Sự thật về cuộc chiến tranh Việt Trung năm 1979 và đôi điều cảm nghĩ

Leave a Comment
  Ngày 17 tháng Hai, ba mươi bảy năm về trước, Trung quốc phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam trên các tỉnh biên giới phía bắc, chủ yếu ở ba hướng Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai. Cuộc chiến tranh này theo các phương tiện thông tin đại chúng phương Tây, người ta gọi là cuộc chiến tranh giữa những người anh em đỏ, cuộc chiến tranh của những nước theo hệ tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lê nin.
  Trước cuộc chiến tôi có một thời gian dài đi thực tế ở Lào Cai, chính xác là ở thị xã Lào Cai ngày trước và ở huyện Bát Xát, Bắc Hà, Sa Pa… Lúc đó, tôi không ngờ chiến tranh giữa hai nước sẽ xảy ra. Một số bạn bè ở Lào Cai hỏi liệu chiến tranh giữa hai nước có xảy ra không? Tôi đã trả lời: Không thể.
  Thời niên thiếu tôi vẫn thường hát bài hát về tình hữu nghị Việt-Trung: Việt Nam Trung Hoa núi liền núi, sông liền sông, chung một Biển Đông mối tình hữu nghị sớm trưa rạng đông, bên sông tắm cùng một dòng, anh nhìn sang đấy tôi  nhìn sang đây, sớm sớm trưa nghe tiếng gà gáy dậy… Trưởng thành tôi nhập ngũ vào chiến trường B, khẩu súng tôi mang theo, đôi dép cao su tôi đi, chiếc bi đông, bộ quần áo đến bao tượng gạo, lạng mì chính, chiếc mũ cối, tất cả là hàng viện trợ của Trung Quốc. Tôi luôn thầm cám ơn nhân dân Trung Quốc đã chia sẻ ngọt bùi với dân tộc Việt tron những năm tháng gian nan của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Rồi những câu nói của các nhà lãnh đạo Trung quốc, đại loại như đất nước Trung Quốc rộng lớn bao la là hậu phương vững chắc của nhân dân Việt Nam, 600 triệu nhân dân Trung quốc là chỗ dựa đáng tin cậy của dân tộc Việt Nam… Đã có lúc tôi nghĩ, những bài học lịch sử chống giặc ngoại xâm phương Bắc mãi mãi chỉ còn lại trong những trang sách lịch sử. Đúng là chủ nghĩa xã hội có khác. Sẽ không còn cảnh cá lớn nuốt cá bé, người với người là chó sói. Chỉ có tình hữu nghị anh em như môi với răng. Ấy vậy mà răng đã cắn môi, Bắc Kinh phát động cuộc chiến tranh để “dạy cho Việt Nam một bài học” (ngôn ngữ của bọn lưu manh anh chị đầu đường xó chợ).
  Ngày đó tôi thật sự bị bất ngờ và cũng không hiểu hết nguyên nhân tại sao. Có lúc tôi nghĩ đến Bác, nếu Bác còn sống, chiến tranh có thể sẽ không xảy ra. Nhưng đó là nếu, sự thật cay đắng là 60 vạn quân Trung Quốc ở thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội, vẫn như hàng ngàn năm phong kiến phương Bắc trước đây, một hằng số trong quan hệ Việt-Trung, theo lệnh của Đảng cộng sản Trung quốc, nhà nước Trung Quốc tiến hành cuộc chiến tranh tàn bạo xuống phía Nam.
  Từ ngày lập nước, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã phát động bốn cuộc chiến tranh lớn: Chiến tranh Triều Tiên mà Bắc Kinh gọi là kháng Mỹ viện Triều, Cuộc chiến tranh biên giới Trung-Ấn mà họ nói là để thu hồi lãnh thổ, Cuộc chiến tranh Trung-Xô mà họ lớn tiếng là chống quân bành trướng và cuộc Chiến tranh biên giới Việt Trung mà họ tuyên truyền là phản công tự vệ. Trong số các cuộc chiến tranh đó, chỉ có cuộc chiến tranh với Việt Nam, chắc có nhiều lí do đáng hổ thẹn nên họ cố tình bưng bít để chìm trong im lặng, thậm chí còn cấm các nhà trí thức trong nước nghiên cứu và bàn luận.
  Trước đây, về cuộc chiến tranh Trung-Việt, tài liệu trong nước tôi đã nghe và đọc, nhưng tài liệu nước ngoài tôi được đọc rất ít, chủ yếu qua mạng, những cũng rất sơ lược. Những năm gần đây tôi mới có điều kiện tiếp xúc với một số các tác giả phương Tây, Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc. Các tác giả thường thường chỉ ra nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến tranh giữa hai nước là do: i, Bắc kinh cho rằng Việt Nam xây dựng giấc mộng xưng bá tại Đông Nam Á; ii, Việt nam xâm phạm biên giới Trung Quốc; iii, Việt Nam ngược đãi người Hoa; iiii,Việt nam xây dựng đồng minh chiến lược với Liên Xô chống Trung Quốc; iiiii, sau đó người ta cho rằng lí do chủ yếu là do Bắc Kinh chuyển hướng sự tập trung quân của Việt Nam ở Cănpuchia và làm mất uy tín của Liên Xô.
  Trong số những tướng lĩnh và học giả của Trung Quốc có một nhân vật đáng chú ý, đó là Thượng tướng Lưu Á Châu, con rể của cố Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Tiên Niệm, Chính ủy Đại học Quốc phòng Trung Quốc, cánh tay phải của Tập Cận Bình, người vừa mới từ chức. Ông đề cập đến hai nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc Đặng Tiểu Bình quyết định phát động cuộc chiến tranh Việt nam, Đó là: i, Đặng thông qua cuộc chiến tranh để nắm quyền lực, nắm quân đội; ii, Đặng chứng tỏ với người Mỹ Trung Quốc hoàn toàn đoạn tuyệt với Liên Xô, nhằm tranh thủ tiền vốn, công nghệ của Mỹ và phương tây để thực hiện bốn hiện đại hóa và chấn hưng đất nước sau cuộc Cách mạng văn hóa long trời lở đất và thời kì đấu tranh giành giật quyền lực dẫn tới trên ba chục triệu người chết (theo số liệu của các nước phương Tây).
  Có một bài của tác giả Tân Viễn đăng trên tờ Epotimes của Hồng Kông, ông cho rằng chính Đặng Tiểu Bình là chủ mưu, là kiến trúc sư của cuộc chiến. Ông viết: “Ông ta(Đặng Tiểu Bình) đã lấy các sĩ quan và binh lính làm bia đỡ đạn và làm bậc thang leo lên quyền lực. Đây là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới cuộc chiến tranh Việt Nam” (Thật là đê tiện và độc ác).
  Vogel trong cuốn “Thời đại của Đặng”, tác giả đã phân tích  những sự kiện trong nước(Trung Quốc), quốc tế và chỉ ra dã tâm của Đặng Tiểu Bình: “Bất kể về ý đồ hay về mục tiêu hay về quy mô tác chiến, đều do cá nhân ông Đặng định ra.
  Ông ta lựa chọn các tướng lĩnh chỉ huy làm tư lệnh, đi động viên lãnh đạo các tỉnh, các địa phương ủng hộ cuộc chiến tranh, tự tay phê chuẩn các kế hoạch tác chiến, ra mệnh lệnh, nên có thể nói đây là cuộc chiến tranh của cá nhân ông Đặng. Chính vì vậy, ông bị một số ủy viên Quân ủy Trung ương và tướng lĩnh sĩ quan phản đối. Nhiều cán bộ cấp cao cho rằng việc Đặng phát động và trực tiếp chỉ huy cuộc chiến tranh này xuất phát từ quyền lợi của bản thân ông ta nhằm thâu tóm quyền kiểm soát quân đội… Dù hiện nay còn có nhiều ý kiến khác nhau nhưng thực sự rõ ràng dã tâm của Đặng đối với Việt Nam là rất sâu sắc”.
  Có lẽ chính kiến của Lưu Á Châu, Tân Việt và Vogel đã gần đi đến đúng bản chất của sự việc.
  Như vậy là những ý kiến cho rằng do Việt Nam bá quyền ở Đông Nam Á (Trung Quốc tuyên truyền Liên Xô là Đại bá, Việt Nam là tiểu bá), việc Việt Nam xâm phạm biên giới Trung quốc, tấn công lãnh thổ Trung Quốc, ngược đãi cộng đồng người Hoa (về vấn đề người Hoa ở Việt nam tôi đã viết một chương về người chú nuôi của bà nội tôi khi đi thăm California có trong Blog này), tất cả đều do giới lãnh đạo cùng phe Đặng dàn dựng, tuyên truyền dối trá hòng lừa bịp bộ máy chính quyền các cấp và nhân dân Trung Quốc.
  Là người Việt đương nhiên tôi phải tin vào đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước Việt Nam. Nhưng quan trọng hơn là tôi được kiểm chứng trong suốt thời gian cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đặc biệt từ sau năm 1975 đến năm 1979. Suốt thời gian ở Lào Cai, đi thăm các bạn bè, nhiều người vẫn còn trong quân ngũ trên biên giới, tôi không bao giờ thấy và nghe thấy chuyện Quân đội Việt Nam tấn công lãnh thổ Trung Quốc như thống kê có tới hàng trăm, hàng nghìn vụ (giống như sự việc giàn khoan Trung Quốc năm 2014 đi vào lãnh thổ Việt Nam, Trung Quốc tố cáo Việt nam dùng tàu đâm hàng nghìn vụ vào các tàu Trung quốc. Tôi không hiểu sao họ có thể đổi trắng thay đen, ăn không nói có vô liêm sỉ đến như như vậy. Trên thế giới chỉ có lãnh đạo Trung hoa là hành xử  như vậy mà thôi). Làm khoa học thì phải hoài nghi nên có lần tôi hỏi anh vợ và các bạn tôi là các sĩ quan đóng trên biên giới Lạng Sơn, Cao Bằng rằng có lần nào bộ đội ta đột nhập vào lãnh thổ Trung Quốc không, mọi người trả lời rằng chắc tôi nghe đài Trung quốc nên bị chúng tuyên truyền.
  Qua ông chú nuôi của bà nội tôi (ông là người Hoa nằm trong mạng lưới tình báo Hoa Nam cục), tôi còn được biết những kẻ bành trướng đã lợi dụng người Hoa từ bao đời nay được người dân Việt dung nạp, bao bọc yêu thương khi họ phải tha hương cầu thực hoặc bị đất nước chối bỏ từ bao đời nay, những người nhẹ dạ nghe theo lời bè lũ cầm quyền Bắc kinh gây nên vụ “Nạn kiều”. Họ đã huấn luyện những thanh niên, trung niên người Hoa ở Việt Nam cầm súng quay trở lại Việt Nam tàn sát người Việt và làm lá chắn cho quân đội Trung Quốc xâm lược Việt Nam. Bè lũ Đặng thật táng tận lương tâm.
  Chính trị cường quyền là thế. Theo ý kiến của nhiều học giả, cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam là nhằm nâng cao vị thế chiến lược của Bắc kinh trên trường quốc tế, nhằm củng cố thế lực của Đặng, nhằm tranh thủ vốn công nghệ của Mỹ trên xương máu của người Việt… Thì ra họ giúp Việt Nam để giữ vùng đệm an toàn cho họ và lấy Việt Nam làm con bài mặc cả với Mỹ để đạt mục đích vì quyền lợi dân tộc của họ. Nhưng những vấn đề mà các tác giả nêu ra vẫn chưa đủ. Người ta phải đọc cuốn Sự thật về mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 mươi năm qua do Nhà xuất bản Sự thật tháng 10 năm 1979 của Bộ Ngoại giao Việt Nam thì sẽ còn thấy thêm nhiều vấn đề nữa. Đặc biệt là phần nói về Việt nam trong chiến lược toàn cầu và chính sách của Trung Quốc đối với Đông Nam Á.
  Nếu như nhà cầm quyền Bắc Kinh coi Liên Xô và Mỹ là đối thủ bành trướng cần phải thắng, thì Việt Nam là đối tượng quan trọng cần phải khuất phục và thôn tính để dễ bề đạt được lợi ích chiến lược và chính sách bành trướng cố hữu trong lịch sử Trung Quốc xuống Đông Nam Á. Họ chỉ muốn duy trì một nước Việt nam bị chia cắt, suy yếu lệ thuộc vào Trung Quốc (như Triều Tiên). Cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam thắng lợi là một trong những nguyên nhân sâu xa làm rạn nứt quan hệ Việt Trung, ảnh hưởng đến kế hoạch ngông cuồng của “người cầm lái vĩ đại” Mao Trạch Đông đưa 500 triệu nông dân xuống Đông Nam Á đất rộng người thưa, tài nguyên phong phú.
  Vì mục tiêu của mình, Trung Quốc đã ngăn cản Việt Nam đánh Mỹ, thống nhất đất nước. Theo Giáo sư R. Hager ở Trường Đại học Jacson (Mỹ), trong thời gian ông ông là sĩ quan tình báo trực tiếp tham gia tại chiến trường Việt Nam, ông đã khẳng định theo các dữ liệu tình báo Trung Quốc đã lấy tất cả những loại vũ khí tốt nhất mà Liên Xô cung cấp cho Việt Nam quá cảnh qua Trung Quốc. Họ đã biển thủ các loại tên lửa hiện đại, bán đứng Việt Nam, chứ không phải “dành cho Việt Nam sự giúp đỡ vô tư hào phóng” như vẫn thường rêu rao.
  Họ xây dựng lực lượng hạt nhân, phát triển lực lượng kinh tế, đe dọa quân sự, hứa hẹn viện trợ  nhằm khuất phục các nước, trong đó có Việt Nam. Họ chia rẽ khối đoàn kết ba nước Đông Dương và các nước trên thế giới. Họ dựng lên tập đoàn Polpot, Ieng sary thực hiện chính sách diệt chủng ở Cămpuchia, dùng lực lượng này xâm chiếm Việt Nam, hòng làm suy yếu Việt Nam…
  Để kết thúc luận đề này đề này, tôi xin trích dẫn lời của một tướng Trung Quốc, Thượng tướng Trần Tích Liên để bạn đọc thấy rõ thêm bản chất của cuộc chiến tranh và sự thất bại thảm hại của cuộc chiến tranh phi nghĩa: “Nếu nói đến tuyến Đông trong biên giới Việt Nam thì Hứa Thế Hữu (Tư lệnh quân phía Đông) là tên điên, kẻ làm càn, mê muội… Ba quân đoàn, mười mấy sư đoàn, 60% là bộ binh cơ giới, khi đột phá trung tâm, thì một tuyến phòng ngự cũng không có, để cuối cùng bị đối phương phản kích đánh cho thảm hại.
 Đây gọi là cuộc chiến gì? Là cuộc chiến tranh dốt nát, là cuộc chiến ngu xuẩn, là cuộc chiến điên rồ, lính chết đầy ra đấy nhưng không ai dám kêu oan”.
  Về phía Việt Nam sau những năm 90 của thể kỉ trước, có lẽ trong một thời gian dài các phương tiện thông tin đại chúng cũng ít đề cập đến cuộc Chiến tranh Trung-Việt. Tôi hiểu có nhiều lí do nhậy cảm. Nhưng có một lí do thuộc về văn hóa Việt, không thù dai, dễ tha thứ (không giống như Trung Quốc, lúc nào cũng nhắc đến người Nhật xâm lược họ, đòi chính phủ Nhậtluôn luôn phải xin lỗi, đòi con cháu họ phải hối cải. Vậy thì hàng chục cuộc viễn chinh xâm lược trong lịch sử Trung quốc đối với Việt Nam trong hàng ngàn năm qua và năm 1956, 1974 Mao Trạch Đông quyết định xâm chiếm đảo các đảo Hoàng Sa, năm 1979  Đặng Tiểu Bình ra lệnh 60 vạn quân tràn qua biên giới Việt Nam, năm 1986 xâm chiếm 5 đảo ở Hoàng sa của Việt Nam thì sao? Tôi nhớ không lầm chỉ mới có Chu Ân Lai, thủ tướng quốc vụ viện Trung quốc sinh thời có một lần ngỏ ý lấy làm tiếc về các cuộc chiến tranh của tổ tiên ông đối với người Việt mà thôi). Tuy không nói, không có nghĩa là người Việt quên đi hay sợ không dám nói. Trong tâm thức người Việt, câu chuyện Mỵ Châu-Trọng thủy luôn luôn nhắc nhở về mối họa người Tầu. Sự thật này bao đời nay tổ tiên ông cha ta luôn truyền cho con cháu bài học nước mất nhà tan .
  Vậy thì người Việt đánh giá về các lãnh tụ cộng sản Trung Quốc như thế nảo? Đánh giá về Đặng Tiểu bình như thế nào? Về tầm vĩ mô tôi không dám nói, nhưng với cá nhân Đặng, dù ông ta là người Hùng của Trung Quốc, kiến trúc sư, người thực thi cải cách và đưa Trung Quốc nghèo nàn, lạc hậu trở thành một cường quốc phát triển kinh tế, thực hiện thành công bốn hiện đại hóa, đối với tôi, ông ta vẫn là kẻ thù của dân tộc Việt, một tội phạm chiến tranh Việt Nam. Ông ta cũng chẳng khác gì những kẻ sát nhân như: Đồ Thư, Mã viện, Hoàng Thao, Quách Qùy, Thoát Hoan, Ô Mã Nhi, Vương Thông, Liễu Thăng, Tôn Sĩ Nghị cùng với các triều đại của chúng.
  Tôi không thể viết khác được nếu đọc tổng kết những thiệt hại người và của do Trung Quốc gây ra trong cuộc chiến. Đúng như Nguyễn Trãi xưa viết trong Bình Ngô đại cáo: Chặt hết trúc Lam Sơn không ghi hết tội, Tát cạn nước Đông hải không rửa hết mùi. Nếu người nào hoài nghi về những số liệu của Việt Nam thì nên đọc các bài phóng sự của Ilínki, phóng viên Nga có mặt suốt thời gian chiến tranh ở biên giới, sau này là Viện sĩ Viện Hàm lâm Liên Xô, ông đã chứng kiến lính Trung Quốc giết và làm bị thương hàng trăm trẻ em Việt Nam, cắt cổ tất cả các thành viên của nhiều gia đình còn khủng khiếp hơn vụ thảm sát ở Mỹ Sơn. Vậy thì tôi kết luận về Đặng như trên là còn nhẹ.
  Từ những năm 1990 hai nước Việt Trung đã bình thường hóa quan hệ. Nhưng tôi vẫn muốn nhìn về quá khứ để thấy tương lai. Tình thế chiến lược của hai nước Trung Việt bây giờ không như những năm 1980 đến những năm 2000. Trung Quốc bây giờ đã trở thành một nước lớn. Việt Nam mặc dầu có vị thế  hơn, có lực hơn, nhưng vẫn là một nước mới thoát nghèo. Tiềm lực kinh tế còn nhỏ bé.
  Trong bảng xếp hạng các cường quốc năm 2016, Trung quốc được giới chính trị quốc tế xếp thứ hai sau Mỹ. Tuy mới chỉ là nền kinh tế lớn thứ hai sau Mỹ, nhưng với sự tăng trưởng mạnh, mặc dù năm 2015 có giảm tốc đạt 6,9%, mức thấp nhất trong vòng 25 năm qua, nhưng khả năng tới Trung Quốc có thể vượt Mỹ trở thành nền kinh tế hàng đầu thế giới (12,6 ngàn tỉ USD so với 15,5 ngàn tỉ USD năm 2014). Năm 2012 Trung Quốc đã trở thành quốc gia xuất nhập khẩu lớn nhất thế giới, là điểm đến thứ hai về đầu tư sau Mỹ. Về quân sự, Trung Quốc đang cải cách để trở thành đội quân hiện đại xứng tầm với sự phát triển kinh tế. Chi ti tiêu cho quốc phòng chiếm 10% tổng chi tiêu quốc phòng toàn thế giới. Năm 2012 chi tiêu của họ đã vượt chi tiêy của cả Nga và Anh cộng lại. Không kể đến lực lượng hạt nhân, tên lửa. giờ đây họ đã đi được vào không gian, xây dựng được hệ thống vệ tinh riêng không phụ thuộc vào Mỹ. Đặc biệt lực lượng hải quân và không quân của họ bắt đầu có khả năng vươn ra xa các đại dương…
  Sau 30 mươi năm phát triển, Trung Quốc đã thực sự trỗi dậy. Họ cần những Điều kiện để trở thành một Siêu cường, họ không cần phải giấu mình chờ thời như thời Đặng Tiểu Bình căn dặn nữa. Họ ôm mộng phục hưng một đế chế Trung Hoa vĩ đại thống trị Châu Á thủa nào và họ đã thể hiện tham vọng về mặt lãnh thổ: Gây căng thẳng với Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku; gây căng thẳng với Philippine, Việt Nam xung quanh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; và đặc biệt họ xác định hiện trạng chủ quyền ở Biển Đông là lợi ích cốt lõi. Cụ thể họ giành giật Bãi cạn với Philippine, mời thăm dò dầu khí trên thềm lục địa của Việt Nam và một số nước khác, cấm bắt đánh cá, thành lập thành phố Tam Sa trên Đảo Phú Lâm của Việt Nam, kéo giàn khoan vào thềm lục địa của Việt Nam, liên tục tuần tra và tập trận ở Biển Đông, nạo vét biển làm đảo nhân tạo xây dựng đường băng ỏ các đảo đá cho các công trình quân sự… Mục đích của họ là hiện thực hóa đường lưỡi bò, độc chiếm Biển Đông nhằm khai thác tài nguyên biển, kiểm soát tuyến đường quan trọng nhất Châu Á-Thái Bình Dương, kiềm chế Nhật Bản, Hàn Quốc, giành vị thế chiến lược quan trọng chia đôi Thái Bình Dương với Mỹ, đẩy Nga và Ấn Độ ra khỏi “vùng biển lịch sử” của họ.
  Với một Trung Quốc trỗi dậy cơ bắp đầy tham vọng như vậy, liệu có thể xẩy ra những điều như họ đã làm với dân tộc Việt mà nhiều người từng lo ngại, không một triều đại nào, không một chính thể nào, từ xưa đến nay mà không xâm lược Việt Nam. Tần xuất xâm lược Việt Nam trong nửa cuối thế kỉ hai mươi tới nay còn tăng lên rất dày.
  Về vấn đề Biển Đông, dân tộc chúng ta đang đứng trước ba kịch bản: i, Trung quốc trở thành một đế chế nhân từ, từ bỏ tham vọng đường lưỡi bò, trả lại các nước trong đó có Việt Nam quần đảo Hoàng Sa và 6 đảo ở Trường sa; ii,Trung Quốc và các nước trong đó có Việt Nam giữ nguyên hiện trạng cùng chung sống hòa bình; iii, Trung Quốc dùng vũ lực hoặc các dạng chiến tranh phi truyền thống thu hồi các đảo hoặc buộc các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam phải lệ thuộc vào họ.
  Trong tình hình thế giới hiện tại, khả năng thứ nhất là mò kim đáy biển. Khả năng thứ hai có thể trở thành hiện thực. Khả năng thứ ba không thể loại trừ. Nếu đã như thế thì chúng ta phải chuẩn bị. Tôi biết Đảng và nhà nước đã chuẩn bị từ trước rồi.
   Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc trong chuyến thăm Việt Nam ngày 5 đến ngày 6 tháng 11 năm 2015, ông ta hứa hẹn “nguyện cùng Việt Nam nhìn về đại cục, hướng về lâu dài, tôn trọng lẫn nhau”. Ông nhắc đến tình hữu nghị mà Mao Chủ tịch và Hồ Chủ tịch dày công vun đắp cùng với bao nhiêu lời lẽ tốt đẹp giống như các lãnh tụ trong các thời kì trước đây đã từng nói với nhân dân Việt Nam. Ấy vậy mà ngày hôm sau khi Tập sang Singapo hội đàm với Mã Anh Cửu, Tổng thống Đài Loan, ông ta lại nói Hoàng Sa và Trường Sa là do tổ tiên họ để lại từ thời cổ đại, Trung Quốc quyết không từ bỏ chủ quyền. Không biết các cụ nhà ta có nói sai không “miệng quan trôn trẻ”.
  Dù sao đi chăng nữa, tôi vẫn tin vào tương lai tốt đẹp. Tôi vẫn tin rằng một đất nước có nền văn hóa vĩ đại như Trung Quốc, nơi sản sinh ra kinh thi, đường thi, tống thi, tiểu thuyết Minh Thanh bất hủ, đầy tính nhân văn; nhân dân Trung Quốc đời nào cũng yêu chuộng hòa bình, căm ghét  chiến tranh phi nghĩa, nhất là trong cái thế giới siêu phẳng không ai có thể bưng bít được sự thật, với truyền thống nhân văn, người dân Trung Quốc sẽ không để cho những cái đầu bành trướng làm mưa làm gió, biến họ trở thành công cụ,  nạn nhân đi cướp đất và cướp biển của dân tộc khác và của nhân loại. Và đương nhiên, các dân tộc khác cũng như nhân loại cũng không thể để cho những cái đầu nóng ở Trung quốc làm chuyện quá xằng bậy.
  Viết đến đây, đêm đã về khuya, tôi lại xem lại và lần dở những trang nhật kí viết tản mạn trong chuyến đi Lào Cai vào những tháng cuối năm 1978, tức là còn hơn một tháng sau nổ ra cuộc chiến tranh giữa hai nước. Thế mà đã 37 năm trôi qua rồi. Bao nhiêu kỉ niệm lại ùa về trong kí ức. Có một truyện kí mà tôi viết vào cuối chuyến đi đó, bài viết được in báo đầu tiên trong đời viết của tôi.
   Nói là truyện kí nhưng đó là một câu chuyện có thực. Thầy kh chính là thầy Khánh, nhân vật trong chuyện, là người Hoa bị ép buộc sang bên kia biên giới cùng với gia đình. Thầy đã mất năm 2005; còn nhân vật L chính là Liễu, em gái của một người bạn tôi ở Bát Xát, học sinh của thầy. Tôi được biết thầy đã mấy trở lại ngôi trường THPT chứ không phải là THCS như trong câu chuyện. Thầy đã khóc khi gặp lại một số học trò cũ. Thầy nói mặc dù bị buộc làm một số việc, nhưng  chưa bao giờ thầy là kẻ phản bội. Thầy nói: “Dù ván bài cuộc đời đã được chia, người ta không thể chia lại được, nhưng nếu được quyền làm lại thì thầy sẽ không bao giờ nghe theo những kẻ xấu sang Trung Quốc, vì chí ít mộ ông bà, cha mẹ thầy vẫn còn ở Việt Nam. Thầy cho biết thầy sẽ không bao giờ đưa hài cốt họ về Trung Quốc, vì nơi đó thực sự không thuộc về họ. Thầy muốn họ và thực sự họ là con dân của nước Việt Nam.
  Tôi xin chép lại câu chuyện xa xưa đó, tiêu đề là “Một câu chuyện thày trò trên biên giới”. Hy vọng rằng con cháu của thầy Khánh, con cháu của em Liễu, giống như nhân dân hai nước không bao giờ phải tham gia, phải chứng kiến những cuộc chiến như năm 1979.



Một câu chuyện thày trò trên biên giới

Bọn học sinh “lớp 6 Gấu”, tên gọi đùa vui của lớp 6G, rủ nhau ra bờ sông học. Chúng ngồi rải rác ở các gốc cây. Chốn này thoáng và tương đối yên tĩnh. Chỉ có am thanh dào dạt đều đều của con sông Hồng, một dải lụa đỏ nối liền vùng núi trập trùng của hai nước Việt Trung. Thục ra, không phải ở đây bọn học sinh mới học nhóm được, chúng có thể học ở nhà, ở trường và ở nhiều nơi khác. Nhưng tụ tập ở đây, chúng hi vọng: Một lúc nào đấy, may ra được gặp hoặc dò biết được tin túc về thầy Kh- thầy chủ nhiệm của chúng. Không hiểu duyên cớ gì, thầy bỏ nhà cửa, trường lớp sang bên kia sông. Bọn học sinh nghe ngườ lớn nói, thầy giáo chúng ở trong một nông trang, đối diện với chỗ chúng ngồi học. Vì vậy, chiều chiều chúng đến đây, đến gần một tuần lễ rồi.
  Chủ trì việc này là L, một học sinh nữ nhỏ nhắn, da trắng, khuôn mặt trái xoan, lấm chấm tàn hương và có đôi mắt nhịch ngơm pha chút bướng bỉnh. L không khải là lớp trưởng mà cũng không phải là đội trưởng. Thế nhưng nghiễm nhiên L trở thành một “nhân vật quan trọng” được các bạn tin cậy. L được ủy nhiệm thay mặt cho lớp nói lên nỗi lòng của mọi người khi nào được gặp thầy. L lo lắng hỏi các bạn:
- Nếu gặp thầy thì phải nói những gì?
- Đằng ấy nói như thế nào thì chắc chúng tớ cũng muốn nói như vậy.
  Thế rồi bọn học sinh sôi nổi bàn bạc. Chúng thảo ra một chương trình vận động thầy trở về và sắp xếp thứ tự những điều cần nói khi gặp thầy. Tuy vậy, cứ sau mỗi ngày, chúng lại bổ sung một vài ý, thành thử nhiều ý quá, L càng lo.
  Mở vở ra học nhưng trong lòng L rối bời. Nó cố gắng đọc đi đọc lại những dòng chữ thầy cho ghi trong vở mà vẫn không đọng lại tí gì. Nó nhẩm lại những điều các bạn góp ý. Phải thêm chỗ này, bớt chỗ kia. Rồi nó hình dung ra cảnh thầy giáo đang nói chuyện với nó. Xoá những hình ảnh đó đi, nó lại tưởng tượng ra những cuộc gặp gỡ khác… Rốt cục, nó vẫn không bằng lòng với những lời nó định nói. Nó nghĩ miên man nhiều chuyện và băn khoăn liệu có thuyết phục được thày trở lại trường không. Nó ôn lại những kỉ niệm trong năm học. Các sự việc lướt qua trong tâm trí nó như những tia chớp trong cơn mưa đuổi nhau, từ cái ngày nó thập thở cửa trường cấp 2 đến lúc nó rụt rè đứng vào hàng lớp học sinh do thầy chủ nhiệm. Từng cử chỉ ân cần, trìu mến của thầy nó vẫn nhớ như in.
  Một lần nó bận không làm bài tập- hôm ấy trong lớp nhiều học sinh cũng không làm bài, thầy bắt đứng lên một loạt. Thầy bực dọc hỏi nó:
- Tại sao em không làm bài?
  Lớp lặng như tờ, không một tiếng động nhỏ, nó ngượng ngùng, đầu cúi, miệng lúng búng không nói lên lời. Thật là không may! Đúng vào hôm duy nhất nó không chuẩn bị bài vở. Gần như cả học kì nó mới có một lần sơ xuất thế. Nó không dám ngước nhìn thầy, nhìn các bạn. Còn thầy, mãi không cho các học sinh không làm bài ngồi xuống. Chuyển thái đọ bực dọc, thầy đùa:
- Em quên không làm hay không làm được hở “con hươu sao”?
  Hôm ấy nó mặc chiếc áo mới có những đốm chấm như chấm con hươu sao. Cả lớp được một phen cười thích chí, phá tan không khí căng thẳng trong lớp. Riêng nó.. thì tự ái. Chờ cho các bạn yên lặng, nó trả lời sẵng:
- Em không làm được.
  Thầy cười xòa. Khi ngồi xuống, nó cảm thấy nét thoáng buồn và hình như thầy không bằng lòng. Nó ân hận, định sẽ xin lỗi thầy, thế mà cứ dùng dằng mãi, bây giờ thầy đã đi rồi, nó vẫn chưa bày tỏ được.
  L đăm đắm nhìn sang bên kia bờ. Những ngôi nhà nhấp nhô dựa vào lưng đồi. Những chùm khói trắng mờ ngoằn ngoèo từ đó bay lên. Bên ấy đã nấu cơm chiều. Chắc bây giờ thầy giáo cũng chuẩn bị nấu cơm. Con thầy giáo còn bé lắm. Nó oe oe quấy rầy mẹ nó suốt ngày, thế thì vợ thầy không thể vào bếp được. Còn thầy thì không biết cách dỗ cho nó nín. Như thế chắc chắn là thầy lại phải bỏ bài không chấm được. Ngày thầy còn ở bên này, đi học về, nó và mấy đứa bạn gái thường tạt vào nhà giúp đỡ thầy cô. Không biết bây giờ có ai giúp đỡ thầy không? Gía sang thăm thầy được, dù nước sông có lên to nó và các bạn cũng sang. Nó nghe người lớn nói, bây giờ không như trước sang đó người ta bắt đấy.
  Đằng xa có nhiều con thuyền đang trôi lại. Đấy là những con thuyền của người Hoa hoặc người Việt. Mấy hôm đầu cứ trông thấy một con thuyền là tim nó lại rộn lên. Bao hy vọng lóe sáng. Nhưng những con thuyền cứ dần trôi qua… Các bạn nó, lác đác có đứa không ra bờ sông học nữa. Nó bắt đầu nản.
  … Nắng chiều dìu dịu như những sợi tơ tỏa xuống lòng sông. Những con thuyền lướt qua lấp loáng trên mặt nước.
- L đấy em?
  L giật mình. Quyển sách trên tay nó rời ra. Thầy Kh từ trên con thuyền nhảy lên bờ.
- Thầy giáo- mấy đứa học sinh reo lên.
  L bàng hoàng. Đúng là thầy giáo. Thầy đội nón làm nó không nhận ra. Bọn học sinh xúm lại, vây quanh thầy. Tại sao thầy lại phải đội nón  sùm sụp và cứ nhớn nhác nhìn quanh quất như vậy. Thầy giáo gầy dộc. Mắt sâu hoắm, má tóp lại, xương gò má nhô lên như người chịu đói đến cả tháng… Khuôn mặt thầy đầy vẻ mệt mỏi, chán chường… L thốt lên:
- Sao thầy lại gầy thế?
  Mấy đứa ngây thơ liên tục hỏi:
- Thầy bị làm sao thế?
- Thầy giáo mọc bao nhiêu râu kìa.
- Thầy ốm nặng hay sao ạ.
  Thầy kh lại nhìn quanh. Nét đau khổ trên khuôn mặt dãn dần, rồi mỉm cười’
- Ôi … Chào các em. Thầy xin lỗi, xin lỗi.
  Thầy Kh chăm chú nhìn từng học sinh. Chúng nó cũng thay đổi. Cả cái con bé L nữa. Đôi mắt thường ngày có vẻ bướng bỉnh, gan lì, anh đã nghĩ sau này con bé “ghê gớm” lắm. Vậy mà bây giờ anh thấy không phải như vậy. Nó ngước nhìn anh đầy lo âu và xót xa. Phải, chúng lo âu và xót xa cho anh vì anh đã trở thành một con người đáng thương, bị sai bảo, bị ngờ vực, bị khinh bỉ, bị ép buộc làm những điều trái lương tâm. Số phận thật xót xa nên gặp các em lo âu và xót xa cho mình anh cảm thấy mủi lòng.
- Thầy biết các em ở bên này… Thầy có lỗi với các em, với cha mẹ các em, với nhà trường… Thầy trốn sang gặp các em và nhờ các em chuyển giúp bức thư cho nhà trường, cho lớp.
- Không, thầy không có lỗi gì cả- L vin vào cánh tay thầy giáo- chắc chúng em không ngoan nên thầy chán bỏ sang bên kia. Chúng em chờ thầy mãi. Bên ấy thầy có dạy học không? Thầy về dạy chúng em đi.
  L quên hết những điều các bạn căn dặn. Nó cũng quên tất cả những điều nó nghĩ, nó định nói, nó tiếp tục hỏi:
- Các bạn bên ấy chắc ngoan và giỏi lắm phải không thầy?
  Nước mắt thầy Kh muốn ứ ra. Anh cúi đầu không trả lời. Những câu hỏi vô tình làm anh đau đớn. Dưới chân anh dòng sông cuộn chảy, bọt sủi ngầu, mang theo phù sa đỏ nhức nhối. Anh thấy mình giống hạt phù sa, không biết dòng nước sẽ đưa anh về đâu? Anh cảm thấy xấu hổ. Xấu hổ vì đã quá vội vàng. Trả lời học sinh thế nào đây? Dạy học? Ai cho anh dạy học? Tại sao anh lại sợ và ra đi? Điều này đã giày vò anh bao ngày. Những ngày bên đất khách như hàng thần lơ láo, anh đã sảy nhà ra thất nghiệp. Năm tháng đẹp đẽ anh từng có mới ngọt ngào làm sao. Liệu nó có còn quay trở lại với anh và gia đình anh? Về xây dựng đất mẹ ư? Thì đấy, cô giáo từ Ân Độ về những năm trước mà anh gặp ở nông trang, chẳng đã héo hắt trên cái mảnh đất ngục tù đó sao. Anh rùng mình. Những sự việc long trời lở đất mà người ta gọi là Cách mạng văn hóa, biết bao số phận con người trên cái đất mẹ của anh… Trả lời học sinh, ở cái tuổi nhỏ như thế này thật không phải dễ, anh gượng cười chua chát:
- Đừng hỏi thầy nữa các em. Gắng học, sau này các em sẽ hiểu, sẽ tha thứ cho thầy.
  Anh ngắm nhìn từng khuôn mặt. Chúng vẫn yêu thương anh, quí mến anh, tôn trọng anh. Điều đó càng khiến anh đau lòng. Gía chúng ghét anh, tẩy chay anh… Anh lúng túng lấy ra hai phong thư, nhìn nhanh sang bờ bên kia, rúi vội vào tay L.
- Thầy nhờ em gửi hộ. Thầy phải đi đây. Tạm biệt các em, đừng ra đây nữa.
  L ngơ ngác, nhưng chợt hiểu. Nó níu lấy tay thầy, nước mắt giàn giụa.
- Thầy về ư!
  Anh ngập ngừng gỡ tay L. Tất cả học sinh xuống thuyền. Bọn chúng níu kéo không để cho anh đi… Trong đời anh chưa có cuộc chia li nào đau đớn đến như vậy, kể cả khi anh li biệt bố mẹ. Anh thấy không thể phũ phàng bỏ đi. Ôi những đứa trẻ thật đáng yêu. Cho đến lúc này anh mới hiểu, anh đã gắn bó với mảnh đất này như thế nào, với những con người ở đây như thế nào.
- Thầy không thể bỏ gia đình, anh em- anh nghẹn ngào nói.
- Thầy về đưa tất cả sang đây.
Thầy Kh khẽ gật đầu.
- Một ngày nào đó thầy sẽ sang. Thầy đã hiểu tất cả.
- Thầy nhớ đưa cả cô và em sang nữa nhé!
  L nói những gì chính nó cũng không biết nữa. Nó bước ùm sau con thuyền. Nó dặn với:
- Ngày mai hay ngày kia thầy nhé!
  Hoàng hôn vàng thắm đầy dòng sông. Con thuyền bập bềnh xa dần.

                                                                                              30/12/ 1978.         
 


Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.