Về với Cao Bằng

Leave a Comment
Tôi đã nhiều lần lên Cao Bằng, một tỉnh nằm ở phía Đông Bắc Việt nam, nơi tiếp giáp Khu Tự trị người Choang thuộc tỉnh Quảng Tây Trung Quốc với đường biên dài trên 334,4km. Lần này tôi cùng anh em đồng đội đến thắp hương tưởng niệm Tướng Chu Phương Đới và thăm một số cựu chiến binh Sư đoàn 324 tại Cao Bằng.
Lúc cuối đời tôi có một số dịp gặp Tướng Chu Phương Đới, người con ưu tú của dân tôc Tày, người anh hùng của rừng núi Trị Thiên, người bạn của các dân tộc Lào. Ông quê xã Hưng Đạo, Hòa an, Cao Bằng. Ông đã từng chỉ huy Sư đoàn 325 đánh Mỹ-Ngụy ở Đắc Tô ở chiến trường Tây Nguyên, chỉ huy Sư đoàn 324 đánh Mỹ-Ngụy ở Quảng Trị, Thừa thiên từ giữa những năm 1960. Sư đoàn 324 ra quân đánh Mỹ đầu tiên đã tiêu diệt căn cứ Đầu Mầu, đánh bại cuộc hành quân hắc tinh tinh của Mỹ. Sư đoàn đánh chiếm căn cứ Cù Đinh, Ba De mở ra một thời kỳ mới thu hút chủ lực Mỹ - Ngụy ra Mặt trận đường 9 để tiêu diệt vào năm 1966-1967. Ông còn gắn bó mãi với Sư đoàn đến năm 1987 sau khi nhận nhiệm vụ làm Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Lào.
Năm 2006 khi Tướng Chu Đới nằm ở Bệnh viện Y học Dân tộc Quân đội tại Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội, tôi đã cùng đoàn cán bộ chiến sĩ cựu chiến binh Hà Nội thuộc sư 324 đến thăm hỏi bệnh tình ông. Lúc đó ông vẫn còn khỏe, còn kể lại cho chúng tôi nghe thời hoạt đông cách mạng, thời trai trẻ đánh Pháp ở Việt Bắc, ở Điện Biên Phủ như thế nào. Ông cũng kể cho chúng tôi nghe thời kì học ở Nga, ông chọn một đề tài giả định gây sốc cho toàn học viện. Đó là cuộc chiến tranh xâm lược do Trung Quốc phát động mà ông là một chỉ huy quân đoàn phụ trách bảo vệ vùng biên cương hai tỉnh Cao bằng và Lạng Sơn. Lúc đó ông buồn rầu nói với chúng: “Thế mà sau đó có chiến tranh thật”. 
Tôi rất tò mò về đề tài này. Tôi hỏi ông “Tại sao ông lại giả định về cuộc chiến tranh Trung - Việt” . Ông mỉm cười: “Mình cũng chỉ nhân đọc về cuộc chiến Trung – Ấn và cuộc chiến Trung – Xô mà chợt nghĩ ra thôi”. Trầm ngâm một lát ông nói tiếp: “Nhưng từ trong ký ức lịch sử dân tộc, mình có cái cảm giác cảnh giác nào đó, mặc dù không rõ nét”.
Lúc đó tôi rất ngạc nhiên và đã nảy ra ý định viết một cuốn sách về Tướng Chu Phương Đới. Tôi đã dự định dành nhiều thời gian đến Viện Y học để khai thác tài liệu sống từ con người ông. Thật đáng buồn, vì mải bận bát cơm manh áo mà tôi không thực hiên được điều đó. Một năm sau ông rời khỏi thế giới này.
Tôi rất ấn tượng với phong cách điềm đạm, cởi mở, quần chúng của vị tướng này. Hôm đó ông vẫn còn hát theo anh em chúng tôi bài hát “Vang mãi khúc quân hành”: Đời mình là một khúc quân hành, đời mình là bài ca chiến đấu, ta ca vang, triền miên qua tháng ngày… Chúng tôi hát, hát say sưa để ngợi ca, tưởng nhớ những người lính và cũng để tôn vinh cuộc đời binh nghiệp sáng ngời của ông.
Năm 2007 tôi cùng anh em cựu chiến binh thuộc Trung đoàn 3 ở Hà Nội lên Cao Bằng thăm ông. Lúc đến nhà ông, trời về chiều, chỉ còn vài tia nắng nhạt nhòa. Chúng tôi đều ngỡ ngàng, ngậm ngùi. Ba gian nhà ngói nhỏ bé ông ở cùng gia đình hòa lẫn với tất cả những ngôi nhà xung quanh bản người Tày. Trước ngôi nhà còn có một khoảng sân lát gạch nung cũ kỹ. Cách sân vài mét là hàng rào cây gốc tần, ô rô. Trong cái khoảng trống tạm gọi là khu vườn, các đồng đội của ông đã trồng một ít thanh long, một số loại cây ăn quả và hoa đặc trưng của các vùng miền khi về thăm ông.
Bước vào nhà, tất cả đều rất đơn sơ, giản dị. Từ nền gạch hoa bằng xi măng xa xưa cái thời bao cấp đến mọi đồ vật bày biện trong nhà đều không có dấu hiệu gì là nhà của một ông tướng. Cái tủ ba ngăn kê sát vách giữa nhà đồng thời là giường thờ, bên trên có bát hương thờ ảnh Bác Hồ. Phía trước tủ là một bộ bàn ghế tràng kỷ như của bao gia đình nông thôn Việt Nam. Ông ngồi trên giường, người trông gầy sọp. Bên cạnh ông, Tướng Minh Long, người đồng đội gắn bó với ông nhiều năm ở chiến trường đã bỏ nhà cửa ở Thành Phố Hồ Chí Minh lên Cao Bằng chăm sóc ông như người em ruột. Tướng Minh Long phải quàng tay ôm đỡ lấy ông ngồi dậy. 
Ông bắt tay từng người trong đoàn. Đến lượt tôi, tôi chúc ông nhanh chóng khỏe mạnh, để lần sau cùng an hem chúng tôi lên thăm hang Pác Pó, thác Bản Giốc. Ông dường như không muốn rời tay tôi. Đôi mắt ông nhìn tôi rất lạ, giống như ánh mắt níu kéo của cụ tôi, bà tôi nhìn người thân trước lúc đi xa. Linh cảm mách tôi chuyện chẳng lành. Đúng như vậy, khoảng nửa đêm hôm đó, chúng tôi nhận được tin ông mất.
Ngày hôm sau, Đảng nhà nước và Bộ Quốc phòng, các đoàn đại diện cho Đảng và nhà nước Lào, các địa phương, người thân, làng xóm, bạn bè, anh em đồng chí ở trong và ngoài nước khắp ba miền Bắc, Trung, Nam đổ về đưa tiễn Tướng Chu Phương Đới tới nơi an nghỉ cuối cùng. Tôi biết còn có nhiều người không có điều kiện về Cao Bằng vĩnh biệt người chỉ huy, vị tướng của các vị tướng, người đồng chí, đồng đội trong suốt hai cuộc kháng chiến. Họ sẽ đưa tiễn ông theo cách riêng của mình. Tôi biết ông không phải là vị tướng có cấp bậc cao, không phải là vị tướng thật xuất chúng, nhưng biết bao tướng tá thuộc Sư đoàn Kỵ binh bay, Sư đoàn Thủy quân lục chiến, Sư đoàn dù Mỹ sau này khi gặp ông và nói về ông với niềm kính trọng, kinh ngạc trước ý chí, tài thao lược của ông. 
Sự ra đi của ông khiến nhiều người trong chúng tôi không cầm được nước mắt. Cả một đời binh nghiệp, qua hai cuộc kháng chiến, trải qua hàng trăm trận đánh với đội quân viễn chinh Pháp và đội quân nhà nghề khét tiếng của đế quốc Mỹ, công lao với quân đội với dân tộc là không nhỏ, nhưng ông về hưu sống thuần với đồng lương hưu, sống một cuộc sống thanh bạch, tĩnh lặng ở một làng dân tộc hẻo lánh. Tôi kính trọng ông vì ông vẫn ấp ủ một mơ ước cho tới trước lúc qua đời, đó là có đủ tư liệu để viết một cuốn sách về người Âu Việt mà có thể hậu duệ sau này là người Tày. Ước mơ đẹp đẽ đó cũng đã theo ông về bên kia thế giới.
Tôi biết đơn vị chính sách quân đội đã xây dựng cho Tướng Chu Phương Đới một căn nhà dưỡng già. Thế nhưng ông lại đem tặng ngôi nhà đó để làm trường mầm non cho các cháu tại quê hương. Tôi cứ tự hỏi mình tại sao có nhiều người lính già lại rơi lệ, thậm chí òa khóc nức nở trong đám tang ông. Nước mắt những người lính này đã khô cạn trong mấy chục năm chinh chiến rồi. Họ đâu có dư nước mắt! Và với tôi ông mãi là một trong những vị tướng đáng kính nhất trong quân đội nhân dân Việt Nam.
Về thắp hương cho ông còn có Thiếu Tướng Lê Huy Mai, nguyên Trưởng ban Trinh sát-Đặc công Sư đoàn 324. Tướng Lê Huy Mai đã kính dâng lên bàn thờ ông cuốn Hồi ký “Từ châu thổ sông Hồng tới sông Hương xứ Huế”. Tôi tin rằng Tướng Chu Phương Đới sẽ rất vui đọc cuốn sách của một chiến sỹ được ông và tập thể cán bộ chiến sỹ Sư đoàn 324 rèn rũa trở thành một vị Tướng như ông, cũng như ông rất vui khi đọc những cuốn hồi ký của các tướng tá, chiến sỹ Sư đoàn 324 và cả của kẻ thù khi viết về sư đoàn 324 của mình. Một lần nữa tôi xin được cầu chúc cho linh hồn ông luôn bình yên, vĩnh hằng ở bên kia thế giới.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.