Cảm nghĩ về tuyên bố của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị

Leave a Comment

 Cảm nghĩ về tuyên bố của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị

Ngày 17/1 Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố: “Bắc Kinh sẽ không dùng sức mạnh để bắt nạt các nước láng giềng trong khu vực Biển Đông như Philippines”. Trong tuyến bố của mình ông ta còn nói: "Chỉ nhấn mạnh yêu sách của chỉ một phía và áp đặt ý chí của mình lên người khác không phải là cách thích hợp để các nước láng giềng đối xử với nhau. Điều này đi ngược lại triết học phương Đông về việc con người nên hòa hợp với nhau".
Tuyên bố trên của ông Nghị diễn ra trong Diễn đàn trực tuyến do Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila và một nhóm vận động của Philippines tổ chức. Trong diễn đàn ông Nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông một cách hòa bình. Đó là chuyện riêng của hai nước. Lẽ ra chúng ta không nên xía vào. Nhưng vì nó có liên quan đến Việt Nam và cả khối ASEAN nên tôi phải có đôi lời. Theo tôi lời lẽ giả nhân giả nghĩa của ông Nghị đã trở nên quá nhàm chán đối với những người có chút hiểu biết về tình hình biển Đông.
Ngày 19/1/1974 Trung Quốc đã xâm chiếm đảo Phú Lâm và một số đảo trong Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ngày 18/2/1988 Trung Quốc xâm chiếm 5 đảo trong Quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tháng 6/2012 Trung Quốc xâm chiếm Bãi cạn Scarborough từ Philippines. Năm 2014 Trung Quốc biến những đảo xâm chiếm trên trở thành những căn cứ quân sự nổi trên Biển Đông. Gần đây nhất ngày 1/12 Trung Quốc yêu cầu Indonesia ngừng khoan khai thác dầu khí thuộc Quần đảo Natuna của Indonesia “vì nó đang diễn ra trên lãnh hải của Trung Quốc” (cũng giống như nhiều lần Trung Quốc yêu cầu Việt Nam và Malaisia ngừng khoan thăm dò dầu khí trên thềm lục địa của hai nước). Đúng là hành động kẻ cướp lớn nhất thời đại. Các nước trong khối ASEAN ngày càng lo ngại chung về Trung Quốc, cũng như hành vi bành trướng cơ bắp, sự lấn lướt ngày càng gia tăng của chủ nghĩa đại Hán.
Hành động của Trung Quốc có thể được coi là một trong những động lực chính cho sự phát triển quan hệ giữa Mỹ và các nước ASEAN trong thời gian qua. Indonesia không những không dừng hoạt động khoan dầu của họ, vì đó là lãnh hải của họ, Indonesia còn tiến hành cuộc tập trận với 4500 binh sỹ Mỹ trên vùng biển mang tên Lá chắn Garuda, bất chấp “quan ngại về sự ổn định an ninh trong khu vực của Trung Quốc”. Còn về phía Philippines, sau khi Trung Quốc ngăn chặn một tàu tiếp tế quân sự trên vùng lãnh hải của mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này đã chỉ trích hành động “xâm nhập” lãnh hải trái phép, hành động “bắt nạt” nguy hiểm. Trước lời lên án của Philippines, Mỹ, một đồng minh có hiệp ước với Philippines đã cảnh báo Trung Quốc rằng nếu tàu Philippines bị tấn công, Washington sẽ hành động theo các cam kết phòng thủ chung với Manila.
Tuyên bố của Vương Nghị Bắc Kinh sẽ không dùng sức mạnh để bắt nạt các nước láng giềng trong khu vực Biển Đông được đưa ra trong bối cảnh trên. Tuyên bố như tôi viết nếu không giả nhân giả nghĩa thì sẽ giải thích như thế nào về việc làm của Mao Trạch Đông, người đã ký quyết định xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974, giải thích như thế nào về việc Đặng Tiểu Bình, người phát động cuộc Chiến tranh biến giới Việt Nam Năm 1979, và xâm chiếm 5 đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988 (Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Tư Nghĩa, Xu Bi).
Tuyên bố của ông Nghị ngoài việc xoa dịu dư luận thế giới, xoa dịu sự phẫn nộ của người dân ASEAN còn một hàm ý Bắc Kinh muốn thương lượng hòa bình để giải quyết những tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Có nghĩa là Vương Nghị vẫn cứ bám víu vào chủ quyền lịch sử, tự vẽ ra cái gọi là đường lưỡi bò chín đoạn, vẽ ra tranh chấp để giành giật lãnh hải. Ông ta cố tình lờ đi Phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế ngày 12/7/2016; Tòa án Trọng tài do Philippines kiện Trung Quốc đã bác bỏ chủ quyền lịch sử, bác bỏ đường chín đoạn vô căn cứ của Trung Quốc.
Tình hình Biển Đông đã trở nên căng thẳng trong năm vừa qua. Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc rơi vào bế tắc do các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc mà họ nói dựa trên các bản đồ lịch sử. Bắc Kinh đã bị các nước phương Tây cáo buộc là gây hấn và khiêu khích bằng cách triển khai hàng trăm tàu hải cảnh và tàu đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng, trong đó có Philippines và Việt Nam.
Trong diễn đàn Vương Nghị còn nói Trung Quốc hy vọng có thể cùng Philippines quản lý và giải quyết vấn đề "một cách phù hợp, trên tinh thần thiện chí". Tôi nghĩ là vấn đề Biển Đông sẽ vẫn là một trong những động lực quan trọng cho quan hệ song phương giữa Philippines và Trung Quốc cũng như giữa Mỹ và Philippines. Mặc dầu dưới thời Tổng thống Rodrigo Dutert quan hệ giữa Philippines với Mỹ và Trung Quốc có vẻ khá cân bằng. Sự cân bằng mong manh này chắc sẽ bị phá vỡ bởi chính Trung Quốc trong nhiệm kỳ tổng thống sắp tới của Philippines. Người Philippines muốn có một sự cân bằng chiến lược trong khu vực và có sự can dự của các cường quốc bên ngoài như Anh, Đức, Pháp, Nhật, thậm chí cả Ấn Độ để cân bằng lại sức mạnh của Trung Quốc, trong bối cảnh mà các nước trong khu vực chênh lệch quá lớn về sức mạnh so với Trung Quốc. Chính vì vậy sự tham gia của những nước như Hoa Kỳ hay các đồng minh của Hoa Kỳ ở bên ngoài vào khu vực Biển Đông thì sẽ có lợi cho Philippines và các nước ASEAN (ngoại trừ một hai nước quá phụ thuộc vào Trung Quốc).
Philippines sẽ trông chờ vào sự tiếp tục hiện diện của Hoa Kỳ ở khu vực, đặc biệt là về mặt quân sự. Philippines trông chờ việc duy trì trật tự khu vực dựa trên luật lệ mà Hoa Kỳ và các nước đồng minh rất muốn, đặc biệt là việc bảo đảm luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Philippines cũng mong chờ Hoa Kỳ ủng hộ trong các diễn đàn quốc tế, để nâng cao vị thế trong việc ứng phó với sức ép của Trung Quốc. Tiếp theo Philippines cũng trông chờ Hoa Kỳ giúp tăng cường năng lực hải quân qua các cuộc tập trận chung. Cuối cùng quan trong nhất, Philippines muốn Hoa Kỳ duy trì các hoạt động trên thực địa để có thể kiểm soát các hành vi của Trung Quốc. Và nếu quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc vì lý do nào đó bị đổ vỡ họ sẽ kích hoạt Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ-Philippines. Đây chính là điều Trung Quốc lo ngại buộc Vương Nghị phải dịu giọng trong diễn đàn trực tuyến do Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila và một nhóm vận động của Philippines tổ chức.
Người ta thường nói “Giang sơn dễ đổi bản tính khó dời”. Câu nói này hoàn toàn thích hợp với những nhà cầm quyền bành trướng Bắc Kinh từ xưa đến nay. Mặc dầu họ có che đậy bằng những lời lẽ mỹ miều đến đâu thì bản tính họ vẫn là kẻ bành trướng”: cướp đất, cước nước của dân tộc khác.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.