Người Triều Tiên ở Việt Nam

Leave a Comment
Người Triều Tiên ở Việt Nam
Tôi đã viết một số bài nói về tình hình bán đảo Triều Tiên (xin xem 6 bài trong trang blogchiasett của tôi). Có thể nói bối cảnh, tình hình hai miền Triều Tiên từ đầu những năm 1950 cũng tương tự như bối cảnh, tình hình hai miền Nam, Bắc Việt Nam từ năm 1954 đến đầu những năm 70 của thế kỷ trước. Sự phân chia một quốc gia thành hai miền với hai chính thể miền Nam và miền Bắc đều là di sản của cuộc Chiến tranh Lạnh. Giống như ở Đông Đức và Tây Đức, tất cả là di sản của hai hệ tư tưởng Xã hội chủ nghĩa và Tư bản chủ nghĩa, đứng đầu là hai siêu cường Xô-Mỹ.
Chiến tranh Lạnh đã kết thúc năm 1991. Bán đảo Triều Tiên là di sản cuối cùng của cuộc Chiến tranh Lanh chưa được giải quyết. Cho tới tận ngày hôm nay, người Triều Tiên vẫn không quyết định được số phận quốc gia của mình vì những toan tính của các cường quốc bên ngoài: Mỹ, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản. Bài này tôi không bàn đến tình hình bán đảo Triều Tiên. Vì những lý do riêng, tôi xin đề cập đến sự có mặt của người Triều Tiên ở hai miền Nam, Bắc Việt Nam.
Cả Bắc Triều Tiên và Nam Triều Tiên đều hỗ trợ vật chất và nhân lực cho hai đồng minh ý thức hệ là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa trong chiến tranh Việt Nam. Tại sao người Triều Tiên lại đến Việt Nam? Nếu bàn luận cho thấu đáo, vấn đề thật không đơn giản, cả trên bình diện quốc tế và quốc gia, nhưng tựu trung lại cũng là vì cuộc Chiến tranh Lạnh.
Sau quyết định của Đảng Lao động Triều Tiên vào tháng 10 năm 1966, vào đầu năm 1967 Bắc Triều Tiên đã gửi một phi đội máy bay chiến đấu tới Bắc Việt Nam để dự phòng cho trung đoàn không quân 921 và 923 bảo vệ Hà Nội. Họ ở lại cho đến hết năm 1968. 200 phi công Bắc Triều Tiên đã được báo cáo có phục vụ trong thời gian đó. Ngoài ra, ít nhất có hai trung đoàn pháo binh phòng không cũng được gửi đến Bắc Việt Nam. 
So với Bắc Triều Tiên, số lượng binh lính Hàn Quốc trên mặt đất ở Nam Việt Nam lớn hơn rất nhiều. Các lực lượng Hàn Quốc đã vào miền Nam kể từ tháng 08/1964, khi Seoul gửi một đơn vị liên lạc tới Sài Gòn. Đội quân này là một phần của Lực lượng Quân sự Thế giới Tự do (Free World Military Forces), một nỗ lực của Tổng thống Lyndon B. Johnson nhằm lôi kéo các nước khác trở thành đồng minh của Mỹ vào Nam Việt Nam.
Tháng 09/1965, đáp lại lời kêu gọi bổ sung thêm quân của Johnson, chính phủ Hàn Quốc đã mở rộng cam kết quân sự của mình tại Việt Nam, đồng ý đưa thêm các đơn vị chiến đấu vào miền Nam. Đến cuối năm 1969 đã có hơn 47.800 lính Hàn Quốc tham gia tích cực vào các hoạt động chiến đấu tại Nam Việt Nam, chủ yếu là ở miền Trung. Seoul bắt đầu rút quân vào tháng 02/1972, sau khi người Mỹ quyết định cắt giảm mạnh cam kết lượng quân đồn trú tại Nam Việt Nam.
Tổng cộng từ giữa năm 1965 đến năm 1973 đã có 312.853 lượt binh sĩ Nam Hàn chiến đấu tại Nam Việt Nam. Theo số liệu từ phía Hàn Quốc, ước tính quân đội Nam Hàn đã giết chết 41.400 binh sĩ quân đội giải phóng và 5.000 dân thường. Binh lính Hàn Quốc bị cáo buộc gây ra nhiều tội ác chiến tranh, và được cho là đã bỏ lại đằng sau hàng ngàn đứa trẻ lai giữa Hàn Quốc và Việt Nam.
Trong tình hình quan hệ Việt Nam và Hàn Quốc đang phát triển hết sức mạnh mẽ, hai nước đạt được những kết quả hết sức thần kỳ, một số người không muốn nhắc đến quá khứ bi thảm. Chuyến thăm vừa qua của Tổng thống Moon Jae-in tới Việt Nam càng nhằm củng cố hơn nữa nền tảng, đưa quan hệ hợp tác hai nước ngày càng bền vững. Họ cho rằng không nên “bới lông tìm vết” chuyện xưa cũ. Tôi không đồng ý với quan điểm này. 
Như một câu ngạn ngữ của Nga, đại ý nếu người nào chỉ sống với quá khứ thì người đó mù cả hai mắt, nhưng nếu quên đi quá khứ thì người đó mù một con mắt. Chúng ta vui mừng cho quan hệ Việt-Hàn, nhưng chúng ta không quên tội ác chiến tranh của binh lính Hàn Quốc. Nhà cầm quyền Hàn thường yêu cầu chính quyền Nhật xin lỗi về tội ác của quân đội Nhật trong quá khứ trên đất nước họ, có lẽ họ vẫn còn nợ một lời xin lỗi đối với người dân Việt Nam, những nạn nhân và thân nhân phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em bị quân đội Hàn Quốc sát hại hết sức dã man ở miền Nam Việt Nam.
Tôi xin được trích dẫn ra một số tư liệu về tội ác của Quân đội Hàn Quốc để mọi người tham khảo. Theo giáo sư người Hàn Quốc Heonik Kwon, tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam, đã có trên 43 vụ thảm sát đẫm máu do binh lính Hàn Quốc thực hiện tại Việt Nam được ghi nhận, trong đó có ít nhất 13 vụ giết trên 100 người.
1. Vụ thảm sát Thái Bình
Vào một buổi sáng sớm tháng 2/1966, một toán quân thuộc Sư đoàn bộ binh Mãnh Hổ của Hàn Quốc đã tiến vào làng Thái Bình (tỉnh Quảng Nam) trong một cuộc càn quét nhằm tiêu diệt các du kích Giải phóng. Tuy nhiên, chúng chỉ tìm thấy trong ngôi làng 68 người, hầu hết là phụ nữ, người già và trẻ em. Những con người vô tội và không có khả năng kháng cự này đã trở thành đối tượng để “Mãnh Hổ” trút giận. Bằng hàng loạt đạn và lựu đạn, lính Hàn Quốc đã giết hại dã man 65 người. Ba người may mắn sống sót trong vụ thảm sát sau đó đã trở thành nhân chứng tố cáo tội ác của Sự đoàn Mãnh Hổ. 
Để ghi nhớ sự kiện tang tóc này, một đài tưởng niệm khắc tên của 65 nạn nhân đã được dựng lên tại làng Thái Bình.
2. Vụ thảm sát Diên Niên – Phước Bình
Vào sáng ngày 9/10/1966, một trung đội lính Hàn Quốc thuộc Tiểu đoàn 3 thuộc Lữ đoàn Rồng Xanh bắt đầu tập kích từ căn cứ đồi tranh Quang Thạnh (xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) vào thôn Phước Bình. Sau đó, chúng đổ quân càn quét, lùng sục tất cả nhà dân và hầm chống phi pháo, cưỡng bức nhân dân xóm Bình Trung (thôn Phước Bình) tập trung về sân trường học của thôn. Sau khi tập trung dân, chúng bắt đầu xả súng và ném lựu đạn vào nhóm dân thường. Vụ giết chóc này làm 68 người dân thôn vô tội ngã xuống, trong đó có 21 cụ già, 47 phụ nữ và trẻ em.
Ngày 13/10, quân “Rồng Xanh” tiếp tục càn quét giết hại thêm 112 người dân vô tội ở thôn Diên Niên gần đó. Tổng cộng, trong hai ngày 9/10 và 13/10/1966, lính Hàn Quốc đã tàn sát 280 phụ nữ và trẻ em ở hai thôn Diên Niên, Phước Bình. 
Ngày nay, di tích vụ thảm sát Diên Niên – Phước Bình đã được xếp hạng và cấp bằng di tích quốc gia.
3. Vụ thảm sát Bình Hòa
Ngày 3/12/1966, nhằm trả đũa các hoạt động du kích của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, lính Hàn Quốc đã thực hiện một cuộc càn quét tại xã Bình Hòa, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi.Trong vòng ba ngày, tại 5 địa điểm: buồng đất nhà ông Trắp, hố bom Truông Đình, Dốc Rừng, Đồng Chồi Giữa, đám ruộng giếng xóm Cầu, lính Hàn Quốc đã giết hại hàng trăm dân thường một cách dã man. 
Cao điểm là vào chiều ngày 6/12, người dân đã bị cưỡng bức tập trung lại rồi bị lính Hàn Quốc đồng loạt xả đạn, khiến 267 người thiệt mạng. Tổng cộng, trong vụ thảm sát Bình Hoà, lính Hàn Quốc đã giết hại 430 người, trong đó có 269 phụ nữ (12 phụ nữ bị cưỡng hiếp đến chết), 104 người già, 174 trẻ em. 3 gia đình bị giết sạch không còn một ai. 
Năm 1990, chính quyền và nhân dân địa phương đã xây dựng một tấm bia căm thù tại hố bom Truông Đình ghi lại tội ác này. Tháng 5/1991, di tích vụ thảm sát Bình Hòa được xếp hạng và cấp bằng di tích quốc gia.
4. Vụ thảm sát Bình An 
Ngày 23/1/1966, quân Hàn Quốc bất ngờ tổ chức một cuộc tấn công vào làng Bình An (Nay là xã Tây Vinh – Huyện Tây Sơn – Tỉnh Bình Định). Chúng bao vây từ 4 phía với quyết tâm tiêu diệt toàn bộ lực lượng quân Giải phóng, nhưng chúng đã bị đánh trả quyết liệt. Tức tối vì không đạt được mục đích, ngày 7/2/1966, các đơn vị lính Hàn Quốc bắt đầu tiến hành một chiến dịch tấn công tàn bạo bằng vũ khí hạng nặng. 
Từ sáng sớm, các đơn vị pháo binh của địch nã đạn cấp tập vào Bình An. Khi pháo ngừng, lính Hàn Quốc lập tức ập đến. Chúng tìm kiếm các hầm trú ẩn của dân ven làng, thả lựu đạn cay bắt mọi người phải trồi lên rồi thả sức tàn sát. Ngay trong ngày đầu chiến dịch, 58 người dân đã bị giết hại. Những ngày sau đó, cuộc giết chóc, đốt phá ngày càng mở rộng qui mô với sự dã man chưa từng có. Trong ngày 12/2, 109 người đã bị giết hại. Ngày 23/2, tại khu vườn nhà ông Trương Niên ở thôn An Vinh, lính Hàn đã dồn 90 người dân tới, dùng súng trung liên hạ sát toàn bộ.
26/2 là ngày đẫm máu nhất, khi lính Hàn Quốc dồn tất cả những người chúng bắt được ở các nơi về Gò Dài (thôn An Vinh). Chúng đã giết hại 380 người bằng những hành động man rợ như hãm hiếp rồi dùng lưỡi lê đâm vào cửa mình phụ nữ, chất rơm đốt lửa thiêu sống trẻ em… Chiến dịch thảm sát của địch đã khiến trên 1.000 dân lành bị giết hại, trong đó phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em. Sự sống ở Bình An gần như bị hủy diệt hoàn toàn.
5. Vụ thảm sát Cây đa Dù
Sáng mùng 4 tháng Giêng năm Mậu Thân (12/2/1968), người dân các làng Phong Nhất, Phong Nhị ở huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã bị đánh thức bởi tiếng đạn pháo và súng máy. Sau đó, lính Hàn Quốc xuất hiện và áp giải rất nhiều phụ nữ, người già, trẻ em đến cây đa Dù ven quốc lộ 1A. Tất cả những người này sau đó đã bị hành quyết một cách dã man. 
6. Vụ thảm sát Hà My
Tờ mờ sáng 26 tháng Giêng năm Mậu Thân (25/2/1968), nhằm cưỡng bức người dân vùng bám trụ vào ấp chiến lược, hai đại đội lính của Lữ đoàn Rồng Xanh đã kéo đến bao vây làng Hà My (xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), Chúng gom người già, phụ nữ, trẻ em về xóm Tây ở ba điểm: Trước nhà ông Nguyễn Điểu (42 người); hầm nhà bà Lê Thị Thoại (16 người) và nhà ông Nguyễn Bính (74 người). Sau đó, chúng dùng súng tiểu liên, cối, lựu đạn, bắn xối xả về phía người dân. Man rợ hơn, sau khi tàn sát, chúng phóng hỏa đốt thiêu, thịt cháy khét, chỉ còn xương chất thành đống, chẳng ai còn gương mặt để nhận dạng. Vụ thảm sát đã khiến 135 người bị sát hại, trong đó chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em. 
7. Vụ thảm sát Duy Trinh 
Sáng 14/8//1968, lính Hàn Quốc đóng tại Hòn Bằng, cách làng Duy Trinh (Quảng Nam) chừng 400 m bắt đầu càn vào làng. Vừa đi chúng vừa bắn. Phần lớn người ở lại là người già, trẻ con và phụ nữ chạy xuống hầm trú ẩn. Quân lính Hàn Quốc phát hiện ra căn hầm nhà bà Thiệu tại xóm Mỹ An, liền ra lệnh mọi người ra khỏi nơi ẩn nấp, đứng xếp hàng trên miệng hầm. Một lát sau, chúng bắt tất cả trở lại hầm rồi bắt đầu cuộc giết chóc. Rất lạnh lùng, lính Hàn Quốc thay nhau cứ bắn một phát lại ném một quả lựu đạn xuống hầm. Có tất thảy 14 người toàn bà già, phụ nữ, trẻ em vô tội bị sát hại thảm thương. Tất cả đều vùi trong căn hầm mà sau này trở thành ngôi mộ chung của họ. Toán lính Hàn Quốc tiếp tục kéo qua xóm Vĩnh An cách đó chỉ chừng trăm mét. Vẫn hành vi man rợ như cũ, chúng lùa mọi người xuống hầm, lạnh lùng bắn một phát súng rồi lại ném một quả lựu đạn. 18 thường dân vô tội khác đã thiệt mạng. Tổng cộng 32 người đã bị chúng giết trong vụ thảm sát ở làng Duy Trinh.
Tôi biết rất rõ chiến tranh là khủng khiếp, khủng khiếp đối với những người lính phải đối đầu trong cuộc chiến. Nhưng không có nghĩa là binh lính được phép giết hại dân lành, nhất là phụ nữ và trẻ em. Quân đội Hàn Quốc đã làm những điều thật hết sức dã man, phi nhân tính và thật ghê tởm. Tôi nghĩ những người Việt và cả những người Hàn không bao giờ được phép quên đi những sự kiện bi thảm trên trong quá khứ. Chính vì lẽ đó, tôi cho rằng chính quyền Hàn Quốc còn nợ người dân Việt Nam một lời xin lỗi đối với những tội ác mà quân đội Hàn Quốc đã gây ra hơn 50 năm trước.
Tôi nghĩ người dân Việt Nam sẽ không quên hình ảnh những người lính Bắc Triều Tiên đã giúp nhân dân Việt Nam trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước. Có nhiều người lính Bắc Triều Tiên đã hy sinh (cũng như những người lính Trung Quốc, Liên Xô cũ) vì nền độc lập, thống nhất của dân tộc Việt Nam. Tôi nghĩ người Việt Nam cũng nên có một tượng đài để ghi nhớ công ơn của những người nước ngoài đã ngã xuống vì tình nghĩa quốc tế cao cả.
Trong những ngày này, đã có những tín hiệu hết sức tích cực từ hai phía Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc. Tôi theo dõi tình hình trên bán đảo Triều Tiên khá sát sao. Cá nhân tôi và nhiều đồng đội của tôi, cũng như thân nhân 5000 gia đình có người bị quân đội Hàn Quốc sát hại có nhiều ân, oán với người Triều Tiên trên bán đảo của “xứ buổi sáng tươi đẹp”. Dù có ân oán, nhưng tất cả chúng tôi vẫn cầu mong cho hai miền Triều Tiên hòa hợp, sớm đi đến thống nhất để xóa đi cái di sản cuối cùng của cuộc Chiến tranh Lạnh, một cuộc chiến tranh mà hai dân tộc Việt Nam và Triều Tiên chịu nhiều đau khổ nhất.
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.