Đôi điều về mô hình dạy học 5E

Leave a Comment

 Đôi điều về mô hình dạy học 5E và quy trình 5 bước lên lớp

Có một thực tế mà các nhà quản lý giáo dục và giáo viên trong các trường học thường phàn nàn là một bộ phận học sinh không hứng thú học, hay nói khó nghe là học sinh không thích học, chán học. Tình trạng này đã diễn ra trong nhiều năm trở lại đây, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục. Mặc dù ngành giáo dục và các nhà trường đã có nhiều cố gắng cải tiến phương pháp giảng dạy nhằm phát huy tính chủ động tích cực của học sinh trong quá trình dạy học, nhưng xem ra vẫn chưa cải thiện được “hứng thú học tập của học sinh”. Cũng chính vì vậy chất lượng giáo dục thực chất còn xa mới đạt yêu cầu.
Tại sao học sinh không thích học? Có rất nhiều lý do (xin xem các bài viết về giáo dục của tôi trong trang Facebook này: Bao giờ giáo dục Việt Nam mới hội nhập được với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, Liệu cải cách giáo dục có đáp ứng được yêu cầu, Cảm nghĩ về kỳ thi tốt nghiệp THPT trong những ngày đại dịch). Trong các lý do dẫn đến học sinh chán học, theo tôi có một lý do thuộc về phương pháp dạy học. Ngoại trừ các tiết thao giảng, nhìn chung thầy cô ở các nhà trường vẫn truyền thụ giảng giải tri thức một chiều. Học sinh phải thụ động ghi chép nhiều để nhớ, để hiểu, để áp dụng. Tiết học nào cũng vậy, ngày học nào cũng vậy, Học sinh không chán mới là lạ.
Ngành giáo dục bao năm nay loay hoay cố gắng thoát ra khỏi tình trạng trên nhưng không thoát được ma trận sĩ số. 50 học sinh, thậm chí có nhà trường còn gần 60 học sinh trên một lớp học. Yêu cầu giáo viên áp dụng phương pháp tích cực, phương pháp hợp tác, dạy học nêu vấn đề, học tập theo nhóm, cá thể hóa học tập… Bao nhiêu công sức của giáo viên, học sinh vẫn chán học. Sĩ số quá lớn dẫn đến mâu thuẫn giữa số lượng và chất lượng. Giáo viên không thể giải quyết được mâu thuẫn này (các nước tiên tiến chỉ 10 đến 25 học sinh trên một lớp). Không thể trách giáo viên. Nói theo thuật ngữ quốc tế, họ phải “talk and chalk” (nói cùng với phấn viết) để giúp 50 học sinh hiểu nội dung bài giảng, thực tế đã là một thành công rồi.
Một nguyên nhân học sinh chán học nữa là vì học sinh là con đẻ của thời đại, thời đại công nghiệp 3.0, 4.0. Các em được thừa hưởng những thành tựu khoa học kỹ thuật trên các các phương tiện thông tin đại chúng vô cùng phong phú và hấp dẫn. Khi “phải” nghe giảng lý thuyết và ghi chép hết tiết này sang tiết khác, hết môn xã hội đến môn tự nhiên rồi kỹ thuật, công nghệ… Tất cả thuần lý thuyết suông nhồi nhét nên học sinh chán học là đúng. Nhà trường các nước tiên tiến người ta đã đưa công nghệ, khoa học vào nhà trường như máy tính (mỗi học sinh đều có một máy tính hoặc một máy tính bảng (nghèo không có thì nhà nước cấp), phim 3D, internet, thực tế ảo, robot thậm chí đưa cả máy in 3D, trí tuệ nhân tạo vào trong lớp học, còn giáo viên chúng ta chỉ có lời nói và phấn với bảng đen (các trường ở thành phố có đưa máy tính vào lớp học nhưng việc sử dụng ít hiệu quả).
Đến thăm và dự giờ một số trường học ở một số bang của Mỹ tôi mới thấy trường học của mình quá lạc hậu, lạc hậu về cơ sở vật chất, lạc hậu về phương pháp dạy học, lạc hậu về tâm lý sư phạm và mới thấy thương cho thầy trò của mình. Tôi nhận thấy mỗi ngày học của họ thật sự là một ngày vui, một ngày vui của cả thầy và của trò; còn của chúng ta hoàn toàn chỉ là khẩu hiệu, rất căng thẳng nặng nề. Một trong những điều dễ nhận thấy khi dự giờ thăm lớp tôi thấy giáo viên người ta không sử dụng 5 bước dạy học như chúng ta. Thay vào đó họ áp dụng mô hình dạy học 5E.
Mô hình dạy học 5E là một mô hình được các thầy cô giáo ở Mỹ áp dụng khá phổ biến trong giờ dạy các môn học tự nhiên, đặc biệt là trong giáo dục STEM (xin xem 8 bài viết của tôi trên trang mạng Diễn đàn giáo dục STEM ở trường trung học). Nó giống như 5 bước lên lớp, quy trình khép kín của một tiết dạy học tại các trường học phổ thông Việt Nam.
Theo tôi cả hai mô hình lên lớp đều có ý nghĩa khoa học và tác dụng nhất định. Tuy nhiên nó khác nhau về chất. Mô hình 5E dựa trên thuyết kiến tạo nhận thức (cognitive constructivism) trong quá trình học, một trong những lý thuyết mới giúp học sinh phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, vai trò trung tâm của người học. Còn 5 bước lên lớp truyền thống ở Việt Nam có từ khi khai sinh ra nền giáo dục Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là sản phẩm của quá trình lên lớp truyền thống từ hơn 70 năm nay (đến nay vẫn không thay đổi, cải tiến. 5 bước đó là ổn định tổ chức (1-2 phút), bước đầu tiên chuẩn bị tâm thế bước vào tiết học. Bước kiểm tra bài cũ (2-3 phút) với quan niệm chỉ có kiểm tra thường xuyên mới thúc đẩy học sinh làm bài, học bài nghiêm túc. Tiếp theo là bước giảng bài mới (35-40 phút), đây là bước trọng tâm. Tiếp theo nữa là bước củng cố (2-3 phút). Bước cuối cùng là dặn dò (2-3 phút).
Quy trình 5 bước lên lớp ở Việt Nam suy cho cùng bản chất nó là hướng tới việc thầy cô xoay quanh truyền thụ kiến thức và giảng giải; trò ghi chép ghi nhớ để hiểu và vận dụng nhằm tối đa hóa tư duy bậc thấp trong thang nhận thức Bloom: Nhớ, hiểu, vận dụng.
Mô hình dạy học 5E ở Mỹ là một mô hình gọi theo 5 chữ cái đầu của 5 từ tiếng Anh: 1. Engage (Gắn kết). 2. Explore (Khảo sát, khám phá). 3. Explain (Giải thích). 4. Elaborate (Áp dụng cụ thể). 5. Evaluate (Đánh giá). Mô hình này ra đời vào năm 1987, được Tiến sĩ Rodger W. Bybee cùng với các cộng sự của ông đề xuất cho chương trình dạy học các môn sinh học ở bậc tiểu học của Mỹ, gọi tắt là mô hình 5E.
Mô hình 5E dựa trên lí thuyết kiến tạo về học tập, theo đó người học xây dựng kiến thức từ quá trình trải nghiệm thực tế, từ kiến thức đã có (xin xem các bài viết của tôi về giáo dục Mỹ trong trang Facebook này: Chọn trường mầm non cho Lâm, Thăm trường Tiểu học Russel, Thăm trường THCS Gentry, Thăm trường THPT Rock Bridge Columbia…). Mô hình này đã kế thừa từ sự phát triển của các mô hình giáo dục đã có trước đó. Mô hình thể hiện được đặc điểm của quá trình học khoa học cũng như tạo ra được sự gắn kết giữa các hoạt động trong lớp học.
Mô hình 5E ảnh hưởng sâu rộng đến với nhiều bộ môn khoa học như lý, hóa, sinh, đặc biệt đem lại hiệu quả đối với học sinh trong quá trình học các môn liên quan đến STEM (toán, khoa học, công nghệ, kỹ thuật) . Mô hình này lan truyền từ Mỹ đến nhiều quốc gia và châu lục, lan truyền đến nhiều trình độ dạy học khác nhau, từ tiểu học đến đại học.
Mô hình dạy học 5E gồm 5 giai đoạn và có những đặc điểm chính như sau:
- Engagement (Gắn kết)
Ở khâu này, về phía thầy, “người hướng dẫn” cần có sự hiểu biết về kiến thức sẵn có của học sinh và xác định khoảng trống kiến thức học sinh về những kiến thức mới. Khuyến khích học sinh quan tâm đến các khái niệm sắp học để học sinh sẵn sàng tìm hiểu. Giáo viên có thể hỏi, có thể khuyến khích học sinh tự đặt câu hỏi mở hoặc ghi lại những gì họ đã biết về chủ đề bài học; cần thu hút sự chú ý và quan tâm của học sinh, tạo không khí trong lớp học. Trên cơ sở đó giáo viên có thể giới thiệu rất ngắn gọn tổng quát kiến thức mới, khái niệm mới. Về phía học sinh, học sinh cảm thấy có sự liên hệ và kết nối với những kiến thức hoặc trải nghiệm trước khi học bài mới liên quan đến quá trình học. Nó cho phép học sinh gắn kết, liên hệ lại với các trải nghiệm và quan sát thực tế mà các em đã có trước đó.
Ở Việt Nam khâu này này tương đương với khâu ổn định tổ chức và kiểm tra bài cũ. Kiểm tra bài cũ của mình là nhằm theo dõi sự chuyên cần, kiểm tra xem học sinh học bài và làm bài như thế nào. Thực chất là giáo viên kiểm soát việc học thuộc kiến thức, áp dụng kiến thức, buộc học sinh tạo thành thói quen thụ động học thuộc lòng và vận dụng nhận kiến thức sách vở làm bài tập.
- Exploration (Khảo sát, khám phá)
Ở khâu này, học sinh được chủ động khám phá các khái niệm mới thông qua các trải nghiệm học tập cụ thể. Sau đó, giáo viên cung cấp kiến thức rất ngắn gọn hoặc trải nghiệm mang tính cơ bản, nền tảng, dựa vào đó các kiến thức mới bắt đầu được triển khai. Học sinh sẽ trực tiếp khám phá và thao tác trên nguyên vật liệu hoặc học cụ được chuẩn bị sẵn. Giáo viên có thể yêu cầu học sinh thực hiện các hoạt động như quan sát, làm thí nghiệm, thiết kế, thu thập số liệu.
- Explanation (Giải thích)
Ở khâu này, “người hướng dẫn” hướng dẫn học sinh tổng hợp kiến thức mới và đặt câu hỏi nếu họ cần làm rõ thêm. Tạo điều kiện cho học sinh được trình bày, miêu tả, phân tích các trải nghiệm hoặc quan sát thu nhận được ở bước Khảo sát, khám phá. Giới thiệu các thuật ngữ mới, khái niệm mới, công thức mới, giúp học sinh kết nối và thấy được sự liên hệ với trải nghiệm trước đó. Yêu cầu học sinh chia sẻ những gì mà các em đã học được trong giai đoạn Khảo sát, Khám phá trước khi giới thiệu thông tin chi tiết một cách trực tiếp hơn.
- Elaborate (Áp dụng cụ thể)
Tạo cho học sinh có được không gian áp dụng những gì đã học được. Giúp học sinh thực hành và vận dụng các kiến thức đã học được ở bước Giải thích, giúp học sinh làm sâu sắc hơn các hiểu biết, khéo léo hơn về kỹ năng, và có thể áp dụng được trong những tình huống và hoàn cảnh đa dạng. Điều này giúp các kiến thức trở nên sâu sắc hơn. Có thể yêu cầu học sinh trình bày chi tiết hoặc tiến hành khảo sát bổ sung để củng cố các kỹ năng mới; giúp học sinh củng cố kiến thức trước khi được đánh giá.
Ở 3 khâu khảo sát, giải thích, áp dụng trong mô hình 5E, nó tương ứng như bước giảng bài mới của Việt Nam (việc định hướng “giảng bài mới” ở Việt Nam về bản chất nó đã mang tính thông báo thông tin truyền thụ kiến thức, giảng giải kiến thức; học sinh thụ động thu nhận thông tin kiến thức). Rõ ràng ta thấy vai trò của học sinh trong lớp học 5E ở Mỹ hoàn toàn khác. Học sinh chủ động chiếm lĩnh kiến thức bằng nhiều hình thức từ trải nghiệm tới trực tiếp khám phá qua quan sát, thí nghiệm, thiết kế, thu thập, rồi trình bày, miêu tả, phân tích... Còn khâu “giảng bài mới” ở Việt Nam, bản thân nó đã định hướng thầy giảng trò nghe (dù có phát vấn, chia nhóm, dù có áp dụng một số hình thức của phương pháp tích cực, hợp tác thì vẫn là định hướng thầy truyền đạt thông tin, trò phải nắm được thông tin một chiều theo nội dung bài giảng của thầy. Sau đó áp dụng làm bài tập cũng là để nắm chắc thông tin, chứ không áp dụng trong những tình huống của cuộc sống và những hoàn cảnh đa dạng thực tế.
- Evaluation (Đánh giá)
Ở giai đoạn cuối, giáo viên có thể đánh giá học sinh dưới nhiều hình thức như các bài kiểm tra, dưới dạng những câu hỏi nhanh. Đặc biệt có thể đánh giá qua quan sát học sinh trong hoạt động nhóm để xem sự tương tác của các em trong quá trình học. Cần lưu ý học sinh tiếp cận các vấn đề theo một cách khác dựa trên những gì họ học được để đánh giá. Các yếu tố của Giai đoạn Đánh giá bao gồm việc tự đánh giá (thông qua phiếu học tập tự nhận xét của học sinh học được cái gì), bài tập viết và bài tập trắc nghiệm, hoặc thông qua qua các sản phẩm học sinh làm ra… Giáo viên linh hoạt sử dụng các kỹ thuật đánh giá để nhận biết quá trình nhận thức và khả năng của từng học sinh, đưa ra các phương hướng điều chỉnh và hỗ trợ học sinh phù hợp, giúp học sinh đạt được các mục tiêu học tập đã đề ra (nếu học sinh không đạt yêu cầu các em phải học những giờ đặc biệt, có giáo viên chuyên biệt giảng dạy).
Khâu này tương ứng với khâu củng cố và dặn dò (5 phút) ở Việt Nam. Bản chất khâu củng cố dặn dò thực chất cũng là để kiểm tra lại kiến thức, thông tin học sinh đã thu nhận được; từ đó giáo viên bổ sung và củng cố thêm. Đồng thời hướng dẫn học sinh học bài, làm bài ở nhà và chuẩn bị cho việc học bài mới. Có nghĩa là trung tâm vẫn là thầy cô. Tất cả mọi điều học sinh cần phải thực hiện là thụ động làm theo yêu cầu của thầy. Cụ thể là việc đánh giá phải dựa trên cơ sở nhớ, hiểu và vận dụng làm bài tập. Nó khác về chất so với khâu đánh giá linh hoạt, toàn diện theo mô hình 5E. Mô hình 5E trở thành một công cụ hữu hiệu giúp cho người học tiếp nhận bài học có tính hệ thống, liền mạch, có cơ hội phát triển tâm lý tự khám phá và kiến tạo kiến thức.
Với giáo viên mô hình 5E giúp chuẩn bị bài giảng đơn giản và có tính hệ thống, giúp tạo được những hoạt động đa dạng cho học sinh trải nghiệm. Quy trình dạy học này giảm thời lượng dạy nhiều lý thuyết, tạo ra các hoạt động thực hành và khám phá. Với học sinh mô hình này tạo ra “một sự hiểu biết khoa học tốt hơn đáng kể so với cách học truyền thống”; giúp tăng đáng kể hiệu quả học tập và duy trì tính kết nối giữa các bài học khoa học. Nó hướng tới việc hình thành những kỹ năng tư duy bậc cao trong thang nhận thức Bloom: Phân tích, đánh giá, sáng tạo
Theo nhiều nhà nghiên cứu giáo dục Mỹ, mô hình dạy học 5E là một cách tiếp cận có hệ thống, giúp phát huy vài trò trung tâm của người học. Ở mô hình này, giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn, gợi mở và tạo các cơ hội cho học sinh được tiếp cận kiến thức mới, các khái niệm mới ở dưới nhiều góc độ với mức độ khác nhau và cải thiện được tình trạng chán học hiện nay của một bộ phận học sinh. Ignacio Estrada nhà triết học, nhà giáo dục học có nói nếu trẻ không thể học theo cách chúng ta dạy, có lẽ chúng ta nên dạy theo cách mà chúng học ( If a child can’t learn the way we teach, maybe we should teach the way they learn). Với tinh thần này, tôi nghĩ mô hình dạy học 5E là một mô hình đáng để giáo viên Việt Nam tham khảo và học hỏi.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.