Thủ trưởng Mai Hiền

Leave a Comment

 Thủ trưởng Mai Hiền

Vào một buổi sáng cách đây khoảng hai chục năm, tôi và cậu tôi có việc đi qua nhà ông Triệu Đình Trụ. Trông thấy ông chủ nhà và một người vận quân phục cũ đang ngồi câu cá, cậu kéo tôi dừng lại: “Huệ này, trông giống Thủ trưởng Mai Hiền lắm. Không biết có phải không. Để cậu thử xem”. Cậu tôi đọc hai câu thơ mà nhiều người lính thuộc Trung đoàn 3 Sư đoàn 324 trong những năm 70 ở Chiến trường Trị Thiên đều biết đến: “Mai Hiền đại tá chưa phong, Cốc Bai chưa rút đừng hòng mà ra”. Đại tá Mai Hiền ngẩng đầu nhìn chúng tôi, nét mặt rạng rỡ: “Các cậu ở Sư 324. Đơn vị nào thế”.
Hôm ấy Đại tá Mai Hiền đến thăm người bạn vào sinh ra tử và cũng là người đã từng cứu ông thoát khỏi lưỡi hái tử thần khi ông bị trọng thương trong Chiến dịch Biên giới năm 1950. Chúng tôi quá bất ngờ. Cùng làng nên biết ông Triệu Trụ từng đi Pháp và có thời gian tham gia kháng chiến. Nhưng điều chúng tôi không ngờ người bạn “phó thường dân” của Thủ trưởng Mai Hiền năm 1939 sang Pháp học Y sỹ. Học xong ông tham gia đoàn quân chiến sỹ quốc tế, theo quân Đồng minh tiến công Phát xít Ý rồi tiến vào Beclin. Kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ 2, ông tham gia hội Việt kiều kín, kéo cờ tại một cơ sở ở Pari nhân Cách mạng tháng Tám thành công. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tạm ước 14/9/1946 nhằm bảo vệ Hiệp định sơ bộ 6/3/1946, cứu vãn Hội nghị Fontainebleau và kéo dài thêm một khoảng thời gian hòa bình quý giá để chuẩn bị kháng chiến, Bác cùng một số trí thức, trong đó có Triệu Trụ trở về nước trên cùng một chuyến tàu…
Ngày 20/10/1946 ông Triệu Trụ gia nhập Vệ quốc đoàn. Sau những ngày chiến đấu ở ô Cầu Dền, Nhà thương Vọng, Việt Nam học xá, Vĩnh Tuy, Yên Phụ trong những ngày toàn quốc kháng chiến tại mặt trận Hà Nội, ông cùng đoàn quân rút lên chiến khu Việt Bắc. Ông được Cục trưởng Cục Quân y Vũ Văn Cẩn phân công nhiệm vụ xây dựng mạng lưới quân y ở Thái Nguyên. Nhưng ông Triệu Trụ thích trở thành một người lính hơn là người phục vụ chiến đấu. Năm 1947, 1948 ông tham gia nhiều trận đánh với đội quân Lê dương của Pháp ở tình Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Mai Hiền và Triệu Trụ đã trở thành những người bạn từ đó.
Tháng 7/1950 họ tham gia Chiến dịch Biên giới, trực tiếp tấn công cụm cứ điểm Đông Khê, một hệ thống phòng thủ của Pháp ở phòng tuyến Cao-Bắc-Lạng. Đông Xuân 1950-1951 tham gia Chiến dịch Trung du. Tháng12/1951- 2/1952 tham gia Chiến dịch Hòa Bình đột phá khu phòng ngự sông Đà, đánh tiêu diệt cụm cứ điểm Tu Vũ. Trong Chiến cục Đông Xuân năm 1953-1954 hai ông đã tham gia hàng chục trận đánh với cương vị chỉ huy trung đội, đại đội, và tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử với cương vị cán bộ chỉ huy tiểu đoàn. Năm 1955 vì lý do gia đình, Triệu Trụ xin phục viên về quê, còn Mai Hiền tiếp tục trong quân ngũ, theo học ở các trường quân sự cấp cao trong, ngoài nước.
Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ khi Thủ trưởng Mai Hiền cho biết ông Triệu Trụ được tặng nhiều giấy khen, bằng khen, 4 huân chương chiến công trong 9 năm kháng chiến cống pháp. Không ai ở làng biết chuyện này. Mọi người chỉ biết ông là một y sỹ giỏi, tận tình chữa trị bệnh cho dân làng từ trẻ đến già trong nhiều năm phụ trách trạm y tế của xã. Ông chỉ chuyên tâm công tác chuyên môn, không tham gia bất kỳ một công tác xã hội nào.
Vì mắc công việc riêng, chuyện xã giao một lúc chúng tôi xin phép hai ông ra về. Thủ trưởng Mai Hiền mời ông Trụ và chúng tôi đến nhà ông chơi vào mấy ngày sau đó. Có lẽ không ở trong quân ngũ những năm chống Mỹ thì chúng tôi không thể lý giải được tình bạn giữa hai người. Hai hoàn cảnh, hai địa vị xã hội, trải qua bao năm tháng thăng trầm nhưng họ vẫn đến với nhau, một vị đại tá, một phó thường dân “khác người, kín tiếng”.
Trong cái cơ chế thị trường đầy biến động này, đồng tiền, địa vị, danh lợi và bao nhiêu mặt trái đáng buồn nổi lên như sóng cồn. Nhưng những con người như họ không bị hoàn cảnh tác động. Tôi được biết khi có công việc to nhỏ, những khi trống vắng họ lại đến với nhau. Khi tôi quay trở về nhà hôm đó vẫn thấy họ ngồi lặng lẽ bên nhau. Trên chiếc bàn nhỏ có hai cốc rượu, một đĩa lạc luộc, một ấm nước vối. Tôi chợt nhớ đến Bài thơ Đồng chí của Chính ủy, Nhà thơ Chính Hữu. Hai, ba cuộc chiến tranh mấy chục năm đã trôi qua, nhưng những người “đồng chí” năm xưa họ vẫn tiếp tục là những người "đồng chí" trong chặng đường cuối của cuộc đời. Tôi ngắm nhìn hai mái đầu bạc trắng muốt, hai khuôn mặt dãi dầu thấp thoáng ánh nắng…
Vào cuối năm 1964, tình hình chính trị ở Lào khá căng thẳng. Theo thỏa thuận của hai đảng, một số lực lượng quân tình nguyện Việt Nam được điều sang giúp bạn. Trung đoàn 9 do Mai Hiền chỉ huy sau một thời gian huấn luyện ở hậu phương được điều đi làm nhiệm vụ quốc tế. Trung đoàn của ông vào chiến trường với khí thế tưng bừng. Mọi người, mọi cấp đều muốn lập công. Chỉ trong hai tháng phối hợp với Quân đội Pathet, đơn vị đã tổ chức nhiều trận phục kích, tập kích, lực lượng phản động tan rã từng mảng. Trên đà thắng lợi, đơn vị quyết định đánh vào Căn cứ Đồng Hến.
Ký ức về trận Đồng Hến cho đến cuối đời Thủ trưởng Mai Hiền vẫn chưa hết nguôi ngoai. Trong trận đánh đó, ông chỉ sử dụng tiểu đoàn 3 cùng 2 khẩu cối 120mm với hơn 300 viên đạn. Qua báo cáo trinh sát, ông và ban chỉ huy trung đoàn cho rằng hỏa lực như thế là quá ổn. Mặc dù Tiểu đoàn 3 là tiểu đoàn mới thành lập nhưng quân số, trang bị khá đầy đủ. Cán bộ chỉ huy lại là những người có kinh nghiệm trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Điều ông không lường hết khi phân đội trinh sát đi thực địa, chuẩn bị cho trận đánh, kẻ địch đã phát hiện được nên tăng cường một chi đội 4 chiếc xe bọc thép và gần một tiểu đoàn bộ binh (điều này sau trận đánh ông mới biết); hai trận địa pháo 105 ở Pha Lan, Sê Nô sẵn sàng chi viện cho căn cứ. Cảm thấy tình hình có chiều hướng bất lợi, ông đã yêu cầu ban chỉ huy tiểu đoàn cân nhắc có nên đánh Đồng Hến ngay hay không. Ông vẫn còn băn khoăn vì địch ở trong lô cốt, có công sự khá vững chắc. Hội nghị Đảng ủy tiểu đoàn 3 mở rộng được triệu tập, bàn bạc xem xét ý kiến của ông, nhưng mọi người vẫn xác định quyết tâm chiến đấu. Hội nghị kết thúc với đa số tán thành. Chỉ huy đơn vị còn chủ quan nhận định: "Địch càng tăng viện, chúng càng bị ta tiêu diệt thêm!". Có lẽ những trận thắng dễ dàng trước đó đã khiến ông xuôi chiều.
Đêm 7/3/1965, tiểu đoàn chiếm lĩnh trận địa theo đúng kế hoạch. Khi triển khai vị trí chiến đấu, mũi 2 tiến công hướng chủ yếu đi lạc đường nhập vào mũi 1, bộ đội dồn lại trên bãi đất trống. Giờ "G" đã đến, hai khẩu cối 120mm bắn cấp tập vào mục tiêu khoảng 40 phút. Đội mở cửa dùng hết bộc phá mà hàng rào kẽm gai vẫn còn (kẻ địch mới bổ sung thêm hàng rào kẽm gai và cự mã sau trinh sát). Mũi xung kích vướng rào không vào được. Hỏa lực của địch trong đồn bắn ra quyết liệt. Pháo của địch ở hai trận địa Pha Lan và Sê Nô bắn dồn dập vào đội hình.
Bộ đội tắc ở địa hình trống trải, không chuẩn bị giao thông hào và công sự, thương vong tăng lên từng giờ. Ban chỉ huy tiểu đoàn lúng túng, tiến không được mà lui thì chưa có lệnh. Cho đến sáng, tiểu đoàn trưởng Hoàng Thăng mới xốc lại đội hình, tổ chức bộ đội phá rào và cự mã để phát triển chiến đấu, nhưng ông bị trúng đạn hy sinh. Tiểu đoàn phó lên thay cũng bị trúng đạn phải đưa về tuyến sau. Trận đánh kết thúc, tiểu đoàn bị thương vong nặng nề.
Trận đánh thất bại bắt nguồn từ sai lầm chủ quan khinh địch. Do nhận định sai, trung đoàn đã không thực hiện đúng phương châm chỉ đạo của Bộ chỉ nên đánh địch ngoài công sự. Nếu đánh địch trong lô cốt và công sự thì phải thật chắc thắng mới đánh. Việc chủ quan, đánh giá thấp địch đã dẫn đến việc giao nhiệm vụ tác chiến cho tiểu đoàn 3, một đơn vị tuy sung sức, đủ quân số, trang bị nhưng chưa kinh qua chiến đấu và chưa được thực hành đánh công kiên.
Đây là trận đánh cấp tiểu đoàn đầu tiên ông không cùng đi trinh sát thực địa do bị ốm. Đơn vị trinh sát sơ hở để lộ ý đồ chiến thuật. Đó là một sơ hở chết người mà dù xảy ra ở đâu, khi nào, cũng đều phải trả giá đắt. Chính sơ hở này dẫn đến việc địch bí mật bố trí thêm cự mã, tăng cường lực lượng. Chúng bố trí thêm 3 hàng kẽm gai và cự mã, dẫn đến việc chuẩn bị bộc phá không đủ. Chúng còn chôn 2 xe M113 chìm dưới đất làm hỏa điểm ngầm mà ta không phát hiện được.
Chỉ huy trận đánh này bị động, lúng túng và xử lý tình huống thiếu quyết đoán. Khi triển khai lực lượng, một mũi trên hướng chủ yếu đi nhầm đường nhập thành một, cán bộ chỉ huy không có biện pháp giải quyết; khi hết bộc phá, hàng rào còn, bộ đội bị ùn tắc trước cửa mở cũng không có biện pháp xử trí kịp thời. Và khi tiểu đoàn đã không còn khả năng phát triển chiến đấu, Tiểu đoàn trưởng lại không ra lệnh kết thúc trận đánh.
Thất bại ở trận Đồng Hến đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 9 cũng như uy tín chính trị của đơn vị. Cộng thêm những khó khăn gian khổ mùa mưa mà đơn vị phải trải qua trên đất bạn. Mưa như trút nước. Mưa tầm tã ngày đêm. Đường vận chuyển ùn ứ. Địa hình lạ lẫm. Công tác hậu cần gặp rất nhiều khó khăn. Gạo thiếu, muối hết, thuốc men không đủ. Chiến sỹ đói lay lắt. Đã vậy, sốt rét lại bùng phát. Có đại đội bị sốt rét đến 40 người. Người ngã bệnh đau đầu, đau lưng nhức nhối đến xương tủy. Da người nào người nấy vàng như nghệ. Tóc rụng hàng mảng. Sốt rét ác tính ở Lào chỉ một trận là quỵ. Hàng trăm chiến sỹ hy sinh…
Thủ trưởng Mai Hiền ứa nước mắt kiểm điểm trước đảng ủy trung đoàn. Trong hàng chục năm cầm quân chưa bao giờ ông thấy tổn thất xương máu nhiều đến mức như vậy. Khi đơn vị qua phà Địa Lợi về đến Quảng Bình, được nhân dân cơm cháo đùm bọc, yêu thương hết lòng, ông càng cảm thất đau xót. Nỗi đau đeo đẳng theo ông cho đến tận cuối đời.
Cấp trên đã có ý định giải thể Trung đoàn 9, ông Lê Khả Phiêu và ông đã trực tiếp gặp Quân ủy Trung ương xin giữ lại trung đoàn. Chỉ trong một thời gian ngắn chỉnh huấn, chỉnh quân, Trung đoàn 9 đã trở thành một trong những trung đoàn đứng đầu toàn quân. Cuối năm 1965 Trung đoàn được điều vào chiến trường Trị Thiên. Trung đoàn đã liên tục giành được những thắng lợi quan trọng ở La Vang, Mỹ Thủy… Đặc biệt trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân 1968, Trung đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cùng với Sư đoàn 324, quân và dân Thừa Thiên- Huế giải phóng và giữ vững thành phố Huế trong 25 ngày. Tiếp theo đó trung đoàn đã đương đầu với Sư đoàn Thủy quân lục chiến, Sư đoàn Kỵ binh bay số 1, Sư đoàn Dù 101 Mỹ, kiên cường giữ vững địa bàn trong suốt năm 1968, năm 1969. Đặc biệt là trận đánh ở Động A Tây, một tiểu đoàn của trung đoàn đã loại khỏi vòng chiến đấu một tiều đoàn Dù Mỹ. Trong cuốn Đồi Thịt băm, tác giả Zaffiri gọi A Tây ở huyện A Lưới là sườn núi suối máu, là chương bi thảm nhất trong lịch sử chiến tranh của Sư đoàn Dù 101.
Thủ trưởng Mai Hiền đã chỉ huy nhiều trận đánh lớn ở Mặt trận Trị Thiên. Cuối năm 1969 ông được điều về làm Tư lệnh phó Sư đoàn 324. Theo kế hoạch của Quân khu Trị Thiên, ông tổ chức nhiều đợt tập huấn cho các cán bộ cấp đại đội, tiểu đoàn của Sư 324 để nâng cao trình độ chính trị cũng như chuyên môn nghiệp vụ. Trong các lớp học này, cán bộ chỉ huy các cấp còn được học về nguyên tắc chiến thuật tiến công, phòng ngự, chiến thuật chốt kết hợp vận động tấn công…
Sau này Thiếu tướng Tăng Văn Miêu , Thiếu tướng Lê Huy Mai, Đại tá Hồ Hữu Lan, Đại tá Phan Đân và nhiều cán bộ trẻ của Sư đoàn thời kỳ đó kể lại, Thủ trưởng Mai Hiền đã giúp các ông “trưởng thành hơn, kinh nghiệm hơn, vững vàng tự tin hơn để bước vào cuộc chiến”. Thủ trưởng giảng bài vừa mang tính lý luận vừa mang tính thực tiễn, hoàn toàn thuyết phục. Ông “phân tích rất kỹ những thủ đoạn của địch, những mặt mạnh mặt yếu của ta trong từng trận đánh”. Ông trực tiếp làm mẫu các động tác cá nhân tại công sự, chiến hào trong chiến đấu. Điều đặc biệt là Thủ trưởng luôn nhắc lại trận Đồng Hến, ông ân hận trách mình và chia sẻ với mọi người về bài học xương máu. Trong Hồi ký Trung đoàn một thời chiến trận, Đại tá Hồ Hữu lạn, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3 Sư 324 đã dành nhiều tình cảm, sự kính trọng và lòng biết ơn của ông với Thủ trường Mai Hiền. Bài học xương máu của Thủ trưởng Mai Hiền là không bao giờ được chủ quan khinh địch. Trong chiến đấu “phải nắm chắc địch, phải đến tận mục tiêu chiến đấu nắm địch, không đơn thuần chỉ nghe báo cáo của trinh sát” (Hồ Hữu Lạn, Trung đoàn một thời chiến trận).
Với tinh thần đó Tư lệnh phó Sư đoàn Mai Hiền đã trực tiếp cùng cán bộ, chiến sỹ đi trinh sát Cốc Bai trong chiến dịch 935-Cốc Bai (Chiến dịch có tầm quan trọng đặc biệt trong việc xóa bỏ hệ thống phòng thủ cuối cùng của Mỹ ngụy ở Mặt trận Trị Thiên. Với vị trí chiến lược, Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu đã bay đến Căn cứ Cốc Bai kêu gọi binh lính tử thủ). Thủ trưởng gần gũi cấp dưới và chiến sỹ, cùng ăn cháo, ăn rau môn thục, rau tàu bay thay cơm suốt mấy tháng chiến dịch. Ông bám sát chỉ đạo từng trận đánh của các phân đội, cả hỏa lực và bộ binh. Thiếu tướng Lê Huy Mai, nguyên Trưởng ban Trinh- sát Đặc công Sư 324 thời kỳ đó đánh giá về ông trong cuốn Hồi ký Từ Châu thổ Sông Hồng đến Sông Hương xứ Huế: “Gần ba tháng ròng rã Trung đoàn 3 bao vây Cứ điểm Cốc Bai. Phó Tư lệnh Sư đoàn Mai Hiền bám sát đơn vị, đồng cam cộng khổ. Ông sâu sát chỉ đạo từng trận đánh. Nhờ kinh nghiệm quý báu trong bao vây, đánh lấn cứ điểm địch từ thời Pháp để lại, ông đã giúp các đơn vị của trung đoàn đánh thắng nhiều trận trong suốt quá trình bao vây, tiến công Cứ điểm Cốc Bai”.
Tư lệnh Chu Phương Đới, Phó Tư lênh Mai Hiền đã chỉ đạo Trung đoàn 1, Trung đoàn 3 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và “mở ra một cục diện mới ở Mặt trận Trị Thiên” như Thư biểu dương của Quân ủy Trung ương sau chiến thắng 935- Cốc Bai năm 1970. Thủ trưởng Mai Hiền chỉ tiếc là đơn vị không bắn chết được Nguyễn Văn Thiệu vì phân đội vận tải quá đói, kiệt sức không mang được đạn cối lên trận địa (Anh Phạm huỳnh Công, anh Bài, anh Bát, 3 cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 3 nằm trong hàng rào kẽm gai, nhìn thấy máy bay trong tầm bắn nhưng không biết đó là máy bay của tổng thống ngụy).
Cuộc đời binh nghiệp của Thủ trưởng Mai Hiền còn có rất nhiều điều để nói. Tôi chi tóm tắt vài nét về ông trong cuộc Chiến tranh Biên giới phía Bắc. Cuối năm 1978 Đại tá Mai Hiền được điều về làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 338. Sư đoàn của ông được giao nhiệm vụ hoạt động, chiến đấu chống quân bành trướng Trung Quốc tại hai huyện Lộc Bình và Đình Lập tỉnh Lạng Sơn; bảo vệ an toàn mỏ than Na Dương và các công trình kinh tế, an ninh quốc phòng tại biên giới Lạng Sơn. Từ đầu tháng 2/1979 đến khi Trung Quốc buộc phải rút quân trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn, ông và tập thể cán bộ sư đoàn đã tổ chức 28 trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt hơn 7500 tên địch, làm thiệt hại 2 trung đoàn pháo binh, bộ binh cùng nhiều phương tiện chiến tranh.
Đại tá Mai Hiền và cán bộ chiến sỹ sư đoàn đã tổ chức chốt phòng thủ kết hợp tấn công, bao vây đánh lấn điểm cao, thậm chí tiến công sâu vào hậu phương kẻ địch đầy hiệu quả với thương vong ít đến mức khó tin. Lấy một ví dụ, chỉ với một chốt ba người của một tiểu đội thuộc Đại đội 10, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 460, tổ tam tam đã đẩy lùi 7 cuộc tấn công và tiêu diệt một đại đội quân xâm lược bành trướng trong một ngày mà không có ai hy sinh.
Với bề dầy kinh nghiệm hơn 30 năm cầm quân trong hai cuộc chiến ở ba chiến trường, ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Quân ủy Trung ương giao cho. Sư đoàn của ông đã được Quốc hội và Chính phủ tặng thưởng 4 huân chương quân công, bốn huân chương chiến công hạng nhất, 10 huân chương chiến công hạng nhì, 102 huân chương chiến công hạng 3.
Điều ấn tượng nhất và xúc động nhất với tôi là khi ông Triệu Trụ, một “phó thường dân” mất, Thủ trưởng Mai Hiền và một số tướng tá đã đến dự lễ tang (khi ông Triệu Trụ tổ chức Thượng thọ 80 tuổi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có đến thăm và chúc mừng). Tôi còn nhớ lúc hạ huyệt tại nghĩa trang làng Triều Khúc, Thủ trưởng Mai Hiền tay run run xúc xẻng cát, tôi nghe rõ lời ông nói: “Anh đi nhé! Ở nơi đó người thân và đồng đội đang chờ anh”.
Tháng trước tôi nhận được tin cựu chiến binh Trung tá Đặng Văn Việt, hùm xám đường số 4, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174, một trong 3 trung đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, người đã chỉ huy 120 trận đánh lớn nhỏ, “một sáng tạo về quân sự” (lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp), người đã góp phần không nhỏ trong chiến thắng ở Cụm cứ điểm Đông Khê năm 1950, ông đã đi hết quãng đường cuối trên cõi dương thế. Có lẽ ông Đặng Văn Việt là người bạn ra đi cuối cùng trong đám tang của ông Triệu Trụ.
Vì Covid đến hôm nay tôi mới đến gặp con ông Triệu Trụ là Triệu Chiến, trung tá quân đội đã nghỉ hưu để tìm hiểu thêm về tình bạn của những con người đáng kính trọng. Tôi được biết thêm một chi tiết, ông Triệu Trụ còn là thủ trưởng của Đại tá Mai Hiền. Anh Triệu Chiến cho tôi biết, “có lần Đại tá Mai Hiền nói với bố tôi: Anh mãi là tướng của bọn em”!
Đúng là trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc đầy dẫy những điều bất ngờ. Có biết bao người không được ghi tên vào quốc sử, nhưng hậu thế sẽ còn mãi mãi nhớ đến họ. Ông Đặng Văn Việt, ông Triệu Trụ và Đại tá Mai Hiền là những người trong số đó. Mặc dù Thủ trưởng Mai Hiền mất đã lâu, hôm nay tôi mới hiểu thêm đôi nét về ông. Nhân ngày thành lập quân đội, chúng tôi những cựu chiến binh Sư đoàn 324 xin được gửi lời tri ân tới Thủ trưởng. Chúng tôi tin rằng nếu có “nơi đó” như lời Thủ trưởng vĩnh biệt người bạn, người đồng chí, người anh, người chỉ huy thì “Ở nơi đó” chắc sẽ có rất nhiều đồng đội tổ chức lễ tri ân ông vào ngày kỷ niệm trọng đại và vinh quang của dân tộc, ngày 22/12!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.