Hội nghị Cấp cao An ninh châu Á và phản ứng của các nước ASEAN

Leave a Comment
Hội nghị Cấp cao An ninh châu Á lần thứ 17 thay còn gọi là Đối thoại Shangri-la 17 đã khép lại. Hội nghị đã thu hút 40 quốc gia, các tổ chức quốc tế, trong đó có đầy đủ 10 thành viên ASEAN và tất cả các cường quốc trên thế giới. Vẫn như năm trước, hội nghị thảo luận nhiều vấn đề quốc tế như tình hình bán đảo Triều Tiên, vấn đề Biển Đông và việc định hình trật tự an ninh châu Á đang biến đổi, cuộc chiến chống khủng bố quốc tế, vấn đề an ninh an toàn hàng hải, hàng không…
Vấn đề nóng nhất vẫn là tình hình bán đảo Triều Tiên và vấn đề Trung Quốc tăng cường quân sự hóa Biển Đông. Hai điểm nóng này có thể gây ra xung đột bất cứ lúc nào. Nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, chủ quyền của nhiều quốc gia ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Xét kỹ, vấn đề Triều Tiên đang có chiều hướng giảm nhiệt trong thời gian tới, nhưng vấn đề Biển Đông tôi cho nó mới chỉ bắt đầu giai đoạn góp gió để trở thành cơn bão trong tương lai.
Mỹ, Anh, Pháp, Australia và một số nước đã lên án, chỉ trích hành động gia tăng quân sự của Trung Quốc như đưa máy bay ném bom, tên lửa hành trình chống hạm, tên lửa đất đối không và các thiết bị quân sự đến các đảo xây dựng trái phép ở Trường Sa và Hoàng sa của Việt Nam nhằm thực hiện tham vọng bành trướng lâu dài.
Có một vấn đề tôi thấy Hội nghị không nói đến là việc Trung quốc còn biến lực lượng hải cảnh, lực lượng dân quân tự vệ đánh cá như một lực lượng vũ trang trá hình tăng cường sức ép đe dọa các nước xung quanh nhằm thực hiện hóa đường lưỡi bò để độc chiếm Biển Đông. ASEAN chính là nạn nhân của đường lối cường quyền của Trung Quốc nhưng họ lại không hề lên tiếng phản đối, chỉ trích trực tiếp người láng giềng khổng lồ đầy dã tâm này. Hầu như tất cả các nước đều diễn một bài mà các nhà quan sát đều thuộc lòng như tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin, ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế này nọ… Từng quốc gia, vì lý do nào đó có thể mềm mỏng trong việc ứng xử với Trung Quốc. Vấn đề tế nhị này có thể hiểu được nhưng cả một tập thể hiệp hội mà không có một lời lên án hành động quân sự phiêu lưu nguy hiểm của Trung Quốc thì các nhà quan sát phương Tây lấy làm lạ. 
Tôi cho rằng trên thế giới không có một tổ chức nào yếu thế như ASEAN hoặc có vấn đề nghiêm trọng về nguyên tắc tổ chức (chẳng hạn nguyên tắc đồng thuận) như ASEAN. Các thành viên của mình bị đe dọa trực tiếp về an ninh, bị xâm hại về chủ quyền, vậy mà họ không dám lên tiếng, để cho người ngoài cuộc nói, tổ chức ngoài cuộc nói.
Người xưa có câu “mềm nắn rắn buông”. Tôi tin rằng Trung Quốc còn lấn tới trên Biển Đông. Diễn đàn Hội nghị cấp cao An ninh châu Á lần thứ 17 đã phản ánh rõ gót chân Asin của ASEAN. Và đây không phải là lần đầu tiên họ im hơi lặng tiếng (họ đã thất bại nhiều lần về vấn đề Biển Đông). Hình như họ đang trông chờ vào Mỹ và các nước phương Tây? Kinh nghiệm lịch sử đã chứng minh, nếu chủ nghĩa dân tộc cực đoan không bị ngăn chặn thì hậu quả thật khó lường đối với nhân loại. Lúc cơ sự xảy ra thì chính ASEAN sẽ phải trả giá trước tiên, một tổ chức không có tiếng nói về an ninh chủ quyền, không có khả năng bảo vệ an ninh, chủ quyền các thành viên của mình.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.