tại sao Mỹ là siêu cường và sẽ vẫn là một siêu cường

2 comments
Sau một chuyến đi dài hơn một tháng qua bốn bang của Mỹ tôi lại quay trở về Longmont, bang Colorado vào lúc 9h00. Mặc dầu thấm mệt, tôi vẫn dừng lại cùng dòng người xem màn bắn pháo hoa của thành phố. Thực ra đêm hôm trước, tại bữa tiệc chiêu đãi chứa chan tình cảm của chị Thúy, người phụ nữ Quảng Ninh lấy chồng Mỹ ở thành phố Columbia, Missouri, chúng tôi đã được xem một màn pháo hoa hai mươi phút của riêng những nhà giàu có trong khu phố, tổ chức bắn chào mừng quốc khánh Mỹ tại một bờ hồ rộng rãi. Sau khi thưởng thức màn pháo hoa đó, tôi còn chứng kiến rất nhiều nhà xung quanh khu vực bắn hàng chục quả pháo lên bầu trời, cả một vùng sáng bừng pháo hoa lộng lẫy bao sắc mầu huyền ảo. Đúng là phong cách của người Mỹ.
Sáu năm trở lại đây, năm nào tôi cũng có dịp sang Mỹ từ hai cho đến ba tháng. Tôi đi khá nhiều bang, đọc và biết về thực tế nước Mỹ cũng tàm tạm, nhưng chưa bao giờ tôi đặt ra cho mình câu hỏi tại sao nước Mỹ lại trở thành một siêu cường trong suốt gần thế kỉ thứ 20 và có lẽ đến giữa thế kỉ thứ 21 cũng chưa có quốc gia nào, hay một thực thể nào giành được cái địa vị đó của người Mỹ. Có lẽ vì đã được học về Hoa Kỳ ở nhà trường với những giáo sư đầu ngành về quan hệ quốc tế nên tôi hiểu phần nào về lịch sử nước Mỹ. Và trong đầu tôi, Mỹ mặc nhiên là một siêu cường duy nhất sau khi Liên Xô sụp đổ.
Chỉ khi xem xong màn pháo hoa tại Longmont, trên đường trở về nhà, lại chứng kiến cảnh nhiều gia đình người Mỹ bắn pháo hoa, cộng với những gì đã thấy từ đêm hôm trước, tôi mới đặt ra câu hỏi tại sao người dân Mỹ lại giầu có như vậy và trên hết tại sao nước Mỹ lại vượt lên các cường quốc châu Âu như Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Đức và trở thành một siêu cường duy nhất hiện nay.
Trong lịch sử nhân loại, đã xuất hiện những cường quốc hùng mạnh, tiêu biểu như Đế quốc La Mã, Đế quốc Mông Cổ, Đế quốc Anh và đối với người Việt các đế quốc phong kiến Trung Quốc cường thịnh như Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh đã từng xâm lược Việt Nam, tất cả cuối cùng đều bị sụp đổ. Theo các sử gia, Đế chế La Mã sụp đổ  không phải do các mối đe dọa từ bên ngoài. Nguyên nhân nằm ở các cuộc nội chiến kéo dài, tàn phá nền kinh tế và phụ thuộc vào binh lính đánh thuê. Đế quốc Mông cổ tan rã do tranh giành quyền lực giữa các thế lực trong nội bộ, phân thành bốn vương quốc, lần lượt sụp đổ và bị các thế lực khác chinh phục. Đế quốc Anh trải rộng khắp các châu lục trên thế giới, thống trị nhiều nền văn hóa và trực tiếp cai trị thuộc địa thông qua các chính quyền sở tại và cuối cùng sụp đổ vì chính cái đế chế khổng lồ của nó. Các đế chế Trung Quốc lần lượt ra đi cũng nằm trong các nguyên nhân chung trên.
Với Đế quốc Mỹ, quân đội của họ có khả năng đánh bại mọi kẻ thù mạnh như Đế quốc Mông cổ, sau khi Liên Xô tự sụp đổ trong cuộc chạy đua với Mỹ, giống như Đế quốc La Mã, Mỹ không có đối thủ về mặt quân sự. Họ thống trị vùng trời, vùng biển và chiếm ưu thế tuyệt đối trên đất liền. Điều quan trọng nhất, tương tự như Đế quốc Anh, Mỹ xây dựng quyền lực dựa trên nền thương mại toàn cầu và lực lượng không hải quân hùng mạnh có thể tiếp cận mọi tuyến đường biển lớn của thế giới. Tuy nhiên, theo quy luật, dù chiếm ưu thế đến đâu về mặt kinh tế và quân sự, sự phát triển của các cường quốc đều có giới hạn của nó. Nước Mỹ cũng vậy, họ sẽ giữ được ngôi vị của mình bao nhiêu lâu nữa. Ba mươi năm, năm mươi năm hay một thế kỉ?
Nhìn trên bản đồ và tìm hiểu về địa lí kinh tế, địa chính trị người ta thấy nước Mỹ được thiên nhiên rất ưu đãi. Nước Mỹ có điều kiện cần và đủ để vươn lên để trở thành một cường quốc có tầm cỡ toàn cầu từ thế kỉ 19. Hầu như mọi người đặt chân đến đất nước cờ hoa đều choáng ngợp trước điều kiện tự nhiên của nước này. Nước Mỹ được che chở giữa hai đại dương lớn của thế giới, lãnh thổ rộng trên 9,3 triệu cây số vuông, có những con sông dài dọc ngang đất nước, những hồ nước lớn phân bổ khắp mọi nơi, những cánh rừng um tùm nhìn hút tầm mắt, những cánh đồng bát ngát phì nhiêu, những cánh đồng cỏ bao la đến tận chân trời; tài nguyên khoáng sản phong phú, dồi dào vào bậc nhất thế giới và tài nguyên biển giàu có, tiềm tàng ẩn giấu giữa hai đại dương rất đa dạng. Có thể nói nước Mỹ có điều kiện địa kinh tế, địa chính trị lí tưởng nhất so với các đế quốc từ trước đến nay.
Trong lịch sử thế giới, không có một đế quốc nào bắt đầu từ khi ra đời (4-7-1776) lại phải bỏ ra một chi phí thấp cho công việc bảo vệ an ninh quốc gia và trong một thời gian rất dài không phải lo ngại các thế lực bên ngoài xâm phạm bờ cõi như nước Mỹ. Kể từ năm 1865, sau khi kết thúc nội chiến Nam-Bắc, nước Mỹ không xảy ra một cuộc chiến tranh quy mô lớn nào. Trong hơn 120 năm, kể từ khi tiến hành cuộc cách mạng vĩ đại, giành được độc lập từ Đế quốc Anh tới khi Phát xít Nhật đánh vào Trân Châu Cảng (7-12-1941), chủ quyền lãnh thổ Mỹ chưa bị đe dọa lần nào. Chỉ khi Liên Xô phóng vệ tinh lên quỹ đạo vào năm 1960, có thể đưa đầu đạn hạt nhân tới Mỹ thì miền đất hứa an toàn này mới mất đi cái ưu thế tuyệt đối của nó.
Sự vươn lên hay sự trỗi dậy của người Mỹ diễn ra trong một thời gian ngắn với chi phí thấp không chỉ nhờ vào điều kiện địa kinh tế, địa chính trị mà còn nhờ vào tầng lớp tinh hoa chính trị cùng với một thể chế chính trị dân chủ vào bậc nhất thế giới, bắt đầu từ vị Tổng thống Liên bang đầu tiên George Washington cùng với Bản Hiến pháp hoa kỳ có hiệu lực năm 1789. Với tầm nhìn và chính sách đối nội và đối ngoại sáng suốt, tầng lớp chính trị Mỹ đã dẫn dắt nước Mỹ nhanh chóng trỗi dậy. Sự trỗi dậy của Mỹ là một sự trỗi dậy đầy khôn ngoan, “nghệ thuật”, “trí tuệ”, tất nhiên cũng rất thủ đoạn.
Trong quá trình trỗi dậy, nước Mỹ cũng như các đế quốc trước đó phải vượt qua sự kiềm chế của một đế quốc nào đó, với Mỹ đó là Đế quốc Anh. Đầu tiên Anh không thể ngăn cản được sự độc lập của Mỹ. Sau đó không thể đánh chiếm được Mỹ trong cuộc Chiến tranh năm 1812. Tiếp đó Anh lại không thể làm suy yếu nền kinh tế Mỹ sau chiến tranh. Nước Mỹ đã vượt qua được sự kiềm chế của nước Anh trên phương diện quốc gia và quốc tế với cái giá thấp nhất. Cuộc chiến giành giật ngôi bá quyền và bảo vệ ngôi bá quyền cũng với giá thấp nhất.
Xét ở một phương diện, hai cuộc chiến tranh thế giới, Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất (1914-1918) và cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai (1939-1945), là hai cuộc chiến tranh của hai thế lực đế quốc già và trẻ mà tiêu biểu là nước Anh và nước Đức. Thắng lợi của phe đế quốc đứng đầu là Anh là thắng lợi của người Anh, nhưng thực chất kết quả sau hai cuộc thế chiến Mỹ mới gặt hái được thành công nhất. Đã có sự thay đổi vị trí bá quyền giữa Đế quốc Mỹ và Đế quốc Anh. Thế chiến một gần như Mỹ không tham gia chỉ đứng ngoài hưởng lợi. Thế chiến hai, Mỹ đã tính toán bỏ ra không nhiều nguồn lực so với một số nước ở châu Âu mà lại thu được nhiều lợi ích.
Lợi ích lớn nhất là vị thế của Mỹ ở trên trường quốc tế. Có thể nói Mỹ đã thể hiện nghệ thuật trỗi dậy cao siêu. Trong thời gian 1898, thời gian nổ ra cuộc chiến Mỹ-Tây Ban Nha, Mỹ tiếp tục thực hiện học thuyết Monroe “Châu Mỹ của người Châu Mỹ” cho đến năm 1920,  Mỹ chẳng những giành được quyền kiểm soát châu Mỹ mà còn thực hiện được sự hòa giải với Đế quốc Anh. Để rồi cuối cùng quốc gia bá quyền kết đồng minh với quốc gia bá quyền thay thế trong tương lai. Bước tiếp theo, người Mỹ chỉ trong một thời gian ngắn đã thực hiện được cuộc chuyển giao ngôi vị quán quân một cách ngoạn mục.
Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Mỹ bắt đầu thực hiện cuộc Chiến tranh Lạnh nhằm  ngăn chặn Liên Xô, siêu cường đứng đầu phe Xã hội chủ nghĩa thách thức vị trí số một của Mỹ. Cả hai nước đều tránh đối đầu trực diện. Cả hai đều thông qua hàng chục cuộc chiến tranh “ủy nhiệm” ở các nước thuộc thế giới thứ Ba để tiêu hao nguồn lực của nhau. Mỹ không từ một thủ đoạn từ kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao trong cuộc chạy đua đường dài gần nửa thế kỉ để hạ gục đối thủ. Năm 1991 Liên Xô sụp đổ, Mỹ trở thành siêu cường duy nhất cho đến ngày hôm nay.
Sau sự kiện 11 tháng 9 năm 2001, nước Mỹ vẫn không rút ra được bài học về cuộc Chiến tranh ở Việt Nam, họ lại tiếp tục tổ chức và đứng đầu Liên minh chống khủng bố Quốc tế, lao vào hai cuộc chiến tranh ở Trung Đông: Afganistan và Irăc. Hai cuộc chiến tranh này đã tiêu tốn hàng nghìn tỉ USD, nhưng cho đến nay tình hình Trung Đông thực sự vẫn chưa có hồi kết, để lại cho nước Mỹ món nợ hàng ngàn tỉ USD cộng với nhiều rắc rối ở khu vực. Tiếp theo, nước Mỹ lại phải hứng chịu cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu từ năm 2008, cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại Khủng hoảng Kinh tế năm 1929-1933 cũng bắt nguồn từ chính nước Mỹ.
Nhiều nhà nghiên cứu và quan sát quốc tế tin rằng chính vì đi theo vết xe đổ gây chiến tranh của các đế chế đã suy tàn cho nên nguồn lực của nước Mỹ đã bị tiêu hao nhiều. Thời kì hoàng kim của nước Mỹ đã bắt đầu qua đi. Nhiều cường quốc mới nổi lên, trong đó có cả hai đối thủ cũ của Mỹ trong Chiến tranh Thế giới thứ hai là Đức và Nhật Bản- kẻ chiến thắng là Liên Xô thì đã sụp đổ, còn Mỹ thì trên mình mang đầy thương tích. Đặc biệt trong số những cường quốc mới nổi nhất hiện nay, đáng chú ý nhất là Trung Quốc, nước có khả năng cạnh tranh ngôi vị của Mỹ. Lợi dụng thời cơ Mỹ tập trung sự chú ý ở Trung Đông, được hưởng lợi từ quá trình toàn cầu hóa, Trung Quốc đã phát triển thần kì với mức tăng trưởng hai con số liên tục trong hơn ba mươi năm và trở thành đối thủ tiềm năng lớn nhất đe dọa vị thế của Mỹ.
Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai, không ngừng tăng cường sức mạnh không quân và hải quân với giấc mộng phục hưng Đế chế Trung Hoa thủa nào. Họ bắt đầu gây hấn ở Biển Đông, quân sự hóa Biển Đông nhằm đẩy người Mỹ ra khỏi khu vực, muốn  chia đôi Thái Bình Dương với siêu cường số 1 trong chiến lược lâu dài của họ. Về vấn đề tranh giành ngôi vị bá chủ Trung-Mỹ, tôi đã có bài viết riêng cũng trong blog này nên không nhắc lại. Tôi chỉ xin được đưa ra một số nhận xét của ông Lý Quang Diệu, cố Thủ tướng Singapore, một chính khánh lỗi lạc ở Đông Nam Á trong bài viết “Tại sao Hoa kỳ là Siêu cường thế giới” viết năm 2013, trước khi ông mất.
Sở dĩ tôi muốm đưa ra nhận xét của Lý Quang Diệu vì ông là một người gốc Hoa. Có lẽ trong các chính khách ít người hiểu về Trung Quốc như ông. Hơn nữa, Đặng Tiểu Bình cùng các quan chức Trung Quốc vào thập niên 70 của thế kỉ trước, trước khi bắt đầu sự nghiệp cải cách mở cửa đã đến học hỏi ông con đường đi cho Trung Quốc và lãnh đạo Trung Quốc đã coi ông như một vị cố vấn của quốc gia. Ông Lý Quang Diệu cho rằng Hoa kì sẽ gặp nhiều trở ngại với Trung Quốc, nhưng Mỹ vẫn giữ vị trí số 1 và chỉ có kẻ ngu mới đi chống lại Hoa kỳ hiện nay. Lập luận của ông dựa trên sự so sánh về thể chế chính trị và kinh tế, sức mạnh quân sự, công nghệ Trung- Mỹ, sự linh hoạt và sáng tạo của người Mỹ, văn hóa và ngôn ngữ Mỹ… Tất cả ưu thế đều nghiêng về Mỹ hiện tại cũng như tương lai gần.
Tôi đã đọc một số tác phẩm của những nhà nghiên cứu thuộc các nước phương Tây, một số tác phẩm của các chính khách, nhà báo Mỹ nói về tốc độ phát triển thần kì của Trung Quốc và phân tích về những khiếm khuyết từ kinh tế đến giáo dục của nước Mỹ, họ cho rằng kẻ thay thế nước Mỹ sắp tới sẽ là Trung Quốc. Họ phán đoán rằng Trung Quốc sẽ sớm đưa Mỹ trở thành một quốc gia “đã từng là bá chủ”. Tuy nhiên cá nhân tôi vẫn tin rằng cho đến giữa thế kỷ này và thậm chí hơn nữa vẫn chưa có quốc gia nào có thể thách thức được vị trí số 1 của nước Mỹ.
Mặc dù nước Mỹ còn có những khuyết tật, thậm chí là bệnh hoạn, nhưng tôi vẫn có niềm tin vào nước Mỹ. Niềm tin của tôi bắt nguồn từ những trải nghiệm trong thực tế sáu năm, mỗi năm rong ruổi trên đất Mỹ vài tháng, một đất nước mà người dân gần như có chất lượng sống cao nhất thế giới, một đất nước có nền giáo dục đại học tốt nhất thế giới, một đất nước thu hút hầu hết nhân tài của thế giới đến sinh sống và làm việc, một đất nước có chế độ dân sự cực kì phát triển, một đất nước có cơ chế tuyển dụng người làm việc trong bộ máy chính quyền công từ cơ sở đến tổng thống có chất lượng. Trên hết, nước Mỹ đã nhiều lần vượt qua chính mình, kiềm chế và ngăn chặn thành công tất cả những thách thức trên bước đường duy trì ngôi bá chủ. Và quan trọng nhất hiện nay người Mỹ đã nhận ra những trở ngại đối với nước Mỹ là cái gì.
Nước Mỹ vẫn là một siêu cường trong một thời gian dài dựa trên nền tảng vững chắc về kinh tế, ảnh hưởng to lớn về chính trị, sức mạnh quân sự và khoa học công nghệ cũng như văn hóa, những thành tố tạo nên sức mạnh tổng hợp của một quốc gia.
Về kinh tế, theo số liệu của Qũi tiền tệ Quốc tế GDP bình quân đầu người của Mỹ là 53.042 USD, Trung Quốc là 6.807 USD năm 2013. Một con số quá chênh lệch để so sánh một nước phát triển hàng đầu với một nước đang phát triển mới thoát nghèo. Điều quan trọng là kinh tế Mỹ vẫn là nền tảng của hệ thống tài chính toàn cầu. Hơn 80% các giao dịch tài chính, hơn 87% các giao dịch trên thị trường ngoại tệ trên thế giới được tiến hành bằng đồng đô la. Trong khi đó, đồng tiền của Trung Quốc mặc dầu được xếp vào giỏ tiền tệ quốc tế nhưng chỉ có khoảng 5% giao dịch tài chính và giao dịch trên thị trường ngoại tệ là bằng đồng Nhân dân tệ (Yuan). Điều đó thể hiện niềm tin vào sự ổn định của nền kinh tế Mỹ.
Về chính trị, Mỹ có ảnh hưởng rất lớn và có khả năng tập hợp được quanh mình nhiều tổ chức quốc tế, nhiều cường quốc và các nước phát triển cũng như các nước đang phát triển thành một khối đồng minh vững chắc; còn Trung Quốc thì có khả năng kết giao với những nước nào là đồng minh? Mỹ là nước viện trợ nước ngoài lớn nhất để củng cố sức mạnh chính trị trên toàn cầu. Năm 2014 viện trợ của Mỹ là 32,7 tỉ USD, bỏ xa nước đứng thứ hai, nước Anh là 19 tỉ USD. Điều quan trong nhất là nước Mỹ rất ổn định về chính trị. Hệ thống pháp luật hoàn thiện, dân chủ hàng đầu thế giới.
Về quân sự, ưu thế quân sự của Mỹ hiện tại vẫn không có đối thủ. Chi phí cho quân sự của Mỹ chiếm 37% chi tiêu quân sự toàn cầu, gần gấp 4 lần Trung Quốc. Mỹ chiếm ưu thế tuyệt đối, thống trị trên đất liền, trên biển, trên không và trên vũ trụ. Hơn nữa Mỹ đã thay đổi, đang thay đổi quân đội cùng với hệ thống vũ khí để đối mặt với mọi thách thức của thế kỉ 21một cách hữu hiệu nhất.
Về khoa học công nghệ, Mỹ là quốc gia có nền khoa học công nghệ đứng đầu thế giới về nhiều mặt. Mỹ cũng là quốc gia năng động, sáng tạo nhất thế giới. Trong số 9 công ty công nghệ lớn nhất thế giới thì 8 công ty là ở Mỹ. Đặc biệt là về năng lượng, mạch máu của nền kinh tế, trước đây Mỹ phụ thuộc vào bên ngoài, nhưng bắt đầu từ năm 2015, Mỹ trở thành nhà sản xuất dầu, khí tự nhiên số 1 thế giới nhờ vào cuộc cách mạng công nghệ đứt vỡ thủy lực đá phiến. Ngoài ra Mỹ còn chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển lớn nhất thế giới cho phép tập trung vào những công nghệ mũi nhọn và những kĩ năng mà họ cần nhất.
Về văn hóa, có thể nói nước Mỹ là một quốc gia cởi mở nhất. Có lẽ trên thế giới có bao nhiêu quốc gia thì ở Mỹ gần như có ngần ấy người của quốc gia đó đến sinh sống và lập nghiệp. Riêng người Việt ở Mỹ ước tính có tới gần 2 triệu người. Nước Mỹ vẫn còn là một miền đất hứa. Nó cho phép mọi người trên khắp thế giới nhập cư nếu có đủ điều kiện. Những người nhập cư không chỉ mang theo tiền bạc cho nước Mỹ mà còn đem theo cả kĩ năng lao động, tri thức khoa học, công nghệ, khả năng quản lí và kinh doanh từ đất nước mình cho nước Mỹ. Điều quan trọng hơn là người Mỹ đứng đầu thế giới về việc giúp đỡ người nhập cư đến đất nước mình sinh sống là làm giàu.
Nhìn tổng thể về nước Mỹ người ta thấy có những lí do thực tế trên để khẳng định nước Mỹ vẫn là một siêu cường. Nhưng nói gì thì nói, nếu nước Mỹ không giữ được vị trí đầu máy để kéo các toa tầu kinh tế thế giới thì sớm muộn người Mỹ cũng để tuột mất ngôi vị bá chủ, vì nếu không có thật nhiều tiền thì Mỹ sẽ lấy đâu ra củ cà rốt chứ chưa nói đến cái gậy để duy trì địa vị của mình. Nghĩa là phải có tiềm lực kinh tế và khả năng quân sự đứng ở vị trí thứ nhất trong hệ thống quốc tế và khả năng gây ảnh hưởng tất cả các mặt trên phạm vi toàn cầu. Xem xét một cách sâu hơn về khả năng kinh tế và quân sự của Mỹ hiện tại và trong những năm tới, tôi tin rằng Mỹ vẫn là một siêu cường có thể kiềm chế và ngăn chặn bất kì thực thể chính trị và quốc gia nào định chiếm đoạt ngôi vị bá chủ của họ, ít nhất cho đến giữa thế kỉ này.
Hiện tại kinh tế Mỹ đang phục hồi nhanh chóng sau khủng hoảng và Mỹ vẫn là một nền kinh tế lớn nhất thế giới, có năng xuất suất cao nhất thế giới. Theo US Trust, dân số Mỹ khoảng 314 triệu người, chiếm 4,5% dân số thế giới nhưng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ chiếm hơn một phần năm tổng sản phẩm của toàn cầu.
Mỹ đứng đầu thế giới về lương hàng hóa sản xuất. Chỉ tính khi nước Mỹ mới thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng năm 2012 thì lượng sản xuất hàng hóa của Mỹ có tổng giá trị 1.900 tỉ USD, tăng 27% so với năm 2009. Số lượng nhân công trong lĩnh vực sản xuất tăng nửa triệu người kể từ năm 2010.
Mỹ là một trong những nước xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ lớn nhất thế giới. Kim ngạch xuất khẩu đạt giá trị trên 2.200 tỉ USD. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng đổ xô đầu tư vào Mỹ. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Mỹ trong những năm gần đây đạt mức 736 tỉ USD, tương đương 15% tổng lượng vốn toàn cầu.
Cũng theo US Trust, ngoài việc dẫn đầu thế giới về khoa học công nghệ, đầu tư nghiên cứu và phát triển toàn diện, Mỹ còn là quê hương của các trang mạng xã hội hàng đầu thế giới, tiền theo đó cứ chảy vào nước Mỹ ngày càng gia tăng cùng với những thương hiệu hàng đầu. Mười thương hiệu có giá trị lớn nhất đều nằm trong tay người Mỹ.
Mỹ có những trường đại học nghiên cứu xuất sắc nhất thế giới. Theo đánh giá của Công ty chuyên về giáo dục và du học Quacquarelli Symond, trong danh sách một trăm trường đại học đứng đầu thế giới Mỹ chiếm gần 70%, có 6 trường ở vị trí số 1 đến số 6, có trường đã qui tụ và đào tạo được tới 98 người được giải thưởng Nobel của thế giới từ năm 1945 trở lại đây.
Đồng Đô la của Mỹ vẫn là đồng tiền vua của quốc tế. Tất cả các nước đều giao dịch và dự trữ chủ yếu bằng đồng USD. Trong tương lai chưa có đồng tiền nào có thể sẵn sàng thay thế, kể cả đồng EURO của Liên minh châu Âu, nhất là trong tình trạng tổ chức này đang ngập trong nợ công và hậu Brexit chao đảo.
Mỹ có lượng dự trữ và sản xuất dầu khổng lồ, vàng đen trong mach máu kinh tế thế giới. Mỹ đã vượt qua Ả Rập Saudi trở thành nhà sản xuất dầu lửa lớn nhất thế giới và chắc chắn với công nghệ đột phá đá phiến trong năm tới, Mỹ sẽ trở thành nhà sản xuất dầu, khí đốt tự nhiên nhiều và rẻ nhất thế giới.
Đó là những số liệu và phân tích của những tổ chức có uy tín hàng đầu thế giới như IMF mà tôi chỉ là người cóp nhặt lại. Tôi chỉ nói riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, vì tôi đã tìm hiểu khá sâu tình hình nông nghiệp ở bốn bang, lĩnh vực có tỉ trọng khoảng 3% trong nền kinh tế Mỹ, lao động của họ chỉ chiếm 1% trong tổng số dân với 2.109.363 trang trại, trung bình mỗi trang trại 174 ha. Vậy mà tính đến năm 2014, tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp là trên 400 tỉ USD. Xuất nhập khẩu đứng đầu thế giới, chiếm 18% thị phần thương mại nông sản toàn cầu, tăng 33% so với năm 2007. Thu nhập bình quân của một công nhân nông nghiệp khá cao, khoảng  61.000 USD/năm.
Người ta phải nói chuyện với những người nông dân Mỹ có trình độ đại học, tận mắt xem họ điều khiển các loại máy móc cày bừa, gieo trồng, tưới tiêu, vắt sữa, chế biến; phải tận mắt đến các trang trại, nhìn thấy trang trại của một gia đình nông dân rộng như cả một hợp tác trong thời hợp tác hóa của xóm làng Việt Nam ngày trước, người ta mới thấy hết thế nào là sản xuất lớn, thế nào là công nghiệp hóa nông nghiệp, thế nào là kinh tế trang trại, thế nào công nghệ sinh học-nông nghiệp. Những cánh đồng cỏ bát ngát, những trang trại hoa quả hàng chục ngàn cây, hàng trăm ngàn cây; những cánh đồng ngô, đậu tương, bí, các loại rau quả phải đi mỏi rời chân; những trang trại bò, cừu, dê, lợn hàng trăm, hàng nghìn con và những quĩ đất còn bảo tồn hàng chục cây số… tất cả mới thấy người ta đã nói đúng là một nông dân Mỹ có thể cung cấp đủ lương thực, thực phẩm nuôi 100 người Mỹ và 32 người đang sinh sống tại các nước trên thế giới.
Không kể đến việc nước Mỹ khởi nguồn một nền kinh tế mới, nền kinh tế tri thức từ những năm 70 của thế kỉ trước, nền kinh tế tương lai của nhân loại, nền kinh tế tạo ra nguồn tài nguyên vô tận và đáp ứng mọi nhu cầu của nhân loại và dẫn dắt toàn bộ thế giới đi theo nền kinh tế mới này (về điểm này toàn bộ nhân loại phải mang ơn nước Mỹ), chỉ tính riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, tôi có cảm nhận rằng, nước Mỹ không thể bị đánh bại trong cuộc cạnh tranh về kinh tế với những phần còn lại của thế giới.
Nước Mỹ vẫn sẽ là một siêu cường trong tương lai còn bởỉ vì, trong lịch sử Mỹ rất coi trọng sự phát triển quân sự, đầu tư rất lớn vào quân sự và hiện tại cũng vậy. Sau nội chiến, Mỹ xây dựng một đội quân mạnh theo truyền thống chung. Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất Mỹ có một đội quân hùng mạnh nổi trội so với các cường quốc. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai họ trở thành một đội quân hùng mạnh hiện đại bá chủ, thống trị toàn cầu với những phương tiện và vũ khí tiên tiến nhất. Tuy vậy, sau chiến tranh Triều Tiên, Việt Nam, nước Mỹ không còn là một quân đội tiến hành chiến tranh theo kiểu truyền thống. Quân đội Mỹ tiến hành các cuộc chiến tranh với vũ khí công nghệ cao, một kiểu chiến tranh hoàn toàn mới, một cuộc chiến tranh từ xa với sự tham gia của các phương tiện và vũ khí, khí tài hiện đại, chính xác, thông minh, giảm thiểu tới mức tối đa những thiệt hại cho binh lính. Các cuộc chiến tranh ở Nam Tư cũ, ở Afganistan, Irắc mới đây là minh chứng rõ ràng. Và hiện tại quân đội Mỹ vẫn đang trong quá trình thay đổi và phát triển hàng loạt chương trình nghiên cứu những phương tiện, vũ khí mới.
Theo Businessinsider nhiều chương trình đã bước vào giai đoạn thử nghiệm và ứng dụng. Có chương trình còn đang nghiên cứu nhưng những mục tiêu của chúng là vô cùng tham vọng và vượt trước thời đại rất xa. Đó là những phương tiện và vũ khí tạo ra cuộc cách mạng tác chiến trong chiến tranh cho cả bộ binh lẫn không quân và hải quân. Đó là những phương tiện tàu không gian trinh sát tối mật, thiết bị giúp binh lính leo trèo như tắc kè, hệ thống hỗ trợ trên không ngay tức thời, súng tự tính toán khoảng cách, rô bốt tự vận chuyển, rô bốt tấn công mọi địa hình, xe tăng không người lái, vũ khí lazer từ bắn tỉa của bộ binh đến vô hiệu hóa tên lửa phòng không dùng trên mặt đất, trên biển, trên không, pháo ray điện từ bắn đạn liên thanh hay pháo lazer năng lượng cao… Đó là chưa kể đến những phương tiện, vũ khí bí mật chưa được Mỹ được công bố.
Hải quân Mỹ được đánh giá là lực lượng tác chiến hàng đầu thế giới. Để duy trì lợi thế trước các đối thủ như Nga và Trung Quốc, nhiều phương tiện và vũ khí làm thay đổi tác chiến hải quân vốn đã tiên tiến nhất thế giới, Mỹ đã đưa vào sử dụng tàu sân bay thế hệ mới USS Gerrald R. Ford. Kế hoạch trong thời gian tới Mỹ đóng 10 chiếc. Trị giá mỗi chiếc là 13 tỉ USD. Tàu sân bay này mạnh hơn cả tiềm lực quốc phòng của một quốc gia. Nó có tới gần một trăm máy bay phản lực tàng hình và các máy bay do thám không người lái. Tàu có hệ thống tác chiến điện tử vô đối, pháo lazer, pháo ray điện từ cùng với các loại vũ khí của tương lai để chống tên lửa chống hạm, tên lửa hành trình như kiểu của Nga và Trung quốc đã có và đang thử nghiệm. Nó có thể diệt các mục tiêu như máy bay, tầu chiến trong phạm vi vài km đến vài trăm km.
Trong các loại kể trên, đáng chú ý nhất là pháo ray điện từ đã hoàn tất giai đoạn thử nghiệm và bắt đầu đưa vào sử dụng. Pháo có thể bắn xa như tên lửa, tốc độ gấp 7 lần âm thanh (8.575km/h). Loại pháo này bắn đạn không đầu nổ, một khối kim loại chỉ nặng vài kg có thể phá hủy mọi mục tiêu, giá thành rất thấp so với các loại tên lửa hiện tại. Loại pháo này có tầm bắn 160 km với tốc độ siêu thanh cực kì lợi hại trong tấn công và phòng thủ…
Đêm đã về khuya, tôi đi bộ dọc theo đường phố Lonmont vô cùng bình yên trong dòng người, một thành phố nhỏ không được người ta chú ý đến thuộc bang Colorado, thành phố cao hơn mặt nước biển 1000 m. Trời se lạnh, nhưng trong ánh đèn điện, những căn biệt thự xinh đẹp, lộng lẫy hai, ba tầng cùng với những thảm cỏ xanh mướt, những hàng cây cổ thụ, những vườn hoa nở rực rỡ khiến tôi không thể rời mắt và không muốn trở về nhà ngủ. Thỉnh thoảng những quả pháo của các gia đình lại bắn nổ, tung ánh sáng lung linh lên bầu trời… Một quốc gia đa sắc tộc nhưng người dân lại rất có ý thức về ngày quốc khánh của đất nước mình. Tôi bắt đầu hiểu, cho đến tận ngày hôm nay, rất, rất nhiều người, có thể nói là số đông  trong số một triêu sinh viên của tất cả các nước trên thế giới đều muốn sau khi tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, tiến sĩ ở lại Mỹ làm việc và cống hiến cho nước Mỹ. Có rất nhiều lí do giữ chân họ ở lại, tôi không trách họ về điều đó. Gạt những quan điểm về chính trị sang một bên, tôi tin rằng với những gì nước Mỹ đã có trong quá khứ, hiện tại, tương lai họ vẫn sẽ là một siêu cường không có đối thủ cạnh tranh trong rất nhiều năm nữa.
    
      



2 nhận xét:

  1. 1./ Tư vấn
    Khách hàng có thể liên hệ trực tiếp qua số Hotline 1900 633698 hoặc đăng ký qua website của Bệnh viện Phương Nam để đặt lịch và nhận tư vấn dịch vụ xét nghiệm ADN. Thông thường, bệnh nhân sẽ cần tư vấn phương pháp cũng như cách thức lấy mẫu đạt chuẩn y khoa.
    Quy trình cơ bản trong xét nghiệm ADN

    Trả lờiXóa
  2. Bài viết rất hay và rất đúng, Mỹ vân luôn là 1 siê cường hàng đầu thế giới, mời các bạn tham khảo các thông tin sau >>> Trị hôi miệng bằng nước muối ?

    Trả lờiXóa

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.