Một buổi sáng mùa hè

Leave a Comment

 Một buổi sáng mùa hè

Buổi sáng hôm nay tôi đến 3 địa điểm. Địa điểm thứ nhất là một ngôi trường phổ thông. Địa điểm thứ hai là một cánh đồng quê vào vụ. Địa điểm thứ ba là một ngôi chùa cổ. Có thể nói đó là ba môi trường hoàn toàn khác nhau nhưng có liên quan và cho đến hôm nay tôi mới suy ngẫm về vai trò của nó trong cuộc sống.
Theo lệ thường, tôi thay mặt cơ quan đến dự lễ tổng kết tuyên dương khen thưởng học sinh năm học 2022-2023 tại một trường TH ở ngoại thành Hà Nội. Ngôi trường này cũng như tất cả các ngôi trường khác trên đất nước đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục đào tạo thế hệ trẻ, phát triển kỹ năng sống, tạo ra cơ hội tương lai, xây dựng cộng đồng và đóng góp vào sự phát triển của một quốc gia.
Trời quá nóng nên nhà trường bắt đầu chương trình từ 7h. Mặc dầu vậy khách khứa và hàng nghìn học sinh vẫn cảm thấy khó chịu bởi cái nóng bất thường ngay từ đầu hè. “Quy trình tổng kết năm học” từ bao nhiêu năm nay thường kéo dài, gần như quá tải với quy luật tâm lý học sinh. Càng về cuối, các em càng ồn ào, mất trật tự. Mồ hôi mồ kê nhễ nhại… Thầy trò vui thì có vui nhưng nghe ra có cái gì đó chưa thật ổn.
Sau gần hai giờ văn nghệ, nghe và chứng kiến kết quả, thành tích trong một năm học, tôi ra về theo đường tắt, qua một cánh đồng lúa chín vàng. Hương lúa chín thoang thoảng cùng với những cơn gió đồng làm dịu đi cái nắng oi ả. Lâu lắm rồi tôi mới được đi giữa một biển lúa vàng. Chợt nhớ đến lời một bài hát năm nào: Em đi giữa biển vàng, nghe mênh mang trên đồng lúa chín…
Bất chợt thấy một đầm sen, đầm sen hoa nở trắng ngần trên thảm lá xanh non mềm mại, thơm mát và đẹp đến nao lòng. Tôi rất thích sen trắng, một trong những loài hoa đẹp và có ảnh hưởng đến văn hóa, tín ngưỡng ở nhiều nước. Với vẻ đẹp tinh khiết, sen trắng đã trở thành nguồn cảm hứng, biểu tượng cho sự thanh tịnh và cao quý.
Hoa sen trắng trong đầm rộng bát ngát rất đặc biệt. Cánh hoa tua tủa khép lại như những búp sen đang nở. Bao cánh hoa mảnh mai vươn lên trên những cánh lá xanh mát tạo nên một hình ảnh tuyệt vời. Màu trắng tinh khiết của hàng ngàn bông sen trắng trong cái khoảng không bao la của cánh đồng lúa chín còn gợi lên trong tôi cuộc sống bình yên, hoàn mỹ chốn thôn quê dân dã, bình dị với bao nhiêu hoài niệm… Tôi có cảm giác như được hòa mình vào thiên nhiên, được giải thoát khỏi những bề bộn, phiền muộn trong cuộc sống.
Lưu luyến khỏa tay trong đầm sen đầy ắp nước trong mát. Lưu luyến hít thở sâu trong cái không khí thơm ngọt ngào hương sen, hương lúa. Thiên nhiên nơi đây không chỉ cung cấp cho con người ta sự sống mà còn cung cấp cho con người bao cảm xúc và chất lượng của cuộc sống. Lưu luyến chia tay cánh đồng, đầm sen, tôi đến thăm một ngôi chùa cổ, chùa Bối Khê. Ngôi chùa nổi tiếng trong số ít các ngôi chùa còn lưu lại những dấu vết kiến trúc gỗ nguyên bản thời Trần.
Chùa được kết cấu theo lối tiền phật hậu thánh (Thánh Bối) mang nhiều giá trị tâm linh trong quá trình phát triển của Phật giáo suốt chiều dài lịch sử phong kiến. Các pho tượng của chùa đều rất đẹp. Chất mật tông lấn át chất thiền tông và tịnh độ tông. Đẹp nhất là tượng Quan Âm Nam Hải thời Mạc, còn gọi là tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay có giá trị nghệ thuật cao. Tượng gỗ phủ sơn cao 2,53m đặt trên bệ đá hoa sen thời Trần. Hai bên có tượng Kim Đồng, Ngọc Nữ thời Nguyễn. Tượng Quan Âm ngồi trong tư thế bán Kiết già, có 14 tay với 7 đôi đối xứng qua thân:
Đôi tay thứ nhất: ngang đầu, nâng mặt trăng - mặt trời. Đôi tay thứ hai: cao vừa, ngón tay bắt ấn, đóng mở nửa vời, thu vào - búng ra. Đôi thứ ba: lòng bàn tay hướng về phía trước. Đôi thứ tư: chắp trước ngực. Đôi thứ năm: đặt trên lòng. Đôi thứ sáu: đặt trên đầu gối một tay ngửa, một tay úp. Đôi thứ bảy: chống thẳng sau hông, các ngón khép và duỗi trên mặt bệ.
Đặc biệt trong vườn chùa thâm nghiêm, u tịch có ba cây sen đất. Hoa sen đất trắng muốt có 9 đến 10 cánh trắng ngần, hương thơm ngát, trông giống như hoa sen trắng trong đầm, nhụy xanh vàng. Lá của cây sen đất có màu xanh sáng, bóng mượt và có mùi thơm đặc trưng, một điểm đặc biệt của loài cây này. Tương truyền những cây hoa sen đất này có từ mấy trăm năm trước, được người dân xem như báu vật của làng.
Tôi cho rằng cây hoa sen đất này chính là hình ảnh "cành sen" trong các bài ca dao mà thường bị nhầm lẫn với loài sen nước trong bài Tát nước đầu đình: Hôm qua tát nước đầu đình/ Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen, hoặc trong câu: Lên chùa bẻ một cành sen/ Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng. Trong thực tế, sen đất là một loài cây phổ biến trên thế giới. Cây sen đất này còn gọi là "Bạch liên sen", tên khoa học là Magnolia grandiflora. Ở Việt Nam, loài sen đất được nhiều nhà sư chọn trồng, như trong khuôn viên chùa Quán Sứ, chùa Lý Quốc Sư và một số đình chùa ở thôn quê…
Cả khuôn viên ngôi chùa rợp trong bóng mát của những cây muỗm cổ thụ sum suê. Hàng trăm quả muỗm chín vàng rụng thơm nức không ai nhặt. Quanh hai gốc cây hoa đại sần sùi, u bướu hoa rụng kín. Không gian yên ắng, thanh tịnh. Thỉnh thoảng một đám chị em, hình như là giáo viên và nữ sinh PTTH mặc áo dài đến chụp ảnh. Sau giây phút đó, ngôi chùa lại chìm trong yên tĩnh.
Chùa chiền hiện nay không còn đóng vai trò quan trọng nhưng không ít người vẫn đến tìm kiếm sự bình yên trong cuộc sống, đến để cầu xin phúc lộc thọ và giải tỏa tâm linh. Tôi nghĩ nhà chùa có thể còn là nơi để giáo dục, bảo tồn văn hóa truyền thống, thúc đẩy sự đoàn kết trong xã hội. Để duy trì và phát triển vai trò này, chùa chiền cần phải thích nghi và thay đổi để đáp ứng với nhu cầu của xã hội hiện đại, đồng thời cũng cần giữ vững những giá trị truyền thống, bảo tồn những giá trị văn hóa quý giá.
Đầu giờ chiều mới trở về đến cơ quan. Mở máy tính, Facebook hỏi tôi nghĩ gì? Tôi đã đi qua 3 thế giới. Một thế giới tôi từng làm việc trong hơn 40 năm qua. Một thế giới tuổi thơ tôi sống khi quê hương còn cánh đồng thẳng cánh cò bay với những ao hồ sen chưa đô thị hóa. Và một thế giới tâm linh tôi từng học tập, nghiên cứu, thế giới trong tâm tưởng của bà tôi, mẹ tôi cùng với bao người thân quen đã đi về cõi niết bàn!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.