Vì sao nước Mỹ trở thành một siêu cường

Leave a Comment
Gần chục năm trở lại đây, năm nào tôi cũng có dịp sang Mỹ từ một cho đến ba tháng. Tôi đi nhiều bang, vừa tìm hiểu qua thực tế vừa tìm hiểu qua sách vở, ít nhiều cũng biết một chút về nước Mỹ, nhưng chưa bao giờ tôi đặt ra cho mình câu hỏi tại sao nước Mỹ lại trở thành một siêu cường trong suốt gần thế kỉ thứ 20 và có lẽ đến giữa thế kỉ thứ 21 cũng chưa có quốc gia nào, hay một thực thể nào giành được cái địa vị đó của người Mỹ.
Chỉ khi xem xong màn pháo hoa tại Longmont, trên đường trở về nhà, lại chứng kiến cảnh nhiều gia đình người Mỹ bắn pháo hoa, cộng với những gì đã thấy từ đêm hôm trước, tôi mới đặt ra câu hỏi tại sao nước Mỹ lại giầu có như vậy và trên hết tại sao nước Mỹ lại vượt qua các cường quốc châu Âu như Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Đức, Liên Xô để trở thành siêu cường duy nhất từ năm 1991 đến nay (năm 1991 là năm Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết hoặc Liên Xô sụp đổ).
Trong lịch sử nhân loại, đã xuất hiện nhiều cường quốc hùng mạnh, tiêu biểu như Đế quốc La Mã, Đế quốc Mông Cổ, Đế quốc Tây Ban Nha, Đế quốc Anh... Và đối với người Việt đó là các đế chế Trung Quốc cường thịnh như Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh… Tất cả những đế quốc trên cuối cùng rốt cuộc đều bị tan rã.
Theo các sử gia, Đế chế La Mã tan rã không phải do các mối đe dọa từ bên ngoài. Nguyên nhân nằm ở các cuộc nội chiến kéo dài, tàn phá nền kinh tế và phụ thuộc vào binh lính đánh thuê. Đế quốc Mông cổ tan rã do tranh giành quyền lực giữa các thế lực trong nội bộ, phân thành bốn vương quốc, lần lượt sụp đổ và bị các thế lực khác chinh phục. Đế quốc Anh trải rộng khắp các châu lục trên thế giới, thống trị nhiều nền văn hóa và cai trị thuộc địa thông qua các chính quyền sở tại và cuối cùng tan rã vì chính cái đế chế khổng lồ của nó. Các đế chế Trung Quốc lần lượt ra đi cũng nằm trong các nguyên nhân nói trên.
Với Đế quốc Mỹ, quân đội của họ có khả năng đánh bại mọi kẻ thù hùng mạnh như Đế quốc Mông cổ xưa kia. Khi Liên Xô tự sụp đổ trong cuộc chạy đua với Mỹ, giống như Đế quốc La Mã, Mỹ không có đối thủ về mặt quân sự. Mỹ thống trị vùng trời, vùng biển và chiếm ưu thế tuyệt đối trên đất liền. Điều đáng chú ý, tương tự như Đế quốc Anh, Mỹ xây dựng quyền lực dựa trên nền thương mại toàn cầu và lực lượng không hải quân hùng mạnh có thể tiếp cận mọi tuyến đường biển lớn của thế giới, cùng với hàng trăm căn cứ quân sự trên khắp các châu lục. Tuy nhiên, theo quy luật, dù chiếm ưu thế đến đâu về mặt kinh tế và quân sự, sự phát triển của các cường quốc đều có giới hạn của nó. Nước Mỹ cũng vậy, họ sẽ giữ được ngôi vị của mình bao nhiêu lâu nữa. Ba mươi năm, năm mươi năm hay một thế kỷ?
Nhìn trên bản đồ và tìm hiểu về địa lí kinh tế, địa chính trị người ta thấy nước Mỹ được thiên nhiên rất ưu đãi. Nước Mỹ có những điều kiện cần và đủ để vươn lên để trở thành một cường quốc có tầm cỡ toàn cầu từ thế kỉ 19. Hầu như mọi người đặt chân đến đất nước cờ hoa đều choáng ngợp trước điều kiện tự nhiên của nước này. Nước Mỹ được che chở giữa hai đại dương lớn của thế giới, lãnh thổ rộng trên 9,3 triệu cây số vuông, có những con sông dài dọc ngang đất nước, những hồ nước rộng lớn phân bổ đều khắp đất nước, những cánh rừng um tùm nhìn hút tầm mắt, những cánh đồng bát ngát phì nhiêu, những cánh đồng cỏ bao la đến tận chân trời; tài nguyên khoáng sản phong phú, dồi dào nhất thế giới và tài nguyên biển giàu có, tiềm tàng ẩn giấu giữa hai đại dương vô cùng đa dạng. Có thể nói nước Mỹ có điều kiện địa kinh tế, địa chính trị lí tưởng nhất so với các đế quốc từ trước đến nay.
Trong lịch sử thế giới, không có một đế quốc nào bắt đầu từ khi ra đời (4-7-1776) lại không phải bỏ hoặc phải bỏ ra một chi phí rất thấp cho công việc bảo vệ an ninh quốc gia và trong một thời gian rất dài không phải lo ngại các thế lực bên ngoài xâm phạm bờ cõi như nước Mỹ. Kể từ năm 1865, sau khi kết thúc nội chiến Nam-Bắc, nước Mỹ không xảy ra một cuộc chiến tranh quy mô lớn nào. Trong hơn 120 năm, kể từ khi tiến hành cuộc cách mạng giành được độc lập từ Đế quốc Anh tới khi Phát xít Nhật đánh vào Trân Châu Cảng (7-12-1941), chủ quyền lãnh thổ Mỹ chưa bị đe dọa lần nào. Chỉ khi Liên Xô phóng vệ tinh lên quỹ đạo vào năm 1960, có thể đưa đầu đạn hạt nhân tới Mỹ thì miền đất hứa này mới mất đi cái ưu thế tuyệt đối của nó.
Sự vươn lên hay sự trỗi dậy của người Mỹ diễn ra trong một thời gian ngắn với chi phí thấp không chỉ nhờ vào điều kiện địa kinh tế, địa chính trị mà còn nhờ vào tầng lớp tinh hoa chính trị cùng với một thể chế chính trị dân chủ nhất thế giới, bắt đầu từ vị Tổng thống Liên bang đầu tiên George Washington cùng với Bản Hiến pháp hoa kỳ có hiệu lực năm 1789. Với tầm nhìn cùng chính sách đối nội và đối ngoại sáng suốt, tầng lớp chính trị Mỹ đã dẫn dắt nước Mỹ nhanh chóng trỗi dậy trở thành một cường quốc, một siêu cường. Sự trỗi dậy của Mỹ là sự trỗi dậy đầy khôn ngoan, “nghệ thuật”, “trí tuệ”, tất nhiên cũng rất thủ đoạn.
Trong quá trình trỗi dậy, nước Mỹ cũng như các đế quốc trước đó phải vượt qua sự kiềm chế của một đế quốc nào đó, với Mỹ đó là Đế quốc Anh. Đầu tiên nước Anh đã không thể ngăn cản được sự độc lập của Mỹ. Sau đó không thể đánh thắng được Mỹ trong cuộc Chiến tranh năm 1812. Tiếp đó Anh lại không thể làm suy yếu nền kinh tế Mỹ sau chiến tranh. Nước Mỹ đã vượt qua được sự kiềm chế của nước Anh trên phương diện quốc gia và quốc tế với cái giá thấp nhất. Cuộc chiến giành giật ngôi bá quyền và bảo vệ ngôi bá quyền cũng với giá thấp nhất.
Xét ở một phương diện nào đó, hai cuộc chiến tranh thế giới, Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất (1914-1918) và cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai (1939-1945), là hai cuộc chiến tranh giữa hai thế lực đế quốc già và trẻ mà tiêu biểu là nước Anh và nước Đức. Thắng lợi của phe đế quốc đứng đầu là Anh, là thắng lợi của người Anh, nhưng thực chất kết quả sau hai cuộc thế chiến Mỹ mới gặt hái được thành công nhất. Đã có sự thay đổi vị trí bá quyền giữa Đế quốc Mỹ và Đế quốc Anh. Thế chiến một gần như Mỹ không tham gia chỉ đứng ngoài hưởng lợi. Thế chiến hai, Mỹ đã tính toán bỏ ra không nhiều nguồn lực so với các cường ở châu Âu mà lại thu được nhiều lợi ích nhất. Lợi ích lớn nhất là vị thế của Mỹ ở trên trường quốc tế. Có thể nói Mỹ đã thể hiện nghệ thuật trỗi dậy cao siêu. Từ năm 1898, thời gian nổ ra cuộc chiến Mỹ-Tây Ban Nha, Mỹ tiếp tục thực hiện học thuyết Monroe “Châu Mỹ của người Châu Mỹ” cho đến năm 1920, Mỹ chẳng những giành được quyền kiểm soát châu Mỹ mà còn thực hiện được sự hòa giải với Đế quốc Anh. Để rồi cuối cùng quốc gia bá quyền kết đồng minh với quốc gia bá quyền thay thế. Bước tiếp theo, người Mỹ chỉ trong một thời gian ngắn đã thực hiện được cuộc chuyển giao ngôi vị quán quân một cách ngoạn mục.
Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Mỹ bắt đầu thực hiện cuộc Chiến tranh Lạnh nhằm ngăn chặn Liên Xô, siêu cường đứng đầu phe Xã hội chủ nghĩa thách thức vị trí số một của Mỹ. Cả hai nước đều tránh đối đầu trực diện. Cả hai đều thông qua hàng chục cuộc chiến tranh “ủy nhiệm” ở các nước thuộc thế giới thứ Ba để tiêu hao nguồn lực của nhau. Mỹ không từ một thủ đoạn từ kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao trong cuộc chạy đua đường dài gần nửa thế kỉ để hạ gục đối thủ. Năm 1991 Liên Xô sụp đổ, Mỹ trở thành siêu cường duy nhất cho đến ngày hôm nay.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.