Về chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Mỹ

Leave a Comment
Trả lời phỏng vấn về mục đích chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang Mỹ, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh có nói, chuyến đi là dịp để lãnh đạo hai nước thảo luận và đề ra các biện pháp nhằm tiếp tục thúc đẩy đà phát triển mạnh mẽ quan hệ hai nước trong hơn hai mươi năm qua, cũng như thúc đẩy sự phát triển quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam Hoa Kỳ trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, an ninh quốc phòng, giáo dục… Những thông tin đó hoàn toàn chính xác nhưng đó là thứ ngôn ngữ ngoại giao, có thể áp dụng với bất cứ chuyến thăm bình thường nào của các nguyên thủ quốc gia với bất kỳ các nước đối tác nào.
Trong mấy năm gần đây, lãnh đạo cấp cao hai nước, gần như năm nào cũng có các cuộc viếng thăm lẫn nhau nhằm thúc đẩy hợp tác toàn diện quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, không chỉ ở kênh song phương mà còn cả ở kênh đa phương. (Tôi có viết một số bài dựa trên những tài liệu đa chiều đề cập đến mối quan hệ Việt-Mỹ, bài gần đây nhất là bài Về chuyến thăm của Tống thống Barack Obama tới Việt Nam cũng trong blog này). Chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần này cũng nằm chung trong cái mạch trước đó, vì suy cho cùng thì Thủ tướng đang triển khai đường lối đối ngoại của Đảng: Đa dạng hóa, đa phương hóa với phương châm Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước. Điều này được thể hiện rất rõ trong tuyên bố chung về tăng cường Đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Điều đặc biệt Thủ tướng là nguyên thủ quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á đến thăm Mỹ trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền, nước Mỹ đang có nhiều thay đổi trong quá trình định hình chính sách đối nội cũng như đối ngoại. Việt Nam lại bị liệt vào trong những nước làm thâm hụt cán cân thương mại Mỹ, góp phần “cướp đi công ăn việc làm của người Mỹ”. Năm 2016 kim ngạch thương mại Việt-Mỹ là 53 tỷ đô la, trong đó Việt Nam tiếp tục xuất siêu 30,9 tỷ đô la.
Trước chuyến thăm, so với người tiền nhiệm, Tổng thống Trump có vẻ kiềm chế trong vấn đề về Biển Đông. Rốt cuộc thì chính quyền mới của Mỹ đối với Biển Đông như thế nào? Có còn quan tâm đến Biển Đông nữa hay không? Chính sách của Mỹ đối với Đông Nam Á nói chung như thế nào và nói riêng với Việt Nam ra sao? Chắc chắn Việt Nam rất cần một câu trả lời rõ ràng. Cho nên chuyến đi có thể nói vừa mang tính chất thăm dò, vừa để giải thích và giải quyết chuyện thâm hụt thương mại (Câu chuyện cán cân thương mại Việt-Mỹ nhìn từ góc độ đôi giày Nike), vừa để thúc đẩy xây dựng lòng tin giữa hai bên. Nó góp phần làm hai bên hiểu nhau hơn, đặc biệt làm cho chính giới Mỹ, học giả, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân Mỹ hiểu hơn về Việt Nam, nhất là khi một số nước Đông Nam Á có xu hướng ngả về phía Trung Quốc. Vì vậy, chuyến đi sẽ góp phần định rõ hơn những quyết sách và định hướng phát triển quan hệ Việt-Mỹ trong ít nhất bốn năm tới; làm rõ hơn những động cơ thúc đẩy quan hệ giữa hai nước theo khuôn khổ mà hai bên đã định hình trước đó.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc trao đổi ở Nhà Trắng. Theo nhận xét chung của các chuyên gia quốc tế, qua cuộc hội đàm, ông Trump tỏ ra vẫn quan tâm đến sự can dự của Mỹ ở châu Á, đặc biệt là ở Biển Đông, điều mà dư luận vẫn còn băn khoăn cách đây khoảng vài tháng.
Vấn đề Biển Đông
Theo tuyên bố chung giữa hai nước, hai bên cùng khẳng định Biển Đông là tuyến đường hàng hải có tầm quan trọng chiến lược đối với cộng đồng quốc tế. Cả hai đều nhấn mạnh việc đảm bảo tự do hàng hải, hàng không, khẳng định việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, không đe dọa sử dụng vũ lực. Theo giáo sư Alexander Vuving thuộc Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, tuyên bố không chỉ nhắc đến tự do hàng hải, hàng không mà còn bổ sung thêm tự do “sử dụng biển hợp pháp”. Tức là hai bên đã nhìn nhận ra rằng vấn đề Biển Đông không chỉ là tự do lưu thông hàng hóa (Trung Quốc luôn khẳng định tôn trọng tự do lưu thông) mà còn là tự do trên biển.
Khái niệm tự do trên biển rất rộng. Từ phía lợi ích của Việt Nam, đó là hoạt động của các giàn khoan và tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam diễn ra hợp pháp trên Biển Đông. Về phía Mỹ, đó là những hoạt động quân sự tự do trên Biển Đông. Đó là việc sử dụng biển hợp pháp, Trung Quốc không có quyền ngăn cản. Ông Trump đã khẳng định sẽ tiếp tục cho tàu và máy bay di chuyển và hoạt động tại bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.
Theo quan điểm của người viết, hai nước Việt-Mỹ có chung lợi ích trong việc bảo vệ luật pháp quốc tế, tự do và an ninh hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Thêm bạn bớt thù là phương châm sống của người Việt, nói theo ngôn ngữ chính trị, cân bằng quyền lực trước một người hàng xóm láng giềng đầy tham vọng về lãnh thổ để không bị lệ thuộc, không bị chèn ép, không bị mất chủ quyền là điều Việt Nam phải tính đến. Còn người Mỹ thì luôn hành động theo tinh thần thêm bạn bớt thù bằng cách riêng của họ. Không phải ngẫu nhiên chuyến thăm diễn ra ngay sau khi Mỹ chuyển giao tàu tuần duyên hạng nặng cho Cảnh sát biển Việt Nam. Và trước đó một tuần, Mỹ cũng bàn giao 6 tàu tuần tra cao tốc Metal Shark cho Việt Nam.
Theo một số nhà quan sát quốc tế, chuyến đi thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mở ra cơ hội hợp tác an ninh Việt-Mỹ trên Biển Đông. Nhà phân tích chiến lược Rodger Baker từ Công ty khảo sát phân tích tình báo địa chính trị Stratfor có bình luận như vậy. Baker cho rằng Việt Nam có thể trở thành một đối tác quan trọng trong dài hạn đối với Oasington để trung hòa ảnh hưởng của Trung Quốc trên Biển Đông và Đông Nam Á.
Biển Đông thực sự là một thách thức lớn sau Chiến tranh biên giới phía bắc với Việt Nam và sau Chiến tranh Lạnh đối với Mỹ. Nhiều người cho rằng, nếu chiến tranh thế giới lần thứ 3 nổ ra thì phát súng đầu tiên sẽ nổ ra trên Biển Đông (Xin xem bài Quan hệ Trung-Mỹ sẽ đi về đâu trong Blog này). Trung Quốc đã phản ứng bình tĩnh trước Phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế. Trung quốc đang tiến từng bước chiếm ưu thế trên Biển Đông, một cách chậm nhưng chắc chắn. Trung Quốc đã quân sự hóa các đảo xâm chiếm của Việt Nam. Bắc Kinh đang nỗ lực xây dựng một mạng lưới ra đa dưới đáy biển để làm giảm khả năng tàng hình của Mỹ và các nước trên Biển Đông. Sớm muộn Bắc Kinh sẽ triển khai tên lửa, tầu ngầm, máy bay trên các đảo nhân tạo.   
Là cầu nối Trung quốc với Đông Nam Á, Việt Nam có yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, có vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp nằm trên đường lưỡi bò phi lý của Trung Quốc. Việt Nam có lập trường kiên định và có khả năng chống lại các hoạt động bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông. Nhiều năm qua, Việt Nam đã kiên nhẫn chống lại lối hành xử bành trướng xâm phạm chủ quyền và tìm kiếm sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ về vấn đề Biển Đông.
Hành động của Trung Quốc trên Biển Đông đi ngược lại lợi ích của Mỹ, khiến Mỹ ngày càng khó chịu. Chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã lên tiếng và có hành động xoay trục cụ thể bắt đầu từ năm 2010 cho đến hết năm 2016. Tiếp theo, khi nhậm chức, Tổng thống Trump cũng tuyên bố: “Đó sẽ là vấn đề nếu những hòn đảo nhân tạo trên thực tế nằm ở vùng biển quốc tế, không phải là một phần của Trung Quốc, thì chúng tôi sẽ đảm bảo rằng không để bất kỳ quốc gia nào thâu tóm các vùng lãnh thổ quốc tế”.
Khả năng hợp tác an ninh
Tiền đề hợp tác an ninh giữa hai nước Việt-Mỹ đã xuất hiện từ sau năm 2010, nhất là sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Obama tới Việt Nam vào cuối tháng 5/2016 với tuyên bố quyết định dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam. Một năm đã trôi qua, hai nước đã làm được một số việc. Tuy thời gian chưa đủ để người ta thấy rõ đường nét hợp tác an ninh ngoài những con tàu tuần tra Mỹ viện trợ cho Việt Nam mà báo chí đã nói, nhưng rõ ràng quan hệ hợp tác quốc phòng đã được hai nước đo đếm.
So với tuyên bố chung lần trước tại Hà Nội, ngôn ngữ thể hiện trong tuyên bố chung lần này về vấn đề Biển Đông mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn. Tuyên bố chung không nêu cụ thể về mức độ hợp tác an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên việc đưa hợp tác hải quân giữa hai nước vào tuyên bố chung, nhìn chung phản ánh các bên đều thừa nhận đây là vấn đề quan trọng, có sự đồng ý và thúc đẩy giữa hai lãnh đạo cấp cao. Việc đề cập khả năng tàu sân bay Mỹ thăm cảng Việt Nam là điều hết sức nhạy cảm, điều này đã được bàn đến trong cuộc hội đàm, chứ chưa khẳng định phía Việt Nam có đồng ý hay không. Nhưng khi đã đưa vào tuyên bố chung, tức là một bên đã bày tỏ sự mong muốn. Điều này sẽ mở ra sự hợp tác cụ thể trong tương lai.
Trong tuyên bố chung về sự hợp tác an ninh, hai nhà lãnh đạo cũng nhắc đến việc thúc đẩy trao đổi thông tin tình báo. Đây có thể nói là một bước tiến quan trọng trong quan hệ về hợp tác an ninh. Đây là một điểm mới, có thể nói chưa từng có trong các tuyên bố chung Việt-Mỹ trước đó. Nội dung hợp tác này được giải thích cụ thể là việc trao đổi thông tin giữa hai nước để chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm mạng và cái gì ẩn khuất đằng sau đó thì mọi người đều ngầm hiểu. Chắc chắn rằng nội dung hợp tác này phản ánh bước tiến mới về chất trong việc hợp tác giữa lực lượng bảo vệ pháp luật của Việt Nam và Mỹ.
Nhân đây người viết cũng đề cập đến quan điểm một số bài báo của vài nước lớn, họ cho rằng tuyên bố chung Việt-Mỹ nhấn mạnh hợp tác quốc phòng, nặng về vấn đề biển Đông, hai nước tính kế dựa vào nhau để cân bằng với Trung Quốc. Có bài báo còn nói ông Trump đang lôi kéo Việt Nam vào một liên minh hải quân với Mỹ, lợi dụng Hà Nội chơi trò cạnh tranh giữa Oasington với Bắc Kinh. Thậm chí có tờ báo còn đặt câu hỏi liệu Việt Nam có trở thành bức bình phong tuyến đầu của Mỹ ngăn cản Trung Quốc bành trướng trên Biển Đông?
Việt Nam chắc chắn sẽ không biến mình thành con tốt, thành quân cờ của các nước lớn. Việt Nam không đi với một nước để chống lại một bên thứ 3, nhưng Việt Nam cần phải có mọi phương án cần thiết để tự vệ. Việt Nam không phải là đồng minh của Mỹ, nhưng như vậy không có nghĩa là không liên minh với Mỹ. Việt Nam hiểu hợp tác và cạnh tranh luôn là hai mặt không tách rời nhau trong quan hệ quốc tế hiện nay. Chẳng hạn như quan hệ Trung-Triều, Trung-Mỹ, Mỹ-Nhật, Mỹ-EU… Quan hệ hợp tác hữu nghị, bình đẳng cùng có lợi giữa Việt Nam và Mỹ sẽ chỉ góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác phồn vinh trong khu vực.
Về mặt kinh tế
Theo cảm nhận của người viết, có lẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt-Mỹ mới là trọng tâm chính của chuyến đi. Về mặt này, hai bên đã đạt được nhiều dự án hợp tác trị giá hàng chục tỉ đô la. Quan trọng hơn hai bên đã đạt được nhận thức chung nhằm hướng tới một khuôn khổ mới cho hợp tác toàn diện trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư trên nguyên tắc công bằng, hai bên đều có lợi.
Việc Tổng thống Trump rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là việc rất đáng tiếc đối với Việt Nam, vì theo nhiều chuyên gia quốc tế, với TPP Việt Nam là nước được hưởng nhiều lợi ích . Tuy nhiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước những nhà đầu tư Mỹ đã chuyển đi những thông điệp chính phủ kiến tạo vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Chính phủ Việt Nam cam kết đổi mới môi trường đầu tư, ngày càng thân thiện với các nhà đầu tư Mỹ. Thủ tướng kêu gọi những nhà đầu tư Mỹ đến Việt Nam và Việt Nam sẵn sàng cùng Mỹ xây dựng khuôn khổ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư phù hợp và có lợi cho cả hai bên. Thủ tướng khẳng định đây là thời cơ để các nhà đầu tư Mỹ rót vốn vào Việt Nam. Nhiều dấu hiệu cho thấy hai bên đã hiểu những “thông điệp” của nhau. Sáng kiến hội nghị cấp cao giữa hai bên chắc sẽ là bước tiếp theo để triển khai có hiệu quả Hiệp định khung song phương trong tương lai gần.
Hai mối quan tâm chính trong chính sách mới của Chính quyền Trump là tạo công ăn việc làm và giảm thâm hụt thương mại cho nước Mỹ. Hai mối quan tâm này đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra bàn bạc và có hành động cụ thể. Kết thúc hội đàm, Tổng thống Trump đã rất vui mừng thông báo: “Họ vừa có đơn đặt hàng rất lớn với Mỹ, và chúng tôi đánh giá cao việc đó. Với giá trị nhiều tỷ đô la, nó có nghĩa là việc làm cho Mỹ và trang thiết bị chất lượng cao cho Việt Nam”.
Theo Reuter, Bộ Thương mại Mỹ báo cáo có nhiều thỏa thuận thương mại được ký kết với tổng trị giá hàng chục tỷ đô la, tạo ra khoảng 23.000 việc làm cho người Mỹ. Hãng General Elecctric đã ký một thỏa thuận gần 6 tỷ đô la với Việt Nam trong lĩnh vực cung cấp tua bin điện gió, xây dựng 2 nhà máy tua bin khí và cung ứng động cơ máy bay cùng các dịch vụ bảo dưỡng trong 12 năm. Tập đoàn Caterpilar hiện đang hoạt động ở Việt Nam sẽ cung cấp công nghệ quản lý cho 100 máy phát điện ở Việt Nam. Hãng bảo mật Passport  Systems Inc ký thỏa tuận 1 tỷ đô la với một doanh nghiệp Việt để nhập khẩu máy quét nội soi công nghệ cao cho phép tự động phát hiện các mối đe dọa trong hàng hóa vận chuyển…
Rõ ràng chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giải tỏa được những lo ngại về sự thay đổi hoặc đảo chiều chính sách của chính quyền mới ở Mỹ. Nó cũng giải quyết được phương hướng cân bằng thương mại, một vấn đề người Mỹ không hài lòng. Việc thâm hụt thương mại chắc chắn sẽ được giải quyết (Người viết băn khoăn không biết đến bao giờ hai nước Việt-Trung mới giải quyết được vấn đề nhập siêu của Việt Nam mỗi năm trên 20 tỷ đô la. Xuất siêu của Trung Quốc với Việt Nam đã kéo dài mấy chục năm nay. Có phàn nàn thì họ trả lời họ không tìm kiếm xuất siêu với Việt Nam. Họ cho rằng thâm hụt là vì sự chênh lệch về trình độ kinh tế, trình độ sản xuất giữa hai nước. Ngụy biện. Họ không muốn hành động để làm giảm thâm hụt. Họ muốn Việt Nam phải thua thiệt, phải lệ thuộc vào họ. Tại sao Việt Nam và Mỹ lại giải quyết được? Thật đáng buồn cho quốc gia luôn mồm nói 4 tốt, mười sáu chữ vàng với láng giềng cùng hệ thống chính trị. Chỉ biết ăn người. Kim ngạch thương mại càng cao càng thâm hụt lớn. Họ vui mừng vì điều đó. Trong chuyện này thật đáng trách các doanh nghiệp Việt, doanh nhân Việt. Những kẻ tối mắt tối mũi vì tiền, vì hàng rẻ, vì công nghệ, công trình rẻ. Tại sao họ không sử dụng hàng, công nghệ Nhật, Mỹ, châu Âu? Nhân dân và tòa án bắt đầu phán xét họ). Kết quả chuyến đi đã minh chứng Chính quyền Trump tiếp tục mạch chính sách đã hình thành từ các đời chính quyền Mỹ trước đây. Theo nhiều chuyên gia Mỹ và Việt Nam, Tổng thống Trump không chỉ giữ đà hợp tác với Việt Nam mà còn đẩy nó lên vị thế cao hơn trước.
Kết luận
 Sau chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chúng ta thấy được quan điểm nhất quán và rõ ràng của chính quyền mới của Mỹ đối với Việt Nam. Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường, nguyên đại sứ ở 5 quốc gia, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế cho rằng: “Riêng trong vấn đề quan hệ Việt-Mỹ, quan hệ Việt-Mỹ liên quan đến Đông Nam Á, Biển Đông thì Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã thể hiện sự nhất quán”. Giáo sư Tiến sỹ Khoa học Chính trị Larry Berman thuộc Đại học Geogia, Mỹ nhận xét: “Tôi cho rằng chuyến thăm này là thắng lợi của hai bên, khi Chính quyền Trump coi Việt Nam là một trục đối tác quan trọng ở khu vực Đông Nam Á, không chỉ đơn thuần là một số hợp đồng kinh tế”. Giáo sư Berman đánh giá, các cuộc tiếp xúc của phái đoàn Việt Nam với chính giới Mỹ, giới doanh nhân, học giả cũng rất quan trọng, vì nó nhấn mạnh sự hợp tác Việt-Mỹ là một phần quan trọng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Qua chuyến thăm và qua tuyên bố chung, chúng ta thấy được quan điểm kiên định của Mỹ ở Biển Đông. Việc Chính quyền Tổng thống Trump mời Việt Nam, nước đầu tiên ở Đông Nam Á, nước có nhiều lợi ích nhất ở Biển Đông để khẳng định sự nhất quán trong chính sách của mình là điều rất quan trọng. Điều đó cho thấy chính quyền mới của Mỹ thực sự quan tâm tới Biển Đông, quan tâm tới quan hệ hợp tác Việt-Mỹ và vấn đề Biển Đông vẫn được coi là một đòn bẩy trong mối quan hệ ngoại giao.
Cuối cùng chuyến đi đã giải quyết được các vấn đề về kinh tế. Giáo sư Berman cho rằng cuộc gặp gỡ cấp cao giữa lãnh đạo hai nước đã thành công, thành công nhất là về kinh tế. Việt Nam đã ký nhiều thỏa thuận thương mại, tăng cường nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam. Đó là điều tốt đẹp, vì tất cả đều là công nghệ, hàng hóa, dịch vụ chất lượng hàng đầu thế giới, chứ không phải là thứ công nghệ lạc hậu rẻ tiền đội giá, chất lượng thấp, ô nhiễm môi trường. Sắp tới những nội dung cơ bản của TPP cũng được đưa vào quan hệ thương mại song phương Việt-Mỹ và điều đó sẽ thúc đẩy thương mại trong tương lai.
Mặc dầu không có những bước thật đột phá, nhưng chỉ chừng ấy thôi, chúng ta hy vọng rằng chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ đem lại nhiều điều tốt đẹp cho dân tộc trong tương lai.
                                                                               Ngày 4/6/2017




0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.