không hai trong lịch sử thế giới. Đó là thương vụ sau khi giành được độc lập, người Mỹ đã mua lại vùng đất/lãnh thổ thuộc địa của người Tây Ban Nha (Florida) với giá 5 triệu đô la, thương vụ người Mỹ mua lại vùng đất Lousiana của người Pháp với giá 3.750.000 đô la và thương vụ mua lại vùng đất Alaska của người Nga với giá 7,2 triệu đô la, để nước Mỹ có được một lãnh thổ rộng lớn, từ Đại Tây Dương tới Thái Bình Dương, từ Bắc cực đến Trung Mỹ với diện tích 9.525.067 km vuông.
Điểm đến thăm tiếp theo là Công viên Cầu Cổng Vàng. Đây là một công viên đô thị rộng 1017 mẫu Anh, có cối xay gió, khu động thực vật hoang dã, khu bảo tàng và cả một khu sinh thái ẩn dấu bao điều quyến rũ. Nếu đi thăm và khám phá kỹ càng, tôi nghĩ phải dành cả một ngày, nhưng thời gian không cho phép. Đành để những lần sau.
Sau cầu Cổng Vàng thì đường hoa Lombard là một trong những điểm được du khách ưa thích nhất khi du lịch San Francisco. Đường hoa Lombard nổi tiếng với độ dốc đặc biệt. Ngắm nhìn Lombard tôi thấy giống như làn sóng lượn lên cao dần với một rừng hoa rực rỡ. Vào mùa xuân và suốt cả mùa hè, con đường Lombard luôn luôn đầy màu sắc. Không biết có bao nhiêu loài hoa đua nhau nở trên khắp đường phố. Hoa ở kín lòng đường chỉ chừa một lối; một con phố hoa mà người ta khó có thể hình dung nếu không tận mắt chứng kiến.
Bến tàu ngư phủ Fisherman's Wharf cũng là một trong những địa điểm nổi tiếng của thành phố. Đây là điểm thu hút khách du lịch khắp nơi trên thế giới. Trong hàng thế kỉ qua, dọc theo con sông lịch sử, nơi mà các đội tàu đánh cá của San Francisco luôn tụ tập. Cho đến ngày nay, ở đây vẫn còn một loạt các nhà hàng hải sản nổi tiếng. Nơi đây còn có một số bảo tàng, cửa hàng lưu niệm, những tòa nhà lịch sử, danh lam thắng cảnh vừa sầm uất vừa náo nhiệt. Đặc biệt là âm nhạc đường phố. Đi một đoạn ta lại thấy một ban nhạc với rất nhiều nhạc cụ khác nhau. Có cảm giác như ở đây người ta say sưa chơi đến hết mình, tận hưởng niềm vui đến bất tận. Một không khí lễ hội đắm say đến nao lòng! Tôi đã trải nghiệm cái cảm giác này ở phố Ngọc Trai, Longmon, Colorado khi chứng kiến những chàng trai, cô gái yêu kiều say sưa đánh đàn piano, kéo đàn violon và ca hát trong những đêm cuối tuần, nhưng cái cảm xúc dâng trào đến kỳ lạ thì ở đây mới thấy.
Thời gian còn lại trong ngày chúng tôi đến thăm bảo tàng tàu biển. tôi và con rể cùng hai cháu Lâm, Bách leo lên một con tàu dài 168 m, con tàu chuyên chở hàng quân nhu và binh lính trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2. Đây là lần thứ hai tôi được trực tiếp ngắm nhìn và khám phá một con tàu lớn như vậy. Lần thứ nhất là ở Bảo tàng Khoa học và công nghiệp ở thành phố Chicago. Một con tàu ngầm khổng lồ dài trên 160 m được người ta đưa vào phòng trưng bày.
Mặc dù tôi được học và biết người Mỹ đã đến với chiến tranh thế giới thứ hai như thế nào. Họ tuyên chiến với Nhật như thế nào. Họ mở mặt trận thứ 2 ở Tây Âu như thế nào. Nhưng chỉ khi đến bảo tàng tôi mới hiểu biết một cách cụ thể, rõ ràng về cuộc chiến vô cùng ác liệt trên Đại Tây Dương giữa người Đức và người Mỹ, một cuộc chiến cam go sinh tử trên Thái Bình Dương giữa người Nhật với người Mỹ. Khách tham quan nườm nợp đi xung quanh con tàu, đắm mình trong phim ảnh của cuộc chiến trên biển cả qua hàng chục màn hình quanh con tàu, được khám phá con tàu, được ngồi trước những màn hình mô phỏng lái tàu lặn xuống lòng nước sâu của đại dương tránh máy bay của quân phát xít, được ngồi ghế mô phỏng phóng ngư lôi vào tàu chiến địch. Hai cháu nhỏ nhà tôi, chưa đến tuổi đến trường, cứ ngồi lì trước phòng lái mô phỏng hành trình chuyến đi, không chịu dời đi chỗ khác…
Chuyến đi này, tôi lại được khám phá một chiến hạm hậu cần, một chiến hạm 3 tầng, tìm hiểu và khám phá phòng chỉ huy, phòng tác chiến, phòng ngủ, phòng ăn, phòng giải trí và phòng vận hành của đoàn thủy thủ, phòng phóng ngư lôi và những khẩu đại bác, pháo phòng không. Và lần này tôi cũng vẫn phải giục các cháu đi nhanh nhanh để kịp thời gian theo lịch trình…
Chỉ một ngày thôi tôi đã thấy San Francisco quả là một thành phố ẩn chứa bao điều kỳ lạ.
Nguyen Bich Thuy, Nguyễn Lê Duyên và 141 người khác
59 bình luận
2 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.