Đọc tác phẩm Thằm sâu miền ký ức của Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu

Leave a Comment

 Đọc tác phẩm “Thẳm sâu miền ký ức” của Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu

Tôi đã đọc nhiều bài viết của Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu trên Facebook và cũng đã đọc nhiều đoạn trích trong cuốn Thẳm sâu miền ký ức của tác giả trên trang mạng xã hội này. Bị cuốn hút bởi chất văn và nội dung ngồn ngộn chất liệu sống trong các bài viết, rất muốn được đọc trọn vẹn tác phẩm, tôi ngỏ ý hỏi mượn một vài đồng đội Trung đoàn 3 quen biết với tác giả. May mắn có anh Vũ Thành, người được anh Nguyễn Mạnh Đẩu tặng cuốn sách này ngày 7/2/2022.
Tôi dành hai ngày đọc liền mạch hết 293 trang hồi ức với niềm hứng khởi vì nội dung tác phẩm gắn liền với lịch sử Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 anh hùng, vì cách kể chuyện chân thực, ấm tình đồng đội và đậm nét văn học của một cán bộ từng là người lính, người chỉ huy bản lĩnh xông pha nơi trận mạc. Với bút pháp vừa khái quát vừa cụ thể, vừa tinh tế vừa sắc bén, anh Nguyễn Mạnh Đẩu đã đưa người đọc về một miền quê giầu truyền thống; đưa người đọc về những năm tháng hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ vô cùng ác liệt, đầy hy sinh mất mát.
Thằm sâu miền ký ức là một tác phẩm ký xuất sắc về đề tài chiến tranh, đồng thời cũng là một tác phẩm văn học đầy cảm xúc và sâu sắc. Tác giả đã tái hiện lại những trải nghiệm sống và chiến đấu của mình, của đơn vị mình trong thời gian 8 năm ác liệt ở các chiến trường. Nhưng đằng sau mỗi chi tiết, sự kiện, Thẳm sâu miền ký ức còn thấm đẫm tính nhân văn, nghĩa tình của gần một đời người qua những trải nghiệm xúc động về tình yêu gia đình, tình yêu quê hương, tình đồng đội đồng chí. Gấp lại trang cuối tác phẩm tôi thấy cả một chặng đường lịch sử, cả một thế hệ thanh niên huyền thoại thời đại Hồ Chí Minh. Tôi nghĩ rằng đó là những giá trị lớn nhất của tác phẩm.
Ba phần đầu cuốn Thẳm sâu miền ký ức, tác giả giúp người đọc khám phá, hiểu biết về lịch sử một miềm quê Nghi Lộc, lai lịch dòng họ danh nhân Nguyễn Xí làng Đại Xá. Năm phần tiếp là một chuỗi sự kiện lịch sử, những trận chiến diễn ra từ năm 1964 đến năm 1971. Tác giả kể lại chân thực, sinh động từng trận đánh trên các chiến trường Lào, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế… Tôi đã đọc cuốn Lịch sử Trung đoàn 3, Lịch sử Sư đoàn 324. Sau khi đọc cuốn Thẳm sâu miền ký ức và một số cuốn hồi ký khác của cả hai bên chiến tuyến tôi cho rằng cả lịch sử trung đoàn và lịch sử sư đoàn cần phải viết lại và bổ sung thêm một số tư liệu mới.
Ngày 5/8/1964 là cột mốc mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đồng thời cũng là cột mốc trong cuộc đời chàng trai Nguyễn Mạnh Đẩu. Đang học lớp 9, chưa đầy 16 tuổi anh đã vào dân quân. Anh xin tiền mẹ mua cây đòng và một cuộn dây thừng như quy định. Anh tập xạ kích, đâm lê, ném lựu đạn, gói bộc phá, đào công sự; học phòng ngự, phục kích, tập kích, bao vây truy kích… Tóm lại mới ở tuổi vị thành niên anh đã được học kỹ, chiến thuật quân sự khá bài bản. Trong khí thế hăng hái tòng quân lên đường của quê hương đất nước, anh đã khai tăng tuổi để được nhập ngũ. Tôi tự hỏi cái gì đã khiến một chàng trai 16 tuổi làm đơn gia nhập quân đội? Có lẽ đó chính là truyền thống gia đình (cha anh nhập ngũ sau cách mạng tháng Tám), dòng họ (Thái sư Cương Quốc công là thủy tổ dòng họ), truyền thống của quê hương đất nước. Đó chính là ý thức dân tộc hàng nghìn năm thẩm thấu, thấm nhuần hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước qua những bài học lịch sử, văn học ở nhà trường. Tất cả đã được chàng thanh niên “sinh phải thời loạn lạc” đón nhận như một lẽ tự nhiên.
Những trận đánh ở chiến trường Lào, những trận thử lửa đầu tiên trên đất bạn đã rèn luyện người lính mới Nguyễn Mạnh Đẩu, người mang trong mình ý thức dân tộc cùng với lý tưởng cách mạng trở thành một người lính trận thực thụ. Nói có vẻ như lên gân nhưng thực tế đúng là như vậy. Trận sốt rét sinh tử lần đầu tiên cùng với việc khi anh bước chân về Đại đội 2, cả Tiểu đội 8 đã hy sinh đến người cuối cùng để chốt chặn địch. Trong hoàn cảnh ấy, không có ý thức trách nhiệm với đất nước, không có hoài bão lý tưởng cách mạng thì anh và bao người lính khác đã không thể đứng vững trước khi xung trận lần đầu.
Tôi rất thích và đã đọc đi đọc lại những trang viết ở chiến trường Lào. Một phần bởi vì tôi liên tưởng đến hình ảnh những đàn “quạ đen” ở chiến trường với những xác chết “cháy đen”, “cháy sạm”, “loang lổ bết máu”; thấy được bóng dáng của mình, của đồng đội mình trong những trận đánh đầu tiên của người lính ở chiến trường Thừa thiên vào những năm 70. Cảm giác như những câu chữ của anh như đang viết về mình, về đồng đội mình. Rất chân thực. Chỉ khác là anh cầm được mấy liễn xôi, còn chúng tôi thì thu được một vài chiếc ba lô, bên trong có bộ quân phục nguỵ, một quyển sổ nhật ký và một chiếc bắp cải... Tôi đọc đi đọc lại một phần vì những trang viết ở chiến trường Lào trong cuốn Lịch sử Trung đoàn 3, Lịch sử Sư đoàn 324 còn sơ sài. Tôi muốn khắc ghi những hình ảnh, chi tiết trong tác phẩm để có được sự hiểu biết sâu hơn về quá khứ oanh liệt của trung đoàn.
Tôi cũng bị thu hút, đọc đi đọc lại những trang viết về “Chiến trường Quảng trị, hun đúc trưởng thành”. Cũng bởi những lý do đã nêu nhưng thêm vào đó là bị hấp dẫn bởi cái cách tác giả sử dụng thủ pháp đồng tái hiện, phi tuyến tính; bởi lối hành văn khúc chiết, câu văn ngắn gọn dồn nén nhiều thông tin; bởi vốn sống, sự hiểu biết, sự từng trải trận mạc của tác giả… Điều tôi thích nhất ở phần này, người đọc không chỉ thấy được con người tác giả, người được kết nạp vào Đảng trước trận đánh vì sự gan dạ xông xáo, vì lòng dũng cảm không sợ hy sinh hoàn thành mọi nhiệm vụ, mà người đọc còn cảm nhận được bức tranh hiện thực, sinh động của một trung đoàn đánh Mỹ đầu tiên trên chiến trường Quảng Trị khốc liệt. Người đọc thấy được bức tranh khái quát khá hoàn chỉnh nhiều cán bộ chiến sĩ, đặc biệt là những cán bộ chỉ huy từ cấp cơ sở, cấp tiểu đoàn đến trung đoàn, chân dung những cán bộ dần trưởng thành trong máu lửa chiến trận, dần trở thành những cán bộ nòng cốt ở các cấp tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn và của cả các đơn vị bạn trong quân đội sau này.
Cái mạch văn đầy sức quyến rũ tiếp tục dẫn dắt người đọc qua hai phần: “Chiến trường Thừa Thiên-Huế, viết di chúc năm 20 tuổi” và “Chiến dịch Đường 9-Nam Lào, mong manh đôi bờ sinh tử”. Tôi không muốn đi sâu vào từng trận đánh thể hiện phẩm chất cao đẹp của người lính trong chiến trận. Hãy để cho hình tượng tác phẩm tỏa sáng với người đọc. Tôi chỉ dừng lại ở chi tiết người lính “viết di chúc” ở tuổi 20 và trận đánh cuối trong chiến dịch Đường 9- Nam Lào.
Di chúc được hiểu là sự thể hiện ý chí, nguyện vọng của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình sau khi chết. Tài sản của Anh Nguyễn Mạnh Đẩu là tài sản tinh thần, tài sản của anh cũng như của nhiều người lính trong chiến tranh dự cảm mình sẽ hy sinh, mong muốn được để lại cho người thân. Trong lịch sử nhân loại, lịch sử dân tộc Việt Nam, có lẽ chỉ có những người lính chiến mới có loại “di chúc” đặc biệt này, những người lính trong cuộc chiến một mất một còn gửi lại cho cha mẹ, người yêu, thầy giáo… Trường hợp của anh Nguyễn Mạnh Đẩu là gửi cho cha. Tôi xin được lược trích một phần: “Cha kính yêu! Khi cha nhận được quyển sổ này, thì Nguyễn Mạnh Đẩu- đứa con trai thân yêu của cha đã hy sinh ngoài mặt trận… Dẫu có sống đến 800 tuổi như ông bành tổ rồi cũng phải chết, không ai qua được. Vấn đề là, sống và chết thế nào cho xứng đáng…” Toàn bộ “bản di chúc” như anh viết là lời tâm sự, nhắn nhủ viết ra từ đáy lòng, từ trong nước mắt của một người lính mới 20 tuổi, còn quá trẻ để từ giã người thân, từ giã cuộc sống mới thực sự bắt đầu. Vậy mà người thanh niên Nguyễn Mạnh Đẩu đã nắn nót viết: “KHI TÔI HY SINH, ĐỀ NGHỊ ĐƠN VỊ CHUYỂN HỘ VỀ CHO CHA TÔI”.
Anh Nguyễn Mạnh Đẩu viết di chúc trong bối cảnh sau tết Mậu Thân 1968, quân số trung đoàn 3 hy sinh tới mấy trăm người. Trong năm bổ sung quân số cho các đơn vị đến 8 lần. Ác liệt, gian khổ, thương vong diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Không khí bi hùng bao trùm lên cả đơn vị. Anh xác định mình có thể hy sinh bất cứ lúc nào. Anh chủ động xác định trước vấn đề trọng đại nhất trong đời một con người, một dân tộc là đối mặt với cái chết. Đó là thái độ “chủ động tích cực, thanh thản lạc quan” đón nhận cái chết. Chỉ có những con người mang trong mình lý tưởng, khát vọng “Không có gì quý hơn độc lập tự do” mới có thể xả thân vì lý tưởng. Đó là lý tưởng của thế hệ thanh niên cách mạng thời đại Hồ Chí Minh. Vì lý tưởng cao quý đó mà chúng ta đã đánh thắng Mỹ.
Trong Chiến dịch Đường 9-Nam Lào, trên cương vị Chính trị viên Đại đội 20 Đăc công, anh Nguyễn Mạnh Đẩu nhận nhiệm vụ cùng với Trung đoàn 1 đánh vào điểm cao 550 tiêu diệt Lữ đoàn dù 147. Đại đội đặc công của anh là mũi nhọn đột kích chủ yếu. Từ 7h tối đến 12h đêm đại đội vượt qua mọi trở ngại, tập kết theo đúng kế hoạch lên đỉnh dốc và phát lệnh nổ súng. Trong cuộc tấn công dũng mãnh vào sào huyệt của kẻ địch, anh bị trúng đạn tiểu liên AR-15 ở lồng ngực. Anh nằm gục xuống tại chỗ. Biết mình khó qua khỏi, anh thều thào nói với ban chỉ huy đại đội: “Các anh xốc lại đội hình, dùng hỏa lực chi viện, chỉ huy đơn vị nhanh chóng đánh thốc lên… Bằng mọi giá phải dứt điểm sớm…”
Bị thương rất nặng, cái chết cận kề cũng không ngăn được sự quyết tâm, tính quyết đoán, không ngăn cản được ý chí quyết hoàn thành nhiệm vụ của người chỉ huy đại đội. Anh đúng là con người tiêu biểu cho ý chí quyết tâm “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành” của quân đội ta. Mặc dù chỉ là một chính trị viên đại đội, nhưng khi nghe tin anh bị thương, Tư lệnh Sư đoàn, Tư lệnh phó Sư đoàn, Chính ủy Sư đoàn cùng các cán bộ trung đoàn đều đến thăm hỏi. Anh đã khẳng định được phẩm chất, vị thế của mình trước anh em đồng đội, trước những người chỉ huy cao nhất của trung đoàn, sư đoàn. Anh cố gắng gượng báo cáo diễn biến trận đánh và đề nghị tăng cường lực lượng nhanh chóng dứt điểm, động viên đơn vị tiếp tục chiến đấu hoàn thành nhiệm vụ. Tôi cho rằng đây chính là phẩm chất của một người anh hùng.
Anh luôn nghĩ về đơn vị, không hề nghĩ đến cá nhân mình ngay cả khi cái chết đến rất gần. Những chiến sĩ và cán bộ có phẩm chất như anh dù cuộc chiến tranh có kéo dài đến đâu, dù sự ác liệt của cuộc chiến tranh diễn ra ở mức độ nào, dù có thắng, có thua trong các trận đánh, nhưng cuối cùng chiến thắng nhất định sẽ thuộc về chúng ta. Và cũng với tinh thần “quyết chiến quyết thắng” đó trong chiến đấu đã giúp anh vượt qua lưỡi hái tử thần trong quá trình chiến đấu với viên đạn găm vào phổi làm thủng khí quản...
Không thể không nói đến một khía cạnh giá trị nhân văn trong tác phẩm Thẳm sâu miền ký ức. Chính tình đồng đội, đồng chí chí nghĩa chí tình chân thành, chính thái độ khách quan, sự hiểu biết, việc đánh giá đúng mực, tôn trọng anh em đồng đội đồng chí, tôn trọng cấp trên cấp dưới khiến tôi rất ngưỡng mộ tác giả. Nhân cách của người viết vừa cuốn hút người đọc, vừa giúp người đọc cảm nhận được những giá trị vượt ra ngoài hình tượng tác phẩm- Đó là phẩm chất cao đẹp của rất nhiều cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 3 dù họ ở cương vị nào, dù họ ở trong thời chiến hay thời bình, dù thời gian có dãi dầu qua bao năm tháng, nhưng phẩm chất của tất cả những con người đó cứ lung linh ngời sáng. Ở khía cạnh này, thực sự tác phẩm đã đạt đến mức“chân, thiện, mỹ”.
Tôi rất thích đọc những dòng viết khái quát, những trang viết về các cán bộ chiến sĩ như anh Ma Vĩnh Lan, anh Bùi Trần, anh Nguyễn Hoán, anh Phan Hà, anh Võ Chót, anh Lê Hồng Hải, anh Ngô Đình Nựu, anh Lê Văn Dánh, anh Phan Đân, anh Hồ Hữu Lạn... Người đọc vừa thấy được số phận, phẩm chất, cuộc đời của các nhân vật vừa thấy được thái độ, sự trân trọng của người viết. Tôi xin trích một đoạn trong số hai đoạn tác giả viết về Đại tá Hồ Hữu Lạn: “Anh Hồ Hữu Lạn là người chỉ huy chiến đấu dũng cảm, quyết đoán, mưu trí, chủ động, sáng tạo. Đồng thời, anh là một người lãnh đạo có phẩm chất tốt, vừa xứng tầm, vừa có tâm... Khi soi rọi vào, tôi thấy mình và chắc chắn nhiều người cùng trang lứa nữa, còn thua kém anh Lạn nhiều điều... Quá trình chiến đấu của anh Hồ Hữu Lạn trên những nẻo đường chiến trận là rất phong phú, đầy đặn với bao chiến tích, sự kiện. Trong đó có nhiều chiến tích của đơn vị do anh chỉ huy có ý nghĩa là bài học chiến thuật, nghệ thuật chiến dịch trong các bước ngoặt chiến lược trên chiến trường...”
Xưa nay nhiều người thường thiên viết về cái “tôi”, nhưng ở Nguyễn Mạnh Đẩu tôi thấy anh chú ý đến cái “ta”, chú ý đến cái của người khác. Nhiều trang viết về chiến tranh hồi hộp đến nghẹt thở nhưng nhiều trang viết đi tìm đồng đội khiến người đọc vô cùng xúc động, những người đồng đội sau nhiều năm dù vị trí trong xã hội rất khác nhau, khi gặp nhau vẫn là những người lính như thủa nào.
Thật cảm động đọc những đoạn tác giả tìm về quê những người đồng đội, con cháu của những người đồng đội, những người lính của tác giả. Anh lính Tạ Ngọc Dũng tuổi trẻ "da trắng, môi đỏ tươi" sau ba mươi năm là một "ông già khô đét, đen đúa" đứng giữa ruộng tôm. Ông Dũng không thèm quay lại khi tác giả hỏi thăm... Để rồi họ nhận ra nhau, ôm choàng lấy nhau. Tôi đã không thể cầm được nước mắt... Cũng giống như ông Dũng, ông Lê Văn Lướt, chỉ huy cũ của tác giả, năm 1963 tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục Quân với quân hàm Thiếu úy. Sau 12 năm chiến đấu anh dung ở chiến trường, ông Lướt về hưu với quân hàm Trung úy. Tác giả sửng sốt than vãn sau 12 năm ông Dũng mới lên được một bậc. Ông Lướt cười: "Nước có giặc thì đi đánh giặc, hết giặc thì về quê, tổ chức trao gì được nấy". Ôi, phẩm chất của người lính sao mà đẹp đến như vậy. Tôi cũng không thể cầm được
nước mắt... Tôi mừng cho cho cuộc hội ngộ của họ. Tôi cảm động trước nghĩa tình của những con người cao đẹp, những con người không hề so bì, không bị nhiễm và chấp trước cái tâm của người thường!
Trong khuôn khổ của bài viết, cuối cùng tôi xin cảm ơn anh Vũ Thành, một chiến sĩ trong trận A Bia năm xưa đã đón tiếp tôi vào lúc sáng sớm và cho tôi mượn cuốn Thẳm sâu miền ký ức, một cuốn sách quý của một vị tướng lĩnh từng trải qua trận mạc. Tôi nghĩ cuốn sách không chỉ có giá trị như những gì tôi đã nêu ở trên. Cuốn sách còn có giá trị tổng kết những sự kiện lịch sử, để lại cho mai sau những bài học về lý tưởng của thanh niên, về tinh thần chiến đấu, khả năng chiến đấu và chiến thắng kẻ thù... Tóm lại “Thẳm sâu miền ký ức” là một tác phẩm văn học, mang tính lịch sử đáng để mọi người đọc. Tác phẩm đem đến cho độc giả một cái nhìn sâu sắc về cuộc chiến tranh Việt Nam và cuộc sống của những cán bộ chiến sĩ tham gia trong đó. Xin chúc mừng và cảm ơn Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu đã để lại một “đứa con tinh thần” rất quý giá cho hậu thế.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.