Đầu Mầu, ký ức của những người lính

Leave a Comment
Hôm nay có công việc, chúng tôi đi dọc đường Hồ Chí Minh, con đường hàng triệu người lính và thanh niên xung phong năm nào xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Xe chúng tôi dừng lại ở Đầu Mầu trước một đài cao tám mái áp vào chân núi. Bên trong là một bức tượng Phật bà, hướng ánh mắt từ bi nhìn ra phía xa rừng núi bao la, trập trùng của huyện Do Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa. Ở khu vực này, vào tháng 6-1966, nhằm ngăn chặn âm mưu của Mỹ- Ngụy muốn mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, nhằm làm giảm áp lực các cuộc tấn công ở các mặt trận phía nam , nhằm kéo quân Mỹ ra vùng rừng núi hiểm trở để tiêu diệt, Quân ủy trung ương đã quyết định mở Mặt trận đường 9-Bắc Quảng Trị.
Mở màn chiến dịch là trận Đầu Mầu, tiểu đoàn 8, Trung đoàn 90, Sư 324 diệt gọn một đại đội biệt động quân. Tiếp theo các trung đoàn thuộc Sư 324 nổ súng diệt một loạt chốt điểm ở Cùa, Miến Hòa, Bản Hiệu, Phượng Nghĩa… Đông Hà và thị xã Quảng Trị bị uy hiếp, kẻ địch đổ một tiểu đoàn dù xuống khu vực Lèn 300t. Tiểu đoàn 9 của đã bố trí sẵn ở khu vực này bắn cháy 5 trực thăng khiến kế hoạch đổ quân của địch không thực hiện được. Quân Mỹ-Ngụy buộc phải đưa quân ra Quảng Trị. Sư đoàn 324 triển khai quân khắp nơi hiểm yếu, liên tục đánh những trận nhỏ như Cù Đinh, Ba De, Quán Ngang…
16 ngày sau trận Đầu Mầu, tại Đà Nẵng, Đại tướng Wesmoreland, tư lệnh quân Mỹ ở Nam Việt Nam và Trung tướng Hoàng Xuân Lãm, tư lệnh vùng 1 chiến thuật thống nhất kế hoạch đối phó với Quân Giải phóng, đưa Sư đoàn Thủy quân lục chiến số 3 từ Chu Lai ra Trị Thiên, mở cuộc hành quân 11 tiểu đoàn mang tên Hat-xtinh với sự yểm trợ tối đa của B52, máy bay chiến thuật và pháo cối các loại nhằm “tìm diệt” quân chủ lực Bắc Việt. Đây là trận đầu tiên các trung đoàn chủ lực thuộc sư 324 đọ sức trực tiếp với quân chiến đấu Mỹ-Ngụy.
Hàng trăm máy bay trực thăng chở từng trung đội lính Mỹ, cứ mỗi tốp 3 máy bay chúng liên tục đổ quân 8 giờ liền xuống khắp núi rừng Bắc Quảng Trị. Chúng không ngờ sư đoàn 324 đã chiếm giữ các điểm cao, đang chờ đợi, sẵn sàng chiến đấu. Sự xuất hiện trên chiến trường một lực lượng áp đảo về quân số, mật độ hỏa lực dày đặc của địch khiến quân ta gặp khó khăn không ít, nhất là chiến thuật nhảy cóc đổ quân chiếm điểm cao, chặn đường tiếp tế liên lạc của quân ta. Tuy nhiên, với tinh thần chiến đấu quả cảm Sư đoàn 324 đã tiêu diệt hàng ngàn quân Mỹ-Ngụy.
Tại cao điểm 402, có một đại đội Mỹ chốt giữ, khống chế đường cơ động của ta. Dưới chân cao điểm là một điểm tập kết thương binh các nơi về, chờ dân công bờ Bắc vào chuyển lương thực đạn dược vào và chuyển anh em bị thương ra. Quân số các chiến sỹ ta hy sinh lên tới hàng trăm, con số bị thương lên tới gần 500. Tình thế hết sức ngặt nghèo. Tuy nhiên lính Mỹ chốt trên đỉnh cao không dám lùng sục ra xung quanh nên anh em được tạm yên trong mấy ngày, nhưng dân công từ xa thì không thể tiếp cận thương binh.
17 giờ ngày 17-7, lợi dụng gió to làm lay động cành lá trên cao điểm, đại đội 3 tiểu đoàn 9 dưới sự chỉ huy của đồng chí Vũ Thang đội hình quân ta tiếp cận mục tiêu rồi dùng hỏa lực đi cùng khống chế địch để bộ binh ta áp sát. Bọn địch dường như đã nhận ra mối nguy hiểm sắp ập xuống đầu nên chuẩn bị rút quân bằng trực thăng. Đại đội 3 nổ súng mãnh liệt. Bọn chốt giữ trên đỉnh đồi bỏ chạy xuống sườn đồi 402 chờ trực thăng bốc đi. Khi đại đội 3 lên được đỉnh đồi thì đã có 3 trực thăng chở quân đã cất cánh chạy thoát. Còn lại 5 chiếc đang bốc quân mới ì ạch cất cánh độ cao 30, 40 mét. Tiểu liên và trung liên toàn đại đội đồng loạt nổ súng. Cả 5 chiếc rơi ngay tại chỗ bốc cháy dữ dội. Không có một tiếng súng bắn trả. Trận đánh kết thúc chưa đến nửa giờ… Sau đó lại tiếp tục hàng ngàn qủa đạn, hàng trăm loạt bom thù lại dội xuống…
Tôi đã đọc hồi ký Trung đoàn một thời máu lửa của Đại Tá Hồ Hữu Lạn, đã đọc hồi ký Từ châu thổ sông Hồng tới Sông Hương xứ Huế, Lịch sử Sư đoàn 324, đã nghe các tướng tá, chiến sỹ kể nhiều về chiến dịch này, nơi chúng tôi đang đứng. Chiến dịch kéo dài nhiều ngày, nhiều sườn núi, ngọn đồi có hàng trăm xác chiến sỹ của chúng ta và hàng trăm xác lính Mỹ- Ngụy không kịp chuyển đi. Mưa lũ ập xuống kéo trôi xuống sông xuống suối…
Đại tá Hồ Hữu Lạn, Thiếu tá Hà Minh Đô và tôi cứ lặng nhìn núi rừng bao la, trập trùng. Không ai nói với ai. Mọi người chìm tron quá khứ. Chiến tranh đã khép lại từ lâu. Tất cả là màu xanh nâu bạt ngàn của rừng núi, màu xanh xám của bầu trời đầu mùa đông Quảng Trị. Không còn sót lại một di chứng nào của chiến tranh. Không có một tượng đài tôn vinh, kỷ niệm trận chiến cấp sư đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam với Sư đoàn Thủy quân lục chiến Mỹ. Chỉ có một bức tượng phật và tiếng tụng kinh từ chân bức tượng vọng vang theo gió ngàn.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.