Thực trạng học tập và học tập trực tuyến ở Việt Nam trong xu thế chung của thời đại

Leave a Comment

 Thực trạng học tập và học tập trực tuyến ở một số trường học Việt Nam trong xu thế chung của thời đại

Có một tình hình thực tế, các nhà quản lý giáo dục và giáo viên ở các trường học thường phàn nàn là một bộ phận không nhỏ học sinh thiếu tập trung nghe giảng, không thích học và chán học. Tại sao học sinh lại không thích học và chán học? Có rất nhiều lý do. Trong đó, theo tôi có hai lý do chính là lớp học không có đủ phương tiện dạy học hiện đại và phương pháp dạy học lạc hậu.
Trẻ em vốn là con đẻ của thời đại, thời đại cách mạng 4.0. Cuộc cách mạng khoa học công nghệ và những thành tựu của kỷ nguyên mới đang phát triển như vũ bão. Hàng ngày, hàng giờ nó tác động đến mọi tầng lớp xã hội, trong đó có học sinh. Vậy mà phương tiện chủ yếu ở nhiều nhà trường vẫn là bảng đen và phấn viết giống như những năm 60 của thế kỷ trước (loại trừ các trường đã được trang bị máy tính, projector, nhưng hiệu quả sử dụng còn thấp). Có khác chăng chỉ là khác về chất lượng bảng và phấn viết tốt hơn trước, cùng với một số thiết bị giảng dạy bộ môn không tương xứng. Trong khi đó, các nước phương Tây họ đã đưa khoa học, công nghệ vào lớp học như máy tính, internet, thực tế ảo, robot; thậm chí còn đưa cả máy in 3D, trí tuệ nhân tạo, màn hình đa năng cảm ứng vào nhà trường. Nói theo thuật ngữ chuyên ngành, họ đã đưa vào nhà trường cả một hệ sinh thái học tập thông minh để định hình cho một kỷ nguyên học tập mới.
Đồng hành với phương tiện dạy học lạc hậu, không ít thầy cô giáo (ngoại trừ tiết thao giảng) vẫn tuân thủ lối dạy học truyền thống. Thầy cô căn cứ vào chương trình, nội dung sách giáo khoa, tổ chức truyền tải nội dung sách giáo khoa tới học sinh. Dù có phát động nhiều phong trào cải tiến phương pháp dạy học nhằm tích cực hóa quá trình học tập của học sinh thì giáo viên vẫn là số 1, là trung tâm của lớp học. Vai trò chủ yếu của thầy cô vẫn là truyền thụ, giảng giải tri thức một chiều. Tất cả học sinh tiếp nhận cùng một nội dung, cùng nhip độ. Thực tế đó dẫn đến một bộ phận học sinh đương nhiên không theo kịp nhận thức và bị bỏ lại phía sau. Đã thế học sinh còn phải vừa phải nghe giảng vừa phải cắm cúi ghi chép để nhớ, để hiểu, để áp dụng làm bài tập. Ngày học nào, giờ học nào cũng đơn điệu, xơ cứng như một công thức: thày giảng, trò nghe và ghi chép. Học sinh chán học là không tránh khỏi.
Trong hoàn cảnh dịch COVID-19 hai năm qua, các nhà trường bắt buộc phải cho học sinh học tập trực tuyến (online) và học tập trên truyền hình. Đây là nỗ lực vượt bậc của ngành giáo dục. Nhưng nó nảy sinh biết bao vấn đề. Thực tế ở các thành phố, đô thị lớn chỉ có khoảng 70% học sinh có máy tính, điện thoại thông minh (tất nhiên là bố mẹ nhường cho). Ở nông thôn khoảng 50%. Miền núi, vùng sâu vùng xa thì không những không có mà ngay cả đường truyền internet, cá biệt đến điện cũng không có. Năm học này học trực tuyến trên toàn quốc, liệu có phủ hết số lượng học sinh?
Cứ cho rằng các địa phương và các nhà trường sẽ tìm mọi cách để khắc phục và có thể triển khai học online đại trà, liệu học online có hiệu quả không khi mà việc học ở trên lớp còn không ít học sinh chán học. Hàng ngày bốn đến năm tiết hoc trên lớp thầy cô phải chuyển tải sang hình thức dạy online. Học sinh phải bắt buộc theo dõi trước màn hình máy tính, điện thoại ba đến bốn tiếng. Chắc chắn học sinh càng chán học hơn so với học ở trên lớp. Biết bao nhiêu học sinh buồn ngủ, ngó lơ, chạy đi chơi, trêu chọc nhau, đi uống nước, thiếu tập trung, bỏ học? Đó là chưa kể đến lỗi kỹ thuật công nghệ như hệ thống đường truyền internet hạn chế, phần mềm “dạy học miễn phí” chất lượng không tốt. Nhiều khi bị out. Tất cả đều gây ra nhiều khó khăn, phiền phức cho cả thầy lẫn trò (Hôn nay báo Dân trí đưa tin, một học sinh lớp 4 Trường Tiều học Thái Thịnh, Thanh Xuân, Hà Nội bị điện giật tử vong khi đang học online).
Theo cảm quan của cá nhân tôi, hiệu quả học online ở các cấp, đặc biệt là ở tiểu học thấp. Học sinh bị giới hạn về việc nghe, nói, nhìn. Thậm chí có lúc học sinh còn không nhìn rõ chữ trên bảng. Trẻ không có tâm thế nhận thức những điều thầy cô thuyết trình, giảng giải; không thể thể bộc lộ những suy nghĩ, cảm xúc trong quá trình nhận thức.
Hai năm học trước có một thời gian khá dài học sinh phải học online. Đến nay ngành giáo dục cũng chưa tổng kết hiệu quả của việc dạy học online ở các cấp học, ở các vùng miền để từ đó rút kinh nghiệm. Khẩu hiệu dừng đến trường nhưng không dừng học đã được các nhà trường quán triệt. Và ai cũng nghĩ rằng rồi dịch sẽ qua đi. Dạy học online chỉ là tình thế tạm thời trước mắt.
Căn cứ vào tình hình dịch trên thế giới cũng như ở trong nước và những dự đoán của nhiều nhà khoa học, một số loại dịch bệnh còn nguy hơn COVID-19 sẽ xuất hiện trong thời gian tới. Chắc chắn dạy học online sẽ không còn là tình thế tạm thời nữa. Nếu ngành giáo dục cùng các tổ chức xã hội giáo dục có liên quan và các nhà trường không có chiến lược, không có kế hoạch và giải pháp đẩy nhanh việc số hóa trường học; không coi việc học online như một chiến lược dạy học, là kỹ năng tương lai, giúp học sinh mở ra chân trời học thuật mới cho bản thân thì giáo dục của chúng ta sẽ càng lạc hậu, càng không thích ứng và theo kịp dòng chảy giáo dục tiên tiến của thời đại. Bài toán nhân lực chất lượng cao sẽ càng trở nên nhức nhối hơn trong tương lai.
Các nhà giáo dục đều biết học trên lớp hoàn toàn khác với học online. Vậy mà các nhà trường, các thầy cô giáo không được tập huấn bài bản, không có kho học liệu điện tử, không biết đến nền tảng “công nghệ giáo dục trực tuyến” đích thực nào để nâng cao chất lương dạy học. Có rất nhiều phần mềm dạy học online của nước ngoài. Chẳng hạn phần mềm Classin, phần mềm có mặt tại 150 quốc gia có nền tảng giáo dục hàng đầu như Anh, Hà Lan, Mỹ, Nhật, Pháp, Úc… Phần mềm dạy học online này giúp thầy cô dạy học trực tuyến giống như việc dạy học ở trên lớp. Nó tích hợp 30 bộ công cụ làm việc, giúp thiết kế và tương tác cho việc dạy-học các môn học với kho học liệu cực kỳ phong phú, cùng với hệ thống bài tập hướng dẫn học sinh tự ôn luyện, tự làm bài tập hết sức đa dạng. Vì vậy nó giúp việc dạy-học online sinh động, hấp dẫn, hiệu quả hơn rất nhiều so với việc dùng phần mềm “họp online” để dạy học, phần mềm mà giáo viên chỉ có thể chia sẻ trên màn hình và thuyết giảng. Nó khác biệt về chất so với các phần mềm miễn phí mà các nhà trường đang sử dụng (đương nhiên dùng những phần mềm của nước ngoài như trên phải trả tiền bản quyền).
Thay vì được tập huấn, được hướng dẫn, các nhà trường, các thầy cô phải “tự bơi”. Nhiều người mò mẫm, miệt mài ngày đêm để chuyển đổi nội dung bài dạy truyền thống sang bài dạy online. Họ phải chịu áp lực từ nhiều phía. Tôi nghĩ không ít thầy cô đã nản về công nghệ và cách thức dạy online. Người ta thấy trên màn hình thầy cô cứ nói, học sinh chỉ biết nghe, em nào tự giác thì còn ghi ghi chép chép. Không hiếm tình cảnh thầy cô tự nói và tự mình nghe. Chất lượng dạy học online được bao nhiêu phần trăm?
Có thể tạm kết luận hiện trạng học tập online tại một số trường ở Việt Nam có nhiều vấn đề. Việc tiếp cận những phương pháp dạy học online càng có vấn đề, cần phải tháo gỡ trong thời gian tới. Theo tôi giáo viên rất thiếu công cụ giảng dạy trực tuyến. Họ chỉ có hướng dẫn giảng dạy và các tài liệu trợ giúp giảng dạy trực tiếp ở trên lớp. Nền tảng công nghệ dạy học online trợ giúp là con số không. Không ai có thể trách thầy cô dạy học online hiệu quả không cao.
Về phía học sinh, các em thiếu công cụ để học thậm chí không có chương trình gì để tự học ngoài bài giảng qua phần mềm “họp online” trên mạng, phần mềm này được thiết kế để cho người lớn họp hành trực tuyến, chứ không phải là phần mềm chuyên dành cho dạy-học online. Thực ra có vô số phần mềm dạy-học, học liệu, video bài giảng phục vụ việc học trực tuyến của nước ngoài. Chỉ riêng một trang web Khan Academy.com đã có tới 50 triệu bài giảng cho các môn học từ bậc học mầm non tới lớp 12. Thậm chí mỗi thành phố, mỗi trường học ở Mỹ đều có một chương trình học tập kết hợp. Chẳng hạn trang web Schoolwires Centricity của bang California, trang web DreamBox.com dành cho học sinh tiểu học ở thành phố San jose (California), trang web Brainpop.com dành cho học sinh phổ thông của thành phố Chicago (bang Illinoi)… Những trang web đó là những nguồn lực hỗ trợ dạy-học trực tuyến bám sát khung chuẩn kiến thức theo tiêu chuẩn Mỹ. Mỗi video bài học là một đơn vị kiến thức kéo dài khoảng 10 đến 15 phút. Sau đó học sinh tự làm những bài tập từ dễ đến khó, có sự giám sát, hướng dẫn, đánh giá tự động của trí tuệ nhân tạo Đáng tiếc những bài học sinh động, hấp dẫn đỉnh cao này đại đa số học sinh Việt Nam không biết đến vì không có trình độ ngoại ngữ, nhất là trình độ tiếng Anh toán và khoa học.
Các nước phương Tây từ những năm 1990 của thế kỷ trước, họ đã đưa vào hệ thống trường thực nghiệm, các trường mầm non, các nhà trường phổ thông một số mô hình học tập dựa trên sự kết nối internet, dựa trên nền tảng công nghệ dạy học online. Có nước có tới hàng trăm chương trình bài giảng số hóa của các viện nghiên cứu, các trường đại học, các tổ chức giáo dục bám sát khung chương trình giáo dục ở các cấp học để phục vụ thầy trò.
Thầy cô có thể trực tiếp giảng dạy từ xa hoặc gửi bài giảng, lưu trữ bài giảng, hoặc hướng dẫn học sinh tự học trên các trang web qua những video hình ảnh, âm thanh. Học sinh có thể theo dõi bài giảng theo phương thức online hoặc offline. Giáo viên và học sinh được làm quen với việc học tập ở mọi lúc mọi nơi, làm quen với không gian dạy học mới (không chỉ học ở lớp học, trong khuôn viên trường học mà còn học ở ngoài trường và đặc biệt là học ở nhà); học làm quen với hình thức giáo dục trực tuyến E-Learning, phương pháp học tập thích ứng (Adaptive Learing), phương pháp học tập kết hợp Blended Learning (xin xem bài viết: Năm học mới đã bắt đầu ở Mỹ trong bài viết trước của tôi trong trang Facebook này).
Học sinh ngay từ cấp tiểu học đã có thể tương tác hai chiều (các phần mêm dạy học của họ dựa trên phương châm chơi mà học, càng ham chơi thì càng học được nhiều), trao đổi với thầy cô, trao đổi bạn bè, với nhóm; có thể tạo chủ đề, comment qua blog, diễn đàn học tập Forum. Học sinh tiểu học đã tự mình làm các bài kiểm tra đa dạng trên mạng máy tính, tự ôn luyện kiến thức thiếu hụt với sự trợ giúp từ nhiều nguồn. Và để chuẩn bị cho học sinh tiểu học tự chủ trong quá trình học online, ngay từ bậc học mầm non, đặc biệt là từ lớp Kingdergarten (lớp mẫu giáo lớn) trong thời khóa biểu, học sinh bắt buộc phải học các phần mềm dạy học kết hợp (Blended Learning), một phương pháp học kết hợp giữa học truyền thống trên lớp và học online (trên lớp và ở nhà).
Một trong những nhiệm vụ và sứ mệnh của trường mầm non và tiểu học ở các nước phương Tây là phải hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển một thế hệ học sinh trong thời đại mới. Thế hệ mà ngay từ nhỏ đã có khả năng tự học, tự ôn luyện và làm bài tập, tự trang bị và chiếm lĩnh kiến thức của nhân loại. Đó chính là sự khác biệt về chất giữa giáo dục của các nước phương Tây và giáo dục thuộc các nước thế giới thứ Ba.
Thực tế trước khi đại dịch COVID-19 lan tới Việt Nam, xu hướng số hóa đã được nhà nước và ngành giáo dục đề cập đến. Có một số đơn vị, công ty trong nước cũng đã đi tiên phong trong lĩnh vực dạy học trực tuyến. Khi bắt đầu đại dịch, thực tiễn nhu cầu chuyển đổi số và công nghệ ngày một tăng. Môi trường ảo bắt đầu dần được ứng dụng. Nhu cầu học trực tuyến và giáo dục trong môi trường ảo tăng lên từng ngày. Theo đó, hình thức học tập kết hợp Blended Learning, kết hợp giữa lớp học truyền thống và lớp học trực tuyến đang tạo ra một xu hướng mới trong giáo dục. Nó không chỉ là xu thế mà đã trở thành thực tế tất yếu ở các nước có nền giáo dục tiên tiến. Điều quan trọng với Việt Nam là việc học trực tuyến như thế nào để theo kịp dòng chảy giáo dục của thời đại. Đó chính là vấn đề mà xã hội và ngành giáo dục cần phải nhanh chóng giải quyết.
Sau đây là một số hình ảnh lớp học hiện đại và hình ảnh học trực tuyến lấy từ nguồn mạng từ các nước phương Tây.
Tuyết Nguyễn, Cong Phamhuynh và 113 người khác
69 bình luận
29 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ
Read More

Năm học mới đã bắt đầu ở Mỹ

Leave a Comment

 Năm học mới đã bắt đầu ở Mỹ

Vì công việc, đầu tháng 8 vợ chồng con gái thứ hai chuyển từ thành phố Chicago bang Illinois đến thành phố San Jose bang California. Vấn đề tôi quan tâm nhất tại nơi ở mới là việc học tập của các cháu sẽ như thế nào trong tình hình dịch COVID-19 có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là với trẻ em ở xứ cờ hoa này.
Việc đầu tiên là đăng ký nhập học cho các cháu. Các con tôi chỉ mất mấy phút là hoàn thành công việc. Thủ tục chuyển trường nhập học rất đơn giản. Chỉ cần quyển học bạ diện tử, bản sao hợp đồng thuê nhà được gửi vào mail nhà trường là xong xuôi. Việc học hành là một trong những quyền cơ bản của công dân Mỹ (trẻ sinh ra ở Mỹ theo luật là công dân Mỹ, dù bố mẹ là công dân nước ngoài). Nhà trường đương nhiên có trách nhiệm phải nhận các cháu vào học.
Mặc dù đã ở San Jose một thời gian, hàng ngày đưa đón ba cháu của con gái đầu tới trường, tìm hiểu khá kỹ về tình hình giáo dục của thành phố, nhưng tôi vẫn chưa yên tâm vì năm học mới sắp đến. Nếu trễ các cháu sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Khác với Việt Nam, ở Mỹ không tổ chức lễ khai giảng. Nhà trường dành ngày đầu tiên đến trường để học sinh tham gia vào các hoạt động ngoại khóa và làm quen với giáo viên, bạn bè. Theo tôi, điều này rất cần cho học sinh mới chuyển trường.
Theo thông lệ, các trường học tại Mỹ bắt đầu năm học mới vào khoảng giữa tháng 8 tới đầu tháng 9. Thời gian tựu trường tùy theo quy định của từng khu vực và từng bang. Ví dụ, các trường ở miền Đông bắt đầu năm học mới sớm hơn miền Tây vài tuần. Ở thành phố San Jose học sinh bắt đầu đến trường vào ngày 16/8.
Thông thường, nhà trường thông báo ngày chính thức bắt đầu năm học mới trước một tuần cho phụ huynh. Trong những năm gần đây, nhiều trường ở San Jose còn mời các bậc phụ huynh tới gặp gỡ với giáo viên của con em mình trước một vài ngày. Sự kiện này được gọi là đêm giao lưu chuẩn bị cho ngày tựu trường (Welcome to back to school night) . Nó đang dần trở thành một ngày đáng nhớ với cha mẹ và học sinh (tương tự như ngày “Toàn dân đưa trẻ đến trường ở Việt Nam).
Riêng ở các trường THCS và THPT, học sinh mới nhập trường sẽ tới trường sớm từ một đến hai ngày để tham gia vào các tiết học hướng nghiệp, giúp các em làm quen với ngôi trường mới cũng như nội quy và môi trường sống xung quanh. Tuy nhiên có những trường lại dành ngày đầu tiên này để chụp ảnh nhận dạng học sinh. Có trường dành cả tuần đầu tiên cho các em hoạt động ngoại khóa…
Vì dịch dã nên đêm giao lưu chuẩn bị cho ngày tựu trường năm nay diễn ra theo hình thức trực tuyến. Theo yêu cầu của tôi, con gái vừa gửi qua mail một số hình ảnh, thông tin và một số đoạn video về sự kiện này.
Cháu gái năm nay vào học lớp Kindergarten (ở Mỹ trẻ em 5 tuổi được xếp vào lớp mẫu giáo nằm trong trường tiểu học). Tôi được biết cô giáo của cháu tên là Kumimoto. Cô có 10 năm trong nghề với 2 bằng đại học, Đại học Tâm lý và Đại học Sư phạm (ở Mỹ người ta bắt đầu đề ra tiêu chuẩn giáo viên mầm non phải có trình độ thạc sỹ hoặc phải có hai bằng đại học).
Trong buổi giao lưu trực tuyến với phụ huynh, cô giáo phổ biến những yêu cầu cụ thể về giáo dục đạo đức, giáo dục trí dục và kỹ năng theo tiêu chuẩn của bang, cùng với thời gian học, thời khóa biểu và các môn học: Reading (đọc), writing (viết), math (toán), Science/ Social Studies (những bài học về xã hội, tự nhiên) và Blended Learning (học tập kết hợp. Đây là một phương pháp học tập hiện đại được áp dụng phổ biến từ bậc học mầm non cho tới bậc đại học ở Mỹ. Tôi sẽ có bài viết riêng về chủ đề này trong tuần tới).
Các con tôi không phải chuẩn bị cho các cháu bất cứ thứ gì. Cháu gái vào học lớp Kindergarten được phát một máy tính bảng. Cháu trai học lớp 4 được phát một máy tính cá nhân. Sách giáo khoa, vở ghi, bút và đồ dùng dạy học… tất cả đều do nhà trường cung cấp miễm phí để ở tủ riêng của lớp. Bữa ăn trưa ở trường cũng miễn phí. Vì dịch học sinh không được ăn búpfe như những năm trước, bắt buộc học sinh phải ăn theo xuất hộp, nhưng học sinh vẫn được lựa chọn ăn theo thức ăn nấu/nướng với những món gì. Chỉ có điều trong hoàn cảnh dịch, các em được khuyến khích mang theo chai nước cá nhân, không nên và hạn chế uống nước công cộng ở trường. Đồng thời các em phải tự mang theo khẩu trang và đeo khẩu trang trong lớp học.
Tôi được biết nhiệm vụ năm học qua trang web giáo dục của một số bang như Cali, Colorado, Missouri từ đầu tháng 7. Họ yêu cầu nếu gia đình nào sợ con em mình bị mắc COVID ở trường thì có thể đăng ký chọn hình thức học trực tuyến hoặc học theo “mô hình học tập ở nhà” (mô hình học sinh không đến trường học, cũng không học trực tuyến của trường mà học theo chương trình bố mẹ lựa chọn theo quy định của bang. Xin xem bài Mô hình giáo dục tại nhà ở Anh và Mỹ cũng trong trang Facebook này).
Tuy vậy tôi rất băn khoăn, nếu học ở trường, nguy cơ lây nhiễm dịch là rất cao. Cán bộ công nhân viên của các nhà trường không bắt buộc phải tiêm chủng. Phụ huynh học sinh cũng vậy (thú thật là tôi không tin cách chống dịch của người Mỹ. Họ đặt quyền tự do cá nhân lên trên quyền lợi chung của cộng đồng). Mặc dầu cô giáo có nói về quy định giãn cách ở trường và học sinh được theo dõi, kiểm tra chặt chẽ. Giờ ăn, các cháu sẽ không ăn tại nhà ăn mà ăn ở ngoài trời có mái che trong sân trường và hạn chế nói chuyện trong thời gian dùng bữa (sân trường rộng gần chục ha).
Thời gian này rỗi rãi, tôi đọc tất cả các tài liệu con gái gửi. Trong đó có bức thư ngỏ của Hiệu trưởng nhà trường, Tiến sỹ Jose M Torres gửi cho phụ huynh (ở Mỹ hiệu trưởng trường tiểu học thường là tiến sỹ). Tôi xin lược trích và phỏng dịch một phần nội dung bức thư:
Chúng tôi rất mong được chào đón học sinh trở lại trường vào ngày 16 tháng 8, tức là chỉ còn gần một tuần nữa! Thực hiện mục tiêu trong năm học này, chúng tôi sẽ đảm bảo rằng mỗi học sinh được phát triển tối đa qua từng buổi học. Chúng tôi cũng sẽ luôn nỗ lực đầu tư các nguồn lực để đảm bảo cho các em được an toàn và khỏe mạnh.
Chúng tôi biết các bậc phụ huynh có thắc mắc về tình hình COVID sẽ như thế nào khi năm học mới bắt đầu. Vì vậy chúng tôi đã hướng dẫn cho phụ huynh về những chủ đề quan trọng qua trang web của trường. Hướng dẫn này có thể được điều chỉnh và chúng tôi sẽ chủ động cập nhật cho các gia đình nếu có thay đổi. Hiện tại, nó bao gồm một số điểm sau:
1. Các quy định về sức khỏe: Để giữ an toàn cho học sinh và cán bộ công nhân viên, học khu đã yêu cầu thực hiện những quy định bắt buộc, bao gồm việc đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và kiểm tra giám sát, kể cả việc test COVID hàng tuần. Ngoài ra, học khu đã đầu tư vào các nguồn lực như máy lọc không khí HEPA chống virus cho mỗi lớp học, máy phun khử trùng cấp bệnh viện cho cán bộ công nhân viên và học sinh trong trường học; các trạm khử trùng, sát khuẩn cũng sẽ được đặt ở những nơi thích hợp.
2. Về khai báo y tế và tình trạng sức khỏe của học sinh tại nhà: Năm nay, các gia đình sẽ thực hiện những yêu cầu kiểm tra sức khỏe hàng ngày trước khi học sinh đến trường. Yêu cầu phụ huynh trả lời các câu hỏi kiểm tra sức khỏe theo mẫu của học khu.
Phụ huynh sẽ gửi khai báo khi con đến trường mỗi ngày và không gửi khi học sinh không đến trường nếu các em bị ốm; cần thông báo cho trường nếu con vắng mặt vì ốm, hay đi du lịch, hoặc vì đã tiếp xúc với trường hợp COVID-19 đã được xác nhận. Nếu con có kết quả dương tính với COVID-19, hãy gửi báo cáo theo địa chỉ: X.
3. Về kết quả học tập và chuyên cần: Phụ huynh học sinh sẽ được nghe hướng dẫn trực tiếp tại trường, năm ngày trong tuần. Các giáo viên sẽ báo cáo việc học hành hàng ngày tới phụ huynh theo một mẫu thống nhất.
Hướng dẫn này cũng đề cập đến những thông tin về những quy định được áp dụng cho tất cả các lớp học, bao gồm các khóa học đặc biệt như học nghệ thuật, âm nhạc và giáo dục thể chất.
4. Quy định hướng dẫn cho học sinh không đến trường: Năm học trước, khi học tập trực tuyến là phổ biến với nhiều học sinh, việc giảng dạy đồng thời (tức là dạy học sinh có mặt ở lớp học và học sinh học ở nhà cùng lúc) là thực tế phổ biến. Bây giờ đại đa số trẻ em sẽ học ở trường. Nếu học sinh không đến trường, hoặc bị cách ly do COVID-19, phụ huynh học sinh sẽ được khai báo theo hướng dẫn riêng.
5. Thời gian hoạt động ngoài trường học (đi siêu thị, đi dã ngoại, đi thăm trường trung học, đại học, bảo tàng, vườn thú) và tham gia các loại hình thể thao: Là một phần của sáng kiến Cùng nhau Tiến lên. Học khu đã và đang đầu tư trên 21 triệu đô la vào chương trình hoạt động ngoài trường học để đáp ứng nhu cầu học tập, nhu cầu xã hội và tình cảm của học sinh.
Các môn thể thao ở trường tiểu học và trung học cũng sẽ hoạt động trở lại theo lịch trình bình thường. Tuy nhiên tất cả học sinh, vận động viên ở lớp 5 phải xuất trình giấy chứng nhận đã tiêm chủng hoặc xuất trình giấy kiểm tra COVID-19 mỗi tuần một lần.
Chúng tôi hy vọng các bậc phụ huynh xem hướng dẫn này là một nguồn thông tin hữu ích khi chuẩn bị cho con em vào năm học sắp tới. Chúng tôi rất vui mừng chào đón học sinh trở lại trường. chúng tôi tự tin vào khả năng của mình để đảm bảo cho học sinh an toàn và khỏe mạnh trong khi cung cấp một nền giáo dục mà các em xứng đáng được hưởng.
Đọc xong lá thư trên, có lẽ tôi chẳng còn lý do gì để lăn tăn nữa. Dù sao thì các cháu vẫn phải đến trường. Ba mẹ các cháu theo lịch của cơ quan phải đi làm trong tháng 9 và đầu tháng 10. Không thể để các cháu học trực tuyến ở nhà (theo luật các cháu ở nhà phải có người trong độ tuổi lao động trông nom).
Theo thống kê đầu năm của Liên bang, có 50,7 triệu học sinh phổ thông đến độ tuổi ghi tên và đến trường học trong năm học này. Trừ gần 5 triệu học sinh học theo mô hình ở nhà và khoảng hơn 3 triệu học sinh học trực tuyến, như vậy đại đa số học sinh đến trường học. Còn có những ý kiến này ý kiến nọ nhưng xã hội Mỹ đã thực sự bắt đầu trở lại trạng thái bình thường sau hơn một năm rưỡi chống dịch. Và việc mở cửa trường học là một minh chứng.
Đến hôm nay các cháu nhà tôi đã học được hơn hai tuần. Các cháu rất vui khi được đến trường. Thỉnh thoảng chúng lại gọi cho ông để khoe về trường lớp. Bước đầu tôi thấy việc học hành của các cháu đều suôn sẻ. Hy vọng một, hai tháng tới sẽ có vắc xin COVID-19 cho độ tuổi từ 3 tới 11 tuổi theo như dự kiến của các hãng sản xuất của Mỹ. Đến lúc đó tôi mới thật sự yên tâm.
Tien Nguyen, Nguyen Bich Thuy và 51 người khác
32 bình luận
1 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.