Đôi điều cảm nghĩ về bán đảo Triều Tiên

Leave a Comment

Rời sân bay Nội Bài vào lúc 10h50, trên đường đi, tôi cứ suy nghĩ miên man. Nếu không có chuyến đi này có lẽ tôi chỉ có chút ít hiểu biết về Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (CHDCNDTT- Bắc Triều Tiên) và Đại Hàn Dân quốc (ĐHDQ- Hàn Quốc) từ năm 1945 đến nay. Đó là những kiến thức về lịch sử và quan hệ quốc tế mà tôi đã được học ở bậc đại học và sau đại học. Có thể nói một cách tổng quan hai miền Triều Tiên là sản phẩm của cuộc Chiến tranh Lạnh sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Giữa hai miền đã nổ ra một “cuộc chiến tranh ủy nhiệm” từ năm 1950 đến năm 1953. Đến năm 1991, hai miền Triều Tiên chính thức gia nhập Liên Hợp Quốc và trở thành hai quốc gia độc lập phát triển theo hai con đường riêng: Xã hội chủ nghĩa và Tư bản chủ nghĩa.
Nhờ có chuyến đi này tôi mới dành thời gian tìm hiểu trên Wikipedia tiếng Việt, tiếng Anh về CHDCNDTT và ĐHDQ. Hệ thống quan hệ quốc tế hiện đại đã tạo ra hai nước Triều Tiên. Nhưng trong tâm thức người Triều Tiên, cũng giống như người Việt, không thể một dân tộc mà có hai miền, dù hiện tại họ là hai quốc gia.
Theo tiếng Triều Tiên từ Triều Tiên có nghĩa là buổi sáng tươi đẹp. Dân tộc Triều Tiên thuộc một trong  những sắc tộc thuần nhất, là một dân tộc có nền văn minh lâu đời nhất trên thế giới. Con người đã từng có mặt trên bán đảo này từ thời kì đồ đã cũ. Họ sử dụng chung ngôn ngữ riêng biệt là tiếng Triều Tiên, có hệ thống chữ viết đặc thù Hangul. Quốc gia Cổ Triều Tiên thành lập năm 2333 trước Công nguyên. Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, cho đến khi Triều đại Triều Tiên (1392-1910) kết thúc, Triều Tiên trở thành thuộc địa của Nhật Bản. Và những gì diễn ra sau đó thì tôi đã trình bày trong bài viết trước.
Lịch sử hiện đại đã chia cắt họ. Trong hơn 60 năm qua người Triều Tiên đã làm tất cả những gì cần làm để có một quốc gia thống nhất, giống như trong quá khứ họ đã từng làm, chống lại phong kiến Trung Quốc, Nhật Bản, thoát khỏi ách đô hộ của Đế quốc Nhật sau hơn một thế kỉ. Giờ đây, Bán đảo này lại nằm trong sự toan tính lợi ích của bốn nước lớn Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản. Cho đến lúc này tôi mới thấm thía với tâm sự của một nhà nghiên cứu chính trị Hàn Quốc “Cái kì tích sông Hàn mà các bạn nói với chúng tôi, nếu so với kì tích thống nhất đất nước Việt Nam, về phương diện lịch sử, chính trị, văn hóa, cái nào mới đích thực là kì tích của một dân tộc”?
4h sáng theo giờ Việt Nam, máy bay hạ cánh. Ở sân bay quốc tế Incheon, trời đất vẫn còn tờ mờ. Nhìn ra xung quanh sương giăng mờ ảo. Xa xa chỉ thấy những dãy núi chạy dài. Bước vào cầu cảng, dọc theo chỉ dẫn qua cổng sân bay đi đến các nước, tôi bắt đầu thấy hình ảnh của một Hàn Quốc thu nhỏ dần hiện ra.
 Mặc dầu đọc một số bài viết trên Wikipedia và các tài liệu tham khảo trên các trang báo  nhưng đó là những thông tin thuần thúy sách vở. Còn bây giờ tất cả bỗng thấy trực quan sinh động khi tôi đến sân bay. Hai bên lối đi thang máy là đường đi bộ trải thảm màu ghi. Hệ thống dich vụ chức năng, các cửa hàng choáng ngợp chạy dài tít tắp với hệ thống đèn đủ các mầu. Tôi bắt đầu có ấn tượng hiện thực về sự phát triển, sự hiện đại, sự náo nhiệt, sự phồn hoa và cả sự chu đáo tinh tế của người Hàn qua so sánh với những sân bay tôi đã đi qua.
Người ta nói với tôi trong thời gian chờ chuyển tiếp sang Mỹ, tôi có thể đăng kí vào nghỉ theo giờ ở khách sạn năm sao, giá cả rất phải chăng, có đầy đủ các dịch vụ giải trí, nghỉ ngơi, có người đánh thức và đưa đến tận quầy chuyển tiếp làm thủ tục đi đúng giờ, nhưng tôi không muốn lãng phí thời gian cho việc giải trí, ngủ nghỉ mặc dù rất muốn xem xem cái khách sạn này như thế nào.
Tôi hỏi thăm một nhân viên tìm đến Bảo tàng Văn hóa Triều Tiên (The Museum of Korean Culture), cái tên không hề gợi lên có hai đất nước Triều Tiên. Tôi lên thang máy tới  tầng trên cùng của khu cầu cảng. Bên tay trái tôi là một bảo tàng xinh xắn, cửa gỗ màu cánh kiến đóng im lìm. 5h30 mới mở cửa. Tức là còn một tiếng nữa. Tôi định xuống một tiệm cà phê nào đó nhâm nhi ăn sáng để chờ đợi, chợt thấy bên phải cầu thang máy, bên trái bảo tàng có khoảng 20 chiếc giường đệm da sang trọng cho khách nằm nghỉ. Có ba bốn thanh niên nam nữ người nước ngoài đang ngủ. Tôi  không thấy có một sân bay quốc tế nào tôi đã đi qua có cái dịch vụ tốt như thế này. Thật thoải mái khi nằm trên tấm đệm êm ái, ấm áp, miễn phí chợp mắt một lúc.
Ánh sáng chói lòa chiếu vào mặt khiến tôi tỉnh giấc. Tôi đã ngủ được một tiếng rưỡi. Vội vàng trở lại bảo tàng, một cô gái còn trẻ ngồi trước một cái bàn nhỏ đứng dậy nói bằng tiếng Anh mời tôi vào. Lác đác có một số người nước ngoài đang chăm chú theo dõi những hình ảnh, hiện vật ở bên trong.
Bảo tàng không lớn như tôi hình dung, nhưng có đến bẩy khu trưng bày hiện vật cùng hình ảnh minh họa bằng video kèm theo máy tính. Ngoài ra còn bốn phòng chuyên biệt trưng bày, giới thiệu nghệ thuật truyền thống, âm nhạc truyền thống, văn hóa hoàng gia và văn hóa in khắc.
Tôi xem khá kĩ từng khu, từng phòng, những hình ảnh, hiện vật, âm thanh từ trong quá khứ hàng ngàn năm đầy sống động thức dậy trí tưởng tượng của tôi. Những bản in khắc, những tác phẩm theo các thể loại, những bức tranh, hình ảnh những ngôi chùa cùng tượng phật, những hiện vật đồ gốm, đồ kim loại, những đồ dùng, sinh hoạt của tầng lớp hoàng gia đến tiện dân, những kiểu quần áo, trang trí hoa văn, những công trình kiến trúc điêu khắc, những di sản về văn hóa nghệ thuật cứ lôi cuốn hấp dẫn tôi. Đúng là một kho tàng đầy tính trí tuệ, nhân văn, đem lại cho người xem, với tôi đúng hơn là thưởng thức những giờ phút thật tuyệt vời. Tôi thấy hoàn toàn thỏa mãn khi được ghé qua nơi này.
Không biết điều gì đã làm tôi rung động đến như vậy ở xứ xở xa xôi này. Nhất là khi tôi nhìn vào hàng chục cuốn sách dày cộp, những công trình về khảo cổ, văn hóa Triều Tiên. Tôi lướt qua đề mục một vài cuốn. Chốc chốc lại nhìn đồng hồ xem đến giờ đi chưa. Tôi ước tại sao thời gian chuyển tiếp không phải là mười tiếng hay là một ngày. Thật là tiếc. Chắc đoán được tâm trạng tôi. Cô gái Hàn Quốc tủm tỉm cười, đến bên cạnh đưa cho tôi một tập sách giới thiệu về văn hóa Triều tiên để tôi có thể xem trên máy bay. Phải chăng đó là sự tương đồng về lịch sử văn hóa lâu đời giưa hai dân tộc Việt-Triều; cả hai đều chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung hoa, nhất là về đạo Khổng, đạo Phật cùng với số phận bi hùng của các cuộc chiến tranh từ phương Bắc, phương Tây.
Không chỉ vì đồng châu, đồng chủng, đồng văn, tôi chợt nghĩ tới dòng họ Lý ở Việt Nam, khi nhà Trần đoạt quyền lực bằng một cuộc chuyển giao ngoạn mục nhưng cũng vô cùng đẫm máu, một bộ phận trong hoàng tộc đã chạy sang xứ xở buổi sáng tươi đẹp này để sinh tồn vào năm 1226, để rồi đầu những năm 2000, đại diện cho chi tộc Lý ở Hàn Quốc mang gia phả về nhận lại tổ tiên trong những ngày hội ở đền Lý Bát đế tại xứ kinh Bắc Việt Nam. Thật là một câu chuyện dài đầy bất ngờ và cảm động. Tôi cũng chợt nghĩ đến một nhà trí thức xứ Kim Chi quỳ xuống để cầu xin người dân Bình Định ở Việt Nam tha thứ cho những hành động man rợ của binh lính Hàn Quốc trong một vụ thảm sát hơn năm mươi năm trước; một tượng đài ở Hàn Quốc sắp được dựng lên để ghi nhớ những tội ác đáng hổ thẹn trong quá khứ của họ. Và cho đến ngày hôm nay, hàng trăm ngàn cô dâu đất Việt, vì những lí do lịch sử, kinh tế đã đến làm dâu đất Hàn. Có những số phận bi thảm, nhưng đại đa số những người phụ nữ đó đã tìm được hạnh phúc nơi đất khách quê người. Cũng có lẽ vì thế tôi có thiện cảm với người Triều Tiên chăng. Cũng chính vì thế nên những hiện vật, hình ảnh, âm thanh trong bảo tàng đã khiến tôi vô cùng xao động, trân trọng, ngưỡng mộ.
Thêm vào đấy, Hàn quốc đã trở thành nhà đầu tư hàng đầu ở Việt Nam. Tôi sẽ trình bày một bài viết về đầu tư của ĐHDQ vào Việt Nam và quan hệ thương mại giữa hai nước cũng như quan hệ của Việt Nam với CHDCND Triều Tiên trong một bài viết sau. Chỉ biết rằng so với người láng giềng Trung Quốc to tảng gần gũi “bốn tốt” cùng thể chế chính trị, tổng số vốn của họ đầu tư vào Việt Nam thật nhỏ nhoi; công nghệ thì lạc hậu, gây ô nhiễm; chất lượng thì kém cỏi; giá cả đấu thầu thì rất rẻ sau đó thì đội vốn lên. Ngay cả cái công trình ống nước Sông Đà về Hà Nội, một công trình mang tính biểu tượng, trực tiếp liên quan đến sinh hoạt của người dân thủ đô, một năm đưa vào sử dụng mới vỡ đường ống có mười ba lần. Hay cái công trình đường sắt Hà Nội mới đội vốn gấp đôi, thời gian kéo dài chắc hẳn một đến hai năm. Và hiện tại nó vẫn cứ ngổn ngang nhức nhối. Đó là tôi chưa kể họ kéo sang một số lượng nhân công “chính quốc” đông đảo quá mức để giành giật bát cơm manh áo của người Việt.
Không hiểu tại sao lại có những kẻ táng tận lương tâm vì quyền lợi riêng kí kết với nhà thầu Trung Quốc cung cấp ống nước Sông Đà giai đoạn hai để người dân thủ đô chịu biết bao ngày mất nước bức xúc. Thật may mắn, chính quyền Hà Nội đã can thiệp, yêu cầu bãi chức kẻ kí mua hệ thống tàu cũ, tạm dừng việc kí kết lấy ống nước sông Đà giai đoạn hai, cách chức giám đốc công trình xây dựng nước sông Đà.
Tôi trộm nghĩ cứ cái đà này không chỉ có hàng ngàn, hàng vạn người, những người Việt không kiềm chế nổi việc người Tàu bành trướng trên Biển Đông, những người ở trong nước và ngoài nước đã phẫn nộ xuống đường biểu tình, mà có lẽ trong tương lai họ còn xuống đường biểu tình với người Tàu về những chiêu thức kinh tế thâm hiểm và về hàng bẩn độc và đầu tư thương mại kiểu Tàu. Vì thế tôi càng thêm quý mến các tập đoàn tư bản Hàn Quốc. Họ thuộc về một đẳng cấp văn minh cao hơn nhiều so với Trung Quốc, đất nước mới nghèo trở thành trọc phú.
Về phương diện nhà nước, hai nhà nước Triều Tiên trong thời gian Chiến tranh Lạnh, từ năm 1950 đến 1991, đương nhiên là hai nhà nước Triều Tiên thù địch lẫn nhau vì cái ý thức hệ chủ nghĩa tư bản giãy chết thối nát và cái tư tưởng bất cộng đái thiên. Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, và đặc biệt khi Kim Chủ tịch qua đời, quan hệ hai miền bắt đầu được cải thiện. Sự cải thiện này chủ động thuộc về ĐHDQ. Đáng lưu ý nhất là Chính sách Ánh dương, chính sách ngoại giao Hàn Quốc thực thi từ năm 1988 do Tổng thống Kim Dae Jung đề xướng, ông đã được giải thưởng Nobel về hòa bình năm 2000. Chính sách này đã đưa đến sự hợp tác chính trị to lớn trong lịch sử quan hệ liên Triều.
Hai cuộc họp thượng đỉnh liên Triều diễn ra tại Bình Nhưỡng tháng 6, 2000 và tháng 10, 2007 đã đem lại một số dự án kinh tế thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế, cùng với kết quả   những cuộc gặp mặt ngắn ngủi đầy nước mắt của những gia đình Triều Tiên li tán hơn sáu mươi năm sau chiến tranh.
Chính sách Ánh dương dựa trên ba nguyên tắc: 1, Không khiêu khích quân sự; 2, Miền Nam sẽ không cố gắng thu hút Miền Bắc bằng bất cứ cách nào; 3, Miền Nam chủ động tìm kiếm sự hợp tác. Chính sách này gửi đi một thông điệp là Hàn Quốc không mong muốn thôn tính hoặc ngầm phá hoại Bắc Triều Tiên. Mục tiêu là cùng chung sống hòa bình, thúc đẩy đối thoại, hợp tác tiến tới hòa giải và thống nhất hai miền Triều Tiên. Lộ trình con đường tươi đẹp này sẽ đi qua ba giai đoạn: 1, Hai miền thành lập một nhà nước liên bang; 2, Liên bang bao gồm chính quyền tự trị của hai miền; 3, Hai miền có thể chọn hai phương thức thành thành lập chính quyền trung ương và tự trị.
Rất đáng tiếc là hai miền có quá nhiều sự nghi kị, đặc biệt là phía CHDCNN Triều Tiên, phía cảm thấy yếu thế đã không tận dụng được cơ hội này để đáp ứng lòng mong mỏi của người dân hai miền. Có ý kiến cho rằng, phía Bắc Triều Tiên chỉ lợi dụng tình cảm của người dân hai miền để tranh thủ nguồn viện trợ của Hàn Quốc và quốc tế, lấy viện trợ để phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt và đầu tư vào quốc phòng. Có ý kiến cho rằng trở ngại lớn nhất là 38.000 quân Mỹ đóng ở Hàn Quốc và chính sách thù địch của Mỹ. Có ý kiến cho rằng đứng đằng sau là Trung Quốc vẫn tiếp tay cho Triều Tiên dùng Triều Tiên để mặc cả với Mỹ về nhiều vấn đề lợi ích của họ… Và chính sách Ánh dương đã tắt ngấm.
Dường như phía Hàn Quốc hiểu được nguyên nhân chính sách Ánh dương của họ thất bại, tuy nhiên Seoul vẫn kiên trì đề ra chính sách ngoại giao Xây dựng niềm tin ở Đông Á. Một mặt Seoul vẫn thắt chặt liên minh với Mỹ, một mặt họ thực hiện chính sách xây dựng niềm tin nhằm cải thiện và duy trì sự ổn định quan hệ với Bắc Triều Tiên, Trung Quốc và Nhật Bản.
Seoul xây dựng niềm tin với Bình Nhưỡng nhằm ngăn chặn nguy cơ hạt nhân và thúc đẩy hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Họ nhìn vấn đề xa hơn là phải thúc đẩy Sáng kiến hòa bình và hợp tác ở Đông Bắc Á để tạo ra sự tin tưởng, thúc đẩy hợp tác Trung-Nhật-Hàn làm động lực. Đi xa hơn nữa là tăng cường quan hệ với các nước thành viên ASEAN, Ấn Độ và châu Âu để thúc đẩy kinh tế cũng như về chính trị trong vấn đề giải quyết vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Họ hiểu rằng không thể có một bán đảo Triều Tiên hòa bình, thống nhất mà không có sự ủng hộ của Trung Quốc. Và họ đã lầm. Trung Quốc thực chất không làm được điều như Hàn Quốc từng mong đợi, ngoài việc muốn duy trì tình trạng chia cắt bán đảo Triều Tiên.
Cho đến nay, không những không có sự thay đổi nào trong quan hệ với Bắc Triều Tiên mà đối với Nhật Bản còn nguội lạnh vì vấn đề lịch sử và tranh chấp lãnh thổ. Quan hệ với Trung Quốc có nồng ấm nhưng vẫn xung đột hợp tác an ninh chính trị đến nỗi chính phủ Hàn Quốc phải triệu đại sứ Trung Quốc tới chất vấn, gửi công hàm yêu cầu phía Trung Quốc giải thích rõ phát ngôn của người đại diện cho Đại sứ quán ở Seoul về vấn đề triển khai hệ thống tên lửa THAAD có phải là quan điểm của Chính phủ Trung Quốc hay không. Tình hình còn căng thẳng hơn rất nhiều khi Bình Nhưỡng liên tục thử các loại tên lửa đạn đạo cùng với những cố gắng thu gọn vũ khí hạt nhân vào đầu đạn tên lửa.
Trong khi đó Mỹ vẫn không thay đổi chính sách đối với CHDCNN Triều Tiên như đã từng thay đổi với Myanma, Iran và Cu Ba do phía Triều Tiên bất hợp tác trong những vấn đề cốt lõi, chỉ đòi hỏi Mỹ rút quân và ngừng tập trận với ĐHDQ. Chính sách của Mỹ là bảo vệ Hàn Quốc thông qua việc giải trừ toàn bộ vũ khí hạt nhân; ngăn chặn chiến tranh và bảo vệ đồng minh; ủng hộ hai miền thống nhất một cách hòa bình; tiếp tục hợp tác chặt chẽ về chính trị quân sự với Hàn Quốc và quốc tế nhằm yêu cầu CHDCNN Triều Tiên có các hành động thực chất, tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế.
Hàn Quốc từ trước đến nay vẫn tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ, chấp nhận quân đội Mỹ, nhận sự bảo hộ an ninh của Mỹ và chấp nhận sự triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD. Bao nhiêu năm qua chính sách đối ngoại của Hàn Quốc là dựa trên nền tảng liên minh quân sự Mỹ Hàn để bảo vệ chủ quyền và phát triển đất nước. Mặc dù thương mại với Trung Quốc đã vượt Mỹ, nhưng họ tin Mỹ chứ không tin Trung Quốc. Thực tế họ đã vươn lên trở thành một quốc gia công nghiệp hiện đại, tiên tiến, thịnh vượng hàng đầu châu Á. Cũng như Nhật Bản, Không một nhà quan sát quốc tế nào hoài nghi về chủ nghĩa dân tộc và bản sắc riêng của dân tộc họ, trừ CHDCNN Triều Tiên.
Dân tộc Triều Tiên là một trong những dân tộc có bản sắc. Sức mạnh của một dân tộc thường được đánh giá qua bốn yếu tố. Một là chế độ chính trị xã hội. Hai là chủ quyền quốc gia. Ba là cộng đồng dân tộc. Bốn là văn hóa dân tộc. Trong đó yếu tố cộng đồng dân tộc và văn hóa dân tộc là nền tảng tạo nên bản sắc của một dân tộc. Trên bước đường lịch sử, dân tộc Triều Tiên, cũng các dân tộc khác có con đường đi riêng của mình. Họ không có tham vọng bành trướng lãnh thổ, không đi xâm lược hoặc chinh phục các dân tộc khác.
Do có vị trí địa chính trị rất quan trọng, giống như dân tộc Việt, họ luôn bị các thế lực ngoại xâm dòm ngó và xâm lược. Tuy diễn tiến qua thời gian có lúc thăng có lúc trầm, nhưng họ luôn giữ gìn được sự thống nhất đất nước. Ở mỗi khúc quanh của lịch sử, người Triều Tiên đều thể hiện được bản lĩnh, trí tuệ, nghị lực để vươn lên trong nhiều lĩnh vực. Tôi tin rằng với truyền thống dựng nước, giữ nước kiên cường, với một nền văn hóa rực rỡ trên bốn ngàn ba trăm năm, người Triều Tiên biết mình phải làm gì để xứng đáng với lịch sử của họ.
   
     


   



0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.