Cảm nghĩ về một chuyến bay

Leave a Comment

 Cảm nghĩ về một chuyến bay

Trước hôm xuất cảnh sang Mỹ phải xét nghiệm vi-rút COVID-19. Đây là điều bắt buộc đối với tất cả hành khách từ hai tuổi trở lên nếu đi bằng phương tiện đường hàng không. Hành khách phải kiểm tra chuỗi phân tử phản ứng polymerase (PCR) sau 6 đến 8 tiếng mới có kết quả. Theo quy định, giấy chứng nhận song ngữ chỉ có giá trị trong 24 giờ. Thật quá gấp gáp khi 3 giờ chiều tôi phải lên máy bay vào thành phố Hồ Chí Minh. Thế là 10 giờ đêm trước ngày bay phải đi đến bệnh viện cách xa nhà gần chục km xét nghiệm.
Sáng sớm hôm khởi hành dậy sớm đến bệnh viện lấy kết quả xét nghiệm. Thật sốc vì bộ phận văn phòng bệnh viện không in được kết quả do lỗi phần mềm. Chờ đợi hơn một tiếng bộ phận IT của bệnh viện vẫn không xử lý được. Khách ùn ùn tập trung ở phòng lấy kết quả. Không chỉ có người Việt, còn có cả người Hàn, người Nhật, người Trung Quốc… Tất cả đều bức xúc, ngao ngán. Một số người to tiếng vì đã đến giờ họ phải ra sân bay.
Ba nhân viên của bệnh viện nháo nhào, ra sức thanh minh. Và cuối cùng phải dừng việc xét nghiệm. Nếu người nào đó muốn xét nghiệm, bệnh viện không đảm bảo có kết quả nếu vẫn lỗi hệ thống phần mềm. Một số người phải bỏ đi đến bệnh viện khác. Riêng tôi thì chịu chết. Không thể nhờ ai giúp đỡ được. Vì nếu có đến bệnh viện nào đó thì cũng quá giờ bay mới có kết quả. Vé máy bay thì không thể thay đổi được nữa. Chắc bệnh viện họ cũng không chịu trách nhiệm hoàn trả vì lý do bất khả kháng. Nhưng điều quan trọng hơn là nếu lui lại, tôi không thể đi thăm các cháu trong năm nay.
Mọi người đã ra về hết. Chỉ còn lại một mình tôi chờ đợi trong tâm trạng tuyệt vọng. Buồn hơn, cũng trong buổi sáng nay, anh em cựu chiến binh Trung đoàn 3 của tôi cũng khởi hành chuyến đi thăm lại chiến trường xưa. Anh em đồng đội trước đó vẫn mong muốn tôi tham dự và tôi cũng rất muốn đi cùng. Việc không có giấy xác nhận của bệnh viện khiến tôi lâm vào tình cảnh “xôi hỏng, bỏng không”.
May đến 8 giờ máy in bệnh viện chạy. Tôi là người đầu tiên lấy được giấy xét nghiệm. Vội vã trở về nhà, chuẩn bị thêm một só thứ cần thiết, ăn cơm và ra sân bay. Không chỉ giấy xét nghiệm mà còn phải có giấy xác nhận đã tiêm ít nhất đủ hai mũi COVID. Thật may tôi đã tiêm 3 mũi, lại xin được giấy xác nhận của cơ sở y tế. Nếu không thì cũng không chắc qua được cửa sân bay.
Các cháu nhà tôi đã mua vé bay thẳng từ thành phố Hồ Chí Minh đến thành phố San Francisco, không quá cảnh qua Hàn, Nhật hay ở Trung Quốc như những lần trước mặc dù giá vé quá cảnh qua những nước đó rẻ gần một nửa; các cháu sợ rằng quá cảnh ở 3 nước trên vài tiếng nếu dính dịch thì quá nguy hiểm.
Đúng là là một ngày không may mắn. Máy bay xuống sân bay Tân Sơn Nhất chậm gần một tiếng vì thời tiết xấu không hạ cánh được do mưa dông có sét. Tôi phải vừa đi vừa chạy từ cảng nội địa đến cảng quốc tế. Vội vã làm xong bao thủ tục phiền phức từ hộ chiếu, vé đến cởi giày, thắt lưng, khám xét… Vậy mà qua cửa máy vẫn phát ra tiếng kêu. Cán bộ hải quan gắt lên với tôi. Thì ra còn chiếc bút máy cài trên túi áo ngực chưa bỏ ra…
Chưa hết, qua cảng hàng không quốc tế, hành khách chúng tôi phải đứng ở dưới mái tôn nóng hầm hập đến hơn 10 phút mới có ô tô đến đón ra máy bay. Mồ hôi thấm đẫm áo trong áo ngoài. Tôi nhiều lần bay ra nước ngoài trong hơn chục năm qua, nhưng chưa bao giờ tôi thấy cập rập, vất vả và ức chế như lần này. Thật thất vọng về chuyến bay thẳng mà tôi đã từng mong mỏi trong bao nhiêu năm nay.
Ngồi trên máy bay, bao nỗi bực dọc chợt tan biến khi tôi lướt qua dòng thời sự quốc tế về chiến tranh Nga-Ucraina và dịch bệnh COVID ở Trung Quốc, Triều Tiên trên màn hình ipad. Những điều khó chịu trong ngày của tôi chẳng có nghĩa lý gì, chẳng thấm tháp gì so với nỗi đau khổ, mất mát và tuyệt vọng mà hàng chục triệu con người trên thế giới đang phải chịu. Quả thật cái tâm chấp trước của cá nhân còn quá lớn.
Tôi nhớ sau năm 1991, khi học một chuyên đề với các giáo sư quan hệ quốc tế trong ngoài nước về hệ thống quan hệ quốc tế đơn cực, một thế giới bước vào thời kỳ toàn cầu hóa mới. Các thầy đều cho rằng hòa bình là dòng chảy chính của thời đại. Vậy mà đã xảy ra gần 40 cuộc chiến tranh kể từ đó đến nay. Và trong những ngày này một cuộc chiến trên quy mô toàn cầu vẫn đang treo lơ lửng ở cái khu vực văn minh đã từng diễn ra hai cuộc thế chiến cướp đi cuộc sống của hàng trăm triệu con người, khi mà dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc. 6,27 triệu người đã chết vì vi-rút. Đúng là một thế giới đầy biến động, không ai có thể biết ngày mai còn xảy ra cái gì nữa. Và cá nhân mỗi người chỉ là một hạt bụi trong cõi trần gian. Phải biết chấp nhận tất cả.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.