Tầm quan trọng chiến lược của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương

Leave a Comment
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế thế giới, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương là một hiệp định đa phương tự do, tiến bộ nhất và là hình mẫu tương lai của thế kỷ 21. Mặc dù Tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng 11 quốc gia trong đó có Việt nam ngày 8 tháng 3 đã ký Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình dương (CPTPP) thay thế cho TPP.
Trên cơ sở của TPP, CPTPP đã đề cập tới việc cắt giảm hàng rào thuế quan đối với tất cả các loại hàng hóa và dịch vụ. Hiệp định này cũng đề cấp đến việc xử lý những vấn đề mới phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm trong lĩnh vực công. Ngoài ra CPTPP vẫn đặt ra, đồng thời duy trì các yêu cầu, tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết chặt chẽ các tranh chấp có tính ràng buộc. Về việc mở cửa thị trường, 11 nước tham gia CPTPP quyết định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; tự do hóa đầu tư và dịch vụ trên cơ sở tôn trọng luật pháp của nước chủ nhà, đảm bảo sự quản lý chung của chính quyền sở tại… Chính vì vậy nó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho các doanh nghiệp, tạo ra lợi ích cho người tiêu dùng ở 11 nước thành viên.
Mặc dù Mỹ không tham gia nhưng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương vẫn có quy mô rất lớn (trên 10.000 tỷ USD tổng GDP của 11 nước với một thị trường trên 500 triệu người) , có tầm quan trọng chiến lược đối với Việt Nam. Nó sẽ góp phần để Việt Nam xem xét thay đổi luật lệ, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, tăng cường năng xuất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tăng cường xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường lớn như Austrailia, Canada, Mexico, Nhật Bản… cũng như thu hút dòng vốn đầu tư (FDI) từ các nước thành viên vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu phát triển. Đặc biệt sau khi Mỹ quay trở lại và nhiều nước khác tham gia, Việt Nam có vị thế để đàm phán với những điều khoản đem lại lợi ích nhất cho mình. 
Theo tôi CPTPP quan trọng nhất đối với Việt Nam là tạo ra cơ hội để không bị lệ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc (TQ). Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2017 thương mại Việt Trung đạt 93,69 tỷ USD. Dự báo trong năm 2018 kim ngạch thương mại song phương sẽ chạm mốc 100 tỷ USD. TQ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của VN và VN nằm trong số đối tác lớn top 10 của TQ. Với những điểm tương đồng về văn hóa, phong tục tập quán, vị trí địa lý thuận lợi, TQ vẫn sẽ là thị trường thương mại lớn nhất, giàu tiềm năng nhất của VN. Nhưng đáng buồn là, kim ngạch thương mại càng lớn VN càng bị bất lợi, luôn thâm hụt từ đầu những năm 1990 đến nay. 
Hai năm vừa rồi VN thâm hụt 22,765 tỷ USD, 28,5 tỷ USD với TQ. Có nghĩa là gần 30 năm qua, VN hoàn toàn thua thiệt trong quan hệ thương mại mà không hề có sự can thiệp cải thiện của chính quyền TQ. Họ đưa ra chính sách thương mại, đầu tư có lợi về kinh tế, chính trị, tạo công ăn việc làm cho doanh nghiệp, tạo điều kiện lao động cho công nhân TQ mà không hề đếm xỉa đến lợi ích của VN. Đó là chưa kể khi tình hình biên giới, tình hình Biển Đông không như ý TQ, họ sẵn sàng dùng đòn bẩy kinh tế để ép chúng ta phải nhượng bộ về chính trị, thậm chí cả chủ quyền. Bài học TQ trừng phạt Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines đã cho chúng ta thấy rõ điều đó.
Muốn không bị lệ thuộc vào TQ, muốn cán cân thương mại cân bằng, bình đẳng, VN phải đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, phải nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa của VN, phải tích cực thực hiện các cam kết song phương và đa phương với các nước ngoài TQ. VN phải đẩy mạnh quan hệ với Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nga… Đặc biệt VN phải tận dụng cơ hội do CPTPP mang lại để giảm nhập siêu từ TQ. Chẳng hạn các doanh nghiệp VN phải chú ý đến nguyên tắc xuất xứ hàng hóa để được hưởng ưu đãi thuế 0% từ CPTPP bằng cách chuyển sang nhập khẩu các yếu tố đầu vào từ các thành viên CPTPP (Canada, Nhật Bản, Austrailia, Mexico…) thay vì từ nhập khẩu của TQ. Đồng thời VN phải có chính sách thu hút đầu tư hợp lý, xem xét đầu tư có chọn lọc từ TQ vào VN để hưởng lợi từ CPTPP mang lại…
Bài học lịch sử giữ nước từ ngàn năm nay, bài học lịch sử hiện đại, bài học TQ xâm lược VN năm 1974, năm 1979 và năm 1988 vẫn còn nguyên giá trị. Không thể không cảnh giác với TQ từ lĩnh vực kinh tế tới chính trị. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương là một cái cốt vật chất chiến lược quan trọng để VN tránh bị lệ thuộc kinh tế TQ. Hy vọng mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp VN biết tận dụng mọi cơ hội để dân tộc ta trường tồn bên cạnh gã khổng lồ đầy dã tâm bành trướng.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.